Mạn Thiên Hoa Vũ - Thường Yên

Chương 42: Báo Án





Trần Thuyên siết chặt vòng tay, cả người run rẩy không thôi.

Nếu tôi đoán không nhầm, anh đang cố gắng hết sức để không bật khóc.

Tôi mím môi, biết phải làm sao bây giờ?
Vị hoàng đế đứng trên vạn người này, trước giờ luôn bình thản với nụ cười dửng dưng bên môi...!lại đang mang dáng vẻ yếu đuối trước mặt tôi...!
Tôi vỗ vỗ lưng Trần Thuyên mấy cái thật nhẹ.

Làm hoàng đế cũng có lúc khổ đấy chứ, dù mệt mỏi đến đâu cũng không có cách nào thể hiện ra bên ngoài, luôn phải duy trì dáng vẻ uy nghi của bậc quân vương.

Trần Thuyên thở hắt ra một hơi, giọng nghèn nghẹn: "Tam hoàng tử của trẫm..."
Vẫn là không nói lên lời.

Tôi ngẩn ra, trong lòng cảm thấy chua xót.

Còn nhớ rất lâu trước đây, trong một lần rảnh rỗi tìm tư liệu lịch sử về Trần Thuyên tôi đã đọc được một đoạn ngắn ngủi trong phần Gia quyến, đại khái viết: "Ba người con trai mất sớm, không rõ tên." E là "tam hoàng tử" kia chính là một trong ba người con qua đời từ nhỏ của Trần Thuyên.

Tuy rằng chưa thể gọi là người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, nhưng mất con hoàn toàn là một nỗi đau đớn mà không phải ai cũng có thể chịu được.

Tôi chưa từng trải qua, càng không biết nên an ủi sao cho phải nên chỉ đành ôm lấy Trần Thuyên thật chặt.

Anh không nói thêm lời nào nữa, duy trì tư thế gục đầu vào hõm vai tôi mà thở nhè nhẹ.

Tôi chợt nhận ra, Trần Thuyên có thể tỏ ra đau đớn trước mặt tôi, nhưng tuyệt đối không để tôi nhìn thấy được khuôn mặt anh lúc này.

Có lẽ đó là sự tôn nghiêm của một hoàng đế, cho dù là đối với bất cứ ai.

Qua một lúc lâu, hai tay của tôi dần trở nên nặng nề.

Tôi vẫn vỗ nhẹ lưng Trần Thuyên suốt từ nãy tới giờ, không dám ngưng lại dù chỉ một xíu.

"Quan gia...!Quan gia...!"
Tôi vội vểnh tai lên nghe, tiếng gọi phát ra từ phía tường lớn.

Nheo mắt nhìn, tôi thấy dưới ánh trăng sáng vằng vặc hiện ra Nhất đẳng Ngân bài Thị vệ Thành An đang ngồi vắt vẻo trên cây, bộ dáng lúng ta lúng túng.

Nhận thấy có người thứ ba trong tình cảnh này, bỗng nhiên tôi lại cảm thấy xấu hổ chết đi được.

Cứ như là bị người ta bắt gian tại trận không bằng.

Tôi khẽ đẩy Trần Thuyên ra, ngập ngừng nói: "Không biết đã giờ nào rồi, Quan gia còn phải về nghỉ ngơi để sớm mai lên triều mà, phải không?"
Trần Thuyên ấy vậy mà không nhúc nhích tẹo nào, giữ nguyên tư thế ôm chặt lấy tôi lẩm bẩm: "Không muốn!"
Đúng là dở khóc dở cười, hoàng đế hơn hai mươi tuổi đầu rồi mà còn cư xử như con nít.

Nhưng nghe chừng tâm trạng của anh đã đỡ được phần nào đó, tôi cũng có thể bớt lo lắng cho tên nhóc này đôi chút rồi.

Thành An trên cây lại cất tiếng gọi.

Vì đêm khuya thanh vắng không dám lớn tiếng nên nghe giọng y lại trở nên thều thào có chút khó nghe.

ột Nhất đẳng Ngân bài Thị vệ uy phong lẫm liệt cũng có lúc phải thậm thụt như kẻ cắp thế này.

Trần Thuyên buông tôi ra một cách chậm rãi, từ từ nâng tầm mắt, cuối cùng lại trở thành hai người đối mặt nhau.

