Lão Đại Là Nữ Lang

Chương 144: Phật Lang Cơ



Năm mới lúc nào cũng dịp vui vẻ.

Phó Vân Anh xin Chu Hòa Sưởng cho nghỉ mười ngày, nhưng mà vừa mới được rảnh rỗi được một ngày đã bị triệu kiến vào cung Càn Thanh.

Có tin tức từ bên Quảng Đông truyền về, Viên Lãng Bác còn sống, tri phủ lấy tội tham ô giam hắn vào ngục, Cẩm Y Vệ đã nghĩ cách trà trộn vào trong đó gặp hắn một lần.

Bên phủ Triệu Khánh hiện giờ đã bị tổng đốc Quảng Đông khống chế chặt chẽ, quan viên lớn nhỏ hoặc coi đây là việc không liên quan đến mình, lờ đi như không có, hoặc là cấu kết luôn với tổng đốc Quảng Đông thông đồng làm bậy.

Viên Lãng Bác nói với Cẩm Y Vệ, tổng đốc đã nhận hối lộ của người Phật Lang Cơ, tự ý cho phép người Phật Lang Cơ ở lại sinh sống, truyền giáo, cũng không quan tâm tới lời khuyên của phụ tá, lén kí kết hiệp nghị thông thương với người Phật Lang Cơ, đứng giữa kiếm lời đút vào túi riêng.

Chu Hòa Sưởng đọc xong bức thư mật của Cẩm Y Vệ, hỏi Phó Vân Anh, "Sao Trẫm lại chưa bao giờ nghe nói về cái nước Phật Lang Cơ này? Họ và có quan hệ gì với Mãn Lạt Gia? Phật Lang Cơ có phải là nước láng giềng với Mãn Lạt Gia không?"

Phó Vân Anh bảo thái giám đem bản đồ mới vẽ năm nay tới, vừa chỉ vừa chậm rãi giải thích cho Chu Hòa Sưởng.

Mãn Lạt Gia là một nước nhỏ trên biển ở Tây Dương. Tuy diện tích đất nước rất nhỏ nhưng vị trí địa lý lại vô cùng trọng yếu. Chiếm cứ được eo biển Mãn Lạt Gia, chẳng khác vào siết chặt yết hầu của con đường buôn bán mậu dịch trên biển. Nước Mãn Lạt Gia này ban đầu vốn lệ thuộc vào nước Xiêm La, sau đó sai sứ giả tới dâng sớ, nguyện trở thành một quận phụ thuộc của quốc triều, từ đó trở thành một trong những nước phụ thuộc của quốc triều.

Đội tàu đi xuống Tây Dương đã từng dừng ở nước Mãn Lạt Gia lại mấy lần.

Nước Mãn Lạt Gia ngưỡng mộ sự phồn vinh của quốc triều, đã nhiều lần sai sứ giả sang dâng triều cống.

Mấy con thần thú kì lân trong Tây Uyển của Tử Cấm Thành kia chính là do đích thân vua nước Mãn Lạt Gia dẫn tùy tùng đưa tới triều cống.

Sau này tàu của người Phật Lang Cơ đổ bộ vào Mãn Lạt Gia, xâm lấn với quy mô lớn, bọn họ có tàu tốt pháo hay, có được loại đạn pháo tiên tiến nhất, dễ dàng đuổi được vua nước Mãn Lạt Gia đi, chiếm cứ eo biệt Mãn Lạt Gia.

Người Phật Lang Cơ cho rằng Trung Nguyên nơi nào cũng đầy vàng, thèm khát của cải của Trung Nguyên, từng có ý đồ giả mạo sứ thần triều cống của Mãn Lạt Giang, định lừa gạt quan viên địa phương phủ Quảng Châu để lấy được công văn chứng nhận.

Từ sau khi lệnh cấm biển được thi hành, toàn bộ các đội tàu nước ngoài tới buôn bán cần phải dâng triều cống vào thời gian, địa điểm do triều đình quy định.

Cái được gọi là triều cống thực ra chính là cống phẩm, sản vật địa phương mà các nước phụ thuộc dâng lên. Triều đình nhận cống phẩm, sau đó "ban" cho họ những thứ họ yêu cầu, tỷ như vàng bạc tơ lụa vân vân.

