Đầm Lầy Mùa Xuân

Chương 61



Ngày cô gặp bố mẹ Văn Bách Linh, là vào nửa tháng cuối mùa xuân năm nay.

Rõ ràng còn chưa đến đầu hè mà nhiệt độ không khí đã tăng hẳn, vừa tan lớp là Thang Yểu rảo bước ra về ngay, bước chân hối hả như muốn chạy, khi cô gặp Văn Bách Linh ở bãi đậu xe, mồ hôi đã rịn đầy trên vầng trán.

Văn Bách Linh đứng ở bên cạnh xe, mỉm cười với cô, đoạn đưa tay cầm đỡ túi đeo đựng đầy sách vở và giáo án trên vai cô, rồi giúp cô lau đi chỗ mồ hôi rìn rịn.

Anh rất tự nhiên giơ tay trái giúp cô xoa bóp hai bên vai và cổ, sau đó hỏi Thang Yểu: "Sao em phải vội thế? Đâu phải anh không đợi em đâu, em đi làm có mệt không?"

Thang Yểu có một ưu điểm.

Trong cuộc sống cô chưa bao giờ biết mệt.

"Không mệt."

Cô vẫn nở nụ cười thật tươi trên môi, híp mắt mãn nguyện dưới ánh mặt trời hoàng hôn: "Hôm nay em lại đến giảng đường đó. Giáo sư giỏi cực kỳ, em thấy đúng là người học vấn cao có khác, lúc đứng trên bục giảng đĩnh đạc phát biểu ấy, đặc biệt hấp dẫn."

Động tác kéo cửa xe của Văn Bách Linh dừng lại một chút, hít ra tiếng một hơi rồi hỏi cô: “Giáo sư là nam hay nữ?”

Thang Yểu cười ngọt ngào, lén thúc vào khuỷu tay Văn Bách Linh: "Em nói sức hấp dẫn của giáo viên đối với học sinh mà, không phải kiểu hấp dẫn của anh với em đâu."

Lời này mang công lực xoa dịu ngoài dự đoán, đến mức Văn Bách Linh nhướn mày: "Làm sao mà mới nghe được mấy bài giảng lịch sử, năng lực dỗ dành người ta cũng lên tay rồi vậy?"

Một cái đầu với hai bím tóc xoắn thò ra ngoài cửa sổ xe, hôm nay Thiến Thiến mặc một bộ váy kiểu Trung Hoa Dân Quốc, cô bé vui vẻ vẫy tay với Thang Yểu, túi thơm tua rua đeo trên cổ tay lắc lư theo động tác của cô bé.

Ngày cưới còn chưa được ấn định, Thiến Thiến đã đổi cách gọi: "Cô ơi, cháu cho cô xem túi thơm của cháu này."

Thiến Thiến đang trong kỳ nghỉ xuân.

Ngày hôm trước, cô bé theo bố mẹ Văn Bách Linh cùng anh trai và chị dâu trở về Trung Quốc, Thang Yểu và gia đình cô đã đến gặp mặt họ nhiều lần, ngay cả dì út cô cũng khá thân quen với Thiến Thiến.

Gia đình nhà họ Văn rất thân thiện, mẹ Văn cũng rất dịu dàng và tốt bụng với mọi người.

Nghe nói ông nội và bà nội Văn Bách Linh đều hành nghề Trung y, hôm nay cũng chính mẹ Văn đưa Thiến Thiến đi làm túi thơm thảo dược.

Thiến Thiến không nhớ tên các loại thảo dược nên chỉ đưa túi thơm cho Thang Yểu rồi nói cô ngửi thử mùi thơm của các loại thảo dược bên trong.

"Cô ơi, nó có thơm không?"

Chỉ khi nghe Thang Yểu nói là thơm, Thiến Thiến mới thần bí từ sau lưng lấy ra một túi thơm khác.

Nó có màu xanh nhạt, được thêu hình hoa sen thanh nhã.

Thiến Thiến nói, túi thơm này là mẹ Văn giúp cô bé làm cho Thang Yểu, cho mấy loại thảo dược vào, nói có thể chữa cơn sốt mùa xuân: "Cô, cái này là cho cô đó, bà nội giúp chọn dược liệu, chắc chắn tốt hơn túi của cháu."

(*) Cơn sốt mùa Xuân thực chất là sự thay đổi về tâm – sinh lý của cơ thể người nhằm thích ứng với sự chuyển mùa trong năm. Cơn sốt mùa Xuân phổ biến hơn ở Bắc bán cầu – những khu vực nằm cách xa xích đạo và có sự phân biệt bốn mùa rõ rệt. Các triệu chứng thường xuất hiện vào khoảng giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 và tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Triệu chứng thường gặp bao gồm: mệt mỏi (kể cả khi đã ngủ đủ giấc), nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết, chóng mặt, khó ở, nhức đầu và đôi khi có cả đau khớp và tâm trạng chán chường. (Nguồn: nld.com.vn)

Đương nhiên Thang Yểu rất thích, cầm lấy đưa cho Văn Bách Linh ngồi ở hàng ghế trước xem.

