Mười Hai Năm Kịch Cố Nhân

Chương 26



Cô gái ấy chúc thọ Phó lão gia xong thì phì cười: "Cha bắt cháu phải học thuộc, sợ cháu nói nhiều làm ông ấy mất mặt." Cô ấy cởi áo khoác ra đưa cho cô hầu đi theo, trên người mặc kiểu váy dài giống Thẩm Hề.

Đều từng đi du học nước ngoài, thẩm mỹ rất khác các tiểu thư, bà bé ở đây.

Cũng bởi vậy mà cô ấy nhìn Thẩm Hề lâu hơn một chút.

Trên dưới nhà họ Phó đều quen biết cô ấy, tuy rằng đến muộn, nhưng cô ấy không hề giữ kẽ, cũng không coi mình là khách, ngược lại còn tự nhiên như cô chủ trong phủ. Lão phu nhân gọi tới ngồi bên cạnh, nhưng cô ấy từ chối.

"Cháu ngồi gần lan can cùng với em sáu là được rồi ạ." Cô ấy đến gần lan can, ngồi phía sau Phó Đồng Văn.

Vừa ngồi xuống thì giả bộ như bây giờ mới chú ý đến Thẩm Hề: "Đây là?"

Cô sau nói thầm: "Là cô Thẩm, người của... anh ba."

Cô im lặng trong giây lát rồi cười nói: "Chào cô, tôi họ Cô, tên Cô Ấu Vi."

Thẩm Hề gật đầu, nhã nhặn trả lời: "Chào cô, tôi họ Thẩm, tên Thẩm Hề."

"Thẩm Hề?" Cô Ấu Vi đọc lại tên cô hai lần, một lát sau cười cười: "Hân hạnh gặp mặt."

Câu nói này, ý tứ sâu xa.

Có điều Thẩm Hề không hiểu.

Cô Ấu Vi gác một tay lên lưng ghế của Phó Đồng Văn: "Anh gặp em, một câu cũng không nói sao?"

Phó Đồng Văn vẫn nhìn về phía sân khấu:"Lần này về ở lại bao lâu?"

"Khá lâu." Cô Ấu Vi dịu dàng hỏi: "Có được không?"

Anh lảng sang chuyện khác: "Vừa nói được mấy câu đã không nghiêm túc rồi, vẫn như xưa."

"Anh muốn em nghiêm túc à?" Để tránh người bên cạnh nghe thấy, Cô Ấu Vi nói nhỏ bằng tiếng Anh "Nhưng phải nói trước, nếu em nói thật, anh không được lừa em." Cô ấy gác cằm lên mu bàn tay, giọng nói nhỏ dần: "Con người anh giả tạo lắm, có bao giờ móc tim móc phổi với ai đâu? Mười mấy tuổi đã thế rồi, hai mươi mấy, ba mươi mấy tuổi vẫn không khác gì."

Hình như Phó Đồng Văn đã nghe quen, nên mỉm cười đáp lại:"Đúng, anh đối xử với ai cũng giả tạo. Nghe anh nói còn không bằng xem kịch."

Lời anh nói hời hợt như chuồn chuồn lướt qua mặt nước, không để lại đường lui, không muốn giằng co thêm.

"Nhưng em thích anh như thế, vậy mới là anh." Cô ấy đổi sang tiếng Trung, như muốn nói cho mọi người ở đây cùng nghe.

Phó Đồng Văn lắc đầu mỉm cười, không nói gì thêm.

Một người xướng một người họa mới thú vị, nhưng chỉ có cô ấy xướng, anh không phụ họa, Cô Ấu Vi cũng cảm thấy chán ngắt, bèn yên lặng.

Cô sáu thấy Cô Ấu Vi lép vế, bèn mỉm cười ghé tai khuyên:"Chị Ấu Vi, chị vẫn chưa hiểu sao? Không ai nói lại được anh ba em đâu. Dù sao cũng có người chống lưng cho chị, không thèm để ý đến anh ấy nữa."

Cô Ấu Vi đưa tay vuốt mái tóc ngắn, thấp giọng tự giễu:"Chị chưa bao giờ muốn nói thắng anh ấy."

Câu nói tràn đầy sự mất mát.

Cuộc trò chuyện vừa rồi của họ kết hợp Trung - Anh, Cô Ấu Vi có ý không để bậc trên nghe hiểu toàn bộ.