Tựa như mọi buồn đau khi nãy đã sủi bọt mất tăm mất tích, trên gương mặt anh không còn vương lại chút tình cảm gì ngoại trừ nét dửng dưng.

Anh xoay người đứng dậy, tiện thể nắm lấy tay tôi mà kéo lên.

"Quan gia...!đã cuối giờ Tý rồi ạ..."
Trần Thuyên cũng không quay đầu lại, chỉ gằn giọng: "Lắm lời!"
Nghe tiếng "bịch" một phát, Thành An bị hoàng đế mắng một câu liền nhảy xuống đất, khuất sau tường lớn.

Cũng không biết là giận dỗi hay xấu hổ vì bị mắng mỏ đây.

Trần Thuyên siết chặt tay tôi, yên lặng nhắm mắt.


Tôi thật muốn nói cho anh biết rằng đã nửa đêm rồi và sương cũng đã phủ một lớp dày trên áo, anh còn muốn bắt tôi ở ngoài trời đến bao giờ?
"Ta phải quay về." Trần Thuyên nhẹ nhàng nói.

Tôi khẽ rút tay khỏi tay anh, mỉm cười: "Được."
Anh thở dài: "Hôm nay...!cảm ơn nàng."
Nói rồi quay lưng bước đi, nhấc chân nhẹ một cái, cả người biến mất sau bức tường cao.

Tôi nhìn theo mà thất thần, trong lòng râm ran như có kiến bò.

Mọi suy nghĩ như rơi vào trong sương mù, nhất thời không biết phải làm gì tiếp theo.

...!
Cuộc sống nhàm chán cứ như vậy mà trôi qua, loáng cái đã đến cuối tiết Hạ chí.

Thời tiết nóng nực, ngày dài đêm ngắn khiến con sâu lười là tôi đây luôn trong trạng thái bực dọc không thôi.

Một buổi sáng sớm nọ, Đoàn Nhữ Hài trở về nhà, trên người vẫn là bộ triều phục với áo bào màu tía, trên đội mũ Phốc Đầu.

Thằng nhóc này khi ăn vận hẳn hoi thì cũng ra dáng phết đấy.

Dần đỡ lấy hốt và mũ cho Đoàn Nhữ Hài rồi chạy phía trước, vội vã gào lên phân việc cho đám gia nhân: Người đi mời thầy lang, kẻ bê chậu nước đến,...!(1)
Đang uống trà ở phòng khách, tôi thấy tên nhóc Đoàn Nhữ Hài cà nhắc đi vào, ở phía dưới vạt áo còn dính đầy đất bẩn.

Đông Ly thay tôi đỡ cậu ta ngồi xuống ghế, cũng tất bật nhận lấy khăn sạch vò qua trong chậu nước rồi quỳ xuống hầu Đoàn Nhữ Hài lau qua vết bẩn trên chân.

Tôi trợn mắt nhìn Đoàn Nhữ Hài, cậu ta nhe răng cười giải thích: "Khi nãy trèo lên xe thì bị trượt chân, trán va vào thành xe, đầu gối thì đập thẳng xuống đất."
Nhìn kỹ đúng là thấy trên trán cậu ta có một cục u nho nhỏ.

Đoàn Nhữ Hài lại nói: "Hôm qua mẹ gửi về ít mứt hoa quả, dặn tôi mang biếu chú Kiến.

Vốn định hôm nay thượng triều trở về rồi ghé qua phủ Tường Quang một lát mà lại bị ngã đến mức này, hay là chị đi thay tôi nhé! Tôi không có nhiều thời gian, chừng nửa canh giờ nữa phải quay lại làm việc rồi."
Tôi nghe vậy liền giãy nảy lên: "Cái gì? Bảo tôi đến phủ Tường Quang để nhìn thấy cái bản mặt buồn nôn của Trần Thì Công ấy à, còn lâu đi! Hơn nữa giờ này chú Kiến nhất định đang ở bên phủ Kiểm Pháp rồi chứ đâu có ở phủ riêng.

Tối về cậu tự đi đi!"
"Chú Kiến" ở đây chính là Đại an phủ sứ Trần Thì Kiến, trước đây đã từng có giao tình với gia đình Đoàn Niệm Tâm khi còn sinh sống tại lộ Hồng Châu.

