Cô Gái Đồ Long

Chương 26: Tái Thượng Thiếu Lâm




Ngày hôm đó là tết Trung Thu, Trương Tam Phong với mầy đồ đệ đang sửa soạn thưởng trăng, chưa kịp dọn tiệc ra ăn đã thấy Vô Kỵ đột nhiên phát bệnh, mặt thằng nhỏ càng xanh thêm, chân tay run lẩy bẩy hoài. Vô Kỵ sợ làm mất hứng của các vị bề trên nên cố nghiến răng chịu đựng nhưng mọi người đã thấy rõ.
Hân Lợi Hanh vội kéo Vô Kỵ vào trong phòng, đặt nó lên giường nằm, lấy chăn bông phủ kín còn đốt thêm một lò than hồng để cạnh giường.
Trương Tam Phong bỗng nói với các đồ đệ:
- Ngày mai ta sẽ đem Vô Kỵ lên Thiếu Lâm Tự ở Tung Sơn một phen.
Các đồ đệ nghe sư phụ nói như vậy liền hiểu ngay, biết sư phụ mình bất đắc dĩ mới chịu lép vế phái Thiếu Lâm mà thân hành lên núi Tung Sơn cầu cứu với Không Văn đại sư mong cao tăng của phái Thiếu Lâm bổ túc cho những phần kinh mà lão anh hùng đã quên hầu cứu vãn tính mạng của Vô Kỵ.
Hai năm trước, phái Thiếu Lâm lên trên núi Võ Ðang bắt ép Trương Thúy Sơn nhận tội và nói rõ tung tích của Tạ Tốn vì vậy mà Thiếu Lâm và Võ Ðang bất hòa.
Trương Tam Phong là một vị tôn sư, nay chịu tự giáng địa vị tôn quí của mình mà đi cầu cứu với kẻ bề dưới như vậy là rất mất sĩ diện.
Mấy anh em nghĩ đến tình nghĩa của Trương Thúy Sơn , biết rõ phen này sư phụ mình lên trên Tung Sơn cầu cứu như thế , thì từ nay trở đi người của phái Võ Ðang có gặp người phái Thiếu Lâm không dám nghênh ngang như xưa nữa.
Ðáng lẽ phái Nga Mi cũng được truyền dạy một phần chân kinh nhưng Diệt Tuyệt sư thái không nể nang chút nào.
Trương Tam Phong đã viết mấy bức thư lên hỏi thăm và định nhờ vả và còn sai cả Lợi Hanh thân hành đi nữa.
Ngờ đâu Diệt Tuyệt sư thái không thèm đọc thư thì chớ mà còn trả thư lại.
Nếu anh em Viễn Kiều lên Tung Sơn cầu kiến thì đỡ mất sĩ diện nhưng đã chắc đâu Không Văn đại sư chịu truyền lại khẩu quyết của Cửu Dương Chân Kinh nên Trương Tam Phong đành phải đích thân đi.
Mọi người nghĩ đến oai danh hiển hách của phái Võ Ðang đã gây dựng nên trong hai ba mươi năm nay mà rầu rĩ vô cùng. Vì vậy bữa tiệc trung thu cũng mất vui, người nào người nấy chỉ uống vài chén rượu rồi cho dọn ngay.
Sáng hôm sau Trương Tam Phong dắt Vô Kỵ lên đường.
Anh em Viễn Kiều tiễn sư phụ xuống núi.
Năm người định xin đi theo hầu sư phụ , Trương Tam Phong vội cản:
- Nếu các con cùng đi, phái Thiếu Lâm thế nào cũng sinh nghi. Chi bằng để mình Vô Kỵ với sư phụ , một già một trẻ đi thì hơn.
Thế rồi Trương Tam Phong với Vô Kỵ mỗi người cưỡi một con lừa đi về phía Bắc. Thiếu Lâm với Võ Ðang hai võ học tôn phái rất lớn và rất gần nhau.
Chỉ đi vài ngày đường là tới.
Lên tới Thiếu Lâm thất sơn, Trương Tam Phong với Vô Kỵ cột hai con lừa vào gốc cây rồi thủng thẳng đi lên trên núi.
Trương Tam Phong tái hồi đất cũ, vừa đi vừa nghĩ lại chuyện hơn tám mươi năm về trước, sư tôn của mình là Giác Viễn đại sư gánh một đôi thùng sắt đưa Quách Tường và mình chạy xuống núi Thiếu Lâm.
