- Sao, chịu ăn rồi hả? - Sơn trề môi khi thấy tôi cắt một miếng bánh ra dĩa. Tôi nhún vai đáp lại:
- Không ăn thì hỏng, phí!
- Có người bỏ cả tô phở sáng nay lại sợ phí bánh. Đồ đa nhân cách! - Nó trề môi rõ hơn
- Ừ, tao vậy đấy! - Tôi ngang ngược đáp lại
Đút vào miệng một thìa bánh nhỏ, cái lưỡi của tôi đang tê vì cay bỗng dịu hẳn đi. Cảm nhận vị ngọt tan trong miệng mà như thể nỗi buồn của tôi cũng phần nào phai đi bớt. Bình Nguyên quả là biết ăn nói. Cậu ta còn giỏi giấu tài nghệ ấy bên trong vỏ bọc lạnh lùng, có phần cứng nhắc kia. Tôi nên cảm ơn Bình Nguyên vì chiếc bánh. Phải! Tôi nên làm thế.
Đúng lúc này thì mẹ tôi về. Trông vẻ mặt của bà là tôi biết mẹ tôi vẫn nuốt chưa trôi cục tức sáng nay. Việc sáng nay, tôi là người sai, tôi biết điều đó. Nhưng dòng cảm xúc quá đỗi cuồng bạo khiến tôi chẳng thể nà thốt lên lời xin lỗi. Bây giờ là thời điểm phù hợp nhất để tôi cứu vãn mọi chuyện. Mẹ tiến gần tới, tôi định mở lời thì tiếng bà đã át lời tôi:
- Con biết mẹ vừa ở đâu về không?
Tôi lắc đầu. Mẹ nói tiếp:
- Mẹ từ nhà bác Mai về!
- Sao mẹ lại qua đó? - Tôi khó chịu hỏi.
Đó là nhà của Phương. Mẹ tôi nghe tôi hỏi sắc mặt lại càng khó coi hơn. Mẹ đanh giọng:
- Mẹ không qua đó thì làm sao biết được chuyện con đã làm với Phương. Chắc có lẽ vì được nuông chiều quá nên con không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Mẹ cứ nghĩ con chỉ như thế với người nhà. Đây đến cả cái người duy nhất chịu làm bạn với đứa như con mà cũng không thể chịu nổi nữa. Con thử nghĩ xem, con có xứng đáng với nó không?
Vì không thể ngờ những lời ấy lại được thốt ra từ mẹ mình, khoảnh khắc ấy, tôi đứng im như một pho tượng. Trong đầu tôi kiểm đi kiểm lại từng lời mẹ nói. "Đứa như con", "có xứng đáng không?". Sau đó như đã thấm hết từng câu từ, trái tim tôi bắt đầu phản ứng lại. Nó quặn thắt như thể không muốn đập nữa, nó không muốn cả máu và không khí lưu thông. Nó không muốn não tôi phải cảm nhận, phải hiểu những gì nó phải trải qua.
- Dạ? - Tôi khó khăn cất lên một tiếng. Đôi mắt tràn đầy nước nhìn trân trân vào người phụ nữ đứng trước mặt mình.
- Cả tao, ba mày, rồi Bình Nguyên, và giờ đến cái Phương. Ai cũng phát ốm với cái tính õng ẹo, "công chúa" của mày rồi. Muốn người khác yêu thương, quan tâm thì cũng phải trao cho người khác những điều tương tự. Mày luôn làm tổn thương người khác, mày luôn xem mình là trung tâm vũ trụ. Tao quá thất vọng về mày. Đừng nghĩ đến chuyện xin cái Phương tha thứ. Tao mong nó đừng bao giờ tha thứ cho mày. Tao mong nó hãy tìm một người bạn tốt để bù đắp lại khoảng thời gian nó lãng phí vì mày.
Một lần nữa khả năng tiếp thu của tôi lại phải làm việc hết công suất. Và một lần nữa, sau khi đã định thần lại, tôi đã không thấy mẹ đâu mà chỉ nghe thấy một tiếng "ầm" vang lên từ sự va chạm mạnh giữa cửa và tường. Thằng Sơn cũng đứng sững ở đó. Nó trợn mắt như không thể tin vào những gì mình vừa chứng kiến.
Tôi quay người lại, thấy chiếc bánh mới ăn được một nửa vẫn còn trên đĩa. Bỗng tôi cảm thấy tôi không xứng đáng được ăn nó. Thà nó bị hỏng đến mốc ra còn hơn để tôi ăn. Nghĩ thế tôi liền cầm đĩa bánh rồi vứt thẳng vào sọt rác.
Nó muốn an ủi tôi nhưng chưa tìm được lời khuyên phù hợp. Vì không muốn Sơn khó xử, tôi gượng cười, làm vẻ mặt thản nhiên mà đáp lại:
- Mày cứ làm như lần đầu mẹ chửi tao ấy!