Đông Nam có Triều Tiên, Nhật Bản, Lưu Cầu, An Nam, Xiêm La, tổng cộng mười tám quốc gia. Tây Nam có Tô Lộc Quốc, Mãn Lạt Gia, Tích Lan, tổng cộng bốn mươi bốn quốc gia. Phía bắc, đông bắc có Tây Nhung và năm mươi tám quốc gia, mười bộ lạc. Tất cả đều là các nước phải triều cống.

Thời hạn dâng triều cống của các quốc gia này có dài có ngắn, có nhiều nước là ba năm, năm năm một lần cống, có nhiều nước mười năm mới triều cống một lần.

Những chiếc tàu chở đồ cống phẩm từ nơi xa đến đó cần phải có công văn chứng nhận của triều đình mới có thể cập bến ở địa điểm được chỉ định để đưa triều cống lên bờ.

Người Phật Lang Cơ định giả mạo người Mãn Lạt Gia để lừa lấy công văn chứng nhận của triều đình.

Nhưng người Phật Lang Cơ tóc vàng mắt xanh, mũi khoằm mắt sâu, quá khác biệt so với người Mãn Lạt Gia. Quan viên địa phương ở Quảng Châu dễ dàng phát hiện ra quỷ kế của bọn họ, không chịu đồng ý.

Người Phật Lang Cơ đành phải thừa nhận họ đến từ Phật Lang Cơ.

Đám quan viên chưa bao giờ nghe tới cái tên Phật Lang Cơ, cứ tưởng rằng Phật Lang Cơ cũng giống những nước nhỏ ở Tây Dương khác, chẳng qua chỉ là một vùng đất nhỏ giữa đại dương mênh mông vẫn còn chưa được khai hóa mà thôi, vậy nên cũng đối xử với bọn họ như những sứ giả đến từ những nước phụ thuộc khác, đón tiếp long trọng, dạy cho họ lễ nghi cung đình, chờ triều đình triệu kiến.

Người Phật Lang Cơ hối lộ quan viên, có được cơ hội vào kinh yết kiến.

Cùng lúc đó, một bộ phận người Mãn Lạt Gia trải qua trăm cay ngàn đắng, cuối cùng cũng tới được Trung Nguyên, xin quốc triều giúp bọn họ đuổi đánh người Phật Lang Cơ, đoạt lại lãnh thổ.

Lúc ấy lại đúng vào khoảng thời gian ngay trước khi tiên đế lên ngôn, triều đình đang ở trong thế loạn trong giặc ngoài, vừa phải chiến đấu với các bộ tộc phía bắc, lực bất tòng tâm, lại vừa phải đối mặt với sự lên ngôi không danh chính ngôn thuận của tiên đế, làm gì còn hơi sức đâu mà quan tâm tới sứ thần Mãn Lạt Gia. Ngoài ra, từ tiên đế đến đại thần đều chưa bao giờ nghĩ tới chuyện buôn bán trên biển. Hơn nữa, bắt đầu từ thời Tống, Lý học phát triển, nhấn mạnh tư tưởng "Di hạ chi phòng", tự trói buộc chính mình theo lề thói cũ, về đối ngoại vẫn luôn áp dụng chính sách phòng ngự tiêu cực. Sau đó, người Phật Lang Cơ lại dâng lên những thứ đồ chơi mới lạ, được tiên đế yêu thích. Nước Xiêm La có khả năng xuất binh giải cứu Mãn Lạt Gia nhưng lại luôn canh cánh trong lòng chuyện quốc triều nâng đỡ Mãn Lạt Gia. Cuối cùng, không có ai giơ tay ra giúp đỡ, Mãn Lạt Gia mất nước.

Phó Vân Anh từ từ kể ra quá trình người Phật Lang Cơ xâm chiếm nước Mãn Lạt Gia, chỉ vào vị trí của Mãn Lạt Gia trên bản đồ, nói với Chu Hòa Sưởng: "Hoàng thượng, bên ngoài Tây Dương, có một vùng đất rộng lớn mà chúng ta chưa biết đến. Đông bắc có Triều Tiên, Vệ Nô; chính đông chếch lên phía bắc một chút là Nhật Bản; chính nam chếch sang phía đông một chút là nước Lưu Cầu; Tây Nam có An Nam, Chân Tịch, Chiêm Thành, Xiêm La, nước Tô Môn Đáp Lạt, xa hơn ra biển có nước Trảo Oa, nước Bạch Họa, nước Tam Phất Tề, nước Bột Ni... Nhưng nước Phật Lang Cơ không thuộc về bất cứ nơi nào trong số đó, đất nước của bọn họ có thể còn ở một nơi xa xôi hơn."

