Đại Ca

Chương 2



Tiểu Bảo mười một tháng, lúc ấy vẫn còn là một quả bóng nhỏ mặc quần thủng đáy, vừa chập chững biết đi thì cha mất.

Cái chết của ông ta cũng khá kinh khủng, tai nạn giao thông – lúc ấy ông ta vừa tan ca đêm quay về nhà giữa cảnh tối lửa tắt đèn, dọc đường thấy vắng người bèn nhân cơ hội đi tắt, chạy xe đạp trên đường dành cho xe gắn máy, vừa mới lên thì đã bị một chiếc xe tải đụng văng mấy mét.

Cả người lẫn xe đều dẹp lép như con tép, không thể phồng lên được nữa.

Nhà Ngụy Khiêm một lần nữa quay về với tình cảnh mẹ góa con côi.

Thật ra thì việc này cũng bình thường thôi, trên thế giới có vô số gia đình mẹ góa con côi – nhà Mặt Rỗ vẫn bán quẩy vào mỗi sớm chẳng hạn.

Người khác cũng lau khô nước mắt rồi thẳng lưng sống tiếp như thường.

Nhưng Ngụy Khiêm hoảng hốt phát hiện ra, người “mẹ” xinh đẹp ân cần của gã trong một đêm lại biến thành mụ La Sát chết giẫm.

Bà quá đau lòng, dường như bà cho rằng cuộc đời mình còn đắng hơn cả cải hoa đắng, chẳng thiết sống nữa, vì thế ngày ngày chỉ muốn tìm đến cái chết, về mặt này thì bà rất có thiên tư, lại thêm kinh nghiệm phong phú, quả thực là rất có nghề.

Ngụy Khiêm mỗi ngày đều sợ bóng sợ gió – gã phải đi học, phải nghĩ đủ mọi cách kiếm tiền, phải trông nom cô em gái vẫn chưa biết nói, còn phải đề phòng bà mẹ điên lên cơn mọi lúc mọi nơi.

Sau đó, Ngụy Khiêm thậm chí không dám để Tống Tiểu Bảo ở nhà một mình.

Mỗi ngày trước khi đến trường gã sẽ đưa Tiểu Bảo sang nhà Tam Béo tầng trên hoặc là nhà Mặt Rỗ mở quán ăn, nhờ mẹ Tam Béo hay mẹ Mặt Rỗ trông giúp một hôm, đến tối tan trường lại đón Tiểu Bảo về.

Ngụy Khiêm rất mệt mỏi, gánh nặng cuộc sống lập tức đè gã không ngóc nổi đầu, người lớn còn gánh không xong chứ đừng nói đến một đứa trẻ như gã.

Có một dạo, Ngụy Khiêm lén giấu dao găm, mỗi tối khi đi ngủ sẽ dùng một tay nắm dao, một tay ôm Tiểu Bảo, nhìn thấy dao, gã liền muốn lao ra giết mẹ mình, nhìn thấy Tiểu Bảo, gã lại đành phải bình tĩnh nằm xuống, nhẹ nhàng vỗ về lưng nó, dỗ con bé đang hừ hừ chừng như sắp tỉnh.

Gã còn có một đứa em gái, đó là một vật sống, một con người, mệnh cũng khổ y như gã, sinh ra trong gia đình thế này, gã là anh hai, dù tốt dù xấu đều phải nuôi nấng nó trưởng thành.

Hamlet cứ mãi băn khoăn một vấn đề nhàm chán ấy là “to be or not to be”, Ngụy Khiêm cũng dùng cả thời thơ ấu để băn khoăn một vấn đề càng nhàm chán hơn – “giết mẹ hay không giết”.

Sống cuộc sống của một con chó, mà vẫn còn có tâm tình đi băn khoăn vấn đề mang tính triết học như vậy, hẳn tương lai sẽ là một người nổi bật.

