Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện

Chương 3: Đại Thích Khách Hạ





Thằng bé lòng vòng suốt một khắc, tới con lộ đất đỏ chạy dài dẫn vào khu rừng tre nằm phía xa xa, xung quanh không một bóng người, nó đứng lại đợi người thanh niên tới gần.

Lúc này nó mới nhìn kỹ hơn, dù không rõ dung mạo nhưng còn khá trẻ chỉ mười sáu mười bảy là cùng.

Y mỉm cười chào:
- Anh bạn nhỏ, làm phiền đệ rồi!
Thằng bé đáp lại lời người thanh niên bằng gương mặt nghiêm nghị, hỏi:
- Huynh là người đưa thư?      
- Đúng vậy, thư đến từ Hắc Viện.

Mắt thằng bé sáng rỡ, hô lên:
- Phải chăng người nhận là một cô gái?
- Đúng vậy, sao đệ đoán hay thế? – Người thanh niên tấm tắc khen.

Thằng bé cười toét miệng, song nó bĩu môi đáp:
- Thư tín từ Hắc Viện tới đây, trước nay chỉ gửi cho người đó thôi.

Có gì giỏi chứ!  Để Hiểu Lạc dẫn huynh đi.

- Hóa ra đệ chính là Hiểu Lạc mà viện trưởng hay nhắc đến.

Nhạc Tam Nguyên ngưỡng mộ đã lâu!
Chẳng người thanh niên nào đi nói ngưỡng mộ một thằng nhóc mười tuổi cả nhưng có thể thấy người thanh niên này rất giỏi pha trò làm vui lòng người ta.

Thằng bé Hiểu Lạc cười tít mắt, nhất là khi nghe được điều mong ước bấy lâu, “hóa ra sư phụ hay nhắc tới mình,” liền thấy họ Nhạc này thân thiết hơn vài phần.

Hai người cất bước hướng về rừng tre xanh mướt phía xa.

Cả hai vừa đi vừa trò chuyện, thoáng chốc như đã thân quen rất lâu.

Bỗng người thanh niên nghiêm nét mặt:
- Thực ra huynh đã đứng ở đám mãi võ một lúc.

Không định gặp đệ ở chốn đông người đó đâu nhưng vẫn phải lên tiếng.

Đệ biết vì sao không?
Thằng bé thoáng suy nghĩ rồi đáp:
- Chẳng lẽ huynh biết đệ định đi theo người tên Trương Thiết kia?
- Đúng vậy.

Đệ nên biết chúng ta đang bị triều đình Mãn Thanh truy nã gắt gao, có rất nhiều thám tử triều đình giả trang làm khách giang hồ lưu lạc trong dân gian.

Để lần ra chúng ta, chúng sử dụng đủ mọi âm mưu quỷ kế, thậm chí khổ nhục kế nhằm tìm cơ hội trà trộn vào hội.

Đệ có thấy kẻ nào ngu ngốc đến mức công khai đứng giữa chốn đông người, nói lời ủng hộ chúng ta như vậy không?  Đệ có nghĩ tới sinh mạng của các huynh đệ tỉ muội trong hội, thậm chí sự nghiệp to lớn khôi phục thiên triều sẽ thế nào nếu có kẻ gian lọt vào không?
Mấy lời chất vấn nghiêm khắc của người nọ như thùng nước đá dội lên Hiểu Lạc, khiến nó giật mình, lạnh buốt toàn thân.

Nó ngẫm kỹ lại thấy mình đúng là khinh suất tự mãn, quá kích động trước mấy lời nhiệt huyết của họ Trương rồi.

Thằng bé ủ rũ nói như mếu:
- Hiểu Lạc biết lỗi rồi.

Thấy trách mắng đã đủ, họ Nhạc siết nhẹ vai thằng bé an ủi:
- Cũng không trách đệ được.

Dù ta biết đệ rất thông minh, viện trưởng khen đệ nhiều.


Nhưng có một số việc ở tuổi đệ khó lòng suy xét được, từ nay đệ phải thực sự cẩn trọng trong hành động!
Như suy ngẫm điều gì, y thở dài nói tiếp:
- Cũng có thể huynh quá đa nghi.

Nhưng đệ hiểu không, đã đi trên con đường này, chỉ một sai lầm nhỏ tất cả chúng ta sẽ rơi vào cảnh vạn kiếp bất phục.

- Đệ hiểu.