Văn Bách Linh liếc nhìn đèn đỏ, cười rạng rỡ trêu đùa Thang Yểu: “Đừng thích thú vội thế, một cái thơm đã mua chuộc được em rồi. Mẹ chồng tương lai của em rất giàu có đấy, trong nhà có vài cái vòng tay phỉ thúy anh thấy khá đẹp, lúc về em chọn xem.”

Thang Yểu cũng không mấy ham thích vật chất, đồ phỉ thúy thế này cô còn chẳng phân biệt nổi giữa loại A với loại B loại C, chứ đừng nói nước ngọc, nơi xuất xứ, màu sắc.

Cô nâng túi thơm lên, ngửi mùi hương thoang thoảng: “Cho em có khác gì bò nhai mẫu đơn đâu, còn bảo em chọn, em vẫn thích túi thơm hơn.”

Buổi tối hai nhà hẹn gặp nhau ăn cơm, mẹ và bà nội Thang Yểu đã được đón đến chỗ hẹn cùng với bố mẹ Văn Bách Linh.

Vốn Thiến Thiến cũng nên ở lại khách sạn nghỉ ngơi, nhưng theo lời Văn Bách Linh, cô bé này không chịu ngồi yên một chỗ, khi nghe tin anh sắp đi đón Thang Yểu, cô bé nhất quyết đòi đi cùng.

Thiến Thiến rất yêu thích các trường đại học ở Trung Quốc, cứ quấn lấy Thang Yểu hỏi về các khoa và phòng ban trong trường của cô. Cô bé cũng nói rằng hai năm nữa sẽ về nước học đại học, muốn vào khoa tiếng Trung hoặc khoa Lịch sử.

Tài xế đã đi đón trưởng bối, hôm nay Văn Bách Linh tự mình lái xe.

Nghe Thiến Thiến nói vậy, Văn Bá Linh cười nói đế vào: "Cô cháu vừa mới học một khóa ở Học viện Nhân văn Lịch sử, cô ấy mê mẩn đến mất ăn mất ngủ đấy, bảo cô ấy kể cho cháu nghe một chút đi."



Thiến Thiến không hiểu ý nghĩa của câu nói này, chỉ có Thang Yểu mới hiểu được.

Cô đưa tay từ hàng ghế sau ra, đánh nhẹ một cái như phủi bụi vào Văn Bách Linh.

Không đau không ngứa, nhưng anh vẫn không đứng đắn móc lấy đầu ngón tay cô, xoa nhéo đầu ngón trỏ.

"Chú, cô, hai người đang nói cái gì vậy?"

Thực ra Thang Yểu và Văn Bách Linh đang nói về chuyện xảy ra tối hôm nọ.

Lần đó bạn của Văn Bách Linh đã tặng họ hai vé đi xem một buổi biểu diễn kịch cổ điển.

Tối đầu tiên khi có vé, trước khi đi ngủ Thang Yểu còn hưng phấn thảo luận với Văn Bách Linh, nói rằng trước đây cô chưa từng đi xem kịch, ngày mai cô muốn đến đó sớm một chút, ngay sau khi tan tầm đi luôn, bữa tối cũng dứt khoát đợi đến khi kết thúc buổi biểu diễn mới ăn.

Tất nhiên, những gì cô nói Văn Bách Linh đều ghi nhớ.

Chiều hôm đó sau cuộc họp ở công ty, anh thậm chí còn không uống ngụm trà ấm mà lái xe đến thẳng đến trường Thang Yểu.

Ngày thường hai người vẫn rất ăn ý với nhau.

Anh không cần gọi điện thoại khi tới cổng trường, lẽ đương nhiên Thang Yểu sau khi tan lớp sẽ ra ngoài tìm anh rồi cùng anh về nhà.

Ngày hôm đó là một ngoại lệ.

Văn Bách Linh chờ mãi, thậm chí còn nhìn thấy đồng nghiệp của Thang Yểu từ bên trong đi ra, nhưng vẫn chưa hề nhìn thấy cô.

Anh lấy điện thoại ra bấm số di động của cô, nhưng vì sợ làm phiền cô nên anh không bấm gọi mà thay vào đó gửi cho cô một dòng tin nhắn trên WeChat, hỏi cô có tăng ca không, mấy giờ thì xong.

