62 Mùa Đông

Chương 6: Tuy Hoá (3)



Gọi cho Dương Gia Bắc chủ yếu là vì chiếc áo khoác của anh.

Áo khoác đã được giặt xong từ lâu, mềm mại, sạch sẽ, không có mùi nào khác. Sau khi nghỉ việc, Tống Mạt không dùng nước hoa nữa, nhưng chắc mũi cô có vấn đề, cứ thấy trên người mình vẫn thoang thoảng mùi nước hoa còn lưu lại.

Dù sao mượn áo người ta thì phải giặt sạch xong mới trả chứ.

Cho dù đối phương là Dương Gia Bắc.

Ngày mai là ngày giỗ của ông nội. Năm năm qua Tống Mạt không về quê, lần này trở về, dường như trong nhà chẳng còn chỗ cho cô nữa. Chỗ mẹ cô thì thôi không bàn, nhưng bố cô bây giờ đã có gia đình mới từ lâu. Thật ra người vợ thứ hai của ông không tồi, cậu em kia cũng hiểu chuyện, còn hiền hoà mời cô ăn cơm cùng… Nhưng Tống Mạt thức thời không quấy rầy cuộc sống hoà thuận đầm ấm của bọn họ, nói rằng mình không cần, ở trong khách sạn cũng được.

Tống Mạt định mai gặp Dương Gia Bắc sẽ trả lại áo cho anh nhưng Dương Gia Bắc từ chối.

“Ngày mai bận rộn, dễ quên.” Anh nói, “Hay là tối nay gặp đi, tối tôi rảnh.”

Tống Mạt đưa mắt nhìn ra ngoài theo bản năng.

Màn đêm đã buông xuống.

Cô hỏi lại: “Bây giờ á?”

“Ừ, em ở khách sạn nào?”

“… Trí nhớ của tôi không tồi.” Tống Mạt đáp, “Để mai đi.”

“Trí nhớ của em đúng là không tồi thật, đi taxi cũng bỏ quên hành lý cơ mà.” Dương Gia Bắc nói, “Em chia sẻ vị trí cho tôi, tôi lái xe đến.”

Tống Mạt: “…”



Cứ thế quyết định rồi.

Tống Mạt chia sẻ vị trí của mình cho anh.

Tuy Hoá chẳng lớn là bao, Tống Mạt nhìn lịch trình di chuyển dự kiến, đúng là rất gần, chắc tốn khoảng 20 phút. Cô ngủ cả buổi chiều, thức dậy vào lúc hoàng hôn – khoảng thời gian tồi tệ nhất trong ngày, xung quanh chỉ toàn sự cô độc và tĩnh lặng. Khi mở mắt ra và nhìn thấy ánh chiều hôm ngoài cửa sổ, bỗng dưng cô lại muốn chết.

Tống Mạt rửa mặt sạch sẽ, thoa kem dưỡng da, tô chút son rồi ngồi bên giường lặng lẽ nhìn kim giây từ từ di chuyển từng chút một.

Dường như sau khi gọi cho Dương Gia Bắc xong, rốt cuộc Tống Mạt cũng có cảm giác mình đã thực sự về đến nhà.

Cuối cùng cô cũng trở lại, trở lại thành phố xa lạ mà quen thuộc này.

Tống Mạt đã quên mất mình từng đọc được câu nói này ở đâu, rằng hình như những người Đông Bắc thuộc thế hệ bọn họ sinh ra là để rời khỏi nơi này.

Khác với những tỉnh khác, khi rời khỏi đây, ba tỉnh Đông Bắc đều được gọi chung là người Đông Bắc. Người nhà thường nói đi qua Sơn Hải Quan chính là nhà, nhưng ngoài kia cũng có người nói ——

“Đầu tư thì phải vào Sơn Hải Quan.”

Gió lạnh thấu xương nhưng khó làm nguội đi nhiệt huyết trong lòng.

Tống Mạt rời khỏi nơi này không phải vì muốn “trốn” mà thực ra cô muốn tìm cho mình một phần mộ yên tĩnh.