Chu Hòa Sưởng hỏi: "Nói như vậy, nước Phật Lang Cơ không phải là một quốc gia phải triều cống phải không?"

Phó Vân Anh lắc đầu nói: "Người Phật Lang Cơ ở mãi không chịu đi, có ý định dòm ngó triều ta, quân phòng thủ ở Quảng Châu từng đuổi bọn chúng đi, bọn chúng không những ăn vạ không đi mà còn nã pháo vào quân phòng thủ, mưu toan chiếm đoạt những đảo nhỏ ở vùng duyên hải để làm nơi đóng quân, bị quân phòng thủ đánh đuổi. Sau này, bọn chúng cứ ở ì ở đó không chịu đi, lẻn vào dùng duyên hải, đánh cướp thôn trang, sống lênh đênh, không khác gì giặc Oa."

Chu Hòa Sưởng nhíu mày.

Nói thư thế, tổng đốc Quảng Đông tự ý cho phép người Phật Lang Cơ và đất liền cư trú, thật sự quá đáng giận! Cái đám người Phật Lang Cơ đó rốt cuộc đã cho lão thứ gì mà lão dám công nhiên qua lại với giặc như thế?

Thảo nào bị nghi ngờ là thông đồng với giặc Oa!

Trong Đông Noãn Các, ngoại trừ vua tôi hai người đang nói chuyện, xung quanh im phăng phắc.

Lư hương mạ vàng tỏa ra những sợi khói mỏng lượn lờ, cả phòng lấp lánh ánh vàng, đám nội quan đứng hầu ở một góc, đến một tiếng ho khan cũng không nghe thấy.

Các vị Nội Các đại nhần như Vương các lão, Uông Mân, Diêu Văn Đạt, Phạm Duy Bình, Thôi Nam Hiên đều ở đó, ngoài ra còn có mấy quan viên Lễ Bộ.

Mọi người không nói một lời, ánh mắt đều dừng lại trên người Phó Vân Anh, thấy nàng đứng bên cạnh Chu Hòa Sưởng, chỉ vào bản đồ, không hề lúng túng, dùng giọng nói trong trẻo bình tĩnh, giảng giải cho Chu Hòa Sưởng nghe về điểm khác nhau giữa nước Phật Lang Cơ và nước Mãn Lạt Gia.

Mấy vị đại thần nhìn nhau đầy vẻ kinh ngạc.

Thực ra họ cũng không có nhiều hiểu biết về các nước phụ thuộc ở Tây Dương. Tuy rằng bọn họ đọc đủ thứ thi thư nhưng các sĩ tử được hun đúc bằng Trình Chu Lý học có xu hướng bảo thủ, trọng nông khinh thương (coi nông nghiệp quan trọng hơn thương nghiệp), trọng lục khinh hải (coi đất liền quan trọng hơn biển đảo), cho rằng "muốn kiểm soát man di thì đầu tiên phải đề phòng", không có hứng thú gì với những quốc gia trên biển, đương nhiên không thể không cần tra cứu sách vở gì mà đã có thể nói rõ về nguồn gốc và lịch sử của một nước phụ thuộc như Phó Vân Anh.

Hơn nữa từ khi bắt đầu bế quan tỏa cảng, số lần các nước phụ thuộc dâng triều cống ngày càng ít, triều đình lại càng không để ý tới các nước phụ thuộc này.

Mỗi người một việc, ai cũng có sở trường, chuyện các quốc gia triều cống luôn do quan viên Lễ Bộ quản lý, thằng nhóc Phó Vân này cũng chẳng phải người của Lễ Bộ, sao lại hiểu rõ về các nước phụ thuộc như thế chứ?

Mọi người vừa ngạc nhiên vừa nghi ngờ, trong chốc lát không một ai lên tiếng.

Thực ra bọn họ cũng định nói mấy lời, nhưng vấn đề là không có sách vở gì trong tay, bọn họ có biết cái gì đâu!

Thấy các vị các lão không lên tiếng, Lễ Bộ thị lang không nhịn nổi, hắn bước ra khỏi hàng, tiến lên một bước, ôm quyền nói: "Đúng như lời Phó tự thừa nói, Phật Lang Cơ tấn công Mãn Lạt Gia, đuổi vua Mãn Lạt Gia ra khỏi đất nước, cướp bóc thuyền buôn không khác gì giặc Oa. Nhưng mà có một điểm sợ là Phó tự thừa nói sai rồi. Cái nước Phật Lang Cơ này không xa xôi gì, nó hẳn phải ở gần Mãn Lạt Gia, ở gần eo biển, nếu không thì sao có thể xâm chiếm Mãn Lạt Gia được chứ?"