- Nhưng..
Cả Sơn và tôi đều biết rằng mẹ chưa bao giờ nói những lời nhẫn tâm đó. Đặc biệt là với tôi. Nhưng tôi vẫn tỏ ra mọi thứ ổn, tôi nói thêm một câu đùa trước khi về phòng:
- Trông mặt mày ghê quá! Thà mày há miệng ra cười hô hố như những khi mẹ chửi tao trông còn đỡ hơn. Thôi đi ngủ đây!
Tôi gắng giữ nhịp đi của mình bình thường mặc tim tôi có đang biểu tình dữ dội. Khi đã chắc chắn là cửa được khóa, tôi mới khóc. Thật sự hôm ấy tôi cũng không biết tôi đã khóc bao nhiêu lần. Nước mắt hòa cùng tiếng nấc. Tôi cố gắng kìm mình lại. Nhưng càng kìm tôi lại càng thấy lồng ngực đau đớn.
Tôi cố nhớ đến những lời động viên của Bình Nguyên. Nhưng tôi lại thấy rằng bản thân không xứng để được nhận những lời khuyên ấy. Bánh của cậu ấy tặng, tôi không xứng để ăn. Những lời cậu ấy nói, tôi không xứng để nghe. Tôi cũng chẳng xứng để được cậu ấy dành thời gian cho. Phải! Tôi không xứng đáng với bất kì điều gì. Tôi có lỗi với mọi người. Tôi đã tổn thương mọi người. Mẹ nói đúng, tôi chỉ biết nghĩ cho tôi. Tôi nghĩ rằng mình là trung tâm của mọi thứ rồi vô cớ bắt người khác chiều theo những mong muốn và cảm xúc của bản thân. Tôi quá đáng quá! Tôi đáng ghét quá!
Mọi tế bào trong tôi giờ đây cũng như đang ghét chính bản thân nó. Có lẽ chúng nó rất ghét khi phải là thành phần cấu tạo nên tôi. Có khi chúng muốn biến mất lắm. Và thế là tôi nghĩ rằng tự làm đau bản thân là cách duy nhất để xoa dịu đi chút tội lỗi của tôi.
Mắt tôi nhìn về phía bàn, nơi con dao rọc giấy đang nằm ở trong và có cả.. con dao găm. Tôi tiến lại gần và mở ngăn bàn ra. Ánh bạc sáng lóa phả ra từ lưỡi dao, phản chiếu gương mặt tôi. Tôi dùng tay nắm chặt lưỡi dao lại, cốt để che đi hình ảnh phản chiếu của chính mình. Và rồi một dòng nước đỏ ngầu chảy xuống từ lòng bàn tay tôi. Đến khi từng ngón tay tôi run rẩy, co bóp liên hồi vì bị tổn thương thì tôi mới nhận ra mình đã làm gì. Máu đã nhỏ xuống sàn nhà thành một vài đốm tròn nhỏ. Tôi cứ nhìn những giọt máu ấy. Đầu tôi bây giờ trống rỗng. Mọi thứ như thể ngừng lại từ khoảnh khắc rỉ ra từ lòng bàn tay tôi.
- Chị An ơi!
Tiếng gọi làm tôi giật mình. Giờ tôi mới nhận thức được hành động của mình. Tôi vừa có ý định tự tử. Lúc ấy mọi thứ thật mơ hồ. Nếu khi ấy tôi chẳng cảm nhận được một cơn đau vật lí nào, thì bây giờ cơn đau từ lòng bàn tay đã truyền thẳng tới não tôi. Nhưng tôi thấy sợ hơn đau. Tôi sợ Sơn phát hiện chuyện này nên đã cuống cuồng lau đi vết máu dây trên sàn, trên bàn học và cả con dao nữa.
Vì mãi không thấy tôi trả lời nên nó lại gõ cửa. Tiếng "cốc cốc" liên hồi khiến tôi giật bắn mình, nhịp tim cũng trở nên gấp gáp hơn. Tôi lên tiếng:
- Gì đấy?
- Ra anh Nguyên đến kìa!
Bình Nguyên ư? Sao lại đến vào lúc này. Tôi thay vội cái áo đã dính máu rồi lấy chính miếng vải từ cái áo ấy băng vết thương trên tay lại. Vết đứt không quá sâu, nhưng chưa thể ngưng chảy máu ngay được. Thế nên đây là cách duy nhất hiện tại tôi có thể nghĩ ra để không ai thấy. Tôi rối trí. Sau đó tôi liền khoác cái áo hoodie sẫm màu rồi đút liền hai tay vào túi. Phải để một lúc sau, khi trống ngực tôi đã không còn dữ dội nữa, tôi mới đủ can đảm mở cửa bước ra.
Bình Nguyên đang ngồi trên ghế sofa đợi tôi. Thấy tôi, cậu ấy liền đứng lên tỏ ý muốn ra ngoài nhà: