Hoàng Quý Phi

Chương 1: Tiến cung



Niên hiệu Nguyên Hựu năm thứ tư, Hoàng đế kế vị đã lâu mà con nối dõi ít ỏi, phi tần trong nội cung không nhiều. Nhân cớ đó, kì tuyển tú đầu tiên diễn ra.

Năm mười sáu tuổi ấy, Lâu Nguyệt Dao nhận được tin mình trở thành ngự thị của Hoàng đế Nguyên Hựu. Giữa lúc song thân phụ mẫu mừng rơi nước mắt, luôn miệng cảm tạ ơn vua, nàng bình tĩnh nắm chặt cuộn thánh chỉ, nở nụ cười khéo léo tiễn đưa quan nội thị được bề trên tin cậy. Bởi lẽ, nàng đã biết mình sẽ có ngày hôm nay.

Ngồi trên xe ngựa đặc chế dành cho phi tần tiến vào đại nội, Nguyệt Dao nghe tiếng hít thở càng lúc càng nặng nề của thị nữ nhỏ tuổi bên cạnh. Cô ấy là cháu gái của nữ quan được hoàng hậu Thuận Đức đời tiên đế Thế Tông tin cậy, được thấm nhuần quy tắc phụng hầu trước các bậc bề trên trong nội cung qua lời kể của tổ mẫu mình. Nguyệt Dao siết lấy tay Nhâm Hòa, lòng đầy rẫy tò mò về quang cảnh chung quanh, song cũng không vén rèm lên xem.

Từ nhỏ, nàng đã được phụ mẫu đặt kỳ vọng trở thành phi tần bên gối quân vương. Lễ giáo cung đình phức tạp không khiến nàng sợ hãi.

Phu nhân nguyên phối* của Hoàng đế Nguyên Hựu mất sớm, khi ngài đăng vị đã truy phong bà làm hoàng hậu. Đến nay Hoàng đế chưa lập tân hậu, chỉ cử hai nương nương Đoan phi, Trinh phi cùng coi việc nội cung.

Ngày đầu tiên vào đại nội, Lâu Nguyệt Dao nhìn hai cung tỳ đang nhanh nhẹn sắp xếp vật dụng trong chỗ ở cung Phồn Dương cho mình, bèn gọi một trong hai đến hỏi chuyện. Nàng ở bậc ngự thị không phẩm cấp, được phép có ba cung tỳ theo hầu việc. Nhâm Hòa chiếm một chỗ, hai người còn lại do nội phủ sắp xếp.

- Hai ngươi tên gì? Trước kia hầu việc ở cung nào?

Cung tỳ nọ tuổi chừng hai mươi, ăn bận đúng mực, thần sắc kính cẩn. Cô ta thấy chủ nhân mới của mình thoạt trông rất mưc hòa nhã thì nét mặt thoáng hiện vẻ mừng, song đã giấu đi ngay, đáp lời Lâu ngự thị.

- Bẩm nương nương, nô tỳ tên Lý Liên.

Nói xong, cô ta trỏ người còn lại đang thu dọn giường đệm, giải thích cặn kẽ.

- Con bé này tên Trình Uyển. Trước đây nô tỳ hầu bút mực cho Đào tiệp dư của tiên đế Thế Tông ở cung Trường Thọ một thời gian. Tiệp dư nương nương xin hoàng thái phi nương nương cho xuống tóc tu hành. Nô tỳ ở lại cung Trường Thọ, ít lâu sau thì được điều tới hầu hạ nương nương. Trình Uyển trước kia hầu việc ở cục Thượng thực, chuyên dâng cơm nước tới các cung viện ạ.

Trình Uyên kia bận áo màu lục nhạt, dưới mặc váy quây cùng màu như Lý Liên. Cô ta tuổi tác khoảng chừng mười mấy, tóc tai vấn gọn. Hai cung tỳ mỗi người một vẻ. Trình Uyển xinh đẹp hơn, song Lý Liên lại có phong độ tri thức hơn hẳn, ắt vì nàng ấy từng hầu bút mực bên cạnh phi tần di sương*, biết nhiều chữ nghĩa.

Lâu Nguyệt Dao gật đầu, ra hiệu bảo Nhâm Hòa thưởng cho hai cung tỳ ấy một món tiền kha khá, coi như quà gặp mặt. Hai nàng cùng sụp lạy tạ ơn.