Tất cả quan viên Lễ Bộ đều cho rằng Phật Lang Cơ nhất định là láng giềng của Mãn Lạt Gia, đương nhiên sẽ không ủng hộ ý kiến của Phó Vân Anh rằng người Phật Lang Cơ đến từ một quốc gia xa xôi nào đó.

Phó Vân Anh hơi nhìn xuống, phản bác Lễ Bộ thị lang, "Đại nhân đã bao giờ nhìn thấy người Phật Lang Cơ và súng ống của bọn chúng chưa? Bọn chúng chỉ dựa vào mười mấy chiếc tàu chiến đã đánh đuổi được vua nước Mãn Lạt Gia, hơn nữa còn chiếm cứ Mãn Lạt Gia tới tận nay. Theo lời sứ thần Mãn Lạt Gia tới cầu cứu nói, tàu của người Phật Lãng Cơ không gì công phá nổi, có thể đi trên biển nhiều ngày, hơn nữa còn có đại bác, súng ống. Nếu như cạnh nước Mãn Lạt Gia mà có một quốc gia như thế, tại sao năm đó đoàn sứ thần đi xuống Tây Dương năm đó lại chưa gặp bọn chúng bao giờ, cũng chưa từng nghe tới cái tên Phật Lang Cơ này? Sao đến cả nước Xiêm La cũng chưa từng nghe nói về nước Phật Lang Cơ?"

Mọi người nhíu mày suy tư.

Nước Mãn Lạt Gia trước kia thực ra cũng lệ thuộc vào nước Xiêm La cơ mà.

Đối với các nước nhỏ xung quanh mình, quốc triều vẫn sử dụng chính sách ngăn chặn nước mạnh, nâng đỡ nước yếu để tránh cho các nước phát triển quá lớn mạnh. Lúc xử lý mâu thuẫn giữa Chiêm Thành và An Nam, Xiêm La và Mãn Lạt Gia, Trảo Oa và Bột Ni, Bách Di và Miến Điện, vân vân, quốc triều thường có khuynh hướng ủng hộ cho bên yếu hơn.

Xiêm La ở gần eo biển Mãn Lạt Gia hơn, thèm muốn vị trí quan trọng đối với giao thông trên biển này đã lâu, nếu bên cạnh nước Mãn Lạt Gia mà thực sự có nước Phật Lang Cơ, đoàn sứ thần của quốc triều có thể không biết chứ Xiêm La không thể không biết.

Lễ Bộ thị lang vẫn cứ cho rằng nước Phật Lang Cơ chỉ là một nước nhỏ giống Mãn Lạt Gia, "Nếu không vì sao Phật Lang Cơ lại phải xâm chiếm Mãn Lạt Gia cơ chứ?"

Đối với những sĩ tử sinh ra và lớn lên ở Trung Nguyên mà nói, Trung Nguyên màu mỡ chính là trời, là trung tâm của đất nước, vùng biên cương toàn là đất cần sỏi đá, Hoa Hạ là chính thống, những nước nhỏ khác đều là "man di".

Ấm chỗ thì ngại di chuyển, chấp niệm với hai chữ "đất liền" này đã thâm căn cố đế.

Lễ Bộ thị lang rất mực tin tưởng, đất liền là căn bản nhất, quan trọng nhất.

Nước Phật Lang Cơ đánh đuổi vua nước Mãn Lạt Vương đi chẳng phải để xâm lấn vùng đất liền của Mãn Lạt Gia sao?

Vì sao lại muốn đất, nhất định là bởi Phật Lang Cơ ở ngay gần Mãn Lạt Gia chứ còn gì nữa! Nếu như là cách xa vạn dặm, ở giữa còn là đại dương mênh mang, lấy đất thì có tác dụng gì cơ chứ?

Phó Vân Anh không muốn tiếp tục tranh cãi với Lễ Bộ thị lang, liền nói: "Người Phật Lang Cơ dòm ngó Trung Nguyên, có ý định xấu xa, bị đuổi mấy lần nhưng bọn chúng không những không biết hối cải mà còn làm loạn trên biển, tàn sát dân thường vô tội. Thay vì thả hổ về rừng, chi bằng ra lệnh cho quân phòng thủ ở Quảng Châu bắt bọn chúng lại, thẩm vấn, điều tra xem rốt cuộc chúng từ phương nào tới."

