Hoàn Triều

Chương 27



““Anh sao vậy?” Miêu Gia Nhan đứng dậy, tay áo hằn lên mặt thành hai ngấn đỏ.”

Bao giờ cũng vậy, năm mới ở quê lúc nào cũng thấm đượm bản sắc hơn trên phố thị.

Từ đầu giờ chiều, nhà nào nhà nấy đều nghi ngút khói bếp, bận rộn hấp bánh bao, kho thịt, lửa dai dẳng không ngớt. Ngoài sân tụi trẻ con ném pháo rộn ràng, chúng nhớn nhác chạy ra xa vài bước rồi ném pháo, có mấy đứa trẻ nghịch ngợm còn cố ý ném sang cửa sân nhà người ta, nghe thấy tiếng nổ thì tức tốc chạy đi. Các cô các thím ở trong sân cùng người lớn tuổi tay không ngớt việc chuẩn bị thịt và các món ăn, vừa làm việc vừa rôm rả chuyện trò.


Nồi thịt kho trong bếp thơm nức bay khắp sân, mùi thịt đậm đà tương dầu khiến lũ trẻ con ham ăn hóng hớt chạy vào phòng bếp, mãi đến khi có thể nếm được thịt trong nồi mới chịu yên.

Trần Triều nằm trong gian phòng nhỏ dành riêng cho mình trong nhà bà nội, mùi thịt bay lên không hề khiến anh cảm thấy thơm, ngược lại còn cảm thấy là một sự hành hạ. Tối qua nôn suốt nửa đêm, bấy giờ cho dù ở trong mơ cũng thấy dạ dày nhộn nhạo.

Trong mơ Trần Triều theo chân ông nội ra biển, con thuyền đánh cá nho nhỏ lênh đênh giữa biển khơi, trên khoang thuyền chật hẹp chất đầy lưới và cá được vớt lên, Trần Triều bị đẩy ngồi thu lu trong góc. Con thuyền dập dềnh nổi trôi trên biển khiến Trần Triều cảm thấy choáng váng, nước từ lưới đánh cá rỉ ra thấm ướt đôi chân anh, Trần Triều dịch người sang bên cạnh đầy ghét bỏ.

Bên cạnh có một cánh tay khẳng khiu duỗi ra, thuần thục đẩy lưới đánh cá ra chỗ trống bên cạnh, hai mắt cười tít lại, mỉm cười trấn an Trần Triều.

Trần Triều nghe thấy mùi dầu gội xen lẫn vị quýt dịu nhẹ trên người em. Mùi hương thoang thoảng như có như không mang tới cảm giác chữa lành trong chiếc thuyền đánh cá khiến người ta nghẹt thở này. Trần Triều vô thức đuổi theo mùi hương kia, suối tóc dài bị gió biển khơi thổi lên mặt Trần Triều. Trần Triều duỗi tay gẩy ra, Miêu Gia Nhan nhìn anh, em hỏi: “Thổi vào người anh à?”

Trần Triều không trả lời, thế là Miêu Gia Nhan dùng chiếc chun buộc tóc trên cổ tay để cột gọn lại.

Ở bên kia, ông vừa cười vừa nói con cá này to thật, Miêu Gia Nhan buộc tóc xong vui vẻ nói: “Cho con xem, cho con xem!”

“Ôi nhiều vẹm đen quá!” Miêu Gia Nhan vừa giúp ông gỡ lưới vừa cười nói, “Có thể hấp lên rồi phơi khô.”

Dường như Trần Triều nghe thấy mùi hải sản tanh ngắt, nhất thời đầu óc càng choáng hơn.

Trần Triều ngủ chập chờn, hình ảnh cuối cùng trước khi tỉnh ngủ là Miêu Gia Nhan và ông gỡ vẹm ra kín thuyền, sắp chôn vùi Trần Triều đến nơi.

Lúc mở mắt dậy vẫn còn chưa tỉnh hẳn, mùi thịt kho ở tầng dưới bay lên hòa cùng mùi lưới đánh cá tanh ngòm trong giấc mộng, Trần Triều nhăn mặt ngồi dậy, Miêu Gia Nhan nằm bò trên bàn hỏi: “Anh khó chịu trong người hả anh Triều?”

