- Học để tinh tu, nếu không tinh tu được học làm chi?
- Sao biết không tinh tu?
- Cô gái đứng ra giảng dạy chỉ có đôi mươi, lấy cái gì dạy ta tinh tu tay nghề?
- Khà khà khà... thì ra là ông xem thường anh hùng trong thiên hạ, ông đừng quên câu anh hùng xuất thiếu niên. Ngày xưa hai bà Trưng khởi nghĩa chấn động sơn hà cũng chỉ tuổi đôi mươi thôi đấy!
- Ờ thì...
- Đến buổi khai giảng trường ẩm thực Ăn Ngon, chúng ta cứ đi đến đó xem xét, với ánh mắt, cái lưỡi, và cái mũi của chúng ta... Là long là trùng sẽ biết ngay mà, đâu có gì khó khăn...
...
Khắp nơi các đầu bếp xôn xao, tề tụ về trường ẩm thực Ăn Ngon ngay trong khu phim trường Vui Vẻ để tham dự buổi lễ khai giảng.
Tuy gọi là khai giảng, nhưng thực ra đây lại là buổi tuyển sinh, trường vừa chọn học viên và các học viên cũng chọn trường.
Vì ngày khai giảng này mà Hà Vũ Thủy đã nén lòng chờ đợi hơn nửa năm. Trường đã thành công xây dựng xong thật lâu nhưng Hà Vũ Thủy chờ, nàng chờ cả phim trường xây dựng hoàn tất để khung cảnh được trọn vẹn, nàng tin chắc các học viên học tập trong một hoàn cảnh toàn là công trường bề bộn sẽ kém chất lượng hơn nhiều trong một hoàn cảnh xinh đẹp mát mẻ.
Quan trọng hơn là nàng muốn nhân cơ hội chưa khai giảng quyết tâm tự học nâng cao sở đoản của mình: đao công.
Đao công là 1/2 yếu tố thành công của một đầu bếp xuất sắc. Đáng tiếc Hà Vũ Thủy lại kém nhất chuyện này, lý do là vì nào giờ nàng toàn học lóm, không được minh sư dìu dắt, và cơ thể của nàng thon nhỏ không đủ lực dùng đao như ý muốn (xém c·hết đói từ nhỏ vì anh hai Hà Vũ Trụ vô tâm).
Từ khi bị chồng thuyết phục phát triển sự nghiệp về ẩm thực, Hà Vũ Thủy bắt đầu tầm sư học đạo khổ luyện đao pháp. Ban đầu nàng có ý định tìm các đầu bếp nổi tiếng để học nhưng bị cản lại:
- Đao công của đầu bếp chỉ bình thường trừ phi cao thủ võ lâm đi làm đầu bếp mới có được đao công xuất sắc mà thôi. Nếu không học thì thôi, đã muốn học sao không học đao pháp xuất sắc nhất?
Hà Vũ Thủy: - Đao pháp xuất sắc nhất là đao pháp gì? Sao không gọi là đao công, hai bên khác nhau ra sao?
- Tận cùng của đao pháp và đao công đều là đao đạo. Nhưng đó là tận cùng, còn lúc bắt đầu, "đao công" chỉ là công phu của đầu bếp luyện tập dùng đao để thái thức ăn, thái càng đẹp càng đều thì thức ăn khi làm ra càng có độ chín đều và đạt được sắc - hương - vị tốt nhất. Còn "đao pháp" là phương pháp dùng đao để g·iết người, nó bao la bát ngát hơn "đao công" nên khi luyện tập "đao pháp" chẳng những có thể g·iết người phòng thân mà cũng dễ dàng trở thành cao thủ "đao công" trong nghề làm bếp.
Hà Vũ Thủy: - Nhưng ta chỉ muốn học "đao công" chứ đâu muốn g·iết người?
- Thanh đao trong tay cao thủ, chẳng những có thể g·iết người mà cũng có thể cứu người. Khi luyện đến cảnh giới "Vạn vật vi đao" thì cao thủ có thể sử dụng mọi thứ, kể cả một cọng cỏ để làm đao cứu người khác. Vì vậy học "đao pháp" là cần thiết nếu có thể và có quyết tâm.
Hà Vũ Thủy bán tính bán nghi nhìn người chị thuyết phục mình học "đao pháp": Lý Tố Linh. Cuối cùng vừa nể chị vừa bị mê hoặc bởi ý nghĩ có thể cứu người khi cần thiết nên nàng đã mơ mơ hồ hồ đáp ứng học "đao pháp" từ cựu sát thủ Lý Tố Linh.
