*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Cái gọi là dinh lũy, là nơi ở trọ dọc đường của các lãnh chúa luân phiên trình diện (1) thời Mạc phủ, có thể nói là nhà trọ được công nhận, nên ngày xưa là nơi rất khang trang. Đương nhiên, nơi này, tuy đều là dinh lũy, nhưng khác với Toukaidou, số lãnh chúa tới đây khá ít, vì vậy quy mô tự nhiên cũng bất đồng, nhưng dinh lũy thì vẫn là dinh lũy.
Nhà Ichiyanagi coi hậu duệ của dinh lũy như thế là tự hào, nên hôn lễ của chủ nhân chắc chắn cũng phải phô trương. Theo như lời F đã kể cho tôi:
“Sự kiện này ở nông thôn phô trương hơn cả ở thành thị. Thậm chí với gia thế như nhà Ichiyanagi, nếu là sự kiện hôn lễ của người kế nhiệm thì chú rể thường mặc kamishimo (2) bằng vải lanh, còn cô dâu thường mặc áo không tay khoác ngoài kimono trắng, còn khách khứa thì năm mươi hay một trăm người cũng chẳng có gì lạ.”
Nhưng thực tế là hôn lễ này chỉ được tổ chức trong phạm vi gia đình. Có mặt bên phía nhà trai ngoại trừ gia đình, chỉ có một ông chú ở tại thôn Kawa, thậm chí ngay cả em trai ngay kế Kenzou là Ryuuji cũng không về từ Oosaka. Còn có mặt bên phía nhà gái, chỉ có mình người chú Kubo Ginzou.
Vì thế hôn lễ có thể nói cực kỳ quạnh quẽ, thế nhưng tiệc cưới cho dân trong thôn thì khác. Là đại địa chủ trong vùng, nhiều người qua lại, người làm công và tá điền cũng không ít. Truyền thống của vùng này là ngoài tại hậu viện, những người đó có thể chè chén suốt đêm.
Bởi vậy, cùng ngày hôn lễ hai mươi lăm tháng mười một, những người giúp việc qua lại không ngớt, nhà bếp nhà Ichiyanagi có vẻ vô cùng hỗn loạn, đến tầm sáu giờ tối, chính là thời điểm phòng bếp bận rộn nhất. Có một gã đàn ông đi vào từ cửa sau.
“Xin lỗi, ông chủ có ở đây không? Nếu có, nhờ bà chuyển hộ thứ này.”
Bà Nao đang bận rộn chỗ cái ấm nước quay đầu lại nhìn, đó là một gã đàn ông đội mũ quả dưa nhàu nhĩ ngang lông mày, cổ áo khoác bạc phếch được chỉnh trông có vẻ lạnh lẽo, đội một cái mặt nạ gần như che khuất cả khuôn mặt, thật sự rất đáng ngờ.
“Anh tìm ông chủ làm gì?”
“A, ừm, tôi chỉ muốn chuyển cái này cho ông chủ thôi.”
Người đàn ông cầm một mảnh giấy đã được gấp nhỏ trong tay trái, sau này bà Nao kể với cảnh sát về tình hình khi ấy:
“Gã đó rất quái lạ, tất cả các ngón tay đều cong cong, giữa ngón trỏ và ngón giữa kẹp một mảnh giấy. Trông như bị hủi… Đúng rồi, tay phải thì vẫn để trong túi. Tôi cũng thấy lạ định nhìn mặt, nhưng đối phương lập tức quay đầu, nhét luôn tờ giấy cho tôi, rồi vội vã chạy ra khỏi cửa sau.”
Lúc đó trong phòng bếp còn có nhiều người khác, nhưng nằm mơ cũng không ngờ gã đàn ông sau này có ý nghĩa quan trọng đến thế, nên không ai đặc biệt chú ý tới gã.
Bà Nao đương cầm tờ giấy vẫn sững ra đó, thì Akiko của chi thứ vội vội vàng vàng đi ra.
“Xin lỗi, có ai biết chồng tôi ở đâu không?”
“Nếu là ông chủ chi thứ thì hình như nãy vừa đi ra ngoài rồi.”
“Ôi biết làm sao. Bận thế này mà không biết đang loay hoay cái gì? Lát nếu thấy anh ấy thì bà bảo anh ấy thay đồ giúp tôi.”
Bà Nao gọi Akiko dừng lại, kể chuyện ban nãy rồi giao mảnh giấy gấp. Đó là một mảnh giấy nhỏ dường như bị xé ra khỏi quyển sổ nhật ký bỏ túi.
“Cho anh cả? Vậy à…”
Akiko hơi nhíu mày, nhưng không nghĩ gì nhiều, kẹp vào giữa obi (3), ra khỏi phòng bếp, nhòm vào phòng trà, thấy Itoko Toji đang vừa nói chuyện với nữ giúp việc, vừa thay quần áo bên trong. Suzuko mặc furisode (4), đang nghịch cây đàn koto sơn mài rắc vàng rất đẹp bên cạnh.
“Bác ơi, anh cả đâu rồi?”
“Kenzou à? Chắc là ở thư phòng. A, Akiko cũng quấn obi đi.”
Lúc Itoko Toji mặc xong, Saburou đang mặc áo bông chậm chạp đi vào.
“Saburou, vẫn còn mặc quần áo như thế… Nãy giờ cháu ở đâu vậy?”
“Cháu ở thư phòng.”
“Chắc lại đọc tiểu thuyết trinh thám chứ gì.”
Suzuko vừa chỉnh đàn koto vừa nói. Saburou là độc giả cuồng nhiệt của tiểu thuyết trinh thám.
“Đọc tiểu thuyết trinh thám hay mà? À này Suzuko, em làm đám tang cho mèo chưa?”
Suzuko im lặng đánh đàn.
“Nếu chưa thì nhanh lên. Xác mèo để lâu sẽ biến thành yêu quái đấy.”
“Rồi rồi. Anh Sabu hư lắm. Đám tang của Tama em làm từ sáng nay rồi.”
“Cái gì vậy. Nói gở quá. Saburou cũng cẩn thận một chút đi.”
Itoko Toji nhíu mày lải nhải.
“Sabu ơi. Anh cả ở thư phòng à?”
“Không, chắc anh cả ở nhà ngoài.”
“Aki này, nếu cháu thấy Kenzou thì bảo nó mau chuẩn bị nhé. Cô dâu sắp tới rồi.”
Akiko ra khỏi phòng trà, định đi về phía nhà ngoài, khi đang đi guốc gỗ dùng trong sân, thì thấy chồng là Ryousuke vẫn mặc quần áo bình thường, từ hướng chi thứ chậm rãi đi tới.
“Anh đang làm gì vậy? Nếu không mau thay quần áo thì không kịp đâu.”
“Nói linh tinh. Cô dâu tám giờ mới tới. Cần gì phải vội. Mà em đi đâu đấy?”
“Đi nhà ngoài tìm anh cả…”
Kenzou quả nhiên đang đứng ở hiên nhà ngoài, ngẩn ngơ nhìn bầu trời, vừa thấy Akiko, liền nói:
“Aki này, hình như thời tiết đang thay đổi. A, gì đây, cái này cho anh… À ừ.”
Kenzou cầm mảnh giấy gấp đến dưới đèn điện đọc.
“Aki, cái này là ai đưa tới?”
Akiko đang sửa lại hoa cắm trong hốc tường, cảm giác được giọng điệu không bình thường quay đầu lại, thấy Kenzou đang nghiến răng nhìn Akiko từ phía trên.
“À… Là bà Nao nhận, hình như là từ một gã đàn ông trông như kẻ lang thang. Có cái gì lạ à anh?”
Kenzou cứ lườm Akiko một lúc lâu, mới quay mặt đi, lại liếc mắt nhìn tờ giấy, nhưng lập tức xé thành mảnh vụn, nhìn xung quanh dường như muốn tìm một chỗ để vứt, cuối cùng nhét vào trong tay áo.
“Ừm, anh cả, bác bảo anh mau chuẩn bị đi…”
“À, ừ, Aki, nhờ em đóng cửa chớp vào nhé.”
Kenzou nói xong liền ra khỏi nhà ngoài.
Đó là chuyện lúc tầm bảy giờ, khoảng một tiếng sau, cô dâu được vợ chồng người làm mối đưa đến, tại đây hôn lễ chính thức bắt đầu, cụ thể thì tôi sẽ kể đơn giản hết sức có thể.
Như đã nói trước đó, số người tham gia hôn lễ rất ít, bên nhà trai chỉ có Itoko Toji, anh em Saburou và Suzuko, vợ chồng Ryousuke, ông chú ở thôn Kawa là một ông lão tầm bảy mươi tuổi tên là Ihee, bên nhà gái thì có mình người chú Kubo Ginzou. Người làm mối là trưởng thôn, đương nhiên cũng chỉ là người làm mối trên danh nghĩa được nhờ mà thôi.
Sau khi kết thúc tiệc rượu vui vẻ, cây đàn koto sơn mài đen rắc vàng rất đẹp đó được đem ra, Suzuko đánh đàn như đã bàn từ trước. Suzuko ở những phương diện khác chậm chạp hơn hẳn những người bằng tuổi, chỉ tại đánh đàn koto, lại có kỹ năng có thể coi là thiên tài, người đánh đàn và đàn koto được đánh, cả hai kết hợp như trên gấm thêm hoa vào nghi lễ đêm đó.
Tuy nhiên, đánh đàn koto tại hôn lễ là việc hiếm thấy, mà khúc nhạc Suzuko đánh lại là khúc nhạc chưa ai từng nghe, bởi vậy cô dâu Katsuko cảm thấy rất kỳ lạ, nên Itoko Toji giải thích thêm thế này.
Nữ chủ nhân nhiều đời trước của nhà Ichiyanagi là người rất giỏi chơi đàn koto. Có một lần, công chúa của một lãnh chúa vì lễ cưới mà phải đi về phía tây, đã trọ tại dinh lũy. Lúc đó, vị nữ chủ nhân giỏi đánh đàn ấy đã đánh khúc nhạc “Bài ca uyên ương” do chính mình soạn nhạc soạn lời, công chúa vô cùng hài lòng, sau đó đưa tới tặng một cây đàn koto có tên là “Uyên Ương”. Kể từ đó, tại hôn lễ của người thừa kế nhà Ichiyanagi, cô dâu nhất định phải đánh đàn koto, vừa rồi Suzuko đàn chính là Bài ca uyên ương đó, còn đàn koto chính là “Uyên Ương”. Nghe lai lịch đó, Katsuko mở to mắt.
“Vậy thì, vừa rồi hẳn là để con đánh đàn koto mới phải.”
“Đúng rồi, nhưng ta không biết con có đánh được hay không, nên không làm khó con, mới nhờ Suzuko thay.”
Katsuko vẫn im lặng, nhưng lúc này, trả lời thay là người chú Ginzou.
“Nếu bà báo trước, Katsuko đánh được mà.”
“A, chị dâu cũng biết đánh đàn koto?”
“Tiểu thư, sau này chị dâu cô có thể đánh cùng cô. Chị dâu cô có thể làm giáo viên dạy đàn koto ấy chứ.”
Itoko Toji không tiếp lời, nên không khí có vẻ yên tĩnh, trưởng thôn là người từng trải, cất lời như muốn cứu nguy.
“Nếu như cô dâu có tài nghệ tốt như vậy, hẳn là nhờ cô ấy mới phải. Hay thế này bà ẩn cư, lát nữa ở nhà ngoài vẫn còn tiệc rượu nữa mà nhỉ? Lúc đấy để cô ấy đánh.”
“Ừ nhỉ. Vậy nhờ con nhé? À mà ‘Bài ca uyên ương’ Suzuko đã đánh rồi, giờ đàn cái gì cũng được. Chỉ cần là khúc nhạc con thấy tâm đắc mà nghe vui vẻ… Dù gì cô dâu đánh đàn đêm hôn lễ chính là truyền thống của cái nhà này.”
Katsuko sau đó lại đánh đàn koto chính là bởi vì chuyện này.
Nghi thức thuận lợi kết thúc khi đã quá chín giờ, ngay sau đó ở hậu viện và phòng bếp một màn tiệc rượu linh đinh mới bắt đầu.
