Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót

Chương 20: Chương 12( part 01)




12
Chuyện dài của Trung úy Mamiya: Phần 1

Trung úy Mamiya bắt đầu kể. 
Tôi được đưa tới Mãn Châu bằng tàu thủy vào đầu năm 1937. Lúc ấy tôi là một thiếu úy mới toe. Người ta bổ nhiệm tôi tới Bộ Tổng Tham mưu đạo quân Quan Đông ở Tân Kinh. Hồi ở đại học tôi theo chuyên ngành địa lý nên rốt cuộc tôi được điều về Cục bản đồ quân sự, chuyên trách vẽ bản đồ. Điều đó thật lý tưởng đối với tôi vì rằng, nói thật, công việc tôi được giao là một trong những việc nhẹ nhàng nhất người ta có thể mong được làm trong quân đội. 
Ngoài ra, tình hình ở Mãn Châu tương đối bình yên, hay ít nhất là ổn định. Sự cố Trung Hoa 1 vừa xảy ra đã đẩy vũ đài quân sự Mãn Châu vào lãnh thổ Trung Hoa. Lực lượng viễn chinh Trung Hoa mới là lực lượng đang tham chiến, còn đạo quân Quan Đông thì đang thảnh thơi. Thật ra vẫn có những chiến dịch lẻ tẻ nhằm vào các đơn vị du kích kháng Nhật nhưng chỉ diễn ra ở những vùng sâu, nói chung là giai đoạn xấu nhất đã qua. Nhiệm vụ duy nhất của đội quân Quan Đông lúc này là duy trì trật tự ở nước Mãn Châu bù nhìn "độc lập" vừa thành lập, đồng thời để mắt canh chừng phía Bắc. 

Nhưng dù tình hình có vẻ bình an đi nữa thì vẫn đang là thời chiến, nên vẫn phải thường xuyên luyện tập. Cũng may, tôi không phải tham gia những buổi tập như vậy. Người ta phải luyện tập trong những hoàn cảnh thật kinh khủng. Nhiệt độ tụt xuống đến bốn mươi, năm mươi độ dưới không. Bước nhầm một bước trong những buổi tập kiểu đó là có thể mất mạng. Mỗi khi có buổi tập như vậy là y như rằng hàng trăm người phải vào bệnh viện vì tê cóng hoặc được đưa đến suối nước nóng để điều trị. Tân Kinh không phải là một thành phố lớn nhưng vẫn là một chốn lạ xứ người, thành thử nếu anh muốn vui chơi thì chẳng thiếu gì trò tiêu khiển. Cánh sĩ quan trẻ độc thân như tôi không sống trong doanh trại mà ở một thứ kiểu như nhà nghỉ. Nó như là kéo dài quãng đời sinh viên vậy. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, cứ đinh ninh rằng chẳng có gì phải than phiền nếu thời gian quân dịch của tôi cứ đều đều như vậy, bình an, ngày này qua ngày khác. 
Dĩ nhiên, thì đó chỉ là bình an giả tạo. Ngay ngoài rìa cái vòng tròn ánh nắng nhỏ nhoi của chúng tôi, một cuộc chiến khốc liệt vẫn đang diễn ra. Hầu hết người Nhật đều hiểu rằng cuộc chiến với Trung Hoa có thể biến thành một vũng lầy mà chúng ta sẽ không bao giờ thoát ra được. Ít nhất là người Nhật nào có cái đầu đều nhận ra điều đó. Dù chúng ta có thắng bao nhiêu trận thì cũng thế: Nhật Bản không có cách gì để tiếp tục chiếm đóng và cai trị một đất nước khổng lồ như vậy. Điều đó thật hiển nhiên, chỉ cần nghĩ cho tỉnh táo là thấy ngay. Mà rõ ràng là vậy, chiến sự càng tiếp diễn, số người chết và bị thương càng nhân lên. Quan hệ với Hoa Kỳ đã tệ càng tồi tệ. Bóng ma chiến tranh cứ ngày một u ám ngay cả tại quê nhà Nhật Bản. Đó là những năm đen tối, 1937, 1938. Thế nhưng khi sống cuộc đời sĩ quan vô lo ở Tân Kinh, hầu như ta chỉ muốn tự hỏi: "Chiến tranh? Chiến tranh nào kia?" Tối nào chúng tôi cũng kéo nhau đi chè chén và bù khú, lại hay đến những quán cà phê có các cô gái người Bạch Nga. 
