Chúng Tôi Đã Thay Đổi Như Thế Đấy

Chương 11: Rung động



Chủ nhật – Tháng 1: Trời ấm dần sau đợt mưa rét.

Diệp Anh ngồi trước xấp ảnh cũ, cầm từng tấm lên xem. Khi còn nhỏ mong được lớn để có thể làm những điều mình thích. Lớn lên rồi mới nhận ra những điều mình muốn đều chẳng thể làm được. Đôi khi đạt được rồi lại tự hỏi không biết điều đó có xứng đáng với sự cố chấp đến cùng của bản thân. Buổi họp lớp cấp ba, dọc chiếc bàn dài, chuyện cũ kể ra ai nấy đều cười không thể khép miệng nhưng hỏi đến hiện tại, ai cũng thở dài. Tuổi trẻ, lạc quan, nhiệt huyết, mọi người đều tin rằng nếu ước mơ không thể bay, cứ dắt vào túi áo, mang đến bất cứ đâu mình thích. Lâu dần, khó khăn, bế tắc như chiếc kim nhỏ, không chọc cho thủng mà làm xì hơi dần dần quả bóng mơ tưởng đó. Cuối cùng, nó chỉ như miếng cao xu im lìm, vô vị.

Có lẽ đúng như người ta nói, trưởng thành cũng là một gánh nặng.

Diệp Anh xếp qua bên xấp giấy cô đã xem mấy ngày qua. “Rác” đó là bộ phim cô vừa hoàn thành, lấy cảm hứng từ nơi hôi thối, rộng lớn bậc nhất ngoại ô: bãi rác thành phố. Sự xa hoa đã thải ra ở đây đủ loại rác và chính những người nhặt rác cũng giống như một thứ “phế phẩm” của xã hội. Nhưng sau nhiều tháng chờ đợi, chỉnh sửa, cuối cùng cô nhận được câu chất vấn: “Ngoài kia thiếu gì thứ đẹp đẽ mà phải đem rác lên màn ảnh.” Yên lặng, kinh phí không được duyệt, cô chỉ có thể xếp chồng ý tưởng này lên các ý tưởng khác, vẫn còn bỏ ngỏ, quay trở lại với những đề tài câu khách.

Cô thở dài, nói thế nào cô cũng là một trong số ít người có thể đi đến cuối cùng với ước mơ của mình. Có lẽ không nên quá tham lam. Nghĩ tới đây, cô mở laptop để xem tiếp bộ phim tình cảm hài còn dang dở. Hễ đã xem, cô phải xem cho hết. Cả đêm, buồn ngủ tới nỗi không thể cầm cự, cô vẫn theo dõi cho tới khi chữ “END” hiện đầy đủ trên màn hình.

Trời sáng rõ, đã quá giấc, cô chẹp miệng nhớ ra việc hôm nay phải làm bèn đứng dậy, thay bộ quần áo hôm qua vẫn mặc nguyên trên người.

Khải Hưng chào đón Diệp Anh bằng bộ dạng mệt mỏi, hơi thở nồng nặc mùi rượu. Anh thậm chí không thể mở nổi mắt để xem ai đang đối thoại với mình.

- Ai đấy?

- Phòng 303.

- Chúng ta hẹn chủ nhật mà.

- Vậy hôm nay thứ mấy?

Khải Hưng tựa đầu vào cửa, ngáp ngắn ngáp dài.

- Hôm qua thứ sáu. Thế thì hôm nay là thứ bảy.

- Vậy anh ngủ được một ngày một đêm rồi.

Khải Hưng vò đầu bứt tai.

Diệp Anh bước vào nhà, lưỡng lự. Khải Hưng bước theo sau, giọng nói khàn khàn.

- Cô ngồi đi. Chờ tôi một lát.

Diệp Anh tiến lại gần chiếc sofa màu xám ngay sát cửa sổ. Sau khi bỏ sang bên vài bộ quần áo vứt ngổn ngang, cô ngồi xuống, ngước mắt nhìn xung quanh. Nhưng cô không biết nên thực sự nhìn vào thứ gì. Qua khe hở của tấm rèm cửa, chút ánh sáng lọt vào, vạch một đường dài, xuyên qua căn phòng. Trống không.

