Chỉ Thắm Tơ Đào

Chương 8: Cuộc sống tân hôn (3)



Hôm qua đi chùa cầu phúc về mệt quá, hôm nay tôi lười chẳng muốn đi đâu.

Vì vậy cha tôi mời một gánh hát về nhà diễn.

Ý tưởng này khá tuyệt.

Chỉ là sáng nay Thẩm tề nói với tôi chàng có việc, còn bận chuẩn bị đi làm lại sau kỳ nghỉ không ở bên tôi được.

Thôi được rồi, tôi tự xem hát một mình vậy.

Hôm nay gánh hát diễn vở “Tây sương ký” - câu chuyện về tài tử giai nhân.

Mặc dù chưa đọc truyện này nhưng tôi cũng biết nội dung sơ sơ.

Nghe nói gánh hát này mới đến kinh thành, có rất nhiều gương mặt mới.

Chẳng bao lâu sau, vở diễn trên sân khấu bắt đầu.

Tôi nhìn lên.

Vai diễn cậu Trương bước ra. Quả là một cậu trai tuấn tú.

Tóc đen môi đỏ, đôi mắt to tròn, sống mũi cao thẳng, hàng mày lại không thô như đàn ông, hẳn là cố ý trang điểm kiểu lông mày như thế. Cả gương mặt trông cực kỳ anh tuấn nhưng lại không đánh mất vẻ nam tính.

Dáng người cậu này cũng đẹp, mặc áo màu xanh lục mềm mai như cành liễu. Chỉ nhìn một thoáng thôi mà như bị hút hồn luôn vậy.

Đào hát đóng vai Thôi Oanh Oanh cũng đẹp, nhu mì dịu dàng, thướt tha uyển chuyển. Nhìn cách hóa trang là biết được đầu tư tỉ mỉ lắm. Quần áo, trang sức đều là hàng tốt, rất hợp với đào hát mắt hạnh, sóng mắt lúng liếng làm người ta không thể không xuýt xoa này. Giọng hát của cô vừa cất lên lại càng làm người ta kinh ngạc hơn, hát mấy câu đã diễn được dáng vẻ của tiểu thư khuê các bước ra từ trong trang sách vậy.

Tôi nghe câu được câu không, xem được ba bốn hồi, cuối cùng đến đoạn Oanh Oanh hẹn ước cậu Trương thì giận sôi gan.

Hoá ra câu chuyện này là vậy. Tôi chỉ nghe nói đây một giai thoại của tài tử giai nhân. Giờ ngẫm lại hẳn là viết ra để thoả mãn đám người trí thức giả vờ thanh cao kia thôi. Chẳng hề suy xét tới tình cảnh của Oanh Oanh mà chỉ lợi cho cậu Trương kia thôi.

Tôi thật sự không hiểu, đúng là cậu Trương đẹp mã thật, cũng có tài hoa thật, nhưng Oanh Oanh cần gì buông thả với cậu Trương như thế? Chẳng hề muốn cậu ta hứa hẹn điều gì, lại còn cứ vậy mà chịu hết điều tiếng thế gian. Cậu Trương kia cũng là đồ ích kỷ, thích là làm luôn hả? Cậu ta thật sự yêu Oanh Oanh ư? Cậu ta chẳng hề nghĩ cho Oanh Oanh chút nào hết.

Nếu cậu Trương biến mất thì Oanh Oanh biết làm sao? Tính cách của Oanh Oanh cũng không giống như mình, nàng sẽ không đòi công lý cho bản thân đâu. Mà lời đồn có thể g__t người đấy!

Tức quá mà! Không xem nữa!

2.

Tôi ra sau vườn cho bồ câu ăn, không xem hát nữa.

Từ lúc đến nhà tôi ở, Thẩm Tề đưa Gạo Nếp theo tới đây luôn. Gạo Nếp với Bé Tròn cũng không cần bay tới bay lui.

Lúc rảnh rỗi không có việc gì làm tôi sẽ cho tụi nó ăn. Bây giờ tụi nó càng ngày càng béo.

Nhìn tụi nó, tôi nghĩ tụi nó muốn thì có thể tung cánh bay xa, còn có thể bay tới những nơi rất xa nữa.

