Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 281: Dạy chữ bên gò miếu



***
Một buổi chiều trôi qua bình thường, tôi dành thời gian để ngủ cho đến gần 5 giờ chiều mới thức dậy và lùa gà vào chuồng giúp bà Già. Gọi là chuồng gà cho sang miệng chứ thực tế bà tôi tận dụng một góc vườn ngay rặng mây gai giáp với nhà cô Thu hàng xóm để làm nơi nhốt gà vào mỗi tối. Chuồng gà này rộng khoảng mười mét vuông, được quây bằng những cọc tre vót nhọn một đầu và đóng xuống đất, trong suốt hơn mười năm nuôi nhốt gà ở vị trí này đều không có bất kỳ trục trặc gì xảy ra, những con gà lớn bé chưa một lần bị rắn bò vào bao giờ. Tôi chưa bao giờ thấy rắn ở trong đất nhà mình, nói chung thì tôi không thích nhìn những con vật nhiều chân hoặc rắn rết, mỗi khi nhìn thấy chúng tôi đều cảm thấy rất khó chịu, suy nghĩ đầu tiên của tôi là tìm một cái gậy và... tiễn chúng về thế giới bên kia, nhưng thật may hiếm khi tôi phải làm như thế.
Tôi lại ngồi trên bồn hoa đầu hồi nhà, dựa mình vào cột ăng ten làm từ thân một cây tre tương đối thẳng để chờ đợi lấy lá vối từ chị Ma. Tôi phải công nhận một điều rằng tre sau khi ngâm dưới ao vớt lên rất ít khi bị mối mọt và độ dẻo dai thật đáng kinh ngạc, cây tre đầu tiên dựng làm ăng ten là một cây tre tươi, chỉ khoảng hơn một năm là phải bỏ nhưng cây tre thay thế là một cây mà bà tôi ngâm dưới ao trong khoảng một năm. Năm 2020, tôi có ghé thăm bà Trẻ khoảng hai tiếng, có quay ăng ten cho bà để tivi nét hơn, tôi nhận ra vẫn là cây tre năm xưa, một cây tre làm cột ăng ten hơn hai mươi năm? Tôi hi vọng là mình nhớ đúng những dấu vết mà chính bản thân mình đã lưu lại trên thân tre này.
Lá vối lấy xong tôi giấu vào trong ụ rơm, sau mùa gặt thì trong vườn nhà tôi lại có thêm một ụ rơm mới, ụ rơm cũ bây giờ chỉ còn cao khoảng một mét, phía trên phẳng phiu, bà Già để một số cành củi khô đè lên để tránh việc gió thổi làm rơm bay tứ tung. Trong khi chờ bữa tối mà bà đang nấu dưới bếp, tôi tranh thủ chuẩn bị kỹ càng mọi thứ vì đêm nay không biết sẽ như thế nào. Mười hai cây pháo hoa cuối cùng tôi chia làm bốn bó, mỗi bó có ba cây, trong cái túi nilon nhỏ còn ba quả pháo cối, số lựu đạn làm bằng vải trắng tôi bổ sung thêm nâng tổng số lên hơn hai mươi quả... mọi thứ đều ổn, kể cả nước giải của trẻ con.
Bữa cơm bắt đầu thì trời đổ mưa, tôi có chút thất vọng bởi vì mưa gió như thế này sẽ ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch học tập của chị Đẹp cũng như việc tập kích ngôi nhà hai tầng có lũ âm binh, thậm chí là không thể. Mưa đồng nghĩa với binh lính gạo rang không thể sử dụng được, giả như nguy cấp thì gọi Thiên tử quân nhưng tôi luôn cho rằng họ không phải là lực lượng mình có thể sai bảo. Buổi trưa nay khi từ chùa về, sư thầy lẳng lặng đưa cho tôi thêm một túi gạo rang nữa, chỉ một túi nhưng nhiều gấp đôi so với những lần vừa rồi sư thầy cho, khi nhận tôi tỏ ra ngạc nhiên thì sư thầy nói:
-Với ta thì vô dụng, với cháu thì hữu dụng. Đối mặt với người sống đáng sợ hơn đối mặt với vong hồn rất nhiều, vong hồn dù thiện hay ác cũng dễ đoán biết ý định nhưng con người lòng dạ nông sâu khó dò, cháu phải tuyệt đối cẩn thận. An toàn cho bản thân là trên hết, không được chủ quan khinh địch.