15 phút trôi qua. Diệp Anh vẫn yên lặng chờ đợi. Đột nhiên, cô nghe thấy tiếng gì đó. Ngần ngừ, cô đứng dậy bước về phía phát ra âm thanh đó. Phòng bên cạnh, cánh cửa khép hờ. Cô nghiêng đầu nhìn qua khe hở. Khải Hưng đang đứng gục đầu vào góc tường. Ngáy. Bàn chải đánh răng vẫn còn trên miệng. Diệp Anh vội vã bước vào, vặn lại vòi nước đang chảy xối xả. Khắp sàn nhà lênh láng nước.

Lúc này, Diệp Anh mới nhìn rõ gương mặt của Khải Hưng. Nếu là phụ nữ, ắt hẳn anh là người không có nhan sắc. Các nét thô cứng, đôi khi gãy khúc. Nhưng chúng lại tạo nên nét hấp dẫn ở anh. Nước da rám nắng khiến anh rắn rỏi. Bờ môi dày khiến anh gợi cảm. Diệp Anh dừng lại khi nước miếng dính ở mép anh chảy xuống áo. Cô bỏ ra ngoài, đóng cửa lại để tiếng ngáy không vang khắp căn nhà.

Cô tò mò đi xung quanh xem xét. Bếp dường như chưa từng được sử dụng. Phòng ngủ, là nơi Khải Hưng vứt vào đủ thứ đồ: quần áo, giấy rác, vỏ hộp, sách báo… Cô quay lưng định bỏ về thì thấy ngay sát gầm giường, con Bob đang di chân xuống sàn nhà. Diệp Anh từ từ tiến lại gần quan sát. Cô rùng mình khi thấy rất nhiều kiến đang bu lấy một mẩu thức ăn thừa. Cô lắc đầu nhìn con vật tội nghiệp rên lên những tiếng kì lạ.

Cô thở dài, xắn tay áo lên. Kể từ khi ra ở riêng, cô bắt đầu nghiện dọn dẹp. Cô sắp xếp mọi thứ theo quy tắc. Thậm chí khi khách tới nhà và làm xê dịch thứ gì đó, cô không thể ngủ được cho tới khi biết đó là thứ gì và để nó vào đúng chỗ. Giờ cô vận dụng khả năng đó để làm cho những thứ trước mặt trở về đúng nghĩa một căn nhà.

Con Bob thích thú, tập tễnh đuổi theo chiếc chổi lau nhà. Chắc chắn đây là lần đầu nó biết thế nào là gọn gàng và sạch sẽ. Công việc nhanh chóng kết thúc. Đồ trong nhà Khải Hưng một nửa được tống vào máy giặt, nửa kia được tống ra sọt rác. Diệp Anh ngồi sụp xuống ghế sofa, thở hắt ra. Cô không biết Khải Hưng phải ăn bao nhiêu đồ ăn để khiến căn nhà ngập ngụa trong rác và mua bao nhiêu bộ quần áo để không phải giặt bộ nào như vậy.

Con Bob liếm khắp mặt cô. Cô xua tay ẩn nó ra nhưng dường như mí mắt cô bắt đầu trở nên nặng trịch, cụp xuống.

Cánh mũi phập phồng. Diệp Anh thức dậy bởi một mùi thơm nức. Cô lơ mơ đoán xem món gì đang được nấu trong bếp. Đột nhiên, cô ngồi bật dậy, hốt hoảng nhìn xung quanh. Cô thở phào nhớ ra mình đang ở đâu. Cô đứng lên, từ từ tiến về phía bếp.

- Cô ngồi đi.

- Anh nấu sao?

- Ở đây chỉ có tôi và con Bob. Thế cô nghĩ là ai nấu?

Trên bàn, một bữa cơm tinh tươm đã được chuẩn bị. Diệp Anh cảm thấy đói cồn cào. Bụng cô sôi lên. Cô nếm thử một thìa canh. Mùi vị lan dần trên đầu lưỡi.

