Đã mười tám năm kể từ ngày đương kim Thánh thượng ban Chiếu Dời Đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Mười tám năm thành mang cái tên mới Thăng Long, mười tám năm Hoàng đế cùng triều thần đắc cái thế long bàn hổ cứ để tính chuyện tế thế kinh bang. Mười tám năm, Kinh đô mới cũng đưa vị thế của Đại Cồ Việt lên một tầm vóc mới, rất mới. Mười tám năm, bên ngoài thì bình Chiêm, chống Đại Lý, so tài với nhà Tống ngay tại trại Như Hồng, bên trong thì an ổn bốn bề, từ khê động đến hải đảo, nơi quan yếu đều có sự đồng lòng giúp sức của những thủ lĩnh địa phương can trường và trung thành hết mực. Và điều quan trọng nhất là con dân thì được miễn thuế giảm tô, đời sống bình an sung túc.
Đô thành vạn thế đế vương được lựa chọn và kiến thiết với cái thế nằm gọn trong sông và gối đầu lên núi, vừa thuận tiện việc binh bị lại vừa hợp lý cho việc giao thương muôn nẻo. Các bức tường thành chia Thăng Long thành ba phần là kinh thành, hoàng thành và cấm thành.
La thành là vòng thành ngoài cùng, kiến thiết trên nền của Tô Lịch Giang Thành từ thời Lý Bí Lý Nam Đế, rồi thành Tống Bình và tới thành Đại La cũ. La thành vừa là thành, vừa là đê, nằm gọn trong dòng chảy của ba con sông là sông Nhị Hà, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Ba con sông tạo thành chiến hào tự nhiên bao bọc kinh đô. Tường thành dài hai ngàn trượng với mười lăm cửa thành và sáu cửa cống để tiện voi ngựa lẫn thuyền bè đi lại. Trên thành bố trí năm mươi lăm lầu vọng địch có hỏa dược và đuốc mồi để lên lửa hiệu liên hoàn mỗi khi có biến. Các cửa thành đều thông thẳng đường cái đến khu hoàng thành.
Hoàng thành là vòng thành thứ hai ngăn cách khu vực triều đình với khu thị dân. Hoàng thành mỗi mặt chiều dài đến hai mươi trượng, có bốn cửa thông ra bốn phía nam bắc đông tây xây theo lối vọng lâu trên lâu dưới thành. Khu thị dân giữa hoàng thành và la thành gọi là kinh thành. Kinh thành Thăng Long có sáu mươi mốt phường là nơi ăn ở, sản xuất và buôn bán của thị dân. Đó là sáu mươi mốt ô đất vuông tập hợp các hộ dân cư cùng làm một nghề thành một đơn vị hành chính. Các phường được ngăn cách bởi lối đi gọi là phố, dân cư các phường tổ chức buôn bán trên các phố đó. Thành ra ở phía đông kinh thành có nguyên một khu gọi là Ba Mươi Sáu Phố, hầu hết các phố có tên bắt đầu bằng chữ hàng, từ Hàng Đào, Hàng Rươi, Hàng Cá đến Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Buồm. Người dân thì vẫn quen gọi nôm các cửa thành để đi vào các phường đó là các cửa ô, còn các cửa nước thì gọi là các cửa cống.
Và phần cốt lõi của hoàng thành chính là cấm thành, nơi ở của vua và hoàng thất, cũng là nơi thiết triều của trăm quan nghị sự.
Đoan Môn là cổng nối giữa cấm thành và hoàng thành. Đoan Môn làm bằng đá, năm cửa. Một cửa lớn ở giữa gọi là cửa Đoan chỉ dành riêng cho Hoàng đế và nội thị, cận vệ. Hai của nhỏ bên gọi là Tả Hữu Giáp môn cho văn võ bá quan. Hai cửa hông gọi là Tả Hữu Dịch môn cho lính tráng voi ngựa.