Thế rồi, một ngày cuối năm 1938, một sĩ quan cấp cao ở Bộ Tổng Tham mưu gọi tôi lên giới thiệu tôi với một người mặc thường phục tên là Yamamoto. Y cắt tóc ngắn, để ria mép. Y không cao lớn lắm, trạc ba tư, ba lăm tuổi, có vết sẹo trên cổ trông như vì một thứ lưỡi bén nào đó. Viên sĩ quan nói với tôi: 
- Ông Yamamoto là thường dân. Ông ấy được quân đội thuê tiến hành khảo sát đời sống và tập tục của người Mông Cổ sống ở Mãn Châu. Lần này ông ấy sẽ đến thảo nguyên Hulunbuir gần biên giới Ngoại Mông, chúng tôi sẽ cử một đội vũ trang tháp tùng theo ông ấy. Anh sẽ là một thành viên trong nhóm này. 
Tôi không tin một lời nào ông ta nói. Gã Yamamoto này mặc thường phục thật đấy, nhưng chỉ cần liếc qua ai cũng biết y là một quân nhân chuyên nghiệp. Cái nhìn trong mắt y, cách y nói, kiểu dáng đi đứng của y, lầm sao được. Tôi cho rằng y là một sĩ quan cao cấp có quan hệ với tình báo, đang thi hành một điệp vụ bí mật nên phải giấu nhẹm việc mình là nhà binh. Có cái gì đó có vẻ chẳng lành trong toàn bộ chuyện này. 
Được phân công đi theo Yamamoto có ba người, kể cả tôi. Để có một đội hộ tống vũ trang hữu hiệu thì thế là quá ít, tuy rằng nếu đông người hơn thì có thể gây chú ý cho các đơn vị quân đội Ngoại Mông đang triển khai dọc biên giới. Người ta cũng có thể coi đây là trường hợp giao phó một nhiệm vụ bí mật ột nhóm người đặc tuyển, nhưng sự thật thì hoàn toàn khác. Trong nhóm chỉ có mình tôi là sĩ quan, mà tôi thì kinh nghiệm chiến đấu chẳng có gì. Người duy nhất mà cả nhóm có thể trông cậy nếu xảy ra chạm súng là một viên trung sĩ tên Hamano. Tôi biết rõ anh ta vì anh này được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho bộ tổng tham mưu. Anh ta là một tay gan lì, đã từ những cấp bậc thấp nhất leo lên đến hàm hạ sĩ quan, từng tỏ ra xuất sắc trong các trận đánh ở Trung Hoa. Anh ta cao lớn, rắn rỏi, không biết sợ là gì, nói gọn là, tôi tin chắc chúng tôi có thể trông cậy vào anh ta trong những lúc dầu sôi lửa bỏng. Nhưng sao người ta lại đưa cả hạ sĩ Honda vào nhóm thì tôi chịu không hiểu được. Cũng như tôi, anh ta mới chân ướt chân ráo từ Nhật sang và dĩ nhiên là chưa hề biết mùi đánh đấm. Anh ta là một tay mềm mỏng, ít nói, xem ra lúc lâm trận thì sẽ chẳng được tích sự gì. Đã vậy anh ta vốn là người của Sư đoàn Bảy, nghĩ là Bộ Tổng Tham mưu đã phải cất công sang bên đó điều động anh ta về chỉ để tham gia sứ mệnh này. Vậy ra anh ta là một người lính có giá trị lắm, nhưng mãi về sau chúng tôi mới thấy rõ tại sao. 

Tôi được chọn làm trưởng nhóm hộ tống bởi nhiệm vụ chính của tôi là nghiên cứu địa hình biên giới phía Tây của Mãn Châu quốc trong lưu vực sông Khalkha. Việc của tôi là kiểm tra xem các bản đồ chúng tôi hiện có về khu vực này hoàn chỉnh đến đâu. Thậm chí tôi từng đến vùng này mấy lần bằng máy bay. Hẳn rằng tôi có mặt là để sứ mạng được hoàn thành êm đẹp. Nhiệm vụ thứ hai của tôi là thu thập thêm thông tin chi tiết về địa hình khu vực này nhằm nâng độ chính xác của bản đồ. Một hòn đá trúng hai con chim, như người ta đã nói. Thành thật mà nói, những bản đồ chúng tôi có hồi đó về Thảo nguyên Hulunbuir giáp giới với Nội Mông chỉ là những thứ bản thô, chẳng hoàn thiện hơn là mấy so với các bản đồ cổ từ thời nhà Thanh. Đạo quân Quan Đông đã tiến hành mấy đợt vẽ bản đồ từ sau khi Mãn Châu quốc được thành lập. Họ muốn vẽ những bản đồ chính xác hơn, nhưng khu vực mà họ muốn bao quát lại quá rộng, miền Tây Mãn Châu thì chỉ là một sa mạc vô tận. Ở những vùng hoang địa mênh mông thế kia thì biên giới quốc gia chẳng có ý nghĩa gì lắm. Những người du mục Mông Cổ đã sinh sống ở đó hàng trăm năm chẳng cần tới biên giới, thậm chí không hề có ý niệm biên giới là gì. 