Lý Liên lại nói:



- Bẩm nương nương, trong cung không có Hoàng hậu. Hai phi, tiệp dư và ba quý nhân đều là phi tần có phẩm cấp cao hơn. Đáng lý ra hôm nay các phi tần mới vào nội cung đều phải đến vấn an họ. Nhưng Đoan phi và Trinh phi xét thấy các nương nương còn lạ chỗ, có người đi đường xa mệt nhọc nên bảo các nương nương hôm nay nghỉ ngơi cho khoẻ, ngày mai hẵng tới cung Vĩnh Ninh theo hai phi ra mắt Hoàng thái phi nương nương.

Lâu Nguyệt Dao ngồi trên trường kỷ chạm trổ công phu. Nhâm Hòa dâng trà Quân Sơn Ngân Châm nàng ưa uống. Nhấp một ngụm nước chan chát đầu lưỡi, để hương trà thoang thoảng nơi chóp mũi, Nguyệt Dao thỏa mãn nhắm hờ mắt. Trà vơi nửa chén, nàng mới bảo Nhâm Hòa lấy ít quà, bánh mình đã chuẩn bị sẵn mang theo biếu cho những người ở chung trong cung Phồn Dương.

Họ đều là người quen từ hồi tuyển tú. Cung Phồn Dương không có phi tần phẩm cấp cao hơn. Ba ngự thị sống chung một cung, đã hẹn nhau ăn chung, chỉ khi nào thánh giá ghé thăm ai, kẻ ấy mới hầu cơm tại nơi mình ở. Nay bọn họ đều là hạng ngự thị không phẩm cấp, nhưng tương lai thế nào không ai chắc chắn được. Giao hảo ắt là việc nên làm.

Khi Nguyệt Dao ghé đến khoảng sân chung, hai ngự thị còn lại đều đã ngồi sẵn trên chiếc đôn đặt bên bàn đá. Thấy nàng tới, người lớn tuổi hơn vẫy tay bảo Nguyệt Dao lại ngồi cùng. Hai nàng một người họ Liễu, một người họ Tôn, đều là con gái nhà lành được tuyển chọn từ dân gian. Hai nàng phải đi đường xa nên khởi hành từ sớm, vào nội cung chiều hôm qua, lúc trời nhập nhoạng tối.

Trời nắng to. Người Nguyệt Dao mướt mải mồ hôi. Liễu thị trông thấy vội lấy khăn tay thấm mồ hôi cho nàng. Tôn thị dời chiếc bát sứ đựng nước mơ tới trước mặt nàng, bảo:

- Để phần cho Lâu ngự thị đấy.

Hai nàng vẫn chưa quen sai bảo kẻ hầu. Hai cung tỳ áo xanh theo hầu phía sau nhìn nhau mím môi rồi lại cúi đầu, trông hết sức bất đắc dĩ.

Nguyệt Dao cười xoà:

- Sao hai tỷ tỷ khách sáo thế? Chúng ta hãy cứ gọi nhau là tỷ muội như trước thôi.

Nàng đánh mắt nhìn hai người Nhâm Hoà, Lý Liên, ý bảo họ bày quà, bánh. Hai cung tỳ dạ ran, người trước kẻ sau lần lượt dâng lên quà, bánh cho hai ngự thị thưởng thức. Bày xong, hai cung tỳ lui về đứng sau Lâu Nguyệt Dao, cúi đầu cung kính. Toàn bộ quá trình họ đều rất mực cẩn thận, không thể soi mói chút nào. Liễu thị, Tôn thị nhìn mà trố mắt.

Hai cung tỳ áo xanh theo hầu Liễu ngự thị và Tôn ngự thị đều hâm mộ không thôi. Nhâm Hòa là thị nữ hồi môn của Lâu ngự thị, bọn họ không sánh bằng. Lý Liên có vận may được hầu hạ một nương nương xuất thân nhà quan, còn bọn họ lại phải theo hầu hai nương nương con nhà dân thường.

Hai cung tỳ cũng có nghe nói lần tuyển chọn này hoàng đế bệ hạ chỉ giữ lại hai cô con gái nhà quan lại quý tộc, còn đâu tám cô còn lại đều là dân nữ. Ai cũng thấy được e rằng bệ hạ không muốn để tiểu thư nhà quan lại thế gia độc chiếm hậu cung của người nữa.