- Tuyệt thật. Sao anh không làm đầu bếp? Sẽ kiếm được nhiều tiền hơn là bác sĩ đấy.

- Tôi không thích nấu ăn cho người khác.

- Nghề gì chẳng là phục vụ cho người khác. Anh câu nệ quá đấy.

Vừa nói, Diệp Anh vừa chăm chú đút thức ăn vào miệng. Cô gật gù như thể muốn tán dương.

Đũa của Khải Hưng vẫn chưa nhấc lên. Anh chăm chú nhìn Diệp Anh. Anh nhớ lại lúc sực tỉnh chạy ra phòng khách thì thấy cô đang vòng tay qua cổ con Bob, ghì chặt. Cô thậm chí còn gác chân lên người nó. Thay vì sủa ầm ĩ, nó lại nằm im ngước mắt nhìn Khải Hưng. Anh bật cười, giơ ngón tay ra hiệu cho nó trật tự. Sau đó, nhân lúc Diệp Anh trở mình, nó mới được dịp lỉnh vào bếp, thưởng thức vài mẩu thịt vụn rơi trên sàn.

Giờ cô ngồi trước mặt anh trong thoáng chốc đã ăn hết những gì phải mất hàng tiếng đồng hồ để chuẩn bị.

- Sao phụ nữ có thể ngủ lại nhà anh khi nhìn thấy đống lộn xộn đó?

- Cô nghĩ chỉ có nhà là nơi để ngủ thôi sao?

Diệp Anh buông đũa, nhướn mắt nhìn Khải Hưng. Anh không chút bối rối, bắt đầu bỏ những chiếc đĩa trống không vào bồn rửa.

- Ngủ rồi. Ăn rồi. Giờ chúng ta làm việc thôi.

Diệp Anh cũng đứng lên, đập hai tay vào nhau, hào hứng. Năng lượng của cô dường như đã được nạp đầy.

Nhưng giây phút hồ hởi đó của họ nhanh chóng được thay thế bằng những trận cãi cọ.

Khải Hưng là người nóng vội, thiếu kiên nhẫn trong khi Diệp Anh lại quá cầu toàn và hay gắt gỏng. Cô thận trọng giảng giải cho Khải Hưng từng bước. Nhưng thay vì lắng nghe, anh lại láu táu thử chỗ này một chút, chỗ kia một chút và biến tất cả thành một mớ hỗn độn.

- Rạch một đường hình vòng cung… Dừng lại! Ai đã bảo anh tách vỏ củ ra đâu!

- Cái này tôi nhớ. Tôi đã tự làm rất nhiều lần rồi. Nhưng chúng cái không ra hoa, cái thì chết chỉ sau vài ngày.

Diệp Anh gẳn giọng.

- Tôi đã nói là từ từ. Từ từ làm theo tôi hướng dẫn. Giờ thì tốt rồi, anh cắt phạm phải bao hoa rồi.

- Bao hoa ở đâu?

- Anh làm thế nào tốt nghiệp trường y? Là cái bao lồi ra, nhỏ, màu vàng nhạt đây này. Anh vừa giết chết một bông hoa. Một bông hoa đấy.

- Cô nhạy cảm quá. Mất một bông thì còn những bông khác.

- Vậy nếu ai đó rạch vào người con Bob đến nỗi nó phải chết rồi nói vẫn còn những con chó khác, anh thấy thế nào?

- Tất nhiên tôi sẽ giết kẻ đó.

- Thế đấy. Thực vật hay động vật đều như nhau. Chính vì anh coi thường chúng nên chúng mới chết hoặc không thèm ra hoa.

Khải Hưng liếc nhìn Diệp Anh. Cô nhướn mắt đáp trả. Anh lặng lẽ ngồi thu về một góc, chăm chú làm theo từng bước cô chỉ. Nhưng dù anh cẩn thận tới mức nào cũng không thể làm cô hài lòng.

Chỉ mình con Bob thảnh thơi, nằm dài sưởi nắng ngoài ban công.

Chủ nhật – Tháng 1: Không khí ấm áp vẫn lưu lại thành phố suốt 1 tuần sau đó.