Đệ nhất định không tái phạm đâu! - Hiểu Lạc gật mạnh đầu, chợt nhỏ giọng năn nỉ - Huynh đừng nói chuyện này với sư phụ nhé!
- Được, huynh sẽ không nói - Họ Nhạc mỉm cười đáp.

Hiểu Lạc bị trách mắng nhưng không hề tỏ ra giận dỗi hay tủi thân chi cả.

Trái lại nó còn thấy bản lĩnh suy xét của vị đại ca mà nó mới gặp này rất khôn ngoan, không hổ là người đến từ Hắc Viện, được sư phụ nó tin tưởng nhờ cậy.

"Người sư phụ nhìn trúng nào phải tầm thường," nó đắc ý thầm nhủ.

Đi chừng một khắc nữa hai người dừng chân trước một hàng rào dây leo bao bọc một gian nhà tranh, nằm giữa khu rừng tre hoang sơ.

Đừng nhìn rừng tre xanh rì nom rất yên bình này mà lầm, nơi này có rất nhiều rắn độc, một ít vốn ở đây từ trước, phần còn lại chúng được thả vào nên từ lâu nơi đây đã không có ai dám vào rừng bẻ măng.

Nghe đồn có loại rắn tới hai ba đầu sống từng bầy từng đàn nhiều như cỏ dại, với nọc độc cực mạnh cắn một phát là cả con bò trưởng thành chết ngay tắp lự.

Thế nên ngoại trừ những người trong hội đã được uống thuốc giải nọc rắn mới dám bước vào, những người khác không ai biết trong rừng có một căn nhà.

Trẻ con thoắt vui thoắt buồn, thằng bé mở cổng hàng rào, nhảy chân sáo đi trước, chưa tới cửa nhà nó đã la lớn:
- Sư nương ơi sư nương, có khách đến thăm sư nương!
Nói rồi nó giơ tay đẩy cửa.

Kẹt, kẹt.

Cửa không mở ra.

- Con giỡn ý mà, xin lỗi… sư nương.

- Hiểu Lạc đưa ai đến đấy?
Lần này có tiếng đáp trả Hiểu Lạc, hai cánh cửa cũng mở ra.

Tiếng nói vừa dứt, người lập tức xuất hiện.

Đó là một thiếu nữ mặc bộ đồ màu hồng phấn, gương mặt vô cùng khả ái, đúng tiêu chuẩn tam đình ngũ nhãn.

Trán nàng bằng, ánh mắt sâu sắc kiên định, mũi cao thẳng tắp, khuôn mặt thon nhỏ thể hiện được nét nhu hòa, dịu dàng, có thể nói khuôn mặt nàng tập hợp được nét đẹp theo tiêu chuẩn của một mỹ nhân.

Nửa tóc cô gái búi cao lên đỉnh đầu nàng, nửa còn lại để thả sau lưng.

Trên búi tóc cài một cây trâm bạch ngọc khắc hình hoa cúc ở đuôi trâm.

Thân thể cô gái lại hoàn toàn trái ngược gương mặt hiền hậu của nàng, cực kỳ nóng bỏng, ngực nở, eo thon, hông rộng, hết sức quyến rũ.

Khi nàng mở hai cánh cửa mùi thuốc bắc đăng đắng từ trong nhà tỏa ra sân.

Ngôi nhà tranh được dựng theo hình một cây nấm rơm, có đường kính năm trượng, cao hai trượng, chia làm hai gian, được ghép lại từ hai ngàn thân tre.

Trong nhà ngoài cô gái thì vắng tanh vắng ngắt, đồ vật trang trí cũng rất sơ sài.


Gian trước là chỗ để chẩn mạch và chứa thuốc.

Xung quanh ba mặt vách đóng nhiều kệ bằng tre, trên đặt các hũ chứa các loại thảo dược đã được phơi khô.

Giữa nhà có một cái bàn và dăm chiếc ghế gỗ cũng được đóng bằng tre nốt.

Gian trong có hai chiếc giường ngủ, phía sân sau nhà còn một bếp nhỏ để nấu ăn và mấy cột sào để phơi áo quần.

Thằng bé nhìn Nhạc Tam Nguyên cười hì hì.

Nhạc Tam Nguyên bước đến trước mặt cô gái, chàng đứng ở ngưỡng cửa tháo hẳn chiếc nón xuống, kẹp dưới cánh tay chàng, để lộ gương mặt nho nhã như một văn sĩ.