Thấy tôi thay quần áo dài và mang theo áo mưa, bà Già lên tiếng hỏi:
-Mưa gió thế này mày lại đi đâu? Đêm qua về khuya thế nay lại đi?
-Cháu có hẹn với sư thầy trên chùa, cháu lên đấy chơi với sư thầy. Bà xem tivi xong thì cứ ngủ trước đi, nghỉ hè mà bà.
-Nghỉ hè mày chỉ ăn với ngủ rồi đi chơi. Con nhà người ta còn biết giúp bố mẹ chăn trâu cắt cỏ, mày thì...
-Tại nhà mình không làm ruộng chứ, nhà mình mà làm ruộng thì cháu cũng sẽ biết làm những việc ấy.
-Thế bao giờ mày ra Hà Nội? Mày ra đấy giúp bố mẹ mày còn hơn là ở nhà lêu lổng suốt thế này.
-Bố mẹ cháu thuê bao nhiêu là công nhân, cháu ra đấy cũng chỉ ăn với chơi, ở nhà cũng ăn với chơi lại được gần bà, cháu thích ở nhà với bà hơn.
-Thôi, thôi, thôi... Mày đừng có nỏ mồm. Tao đoán là mày ở lại có việc gì đấy chứ như mọi năm là vừa mới nghỉ hè là mà đi mất dạng.
-À, cháu tích lũy vốn sống.
-Là cái gì?
-Tích lũy vốn sống! – Tôi nhắc lại. – Cái này bà không hiểu đâu, là một môn học thực hành phải chuẩn bị trước khi vào cấp III đấy bà ạ.
-Ừ, thế à? Thế cái thằng Hưởng nó có học giống mày không?
-Mỗi đứa học một kiểu, cháu làm sao biết được, cháu và nó học khác lớp nên môn học này cũng khác nhau.
-Học với chả hành chả biết có nên cơm cháo gì không, làng này học hết lớp 9 là đủ chữ đi kiếm tiền được rồi.
-Bà chả biết, chữ thì bao giờ cho đủ, bà có từng nghe ai nói là học thừa chữ không? Bác Hồ dạy rằng “Học, học nữa, học mãi” đấy bà ạ. Cháu còn phải đi học đại học nữa.
Nói những điều mà người khác không chứng minh được mình sai nghĩa là mình đúng, kể cả có nói dối, bà tôi làm sao hiểu được việc học hành được, cứ nói về chủ đề đó, cứ mang việc học hành ra làm bình phong là yên hết.
Tôi khoác ba lô rời nhà khi đồng hồ chỉ 7:10, trời mới chỉ vừa tối được khoảng nửa tiếng, ngoài trời mưa cũng đã bớt nặng hạt, trùm cái áo mưa màu xanh lên đầu, tôi chậm rãi bước đi dưới cơn mưa, đích đến trước tiên là chùa làng. Tối nay vì trời mưa nên tôi đã thay giày bata bằng đôi dép xăng – đan màu đen, mới đi được nửa đường thì chân đã ướt nhẹp vì mấy lần giẫm phải vũng nước mưa. Cửa chùa vẫn mở vì hãy còn sớm, tôi lách mình qua cổng rồi khép lại, sư thầy đang ngồi trên tràng kỷ, âm thanh từ cái đài cát – sét vặn hơi lớn để át đi tiếng mưa tí tách ngoài hiên, ánh sáng vàng vọt từ cái bóng đèn tròn treo trên cao. Tôi đứng bên hiên tìm chỗ treo áo mưa và giơ chân ra giọt ranh để rửa đi chút bùn đất đang dính trên dép. Sư thầy đã nhận ra sự có mặt của tôi sau khi tôi cất tiếng chào, ông vặn nhỏ đài cát – sét rồi đi ra cửa hỏi tôi:
-Trời mưa to như thế này, ta tưởng ngớt mưa cháu mới đến?