Hồi còn công tác ở Bắc Kinh, có hôm đi nhậu, một người đồng hương từng đùa rằng: “Ngoài Đông Bắc ra thì ở đâu cũng có thể thấy người Đông Bắc.” Đùa là thế nhưng cũng không hẳn là sai.

Cho dù đi làm, đi chơi hay là đi ăn thì vẫn có thể thường xuyên nghe thấy giọng Đông Bắc quen thuộc. Người khác còn đỡ chứ Tống Mạt mỗi khi nghe thấy đều nhớ lại chuyện cũ, về cuộc đời 17 năm trước, người bán hàng rong ngoài cửa sổ hay rao ——

“Bánh tổ —— Bánh nếp —— Bánh nếp cuộn chiên nào ——”

“Ngô chiên nóng hôi hổi đây ——”

“Ngô chiên nóng hổi vừa thổi vừa ăn ——”

Làm gì có ai muốn đi tha hương?

Khu vực này thường xuyên xảy ra tranh chấp, nào ai nhớ rõ ba tỉnh vùng Đông Bắc mới là con cả của Trung Quốc mới với gân cốt là bê tông, mạch máu là dầu mỏ, bắp thịt là đất đen.

Người ta nói Đông Bắc rét căm căm, nhưng Tống Mạt yêu lắm cái khí hậu nơi đây, lạnh căm, lạnh buốt, lạnh lẽo, hít thật sâu một hơi là có thể tẩy sạch hai lá phổi của mình.

Nhưng cô rời khỏi nơi này lâu quá rồi, lâu đến độ quên cả cái lạnh của nơi đây, mãi cho đến hôm qua mới đi mua cho mình một chiếc áo phao dày, dài đến mắt cá chân.



Chạng vạng tối, trời lại đổ tuyết, may là không lớn. Lúc Dương Gia Bắc gõ cửa phòng, Tống Mạt vốn đang xách theo chiếc túi đựng áo khoác của anh. Nghe Dương Gia Bắc nói bên ngoài tuyết đang rơi, cô sửng sốt.

“Đi ăn trước.” Dương Gia Bắc nói, “Tuyết rơi cầm đồ theo không tiện, ăn xong rồi tính.”

Tống Mạt: “Không thì cứ bỏ vào xe anh ấy.”

“Thôi.” Dương Gia Bắc bác bỏ, “Chỗ đậu xe ở bên này đông quá, tôi đậu xe ở chỗ khác xa lắm. Lát nữa đưa em lên phòng tôi lấy áo cũng không muộn.”

Vậy cũng được.

Tống Mạt yên lặng đặt túi áo xuống.

Quán cũng gần đó. Người phương Bắc quen thấy tuyết rơi, trừ khi bão tuyết còn không thì chẳng cần dùng ô cũng được. Cây cối bên đường và những chiếc giày trượt băng treo trên các cửa hàng như đã được gột sạch từ lâu, ánh đèn sáng rỡ, phản chiếu lớp tuyết dày và mịn. Khi đi lại, bước trên tuyết là đỡ trơn trượt nhất, mà những nơi có lẫn nước, đặc biệt là trên những viên gạch vuông, mới cần phải chú ý. Tuyết nửa tan nửa chảy, một khi kết thành băng thì trơn ngã dập mặt.

Dọc đường đi, Tống Mạt cẩn thận tránh những chỗ trơn trượt. Cô đi theo Dương Gia Bắc, thấy anh thuộc đường thuộc nẻo bước vào quán ăn nào đó. Nhiều năm xa quê, giờ quay về cố hương, ở đây cô như một vị khách vậy. Những chỗ quen giờ đã dần biến mất, một loạt cửa hàng mới lần lượt khai trương, như rửa sạch bầu không khí lành lạnh, rửa sạch lá phổi, cũng rửa sạch ký ức của cô.