Trong giây lát có phần ngây ngất trước sắc đẹp của cô gái, đúng là trăm nghe không bằng một thấy, nhưng rất nhanh, Nhạc Tam Nguyên chỉnh lại sắc mặt, nghiêm túc chắp tay chào nói:
- Học trò Nhạc Tam Nguyên xin có lễ sư nương.

Hai chữ cuối cùng Nhạc Tam Nguyên xuống giọng.

Cô gái cắn răng vào vành môi dưới.

Hiểu Lạc đưa tay bụm miệng, nhìn Nhạc Tam Nguyên nói qua kẽ tay:
- Nhạc huynh khách khí quá, hi hi.

Rồi Hiểu Lạc nhìn cô gái nói:
- Huynh ấy đến từ Hàng Châu ạ.

Cô gái chau cặp chân mày, nhưng không phải nàng vẫn còn bận tâm đến cách xưng hô vừa rồi của Hiểu Lạc và Nhạc Tam Nguyên, nàng nhủ bụng bình thường thư tín vẫn được gửi từ Hàng Châu bằng đường bồ câu tới nội thành rồi có người mang tới đây.

Bữa nay người đưa thư lại trực tiếp chạy tới đây.

Cô gái rời môi khỏi răng, định hỏi ở Hàng Châu đã xảy ra chuyện gì thì Nhạc Tam Nguyên nói:
- Chuyện này liên quan trực tiếp tới sư nương, viện trưởng gởi thư này cho sư nương.

Ngực cô gái phập phồng, hiển nhiên trống ngực bên trong đang đập thình thình.

Nàng lo lắng hồi hộp đến nỗi quên luôn phép lịch sự mời Nhạc Tam Nguyên vào nhà ngồi nghỉ chân uống trà, hấp tấp mở thư ra xem.

Cô gái thấy hai chữ “hỉ” nắn nót trên tờ giấy Tuyên Thành, bên dưới hai chữ hỉ này là hình ảnh một vầng mặt trời đỏ rực và cái niêu thuốc cũng bằng mực đỏ.

Miệng cô gái mở thành một vòng tròn hoàn hảo, và sau khi nàng chớp chớp đôi mắt to đen liên tục nàng biết rõ mình không phải đang nhìn nhầm, lại dùng răng cắn môi.

Cô gái có thói quen cắn môi mỗi khi bối rối.

Trước khi mở thư, nàng đã chuẩn bị tâm lý đối mặt với chuyện xấu nhất rồi.

Nhưng không ngờ có màn trêu chọc này!
Cô gái nhìn vầng thái dương và chiếc niêu, mặt phủ ráng hồng, màu hồng càng lúc càng đậm.

Nàng buông “hợp hôn canh thiếp” rơi xuống sàn nhà.

Hai gã trai một lớn một nhỏ chứng kiến sắc mặt cô gái ửng hồng, tò mò vô cùng.

Giờ lại thấy nàng làm rơi bức thư quan trọng ấy đi thì hồi hộp đưa mắt nhìn xuống sàn nhà.

Nhưng lá thơ nằm úp trên đất nên Hiểu Lạc và Nhạc Tam Nguyên không biết bên trong viết gì.


Nhạc Tam Nguyên thì vì phép lịch sự đành phải cố nhịn nhưng Hiểu Lạc đâu nghĩ nhiều như vậy, nó liền cúi xuống nhặt tờ giấy, lật ra phía sau xem.

Nhạc Tam Nguyên không nén nổi hiếu kỳ, khẽ nghiêng đầu liếc mắt nhìn.

Chữ song hỉ và vầng mặt trời cùng cái niêu rơi vào mắt chàng, Nhạc Tam Nguyên lắc đầu nhìn cô gái cười nói:
- Đúng là chỉ có viện trưởng, đến nước này mà vẫn có thể giỡn chơi được!
Nhạc Tam Nguyên chỉ mỉm cười còn Hiểu Lạc không biết lịch sự như chàng, nó gập bụng cười.

Nhạc Tam Nguyên thấy cô gái giơ tay vịn hai cánh cửa, chuẩn bị khép cửa lại, chàng nói:
- Học trò không dám trêu chọc sư nương, phận làm học trò chỉ có thể nghe theo lời thầy thôi, đó là lời căn dặn của viện trưởng, học trò thực sự không biết nội dung thư lại như vậy đâu.

Nhạc Tam Nguyên vừa phân trần với cô gái vừa lấy ra một phong thư thứ hai, nâng lên trước mặt nàng:
- Viện trưởng dặn đi dặn lại phải đưa lần lượt.