-Cháu ở nhà cũng chẳng biết làm gì ông ạ, mưa đã có áo mưa thì lo gì nữa.
-Có vẻ nóng ruột nhỉ? Có hứa hẹn gì với ai không?
-Cháu không! – Tôi đáp. – Giờ này bà cháu ở nhà cũng xem tin thời sự trên tivi, mà sao ông không mua tivi để xem? Cháu thấy trên tivi nhiều thứ hay hơn đấy ông ạ.
-À! Nhiều năm ta nghe đài, ta nói rồi, cái gì cứ lặp đi lặp lại mãi thì thành thói quen, quen rồi khó bỏ lắm.
-A... hay là ông tiết kiệm không chịu mua? Bà cháu ở nhà cũng tiết kiệm lắm, mấy người già là hay sống tiết kiệm, chẳng chịu mua cái thứ đắt tiền ấy đâu.
-Tivi thì làm gì mà đắt, ta cũng có thể mua được. Cháu nghĩ nhà chùa nghèo sao?
-Cháu không biết, làng ít người lại toàn các cụ thì làm sao mà chùa có nhiều tiền được. Hay cháu mua tặng ông một cái tivi nhé?
-Hả? Cháu mua? Cháu đừng nói với ta là cháu có nhiều tiền như vậy nhé?
-Cháu chưa có tiền nhiều nhưng cháu có... – Tôi kịp ngưng lại trước khi nói ra chữ “vàng”.
-Ta đúng là không có nhiều tiền riêng, tiền công đức của chùa là để hương khói nhưng ta có vàng, cháu đừng tưởng ta ăn uống đạm bạc là ta nghèo đấy nhé.
-Ông... ông có cả vàng cơ á?
-Chậc chậc! Sư phụ ta cũng để lại cho ta một ít, ta bao năm tích cóp cũng được một ít phòng thân, cũng tương đối đấy.
-Ôi trời, thế mà cháu cứ nghĩ ông chẳng có tiền mấy, nhìn ông không giống người có tiền chút nào.
-Những việc cháu làm có giống một đứa trẻ mười lăm tuổi không?
-À thì... cái này...
-Ha ha ha... – Sư thầy lại cười. – Đừng có nhìn mặt mà bắt hình dong nhé ông tướng. Chân sạch rồi thì vào mà uống chén nước chè cho ấm người, để ta lên chùa lấy đồ cho cháu.
Tôi tự rót nước chè từ cái ấm vào chén nhỏ, để cái chén trong lòng bàn tay xoay tròn và cảm nhận hơi nóng từ nước chè. Tôi nghĩ mình nên mua tặng sư thầy một cái tivi xịn sò, ông đã giúp tôi rất nhiều thứ mà tôi chưa giúp lại ông được cái gì, có cái tivi làm bầu bạn cũng vui, ngoài tin tức thời sự còn có cải lương vào mỗi tối cuối tuần, người già luôn thích những thứ ấy, tôi nghĩ sư thầy cũng không ngoại lệ.
Bát hương của chị Đẹp được sư thầy bọc trong một tấm vải màu đỏ và bọc thêm hai lớp túi nilon, khi đưa cho tôi sư thầy dặn dò vài điều nay tôi đã quên nhưng đại ý là cách khấn vái để vong linh nhập vào bát hương. Tôi cảm ơn sư thầy và rời chùa ngay sau đó mặc dù sư thầy bảo ngồi thêm một lúc chờ trời ngớt mưa, đoạn đường khoảng hai trăm mét đi ra Đề Đổ rất tối, cửa hàng do mấy người chị họ của tôi thường ngày vẫn thay nhau trông coi bây giờ đã khép cửa, bên trong vẫn có ánh điện, nếu ai muốn mua gì thì chỉ việc gõ cửa là xong. Tôi bước nhanh qua đường, đi vào ngõ tối dẫn vào nhà bà ngoại thêm một đoạn dài khi mà ánh đèn đường không còn hắt tới thì tôi dừng lại, nép vào bờ rào bên phải đường nhìn xung quanh rồi lấy lá vối cho lên miệng ngậm, áo mưa vì thế không cần dùng nữa nên tôi gấp lại cầm trên tay. Nhờ việc ẩn thân, mặc dù trời tối nhưng tôi vẫn có thể nhìn tốt hơn bình thường một chút, trở ngược ba lô ra phía trước rồi tôi đi thẳng thêm một đoạn, nhảy qua rãnh nước đi vào đất nhà bà ngoại mình theo lối sau nhà.
