Bắt Nạt Tướng Quân Đến Phát Khóc

Chương 91



Chuyển ngữ: Gà - LQĐ

Năm nay là một năm được mùa.

Lương thực nặng trịch chất đầy kho thóc của mỗi một nông hộ Biện Kinh.

Đại Tư không Tấn quốc Thôi Hựu Ngư khơi thông lại kênh đào đã bị bỏ hoang đã lâu.

Hào này được mở từ Huỳnh Dương - phía bắc Trịnh Châu, qua Trịnh Châu, liên tiếp dẫn qua Hoàng Hà và Tế Thủy, qua Biện Kinh, rồi đổ vào Tùy Thủy.

Sông ngòi phì nhiêu dẫn nước tưới thổ nhưỡng ven đường, gột rửa pha loãng những khu đất trồng bị nhiễm mặn. Điều này khiến cho vô số “ruộng chết” trở thành “đất lành” màu mỡ.

Mặc dù vì thời gian ngắn ngủi, hiệu quả vẫn chưa quá rõ ràng, nhưng nông hộ quanh Biện Kinh đã cảm nhận được niềm hân hoan khi vụ mùa bội thu.

Tàu buôn bắt đầu có thể từ Biện Kinh chạy thẳng đến thượng du Trịnh Châu. Lại từ Huỳnh Dương thay đổi tuyến đường qua Hoàng Hà, hoặc qua Tẩm Thủy vào thẳng trung bộ Tấn quốc.

Cũng có thể xuôi nam qua Tùy Thủy đến Tống quốc giàu có, thuận tiện vận chuyển lụa là cùng lương thực.

Bến tàu Biện Kinh dần dần náo nhiệt, đội thuyền thả neo và phu khuân vác lui tới vận chuyển hàng hóa, tạo thành cảnh tượng vô cùng tấp nập.

Cửa hàng trên đường phố cũng dần dà nhiều hơn, bày ra các loại thực phẩm tươi sống từ nam chí bắc.

Cách bến tàu không xa là một quân doanh.

Mấy phụ nhân cùng các cụ già đang lau nước mắt, đứng ở cửa quân doanh cáo biệt với người nhà sắp xuất chinh.

Một phụ nhân ngoài năm mươi tuổi níu chặt lấy tay con trai, khóc như mưa, cuối cùng vẫn cắn răng nói một câu: “Không có, đừng về.”

Không có được tước vị, cũng đừng từ chiến trường trở về.

Mặc dù trong nội tâm bà rất không nỡ con mình.

Nhưng cả nhà bọn họ là dân ngoại địa chạy nạn tới, trải qua gian khổ mới đến được Biện Kinh, trượng phu của bà cũng vì lánh nạn mà mất mạng giữa đường.

Trong nhà, trên có cao đường ốm yếu, dưới còn có bốn năm hài tử đang kêu gào đòi ăn.

Tuy đã nhập quê quán Tấn quốc, nhưng chỉ dựa vào 30 mẫu thụ điền được phân xuống này, vẫn không đủ sống.

Hôm nay, cả nhà chỉ có thể trông cậy vào đứa con trai duy nhất này thôi.

Chỉ có trên chiến trường, hắn đạt được tước vị, được ban thưởng ruộng đất, cả nhà mới có thể sống qua ngày.

Con của bà an ủi: “Mẫu thân, đừng lo lắng. Hài nhi đi lần này, nhất định có thể kiếm được một chức Thượng tạo trở về. Nương và A tỷ đành phải vất vả thêm một chút, trông giữ các đệ muội, ở nhà chờ hài nhi trở về.”

Mẫu thân nhét y phục mùa đông vào tay hắn, nghẹn ngào buông tay.

Gần doanh địa này là một canh dịch doanh.

Trong lúc này, không khí thoải mái sống động hơn nhiều.

Trong doanh phần lớn là một vài thiếu niên trẻ, cha mẹ của họ cũng đang nhét thức ăn và y phục mùa đông vào tay họ, lải nhải vài việc vặt.