Cô gái ấy có lẽ từng là vợ chưa cưới trong nửa cuộc đời của Phó Đồng Văn, trong quãng thời gian dài đằng đẵng xưa.

Những câu chuyện lẻ tẻ cô nghe được từ Cố Nghĩa Nhân, Đàm Khánh Hạng trước đây đều ghép lại với nhau, bên trong luôn chứa đựng tình trạng gắn bó keo sơn và cả xấp thư được cất trong căn nhà ở Thượng Hải, cũng là đau khổ quẩn quanh.

Tuy cô chưa mở những lá thư ấy ra, nhưng nhìn độ dày có thể đoán trong mỗi phong thư có ít nhất mười trang.

Ở New York cô từng gửi thư cho Phó Đồng Văn, khi ấy coi anh là ân nhân, nên khi viết câu chữ nghiêm túc và không mang nhiều tâm tư.

Nhưng họ thì khác, lớn lên bên nhau, từng có tình chàng ý thiếp, cũng từng có hôn ước, trong thư đương nhiên mở đầu sẽ là khuyên anh ăn nhiều, cuối thư thể hiện nỗi nhớ mong của mình.

...

Cô hầu thêm trà cho mọi người, tách trà của Phó Đồng Văn, Thẩm Hề, Cô Ấu Vi đều đặt cùng một bàn.

Trong làn khói trà, Thẩm Hề và Phó Đồng Văn gần như đồng thời nâng tách.

Thật trùng hợp.

Hai người bốn mắt nhìn nhau, Phó Đồng Văn tình bơ đẩy tay cô ra, đổi hai tách trà cho nhau. Anh uống trà của cô, xoay miệng trà một vòng, tìm chỗ cô đã nhấp môi vào...

Trong tiếng trống chiêng vang rền...

Phó Đồng Văn liếc nhìn cô, bình thản mỉm cười.

Tim Thẩm Hề đập thình thịch, quay đầu đi. Ạnh  vốn muốn làm cô vui, thấy vậy chỉ nở nụ cười tự giễu, từ tốn uống từng hớp trà nóng.

Từ khi Cô Ấu Vi xuất hiện, anh đã cân nhắc rõ ràng nguyên nhân hậu quả.

Mối quan hệ cha con được xoa dịu, cô ấy cũng có liên quan. Năm đó đính hôn với Cô Ấu Vi là do người lớn hai bên nhà ra sức làm mối. Anh không phản đối vì muốn lợi dụng mối quan hệ của nhà họ Cô trong chính phủ, mở rộng con đường cứu nước của mình.

Phụ nữ bình thường có bao nhiêu phần tình ý thật giả với anh, anh đều biết, huống chi là cô vợ chưa cười ngày trước.

Vì mục đích đính hôn không đơn thuần nên trong lòng Phó Đồng Văn vẫn luôn áy náy với người vợ chưa cưới quen biết từ nhỏ. Tình cảm của Cô Ấu Vi, anh không thể đáp lại, nhưng nếu cô ấy không ép anh bỏ nhà rời nước, thậm chí anh có thể cho cô ấy một cuộc hôn nhân vẹn toàn.

Đêm trước khi cô đi Pháp, anh nghe kịch trong Thì Hoa Quán, buổi tối sai người thu dọn sương phòng phía Đông.

Chưa kịp đi ngủ, bỗng Cô Ấu Vi xông vào. Cô ấy khóc lóc ôm lấy anh, không quan tâm đến thanh danh bản thân, chỉ thiếu điều trao thân cho anh vào đêm đó, ở nơi ấy. Phó Đồng Văn cố gắng an ủi, gọi Đàm Khánh Hạng đến đưa cô ấy về.

Cô ấy dần bình tĩnh lại, đôi mắt sưng húp đỏ au, hỏi xin Đàm Khánh Hạng điếu thuốc.

Trên chiếc giường lớn trong sương phòng, cô ấy kẹp điếu thuốc bằng hai ngón tay, trước mặt Đàm Khánh Hạng, nói mấy câu với Phó Đồng Văn.