Trời vẫn mưa, ba lô dính chút ít nước mưa nhưng không vấn đề gì, tôi để tạm phía dưới bệ thờ của ngôi miếu. Mưa đã nhỏ hơn nhưng những giọt nước mưa từ tán cây duối nhỏ tí tách xuống bệ thờ, tôi lấy bát hương cũ ra để xuống đất sau đó mới cho bát hương thay thế, bát hương cũ tôi cho vào cái túi nilon cùng miếng vải đỏ. Những chân hương lúc chiều tôi đã đốt sẵn ở nhà cũng được lấy ra và cẩn thận cắm vào bát hương mới, xong xuôi đâu đó tôi mới lấy năm nén hương lúi húi châm, nhờ cái bật lửa gió và phía dưới bệ thờ mưa không hắt vào nên không gặp khó khăn gì. Năm nén hương được cắm vào bát hương, tôi đứng trước miếu lầm rầm khấn vái theo lời dặn của sư thầy, vừa mới khấn dứt xong thì lửa cháy bùng lên làm tôi ngạc nhiên, ban đầu lửa chỉ cháy ở năm nén hương tôi vừa mới đốt nhưng sau đó những chân hương mà tôi cắm vào để ngụy trang cho giống bát hương cũ cũng bắt lửa cháy theo, ngôi miếu sáng rực lên. Chẳng hiểu sao từ trong nhà, bà ngoại tôi cầm đèn pin đi ra nên tôi vội vàng cầm ba lô và cái túi nilon chạy nhanh về phía sau nhà, nấp sau cái nhà vệ sinh cũ thò đầu ra nhìn. Bà ngoại tôi ra đến miếu vẫn thấy bát hương hóa nên khấn vái liên tục rồi đi vào nhà mang ra một thẻ hương mới, bà châm ba nén hương nhưng tôi đứng từ đây có thể quan sát thấy bà có phần sợ vì phải mấy lần bà mới châm được hương cháy.
Tôi chờ cho bà khấn vái xong trở vào nhà thì mới quay lại miếu, đứng trước miếu quan sát một lúc xem có gì lạ không nhưng chẳng thấy gì, ba nén hương đỏ rực trong bóng tối, mùi hương lẫn với mùi khói từ việc bát hương hóa khi nãy phảng phất xung quanh.
-Sư thầy đã làm gì nhỉ? – Tôi thắc mắc.
Trời tạnh mưa...
Chị Đẹp cũng xuất hiện khi tôi định quay lưng đi.
-Mới giữa giờ Tuất mà ngươi đã đến rồi sao?
-Em... em có bát hương nên...
-Sư thầy bốc giúp phải không? Chậc... nên cảm tạ ông ấy như thế nào cho phải?
-Sao thế chị?
-Ngươi vừa cắm hương và khấn xong thì bát hương hóa hết, những thứ ngươi vừa đọc khi nãy chắc chắn là một đoạn kinh hay thần chú, ta nghe không hiểu lắm, chỉ biết làm theo vậy thôi. Bát hương hóa rồi, sạch sẽ, chẳng còn chút tà khí nào lởn vởn quanh đây.
-Như thế... như thế thì tốt quá.
-Cả đêm qua ta khó chịu mãi không thôi, bây giờ khá hơn nhiều rồi. Nhất định nhà ngươi phải thay ta cảm tạ ông sư ấy, ta là ma không thể đến gần những người như thế được.