Sau khi tôi tham gia vào án Tấm Cám (hai chị em sinh đôi Lưu Bích Thuỷ và Ngô Linh Lan) cùng với việc mẹ từ xa trở về liền tới thăm hỏi mấy bận thì quan hệ giữa hai bên cũng dần được nối lại, thậm chí khá thân thiết.

Đương nhiên Trần Thì Kiến và mẹ chúng tôi đều không biết được câu chuyện Trần Thì Công phụ bạc khiến Đoàn Niệm Tâm oán hận mà qua đời, chỉ nghĩ đơn giản là mấy anh em chơi bời gần gũi nhau mà thôi.

Em trai Đoàn Nhữ Hài tuy rằng căm ghét Trần Thì Công đến tận xương tuỷ nhưng luôn cố gắng duy trì vẻ mặt hoà nhã mỗi khi gặp.

Đó là do nể mặt các vị bề trên và cũng vì tôi không phải là người dễ bị bắt nạt như trước đây, hơn nữa Đoàn Niệm Tâm chân chính đã qua đời, cậu ta không nhất thiết phải tỏ thái độ quá đáng làm gì.

Nhắc đến Trần Thì Công tôi lại thấy lợm giọng, tên này đúng là có số có má.

Còn chưa đến giỗ đầu của Lưu Bích Thuỷ, Ngô Linh Lan thì bị đày đi xa xứ...!một người là vợ trên danh nghĩa, một người có mối quan hệ tình cảm lâu năm...!vậy mà tới thời điểm hiện tại tôi thấy hắn đã có thể sống một cách thoải mái rồi.

Hắn không liên quan trực tiếp tới cái chết của Lưu Bích Thuỷ nhưng lại tham gia vào việc thay mận đổi đào nên đương nhiên vẫn bị cha trách phạt nặng nề, cấm túc giảm tiền tiêu các kiểu.

Tuy vậy dù sao Trần Thì Công vẫn là con trai duy nhất của Trần Thì Kiến, đương nhiên ông cũng chẳng nỡ lòng nào cứ mãi lạnh nhạt với con mình.

Còn nhớ đầu năm có lần tôi cùng mẹ và Đoàn Nhữ Hài tới phủ Tường Quang ăn một bữa cơm thân mật, tên khốn Trần Thì Công mặt dày như mo cau, cứ lằng nhằng bám theo tôi mà tỏ vẻ quan tâm.

Hôm đó nếu không phải tôi ngăn Đoàn Nhữ Hài lại thì cậu ta đã lao vào đập cho hắn một trận nên thân rồi.

Tôi không cần nghĩ cũng đoán được lý do, tuy rằng khi ấy Đoàn Nhữ Hài chưa nhậm chức Trung tán nhưng những người có dính líu đến quan trường đều biết rằng đây là một nhân cử xuất sắc do chính hoàng đế lựa chọn.

Là chị gái của quan lớn trong triều, giá trị của tôi đương nhiên cũng tăng lên đáng kể.

Điều ấy được thể hiện rõ qua việc dù năm nay Niệm Tâm tôi đã mười chín tuổi nhưng vẫn có không ít mối lái đến nhà đặt vấn đề.

Tôi và Đoàn Nhữ Hài cùng nhau xem xét kỹ càng nhân phẩm và gia thế của những người đến cầu hôn, thậm chí còn chọn ra được một vài người khá ổn.

Chỉ không ngờ ít lâu sau những gia đình từng đến cửa đều lần lượt rút lui, người báo bệnh nặng, kẻ nói cần phải đi xa...!
Em trai Đoàn Nhữ Hài tức giận, khẳng định sẽ nhớ kỹ tên từng người.

Tôi thì lại cười vui vẻ, chẳng để trong lòng: "Không lấy tôi cũng là tốt cho họ, chẳng mấy ai chịu được tôi đâu."
Cậu ta nhìn tôi một cách đầy ẩn ý: "Đúng vậy, chắc chỉ có một người thôi."
...!
Cuối cùng tôi vẫn bị Đoàn Nhữ Hài thuyết phục, tự thân mang quà đến biếu Trần Thì Kiến.

Đại khái cũng vì cậu ta đe doạ tôi, rằng muốn yên ổn chỉ ăn rồi nằm ở trong cái phủ này thì cần biết khi nào nên tiến nên lui.

Nghĩ cũng đúng, sau này nếu thật sự phải đi lấy chồng thì của hồi môn vẫn là cậu ta lo cho tôi mà.