Nói tới đây, nàng dừng lại một chút, nhìn về phía Công Bộ thượng thư, "Hoàng thượng, người Phật Lang cơ có tàu chiến kiên cố và súng tốt, các loại thuyền và súng này có lẽ có thể có lợi cho chúng ta."

Mắt Công Bộ thượng thương và Binh Bộ thi lang lập tức sáng bừng, bước ra khỏi hàng phụ họa, "Người Phật Lang Cơ lòng lang dạ sói, chiếm cứ vùng duyên hải, ở lì ra đó không chịu đi, hẳn là nên bắt lại, không thể để bọn chúng buôn bán trao đổi hàng hóa lén lút như vậy!"

Vương các lão, Diêu Văn Đạt và Uông Mân vẫn còn chưa hiểu rõ quan hệ giữa Phật Lang Cơ, Mãn Lạt Gia và Xiêm La nên tạm thời không nói chuyện Phật Lãng Cơ, chỉ khiển trách tổng đốc Quảng Đông vì cái lợi riêng mà mở cửa cho người Phật Lang Cơ.

Cuối cùng, Chu Hòa Sưởng quyết định phái phó ngự sử của Đô Sát Viện đi Quảng Đông điều tra cho rõ chuyện này rồi nói tiếp.

Mọi người đi ra khỏi Đông Các, Vương các lão gọi Phó Vân Anh lại.

Thủ phụ đại nhân nhìn nàng, vuốt râu trầm tư một lát, trầm giọng nói: "Phó Vân, cậu có biết... những lời nói vừa nãy của cậu rất có thể đã khơi mào hứng thú của Hoàng thượng đối với các quốc gia ở Tây Dương. Nếu Hoàng thượng nổi hứng muốn phái thuyền xuống Tây Dương lần nữa thì phải làm thế nào đây?"

Năm đó việc đi xuống Tây Dương đã tốn rất nhiều tiền, hiện giờ triều đình không lấy dâu ra nhiều tiền như vậy. Hơn nữa, nay đã không bằng xưa. Ngày ấy khi đội tàu xuống Tây Dương, quốc triều binh hùng tướng mạnh, uy phong chấn áp bốn bể, nhưng không lâu sau đó, triều đình đã dần mất đi toàn bộ quân tinh nhuệ trong quân đội, từ đó đang hưng thịnh trở thành suy yếu, từ thế công chuyển thành thế thủ, không chỉ có thực lực quân sự không bằng trước kia, mà bên trong triều đình cũng có nhiều mâu thuẫn [1].

[1] Ý chỉ việc Trịnh Hòa đưa đội tàu xuống Tây Dương thời Minh Thành Tổ, Minh Nhân Tông. Triệu Hòa đi tổng cộng 7 chuyến đi, kết thúc vào năm 1433 thì năm 1449, thiết kỵ Mông Cổ phục kích cuộc hành quân của Minh Anh Tông, bắt sống Hoàng đế. Sau này, nhà Minh từ bỏ việc đưa thuyền ra ngoài thám hiểm.

Lưu dân bạo loạn, tai họa khắp nơi... Giờ loạn trong giặc ngoài, triều đình thật sự không thừa sức lực để đi tới Tây Dương lần nữa.

Trong cảm nhận của mấy người Vương các lão, đi xuống Tây Dương không chỉ tốn tiền tốn của mà còn có thể khiến cho toàn bộ triều đình suy sụp, không gượng dậy nổi nữa.

Cho nên, nước Phật Lang Cơ, Mãn Lạt Gia, nước Xiêm La cái gì chứ... Cứ để mặc bọn họ muốn đánh thế nào thì đánh, chỉ cần không đánh tới Trung Nguyên, triều đình sẽ không quan tâm, cũng không nên quan tâm.

Ánh mắt của Vương các lão mang theo ý khiển trách một cách rõ ràng, ông ta cho rằng Phó Vân Anh cố ý khơi màu sự hiếu thắng trong lòng Chu Hòa Sưởng sẽ mang lại cho cả triều đình và dân chúng tai họa lớn mà không ai dự đoán trước được.