Trần Triều nhìn về phía em, dường như Miêu Gia Nhan cũng vừa ngủ một giấc, em gối đầu lên cánh tay, ánh mắt có vẻ mông lung.

Trong giấc mộng em nhỏ hơn bây giờ, có lẽ là hồi họ còn nhỏ. Trần Triều nhớ tới đứa bé gầy còm, nở nụ cười ngốc nghếch, đôi mắt đen láy sáng ngời trong giấc mộng, cũng giống như Miêu Gia Nhan hồi thơ bé, lúc nào cũng nói cười giòn giã.

“Anh sao vậy?” Miêu Gia Nhan đứng dậy, tay áo hằn lên mặt thành hai ngấn đỏ.

Trần Triều nhìn Miêu Gia Nhan, trong thoáng chốc không rõ vì sao lại mềm lòng.

Kể từ lần gặp lại đến giờ, số lần họ nhìn thẳng nhau rất hiếm hoi, giống như cố gắng tránh né.

Lúc này cả hai vừa mới tỉnh dậy, ánh mắt mơ màng chạm nhau, Miêu Gia Nhan tỉnh táo lại muốn dời mắt, nhưng bởi vì Trần Triều đột nhiên mỉm cười mà khựng lại.

“Mơ thấy em.” Trần Triều nói.

Miêu Gia Nhan ngạc nhiên: “…Dạ?”

“Em và ông anh bắt một thuyền đầy vẹm.” Trần Triều nhớ lại mấy con vẹm đen ngòm trong giấc mộng mà muốn ngạt thở.

Miêu Gia Nhan tiếp lời anh: “Còn anh ở đâu?”

“Anh cũng ở trên đó.”

Thế là Miêu Gia Nhan mỉm cười, em cười lên khiến hai vết hằn trên mặt lại càng trông buồn cười hơn: “Giấc mơ của anh vô lý thật, anh ghét vẹm biển thế cơ mà.”

Trần Triều không thích ăn hải sản, mà trong hải sản anh ghét nhất là vẹm và hàu. Có lẽ do lần nào ông đi biển về lưới đánh cá cũng dính từng chùm từng chùm hàu và vẹm bẩn. Anh cảm thấy loài sinh vật biển sinh trưởng thành chùm này khiến người ta cảm thấy rất bẩn và xấu xí.

“Hai người quăng hết lưới này tới lưới khác lên thuyền, sắp chôn vùi anh đến nơi.” Trần Triều vén chăn lên, vừa đi vào phòng vệ sinh vừa nói.

Miêu Gia Nhan dõi mắt theo anh, Trần Triều ra khỏi phòng thì không thấy bóng anh nữa, Miêu Gia Nhan nói: “Em không làm vậy đâu.”

Hai cậu trai không gặp nhau một năm rưỡi, không tránh khỏi việc cảm thấy xa lạ, nhưng sau màn chăm sóc và cuộc hội thoại đêm qua mà cảm giác xa lạ này vơi đi một nửa.

Trần Triều rửa mặt quay về phòng, có tinh thần hơn nhiều.

Miêu Gia Nhan hỏi anh: “Anh đỡ hơn chưa?”

“Cũng được.” Trần Triều nói.

“Thế lát nữa anh chịu khó ăn một chút.” Miêu Gia Nhan nói.

Trần Triều lắc đầu, bảo rằng: “Không ăn nổi.”

Điện thoại đổ chuông, Đinh Văn Thao gọi tới, nói là muốn sang chơi, ở nhà chán chết.

Trần Triều bảo: “Thôi bỏ đi, bố cậu lại tới gô cổ về.”

“Mọi người trong nhà không để ý tới em đâu, họ đánh mạt chược rồi, em không muốn ở lại nữa!” Đinh Văn Thao nằm trên giường nói.

“Đợi đi.” Trần Triều vẫn không cho cậu ta sang.