Đây là bức thư thứ hai, mong sư nương đọc thư.

Cô gái rời môi khỏi răng, khẽ mím môi, nhìn Nhạc Tam Nguyên, rồi nhìn xuống phong thư.

Có đến nửa khắc trôi qua nàng mới cầm phong thư mở ra xem.

Lần này là mấy dòng ngắn gọn: “Chuyến đi này thập phần nguy hiểm, có nguy cơ thất thủ rất cao.

Cho nên, khi đọc được thư hãy mau chóng rời khỏi Sơn Đông, để cho an toàn, tốt nhất là đến Hồi Cương, đừng đi Hàng Châu!”
- Sư nương à – Hiểu Lạc đã mon men tới sau lưng cô gái từ khi nào, đọc ké tới đoạn này, nó lo lắng nói - Lần này chuyện lớn rồi đó tính sao bây giờ?
Cô gái không biết đáp lời Hiểu Lạc thế nào, nàng nhìn kỹ lại mấy dòng chữ trong lá thư thứ hai lần nữa, lật phía sau thấy có nét vẽ nguệch ngoạc hình như là một tấm địa đồ bèn đưa cho Nhạc Tam Nguyên xem.

Nhạc Tam Nguyên đón lấy lá thư đọc lướt qua, rồi nhìn tấm địa đồ nói:
- Đây hẳn là địa đồ viện trưởng vẽ ra khi suy tính kế hoạch liên quan đến một việc kinh tâm động phách.

- Là việc gì mà sư phụ vội đến mức không kịp lấy tờ giấy khác, viết thư lên đó luôn chứ? - Hiểu Lạc thấp thỏm nói.

- Việc này rất bí mật – Nhạc Tam Nguyên nói - Chỉ giới hạn trong mấy vị đương gia được biết.

Nhưng có lần huynh được viện trưởng tin tưởng, đem ra thảo luận cùng nên huynh có biết một hai.

Nghe nói Giang Nam Thất Hiệp lên kế hoạch hành thích Khang Hi.

- A!
Hiểu Lạc nghe Nhạc Tam Nguyên trả lời kinh hãi thốt lên.

Trong đầu thằng bé chợt văng vẳng câu hát: "Gió hiu hiu hề, nước sông Dịch lạnh ghê.

Tráng sĩ một đi không trở về.

"
Trước mắt nó như mường tượng ra hình ảnh đầy nhiệt huyết năm xưa tráng sĩ Kinh Kha đi ám sát vua Tần.

Hình ảnh ấy nhòe dần nhòe dần rồi biến ảo thành bóng hình hiên ngang của sư phụ nó cùng mấy vị đương gia.

Chỉ nghĩ tới cảnh mấy con người đơn bạc vượt trùng vây thiên quân vạn mã để thích sát hoàng đế, máu trong người nó như sôi lên vì kích động.

Song lại sợ hãi thắt ruột, dường như lần cuối nó gặp sư phụ đã lâu lắm rồi.

Còn cô gái thì lo cho an nguy của tất cả mọi người, hoa mạo của nàng từ đỏ chuyển sang trắng bệch, nhưng vẫn kiều diễm.

Nhạc Tam Nguyên sững sờ.

Thực ra nàng chỉ thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên, thường ngày, trước thằng bé Hiểu Lạc thế nào thì bây giờ trước Nhạc Tam Nguyên thế ấy.

Song, nàng không biết, một trang giai nhân tuyệt sắc như nàng mọi cử chỉ đều lộ vẻ quyến rũ chết người, nhất là với những nam nhân trưởng thành.

Họ Nhạc thừa nhận đây là người con gái đẹp nhất chàng từng gặp song lập tức tự đề tỉnh bản thân, trong lòng xấu hổ thầm hô: "Nhạc Tam Nguyên hỡi Nhạc Tam Nguyên, sao mi lại luống cuống như vậy chứ?"  Bởi chàng biết rõ vị trí của cô gái này trong lòng Cửu Dương quan trọng đến mức nào, mà chàng, lại là người vô cùng kính trọng Cửu Dương.

Nhạc Tam Nguyên khẽ hít một hơi thật sâu trấn tĩnh lại tinh thần, sau đó nhẹ thở ra, chàng xoay bức địa đồ lại đối diện cô gái.


Cô gái và Hiểu Lạc nhìn theo ngón tay Nhạc Tam Nguyên.