Hơn nữa hôm nay Trần Thì Kiến sức khoẻ hơi kém nên sau khi thượng triều đã trở về nghỉ ngơi tại phủ riêng, bởi vậy tôi tới biếu quà rồi tiện thể thăm hỏi ông cũng là đúng phận con cháu.

Tôi và Đông Ly tung tăng tung tẩy, vừa đi vừa trò chuyện đủ thứ rất vui vẻ.

Đông Ly còn chỉ cho tôi vài hàng bánh đúc nổi tiếng của kinh thành, định bụng khi trở về sẽ ghé vào ăn thử.

Trẻ con chạy đầy đường phố, vui đùa đến là vui.

Tôi nghe chúng nó hát:
"...!Lươn nằm cho trúm bò vào,
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô.

Lúa mạ nhảy lên ăn bò,
Cỏ năn, cỏ lác rình bò bắt trâu..."
Tôi phì cười, quay sang bảo Đông Ly: "Bài hát gì ngộ thế!"
Đông Ly tủm tỉm: "Vè nói ngược đó ạ.

Để con hát cho cô nghe nhé?" Nói rồi Đông Ly cũng cất tiếng hát như hoà vào với đám trẻ con:
"Bao giờ cho đến tháng Ba,
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng.

Hùm nằm cho lợn liếm lông,
Mấy chục quả hồng nuốt lão tám mươi..."
Tôi liền "a" lên một tiếng: "Bài vè này tôi cũng biết! Thì ra là nó!"
Đông Ly cười hì hì: "Đúng thế, hồi còn nhỏ đứa trẻ nào cũng thuộc làu vè nói ngược mà cô."
Tôi cười không đáp, cái Đông Ly không biết chính là việc "hồi còn nhỏ" của cô và tôi không hề giống nhau.

Thời đại của tôi cách hiện tại tới bảy trăm năm về sau, chỉ không ngờ những bài đồng dao, bài vè vẫn được lưu truyền đến tận sau này.

Sức mạnh truyền miệng thật sự đáng sợ.

Tán gẫu thêm vài câu rồi cũng đến phủ Tường Quang.

"Thì ra là cô Niệm Tâm! Đức ông vừa trở về đó ạ, con mời cô vào." Tên gác cổng chỉ mấy lần gặp mà đã nhớ mặt, thấy tôi liền tỏ ra nịnh nọt.

Tôi cười gật đầu, đáp lời: "Nay nhà tôi có chút quà muốn biếu chú Kiến, quà quê đấy."
Đồng thời ra hiệu cho Đông Ly giơ bọc đồ lên cho hắn nhìn qua.

Tên gác cổng gập người đưa tay ra, ý muốn mời tôi bước vào.

Đúng lúc ấy nghe "rầm" một tiếng thật to, quay lại đã thấy Đông Ly ngã lăn, mấy gói mứt cũng bị bục ra rơi xuống dưới nền đất.

Gác cổng quát lên: "Kẻ nào?"
Bên cạnh Đông Ly là một cô bé chừng mười bốn, mười lăm tuổi đang nằm bẹp.

"Là nó đâm vào em!" Đông Ly đứng dậy, phủi quần áo rồi chỉ tay vào thiếu nữ kia mách tội.

Cô bé gắng gượng chống tay vực dậy, vẻ mặt phờ phạc, đầu tóc toán loạn.

"Cứu...!cứu mạng!" Chỉ nói được như vậy rồi lại gục xuống.

Tôi vội nhắc tên gác cổng vào mời Trần Thì Kiến, bản thân thì đỡ thiếu nữ kia dậy.


Cô bé không bị ngất nhưng cả người đang run rẩy, hơi thở dồn dập, hốc mắt hõm sâu.

Tôi nhẹ nhàng hỏi: "Em gái, em có bị thương ở đâu không?"
Thiếu nữ gật đầu, rồi lại lắc đầu.

Cô thều thào: "Gã...!gã ta bắt em uống...!Nhanh...!nhanh cứu cha mẹ, cha mẹ em chết rồi..."
Cả người cô bé lả đi, hai mắt nhắm nghiền.

Tôi vội sờ vào cổ, vẫn cảm nhận được mạch đập yếu ớt mới yên tâm.