Lúc này lão anh hùng nhớ lại chuyện xưa tựa như mới xảy ra hôm nào.
Trương Chân Nhân cảm thấy cảm khái vô cùng từ từ đi lên núi, thấy cảnh vật vẫn như xưa còn Giác Viễn đại sư và Quách Tường thì đã lìa bỏ nhân gian!
Hai người đi tới Lập Tuyết Ðình đã thấy Thiếu Lâm Tự phái hai tăng nhân trẻ tuổi ở đằng xa tươi cười bước tới.
Trương Tam Phong chắp tay chào và nói:
- Phiền hai vị sư phụ thông báo rằng có Trương Tam Phong của phái Võ Ðang có việc tới đây cầu kiến Phương Trượng đại sư!
Hai tăng nhân đó nghe ba tiếng Trương Tam Phong giật mình kinh hãi , trố mắt nhìn lão anh hùng.

Thấy ông cao lớn lạ thường, râu tóc bạc như tuyết, mặt hồng hào, bóng bẩy, mồm tủm tỉm cười. Riêng có cái áo đạo bào xanh thì cũ và dơ bẩn.
Trương Tam Phong là đại tôn sư của phái Võ Ðang , mà Võ Ðang và Thiếu Lâm kém giao hảo từ lâu nên hai tăng nhân bán tín bán nghi, vội phi thân về chùa thông báo.
Một lát sau, cửa chùa rộng mở, Phương Trượng Không Văn đại sư cùng Không Trí, Không Tín bước ra.
Sau ba người có năm lão hòa thượng mặc áo vàng.
Trương Tam Phong biết ngay năm lão hòa thượng đó là năm vị hộ pháp của Ðạt Ma Viện, vai vế còn cao hơn cả vị Phương Trương nữa.
Năm vị này chỉ ở trong chùa nghiên cứu võ học, xưa nay không hề can dự tới việc bên ngoài. Nay nghe có người trưởng môn của phái Võ Ðang tới biết việc không phải tầm thường nên cả năm người mới cùng xuống núi đón tiếp.
Trương Tam Phong vội chạy ra ngoài đình lên tiếng vái chào và nói:
- Phiền Phương Trượng cùng mấy vị đại sư ra nghênh tiếp, tiểu đạo thật áy náy vô cùng.
Sư huynh đệ Không Văn và năm vị hộ pháp đều chắp tay đáp lễ rồi Không Văn lên tiếng hỏi:
- Trương Chân Nhân ở xa tới khiến anh em tiểu tăng ngạc nhiên vô cùng, Chẳng hay Chân Nhân có điều gì chỉ bảo?
Trương Tam Phong đáp:
- Tiểu đạo tới đây có một việc thỉnh cầu Phương Trượng.
Không Văn đại sư liền mời Trương Tam Phong vào trong đình.
Một tăng nhân bưng trà tới mời uống.
Trương Tam Phong trong lòng tức giận nghĩ thầm:
- Dầu sao ta cũng là một tiền bối của các người, tại sao không mời ta vào trong chùa, lại bắt ta ngồi ở chổ lưng chừng núi này? Không nói ta đi nữa, dù là khách tầm thường các người cũng không nên tiếp đãi một cách thiếu lễ độ như vậy!
Nhưng Trương Chân Nhân là người rất khoáng đạt tuy nghĩ như vậy nhưng không lộ ra mặt. Không Văn lại nói:
- Trương Chân Nhân giáng lâm tệ sơn đáng lẽ anh em bần tăng phải nghênh đón Chân Nhân vào trong chùa mới hợp lẽ, nhưng Chân Nhân hồi nhỏ không tháo lui mà tự tiện rời khỏi Thiếu Lâm , đã phạm vào quy củ mấy trăm năm của bổn phái, chắc Chân Nhân cũng biết rõ điều lệ đó rồi. Phàm những môn đồ hay phản đồ của bổn phái tự tiện rời khỏi nơi đây thì suốt đời không được phép vào chùa một bước, nếu trái lệnh người đó sẽ bị hình tội cắt gân chân.
Trương Tam Phong hà hà cười và đáp:
- Ra là thế. Hồi nhỏ tiểu đạo tuy ở chùa Thiếu Lâm hầu hạ Giác Viễn đại sư thật nhưng tiểu đạo chỉ là một thằng nhỏ tạp dịch, chuyên môn quét nhà pha nước thôi, chưa cắt tóc đi tu và cũng chưa chính thức bái sư. Như vậy tiểu đạo chưa phải là đệ tử của phái Thiếu Lâm.