Gần 20 phút sau, Thang Yểu gọi lại, giọng nói hoảng sợ: "Làm sao bây giờ, Văn Bách Linh, em đi nghe giảng quên mất vở kịch rồi."

Nghe giọng cô có vẻ là đang chạy rất vội.

Vì vậy Văn Bách Linh dùng giọng nói ấm áp an ủi cô: "Đừng chạy, không nhanh hơn một hai phút đâu, đừng chạy kẻo ngã. Thời gian còn rất nhiều, lát nữa chúng ta cố gắng đi nhanh đến đó."

"Nhưng em không chỉ lo về vở kịch."

“Vậy em vội cái gì?”

Thang Yểu vẫn đang chạy, hơi thở rất không ổn định: "Em lo anh, sợ anh đợi lâu."

Văn Bách Linh không khỏi cong khóe miệng lên: "Vậy thì càng không cần vội, anh bằng lòng đợi em bao lâu cũng được."

Lúc gặp được nhau, Thang Yểu ngồi vào trong xe, Văn Bách Linh trêu chọc cô, nói khoa Lịch sử giảng hay quá, nghe mê quá, quên cả thời gian, sau này cũng muốn vào học ở Học viện Lịch sử xem sao.

Văn Bách Linh vừa nói vừa mở hệ thống định vị, Thang Yểu vẫn thong thả bài bản nói, mặc dù cô không am hiểu lịch sử nhưng nếu nghiêm túc nghiên cứu lâu dài thì có thể đạt được một số thành tựu.

Trong Kinh Pháp Hoa có nói: “Mỗi ngày một chút, công không uổng phí”, không thể nào là nói dối được.

Khi nói điều này, cô nhìn vào màn hình điều hướng, lời chuẩn bị nói ra miệng vụt biến thành một tiếng kêu.

Đường vành đai thứ ba Tây Bắc đến đường Phục Hưng bị tắc nghẽn giao thông, màu đèn đỏ cảnh báo thậm chí còn đẹp hơn cả rừng lá phong trên Hương Sơn vào mùa thu.

Hôm đó bị kẹt xe, không đến được Nhà hát lớn kịp thời, lỡ mất giờ vào cổng, Thang Yểu vẫn còn tiếc nuối.

Nhưng Văn Bách Linh nắm tay cô nói rằng anh đã kiểm tra rồi, vẫn còn vài suất diễn nữa, anh sẽ nhờ bạn mình hỏi xem còn vé thừa không.

Thang Yểu là một cô gái rất đúng giờ và tiết kiệm, chuyện như thế này hiếm khi xảy ra với cô, cô cúi đầu ngơ ngẩn nhìn hai tấm vé bị hủy trong tay, nhất thời không biết phải làm gì: “Chúng ta phải làm sao đây?”

Chiếc xe chuyển sang làn đường bên trái.

Văn Bách Linh nói tới cũng đã tới rồi, mấy hôm trước không phải em nói muốn ăn lẩu sao, vừa vặn ở gần đây có một quán ăn ngon, chúng ta ăn lẩu đi.

Ăn lẩu khá vui.

Nhưng chuyện đi nghe giảng đến mê mẩn đã trở thành “cái đuôi nhỏ” của cô, thường xuyên bị Văn Bách Linh lấy ra trêu chọc Thang Yểu, câu “Cô giáo Thang mất ăn mất ngủ kìa” luôn treo ở trên môi anh.



Đương nhiên, Thiến Thiến không biết chuyện này, trong xe chỉ có Văn Bách Linh cười nhẹ.

Nhiều năm trước, Thang Yểu cùng Văn Bách Linh đi ăn tối với bạn bè anh, nhiều khi nghe họ nói chuyện cô cũng không hiểu.

Không phải là họ đang cố ý đề phòng cô.

Chỉ là Văn Bách Linh đã quen biết họ nhiều năm nên có nhiều lời không cần nói chi tiết, chỉ cần một nửa ánh mắt nhìn qua đã đủ hiểu ý nhau.

Chỉ có cô là người duy nhất mới tham gia với họ, nghe chuyện của họ như lọt vào trong sương mù.

Bây giờ Thang Yểu và Văn Bách Linh ngày ngày đêm đêm ở bên nhau, đã trở thành người thân thiết nhất của nhau.

Không ai khác có thể sánh được với sự ăn ý lẫn nhau của họ.

Đêm hôm trước, khi cô chơi bài poker với Phí Dụ Chi và những người khác, Thang Yểu chỉ cần ngước mắt lên nhìn Văn Bách Linh, anh đã biết xu hướng chung của các quân bài trên tay cô nên cố ý thả ra một cửa, để cô thắng.