-Được rồi, được rồi. Em nhất định sẽ tìm cách cảm tạ sư thầy, ông ấy là một người rất tốt bụng.
-Ta có thể trả ơn ông ấy bằng vàng bạc không?
-Nhà sư không cần vàng bạc đâu chị, hôm nay em cũng mới nói chuyện đấy xong. Hay là...
-Hay là gì?
-Em đang tính mua tặng sư thầy một cái tivi.
-Tivi à? Tivi là cái gì?
Lại một đoạn giải thích tương đối dài để chị Đẹp hiểu tivi là cái gì.
-Như thế thì ngươi nên mua biếu ông ấy một cái, mà không chắc ông ấy sẽ nhận, ngươi mua và cung tiến cho nhà chùa thì ông ấy không thể không nhận.
-Có thế mà em không nghĩ ra, chị đúng là thông minh hơn người.
-Xưa nay ta vẫn như thế.
-Hì hì hì... Tối nay em có mang sách mới tinh như chị yêu cầu đây, em mua ở tận trên thị trấn, sách mới còn nguyên mùi mực in.
Tôi lấy một quyển sách từ trong ba lô ra lật giở cho chị Đẹp xem, chị ấy chỉ xem hình còn chẳng để ý đến chữ.
-Những hình vẽ này đẹp nhỉ, ngươi mua loại sách nào mà có nhiều hình vẽ ấy, ta rất thích vẽ.
-Hình này là minh họa thôi. Để em đốt hết gửi cho chị.
Tôi bước về phía lối ra cánh đồng, chị Đẹp đi theo sau. Tôi lo việc đốt lửa sẽ khiến người khác chú ý nhưng chị Đẹp bảo yên tâm, sẽ không ai thấy, thế là tôi ngồi cạnh bụi rậm bật lửa... đốt sách gửi cho chị Đẹp, ban đầu tôi tưởng đốt dễ dàng nhưng thực sự không phải như thế, đốt một cuốn sách dưới thời tiết ẩm ướt là một việc không hề đơn giản, nhất là sách không phải rời ra từng tờ như kiểu đốt vàng mã. Nhưng nhờ có cái bật lửa xịn thì sau khoảng hai mươi phút tôi cũng giải quyết xong ba cuốn sách cùng hai quyển vở, khó khăn nhất là phần đốt... bút chì vì mãi nó chẳng bắt lửa. Chị Đẹp ngồi đối diện tôi theo dõi công việc và không nói lời nào, chị ấy rất chăm chú, có lẽ háo hức việc xem ảnh trong những cuốn sách mà thôi.
-Hay hôm nay chị xem tạm hình ở mấy cuốn sách nhé, không có bút thì không học viết được đâu.
-Ta có bút lông và mực tàu đấy.
-Bút ấy thì em lại chẳng biết dùng nhưng nếu chị biết dùng thì cũng được. Ngày mai em sẽ đốt được cái bút này nhờ chị Ngọc Hoa nhận rồi đưa cho chị được không?
-Cũng được, không vội gì cả.
-Bao giờ chị nhận được sách nhỉ?
-Đây là đất của ta, chờ một lúc nữa tự khắc ta sẽ nhận được, thứ này chẳng có ý nghĩa gì với ma cả.
-Vậy để em đi vứt cái bát hương này đi nhé?
-Ngươi tính vứt đi đâu?
-Thì rãnh nước ngoài đồng kia kìa.
-Được, đi mau đi ta chờ. Tối nay ta cũng đang ngóng tin từ sư phụ của ngươi mà chưa thấy gì, sốt hết cả ruột gan.
-Làm gì mà vội thế chị?
-Chậc, chờ đợi lúc nào cũng khó chịu ngươi có biết không?
Tôi gật đầu tỏ ra thông cảm rồi bò ngồi qua hàng rào để ra cánh đồng, tôi đi bộ về hướng Bắc khoảng hơn một trăm mét vì vứt cái bát hương cũ của chị Đẹp vào rãnh nước ở đoạn có mấy cây dại mọc che phủ. Cái khăn đỏ thì tôi không vứt bởi vì tôi nghĩ mình nên mang trả lại sư thầy, đồ của nhà chùa không thể vứt đi dễ dàng như thế được. Tôi quay trở lại thì thấy chị Đẹp đang nhận đồ từ một tuần binh của làng, thật ngạc nhiên đó lại là mấy thứ tôi vừa đốt khi nãy, chị Đẹp cho anh tuần binh một nén bạc, anh ta cảm ơn rối rít rồi mau chóng biến mất.