Trong khoảng thời gian này, mẹ Tam Béo và mẹ Mặt Rỗ đã giúp gã không ít.

Tam Béo và Mặt Rỗ đều là bạn gã, gia đình Tam Béo toàn những con buôn thô lỗ, hai mẹ con Mặt Rỗ thì là kiểu người hiền lành thật thà – hàng xóm xung quanh nhìn chung không có ai thuộc tầng lớp cao trong xã hội – được cái bên con buôn thô lỗ lại đối đãi nhiệt tình, ngay cả người bình thường yếu đuối ít nói chỉ cần chịu mở miệng, thì chắc chắn sẽ giúp đỡ nhiệt tình.

Mẹ Tam Béo không như mẹ Mặt Rỗ giận mà chẳng dám nói gì, thỉnh thoảng bà hết nhìn nổi, phẫn nộ đến độ quả thật hận không thể nhổ nước bọt vào mặt mẹ Ngụy Khiêm, nhưng cuối cùng vẫn không làm thế.

Việc này cũng chẳng sao hết, Ngụy Khiêm biết bà không dám, bởi vì mẹ Tam Béo tuy vừa nghèo vừa ngang ngược nhưng dù sao cũng là phụ nữ nhà đàng hoàng, kiểu người này đều không dám tùy tiện chọc vào gái điếm, giống như những người đứng đắn chẳng ai dám trêu chọc bọn du thủ du thực vậy.

Sau đó, mẹ Ngụy Khiêm rốt cuộc chết đúng theo sự mong đợi của mọi người.

Ngụy Khiêm bình tĩnh tiếp nhận sự thật này, gã biết bà ấy thật ra đã sớm chán sống rồi.

Mẹ Ngụy Khiêm bị đánh tỉnh khỏi giấc mơ cuộc sống hạnh phúc, những buồn khổ trong lòng bà người khác làm sao hiểu được, bà nghĩ không thông, thích ứng cũng không xong, vì thế rất đương nhiên, bà lại sa đọa lần nữa, quay về nghề cũ, sau đó lại càng tồi tệ hơn – bà hút thuốc phiện.

Đầu tiên là hút bột trắng với khách, hút xong cùng nhau ngất ngây làm một chặp, khách vui vẻ sẽ nhét tiền boa vào quần áo lót, bà cũng dựa vào những khoảng thời gian ngắn ngủi này để trốn tránh cái hiện thực chẳng còn sức để mà phản kháng ấy.

Sau đó, cơn nghiện của bà đã tăng lên mà không cách nào ngăn lại, bắt đầu run rẩy tiêm chích.

Khoảng thời gian ấy, trong nhà Ngụy Khiêm có rất nhiều kim tiêm, bình thường hay sợ Tiểu Bảo nhìn thấy rồi nhét vào miệng, mỗi ngày Ngụy Khiêm phải quét nhà ba bốn lần, thấy kim tiêm là gom lại tiêu hủy.

Về sau mẹ chết, đồ đạc của bà đều bị Ngụy Khiêm thiêu trụi – bà ta cuối cùng chết vì bệnh AIDS do lây nhiễm từ kim tiêm.

Lang thang mãi rồi cũng phải trả đủ thôi.

Đây là lời khuyên răn mà đám côn đồ dùng để đe dọa, cũng là câu cuối cùng người đàn bà đó để lại cho anh em Ngụy Khiêm.

Mẹ Ngụy Khiêm trước lúc chết trông chẳng khác chi một con quái vật, người tong teo như nắm xương, tóc cũng rụng gần hết, khuôn mặt biến dạng nặng, đôi mắt vốn đã to hơn người khác lồi ra, da dẻ thối rữa từng mảng, chẳng thấy mảy may dấu vết xinh đẹp thời trẻ, quả thực chính là một con cóc vừa bẩn vừa hôi.