Phó Vân Anh mặt không đổi sắc, nhìn bức tường cùng màu son đứng sừng sững trong tuyết, "Lão tiên sinh, hạ quan cũng không có ý cổ vũ Hoàng thượng. Tàu của chúng ta không kiên cố được như tàu của Phật Lang Cơ, uy lực của súng ống không mạnh mẽ bằng súng của bọn chúng... Bọn chúng hiểu rõ về chúng ta, chúng ta thì đến chuyện người Phật Lang Cơ tới từ chỗ nào cũng phải tranh cãi hồi lâu. Nhưng bọn chung chiếm cứ các đảo trên biển, dòm ngó đất liền đã lâu. Giặc ở cạnh giường, sao có thể ngủ say! Nếu như bọn chúng không có ý tốt thì chúng ta cũng nên chuẩn bị sớm, ít nhất phải biết rõ lai lịch, quốc gia, cấu tạo vũ khí của bọn chúng."

Nàng không sử dụng loại ngôn ngữ khiến người ta rung động tới tận tâm can, chỉ bình tĩnh nói lên suy nghĩ của chính mình.

Vương các lão hơi nhíu mày, vẫn cứ không tán đồng với cách làm của nàng.

Ông ta lo lắng sốt ruột, hiện giờ nhìn thì có vẻ thiên hạ thái bình, nhưng thực ra khắp nơi đều có nguy cơ, loạn trong giặc ngoài, Vệ Sở các nơi chỉ được cái mã bề ngoài; Vệ Nô ở Đông Bắc như hổ rình mồi, triều đình không lấy đâu ra quân lương; trong nhà dân chúng không có đủ lương thực tích trữ, nếu như lúc này lại có thiên tai, sợ rằng dân chúng sẽ đứng lên khởi nghĩa, triều đình thực sự không chịu nổi biến động nữa đâu!

Đúng lúc này, Cát Tường đi ra tuyên Phó Vân Anh vào điện nói chuyện, Chu Hòa Sưởng có việc muốn hỏi nàng.

Nàng quay lại điện, đi ngang qua mấy người Diêu Văn Đạt, Uông Mân, Phạm Duy Bình và Thôi Nam Hiên.

Diêu Văn Đạt nhìn nàng chằm chằm hồi lâu rồi quay sang nói chuyện với Uông Mân.

Phạm Duy Bình mỉm cười với nàng.

Thôi Nam Hiên vẫn không biểu hiện gì, có điều sau khi nàng đi qua, hắn lại quay đầu lại nhìn theo bóng nàng.

Nếu là nàng thật thì sao có thể biết những thứ này...

Nàng bước vào nội điện.

Lúc bàn việc với đại thần, Chu Hòa Sưởng phải ngồi nghiêm chỉnh, nhức hết cả eo nên đã chuyển sang thiên điện ngồi trên giường đất, một tay chống cằm, một tay vẫy nàng, "Vân ca nhi, vào đây ngồi đi."

Cát Tường bê một chiếc ghế đôn tới.

Phó Vân Anh nghe lời ngồi xuống.

Chu Hòa Sưởng bảo nội quan dâng trà lên, "Vẫn là chuyện lần trước ta nói với đệ thôi, chọn người làm tổng đốc Quảng Đông, trẫm cảm thấy cần phải phái Nội Các đại thần đi mới có thể áp đảo được quan viên địa phương, đệ cảm thấy trong ba người Phạm các lão, Uông các lão và Thôi các lão, ai phù hợp nhất?"

Phó Vân Anh nhận trà, không uống, suy nghĩ một hồi.

Đương nhiên là Thôi Nam Hiên phù hợp rồi, thứ nhất, hắn từng tới Phúc Kiến chủ trì việc đo đạc ruộng đất nên có hiểu biết về vùng duyên hải; thứ hai, hắn là người cô độc ngoan tuyệt, không dễ bị quan viên địa phương lung lạc hoặc cưỡng ép.

Còn thứ ba ấy à, gân đây Thôi Nam Hiên có nhiều biểu hiện khiến người ta không thể hiểu nổi, đẩy hắn đi Quảng Đông thì ít nhất là bốn năm tháng sau hắn mới về được.

Nàng hạ quyết tâm, hỏi trước: "Hoàng thượng nghiêng về về ai?"

Chu Hòa Sưởng nói: "Chọn ai mà chẳng thế, đều có mặt lợi, mặt hại riêng."

Phó Vân Anh từ từ nói: "Thần cảm thấy Thôi các lão có thể gánh trọng trách này, hắn xưa nay liêm khiết."