Miêu Gia Nhan ngồi xuống ghế, ngón chân giẫm lên chân ghế, tì cằm lên gối.

“Sao em không nói chuyện với cậu ta?” Trần Triều đặt điện thoại sang bên cạnh, hỏi Miêu Gia Nhan.

Miêu Gia Nhan ngẩng đầu lên nhìn anh, sau đó lại tì cằm xuống, không lên tiếng.

“Ghét nó à?” Trần Triều hỏi.

“Không.” Miêu Gia Nhan nhỏ giọng trả lời, “Cũng không phải em không nói chuyện với anh ấy.”

Trần Triều nhướng mày lên.

“Anh ấy tốt lắm.” Miêu Gia Nhan nói.

Thực ra con người Đinh Văn Thao không đến nỗi tệ, tuy rằng nhiều lúc bám người, nhưng tổng thể mà nói không phải một người đáng ghét. Cậu ta là hình ảnh thu nhỏ của đại bộ phận con trai ở vùng quê này, hồi nhỏ thì nghịch ngợm, học hành thì lơ mơ, lớn lên mới biết phấn đấu cáng đáng gia đình.

Sau khi Trần Triều đi, Đinh Văn Thao nhiệt tình tới tìm Miêu Gia Nhan, từ trường cấp ba lặn lội sang trường cấp hai, xuất hiện trước cửa phòng học Miêu Gia Nhan một cách chói mắt, cậu ta gọi Miêu Gia Nhan ra, nói chuyện với em giống như đại ca bảo vệ đàn em.

Cậu ta bảo sau này theo anh đi học và về nhà, có việc gì cũng có thể nói với anh.

Trước kia khi Trần Triều còn chưa đi, rất hiếm khi Đinh Văn Thao nói chuyện với Miêu Gia Nhan, luôn cảm thấy khó xử. Không biết bởi vì trước khi đi Trần Triều đã dặn cậu ta phải chăm sóc, hay bởi vì dù sao ba năm qua ba người cũng thường xuyên ngồi xem phim với nhau, tóm lại sau khi Trần Triều đi, Đinh Văn Thao tự gánh trách nhiệm quan tâm Miêu Gia Nhan về mình.

Nhưng Miêu Gia Nhan không biết tốt xấu còn không đồng ý.

Hành động này làm tổn thương thể diện của trùm trường học vô cùng, có đại ca bảo vệ là chuyện đáng tự hào biết bao, người ta cầu còn không được, em đây lại đi từ chối.

Kể từ đó Đinh Văn Thao không nói chuyện với Miêu Gia Nhan nữa, mỗi lần gặp mặt thì liếc mắt nhìn, hai người thậm chí còn không chào hỏi nhau được một lời.

“Anh ấy nói anh Triều đi rồi để anh ấy lo cho em.” Suối tóc của Miêu Gia Nhan xõa trên lưng một nửa, chỗ còn lại thì rủ xuống, em gác tay lên đầu gối, gối mặt vào cánh tay.

Trần Triều cười nói: “Được phết còn gì?”

Miêu Gia Nhan nhìn anh, đột nhiên quay đầu qua chỗ khác, nằm bò ở đó trông mắt về phía bên cạnh, đưa xoáy đầu tròn xoe về phía Trần Triều. Trần Triều nghe thấy em quay đầu đi rồi nói: “Em không cần người khác lo cho em.”

“Ồ, siêu nhỉ.” Trần Triều trêu chọc.

Miêu Gia Nhan không quay đầu lại, từ từ chớp mắt, lí nhí rằng: “Lúc còn ở đây anh chính là anh.. Anh đi rồi em không cần người khác thay thế anh.”

Lúc em nói câu này mang theo một chút cố chấp trẻ con, khiến Trần Triều phải bất ngờ. Miêu Gia Nhan vẫn luôn là một em bé hiền lành, lúc nào cũng nhu thuận.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi Trần Triều quay về, Miêu Gia Nhan nói một câu “trái với lệ thường”.

Trần Triều không trả lời câu nói ấy, anh mỉm cười, ngón tay gõ lên thành ghế của em: “Đừng cố chấp.”