Tình hình chính trị cũng gây cản trở cho việc vẽ bản đồ chính xác hơn. Có nghĩa là, nếu chúng tôi vội đơn phuơng đưa ra một bản đồ chính thức trình bày đường biên giới quốc gia theo ý của riêng mình thì có thể sẽ nổ ra xung đột toàn diện cấp quốc tế. Cả Liên Xô và Ngoại Mông, những nước có chung biên giới với Mãn Châu quốc, cực kỳ nhạy cảm về vấn đề xâm phạm biên giới, đã từng có mấy trường hợp giao tranh đẫm máu vì chuyện này. Vào thời điểm đó quân đội chúng ta không có ý định đánh nhau với Liên Xô. Toàn bộ lực lượng của chúng ta đã dồn vào cuộc chiến với Trung Hoa, chẳng còn lại gì để có thể giáp chiến trên quy mô lớn với Liên Xô. Chúng tôi không có đủ sư đoàn, không đủ xe tăng, pháo binh lẫn máy bay. Ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an ninh của Mãn Châu quốc vốn vẫn là một thực thể chính trị tương đối mới. Việc xác định biên giới phía Bắc và Tây Bắc có thể để sau, ý của phía quân đội là vậy. Họ muốn câu thời gian bằng cách cứ để mọi chuyện không rõ ràng. Ngay cả đạo quân Quan Đông hùng mạnh cũng theo quan điểm này và giữ thái độ "chờ để xem". Hệ quả là người ta để mặc mọi chuyện bị bao trùm trong một sự mơ hồ. 
Tuy nhiên, nếu dù lãnh đạo có tính toàn kỹ đến đâu đi nữa mà vẫn có sự kiện bất ngờ nào đó làm chiến tranh nổ ra (trên thực tế đã diễn ra như vậy ở Nomonhan một năm sau đó) thì phải có bản đồ mới đánh nhau được. Không phải loại bản đồ dân sự thông thường mà là bản đồ tác chiến thứ thiệt kia. Trong chiến tranh ta cần có những bản đồ chỉ rõ phải đóng quân ở đâu, chỗ nào bố trí hỏa lực hữu hiệu nhất, bộ binh phải mất bao nhiêu ngày để đi đến chỗ kia, nguồn nước ở đâu, cần bao nhiêu thức ăn cho lũ ngựa: bao nhiêu là thông tin chi tiết cần phải có. Không có bản đồ như vậy thì không thể tiến hành chiến tranh hiện đại được. Chính vì vậy công việc của chúng tôi phần nhiều lại chồng chéo với công việc của bên tình báo, chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi thông tin với với bộ phận tình báo của đạo quân Quan Đông hay đơn vị đặc nhiệm của quân đội ở Hailar. Hai bên ai cũng biết nhau, nhưng tay Yamamoto này thì tôi chưa gặp bao giờ. 
Sau năm ngày chuẩn bị, chúng tôi rời Tân Kinh đến Hailar bằng xe lửa. Từ đó chúng tôi chuyển sang xe tải, qua khu vực chùa phật giáo Tây Tạng Khan-buo thì đến trạm quan sát biên giới của đạo quân Quan Đông gần sông Khalkha. Tôi không nhớ chính xác chúng tôi đã đi bao xa, khoảng hơn ba trăm cây số gì đó. Ấy là một vùng cực hoang vu, hoàn toàn trơ trụi, nhìn ngút mắt cũng không thấy bất kỳ một cái gì. Công việc của tôi đòi hỏi phải thường xuyên đối chiếu bản đồ với địa hình thực, nhưng không có gì để tôi đối chiếu cả, chẳng có cái gì là địa thế đặc biệt may ra có thể dùng làm mốc định hướng. Đâu đâu cũng toàn những đồi gò nham nhở đầy cỏ dại kéo dài mãi không hết, đường chân trời bất tận, những đám mây trôi trên bầu trời. Tôi chịu chẳng cách nào xác định được mình đang ở đâu trên bản đồ. Chỉ có thể đoán chừng dựa trên quãng thời gian mình đã đi mà thôi. 
