Đồng Hoa

Chương 4



Cuộc sống trôi qua chậm rãi trong tiếng cười sảng khoái của tiểu thư, ta cũng đã yên ổn sống ở Trần phủ được ba tháng.

Trong phủ thực sự rất rộng lượng, bắt đầu từ tháng thứ hai trở đi, mỗi tháng ta có thể nhận được mười đồng, tuy rằng ít hơn hai mươi đồng của Thái Âm, nhưng ta vẫn rất vui mừng, dẫu sao thì cha khiêng bao tải cả ngày ở bến tàu, có lúc còn chẳng nhận được một đồng bạc!

Trương ma ma nói, đợi đến khi ta ở phủ được nửa năm cũng sẽ được nhận hai mươi đồng giống như Thái Âm vậy, a di đà phật, đây thật sự là một gia đình tốt.

Bởi vì phu nhân là võ tướng, tiểu thư cũng có chút khí chất phóng khoáng, nàng cùng ăn cùng ở với ta, chưa từng xem ta như người ngoài.

Nàng dạy ta học chữ đọc sách, ta kể với nàng việc đào đất trồng trọt, hai cái đầu nhỏ chụm vào nhau, đi đến đâu cũng không tách rời.

Ta biết tiểu thư ghét nhất là việc thêu thùa, nàng luôn cau mày dậm chân nói:

“Sau này lớn lên ta sẽ làm nữ tướng quân, học mấy thứ đồ bỏ này cũng không có ích gì.”

Phu nhân bị con gái chọc giận muốn ngất đi, lão gia lại cười hề hề nhìn vợ, nói con gái giống nàng thời trẻ như đúc.

Lão gia và phu nhân yêu nhau sâu sắc.

Nghe đâu, lúc Nhạc lão gia tuyển con rể, ban đầu vốn coi thường lão gia, lo lắng văn nhân thường thay lòng đổi dạ, nhưng không ngăn nổi vẻ tuấn tú của lão gia, khuôn mặt ngọc tựa hoa đào, cánh môi mỏng phong lưu, nam nhi đầy triển vọng ấy khiến tiểu thư ở sau tấm bình phong say mê như điếu đổ, tuyên bố không phải lão gia sẽ không gả chồng, thế này Nhạc lão gia mới miễn cưỡng thổi râu trừng mắt gả con gái mình cho lão gia.

Lão gia chưa từng phụ lòng phu nhân, hơn mười năm chung sống, trong phủ không hề có thêm một di nương nào, quả thực chính là một đời một kiếp một đôi.

Lão gia quản việc bên ngoài, trong nhà một tay phu nhân quản lý, gia môn nghiêm cẩn, trật tự rõ ràng hợp lý.

Nhân khẩu trong phủ cũng đơn giản, chỉ có bốn vị chủ tử bao gồm lão gia, phu nhân, thiếu gia và tiểu thư.

Ý của lão gia chính là nam nữ như nhau, đều là con cái trong nhà nên đối xử bình đẳng, vì thế cả hai huynh muội được mời về cùng một phu tử để dạy chữ nghĩa.

Tan học, thiếu gia lại đi tập võ, cưỡi ngựa b.ắ.n cung; tiểu thư thì về nhà học cầm kỳ thêu vá.

Trong phòng tiểu thư có hai vị ma ma, một vị là nhũ mẫu Trương ma ma, quản mọi việc trong phòng tiểu thư, vị kia là Lý ma ma, quản những việc bên ngoài phòng tiểu thư.

Ngoài ra còn có bốn nha hoàn, phụ trách việc ăn mặc ở đi lại của tiểu thư.

Bởi vì ta cùng tuổi với tiểu thư nên đặc biệt được hầu hạ bên cạnh tiểu thư. Mỗi người đều có phận sự của riêng mình, ngày tháng trôi qua cũng vô cùng thú vị. Trước đây lúc còn ở nhà, mỗi ngày trời chưa sáng đã thức dậy, đi theo mẹ lo liệu mọi việc vụn vặt lớn nhỏ trong nhà.

Cho gà cho lợn ăn, giặt quần áo, nấu cơm sáng, nhưng gia đình vẫn sống trong cảnh chật vật như thế, không có một chút lương thực dư thừa nào lại.

Trước đó ta chưa từng được như bây giờ, được ăn ngon mặc ấm, còn có thể đi theo tiểu thư đọc sách hiểu lễ nghĩa, thế giới này dường như đã trở nên nhiều màu sắc hơn.

Các ma ma trong phủ cũng rất tốt, ta tích góp lương tháng, nhờ các bà giúp đỡ gửi về nhà, các bà đều niệm a di đà trong miệng, nói ta là một đứa trẻ ngoan, không quên công ơn của cha mẹ.

Phu nhân biết ta tự nguyện bán mình đi để nuôi gia đình, bà càng khen ngợi ta nhiều hơn, bà ấy bỏ ra hai mươi lượng bạc gửi về nhà ta, bảo mẹ ta nhất định phải chữa khỏi bệnh.

Ta đi theo bên cạnh tiểu thư, học được cách làm đủ loại bánh ngọt điểm tâm, mọi người nếm thử đều khen không ngớt miệng.

Ta còn học được thêu thùa, hình vẽ thêu ra sinh động như thật, ngay cả phu nhân cũng khen ta khéo tay, khiến cho tiểu thư ghen tị, nhưng tối đến nàng vẫn lén chui vào ổ chăn của ta như thường lệ.

Lại một năm nữa trôi qua, khi người hầu ở ngoại trạch đến phủ Bình An làm việc có đi ngang nhà ta đã mang đến tin tức về cho ta.

Trong nhà đã dần tốt hơn, mẹ đã có thể ra đồng làm việc, đệ đệ cũng đã học nghề từ một thợ mộc đầu thôn.

Cha còn nhờ họ gửi lời đến cho ta, ông nói đợi ông tích góp đủ tiền sẽ đến chuộc ta về, gia đình sẽ lại tụ họp bên nhau.

Tiểu thư nghe vậy lo ta sẽ về nhà, thế là nàng kéo tay ta đến bẩm báo trước mặt phu nhân, đừng thả ta về, muốn ta ở cùng nàng cả đời.

Nhưng phu nhân lại nói, tiểu thư luyến tiếc ta đều là nhờ công lao ta trung thành hầu hạ, không có lý nào lại nhìn gia đình người ta chia cắt.

Ta xấu hổ đến đỏ mặt, vội vàng quỳ xuống nói với phu nhân và tiểu thư:

“Mọi người trong phủ đều là ân nhân của nhà con, đừng nói bây giờ vẫn chưa chuộc thân, sau này có đến chuộc rồi con cũng sẽ không về, Đồng Nhi muốn ở lại bên cạnh bên phu nhân và tiểu thư thật lâu, cả đời trung thành tận tụy, không đi đâu cả.”

Tiểu thư mừng rỡ, vội kéo ta đi thả diều.

Trên đường đi gặp phải thiếu gia đi cưỡi ngựa b.ắ.n cung trở về.

Dung mạo thiếu gia trông như lão gia thuở xưa, ôn hòa như ngọc, là một quân tử khiêm tốn.

Hắn đứng bên hồ xem ta và tiểu thư thả diều, còn giúp bọn ta nhặt diều vướng trên cây.

Cuộc sống tươi đẹp cứ thế trôi qua ba năm, vốn tưởng rằng có thể bình yên như thế đến thiên trường địa cửu, đáng tiếc mọi chuyện không như ý muốn, biến cố đã xảy ra.


Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.