Còn tôi có thể như vậy không.

Thấy mẹ cũng tới đây, tôi hỏi thử:

- Mẹ ơi, mẹ với cha có từng nghĩ, nếu không có hai người bên cạnh con có thể tự mình sống được hay không?

Mẹ tôi hoảng hốt:

- Nhất Nhất, con sao vậy, con gặp phải chuyện gì hả?

- Dạ không, con chỉ hỏi thử vậy thôi.

Mẹ tôi ngẫm nghĩ, lại nói:

- Cha mẹ nghĩ rồi chứ. Từ lúc con bắt đầu lớn lên cha mẹ đã lo lắng rồi. Từ nhỏ con sống cùng với cha mẹ, chưa từng chịu khổ là vì được cha mẹ bảo bọc. Vì thế mẹ với cha con mới bàn bạc kén cho con một chàng rể, như vậy sau khi kết hôn con vẫn có thể được cha mẹ che chở, cha mẹ cũng an tâm hơn.

- Nhưng mà mẹ ơi, cha mẹ cũng không thể nào bên con cả đời được. Lúc đó con biết phải làm sao?

- Thì còn có Thẩm Tề đó còn gì? Trước đây cha con đã tìm hiểu kỹ rồi, mấy ngày nay mẹ cũng cảm thấy thằng bé là người tốt, đáng để nương tựa.

Tôi ôm lấy tay mẹ tôi, tựa đầu lên vai bà như hồi tôi thơ bé:

- Mẹ ơi, chẳng lẽ cả đời con phải dựa dẫm ai đó ư? Bây giờ con dựa dẫm vào cha mẹ, về sau lại dựa dẫm phu quân. Con sống vậy được ư?

Giọng nói dịu dàng của mẹ vang lên bên tai tôi:

- Đàn bà con gái chúng ta, không như thế thì như nào đây? Lúc ở nhà thì nghe cha, lấy chồng thì theo chồng, chồng mất thì nhờ con. Mẹ cũng sống như thế. Bây giờ có cha con và con. Cả đời cũng chẳng có gì tiếc nuối.

- Nếu lấy phải người không tốt thì sao ạ? Trên đời này có lắm kẻ lòng lang dạ sói, bụng dạ xấu xa, cũng không phải ai cũng may mắn được như cha mẹ vậy. Những cô gái đó chỉ có thể mặc cho số phận thôi ư?

Một lát sau mẹ tôi mới lên tiếng:

- Những cô gái đó nếu có thể ly hôn thì ly hôn. Nếu có tiền thì tự mở cửa hàng kinh doanh, nếu không có tiền thì làm thuê làm mướn. Tóm lại là bắt đầu lại cuộc sống. Còn nếu không thể ly hôn thì… mẹ cũng không biết nữa…

- Thế nên mẹ ơi, con cảm thấy đàn bà con gái chúng ta tuy không thể thi cử rồi ra làm quan như cánh đàn ông, nhưng cũng nên có năng lực tự chăm sóc bản thân, dựa vào bản thân mình mới là đúng đắn nhất. Phải không ạ?

- Đương nhiên rồi, tuy đã lấy cha con nhưng mẹ thay cha con nắm hết việc trong nhà, sinh con dưỡng cái, may mắn hơn những người phụ nữ hoàn toàn dựa vào chồng kia. Những người ấy vì nhiều lý do mà không thể có khoảng trời riêng của mình. Thật ra mẹ cũng có sự nghiệp riêng, cũng quản lý mấy gian cửa hàng chứ bộ.

Thấy thái độ mẹ tôi dịu lại, tôi nói tiếp:

- Vậy nếu một ngày con muốn đi đâu thật xa một mình, mẹ có đồng ý không ạ?

- Không được đâu Nhất Nhất. Trước giờ con chưa đi đâu quá xa, cũng không biết võ công, nếu xảy ra chuyện gì thì làm sao… Nguy hiểm lắm!

Tôi lắc lắc cánh tay của mẹ tôi, nói:

- Kìa mẹ, vậy con học một ít võ công, rồi cha mẹ cho hộ vệ giỏi nhất nhà mình đi theo con là được mà.