Đây có thể coi là một loại thử thách mà cô dâu chú rể phải đối mặt vào đêm hôn lễ, nhưng mà ở nông thôn việc này lại càng thêm nghiêm ngặt. Kenzou và Katsuko phải luân phiên tiếp đãi hai tiệc rượu đến quá nửa đêm.
Tại phòng bếp rượu đã ngay lập tức được đưa xoay vòng, có người bắt đầu hát lên ca khúc dâm đãng. Ở hậu viện tuy không có ai không kiềm chế được đến như thế, nhưng ông chú duy nhất Ihee đã say bí tỉ, bắt đầu rượu vào lời ra rồi.
Người này là chú của cha mẹ Kenzou và Ryousuke, nhưng đã ra ở riêng từ hồi trẻ, mọi người thương hay gọi là ông lão chi thứ thôn Kawa. Hơn cả tính lắm lời của người già bình thường, ông ta nổi danh vì thói xấu khi say rượu. Ông ta cũng là người trước sau không tán thành hôn lễ này, uống rượu vào, ông ta bắt đầu tệ hơn, dứt khoát thể hiện thái độ khó chịu kinh khủng với cô dâu chú rể, không nghe mọi người khuyên can là nguy hiểm nên ở lại, mà nằng nặc đòi về lúc đã quá mười hai giờ.
“Saburou, em đưa ông về cũng được.”
Kenzou coi những lời cay độc của Ihee như gió thổi qua tai, khi ông chú kiên trì đòi về, vẫn lo đường đêm nguy hiểm, dặn dò em trai.
“Này, nếu muộn quá thì cháu ở lại nhà ông cũng được.”
Khi ra tiễn Ihee tới lối vào, đầu tiên mọi người ngạc nhiên phát hiện lúc đó bên ngoài đang có tuyết rơi rất to. Vùng này rất hiếm có tuyết, nhưng đêm đó tuyết đọng đến tầm ba tấc, nên mọi người kinh ngạc cũng không có gì lạ. Huống hồ, sau này nhớ lại, chính trận tuyết này đóng vai trò khá là tinh tế trong tội ác đáng sợ đó.
Gác qua một bên chuyện này, lúc cô dâu chú rể rút về nhà ngoài, uống chén rượu giao bôi tại đó, đã là tầm một giờ đêm. Về chuyện khi đó, Akiko vợ của Ryousuke sau này kể như sau.
“Là tôi và nữ giúp việc Saya đưa đàn koto đến nhà ngoài. Vì ở đó có nghi thức giao bôi, nên chỉ có mặt bác và vợ chồng tôi. Sabu đưa ông chú về nhà chi thứ, nhóc Suu thì đã ngủ rồi. Đúng rồi, uống xong rượu, Katsuko đánh khúc Thiên điểu. Sau đó tôi dựng đàn koto trên hốc tường. Hộp đựng móng đàn thì tôi đặt trong góc hốc tường, nhưng mà tôi không nhớ lúc đó có thanh kiếm ấy trên cái kệ lệch tầng bên hông phòng hay không.”
Nghi thức giao bôi kết thúc lúc tầm hai giờ, mọi người để lại cô dâu chú rể tại đó, rút về nhà chính, lúc đó tuyết vẫn rơi rất to.
Sau đó hai tiếng đồng hồ, mọi người nghe thấy tiếng kêu thảm thiết, cùng với tiếng đàn koto dồn dập, kỳ lạ khó có thể nói rõ.
Chú thích
(1) thông lệ của Mạc phủ Tokugawa đòi tất cả các lãnh chúa cứ cách một năm phải lưu lại kinh đô Edo một năm ↑
(2) kamishimo: trang phục nam, bộ y phục không tay mặc ngoài kimono (xem hình) ↑
(3) obi: một loại khăn quấn ở phần thắt lưng cho trang phục Nhật Bản truyền thống ↑
(4) furisode: kimono dành cho thiếu nữ còn độc thân, ống tay áo rộng và dài, màu sắc tươi tắn với nhiều hoa văn trang trí trên vải lụa tốt, thường được dệt thủ công ↑