Nằm trên thành Đoan Môn, chính là Tinh lâu Ngũ Phụng. Tinh lâu Ngũ Phụng là lễ đài chính của kinh đô, là nơi tổ chức những lễ nghi trọng thể như duyệt binh, ban lịch, ban sóc hàng năm. Tinh lâu có năm tòa cao lớn rộng rãi nguy nga. Ba tòa ở giữa thì lợp mái hoàng lưu ly vì đó là nơi đứng ngồi của vua và hoàng thân quốc thích vào những ngày lễ. Hai tòa hai bên lợp thanh lưu ly vì đó là nơi đứng ngồi của bá quan. Đứng trên lầu Ngũ Phụng là tầm mắt có thể vươn ra cả ngoài thành qua cửa nam là cửa Đại Hưng. Vào các ngày lễ, vua và văn võ bá quan đứng trên Tinh lâu, dân vào thành từ của đông và chiêm bái rồi ra bằng cửa Đại Hưng.
Nếu không phải dịp ngày lễ kia thì chỉ có Cấm vệ quân đứng canh gác trên lầu Ngũ Phụng.
Đám lính Cấm vệ quân tầm mười mấy người mặc giáp mây lụa đen đang hướng tầm mắt ra xa xa phía nam của hoàng thành. Đứng ngay phía sau là vị chủ tướng của đám quân này mặc minh quang khải giáp màu nâu đồng áo lụa xanh đen. Hôm nay có nhật thực nên trời tối đen như mực. Gã chủ tướng hỏi người Cấm vệ quân đứng trước mặt đang quay lưng về phía mình:
- Sao hôm kia chú không đi tụ họp với các anh em?
Gã cấm quân vẫn căng mắt hướng về phía nam, trả lời:
- Thưa chủ tướng hôm đó cháu nhà bị cảm, em ở nhà lo cho cháu rồi đi thầy thuốc, em không đi được.
Gã chủ tướng hỏi tiếp:
- Ừ thế không đi sao anh em gửi quà không lấy?
Cấm quân trả lời:
- Vâng, tính em khái tính, vô công thì bất thụ lộc. Em chưa biết phải làm cái gì em đâu dám nhận quà.
Đang câu chuyện thì có tiếng hô báo:
- Có ánh đuốc, có đoàn người đang tiến về cửa nam.
Gã chủ tướng vẫy vẫy tay khiển bọn cấm quân:
- Xem cờ xem cờ, nhà ai nhà ai?
Một gã cấm quân lên tiếng:
- Là cờ thập bát tử, thập bát tử, hoàng gia. Và cờ Đông cung. Đoàn Thái tử, Thái tử đã hồi cung nhé. Chuẩn bị mở cổng.
Cổng mở.
Đoàn mấy trăm người gồm Đông cung thái tử và đám Ngự tiền thị vệ rảo bước tiến vào cổng Đại Hưng rồi qua Đoan Môn để vào điện Càn Nguyên.
Bên này đám Điện tiền thị vệ đóng hai cổng lại sau khi đoàn Thái tử đã qua cổng hết. Được một lúc, bỗng lại thấy một gã cấm quân hô :
- Lại có đoàn người của nhà nào đến. Cũng cờ thập bát tử. Cờ Thánh Dực. Ơ. Sao Thánh Dực lại kéo đông thế kia. Ai cho Thánh Dực?
Sụt.
Còn chưa kịp hết câu thắc mắc. Gã cấm quân cảm thấy lưng chỗ hở với giáp mây ươn ướt, rồi tự dưng thấy lạnh dần, quay lại thì thấy vướng víu. Nhìn sang bên cạnh thấy mấy cấm quân khác đều b·ị đ·âm, có kẻ ngã ra thì có lẽ gã mới đoán ra được điều mà mình đang gặp phải.
Bị đâm thấu lưng.
Gã cấm quân quay ra nhìn người chủ tướng đâm sau lưng mình với ánh mắt tràn đầy những băn khoăn và gục xuống.
Một trong bảy người b·ị đ·âm như có hồi quang phản chiếu, đá được gã đồng đội đã đâm sau lưng mình một cước rồi vùng lên chạy ra phía sau lễ đài, vừa mở cửa chạy vào bên trong vừa lớn tiếng kêu "Hộ giá, hộ giá".
Gã cấm quân vừa đâm sau lưng bật dậy đuổi theo. Thấy gã b·ị đ·âm chạy đến tận mặt thành trong nhìn ra sân Long Trì, mở của hô lớn: "Hộ gi..á". Còn chưa hết chữ giá.
Phập.
Gã đuổi theo phi kiếm trúng cổ gã b·ị đ·âm.
Gã b·ị đ·âm rơi một cái đánh bịch. Nát bấy trước sân Long Trì.