Đôi lúc, những khi lặng lẽ đi qua một vùng đất bao la hoang vắng đến nhường đó, ta có thể bị một ảo giác choán ngợp rằng bản thân ta, một con người riêng lẻ, đang dần dần bị tiêu biến đi. Không gian xung quanh rộng lớn đến nỗi càng lúc càng khó giữ cho cân bằng bản thân sự tồn tại của ta. Ông có hiểu ý tôi không? Ý thức trương nở ra để lấp đầy toàn bộ cảnh quan, bị tan hòa đến độ ta không còn khả năng gắn kết nó vào nhục thể của ta. Tôi đã cảm nhận chính mình như vậy giữa lòng thảo nguyên Mông Cổ. Mênh mông quá! Giống đại dương hơn là giống cảnh sa mạc. Mặt trời mọc ở chân trời phía Đông, chậm rãi băng qua bầu trời rồi lặn xuống chân trời phía Tây. Đó là sự thay đổi duy nhất nhìn thấy được xung quanh chúng tôi. Và trong sự chuyển động đó của mặt trời tôi cảm nhận được một cái gì khó gọi tên, một tình yêu lớn lao, có tính vũ trụ. 

Ở chốt biên giới của quân đội Mãn Châu quốc, chúng tôi chuyển từ xe tải sang cưỡi ngựa. Người ta đã chuẩn bị cho chúng tôi đủ mọi thứ: bốn con ngựa để cưỡi, thêm hai con ngựa thồ mang sẵn thức ăn, nước uống và vũ khí. Chúng tôi trang bị vũ khí nhẹ. Tôi và gã tên Yamamoto chỉ mang súng lục. Hamano và Honda thì mỗi người ngoài súng lục còn mang một khẩu súng trường bộ binh M38 và hai quả lựu đạn. 
Trên thực tế chỉ huy nhóm của chúng tôi là Yamamoto. Y quyết định mọi chuyện, cũng y là người ra lệnh. Bởi bề ngoài y được coi là dân thường nên theo luật nhà binh thì tôi là sĩ quan chỉ huy, song trên thực tế chẳng ai nghi ngờ rằng chính hắn mới có quyền ra lệnh. Một mặt, hắn là loại người sinh ra để làm chuyện đó, mặt khác, dù tôi mang lon trung úy nhưng kỳ thực tôi chỉ là một cây cạo giấy chưa hề biết thế nào là trận mạc. Cánh quân nhân nhìn ra ngay ai thực sự là kẻ có năng lực, và chỉ kẻ đó họ mới vâng lời mà thôi. Ngoài ra, cấp trên đã lệnh cho tôi phải tuân theo chỉ thị của Yamamoto mà không thắc mắc gì hết. Việc tôi tuân lời hắn là một điều gì đó vượt ngoài lề luật và phép tắc thông thường. 
Chúng tôi đi về phía sông Khalkha rồi men theo dòng sông về phía Nam. Dòng sông dềnh lên vì tuyết mới tan. Chúng tôi nhìn thấy những con cá lớn trong dòng nước. Đôi khi ở đằng xa thấp thoáng những con sói. Có lẽ đó không phải là sói thuần chủng mà một phần lai chó rừng, nhưng dù sao vẫn nguy hiểm. Chúng tôi phải cắt người canh gác hàng đêm để bảo vệ lũ ngựa trước bầy sói. Chúng tôi thấy nhiều chim, hầu hết là chim di trú trên đường trở về Siberia. Yamamoto và tôi thường thảo luận với nhau về các đặc điểm địa hình. Chúng tôi đối chiếu bản đồ với con đường đang đi, ghi chép cẩn thận vào sổ mọi chi tiết nhỏ mình nhận thấy. Tuy nhiên, ngoài những cuộc trao đổi chuyên môn đó, Yamamoto hầu như không nói chuyện với tôi. Y lặng lẽ thúc ngựa đi, ăn một mình chứ không ăn cùng chúng tôi, đêm thì đi ngủ mà không nói một lời. Tôi có cảm giác đây không phải là lần đầu tiên y đến vùng này. Y am hiểu địa hình, phương hướng, vân vân... một cách chính xác đến kỳ lạ. 
Sau khi tiến về phương Nam được hai ngày không xảy ra sự cố gì, Yamamoto gọi riêng tôi ra bảo rằng sáng hôm sau chúng tôi sẽ vượt sông Khalkha. Tôi nghe mà sững sờ. Bờ bên kia đã là lãnh thổ Ngoại Mông. Ngay cả bờ sông nơi chúng tôi đang đứng cũng là khu vực nguy hiểm bởi vấn đề tranh chấp biên giới. Người Mông Cổ khăng khăng rằng đấy là đất của họ. Mãn Châu quốc cũng tuyên bố đây là lãnh thổ của mình, vì vậy mà hai bên thường xuyên xung đột vũ trang. Nếu chúng tôi bị quân đội Ngoại Mông bắt ở bờ bên này thì ít ra sự bất đồng ý kiến kia giữa hai bên còn là một cái cớ để du di cho chúng tôi. Thực ra thì ít có nguy cơ chạm trán quân đội Ngoại Mông ở đây vào mùa này, bởi tuyết đang tan nên rất khó vượt sông. Nhưng bờ bên kia thì khác hẳn. Nhất định là bên kia có quân tuần tra Mông Cổ. Nếu chúng tôi bị bắt ở bên kia thì chẳng có cớ gì thanh minh được. Rõ ràng đây sẽ là một vụ xâm phạm biên giới, có thể dấy lên đủ thứ rắc rối về chính trị. Chúng tôi có thể bị bắn ngay tại chỗ, chính phủ cũng chẳng bảo vệ được. Ngoài ra, sĩ quan cấp trên không hề nói rằng chúng tôi có thể vượt qua biên giới. Dĩ nhiên người ta đã bảo tôi phải tuân lệnh Yamamoto, nhưng tôi không cách nào biết được liệu có cần phải tuân lệnh y ngay cả trong một việc nghiêm trọng như là xâm phạm biên giới không. Thứ hai, như tôi đã nói ban nãy, sông Khalkha đang tràn bờ, dòng chảy quá mạnh khó lòng vượt qua, ấy là chưa nói nước lạnh cắt da cắt thịt. Ngay cả các bộ lạc du mục cũng chẳng vượt sông vào mùa này trong năm. Họ thường chỉ vượt sông trong mùa đông khi sông đã đóng băng, hoặc vào mùa hè khi dòng chảy êm, nước ấm. 
Khi tôi nói hết những điều đó với Yamamoto, y nhìn tôi chằm chằm một lát. Đoạn y gật gật đầu mấy cái. - Tôi hiểu nỗi lo của anh về việc xâm phạm biên giới, - y nói, vẻ có phần kẻ cả. - Với một sĩ quan có những người cấp dưới trong tay thì cân nhắc vấn đề trách nhiệm trong những chuyện như thế là điều tự nhiên. Anh không bao giờ muốn cho thuộc cấp của mình phải nguy hiểm đến tính mạng nếu không có lý do chính đáng. Nhưng anh cứ để chuyện ấy cho tôi. Tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc này. Tôi không thể giải thích nhiều với anh, nhưng việc này đã được thông qua ở cấp cao nhất của quân đội. Về chuyện vượt sông thì anh đừng lo, chúng ta chẳng bị trở ngại gì về mặt kỹ thuật cả. Có một chỗ kín đáo, ít người biết, ở đó ta có thể vượt sông. Quân đội Ngoại Mông đã xây dựng một số điểm như vậy. Chuyện đó thì hẳn anh cũng biết rõ. Bản thân tôi đã vượt sông mấy lần tại điểm đó vào mùa này. Năm ngoái tôi đã vào lãnh thổ Ngoại Mông cũng vào mùa này, chính tại chỗ đó. Anh chẳng việc gì phải lo. 
Y nói đúng ở một điểm. Quân đội Ngoại Mông, vốn biết rõ khu vực này như lòng bàn tay, từng cử các đơn vị chiến đấu - tuy không nhiều lắm - đến phía bên này sông trong mùa tuyết tan. Đã vậy thì họ cũng có thể đưa sang hàng đạo quân nếu muốn. Và một khi họ đã có thể vượt sông thì gã Yamamoto này cũng vượt được, và chẳng có lý nào những kẻ còn lại trong bọn tôi thì không. 