Con cóc sắp chết nói chuyện cũng hiền lành hơn, bà ta dùng đôi mắt gần như dịu dàng nhìn hai con thản nhiên nói: “Ôi, lang thang mãi rồi cũng phải trả đủ thôi, mẹ đã sớm biết rồi có một ngày sẽ thế này.”

Ngụy Khiêm cười giễu, cho rằng bà ta đang đánh rắm, nếu sớm biết có một ngày thế này thì năm ấy đừng nên chơi bời lang thang, đừng nên hút thuốc phiện, càng đừng nên vì mấy đồng tiền và ham vui mà ăn mặc như yêu ma quỷ quái đến hộp đêm chơi.

Bà đáng lẽ nên giống với vô số các cô bé như hạc tiên, mặc đồng phục có thể không vừa vặn lắm, trán để mái bằng nom ngốc nghếch, ngồi ngay ngắn trong lớp nghe giáo viên giảng dạy về hình học giải tích, sau đó thi đại học, đi làm, kết hôn hoặc là ế… bất kể thế nào, cũng phải sống như một người đứng đắn.

Cho dù bà đặc biệt ngu ngốc không học hành nổi, ít nhất còn có thể đi làm bảo mẫu, đi giúp việc cho người ta, hoặc là bán đồ ăn sáng…

Như vậy không biết chừng sẽ sống đến chín mươi tuổi, có thể nhìn thấy cháu mình kết hôn sinh con.

Nhưng bà ta không làm như thế, lại lựa chọn làm một mụ điên thích ăn không ngồi rồi, uổng cho ngoại hình xinh đẹp như hoa.

Ngụy Khiêm ý thức được rằng mình cuối cùng đã thoát khỏi bà điên này, không bao giờ phải gặp bà ta nữa, trong lòng gã bắt đầu khổ sở khó đè nén nổi, giống như chứng kiến hàng loạt sinh mệnh và thời gian chớp nhoáng bay qua, mà gã còn chưa kịp nghe thấy gì thì tất thảy đều đã tan thành mây khói.

Nhưng gã không muốn để lộ bất cứ tình cảm gì, gã cho rằng mình nên căm hận người đàn bà này, tất thảy tình cảm với bà ta đều yếu đuối mà hèn hạ, cho nên Ngụy Khiêm ép mình nghĩ – đáng đời bà ta.

Ngụy Khiêm bắt mình nhớ lại cuộc sống như địa ngục suốt năm năm, rồi lạnh lùng hỏi: “Mụ điếm, làm gì mà phải đẻ tụi này ra?”

Người đàn bà suy nghĩ cả buổi trời với vẻ mặt mù mờ, cuối cùng trả lời rằng: “Ai mà biết được?”

Ngụy Khiêm lập tức phẫn nộ, nếu không có cái câu “ai mà biết” của bà ta, không chừng đời này gã đã đầu thai vào nhà giàu hoặc nhà có chức quyền, bây giờ chưa biết chừng cũng có thể làm người đứng đắn!

Thế là gã đẩy vai bà ta một phát, mắng: “Cút mẹ bà đi!”

Thật sự chỉ đẩy khẽ một cái thôi – ai ngờ giây tiếp theo bà ta đã hấp hối.

Toàn thân bà ta run lên bần bật, mắt trợn tròn như quả bóng bàn, sau đó thở hồng hộc suốt năm phút, cuối cùng biến thành một cái ống bễ khô quắt queo, phải sống chịu tội một lúc, rốt cuộc mới được nằm thẳng cẳng.

Năm ấy Ngụy Khiêm chưa đầy mười ba tuổi, vẫn còn là một gã thiếu niên trẻ trung ngây ngô, mới lên cấp hai, đèo bòng cô em gái thò lò mũi xanh – Tiểu Bảo năm tuổi, chưa hiểu cái cứt gì, chỉ biết ngơ ngác ở bên cạnh nhìn anh và mẹ.