Vốn dĩ hai người bọn họ còn có phần thương hại hai quý nữ ấy, song hôm nay được diện kiến Lâu ngự thị, họ mới hay kiến thức mình hạn hẹp. Lâu ngự thị dung nhan rực rỡ tươi đẹp như trăm hoa ngày xuân, phong thái cũng hết sức thùy mị, thướt tha. Hoàng đế bệ hạ trông thấy nàng, há lại chẳng yêu thương cưng chiều ư? So với nàng, hai nương nương còn lại cũng có nét đẹp riêng nhưng bọn họ vẫn cứ thấy thiêu thiếu.

Lâu ngự thị đây mới là con gái của Lang trung bộ Lại hàm chính ngũ phẩm đã xuất chúng thế này, vậy vị Từ ngự thị nức tiếng kinh thành kia còn phải xuất sắc đến bực nào nữa? Hai cung tỳ nọ bắt đầu lo lắng về ân sủng của nương nương nhà họ.



- Đây là hai chuỗi tràng hạt do kế mẫu của muội đến chùa Trường Ninh xin nhà sư khai quang giúp. Mẫu thân nghe nói con gái ở trong cung có hai vị tỷ tỷ chiếu cố, bèn xin thêm hai chuỗi nữa, mong chư vị Phật và Bồ Tát phù hộ ba tỷ muội chúng ta bình an, nhiều phúc. Của ít lòng nhiều, xin hai vị tỷ tỷ chớ khước từ.

Liễu thị, Tôn thị nghe vậy ra chiều cảm động lắm. Hai nương nương nhận rồi, bối rối nhìn nhau. Tôn thị lớn tuổi hơn Liễu thị và Nguyệt Dao bèn nắm tay nàng tạ lỗi.

- Tỷ tỷ đi vội vàng, chẳng mang được món gì hay ho tới biếu hai muội muội để chúc mừng chúng ta được vào hầu thiên tử. Mong muội không chê.

Liễu thị cũng phụ họa.

- Ta cũng quên mất. Ta cũng quên mất.

Nàng ta lớn hơn Nguyệt Dao một tuổi nhưng có đôi mắt thơ ngây và khuôn mặt tròn trịa, thành ra trông nàng trẻ nhất trong ba người.

Nguyệt Dao nghe thế cũng chẳng giận nổi, môi hơi hé, mềm nhẹ nói.

- Hai vị tỷ tỷ đi đường bình an là muội mừng rồi. Nếu hai vị tỷ tỷ cảm thấy có lỗi thì mỗi người biếu muội một món quà là xong. Muội nhớ Liễu tỷ tỷ khéo thêu thùa, chắc hôm nào muội phải xin tỷ tỷ thêu cho một chiếc thật đẹp mới được.

Tôn thị không ngờ tiểu thư cành vàng lá ngọc ở kinh thành như Lâu Nguyệt Dao lại dễ mến nhường ấy. Không chỉ nhớ mang quà đến biếu, nàng ấy còn nhớ được sở trường của mình, lòng hảo cảm của Tôn ngự thị với Lâu Nguyệt Dao tăng cao vút. Nàng ta hơi lo lắng.

- Tất nhiên là được. Nhưng muội biết đấy, thuở xưa ta chỉ biết may vá qua loa. Việc thêu thùa là do quan tri phủ nghe phong thanh bệ hạ muốn tuyển phi tần nên mới mời tú nương về dạy ta. E rằng khăn thêu của ta không được đẹp như của phòng thêu trong cung.

 

Chú thích:

* Phu nhân nguyên phối: Người vợ chính thất đầu tiên của nam nhân thời xưa. Nàng hầu, thiếp thất sau này được nâng làm kế thất, hoặc bà kế thất được cưới hỏi đàng hoàng vẫn không được coi là phu nhân nguyên phối. Phu nhân nguyên phối của một vị Hoàng đế không chắc chắn sẽ được phong làm Hoàng hậu. Trong lịch sử Việt Nam ghi nhận một trường hợp là phu nhân Văn Đức của vua Trần Anh Tông. Phu nhân vốn là thái tử phi của vua Trần Anh Tông nhưng khi ngài lên ngôi lại chỉ phong bà làm phu nhân, hiệu Văn Đức.

* Phi tần di sương: phi tần còn sống của các đời vua trước

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.