Phí Dụ Chi la hét trên bàn bài, còn gọi mọi người bằng tên riêng, hoàn toàn không giống hồi nhỏ khi cô ấy trốn khỏi nhà, gọi từng tiếng "Anh Văn" ở nhà Văn Bách Linh, mà đã thành "Văn Bách Linh, tôi mới là người cùng phe với cậu mà".

Trên đường đi, Văn Bách Linh nhận được điện thoại của mẹ hỏi họ đang ở đâu.

Sau khi báo cáo địa điểm, Văn Bách Linh không cúp máy mà nói với mẹ Văn: “Sao mẹ chỉ làm túi thơm cho con dâu tương lai, còn con không có cái nào vậy, bản chất con người chẳng phải là xuân oải thu mệt(*) sao, mà có con dâu lại không quan tâm đến con trai vậy?”

(*) Nguyên gốc là 春困秋乏夏打盹,睡不醒的冬三月(Xuân oải thu mệt hạ ngủ gật, ba tháng đông ngủ không tỉnh)

Thiến Thiến nhịn không được lên tiếng, nói chuyện này cũng không thể trách bà nội: "Chú, không phải chú đã nói với mọi người rằng chỉ cần cô vui thì chú cũng vui sao?"

Thiến Thiến kể với Thang Yểu đêm trước khi họ về nước, Văn Bách Kỳ đã gọi video cho Văn Bách Linh, muốn anh xem đồ đạc họ mang về quê nhà.

Thiến Thiến vừa đếm ngón tay vừa nói: “Ông nội, bà nội, bố, mẹ cháu và bà Hồ ở nhà đều mua quà cho chú, nhưng chú cũng như cháu ấy, cứ nhìn thế thôi, trông không có gì là đặc biệt ngạc nhiên hay vui mừng gì cả."

Cô bé làm mặt nghiêm túc nói tiếp: "Sau đó, mẹ cháu đã cho chú ấy xem quà chuẩn bị cho cô."

Chỉ sau mười ngày trở lại Trung Quốc, Thiến Thiến đã nói được giọng Bắc Kinh và hỏi Thang Yểu: "Cô đoán xem."

Không đợi Thang Yểu trả lời, Thiến Thiến đã tự nói: "Chú của cháu cười luôn, còn bảo đưa máy ảnh lại gần để giúp cô chọn quà."

Thiến Thiến cho biết Văn Bách Linh "có rất nhiều việc phải làm."

Một hãng sô-cô-la nào đó thì bảo ngọt quá, ghê cổ nên không cho mang đến cho Thang Yểu; một thương hiệu túi nào đó thì bảo anh đã đi đến trung tâm thương mại xem, thấy dây xích ở túi và bản thân chiếc túi quá nặng, nếu đeo quá nhiều lần sẽ bị mỏi vai cổ.

Đường đi đến nhà hàng khá dài, hộp đàm thoại của Thiến Thiến vừa mở ra là không đóng lại được, cô bé kể cho Thang Yểu nghe chuyện ngày xưa.

“Có đợt mấy năm, chú của cháu đặc biệt không thích cười.”

Những năm Thiến Thiến đang nói về chính là những năm bọn họ xa cách, cô hiếm khi thấy Văn Bách Linh ở nhà, ngẫu nhiên anh sẽ về nhà ăn cơm, nhưng ăn xong lại vội vàng rời đi.

Có một năm vào trước đêm giao thừa, gia đình đang thu dọn đồ cũ, soạn ra được rất nhiều quần áo giày dép vì Thiến Thiến lớn nhanh quá không thể mặc được nữa, muốn tặng lại cho các con của dì.

Khi họ tìm thấy hai chiếc váy công chúa, Thiến Thiến ngần ngại cầm chúng lên, chị dâu của Văn Bách Linh đã khuyên Thiến Thiến: “Váy này không hợp với lứa tuổi của con nữa, con không mặc được, đưa cho em con đi”.

Thiến Thiến nói cô bé biết, cô bé chỉ không bỏ được mà thôi.

Quần áo còn mới, vốn là mua khi còn nhỏ để đợi Thang Yểu tới thì cùng nhau mặc.

Đã lâu rồi trong gia đình không có ai nhắc đến cái tên này.

Thiến Thiến đã trải qua biến cố bố của cô bé bệnh nặng, gia đình gặp khủng hoảng tài chính, lúc đó nhiều gương mặt từng đến nhà làm khách quen đều không thấy đâu.

Có nhiều chuyện Thiến Thiến không biết rõ lắm, nhưng khi còn nhỏ, cô bé đã nhận ra những cái tên nào có thể được nhắc đến và những cái tên nào không nên nhắc đến.

Cái tên duy nhất cô bé không chắc chắn là "Thang Yểu."

Vì vậy vừa nói ra, Thiến Thiến vô thức nhìn về phía chú.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.