Trần Thì Kiến được tên gác cổng dẫn ra tới nơi, có lẽ cũng nắm được đại khái tình hình nên ra lệnh cho kẻ dưới khiêng thiếu nữ vào trong.

Ông ho mấy tiếng, nhìn tôi ái ngại: "Niệm Tâm, cháu..."
Tôi biết ông không muốn tôi can dự vào chuyện này liền vội nói: "Cha mẹ cô gái kia có lẽ đang gặp nguy hiểm đến tính mạng, chú mau chóng sắp xếp người đi ạ."
Trần Thì Kiến nhíu mày, quay qua dặn dò gia nhân vài câu rồi ôn tồn bảo: "Niệm Tâm, đi theo chú."
Phía sau Đông Ly tỏ ra sốt ruột: "Bẩm cô..."
Tôi khoát tay, bảo Đông Ly về nhà báo tin rồi theo Trần Thì Kiến vào trong.

Trên đường đi bắt gặp Trần Thì Công đang cùng một cô gái tưới cây, trông bộ dáng cực kỳ tình cảm.

Tuy chưa lấy vợ kế nhưng thị thiếp thì hắn cũng có tới ba người.

Trần Thì Công nhận ra tôi đang đến gần liền buông cô gái kia ra, cất tiếng gọi: "Kìa Niệm..." Tôi đáp lại hắn bằng ánh mắt lạnh lùng.

Trần Thì Công vốn muốn bước tới liền khựng lại, không dám tiến thêm.

Lần cuối cùng gặp hắn mới là tháng trước, vì quá ngứa mắt mà tôi đã dụ hắn ra chỗ không người rồi tặng cho một cú lên gối thật mạnh.

Tôi chuyển ánh mắt xuống dưới, Trần Thì Công theo bản năng co rúm người lại, vội kéo cô thị thiếp kia chạy biến.

Cô bé khi nãy được đưa vào thư phòng của Trần Thì Kiến, hiện đang được đặt trên cáng, sắc mặt tái nhợt.

Thầy lang nhanh chóng được mời tới, bấm huyệt châm cứu các kiểu, tới khi trên trán lấm tấm mồ hôi thì cô bé mới tỉnh lại.

Trong thời gian ấy, kẻ dưới cũng xác định được đây là con gái của một gia đình buôn lụa trong thành, cũng được coi là khá giả.

Trần Thì Kiến chắp tay sau lưng, giọng đều đều như tra khảo: "Ngươi là con gái nhà buôn lụa họ Lưu?"
Lưu Tân Bình là thương nhân, thường làm ăn với người nước ngoài.

Gia đình họ có xưởng dệt lụa, đem đi chào bán ở Chiêm Thành, Miến Điện, Ai Lao...!nghe nói rất có lộc buôn bán.

Lưu Tân Bình ngoài vợ cả tên Đặng Thị Hương thì còn có hai người thiếp, tuy nhiên chỉ có ba cô con gái, đều là do vợ cả sinh ra.

Ba chị em tuổi sàn sàn nhau, lớn nhất là Lưu Huệ, tiếp theo là Lưu Thị Tân và Lưu Thị Lan.

Tôi vội ngồi xổm xuống đất, cẩn thận đỡ cô bé dậy.

Một tràng ho khan thật dài: "Bẩm quan lớn, đúng là như vậy.

Con tên Lưu Thị Lan, là con gái út trong nhà."
Trả lời có trước có sau, hẳn là đã tỉnh táo đôi chút.

"Ngươi chạy đến phủ riêng của ta là muốn báo án?"
Lưu Thị Lan giật mình, nước mắt tuôn như mưa, dường như một lời khó nói hết.

Đúng lúc ấy có nha sai đứng ngoài cửa xin được bẩm báo, Trần Thì Kiến đánh mắt muốn tôi ra ngoài cùng nghe.

Ông nói: "Cháu đã ở đây rồi, coi như cũng phần nào dính đến án này."
Nha sai nhỏ giọng thông báo tình hình một lượt, tôi nghe mà sợ hãi tới run người.

Toàn bộ gia đình Lưu Thị Lan đều đã chết, thời gian tử vong là từ đêm qua.

Nguyên nhân chính là do bị kiếm sắc đâm xuyên qua cổ, miệng vết thương đã bị co lại, đây hoàn toàn là tổn thương trí mạng.

Tuy nhiên, riêng cơ thể người cha là Lưu Tân Bình lại dày đặc những vết thương dài, nông sâu đủ cả.