Nửa đêm, Đan Nguyên vừa khó khăn chìm vào giấc ngủ thì nhận được điện thoại của cu Bin xin nghỉ vì ngày mai là sinh nhật thằng bé. Cô ậm ừ rồi với tay tắt đồng hồ báo thức.

Một buổi sáng cuối tuần đúng nghĩa. Nhưng không hiểu sao cơ thể Đan Nguyên chẳng chịu tận hưởng, vẫn hớt hải bật dậy đúng giờ, với lấy đồng hồ, dí sát mặt. Vội vàng, ống thấp ống cao, cô chạy vào nhà vệ sinh. Cuối cùng, cô đứng trước gương bật cười nhớ ra những hành động vừa rồi của mình hóa ra là vô ích, lật đật quay lại giường, níu kéo giấc ngủ nhưng không thể. Đã tỉnh hẳn, cô đành quyết định ra khỏi nhà để tránh lãng phí một ngày nghỉ hiếm hoi.

Dự án phố mua sắm sau nhiều năm đình trệ cuối cùng cũng hoàn thành. Đan Nguyên vừa ăn sáng vừa suy nghĩ xem nên rủ ai đi tới đó. Linh An là một tín đồ shopping, dẻo dai, không ngại khó, ngại khổ, luôn gắng sức để săn được những món đồ thời thượng chỉ với giá bình dân. Có điều cô có quá nhiều lựa chọn, quá nhiều đắn đo, không thể nhanh chóng đưa ra quyết định chính xác. Nhiều lần, cả cửa hàng chỉ có mình Linh An và Đan Nguyên. Các nhân viên đều dồn sự quan tâm vào Linh An, người luôn mặc trên người phong cách mới nhất và cầm trên tay một đống đồ lớn, bước vào phòng thử. Nhưng đến cuối cùng, Đan Nguyên mới là người rút ví, mua tạm một món nào đó để dập lửa trong mắt các nhân viên đang phải lần lượt xếp lại các bộ quần áo Linh An vừa lấy ra vào chỗ cũ. Còn Diệp Anh lại là một khía cạnh hoàn toàn đối lập. Đan Nguyên thực không hiểu Diệp Anh đi chọn đồ hay đi khoắng đồ. Bước chân vội vã, lựa chọn nhanh chóng, quyết định dứt khoát, không thảo luận, không đắn đo. Nhưng dường như việc mua sắm vì thế mà bớt phần hứng thú, đột nhiên trở nên tẻ ngắt. Cuối cùng, sự lựa chọn tối ưu của Đan Nguyên vẫn là chính mình. Nghĩ tới đây, cô thay một chiếc váy kẻ sọc tiện dụng và quyết định tận hưởng buổi sáng cuối tuần một mình.

Cô để xe máy ở nhà vì nghe nói phí gửi xe ở đó cũng bằng một lượt đi taxi.

Tất cả các phương tiện đều bị cấm. Dãy phố dài trở nên thông thoáng, thuận lợi và an toàn cho người đi bộ. Những căn nhà được xây theo kiểu kiến trúc của thập kỉ trước khiến mọi người tới đây đều có cảm giác như thời gian đang quay ngược, trở về thời điểm khi cảnh tấp nập mua sắm chỉ có thể diễn ra vào mỗi dịp lễ tết. Đan Nguyên dừng lại trước một quầy rau củ sạch, bất giác mỉm cười. Khi còn nhỏ, một lần cô bị ốm nặng, mẹ cô đã ninh thịt và cà rốt để nấu cháo cho cô, còn phần bã bà chia làm ba bữa tự mình ăn hết. Giờ khấm khá hơn, bà thậm chí không thể ăn được cà rốt, còn các loại thực phẩm hễ có thể đều mua chật kín tủ lạnh. Có lẽ đó là cách để xoa dịu bản thân, quên đi những ngày tháng vất vả.