Chu Hòa Sưởng gật đầu, nghĩ chút nữa sẽ bảo người trong Nội Các nghĩ chiếu chỉ, rồi hắn lại nói: "Sao đệ lại có nhiều hiểu biết về Phật Lang Cơ và Mãn Lạt Gia thế?"

Dứt lời, hắn bảo nội quan đang đứng hầu bên cạnh mang tấm bản đồ khi nãy mang tới, mở ra trên giường đất, dùng ngón tay vạch tới vạch lui, thở dài, "Thế mà Trẫm chưa bao giờ biết những chuyện này."

Vương các lão sợ Chu Hòa Sưởng cũng giống như cái vị tiểu Hoàng đế bướng bỉnh trước kia, đòi lại khởi động lại việc đi xuống Tây Dương [2], nên đã thu hết tất cả những công văn, ghi chép có liên quan tới việc đi xuống Tây Dương lại, cất đi, không cho các đại thần nhắc tới trước mặt hắn, hắn đương nhiên sẽ không tự nhiên nghĩ tới.

[2] Ý chỉ Minh Tuyên Tông. Vị Hoàng đế này từng có ý định này, hạ lệnh cho Binh Bộ trình bàn đồ, tài liệu của Trịnh Hòa lên nhưng các đại thần nói dối là đã thiêu hủy, kế hoạch bị hủy.

Phó Vân Anh nói: "Cũng là trùng hợp thôi, vừa hay trước kia thần từng tìm người của Lễ Bộ hỏi thăm chuyện này nên cũng biết một chút."

Ban đầu là do Hộ Bộ thị lang nhắc tới, hôm ấy nàng tới Hộ Bộ có việc, nghe thấy bọn họ đang thảo luận chuyện bạc trắng đổ vào Trung Nguyên đột nhiên giảm mạnh, lòng hiếu kỳ nổi lên nên đứng bên cạnh nghe một lúc. Sau đó, nàng về nhà tìm đọc sách vở, bản đồ, đúng lúc đó Hoắc Minh Cẩm lại tới tìm nàng, tiện tay cầm bút lên, vẽ ra vị trí đại khái của mấy chục quốc gia triều cống trên bản đồ, giảng giải kỹ càng cẩn thận cho nàng nghe, nàng ghi nhớ trong lòng.

Hoắc Minh Cẩm ở trên biển nhiều năm như thế cũng chẳng phải ngồi không.

Chỉ có điều chuyện này không thể nói cho người khác.

Thỏ khôn có ba hang, đường lui mà Hoắc Minh Cẩm để lại chính là ra biển nên không thể để lộ chuyện của chàng.

"Hoàng thượng, Hộ Bộ thị lang viết một tấu chương về chuyện lưu thông bạc trắng, ngài đã đọc chưa?"

Chu Hòa Sưởng nghĩ lại một lúc, "Vẫn chưa đọc, nhưng bản tấu đó có gì không ổn sao?"

Triều đình phát hành tiền giấy, cấm dân chúng sử dụng bạc trắng để ép mọi người dùng tiền giấy.

Nhưng tiền giấy lại rất nhanh bị hư hại, hơn nữa việc làm giả lại quá tinh vi, dân chúng nhất định không chịu dùng, bạc trắng dần dần trở thành phương tiện thanh toán chủ yếu khi giao dịch trong dân, đặc biệt là ở vùng Giang Nam có buôn bán, mậu dịch phát triển, trong mỗi cửa hàng đều sẽ có cân tiểu ly.

Mà bạc trắng lưu thông lại đa phần tới từ hải ngoại.

Phó Vân Anh lắc đầu: "Đợi ngài đọc bản tấu đó xong, bảo mấy vị các lão cũng đọc kỹ một lần, đến lúc đó Vương thủ phụ sẽ hiểu vì sao hôm nay vi thần phải cãi nhau với Lễ Bộ thị lang xem rốt cuộc người Phật Lang Cơ tới từ phương nào."

Chu Hòa Sưởng bật cười, "Vương thủ phụ làm khó đệ hả? Ăn trưa xong, Trẫm sẽ đọc bản tấu kia luôn!"

Phó Vân Anh cười mà không nói.

Vương các lão có suy nghĩ của ông ta, sự nghi ngờ của ông ta không hề xuất phát từ lợi ích cá nhân, chờ nàng giải thích rõ ràng, Vương các lão hẳn là có thể hiểu được nàng.