Khám nghiệm tử thi khẳng định trước khi chết ông ta đã bị tra tấn bằng roi.

Chỉ một kiếm mà đã chết người, chứng tỏ hung thủ phải là kẻ có võ công cao cường, thủ pháp nhanh gọn.

Nhưng mà...!
Vì sao chỉ có người cha bị tra tấn dã man như vậy? Hung thủ là kẻ thù của ông ta? Lý do hắn giết tất cả nhưng chừa lại Lưu Thị Lan là gì? Khả năng cô bé tự mình trốn thoát không cao...!hơn nữa, nếu muốn báo án thì người dân bình thường đều biết phải đến phủ Kiểm Pháp chứ không phải là nơi ở riêng của Đại an phủ sứ...!
Có quá nhiều điểm bất thường.

Không như mong đợi, Lưu Thị Lan đã quay lại với trạng thái bấn loạn như ban đầu, đại khái cô hoàn toàn nhận thức được cái chết của gia đình mình và nỗi đau này quá lớn, Lưu Thị Lan dường như không thể chịu đựng nổi mà chỉ biết gào khóc.

Mắt thấy Lưu Thị Lan kích động muốn phát điên, Trần Thì Kiến có muốn lấy lời khai cũng không nổi.

Tôi đành khuyên ông về nghỉ ngơi một lát, để tôi ở lại với cô bé rồi tìm cách an ủi xem sao.

Trần Thì Kiến do dự hồi lâu, cuối cùng không cách nào khác ngoài việc phất áo rời đi.

Trò chuyện với Lưu Thị Lan chừng nửa canh giờ tâm trạng cô bé cũng dần dần trở nên bình tĩnh hơn, tôi dựa theo đó mà dẫn dắt cô kể lại chuyện đêm qua.

Lưu Thị Lan nói mình luôn có thói quen ngủ sớm và giấc ngủ rất sâu, thường ngủ một mạch tới sáng...!Nhưng không biết vì lý do gì mà đêm qua cô lại bị thức giấc giữa đêm, đúng khoảnh khắc mở mắt ra liền phát hiện trong phòng mình có thêm một cái bóng cao lớn.

"Đó chính là hung thủ?" Tóc gáy của tôi dựng ngược cả lên.

Lan yếu ớt gật đầu, nhẹ nhàng kể tiếp.

Gã đàn ông to cao ấy chỉ gằn giọng một câu: "Kêu lên thì tao giết!" là đủ doạ cô gái nhỏ sợ mất mật.

Lưu Thị Lan bị gã lôi tới phòng cha mẹ, nhận ra hai chị gái Lưu Huệ và Lưu Thị Tân đều đang sợ sệt ôm lấy nhau trong góc phòng.

Cha mẹ mỗi người một góc còn lại, không khó để thấy trên một bên mặt Lưu Tân Bình đang đỏ tấy, hẳn là vừa ăn một phát vả không nhẹ.

Lưu Thị Lan bị gã đàn ông đẩy một cái ngã lăn, vội vội vàng vàng lết đến ôm lấy mẹ.

Theo lời Lưu Thị Lan thì có lẽ hung thủ không phải kẻ thù của cha cô.

Gã ta nói rất ít, ngoại trừ ra lệnh ra thì một chữ cũng không mở mồm.

Lưu Tân Bình van xin đại loại mấy câu kiểu "chỉ cần mạng không cần gia tài", hoặc "ngươi nhận được bao nhiêu tiền ta đều có thể cho nhiều hơn"...!nhưng hung thủ hoàn toàn không để tâm.

Gã giày vò tinh thần cả nhà năm người một lúc lâu, cuối cùng đến màn tra tấn người cha.

Kỳ lạ ở chỗ, gã không biết từ đâu tóm được một tên mọi trong nhà, bắt hắn cầm lấy roi da mà quật liên tiếp vào Lưu Tân Bình.

Đó cũng là lý do mà những vết roi phát hiện trên cơ thể Lưu Tân Bình có độ nông sâu không đều, khẳng định lực đánh không mạnh.

Tôi đưa tay lên ra hiệu dừng lại: "Khoan đã, em nói là mọi...!gì cơ?"
Ánh mắt Lưu Thị Lan lập tức trở nên lấm lét, không dám nhìn thẳng vào tôi nữa.