Về phần Lý Tố Linh tại sao lại xúi giục Hà Vũ Thủy học "đao pháp"? Nguyên nhân có hai, thứ nhất là nàng thực sự muốn giúp Hà Vũ Thủy đột phá thật lớn về trình độ đầu bếp. Nếu để Hà Vũ Thủy đi học "đao công" ở các đầu bếp nổi tiếng thì có lẽ suốt đời Hà Vũ Thủy không thể vượt qua được sư phụ của mình. Nhưng học "đao pháp" thì khác, nó phong phú và ác liệt hơn rất nhiều lần, chỉ cần Hà Vũ Thủy học được 3-4 phần chân truyền của Lý Tố Linh thì đã đột phá được "đao công" có tiếng nhất trong giới ẩm thực.
Dĩ nhiên, các siêu đầu bếp có trình độ "đao công" gần đạt đến "đao đạo" thì không tính, nếu gặp phải các nhân vật ghê gớm đó, thậm chí Lý Tố Linh còn phải chạy dài chứ đừng nói học trò Hà Vũ Thủy. Bởi vậy cho nên mới nói "vạn pháp đồng tông" khi luyện thứ gì đến đăng phong tạo cực, lô hỏa thuần thanh, gần đạt tới "đạo" thì dù chỉ cầm một cây bút tre hay một cây roi chăn bò cũng có thể chắn thiên quân vạn mã...
Quay trở lại lý do thứ hai Lý Tố Linh muốn Hà Vũ Thủy học "đao pháp" đây là vì Lý Tố Linh thấy mình có phần lẻ loi trong Giang gia, mọi người phu nhân đều có vẻ thục nữ bình thường, chỉ có nàng là con nhà võ lẻ loi, tuy có tập luyện cho mọi người nhưng đó hoàn toàn chỉ là tập thể dục rèn luyện cơ thể, lần này nàng cố dụ dỗ Hà Vũ Thủy để gia tăng một nữ cao thủ bên trong Giang gia, giúp Lý Tố Linh đỡ thấy cô đơn hơn. Đặc biệt là khi đánh bài hoặc trò chuyện, Lý Tố Linh chỉ hứng thú về võ đạo, nàng không có ai để nói chuyện về nó, sau này khi Hà Vũ Thủy thành công về "đao pháp" như vậy ít ra nàng có người bàn về"đao đạo".
Cả nhà thấy Lý Tố Linh rù quến Hà Vũ Thủy học đao pháp, tuy Hà Vũ Thủy là người trong cuộc không nhận ra, nhưng Giang Bình An, Tần Hoài Như, và Lâu Hiểu Nga lại nhận ra điều ấy, cả ba đều âm thầm đáng thương cho Lý Tố Linh nên giúp khuyên nhủ Hà Vũ Thủy học đao pháp cho tốt, kết quả ra sao không quan trọng, quan trọng là có người nói chuyện tâm sự với Lý Tố Linh thì đã thành công rồi.
Quyết định học đao pháp, Hà Vũ Thủy ngay lập tức chứng minh cho mọi người thấy thiên phú và sự thông minh của nàng, suốt hơn 1 năm, mỗi ngày nàng đều dành sáng - chiều - tối, ngày 3 tiếng để học một bộ đao pháp của Lý Tố Linh.
Thật bất ngờ, Hà Vũ Thủy lại dùng thời gian ngắn ngủi như vậy học được 5 thành công lực về đao pháp của Lý Tố Linh, vượt xa sự mong đợi của mọi người. Lý Tố Linh từng nói bộ đao pháp này lúc nàng học phải mất 3 năm mới đạt được trình độ của Hà Vũ Thủy bây giờ.
Nguyên nhân sự tiến bộ thần tốc này có khá nhiều, trong đó quan trọng nhất nằm ở bộ đao pháp mà Lý Tố Linh truyền thụ lại cực kỳ phù hợp với tính tình linh hoạt, đầu óc nhạy bén, và cả nghề nghiệp của Hà Vũ Thủy.
(PS: Khi đọc đến đây mọi người có ai đoán ra được bộ đao pháp này là gì chưa?)
Thiên hạ võ công, duy nhanh bất phá.