Đan Nguyên không ngờ dãy phố này lại dài tới vậy. Đến cuối đường, cô ngồi xuống, nghỉ ngơi trên một chiếc ghế gỗ gần đó, quay người về sau, nhìn qua bờ bên kia. Hai con phố cách nhau một hồ nước, phía trên là các nhà hàng nổi được trang hoàng bắt mắt. Giờ Đan Nguyên mới cảm thấy vết rách ở chân. Một đôi giầy mới luôn cần có thời gian để thích ứng. Vết rách này sau nhiều lần sẽ biến thành chai chân, sau đó cảm giác đau đớn sẽ hoàn toàn biến mất.

Đan Nguyên nhìn vào màn hình điện thoại, ấn số gọi nhưng cả hai đều không bắt máy.

Diệp Anh là người biết lắng nghe nhưng hiếm khi chia sẻ. Đôi khi vì một chuyện xảy ra, cô lại thu mình lại trong thế giới riêng, yên tĩnh và xa cách. Chỉ sau khi sự việc xong xuôi, cô mới kể lại cho Đan Nguyên và Linh An khiến họ cảm thấy bản thân mình dường như không đáng tin cậy để Diệp Anh có thể nhờ vả hoặc dựa dẫm. Linh An trái lại không bao giờ có thể giấu giếm cảm xúc. Vui, buồn, nóng, giận đều phải bộc lộ ra ngoài. Nhưng sau khi trút bỏ được gánh nặng của bản thân thì cô gần như hoàn toàn biến mất, nhập cuộc vào các buổi ca hát, tụ tập.

Đôi khi Đan Nguyên cảm thấy kết bạn cũng như mua trái phiếu. Vốn dĩ là một việc làm quảng đại, chỉ nên dựa vào thành ý, không nên đặt nặng vấn đề lời lãi.

Đan Ngyên từ từ đứng dậy, bước về phía lối ra, trong lòng đoán chắc Diệp Anh đang bận rộn với việc viết lách, còn Đan Nguyên đang ngủ nướng sau một buổi tối thứ 7 náo nhiệt. Ngược chiều, ai đó dừng lại, ngay trước mặt cô. Hai tay đang cầm theo một túi đầy các dụng cụ sơn vẽ. Đan Nguyên ngạc nhiên và thích thú bởi sự trùng hợp. Còn Quốc Dũng như thể mong đợi đã được đáp ứng, vẻ mặt hồ hởi. Quả vậy, sau đó, anh lập tức đồng ý đưa Đan Nguyên về nhà mình để tặng quà sinh nhật cho cu Bin. Ngoài ra, còn nhờ cô giúp một việc.

Xe vừa vào đến cổng, Đan Nguyên đã nhìn thấy thằng bé hai tay chống nạnh đứng ở hiên, gương mặt nhăn nhó. Chẳng đợi Quốc Dũng xuống khỏi xe, nó đã bỏ vào nhà.

Đan Nguyên liếc nhìn Quốc Dũng, nhanh nhẹn bước lên tầng. Tới nơi, cô mới hiểu ra sự việc rút cục là thế nào. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kiến trúc không đảm bảo Quốc Dũng có thể nắm bắt được thẩm mĩ của một đứa trẻ. Cuối cùng, công sức bỏ ra suốt một đêm để trang trí căn phòng theo đúng ý muốn của thằng bé đã khiến nó khóc thét ngay khi nhìn thấy.

Đan Nguyên xếp những hộp sơn trong túi vào một góc rồi đưa cho cu Bin một nửa số bút vẽ, mỉm cười, ra hiệu cho thằng bé bắt đầu. Thằng bé miễn cưỡng nhận lấy. Mọi việc diễn ra trong yên lặng.

Lát sau, thằng bé bước tới sau Đan Nguyên, chăm chú nhìn những gì cô vẽ.

- Đẹp không?, cô hỏi

Thằng bé gật đầu.

- Tất nhiên. Nếu không sao bố con lại tuyển cô. Con cũng không tồi. Sau này có muốn làm thiết kế không?

- Bố con trả lương cho cô nhiều không ạ?

Đan Nguyên nhún vai.

- Không nhiều lắm.

- Vậy thì không được rồi. Bố con nói nuôi con rất tốn tiền.

Đan Nguyên bật cười, quay lại với công việc của mình.