Đại quân xuất chinh sắp đến, nhưng những thiếu niên này chỉ cần phục dịch trong canh dịch một tháng, không cần phải theo quân xuất chinh.

Bởi vậy tuy người nhà đầy mặt ân cần nhưng không tràn ngập bi thương như cách vách.

Căn cứ vào pháp lệnh mới nhất của Tấn quốc, chỉ cần ngụ lại tại Tấn quốc, phàm là gia đình có nam tử tuổi từ 15 đến 55, hàng năm đều phải ra báo tên tham gia binh dịch trong vòng một tháng, thường gọi là canh dịch.

Nam tử phục canh dịch không cần rời nhà quá xa, chỉ cần đi lính tại quận huyện nơi mình ở, có người phụ trách tổ chức cho họ, thao diễn quân vũ nửa tháng, nửa tháng còn lại tham dự xây dựng phòng thành cùng kiến thiết cơ sở thượng tầng cho quận huyện.

Giờ phút này, hai vị thiếu niên lang đồng hương đang ôm y phục cha mẹ cho, đi đến phòng canh dịch doanh.

“Huynh trưởng, huynh xem, bên kia thật náo nhiệt, khóc lóc ỉ ôi không thôi.” Một nam tử khá trẻ nói với huynh đệ đồng hương của hắn.

Nam tử lớn tuổi hơn trả lời: “Đại quân phải xuất chinh rồi, ra chiến trường, ai biết có bao nhiêu người có thể trở về, cứ nghĩ là sắp sinh ly tử biệt, đương nhiên là muốn khóc.”

“Nam nhân đại trượng phu, tất phải kiến công lập nghiệp, nếu trên chiến trường chém vài thủ cấp trở về, xin nhận tước vị, cả nhà đều sẽ vinh quang theo, chẳng phải hùng tráng lắm ư! Trái lại, tiểu đệ hy vọng không cần phải phục cái canh dịch chỉ bày ra vẻ này mỗi ngày. Chỉ muốn một ngày nào đó có thể được mộ binh nhập ngũ, chân đao chân thương chém giết trên chiến trường một phen.”

“Đệ đừng coi thường canh dịch, cái này hàng năm thao diễn nửa tháng, chính là điểm quan trọng để sau này bảo vệ tính mạng đấy. Chiến trường cũng không đơn giản như đệ nghĩ đâu.” Nam tử lớn tuổi nhìn qua quân doanh cách vách, an ủi vị đồng hương trẻ tuổi khí thịnh của mình.

“Sợ nhất là người bốc đồng như đệ đây, lỗ mãng ra chiến trường, tiếng trống chấn thiên, tiếng giết vang trời, nếu là tân binh chưa được huấn luyện chỉ sợ lúc ấy sẽ kinh hãi mà không nhấc nổi chân, sẽ bị mất mạng chỉ trong tích tắc.” Tuổi của hắn lớn hơn một chút, gặp qua vô số bi kịch lên chiến trường nhưng không còn đường về, nên không lạc quan mấy với chiến tranh: “Không nghe thấy lý trưởng ngày ngày tuyên truyền giảng giải trong thôn đấy sao? Canh dịch này chính là để cho nam tử Tấn quốc chúng ta mỗi năm đều có cơ hội làm quen với huấn luyện chiến sĩ vân vân. Đợi khi chúng ta thật sự lên chiến trường, mới có thể chết ít đi vài người.”

Nam tử trẻ hơn hơi sửng sốt, tâm tư ngựa non háu đá không biết sợ của hắn tựa như đã bị khói thuốc súng từ sa trường không xa chạm đến.

Sau khi vụ thu chấm dứt.

Tấn quốc Tả thứ trưởng Mặc Kiều Sinh dẫn ba vạn đại quân, đánh vào lân cận Tống quốc.

Hạ được chín tòa thành trì bao gồm Lan Khảo, Ngoại Hoàng, Dân Quyền vân vân.