Không Trí lạnh lùng xen vào:
- Nhưng Trương Chân Nhân đã học lóm võ công của chùa Thiếu Lâm rồi mới ra đi!
Trương Tam Phong có vẻ tức giận nhưng sực nghĩ lại:
- Võ công của phái Võ Ðang tuy tới năm bốn mươi ta mới sáng tạo ra được nhưng dầu sao ta cũng phải nhờ cuốn Cửu Dương Chân Kinh của Giác Viễn đại sư truyền dạy cho. Và còn được Quách Tường nữ hiệp tặng cho một đôi thiết La Hán cũng giúp cho rất nhiều. Nhưng võ công căn cứ ở cuốn chân kinh với đôi thiết La Hán đó chỉ là lúc đầu còn những võ công của phái Võ Ðang về sau đều do ta nghĩ ra cả. Nay mấy hòa thượng này bảo võ công của ta xuất thân từ Thiếu Lâm cũng không lấy gì làm ngoa lắm . Nghĩ tới đó Chân Nhân nguôi cơn giận liền đỡ lời:
- Ngày hôm nay tiểu đạo tới đây cũng vì vấn đề đó.
Không Văn, Không Trí đưa mắt nhìn nhau cùng nghĩ thầm: "Không biết y tới đây làm gì? Chắc y không có hảo ý gì đâu?
Không Văn liền hỏi:

- Xin Chân Nhân cho biết rõ!
Trương Tam Phong đáp:
- Vừa rồi Không Trí đại sư nói võ công của tiểu đạo xuất xứ từ Thiếu Lâm quả không sai tí nào. Năm xưa tiểu đạo hầu hạ Giác Viễn đại sư, được đại sư truyền dạy cho cuốn Cửu Dương Chân Kinh của Ðạt Ma lão tổ tự bút để lại. Nhưng lúc bấy giờ tiểu đạo còn thơ dại chưa học được hết cho tới ngày nay vẫn còn ân hận vô cùng. Tiểu đạo còn nhớ lúc Giác Viễn đại sư tụng kinh ở trong núi hoang tất cả có ba người được nghe. Một là Quách Tường nữ hiệp , vị tổ sư của phái Nga Mi , hai là Vô Sắc thiền sư của quí phái còn ba là tiểu đạo. Lúc ấy tiểu đạo là người nhỏ tuổi nhất, thiếu căn bản võ học, đầu óc lại ngu si nên chỉ có tiểu đạo là người tiếp thu được ít nhất.
Không Trí giọng lạnh lùng nói tiếp:
- Chân Nhân nói vậy không được đúng cho lắm. Thiết nghĩ Chân Nhân hầu hạ Giác Viễn từ hồi còn nhỏ, trong mấy năm đó, Giác Viễn thế nào chẳng truyền dậy cho Chân Nhân đôi chút. Võ công của Võ Ðang được lừng danh thiên hạ ngày nay cũng là công của Giác Viễn hết. Vai vế của Giác Viễn đại sư lớn hơn Không Trí ba bực, đáng lẽ lão hòa thượng phải gọi Giác Viễn bằng đại sư thúc tổ mới phải, nhưng vì Giác Viễn đào tẩu khỏi Thiếu Lâm bị coi như đệ tử bỏ đi nên vai vế trong phái cũng bị loại. Do đó Không Trí đối với Giác Viễn không cần giữ lễ. Trương Tam Phong nghe nói đến tên sư phụ mình vội cung kính đứng dậy nói:
- Ân đức của tiên sư tiểu đạo không bao giờ dám quên cả.