2 tiếng cặm cụi, cuối cùng căn phòng cũng được lấp đầy bằng những khối hình sặc sỡ. Đan Nguyên xuống tầng, mang từ dưới bếp lên một chiếc bánh kem, cúi xuống nhìn thằng bé, ôn tồn:

- Mệt không? Cái này cho con.

Thằng bé nhướn người cao hơn, nhìn một lượt chiếc bánh trước mặt.

- Con đói nên con ăn luôn được không ạ?

- Con và cô mới vẽ 2 tiếng đã mệt lử. Còn bố con một mình vẽ suốt đêm.

Thấy thằng bé đã hiểu ra thành ý quan trọng hơn thành quả, Đan Nguyên bèn gợi ý:

- Con đói thì mang lên tầng, con với bố con cùng ăn.

Thằng bé chần chừ. Cuối cùng, người mang khay bánh lên tầng lại là Đan Nguyên, thằng bé e dè bước theo sau.

Cánh cửa vừa mở ra, Quốc Dũng bên bàn làm việc bèn đưa mắt liếc nhìn thằng bé, cau mày.

- Thế nào mệt rồi nên không gào khóc nữa à?

Đan Nguyên nhanh chóng mở lời trước khi thằng bé kịp cãi bướng.

- Đúng là mệt rồi. Sếp với cu Bin ăn bánh đi. Tôi chọn theo ý mình nên hơi nhiều kem.

Cả ba ngồi trên chiếc ghế sofa chia nhau một chiếc bánh nhỏ. Nhận thấy không khí có vẻ yên tĩnh, Đan Nguyên bèn đưa cho cu Bin xem bức ảnh cô chụp lại căn phòng trước khi được chỉnh sửa. Thằng bé đột nhiên trở nên hào hứng.

- Con đố cô hai con nhộng này là gì?

Thằng bé vừa nói vừa zoom vào hai hình vẽ ở góc tường.

- Là con và bố con đang nắm tay nhau.

Quốc Dũng giận tím mặt, bưng tách cà phê về phía cửa sổ. Vị đắng làm dịu lại vị béo ngậy của bánh kem. Căn phòng vang lên tiếng cười nói bấy lâu thiếu vắng. Gió từ bên ngoài thổi vào làm bật tấm rèm đang che kín cửa sổ. Loài hoa màu hồng phớt sau một mùa lại nở. Cánh hoa mịn xoay vòng, rồi nhẹ nhàng chạm đất. Quốc Dũng ngạc nhiên nhìn mọi thứ trong tiết xuân, tươi mới và lạ lẫm. Có lẽ như mọi thứ đều có thể tái sinh.

Thứ 4 – Tháng 1: Ngày mưa phùn.

Ngày vắng khách. Nhân viên nhà hàng túm tụm một góc, ghé mắt nhìn qua cửa kính, bàn tán. Chị Nga đầu bếp hơn 40 tuổi mới có mối tình đầu. Hai người gặp nhau trong một cuộc thi nấu ăn. Anh ta là người Ý, ngoài 50 tuổi nhưng trông cường tráng, rắn rỏi như mới ngoài 30, lại nói rất sõi tiếng Việt. Chị Nga vì thế mà xem như bảo bối. Mỗi lần anh ta đến đón chị, mọi người đều chạy ra xem, thì thầm to nhỏ.

Trong lúc mọi người còn cố nhoài người tìm kiếm chiếc Vespa cổ đã lẫn vào dòng xe cộ, một vị khách bước vào quán. Chị ta không ngồi xuống bàn gọi món mà đi thẳng vào bên trong. Vài giây sau, chị ta kéo tóc lôi theo một cô gái trẻ mồm ngậm chặt một chiếc giẻ lau. Chỉ khi chị ta ra khỏi quán và đẩy cô gái lên một chiếc xe con màu ghi sáng, mọi người mới hốt hoảng nhìn nhau, luống cuống. Chiếc xe trong chốc lát đã mất hút về phía cuối đường.