Thế như chẻ tre, đại quân thẳng đường tiếp cận thủ đô Tuy Dương của Tống quốc.

Quốc quân Tống quốc Tống tương công thất kinh, dắt hậu cung tân phi, văn võ cả triều dời đô từ Tuy Dương qua Bành Thành cách xa Tấn quốc.

Đồng thời khẩn cấp gửi quốc thư đến Vệ quốc, Lỗ quốc lân cận cầu viện.

Quốc quân Lỗ quốc chẳng màng bận tâm.

Vệ Hằng công Diêu Hoằng chẳng hề nao núng. Bấy giờ, hắn ta phái thượng tướng Viên Võ, dẫn mấy vạn thủy sư (đoàn đội theo đường thủy), xuôi theo Tế Thủy lên, ý đồ thông qua đường này công kích Tấn quốc, giải cứu Tống quốc đang trong cơn hiểm nghèo.

Không phải là Diêu Hoằng có tình nghĩa sâu đậm gì với Tống quốc, nhưng hắn ta thấy rõ thế cuộc, hắn ta không thể lại dễ dàng cho Tấn quốc tiếp tục lớn mạnh.

Vị trí Tống quốc kẹp giữa Tấn quốc và Vệ quốc.

Nếu Tống quốc bị Tấn Việt hầu Trình Thiên Vũ đánh rớt đài, vậy Vệ quốc sẽ trở thành chướng ngại vật kế tiếp trên con đường bành trướng của Tấn quốc, sớm muộn chỉ có nước bị xóa sổ.

Thủy sư Vệ quốc chạy đến hoàng trì phía bắc Biện Kinh.

Tại đó, chúng gặp phải Hữu Thứ trưởng Du Đôn Tố của Tấn quốc thủ sẵn đã lâu chặn lại. Vệ quân đại bại, rụt cánh lui về.

Tống Tương công không biết làm thế nào, đành phải tạm nhân nhượng vì lợi ích toàn cục, cắt đất bồi thường, đồng ý nhượng khu tam giác châu [1] Tứ Thủy và Tế Thủy giao hội cho Tấn quốc.

[1] tam giác châu: hay còn gọi là châu thổ (delta) một địa mạo cấu tạo khi một dòng sông chảy vào một vụng nước, nhỏ là hồ, đầm phá, lớn là vịnh, biển hay đại dương khiến dòng nước bị cản chậm lại. Chất phù sa cuốn theo dòng nước khi tốc độ nước không đủ mạnh sẽ phải lắng đọng xuống, bồi lên lòng sông và hai bên bờ. Lượng trầm tích lan tỏa theo bề rộng làm lòng sông chuyển từ hẹp và sâu sang càng nông và rộng. Nhiều nhánh sông phân lưu nhỏ xuất hiện, giúp trải rộng cửa biển. Địa hình đặc trưng này gọi là châu thổ sông.

Thái tử Cơ Ngang của Tống quốc nhịn nhục đi đến biên cảnh.

Đối mặt với gã là một nam tử ngồi xe lăn.

Trong mắt gã, Chu Tử Khê sớm đã là phế nhân, hôm nay lại ngồi ngay ngắn ở vị trí sứ thần của nước chiến thắng, lạnh lùng nhìn gã.

Gã bị đồng học tàn phế ngày xưa bức bách từng bước một lui về sau, đến khi gã phải chắp tay tặng các thành trì Định Đào, Tào Huyện, Ngoại Hoàng, Lan Khảo vân vân cho Tấn quốc, còn không thể không chấp thuận một loạt các hiệp ước mậu dịch bất bình đẳng.

Cơ Ngang cắn răng, dưới sự lăng nhục, gã ký tên mình vào hiệp ước.

Gã đè nén lửa giận gắt gao nhìn chằm chằm người đối diện, gương mặt run run sắp không khống chế nổi.

Chu Tử Khê thản nhiên ký nét chữ tuấn dật xuống hiệp ước.