Chàng đang khoanh một vòng tròn trên địa đồ, Nhạc Tam Nguyên vừa khoanh vừa nói:
- Mời sư nương xem.

Nhìn vào địa hình đây hẳn là Quan Âm tự ở Sơn Tây.

Nơi này khá nổi tiếng, giới văn nhân như học trò rất thích đến chỗ này ngắm cảnh vịnh thơ.

Đó là một ngôi chùa được xây ở lưng chừng triền núi, cạnh bên chùa có một khu rừng.

Nếu có binh phục, ắt sẽ ẩn nấp trong khu rừng thông sát ngôi chùa.

Muốn tới chính điện để bái lễ chỉ có duy nhất con đường mòn này nên binh lính canh gác càng nghiêm ngặt.

Cho nên Giang Nam Thất Hiệp sẽ chọn vực thẳm cao nhất, dùng Lăng Ba Vi Bộ thi triển khinh công vượt qua.

Trong vòng chưa đầy một khắc cô gái trải qua một lượt đến mấy loại cảm xúc khác nhau, nàng run giọng hỏi Nhạc Tam Nguyên:
- Lần đi này, ngoài bảy vị đương gia còn có thêm người nào nữa không?
Nhạc Tam Nguyên trầm giọng đáp:
- Theo lời viện trưởng thì tổng đà chủ muốn nhiệm vụ hành thích hoàng đế được hoàn thành triệt để nên cũng đích thân lâm trận.

- A, nguy hiểm vậy sao tổng đà chủ cũng đi chứ? - Hiểu Lạc la lên cắt lời Nhạc Tam Nguyên - Lỡ có mệnh hệ gì Thiên Địa hội phải làm sao đây?
Từ câu chuyện nghe được ở chợ hôm nay thằng bé đã hiểu Cửu Nạn quan trọng với bang hội nhường nào.

Thân phận của Cửu Nạn có sức mạnh lớn hơn bất cứ thứ võ công vô địch nào.

Đúng là họ Hoành nọ nói chẳng sai.

Cửu Nạn cũng chính là Trường Bình công chúa của tiền triều Đại Minh, triều đại cuối cùng của người Hán trước khi bị thôn tính bởi nhà Thanh.

Năm xưa, bà là vị công chúa vô cùng đặc biệt.

Do ghét cuộc sống tù túng trong lầu vàng điện ngọc đã trốn ra lưu lạc giang hồ, để tiện hành tẩu bèn lấy biệt danh A Cửu.

Khi nước nhà lâm nguy như bao trang nam nhân bà cũng rút kiếm xung trận.

Rốt cuộc sức người chẳng chống nổi mệnh trời.

Nước mất, nhà tan rã, lại bị mất một cánh tay nên bà đã xuất gia đầu Phật, lấy pháp danh Cửu Nạn.

Nhạc Tam Nguyên nhìn Hiểu Lạc, nói:
- Đệ an tâm.

Với võ công của tổng đà chủ cùng bảy vị đương gia huynh dám chắc cho dù không hành thích được Khang Hi nhưng rút lui vẫn thừa sức.

Cô gái nhíu mày suy nghĩ trong khi Hiểu Lạc gật mạnh đầu đồng ý với họ Nhạc.

Vì đối với Hiểu Lạc bảy vị đương gia võ nghệ phi phàm.

Mặc dù họ còn rất trẻ, tuổi tác không quá hăm lăm tuổi.

Thật ra vị thất đương gia Cửu Dương này, người được giang hồ xưng tụng là Gia Cát Lượng tái thế chỉ là sư thầy của Nhạc Tam Nguyên, còn Hiểu Lạc, chưa chính thức được Cửu Dương nhận làm học trò, cái danh hiệu sư đồ với Cửu Dương là do Hiểu Lạc tự phong cho nó mà thôi.

Ngoài thân phận thất đương gia của Thiên Địa hội Cửu Dương còn có một thân phận khác.

Chàng là viện trưởng của học đường Hắc Viện, một học đường nổi tiếng vùng Giang Nam.

Khi làm việc trong Hắc Viện chàng dùng tên thật của mình là Tần Thiên Văn, còn khi đi lại giang hồ lấy biệt hiệu Cửu Dương.

Không ai rõ “Cửu Dương” có nghĩa là gì và tại sao chàng lấy hai chữ đó để làm biệt hiệu cho mình.

Cửu Dương cùng với Thần Quyền Nam Hiệp Tần Thiên Nhân là hai anh em cùng chung huyết thống với nhau.

(còn tiếp).



Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.