Trong bốn đại thần tăng của phái Thiếu Lâm chỉ có Không Kiến đại sư là người từ bi nhất nhưng tiếc rằng ông ta qua đời rất sớm. Còn Không Văn là người rất thâm, hỉ nộ không hề lộ ra ngoài mặt. Không Tín lại là người ngu si đần độn không biết một tí gì về việc đời. Còn Không Trí là người rất hẹp lượng, y thấy Trương Tam Phong học lóm võ công của phái Thiếu Lâm ra đi mà danh vọng của phái Võ Ðang lại lừng lẫy hơn cả phái Thiếu Lâm nên trong lòng lúc nào cũng hậm hực bất mãn. Y nhận định phen này Trương Tam Phong tới Thiếu Lâm Tự là để rửa thù cho Trương Thúy Sơn. Huống hồ bữa nọ lúc Hân Tố Tố sắp chết nàng giả vờ nói rõ tung tích Tạ Tốn cho Không Văn hay, đã sử dụng kế di họa Giang Ðông rất ác độc. Từ đó đến giờ hơn hai năm rồi, tháng nào cũng có cao thủ võ lâm tới Thiếu Lâm Tự quấy nhiễu. Hoặc van lơn cầu khẩn hoặc dọa nạt để hỏi tung tích của Tạ Tốn. Không Văn cứ phải thề thốt với những người đó luôn mồm là mình không biết gì cả. Nhưng hơn một trăm cặp mắt đã được chứng kiến Hân Tố Tố kề tai Không Văn nói nhỏ tung tích của Tạ Tốn ngày hôm đó rồi. Như vậy Không Văn có hết hơi giảng giải các cao thủ võ lâm cũng không sao tin được. Cũng chính vì thế có người đã ra tay đấu với mấy vị thần tăng. Tháng nào cũng có một vài trận. Do đó số người bị chết và bị thương rất nhiều, nhưng bên Thiếu Lâm cũng có khá nhiều cao thủ bị thương và giết hại. Suy cho cùng thì mối di họa đó do phái Võ Ðang gây nên cả. Anh em Không Văn hậm hực hơn hai năm trời, nay bỗng thấy Trương Tam Phong mang thân đến tận cửa chùa thật là một dịp may cho anh em họ rửa hờn rửa nhục.
Không Trí liền nói:
- Trương Chân Nhân đã tự thừa nhận võ công của mình là do học lóm của phái Thiếu Lâm , nhưng chỉ tiếc lúc này không có người ngoài ở cạnh đây, để họ đem lời nói của Chân Nhân đồn ra ngoài cho thiên hạ hay biết.
Trương Tam Phong liền đỡ lời:
- Hoa sen trắng hay hoa sen đỏ cũng đều là hoa sen. Võ học của thiên hạ cũng thế thôi, xuất xứ cùng ở một nguồn gốc. Hàng mấy nghìn năm nay, đời này truyền sang đời khác, mỗi đời có người giỏi bổ khuyết những sở đoản của người trước nên võ học mới lập ra các môn phái và đã mất hết nguồn gốc xưa. Phái Thiếu Lâm là lãnh tụ võ lâm thì thiên hạ ai cũng công nhận rồi. Ngày hôm nay tiểu đạo lên núi Tung Sơn này cũng vì ngưỡng mộ võ học của quí phái. Và tự biết võ công của mình còn kém nên mới đến đây cầu giáo mấy vị đại sư.
Không Văn, Không Trí hiểu lầm lời nói của Trương Tam Phong, tưởng ông nói hai chữ cầu giáo đó là ngụ ý khiêu chiến nên người nào người nấy đều kinh hãi biến sắc nghĩ thầm:
- Lão đạo sĩ này tuổi đã bách tuế võ công cao siêu khôn lường, trên đời này còn ai địch nổi y. Nay một mình y tới đây hẳn phải tự thị lắm. Chắc trong hai năm nay y đã tu luyện được võ công rất lợi hại mới định tới đây để đấu với anh em chúng ta thử xem.
Ba anh em đều nghĩ như vậy nên không ai dám lên tiếng trả lời.
Sau cùng Không Tín mới đáp:
- Lão đạo sĩ giỏi lắm, muốn thử tài anh em chúng ta phải không? Lão tăng Không Tín này không sợ lão đâu. Nay chùa Thiếu Lâm chúng ta có tất cả hơn ba ngàn hòa thượng cùng xúm lại đánh, chắc lão đạo sĩ lật đổ được Thiếu Lâm Tự .
Tuy Không Tín nói ngoài miệng là không sợ nhưng trong lòng đã run rẩy lắm rồi nên y mới phải đem con số hơn ba ngàn người ra để dọa nạt Trương Tam Phong.
Trương Chân Nhân vội cải chính:
- Các vị đại sư chớ có hiểu lầm! Tiểu đạo vừa nói hai chữ cầu giáo là có ý tới đây thỉnh cầu quí vị dậy thật sự. Chỉ vì lúc tiên sư truyền dậy Cửu Dương Chân Kinh bên trong có nhiều chổ nghi nan không hiểu nên tiểu đạo phải tới đây yêu cầu mấy vị chỉ giáo cho để Trương Tam Phong được thấu triệt toàn pho chân kinh đó thì cám ơn vô cùng.