Thái tử Tống quốc nghiến răng nghiến lợi thấp giọng thốt ra: “Ta thực hối hận, lúc trước ta nên...”

Chu Tử Khê không nói năng gì, ký xong, khoát tay, thiếp thân thị vệ lập tức đẩy xe lăng của y rời đi. Lướt qua bên cạnh Cơ Ngang, y lạnh lùng bỏ lại một câu.

“Sau này, chỉ sợ ngươi sẽ càng thêm hối hận.”

Lúc thu được tin chiến thắng, Trình Thiên Diệp đang ngồi ở trong cung Hứa phi, nhìn một tiểu bao tử (bánh bao nhỏ) trắng nõn mũm mĩm, lung la lung lay học đi trước mặt nàng.

Nàng nhận được quân báo khẩn đưa về từ tiền tuyến, mở ra xem xét, nhịn không được vỗ tay quát to một tiếng tốt.

Tiểu bao tử bị hoảng sợ, trượt chân ngã xuống đất lăn một vòng.

Mấy cung tỳ vội vàng chạy đến muốn đỡ bé lên.

“Không được đỡ.” Trình Thiên Diệp gõ gõ quân báo: “Bằng nhi, tự đứng lên đi.”

Nghe Trình Thiên Diệp nói vậy, bàn tay mềm mại của Hứa phi đã đưa ra giữa không trung song lại thu về, thuận tiện ngăn cản thị nữ.

Ở bên ngoài, nhi tử của Hứa phi là con độc nhất của Trình Thiên Diệp.

Trình Thiên Diệp đặt tên cho bé là họ Trình, tên một chữ Bằng.

Chính là lấy ý trong câu bằng trình vạn lý [2].

[2] bằng trình vạn lý: bay xa vạn dặm; ̣đầy triển vọng; tiền đồ vô hạn.

Mặt khác, nó cũng âm thầm thể hiện nỗi nhớ nhà khi rời xa cố hương, vạn dặm khó về của Trình Thiên Diệp.

Bé trai một tuổi này kế thừa ưu điểm về dung mạo của cha mẹ, không còn dáng vẻ nhăn nhúm lúc mới sinh ra nữa.

Giờ phút này, bé mặc một đoản áo nền đỏ viền đen, miệng nhỏ trên khuôn mặt trắng trẻo mũm mĩm vểnh lên, muốn khóc nhưng lại hơi sợ vị “phụ thân” mới gặp chỉ mới mấy ngày này.

Đôi mắt ướt át nhìn chung quanh một vòng, chỉ thấy mẫu thân cười dịu dàng cổ vũ nhìn bé, cũng không ôm lấy bé như ngày trước nữa.

Cung tỳ xung quanh đều cúi đầu, không vội vã chạy đến dỗ bé như thường lệ.

“Phụ thân” ngồi trước mặt, trên ngón tay đang chơi đùa một viên đá màu da cam sáng long lanh, đang dụ dỗ mình tới chỗ của ông ấy.

“Bằng nhi tự đứng lên đi nào, chỉ cần con đến chỗ ta, viên đá này ta sẽ tặng cho con chơi.”

Đã không ai đến dỗ, tiểu nam hài cảm thấy khóc cũng vô dụng.

Thân thể bé nhỏ lăn lại rồi bò lên, vui vẻ đi đến chỗ nam tử nghe nói là cha mình kia, giơ bàn tay bé xíu mập mạp, với lấy viên đá xinh đẹp trong tay ông ấy.

“Không tệ, thế này không phải rất giỏi sao?” Trình Thiên Diệp xoa xoa đầu tiểu bao tử, đưa miếng Hoàng Ngọc màu cam vào lòng bàn tay bé: “Nam hài tử phải dạy như vậy, từ nay về sau nó bị ngã thì để nó tự đứng lên.”

Hứa phi cúi đầu, khom mình hành lễ: “Phu quân nói phải, thiếp đều nghe ngài.”