Miêu Gia Nhan chỉ nói câu ấy, em không nói câu nào liên quan tới chuyện này nữa.

Bữa cơm tất niên lúc nào cũng rất rộn ràng, bà Trần gói ba loại nhân sủi cảo, buổi chiều Miêu Gia Nhan xuống nhà giúp bà cán bột. Em không biết gói, chỉ biết cán bột. Bà Miêu sang nhà gọi em quay về ăn cơm, bà Trần không cho.

Lúc gói bánh, bà Trần cảm thán: “Đến cả Tiểu Miêu cũng lên cấp ba rồi.”

Miêu Gia Nhan cười nói: “Lớn rồi ạ.”

“Không hẳn,” Bà Trần nhìn em, đột nhiên đượm buồn: “Bà vẫn luôn cảm thấy các con còn rất nhỏ, thế mà con đã lên cấp ba rồi.”

Bà Miêu cũng thường xuyên nói những lời tương tự, trong mắt người lớn, dường như quá trình trẻ con trưởng thành chỉ trong chớp mắt mà thôi.

“Làm chúng ta già đi.” Trần Quảng Đạt vào bếp tìm đồ ăn, nói chen vào một câu.

Ở dưới quê không cấm đốt pháo vào dịp Tết, nhà nào cũng đốt một cây pháo chung vui. Chú út về mang theo rất nhiều pháo hoa, từ nhỏ chú đã thích những thứ này. Ăn tối xong, ba cậu nhóc choai choai trong nhà khoác áo ra ngoài nhìn chú út đốt pháo.

“Hay là bố bày một loạt rồi đốt cả thể, như vậy trông đẹp hơn.” Em họ nói.

“Thế thì xem cái là hết à? Đốt từ từ mà ngắm chứ?” Chú út nói, “Hồi còn nhỏ bố với bác con còn không nỡ đốt cả thanh pháo, phải bẻ ra từng cái từng cái. Đút trong túi ném từ từ, đốt xong xé xác pháo đổ bột ra gom lại.”

“Rồi, xót xa nhỉ, bố đừng ở đây chìm trong hồi ức đau khổ ngọt ngào nữa, mau lên đi.” Em họ thúc giục.

Miêu Gia Nhan đứng sau lưng Trần Triều, Trần Triều cao hơn em một cái đầu, che trọn người em.

Ở sân nhà bên, Miêu Kiến cũng chơi pháo bông cầm tay cùng hai đứa cháu. Hai cậu bé cười khúc khích, nghe tiếng cười giòn tan.

“Tử Hâm, con đội kín mũ vào, không lại bị cảm bây giờ.” Bác gái cao giọng nhắc nhở.

“Con nóng!” Dường như cậu nhóc không thích đội mũ, “Con không bị cảm đâu.”

Chú út ở bên này đã bắt đầu châm pháo, pháo nổ đùng đoàng thi thoảng lại át âm thanh từ phòng bên.

Những bông pháo nở rộ trên bầu trời, có xác pháo rơi xuống vai Trần Triều, Trần Triều kéo Miêu Gia Nhan về phía bức tường.

Đốt xong một chùm pháo, chú quay đi lấy một chùm khác.

Em họ quay đầu nói: “Không đẹp lắm, toàn là pháo kiểu cũ.”

Hai cậu bé ở sân nhà bên vừa hoan hô đốt xong một lượt pháo.

Lúc châm lửa, nghe thấy tiếng bác gái hỏi Miêu Kiến: “Đã biết là trai hay gái chưa?”

Miêu Kiến nói gì không nghe rõ.

Bác gái lại nói: “Chắc sang năm ẵm về ăn Tết được rồi.”

Trần Triều cúi đầu nhìn Miêu Gia Nhan, Miêu Gia Nhan cảm nhận được ánh nhìn của anh, cũng ngẩng đầu lên nhìn.

Không biết liệu có nghe thấy hay không, khoảnh khắc ánh mắt họ chạm nhau, em nhìn Trần Triều cười ngây ngô như một đứa ngốc.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.