Lưu Thị Lan khựng lại giây lát rồi lắc đầu quầy quậy: "Không, là gia nhân.

Chị nghe nhầm rồi."
Tôi nhíu mày một cái, tạm thời không muốn đi sâu vào chuyện này.

Cô lại khóc oà lên: "Gã ta là một tên biến thái khốn kiếp.

Gã sai tên mọi...!gia nô đánh cha, bắt cha vừa hát vừa chịu roi đòn!"
Tôi trợn mắt lên: "Gã bắt cha em hát cái gì?"
"Hát vè nói ngược, gì mà gà con đuổi bắt diều hâu, chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông...!Cha phải hát đi hát lại cả chục lần...!nếu ngưng lại sẽ bị tên khốn kia vả vào mặt."
Bên tai tôi văng vẳng tiếng đám trẻ con khi nãy, vừa cười đùa vừa ca vang: "Bao giờ cho đến tháng Ba..."
Liệu có phải là trùng hợp?
Đại khái tên hung thủ bắt bốn mẹ con Lưu Thị Lan phải ngồi đó nhìn chồng nhìn cha bị đánh, đến khi áo quần rách bươm, cả người nhuộm máu mới thôi.

Mấy mẹ con khóc sưng cả mắt, vốn còn hi vọng rằng có tra tấn đến đâu thì rồi sẽ ngưng, đột nhiên gã đàn ông rút thanh kiếm giắt bên lưng ra, trong chớp mắt đâm thẳng vào cổ họng Lưu Tân Bình.

Lưu Thị Lan sợ đến phát điên, lập tức ngất xỉu.


Không biết ngất bao lâu, tỉnh lại thì phía ngoài cửa đã nhập nhoạng ánh sáng.

Mẹ cô cùng hai chị gái đều chịu chung số phận, một kiếm đâm xuyên qua cổ họng...!đến chết mắt vẫn còn mở to như không thể tin nổi số phận mình lại kết thúc như vậy, thương tâm vô cùng.

Tên gia nhân không biết đã đi đâu, còn gã hung thủ thì ngồi vắt vẻo trên ghế, quan sát Lưu Thị Lan với vẻ mặt đầy hứng thú.

Cô gào lên gọi tên cha mẹ, khóc lóc thảm thương.

Gã hung thủ vẫn ngồi yên, chống tay lên bàn mà nhìn ngắm Lưu Thị Lan.

Qua một lúc lâu, gã ném cho cô một cái lọ nhỏ, bắt cô uống.

Lưu Thị Lan không chịu, gã lập tức cho một cái bạt tai, cô không còn cách nào khác đành phải nhắm mắt nhắm mũi nuốt vào.

Thứ chất lỏng trong chiếc lọ ấy lại có vị ngọt, tựa như nước từ một loại quả chín vắt ra.

Gã đàn ông kiểm tra lại lọ nước, xác định Lưu Thị Lan đã uống hết rồi quay ra nhìn trời.

Gã lẩm bẩm: "Vừa lúc." Sau đó cười rộ lên, nói: "Ngươi đến phủ Tường Quang báo án đi."
"Sao cơ?" Tôi bàng hoàng.

"Hung thủ bảo em đi báo án?"
Lưu Thị Lan sụt sùi khóc: "Đúng thế.

Gã còn dặn em phải tới phủ Tường Quang, bởi nay Đại an phủ sứ bị bệnh nên sẽ không có ở phủ Kiểm Pháp đâu."
Như sét đánh giữa trời quang.

Hung thủ...!thậm chí còn biết rằng Trần Thì Kiến bị ốm!
"Vì sao gã lại muốn em đi báo án?"
"Bởi..." Lưu Thị Lan khó nhọc đáp.

"Gã muốn em chuyển lời tới Đại an phủ sứ..."
Đông Ly vừa trở về bên cạnh, nghe đến đây liền theo lời tôi mà chạy ra ngoài tìm Trần Thì Kiến.

Tôi đỡ Lan dựa vào tường, sắc mặt cô càng lúc càng tối.

Trần Thì Kiến bước vào, tôi lập tức tóm tắt qua tình hình.

"Đại an phủ sứ ở đây, em mau chuyển lời đi." Tôi vỗ vỗ vào lưng Lưu Thị Lan vài cái dỗ dành.