Cô ấy nói anh chơi bời ở chốn trăng gió cũng là chuyện bình thường, dù sao khắp cả kinh thành này, từ văn hào cho đến công tử, ngay cả những cậu ấm của hai nhà họ Phó và họ Cô đều có bạn tình trong kỹ viện. Cô ấy yêu Phó Đồng Văn nhiều hơn anh yêu cô, sao có thể kiểm soát và yêu càu anh? Nhưng không ngờ Phó Đồng Văn lại lén nuôi một cô gái, nuôi hạng người nhơ nhớp, vô liêm sỉ như thế.

Phó Đồng Văn không ngờ cô ấy lại biết chuyện này, sau đó mới biết anh cả muốn phá hủy cuộc hôn nhân giữa hai người, để anh không còn chỗ dựa là nhà họ Cô, nên giả bộ lỡ lời, kể hết chuyện trong động thuốc phiện với cô ấy.

Cô Ấu Vi càng không ngờ rằng, mặc dù dùng thân phận vợ chưa cưới đến Thì Hoa Quán tìm anh, mặc dù đã tự hạ thấp bản thân, nhưng vẫn không làm anh ta buông bỏ mọi thứ trong nước, bao gồm cả cô gái anh nuôi trong động thuốc phiện kia.

Phó Đồng Văn của đêm đó đã ghiền nát lòng tự tôn của cô ấy.

Hai người chia tay không vui vẻ gì, sau đó chưa từng gặp lại.

Cho đến đêm nay.

Năm ấy là năm Quang Tự thứ ba mươi mốt, năm thứ hai Thẩm Hề đến kinh thành.

Chuyện Thẩm Hề được Phó Đồng Văn cứu là ngọn lửa cuối cùng thiêu rụi hôn ước này.

Vì sao Cô Ấu Vi lại trở về?

Phó Đồng Văn biết là vì anh, nhưng cũng sợ thật sự là vì anh.

Bên dưới sân khấu, tiếng khen ngợi rộ lên.

Phó Đồng Văn đặt tách trà xuống.

"Cô thích xem mấy thứ này không? Từ nhỏ tôi đã không thích rồi." Cô Ấu Vi gác khuỷu tay lên lưng ghế, kề bên vai Phó Đồng Văn với một động tác rất thân mật, tán gẫu với Thẩm Hề.

Trên sân khấu, người đàn ông bị bệnh tương tư đã lâu mà chưa khỏi, cô gái khóc nhòe cả lớp trang điểm, muốn làm vợ anh ta.

Ngược lại bên dưới là một cảnh khác.

Thẩm Hề và Cô Ấu Vi nói từ tàu điện ngầm New York cho đến kiến trúc ở Mỹ và châu Âu rồi nói đến châu lục nào không cho phép người da trắng và người da đen kết hôn với nhau. Mới đầu chỉ có hai người nói, sau đó đám con cháu ở tầng hai đều bị thu hút, người lanh lợi còn chạu đến nghe. Bậc bề trên cũng không còn lòng dạ nào nghe kịch, sự chú ý đều dời sang hai người họ.

Ban đầu chỉ là cuộc thảo luận bình thường.

Sau đó càng lúc càng gay gắt, Thẩm Hề nói đến Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York, cô ấy liền kể về cung điện Louvre ¹; Thẩm Hề nói mình học y, cố ấy khăng khăng bảo châu Âu mới là nói bắt nguồn y học tim mạch, như muốn so cao thấp với Thẩm Hề. Thẩm Hề không phải người thích tranh luận, mỗi lần đều lặng lẽ chấm dứt để cô ấy thắng.

¹ Cung điện Louvre là một cung điện cũ của hoàng gia Pháp nằm ở bờ phải sông Seine thuộc trung tâm thành phố Paris từ nhà thờ Saint-Germain-l" Auxerrois đến vườn Tuileries. Ngày nay phần lớn diện tích cung điện được sử dụng cho bảo tàng Louvre, một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới.

Hôm nay Phó Đồng Văn được đặc xá mới có thể bước chân ra khỏi viện.

Hơn một trăm ngày cách ly với thế giới, tình hình nhà họ Phó, thời cuộc ở bên ngoài họ đều chưa làm rõ, cách tốt nhất là giữ im lặng, không tranh cãi với "khách quý". Điểm này Thầm Hề vẫn hiểu.

Thắng thua nhất thời không có tác dụng gì, thắng bằng miệng càng không làm được gì, phải giúp Phó Đồng Văn thoát khỏi cấm túc, để anh rảnh tay rảnh chân làm việc mới là quan trọng.