Mọi người tản ra, chuẩn bị ra về. Khi tới phòng thay đồ, Linh An bắt gặp anh quản lí đang ngồi một góc khuất, hút thuốc. Mặt anh ta chằng chịt những vết móng tay. Linh An thở dài, đoán biết điều gì sẽ xảy ra với cô gái trẻ đó.

Sau hôm đó, anh quản lí không xuất hiện. Nhà hàng cũng đóng cửa vài ngày để sửa sang lại hệ thống điện. Rảnh rỗi, Linh An bèn rủ Đan Nguyên tụ tập ở nhà Diệp Anh. Nhưng chưa kịp hẹn đã nhận được tin nhắn của Diệp Anh báo cô đang trong gian đoạn nhạy cảm. Kịch bản viết tới trang cuối vì một lời của đạo diễn mà phải sửa lại từ đầu. Vậy là ai ở nhà nấy, Linh An đành tự mình đi mua sắm để giải khuây.

Linh An hễ vào đến cửa hàng quần áo thì quên hết mọi chuyện. Trời xẩm tối, cô mới tất bật rời khỏi với đủ thứ trên tay, túi lớn túi nhỏ.

Trên đường đi bộ về nhà đột nhiên Linh An bị một cô gái kéo tay lại, ủn ngã xuống đất. Linh An ngẩng đầu nhìn.

- Tao đã nói tao sẽ không để mày yên nếu mày động đến tao cơ mà.

Linh An từ từ đứng dậy, tiến lại phía cô ta.

- Không để yên thì cô sẽ làm gì.

Không trả lời, cô ta liền giật lấy tóc Linh An kéo mạnh về phía trước. Linh An cũng làm như vậy với cô ta, động tác hết sức nhanh nhẹn. Vậy là giữa con phố vắng, hai cô gái trẻ lao vào nhau, dùng hết sức mạnh và sự hằn học của mình để đối đãi với nhau như kẻ thù.

Gần nửa tiếng sau, mệt lử, hai người ngồi gục trên vỉa hè, thở hổn hển.

- Giờ cô đã thoải mái chưa hay còn muốn nữa để tôi còn về?

- Thoái mải? Hôm đó tao bị lôi tới nhốt trong một nhà kho. Mụ ta vừa đánh vừa chửi suốt mấy tiếng đồng hồ. Nếu tao không nhanh chân thoát được thì chắc đã mất mạng rồi.

- Cô không thấy mấy việc này đều rất quen sao? Năm 13 tuổi, cô vì chiếc bánh thầy dạy đàn cho tôi mà nhốt tôi trong nhà kho suốt 1 ngày 1 đêm khiến tôi bị chuột cắn đến nát cả ngón chân cái. Năm 23 tuổi, cô vì một người đàn ông mà biến tôi thầy người đàn bà lẳng lơ bị đánh bị chửi trước mặt bạn bè. Đã nhiều năm trôi qua như vậy, cũng đến lúc cô nên nếm thử mùi vị của những chuyện đó rồi.

- Mày!

Cô ta cố đứng dậy nhưng dường như những vết thương, cả cũ cả mới, đã khiến thân thể cô ta không đủ sức.

- Chuyện cô dan díu với quản lí nhà hàng, nếu muốn nói tôi đã nói từ sớm sao phải chờ tới bây giờ.

- Không mày thì ai?

- Đâu chỉ mình tôi có miệng. Nếu không muốn người khác biết thì tốt nhất đừng làm.

Cô ta giơ bàn tay lên, nhìn những móng tay gãy gập, đột nhiên òa khóc.

- Rút cục thì vì sao? Vì sao tất cả may mắn đều dành cho mày, còn tao thì phải chịu thế này. Từ nhỏ, vì mày có bố mẹ nổi tiếng, ai ở trung tâm học đàn cũng thiên vị mày. Lớn lên, vì mày xinh đẹp, ai cũng vây lấy mày. Giờ sự nghiệp của tao mới thành công chút ít đã tiêu tan rồi.

- Vậy cũng tốt. Giờ hai chúng ta đều trở về điểm xuất phát. Cô không cần tị nạnh nữa. Chẳng ai thiên vị tôi, cũng chẳng ai vây lấy tôi.