Lý Tố Linh truyền thụ cho Hà Vũ Thủy học đao pháp: Khoái Đao, đao nhanh đến tận cùng, biến hóa linh hoạt sắc sảo, thanh đao phối hợp lại là đoản đao, khá tương tự với đao làm bếp.
Tương truyền trong võ hiệp Kim Dung, Khoái Đao của Điền Bá Quang gồm 13 thức, mỗi thức có 3-4 chiêu biến hóa, dựa vào chữ "nhanh" để phát huy sự tinh diệu của đao thức. Chính Khoái Đao đã làm vai chính Lệnh Hồ Xung bó tay, chỉ khi Lệnh Hồ Xung học được Độc Cô Cửu Kiếm, sử dụng Phá Đao thức thì mới chiến thắng triệt để Khoái Đao của Điền Bá Quang mà thôi.
Nhưng đó là trong thế giới giả tưởng kiếm hiệp, bộ Khoái Đao của Lý Tố Linh truyền thụ lại bao gồm 10 thức, mỗi thức biến hóa 5 chiêu, cũng dựa vào một chữ "nhanh" là chính.
Khi Giang Bình An nhìn thấy Lý Tố Linh và Hà Vũ Thủy truyền thụ và tập luyện, hắn nổi cả da gà, nếu thay học đấm đá tay chân bằng học Khoái Đao với Lý Tố Linh như hồi ở trong phòng tập trọng lực, thì e rằng Giang Bình An sớm bị róc da lột xương không biết bao nhiêu lần mà nói, quá nguy hiểm!
Sự thành công vượt bậc của Hà Vũ Thủy còn nhờ Lý Tố Linh liên tục lấy chu quả từ Giang Bình An cho Hà Vũ Thủy rèn luyện cơ thể, nhờ vậy thể chất và thể lực của Vũ Thủy tăng cao liên tục suốt một năm, đã trở thành một cao thủ dùng đao đúng nghĩa, tốc độ vung đao của nàng bây giờ đã khó thấy cây đao, khi nàng vung lên chỉ còn lại tàn ảnh, khi nàng dừng lại đã xử lý xong thức ăn...
Lúc Hà Vũ Thủy đạt được 5/10 công lực, Lý Tố Linh không dạy nữa, chỉ để tự Hà Vũ Thủy luyện tập tiến bộ. Đến tận lúc đó, Hà Vũ Thủy mới giật mình phát hiện trình độ "đao công" trong bếp núc của nàng đã vượt qua cha và anh hai rất nhiều, quả nhiên chị Tố Linh không gạt nàng.
Nhưng sự chuẩn bị cho buổi khai trương của trường ẩm thực Ăn Ngon không chỉ dừng lại đó, trong hơn 1 năm trời, Hà Vũ Thủy còn liên tục sưu tầm bổ sung hệ thống thực đơn Bắc - Trung - Nam. Sau đó lại từ các thực đơn chính thống này nàng đi vưu tồn tinh, chắt lọc tinh hoa để phát huy sáng tạo các thực đơn của riêng mình, thậm chí về số lượng là gấp 2-3 thực đơn chính thống.
Trong hệ thống thực đơn của riêng mình, Lý Tố Linh đặc biệt chú ý về hai chủ đề: mặn - ngọt, cay - không cay.
Trên thực tế, mặn và ngọt đã hình thành hai hệ thống nấu nướng chế biến đối chọi nhau hoàn toàn, một bên thì ăn gì cũng ngọt, một bên thì ăn gì cũng mặn, hai bên luôn tranh luận nói bên mình ngon hơn.
Cay và không cay cũng vậy, hầu như chia đôi số lượng người ẩm thực ra làm hai. Lúc nào đi mua đồ ăn chủ quán cũng luôn hỏi: Ăn cay hay ăn không cay?
Hà Vũ Thủy dùng thiên phú của mình về ăn uống, cố ý nghiên cứu đi sâu về hai chủ đề đó, làm sao để tạo ra món ngon nhất hợp khẩu vị từng người, ví dụ như:
- Ngọt đến bao nhiêu là đủ? Mặn đến bao nhiêu là vừa?
- Cay đến đâu là giới hạn? Không cay làm sao để bùng nổ hương vị?
Giang Bình An tận mắt nhìn thấy cô vợ nhỏ nhất của mình học tập từng chút, rèn luyện từng chút và tiến bộ lên từng ngày, hắn thật mừng cho nàng và càng chờ mong ngày trường ẩm thực Ăn Ngon khai giảng...