Ngụy Khiêm để xác mẹ ở nhà hai ngày, đến khi bốc mùi rồi mà gã cũng chưa nghĩ ra cách xử lý.

Chỗ cho người chết ngủ còn đắt hơn của người sống, bán hai anh em gã thì cũng chẳng mua nổi một miếng đất trong nghĩa địa – huống chi Ngụy Khiêm thậm chí còn chẳng định chi tiền đem đi hỏa táng – mẹ gã đã chết rồi, người chết thì thế nào chẳng được, nhưng gã còn sống, gã cần nộp học phí, gã còn phải nuôi dưỡng em gái.

Cuối cùng, Ngụy Khiêm quyết định tìm ngày lành tháng tốt, tạm dùng tấm chiếu rách cuộn cái xác rồi trực tiếp ném vào bãi rác, để bà ta tự quay về với thiên nhiên.

Nhưng chưa kịp làm gì thì, mấy chị em của mẹ Ngụy Khiêm đã tìm đến nhà, quả đúng cho dù là Tần Cối đi chăng nữa thì cũng phải có dăm ba người bạn.

Họ cùng nhau góp tiền lo liệu hậu sự cho bà ta, xem như tiễn biệt, một người phụ nữ bảo với Ngụy Khiêm rằng bà ấy lúc sống đã chẳng có thể diện, dù sao cũng không nên bị chết thiếu thể diện như vậy.

Lo hậu sự xong còn thừa vài đồng, họ để lại cho Ngụy Khiêm và cô em gái Tiểu Bảo, Ngụy Khiêm lại lục lọi được vài món trang sức của mẹ đem bán, mấy thứ này vốn là mạng sống của bà ta… không, còn quý giá hơn mạng sống.

Cậu con trai cưng của bà đã sớm ngứa mắt với chúng, mẹ vừa chết là lập tức đem bán hết.

Ngụy Khiêm dùng khoản tích góp ít ỏi này, trải qua cuộc sống nuôi đứa em khác cha gian nan hơn một năm, rốt cuộc cũng đã tốt nghiệp trung học cơ sở.

Ba ngày thi vào cấp ba kết thúc, hôm cuối cùng Ngụy Khiêm nộp bài rồi đạp xe về nhà.

Gã học hành rất nghiêm túc, dù là làm giúp việc hay du côn đều không thể ảnh hưởng đến thành tích, bởi vì nhà trường là mối liên hệ duy nhất với những từ như “tương lai”, “hi vọng”, cùng “cuộc sống vẻ vang”, cho dù phải liều mạng gã cũng muốn nắm chặt lấy.

Dọc đường Ngụy Khiêm mua mấy cái màn thầu, đậu xe trong cái lán sơ sài dành cho xe đạp của chung cư, xách đồ về nhà, thì nhìn thấy tên nhãi ranh kia.

Tên nhãi con đó tay chân bé tí teo, gầy trơ cả xương, khiến cho cái đầu trông to hẳn, cao hơn Tiểu Bảo một chút, nhưng chẳng cao được đến đâu, có lẽ tuổi cũng xấp xỉ con bé.

Nó trùm chiếc áo ba lỗ rộng thùng thình của người lớn, bên dưới không mặc gì, giày cũng chẳng có, trên áo vấy bẩn đủ mọi thứ, thoạt nhìn quả là tổ quốc non sông muôn hồng nghìn tía, đang bới rác kiếm ăn bên cạnh đống rác trong con hẻm.

Một đứa nhóc như vậy, chẳng biết sống kiểu gì nổi, ngay cả chó hoang cũng ức hiếp nó, lúc Ngụy Khiêm đi qua tên nhãi đang giằng co với một con chó trong hẻm – vì nửa hộp thịt bò người khác vứt đi.

Con chó hoang gầy tong teo, đầu lại không bé, mắt đỏ lừ, chẳng biết có bị dại hay không, nhưng còn có thể sống sót vào thời điểm cuộc vận động đánh chó đang diễn ra sôi nổi ở thành phố, chắc hẳn cũng là cẩu trung hào kiệt.