Nhưng mẹ tôi lại rất kiên quyết:

- Không được, quá nguy hiểm.

Tôi đứng thẳng người lên, nhìn vào mắt mẹ tôi, nói:

- Nhưng mẹ ơi, còn cảm thấy đấy là chí hướng của con.

- Chí hướng hả?

- Dạ phải, từ nhỏ con lớn lên trong vòng tay của cha mẹ. Làm việc gì cũng chưa từng nghĩ tới ngày mai. Bởi vì con biết cha mẹ rất thương con, hai người sẽ giúp con an bài ổn thoả hết thảy. Nhưng mẹ ơi, đến bây giờ con chưa bao giờ thấy điều gì thú vị cả. Con không biết tương lai sau này thế nào, có giống như bây giờ không. Con chỉ biết học theo những người con gái khác, là giúp chồng dạy con. Mẹ biết mà, con không muốn như vậy.

Tôi nói tiếp:

- Mẹ ơi, từ khi con phát hiện ra chí hướng này, con cảm thấy mình không giống như ngày xưa nữa. Vì có thể đạt được nó, con muốn học võ công, muốn học cách kinh doanh, muốn học đạo lý đối nhân xử thế. Con thấy như vậy thật tuyệt, vì con có thể từ từ đạt được chí hướng của mình. Sau khi đi xa quay về, con có thể viết những gì mình biết thành một quyển du ký. Sau khi xuất bản, trên quyển du ký đó sẽ có tên con. Khi ấy, con không phải là con gái của cha, cũng không phải là phu nhân của Thẩm Tề, mà con chỉ là con.

Nghe xong, mẹ tôi im lặng một hồi lâu.

Cuối cùng, mẹ tôi nói:

- Nếu đây là điều con muốn, mẹ sẽ ủng hộ con.

- Tuyệt quá!

Tôi reo lên:

- Mẹ ơi! Cảm ơn mẹ!

Tôi cảm thấy thật vui vẻ, ghé vào người mẹ tôi làm nũng.

Mẹ tôi bình ổn lại cảm xúc, bắt đầu nói:

- Vậy để mẹ tìm thầy cho con, một người dạy võ công, một người dạy buôn bán…

- Mẹ ơi, con chưa đi ngay mà! Không cần gấp vậy đâu! Lại nói, con muốn tự lập mà, để con tự tìm ạ.

- Không được! Lỡ con tìm phải người vô dụng thì làm sao? Thôi để mẹ tìm cho chắc.

- Kìa mẹ, mẹ yên tâm, con tự tìm được, thật mà, đây cũng là một cách rèn luyện, để con tự làm ạ.

Nghĩ ra một chuyện, tôi nói tiếp:

- Mẹ ơi, bên chỗ cha thì…

Mẹ tôi nguýt tôi một cái, nói:

- Yên tâm, mẹ giúp con thuyết phục ông ấy.

- Cảm ơn mẹ! Đã giờ Thân rồi, mình đi ăn cơm đi ạ.

- Mẹ kéo tôi lại, nói:

- Từ từ, mẹ hỏi con một câu. Lúc nghĩ tới chuyện đi xa này, con có nghĩ tới Thẩm Tề không? Tuy không cần được thằng bé cho phép nhưng nếu con muốn chung sống hoà thuận thì nên hỏi thằng bé một lời.

Đúng thật là tôi không nghĩ tới chuyện này.

- Cái này… con cũng không biết. Để con thử hỏi chàng xem.

- Con không nghĩ là cùng thằng bé đi hả? Hai người có thể chăm sóc lẫn nhau, còn có thể vun đắp tình cảm nữa.

Tôi kiên định nói:

- Dạ không mẹ ơi, vì đây là chí hướng của con chứ không phải của chàng.

- Huống hồ con cũng không muốn đi với người khác. Như vậy thì khác gì ở nhà đâu. Lại nói, sông núi nước non, phồn hoa thịnh cảnh, con chỉ muốn ngắm một mình thôi. Nếu đi cùng với người khác thì phải phân tâm, như vậy hứng thú sẽ giảm đi ạ.

Mẹ tôi đã bị tôi thuyết phục.