Nói xong, Trương Tam Phong đứng dậy vái chào.
Lời nói của Trương Tam Phong khiến mấy thần tăng của phái Thiếu Lâm đều ngạc nhiên vô cùng vì ai cũng biết rằng thần công của Trương Tam Phong đã cái thế và lại là người khai sáng một phái, tu luyện ngót hơn mươi năm trời, là người có địa vị cao nhất, danh vông lớn nhất trong võ lâm đương thời, không ngờ hôm nay ông ta lại thân hành đến Thiếu Lâm Tự để cầu giáo như vậy.
Không Văn vội lễ độ đáp:
- Trương Chân Nhân nói bông đùa phải không? Anh em bần tăng là hậu bối và võ học rất non kém đáng lẽ còn phải lãnh giáo Chân Nhân rất nhiều mới phải chứ đâu dám nhận hai chữ chỉ giáo như thế!
Trương Tam Phong biết thế nào đối phương cũng không tin đành phải đem rõ sự thật nói hết cho mấy vị thần tăng nghe và bảo chỉ có Cửu Dương Thần Công mới có thể chữa khỏi được vết thương và bảo toàn tính mạng cho Vô Kỵ.
Bây giờ Trương Chân Nhân bằng lòng đem những võ công mà mình học được trong Cửu Dương Chân Kinh nói lại cho các cao thủ của phái Thiếu Lâm hay và mong phái Thiếu Lâm cũng cho mình hay những đoạn mà phái Thiếu Lâm đã học hỏi được trong Cửu Dương Chân Kinh để trao đổi.
Không Văn nghe xong ngẫm nghĩ giây lát rồi nói tiếp:
- Phái Thiếu Lâm chúng tôi có tất cả bảy mươi hai tuyệt kỹ, nhưng trong hơn nghìn năm nay chưa có một danh tăng hay tục đệ tử nào học hết tới mười. Tài học của Trương Chân Nhân đã siêu tuyệt kim cổ nhưng võ công của tệ phái thì các vị học hết một phần mười cũng không phải là chuyện dễ. Nay Chân Nhân muốn trao đổi võ công với tệ phái để học nốt cuốn Cửu Dương Chân Kinh , thịnh tình này anh em bần tăng rất cảm tạ nhưng bổn phái đã có nhiều môn võ công chưa ai học tới được vậy Chân Nhân có ban cho chúng tôi thêm cũng chỉ là thừa thôi.
Nói tới đó Không Văn ngừng giây lát lại tiếp:
- Võ công của phái Võ Ðang xuất xứ từ Phái Thiếu Lâm , nay hai bên trao đổi võ học e sau này những người trên giang hồ không hiểu rõ thực hư sẽ hiểu lầm là phái Võ Ðang được phái Thiếu Lâm truyền nghề và phái Thiếu Lâm được Trương Chân Nhân dậy bảo cho khá nhiều chăng? Thần tăng là trưởng môn của phái Thiếu Lâm sợ gánh vác không nổi những lời đàm tiếu đó.
Trương Tam Phong thở dài nghĩ thầm:
- Không ngờ Không Văn là một trong bốn thần tăng mà lại hẹp lượng đến thế!
Nhưng lúc bấy giờ, Trương Chân Nhân đang cần phái Thiếu Lâm giúp cho nên không tiện trách mắng Không Văn đành phải nói rõ ra:
- Ba vị là thần tăng đương thời, mong ba vị mở lòng từ bi cứu thằng nhỏ này vì nó sắp chết đến nơi. Cũng mong ba vị thể niệm lòng cứu nhân độ thế của phật tổ mà nhận lời. Thằng nhỏ này được cứu thoát chết lúc nào tiểu đạo cũng nhớ tới long cao nghĩa của ba vị.
Không Trí lạnh lùng nói:
- Vẫn biết người đi tu lúc nào cũng phải có lòng từ bi, nhưng tại sao vợ chồng Trương Thúy Sơn năm xưa lại giết hại quá nhiều đệ tử của phái Thiếu Lâm ? Nay vợ chồng Ngũ hiệp đã tự tử chết để tạ tội và chúng tôi cũng không muốn truy cứu tới việc đó nữa, bằng không cứ theo sự công bằng mà nói thì giết một phải đền một. Bây giờ thằng nhỏ này có đền mạng vào vụ đó cũng không phải là quá đáng!



Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.