Cô cụp mắt uống trà, tự an ủi như thế.

Qua khóe mắt, cô thấy Phó Đồng Văn đang liếc mình.

Vở kịch hạ màn, người ở tầng trên ồn ào không ngớt, thi nhau ném tiền xuống.

Vừa ném tiền kẽm và tiền đồng xong, cô sáu liền nhõng nhẽo với Phó Đồng Văn xin anh thêm. Phó Đồng Văn cười không trả lời, nháy mắt ra hiệu cho Vạn An đứng bên cạnh. Vạn An chạy xuống, nhanh chóng bưng một cái khay gỗ lim lên, lật tấm vải đỏ bên trên ra, đồng Viên đại hầu chất thành nhọn núi nhỏ. Mấy cô tiểu thư đều ngạc nhiên không dám thở.

"Đúng là càn quấy." Lão phu nhân cười trách móc, "Ném đồng này xuống trúng vào người ta thì gay."

"Cha mừng thọ, phải có điềm may mới được. Vạn An, bảo mọi người tránh ra."

"Vâng."

Vạn An thò người xuống, hét to rằng, sắp ném Viên đại đầu, cẩn thận bị ném trúng.

Họ hàng và con hát phía dưới đều mừng rỡ, xô đẩy nhau chạy khỏi sân khấu, ngửa cổ lên nhìn tầng hai.

Phó Đồng Văn cầm một nắm Viên đại đầu tung hết xuống dưới, từng nắm tiền to lấp lánh lóa mắt dưới ánh trăng và ánh đèn, rơi xuống sân khấu như mưa đá.

Trong phút chốc vang lên tiếng đùng đoàng, có người đốt một dây pháo, náo nhiệt như đang đón năm mới.

Người ở bên dưới cười nói giòn giã, còn hét to đòi thưởng.

Lần này cô sáu cũng ra tay, dẫn đầu tốp chị em, bắt chước Phó Đồng Văn ném từng nắm tiền xuống. Những người ở tầng một không ngừng hò reo, các cậu ấm cô chiêu trên tầng hai cũng cười không ngớt.

Mấy vị phu nhân, các bà dì thấy đám trẻ chơi đùa thỏa thích cũng hào hứng theo.

"Chú ba đúng là biết tạo khí thế, ngày mai chuyện này truyền ra ngoài, cha lại càng nở mày nở mặt." Cậu hai cười nói với lão phu nhân.

"Đúng thế." Mợ hai cũng nói thêm vào, "Con thấy sắp hết năm rồi, đoàn kịch sẽ tới các phủ diễn, tin này ắt càng được lan truyền nhanh hơn."

"Đồng Văn chưa từng làm người khác xấu mặt." Lão phu nhân cũng góp lời.

Mấy bà dì thích cậu ba này, toàn bộ đều phụ họa theo.

Đèn đuốc sáng trưng, âm nhạc vang trời, gia đình hòa thuận.

Trong bầu không khí vui vẻ, ngay cả cậu cả Phó cũng không thể không hùa theo nói tốt cho Phó Đồng Văn.

Tuy Phó lão gia không thể hiện gì, nhưng tâm trạng khá tốt, ông nhìn Phó Đồng Văn:"Tối nay mới thấy đàng hoàng. Nếu hiểu nỗi khổ của cha thì lấy Ấu Vi đi, đây mới là hiếu thuận với cha."

Phó Đồng Văn đứng cách xa ông, hai tay đút vào túi quần, tựa người vào cột nhà nhìn khung cảnh náo nhiệt bên dưới.

Bởi cấm túc bốn tháng và bệnh lâu ngày, nên gương mặt anh gầy gò hơn trước.

Vài ba chiếc đèn lồng đỏ treo trên tầng hai xoay tròn theo gió, những chữ "phúc" dán trên đó thoắt ẩn thoắt hiện. Trong ánh lửa đèn lồng, mắt anh cũng chợt sáng chợt tối, khi sáng là trăng soi xuống mặt hồ, sóng nước dập dềnh, khi tối là mưa rơi nơi núi thẳm, cảnh sắc mênh mang.

Khi tan tiệc, Phó lão gia dặn Phó Đồng Văn tiễn Cô Ấu Vi về.