- Vậy con quyết định là được rồi. Tốt nhất là nên bàn bạc với thằng bé. Nói rõ ràng với nhau, đừng vì không nói rõ mà dẫn tới hiểu lầm không đáng. Thôi, đi ăn cơm thôi.

Lúc đến chái nhà, tôi thấy cha và Thẩm Tề đã về rồi.

Mẹ nói:

- Hai người về đúng lúc quá nhỉ, chắc vội vàng về ăn cơm chứ gì.

Cả nhà cười rộ lên.

3.

Cơm nước xong, trên đường quay về phòng, thấy Thẩm Tề hơi mệt mỏi, tôi cảm thấy mình nên quan tâm chàng một chút:

- Chàng sao vậy? Gặp chuyện gì khó xử sao?

Thẩm Tề hơi kinh ngạc, nhìn tôi:

- Chỉ là chuyện biên tập sửa chữa sách sử thôi, hơi mệt chút chút. Hôm nay Nhất Nhất làm gì?

- Nhà mời gánh hát tới diễn, nhưng nghe một nửa thì ta giận quá bỏ luôn.

- Hả?

Tôi bèn kể đầu đuôi chuyện “Tây sương ký” cho chàng nghe.

Chàng mỉm cười, nói:

- Hoá ra là “Tây sương ký”. Vậy phu nhân giận cũng có thể hiểu được. Câu chuyện này vốn là do một vài văn nhân tưởng tượng ra, đương nhiên sẽ cho cậu Trương được lợi hơn rồi. Có điều nàng cứ yên tâm, kết cục của “Tây sương ký” này khá tốt. Cậu Trương đậu Trạng nguyên thì quay về cưới cô nương họ Thôi, người có tình cuối cùng thở thành thân thuộc.

Tôi khịt mũi coi thường:

- Hừ, Oanh Oanh không nên cùng thứ đàn ông như thế bạc đầu giai lão mới đúng, không đáng.

Thẩm Tề ngẫm nghĩ, lại nói:

- Nói vậy thì “Tây sương ký” còn có một kết cục khác nữa. Nhất Nhất có muốn nghe không?

Còn kết cục khác nữa hả? Tôi hơi tò mò:

- Chàng kể ta nghe thử.

- Đây là truyện “Oanh Oanh”, sửa lại kết cục của “Tây sương ký”. Cô nương họ Thôi bị cậu Trương bội bạc.

Trời đất ơi! Tôi tức điên ấy!

- Ta nói mà, cậu Trương này chẳng phải thứ gì tốt! Truyện “Oanh oanh” này còn cảnh tỉnh đám con gái chớ nên nhẹ dạ cả tin. Chứ “Tây sương ký” đổi sang kết cục tốt luôn rồi.

Thấy tôi giận như thế, Thẩm Tề bật cười.

- Chàng cười cái gì? Hay chàng cũng từng như cậu Trương?

Thẩm Tề vội giải thích:

- Nào dám, nào dám. Phu nhân yên tâm. Thẩm Tề tự biết chưa có tiền đồ nên không dám làm mấy chuyện thề nguyền trăng gió. Tôi chỉ cảm thấy phu nhân đáng yêu nên cười thôi.

Bộ chàng không biết nói chuyện phiếm hả, bằng không sao lại kể kết cục này cho tôi chứ. Tôi nhanh chân bước về phòng, Thẩm Tề lẽo đẽo theo đằng sau.

4.

Thời gian cứ thế trôi qua. Tôi bận bịu tìm bản đồ và sách để từ từ sửa sang lại lộ trình đi xa và những việc cần làm.

Thẩm Tề cũng bận. Bình thường chỉ những lúc sáng sớm hoặc lúc dùng bữa tối tôi mới thấy chàng. Nhưng có hôm chàng ăn tối xong thì vội vàng đi lại, lắm lúc tôi ngủ rồi mà chàng vẫn chưa về.

Có điều như vậy cũng tốt, tôi không cần phân tâm vì chàng.

Hình như cha tôi cũng rất bận. Trong nhà chỉ có tôi với mẹ tôi.

Nhưng đến giữa mùa hè, Thẩm Tề lại gặp chuyện không may.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.