-Chị cho nhiều thế bảo sao lại nhận được sớm.
-Ngươi còn non và xanh lắm, người tuần binh vừa rồi hay mang đồ đến cho ta, lần nào anh ta cũng được thưởng cả, nếu là vàng bạc do bà ngoại ngươi gửi thì ta còn cho hậu hơn. Ta cần mua cái gì cũng đều nhờ anh ta cả.
-Giàu có thật là thích.
-Ngươi nghèo kiết xác thì làm sao mà hiểu được. Mà thần kinh của ngươi có vấn đề gì không?
-Em không, em... em bình thường mà.
-Bình thường thật chứ? Ngươi nghèo, tài sản chỉ có mỗi hai cây vàng chôn dưới đất. Ngươi là em kết nghĩa của ta, đệ tử của cái Hoa, hai chúng ta đều giàu nứt vách, tại sao ngươi không chịu nhận vàng bạc bọn ta cho?
-Như thế người ta lại nghĩ em lợi dụng thì sao, chị với chị Ngọc Hoa suốt ngày chê em nghèo với xấu, hai chị lại giàu vừa đẹp, người ta nghĩ em giúp hai chị vì của cải, giờ mà nhận thì đúng là...
-Miệng ngươi kiểu gì cũng nói được. Thế tối nay ngoài những việc này thì ngươi còn có kế hoạch gì?
-Em cũng chưa biết ạ. Muốn làm gì thì cũng phải chờ chị Ngọc Hoa, chị ấy nắm nhiều tin tức, không có tin tức mà tự ý hành động hậu quả sẽ khôn lường lắm đấy chị.
-Ngươi khá đấy, mặc dù có trong tay rất nhiều thứ làm ma quỷ sợ nhưng lại không dùng để chống lại ma quỷ, bảo sao bao kẻ lại quý mến ngươi.
-Em là người tốt bụng mà.
-Nhưng cũng lươn lẹo nữa.
Tôi đi theo chị Đẹp trở lại gò miếu, chị Đẹp vừa đi vừa dở nhanh những cuốn sách để xem hình vẽ, tôi thong thả đi sau. Đến gò miếu thì chị Đẹp để một cuốn sách lên bệ thờ và lật giở từng trang, thật may sách lớp 1 thì rất nhiều hình minh họa, tôi nhớ là như vậy, chị ấy một tay chống cằm, một tay giở sách, chân thì bắt chéo, nhìn cũng da dáng học sinh cấp III đấy.
-Để em chỉ cho chị chữ cái nhé? Học chữ cái trước thì chị sẽ đọc được những thứ trong sách, nhiều thứ hay lắm.
-À được.
Tôi chỉ cho chị Đẹp học thuộc lòng bảng chữ cái, tôi nhớ là có tất cả hai mươi bốn chữ cái, chị Đẹp là một cô gái thông minh nên chỉ hơn nửa giờ đồng hồ đã thuộc lòng được bảng chữ cái, chỉ chữ nào cũng đọc đúng cả, việc dạy học như thế xem ra là nhàn. So với việc dạy chữ Quốc ngữ cho chị Ma vào những đêm sáng trăng thì dạy chữ cho chị Đẹp nhàn hơn nhiều, dạy chữ cho chị Ma thì tôi rất tức bởi vì mỗi tối chị ấy chỉ đồng ý học một khắc, riêng cái bảng chữ cái mà học một tuần mới xong, mà trong một khắc đó thì cũng không chịu tập trung, thi thoảng đang đọc ê a lại nhìn trăng và khen trăng sáng.
---
***

Quỷ là gì , quỷ là đồ chơi là vật buôn bán của ta mà thôi

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.