Cô dựa vào tôi ho khan vài cái rồi lên tiếng:
"Xin Đại an phủ sứ nghe thật kỹ...!
Gánh gánh gồng gồng
Gánh sông gánh núi
Gánh củi gánh cành
Ta chạy cho nhanh
Về xây nhà bếp
Nấu nồi cơm nếp
Chia ra năm phần
Một phần cho mẹ
Một phần cho cha
Một phần cho bà
Một phần cho chị
Một phần cho anh
Ta chạy cho nhanh...!
...!Khụ khụ..."
Lại là một bài đồng dao?
Tôi và Trần Thì Kiến nhìn nhau bối rối, lời này là có ý gì?
"Tạm gác chuyện đó qua một bên, ngươi có thể miêu tả được rõ ràng diện mạo của hung thủ không?" Trần Thì Kiến cất giọng.

"Bẩm quan lớn, con nhớ rõ gã trông như thế nào, đến chết cũng không thể quên được!" Lưu Thị Lan tỏ ra kích động.

Tôi giật mình, không ngờ chính bản thân mình lại bỏ qua điểm quan trọng như vậy.

Đúng là bỏ dễ tìm khó mà.

Trần Thì Kiến không hổ là Đại an phủ sứ, biết rõ cần phải ưu tiên cái gì.

Hoạ sĩ nhanh chóng tiến vào, giấy bút trải lên bàn, sẵn sàng vẽ lại chân dung hung thủ theo miêu tả của Lưu Thị Lan.

Cô mím môi, yếu ớt nói: "Gã cao hơn con một cái đầu, khuôn mặt vô cùng dữ tợn...!Còn có..."
Lưu Thị Lan đột ngột dừng lại, cả người gập về phía trước nôn oẹ.

Nôn hết thức ăn trong bụng ra thì lại thành nôn khan, như muốn lôi cả lục phủ ngũ tạng ra ngoài.

Trần Thì Kiến giận dữ gọi thầy lang chạy vào, cuối cùng mới biết rằng Lưu Thị Lan đã trúng độc.

Nhưng là độc gì thì...!năng lực của ông thầy lang già ấy không đủ để phán đoán.

Lưu Thị Lan nôn đến mức mệt lả liền ngất đi, trong chốc lát tỉnh dậy không chịu nổi lại tiếp tục nôn oẹ.

Tôi lặng người nhìn cảnh tượng trước mắt, một đoạn ký ức không vui vẻ như tràn về.

"Chú Kiến, chú nên mời thái y Bân tới." Tôi quay sang Trần Thì Kiến, khó nhọc mở lời.

Trần Thì Kiến vỗ trán một cái rồi lẩm bẩm: "Phải rồi, Phạm Bân có ông thầy dạy chuyên về độc.

Nay lại đúng ngày nghỉ phép của cậu ta, mau...!mau đi bời thái y Phạm Bân!".

Truyện Đông Phương
Sinh mạng của Lưu Thị Lan như dần bị rút ngắn đi một ít trong thời gian chờ Phạm Bân đến.

Cô nằm sõng soài trên cáng, tì nữ hứng chậu bên cạnh, cứ một lát lại nghiêng người mà nôn ra máu.

Ngất đi, tỉnh dậy, nôn ra máu, lại ngất đi...!cứ lặp đi lặp lại suốt nửa canh giờ.

Tiếng gió phần phật, chỉ thấy Phạm Bân chạy ào ào tới, không chậm trễ mà lập tức ngồi xuống bắt mạch cho Lưu Thị Lan.

Tôi nuốt nước bọt: "Là...!nó đúng không?"
Phạm Bân nhìn tôi với ánh mắt phức tạp, rồi quay sang chắp tay chào hỏi Trần Thì Kiến.

Y chậm rãi trả lời: "Đúng vậy, là độc Chúc Đương Phong."
Trần Thì Kiến trở nên vui mừng: "Thái y Bân biết độc này sao? Vậy mau chóng giải độc giúp ta, con bé là nhân chứng rất quan trọng..."
Phạm Bân hít một hơi dài, cụp mắt rồi bước sang một bên: "Không kịp nữa rồi..."
Phía sau y là Lưu Thị Lan hai mắt nhắm nghiền, tay buông sõng chạm xuống nền đất bẩn.

Hơi thở đã dứt, cô có thể gặp lại gia đình của mình ở thế giới bên kia rồi....



Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.