Người ta nói ẩm thực Đông Bắc cũng giống với tính cách của con người nơi đây, rộng rãi và thẳng thắn, tên món ăn không cầu kỳ hoa mỹ, lượng vừa đủ, phong phú đa dạng. Dương Gia Bắc vẫn gọi nhiều khi mọi khi, thịt lợn chiên xốt cay, nộm dưa chuột, thịt bò xào măng và thêm một phần nấm xé sợi chiên giòn. Tống Mạt vốn không đói nhưng nhìn anh ăn, mình cũng cầm đũa tráng qua nước nóng rồi gắp vài miếng.

Hai người không nói chuyện nhiều, dường như thời gian có thể biến người trước mặt trở thành người xa lạ. Tống Mạt hơi không quen với một Dương Gia Bắc lạnh nhạt như thế này, nhưng cô cũng hiểu được.

Dù sao thì người bỗng nhiên buông lời chia tay lúc ấy chính là cô.

Hiện giờ Dương Gia Bắc có thể chăm sóc cô như cô em gái nhà bên đã là tốt lắm rồi.

Tống Mạt gọi bia Cáp Nhĩ Tân, Dương Gia Bắc không cản mà chỉ trầm mặc nhìn cô uống. Uống được nửa chai, Tống Mạt còn hỏi anh có muốn uống thử không.

Dương Gia Bắc lắc đầu từ chối, “Tôi lái xe.”

Tống Mạt khẽ ồ một cái, cúi đầu uống tiếp.

“Nghe nói em từ chức.” Cuối cùng Dương Gia Bắc cũng hỏi, “Muốn đổi việc à?”

Tống Mạt vẫn cúi đầu: “….. Còn chưa nghĩ xong.”

Dương Gia Bắc: “Định ở nhà bao lâu?”

“Hai ngày gì đấy.” Tống Mạt đáp, “Còn phải đến Đại Liên thăm bạn học cũ nữa.”



Cô làm gì có nhà.

Những người thân trong khu ký túc xá công nhân kia đã chẳng thể trở về được nữa. Ông bà ngoại đã qua đời, ông nội cũng thế, bố cô thì đã có gia đình riêng của mình rồi.

Cô về quê cũng phải ở khách sạn.

“Mẹ tôi rất nhớ em.” Dương Gia Bắc cúi đầu, anh nói, “Em lâu rồi không về mà mẹ tôi vẫn quan tâm em lắm.”

Tống Mạt vừa uống một ngụm bia, là bia làm từ lúa mạch, bọt hơi đắng, còn có mùi bia đặc trưng.

Cô đáp: “Tôi cũng rất nhớ dì ấy.”

“Mẹ tôi nhờ tôi hỏi em.” Dương Gia Bắc nói, “Em có muốn về chơi mấy hôm không? Phòng của em đã được dọn dẹp sạch sẽ, vẫn là căn phòng ngày trước em từng ở.”

Tống Mạt lắc đầu: “Dạ thôi, anh cảm ơn dì giúp tôi nhé.”

Yên lặng ăn cơm xong, Dương Gia Bắc đi thanh toán. Trên đường về, do uống bia nên Tống Mạt hơi lâng lâng, tí thì trượt chân. Bước đi loạng choạng, Dương Gia Bắc túm lấy cánh tay cô một cách vững vàng, tránh để cô bị ngã.

Sức anh lớn, Tống Mạt giật mình vì ăn đau, cũng tỉnh táo hơn đôi phần. Cô trầm mặc, vốn định cảm ơn nhưng không hiểu sao một chữ cũng không nói nên lời.

Câu “cẩn thận một chút” của Dương Gia Bắc cũng bị gió đóng băng mất.

Sau khi đưa cô lên phòng, Tống Mạt nghiêng người vào lấy áo khoác cho anh. Lúc đưa đồ, Tống Mạt nhìn chằm chằm tay Dương Gia Bắc, bỗng hỏi: “Dương Gia Bắc, hôm nay anh có muốn ngủ lại đây không?”

Một câu như đốt lửa, Dương Gia Bắc đang định nhận lấy túi đồ, nghe vậy thì sầm mặt.

“Tống Mạt Lị.” Anh gọi tên cô, gằn từng chữ một, “Em coi tôi là trai bao à?”

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.