Làn da nàng ta nõn nà, dung mạo xinh đẹp tuyệt trần, cử chỉ lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ, là một nữ nhân dịu dàng như nước.

Ở chung với nàng ta, Trình Thiên Diệp cảm thấy rất thoải mái.

Lúc dời đô từ Giáng Thành đến Biện Kinh, Trình Thiên Diệp đã viết thư cho nương của nàng là Dương Thái phu nhân hãy phân phát phi tần hậu cung, chỉ đón mẫu tử Hứa phi tới.

Bên cạnh Tấn Việt hầu có Diêu Thiên Hương và Hứa phi, cũng miễn cưỡng có thể chấp nhận được đi. Nàng không muốn làm chậm trễ những nữ tử kia cả đời.

...

Ở tiền tuyến, Mặc Kiều Sinh đại hoạch toàn thắng, chiếm được đất mới.

Chu Tử Khê đại lợi hóa chiến quả, cùng Tống quốc giàu có ký kết một loạt điều ước mậu dịch có lợi cho Tấn quốc.

Thôi Hựu Ngư khai thông kênh đào, xây dựng tường thành mới, Biện Kinh thoạt nhìn càng ngày càng phồn hoa.

Một ngày nọ, ánh nắng nhu hòa.

Trong Triều ngô điện, Trình Thiên Diệp đang xem xét bản vẽ trên bàn, nghe Thôi Hựu Ngư báo cáo kế hoạch mở rộng kênh đào.

“Chúa công xem, nơi này có một cái hào sông rộng đã cũ. Tuy đã tắc, nhưng chỉ cần khai thông chỉnh đốn và cải cách, tiến hành cải biến thì có thể dẫn nước Biện Thủy từ Biện Kinh rẽ qua hướng đông nam, chạy tới Trần Thành, đổ vào Dĩnh Thủy, mà Dĩnh Thủy thông với Hoài Thủy. Như vậy, chúng ta sẽ có thể câu thông hai con sông lớn là Hoàng Hà và Hoài Thủy.” Thôi Hựu Ngư khoa tay múa chân miêu tả mọi chi tiết trên bản vẽ, hưng phấn nói.

“Đồng thời, có Đan Thủy trở thành hào nhánh, từ Biện Kinh chúng ta chảy vào thủ đô Bành Thành của Tống quốc, lại đổ vào Tứ Thủy. Có cả Sầm Thủy cũng từ hào Dĩ Nam phân ra nhánh sông hướng đông nam, qua Kỳ Huyện mà đổ vào Hoài Thủy.” Hắn ta kích động ngẩng đầu nhìn Chúa công của mình, hi vọng hắn cũng có thể hiểu được hàm nghĩa của chuyện này như mình.

Trình Thiên Diệp vui mừng: “Nếu vậy, Hoàng Hà, Tế, Nhữ, Hoài, bốn con sông lớn, đều sẽ liên thông với phụ cận Biện Kinh chúng ta.”

Nàng không khỏi thầm cấu thành ra một bản vẽ tràn đầy tốt đẹp trong đầu.

Mai sau, các thuyền tàu lớn đến từ các nơi sẽ thả neo san sát nhau tại bến tàu Biện Kinh, nơi đây thương nhân hội tụ, buôn bán qua lại.

Biện Kinh sẽ trở thành một cầu nối giao thông then chốt từ nam tới bắc, trở thành một trung tâm đô thị lớn phồn hoa sầm uất về mậu dịch.

Đúng lúc này, Du Đôn Tố cùng Mặc Kiều Sinh song song đi vào.

Họ quỳ xuống đất hành lễ trước mặt Trình Thiên Diệp.

Trình Thiên Diệp cười dịu dàng ngẩng đầu nhìn họ, nhưng trong lòng bỗng lộp bộp một tiếng.

Đã xảy ra chuyện gì?

Vì sao trên người Tiểu Mặc cùng Du Tướng quân lại phủ đầy màu bi phẫn đến thế?

Trong lòng Trình Thiên Diệp dâng lên một dự cảm không tốt.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.