Nếu đến lúc đó ông ta vẫn không hiểu, thì cũng chẳng sao, mọi người ai cũng nghĩ cho kinh tế dân sinh, trăm sông vẫn đổ về một bể.

Nói chuyện chính sự một lát, Chu Hòa Sưởng mệt mỏi vươn vai, ngáp một cái, "Vân ca nhi, sao đệ lại xin nghỉ thế? Còn hẳn mười ngày liền! Lâu quá, có phải lại bị bệnh rồi không?"

Nói xong hắn lại đòi gọi thái y tới đây.

Phó Vân Anh ngắn hắn lại nói: "Không phải ốm đau gì... Thần sắp làm lễ cưới."

Chu Hòa Sưởng ngẩn người, miệng há hốc, nhìn chằm chằm một lúc lâu.

Rất lâu sau, hắn mới lấy lại được bình tĩnh, "Chính là cô nương nhà bình dân mà lần trước đệ nhắc đến đó hả?"

Mí mắt Phó Vân Anh giật giật, nhà bình dân gì đó chỉ là nói bừa thế thôi, sao hắn còn nhớ rõ thế cơ chứ...

Chu Hòa Sưởng đột nhiên bật dậy.

Nội quan đứng trong góc hoảng sợ, vội vàng quỳ xuống.

Phó Vân Anh cũng đứng lên.

Mặt mày Chu Hòa Sưởng trông thật kì quái, dường như có vẻ kích động, lại hơi ngơ ngác, chắp tay sau lưng, đi quanh Phó Vân Anh nhìn tới nhìn lui.

"Sao đệ không nói sớm chứ! Ta bảo Hoàng hậu giúp đệ xử lý."

Phó Vân Anh vội nói, "Đa tạ Hoàng thượng quan tâm... Nhưng mà thân phận của người nay hơi... đặc biệt, hơn nữa thần không thích phô trương, nên không định làm to."

Chu Hòa Sưởng sửng sốt hồi lâu.

Cưới vợ là việc lớn ở đời, Vân ca nhi lại làm lặng lẽ như vậy, lại còn che che giấu giấu, giấu kín như bưng... Người đệ ấy muốn cưới không phải là quả phụ hay cô gái có xuất thân không tốt nào đó chứ?

Chẳng lẽ đệ ấy định cưới nữ tử phong trần làm vợ?

Với tài năng và địa vị hiện giờ của Vân ca nhi, đệ đấy muốn cưới con gái nhà thủ phụ cũng được, một nữ tử phong trần không những không xứng với đệ ấy mà còn không có lợi cho việc qua lại với đồng liêu của đệ ấy sau này.

Nhưng mà nhìn vào thái độ của Vân ca nhi, đệ ấy nhất định rất thích nữ tử phong trần kia, vì người đó mà bất chấp tất cả.

Chu Hòa Sưởng suy nghĩ miên man, thở dài, vỗ vai Phó Vân Anh, "Thôi cũng được, người thành thân là đệ, đệ muốn làm sao thì làm thế đi."

Chẳng mấy khi Vân ca nhi thật lòng thích một người, không thể dội cho đệ ấy một gáo nước lạnh như thế.

Về phần nữ tử phong trần kia, sau này nghĩ cách ban cho nàng ta một danh vị cáo mệnh, không phải được rồi sao?

Có hắn ở đây, Vân ca nhi không cần phải cưới con gái nhà quyền quý vẫn có thể thăng quan tiến chức.

Chu Hòa Sưởng nghĩ tới nghĩ lui: Nhưng mà trước đó, hắn nhất định phải tìm một cơ hội nhìn tận mắt người kia, xem rốt cuộc là người xinh đẹp thoát tục tới mức độ nào mới có thể khiến Vân ca nhi phải khuất phục.

Vừa hay Tết nay định đi Phó gia chúc Tết, thế thì chọn đúng ngày thành thân của Vân ca nhi đi!

Tác giả có lời muốn nói:

Những vấn đề liên quan đến hệ thống triều cống, tham khảo "Vạn Lịch minh hội điển".

Phải nhấn mạnh một câu, nội dung trong truyện đều là hư cấu.

Nhưng mà nước Mãn Lạt Gia thực sự tồn tại, đại khái là ở gần eo biển Malacca hiện giờ.

Người Tiểu Phật Lang Cơ và Đại Phật Lang Cơ vốn là để chỉ người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.