Ngụy Khiêm vốn cũng chẳng quan tâm, mấy tên nhãi kiểu này tháng nào chẳng thấy, vô tình bị sinh ra, vô tình sống sót, cũng chẳng có cha mẹ gì, qua một thời gian là chết thôi, nhưng chính vào lúc Ngụy Khiêm nhìn qua bên đó, tên nhãi đang giằng co trong tình người duyên chó lại trùng hợp ngẩng đầu nhìn gã một cái.

Con chó bắt được cơ hội trong chốc lát, thấy đối thủ phân tâm thì ngay lập tức lao đến, tên nhóc chắc là bị người ta vây đuổi chặn đường một thời gian dài cho nên phản ứng hết sức nhanh nhẹn, lao sang bên cạnh tránh thoát, vì thế con chó kia khéo thế nào lại phóng ngay đến dưới chân gã thiếu niên Ngụy Khiêm.

Con súc sinh này đỏ lừ đôi mắt, cánh mũi phát ra tiếng thở hồng hộc, như là đã sốt ruột lắm rồi, chẳng thèm phân biệt địch ta, sủa ầm lên với một quần chúng vô tội đang làm bộ không nghe không thấy không nhìn, nhe cả hàm răng vàng khè ra.

Ngụy Khiêm đang tính toán nhỡ đâu mình trúng tuyển vào cấp ba, vấn đề học phí phải giải quyết như thế nào, không tính để ý tới nó, nhấc chân muốn đi, kết quả chẳng biết con súc sinh này nghĩ sao mà cúi đầu muốn cắn cổ chân gã.

Ngụy Khiêm vội co chân, không bị cắn trúng.

Ngụy Khiêm lúc ấy mười ba mười bốn tuổi, cha mẹ chết hết còn phải nuôi một con em gái chỉ biết thò lò mũi xanh, dù rằng trong cuộc thi phát huy đến bậc nhất, nhưng thi đậu rồi cũng chưa chắc đi học được, tình cảnh hết sức thê thảm. Đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh như vậy nếu không hận đời mới là bất thường – bởi vì điều đó có nghĩa là cậu ta quá giỏi diễn kịch, tương lai rất có thể sẽ biến thành phần tử phản xã hội IQ cao.

Cho nên gã thiếu niên cấp hai đang rất đỗi buồn phiền lập tức nóng lên, giơ chân đạp con chó một phát, gã từ nhỏ đã chung đụng với đám lưu manh, từng ra tay đánh nhau, cú đá này không hề nhẹ, đạp con chó dính tường, nó vẫn chưa buông tha, lại cắn giày Ngụy Khiêm – may mà đây là đôi giày cao su nhặt được, mặc dù vừa cứng vừa bí nhưng được cái bền chắc, không cắn thủng nổi.

Ngụy Khiêm hất một phát, thấy con chó chết này chưa văng ra, thế là dùng chân giẫm mạnh bụng nó, lại nhặt cục gạch ở bên cạnh, nện mạnh vào đầu con cẩu trung hào kiệt này, đập một phát, hào kiệt liền nhả ra, đập hai phát, hào kiệt toác đầu chảy máu, triệt để thành quỷ hùng.

Người, rồi chó, vào lúc này, ở nơi thế này, thật ra đều cùng một dạng – giống như có người mặc âu phục đi giày da nhà đẹp xe xịn, có chó định kỳ được đưa đi làm đẹp. Thì cũng có một số người cùng chó, đã được định trước là phải cắn xé liều mạng, đổ máu lẫn mồ hôi trên ngõ nhỏ toàn rác này vì một số lý do nực cười và đáng buồn.

Cùng là người nhưng không cùng mệnh, cùng là chó cũng chẳng chung mệnh nốt.


Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.