Linh An đứng dậy, phủi tay.

- Vừa rồi tôi thấy có người đứng nhìn chúng ta đánh nhau. Chắc đã quay lại hết rồi. Về đi. Lát sẽ không ít phóng viên kiếm cô và tôi đâu.

Linh An khập khiễng trở về nhà. Lúc này, cô mới cảm nhận đầy đủ sự đau nhức của cơ thể. Cô cảm thấy bản thân như vừa cùng lúc được dùng làm nguyên liệu của máy xúc, máy ủi và máy cán. Đã rất lâu rồi cô không còn nhớ tới những chuyện phiền lòng, nhưng hôm nay nhắc lại, mọi việc lại ùa về trong tâm trí cô. Uất ức dâng lên, trào thành nước mắt. Đi được nửa đường, cô chợt nhận ra một giọng nói rất quen. Cô quẹt nước mắt để nhìn cho rõ, phía trước Nhật Minh yên lặng, như thể đứng chờ cô từ lâu.

- Tôi chưa từng thấy ai như cô. Hễ làm người khác bị thương xong thì đều khóc.

- Chẳng liên quan đến anh. Mà…nói như thế là người đứng đó nhìn tôi và cô ta đánh nhau…là anh hả?

- Đúng. Vốn dĩ tôi định vào giúp nhưng thấy cô có thể tự giúp mình nên tôi đi mua vài thứ.

- Thôi. Anh đi đâu thì đi đi. Đừng làm phiền tôi. Tôi còn phải qua hiệu thuốc mua thuốc nữa. Mấy chỗ này mà để lại sẹo thì tôi sẽ tới tìm cô ta tính tiếp.

- Thuốc đây. Trước đây tôi từng bị thế này. Bôi vào, không để lại sẹo đâu.

Nhật Minh bỏ túi thuốc vào một trong những chiếc túi Linh An đang cầm trên tay. Anh kéo tay còn lại của cô, đặt lên vai. Cô chậm chạp bước về phía trước. Đôi giầy cao gót khiến chân cô tê cứng, đau đớn vô cùng nhưng cô nhất quyết không tháo ra.

- Nhà anh ở gần đây à? Sao tôi hay gặp anh vậy?

- Tôi ở trong phòng nghỉ của nhà hàng.

- Vậy sao? Sao tôi không biết?

- Vì cô không quan tâm.

- Đúng thế. Nói thế nào đi nữa chúng ta cũng là người lạ. Anh chẳng phải cũng không biết gì về tôi sao?

- Tôi biết. Tuy không nhiều.

- Anh biết? Chuyện gì?

Giọng Nhật Minh trầm hơn như thể đang hồi tưởng lại điều gì đó.

- Một lần tôi đi lang thang trên đường nhìn thấy cô bị một chiếc xe máy đâm phải. Anh chàng đó để cô ngồi lên rồi dắt xe đi. Không lâu sau đó, tôi đọc báo để tìm việc làm thì thấy hình hai người. Một cô gái mặc váy đi giầy cao gót xinh đẹp ngồi sau một người đàn ông quê mùa già cả. Một lần khác, tôi bắt gặp cô, anh ta và vài cô gái khác. Bọn họ lao vào đánh nhau trong một quán cà phê, chỉ mình cô đứng im và khóc. Lúc đó, tôi nghĩ cô có nhan sắc nhưng ngu ngốc và bạc nhược.

- Ngu ngốc và bạc nhược?

Linh An hét lên khiến vết rách trên miệng cô mở rộng thêm một chút.

- Tôi nghĩ từ lúc đó đến bây giờ cô đã thay đổi. Ít nhất cô cũng đã tự bảo vệ được mình.

Linh An định nói điều gì đó nhưng Nhật Minh đã dừng lại ngay trước cửa nhà cô. Anh tiến lại, nói khẽ.

- Che váy và mặt lại đi. Bố mẹ cô nhìn thấy sẽ không vui đâu.

Nhật Minh nói rồi thì lập tức bỏ đi. Bóng anh ta khuất dần trên con phố vắng.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.