Vạn An đưa Thẩm Hề về viện, dù lo lắng trong lòng cô không thoải mái, nhưng không biết phải khuyên thế nào, dọc đường đi ngắc nga ngắc ngứ nói từ ánh trăng đến thời cuộc hiện giờ, muốn bắt chước dáng vẻ lo cho nước cho dân của Phó Đồng Văn, có điều chưa nói được hai câu đã bí từ, càng khó xử.

"Tôi tới thư phòng, anh đi ngủ đi." Đến trước cửa phòng chính, cô không muốn vào.

Tâm trạng buồn bực.

"Muộn thế này rồi, cô Thẩm tới thư phòng làm gì?"

Cô cười gượng:"Dọc đường anh đều tìm đủ cách để tôi vui vẻ, vậy thì đang làm gì?"

"Tôi biết cô không vui...Nhưng không hiểu đến thư phòng thì có tâc dụng gì?"

Thẩm Hề vén tấm rèm bằng vải bông lên, cười đáp:"Tìm vài cuốn sách đọc giải sầu."

"Cũng đúng." Vạn An tưởng là thật, "Vậy cô đọc nhiều sách vào, để nguôi giận."

Thẩm Hề vào thư phòng, không cười nổi nữa.

Tối nay, cô có thể nhìn ra Cô Ấu Vi quay về vì muốn nối lại tình xưa với Phó Đồng Văn cũng có ý tác thành... Cô lấy mấy cuốn sách trên giá, ngả người lên chiếc sập bên cửa sổ.

Căn phòng này không ấm áp như phòng ngủ, chỉ có hai bếp than sưởi ấm đang cháy. Thẩm Hề sợ lạnh, phủ lên chân tất cả những gì có thể đắp được. Góc tường đặt một chiếc đồng hồ để sàn kiểu Tây khá cao, phóng to vô hạn từng giây từng phút trôi qua.

Cô cúi đầu đọc sách một lát, nhưng trái tim vẫn không yên, bèn gối đầu lên sách, giận dỗi nghĩ rằng tôi nay ngủ ở đây cũng được. Chỉ ngồi xe hơi đi tiễn người thôi mà mất nửa tiếng, anh muốn tiễn khỏi thành Bắc Kinh à?

Gió thổi xào xạc, gõ vào giấy hoa dán cửa¹, lòng cô thêm nặng trĩu.

¹Trích Hòa tự khuyến nhị thủ (Tự khuyên mình bài 2) của Bạch Cư Dị.

Gió lạnh thổi vào mặt, rèm vải bỗng lay động.

Anh về rồi ư?

Thẩm Hề dằn lòng, không mở mắt, muốn nghe anh mở lời trước.

Nhưng không ai lên tiếng, cô giả bộ nhắm mắt rất lâu, mí mắt còn run lên vì chột dạ. Một lúc sau, cô không thắng nổi Phó Đồng Văn, bèn mở mắt ra tìm anh.

Đúng lúc thấy anh tựa vào giá sách cười tủm tỉm nhìn mình, dường như đã đợi rất lâu.

Thẩm Hề chống tay, ngồi thẳng lên, sửa lại mái tóc:"Em ngủ quên mất."

"Lần sau muốn ngủ ở đây thì dặn dò người làm đốt thêm mấy chậu than." Anh cười, cầm một cuốn sách đến bên sập, không cởi giày, nghiêng người tựa vào vai cô.

Em vẫn đang giận đấy...

Thẩm Hề nhìn anh trách móc, dịch người tránh khỏi anh.

Nhưng có lúc anh nổi tính xấu xa, quên mất thân phận và tuổi tác của mình, như cậu thiếu niên quần là áo lượt mười mấy tuổi, như anh của lúc này, dù cô có tránh thế nào, anh vẫn cứ tựa lên vai cô. Tựa tới tựa lui rồi lại dồn cô vào góc tường, cuối cùng hài lòng dựa vào người cô:"Anh oan quá, đưa người ta ra thì xe bị hỏng, phải chờ người nhà cô ấy tới đón, hứng gió một hồi nên nhức đầu quá." Anh dừng lại rất lâu, không lên tiếng nữa.

Ngủ rồi ư? Đau đầu sao? Có muốn uống chút gì để ấm người không?

Vừa mới lo lắng thì chợt nghe anh cười hỏi:"Ương Ương, em nói xem, đầu đau thế này, lại còn thấy em không vui vẻ, có phải anh rất đáng thương không?"

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.