Hiện chúng tôi đang đứng tại một trong những điểm vượt sông bí mật mà quân đội Ngoại Mông đã xây dựng. Nó được ngụy trang khéo léo, thoạt nhìn khó nhận ra. Một cây cầu bằng ván ghép chìm dưới nước, hai đầu buộc chắt bằng thừng để trụ lại giữa dòng nước xiết, nối liền hai chỗ cạn ở hai bên bờ sông. Xe chở lính, xe thiết giáp, xe tăng chỉ cần ngập bánh dưới nước một chút là có thể vượt sông bằng cây cầu này. Do cầu được phủ kín dưới nước nên máy bay thám thính không bao giờ phát hiện được. Chúng tôi băng qua dòng nước xiết bằng cách bám theo dây thừng. Yamamoto đi đầu để kiểm tra xem có lính tuần canh của Ngoại Mông hay không, chúng tôi theo sau y. Chân chúng tôi tê dại trong nước lạnh cắt da, nhưng người ngựa vẫn cố sang tới được bờ bên kia sông Khalkha. Bờ bên kia cao hơn nhiều, đứng ở đó chúng tôi có thể trông xa hàng nhiều dặm về sa mạc bao la phía bên này sông. Đây là một lý do khiến quân đội Xô Viết đã luôn luôn có lợi thế hơn khi trận Nomonhan nổ ra. Sự khác biệt về cao độ cũng ảnh hưởng đến độ chính xác của hỏa lực. Dù thế nào đi nữa, tôi nhớ mình đã thật sửng sốt thấy cảnh quan hai bên bờ khác nhau đến vậy. Tôi cũng nhớ, mất một hồi lâu lắm mới lại có cảm giác ở đôi chân phải ngâm quá lâu trong làn nước băng giá. Thậm chí mãi một hồi tôi mới lên tiếng lại được. Nhưng, tình thật, duy sự căng thẳng khi nhớ ra mình đang ở trên lãnh địa kẻ thù cũng đủ khiến chúng tôi quên phắt cái lạnh. 

Chúng tôi men theo dòng sông về phía Nam. Như con rắn ngoằn ngoéo uốn khúc, dòng Khalkha chảy phía dưới chúng tôi, về bên trái. Ngay sau khi vượt sông, Yamamoto khuyên chúng tôi lột bỏ hết quân hàm, chúng tôi liền làm theo. Hẳn là vì những thứ này sẽ chỉ gây thêm rắc rối nếu chúng tôi bị địch bắt. Vì lý do đó, tôi tháo đôi ủng sĩ quan và chuyển sang đi ghệt. 
Tối hôm đó chúng tôi đang cắm trại thì một người đàn ông từ xa cưỡi ngựa đến gần chúng tôi. Y là người Mông Cổ. Người Mông Cổ dùng thứ yên ngựa cao khác thường cho nên dễ nhận ra họ từ xa. Vừa nhác thấy kẻ đang lại gần, trung sĩ Hamano liền chộp ngay khẩu súng trường, nhưng Yamamoto bảo anh ta đừng bắn. Hamano chầm chậm hạ súng xuống, chẳng nói chẳng rằng. Bốn chúng tôi đứng đó, đợi người kia lại gần. Y đeo ngang lưng một khẩu súng trường của Liên Xô, một khẩu súng Mauser giắt ở lưng. Mặt y râu quai nón xồm xoàm, đầu đội mũ có che tai. Bộ quần áo bẩn thỉu của y giống của dân du mục, nhưng nhìn phong thái của y có thể biết ngay rằng y là quân nhân chuyên nghiệp. 
Gã đàn ông xuống ngựa nói với Yamamoto bằng một thứ tiếng tôi cho là tiếng Mông Cổ. Tôi biết chút ít cả tiếng Nga lẫn tiếng Trung Hoa, nhưng đây không phải tiếng này cũng chẳng phải tiếng kia, vậy ắt là tiếng Mông Cổ. Yamamoto trả lời người kia cũng bằng thứ tiếng đó. Điều này càng khiến tôi tin chắc Yamamoto là sĩ quan tình báo. 
Yamamoto bảo tôi: 
- Này Trung úy Mamiya, tôi sẽ đi cùng người này. Tôi không biết sẽ đi bao lâu, nhưng tôi muốn các anh chờ ở đây, dĩ nhiên là phải luôn luôn cảnh giác. Nếu trong vòng ba mươi sáu giờ mà tôi chưa trở về, các anh phải báo cáo với bộ tham mưu. Hãy cử một người vượt sông trở về chốt quan sát của quân đội Mãn Châu quốc. 
 



Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.