Tôi đứng trên tường thành nhìn ngọn cờ tung bay trong gió, thấy chị Anh Nguyên đang dùng ánh mắt vui sướng trông về phương xa, bèn đẩy vai chị nói nhỏ:
- Lần này còn có việc vui hơn cả thắng trận nữa đấy!
Chị Anh Nguyên vẫn còn đang trong trạng thái lâng lâng nên chẳng thèm xem tôi là ai mà bâng quơ đáp:
- Có sao? Là chuyện gì thế?
Tôi kề tai chị thì thầm:
- Lần này thắng trận công lao của chị không ít đâu!
- Hả, sao vậy? Lần này chị đâu ra chiến trường? – Chị Anh Nguyên giật mình hỏi.
Tôi làm bộ dáng thần bí bảo chị:
- Tuy chị không ra chiến trường, nhưng anh Ngũ Lão của chị lấy chị làm quyết tâm đấy. Anh ấy nói với cha nếu như thắng trận này, anh ấy xin cha được lấy chị làm vợ. Cha cũng đồng ý rồi nhé! Lần này đúng là hai việc vui cùng đến một lượt, chúc mừng chị lấy được tấm chồng như ý nhé!
Chị Anh Nguyên kinh ngạc nói:
- Vậy nếu lỡ thua thì sao, anh ấy mạo hiểm thật!
À cái này, xem ra chị Anh Nguyên còn gấp gáp hơn cả Phạm Ngũ Lão nữa. Tôi nhất thời không biết trả lời chị làm sao.
- Thua keo này bày keo khác, chiến đấu còn dài, sợ gì không có chiến thắng. Còn nếu anh ta không thắng trận nào thì làm sao xứng đáng với chị được. Dù sao cũng thắng rồi, chị Anh Nguyên rốt cuộc cũng có người chịu lấy rồi.
Chị Anh Nguyên trừng mắt nhìn tôi:
- Nói cứ như không ai thèm lấy chị vậy!
Tôi khoanh tay nhìn chị cười châm chọc:
- Đương nhiên không phải, vẫn còn một người là Văn Chiêu hầu sẵn sàng lấy chị đấy thôi! Chỉ tiếc là anh ta đã hàng giặc, nếu không chắc cũng không buông tay dễ dàng vậy đâu hả?
- Ai thèm lấy tên Trần Lộng đó chứ! – Chị Anh Nguyên nhỏ giọng trách.
Tôi bật cười, lại vô thức nhìn lên bầu trời thênh thang. Quân của Chiêu Minh vương và Phạm Ngũ Lão hiện tại chắn giữ ở Thanh Hóa như một tấm khiên vững chắc khiến tôi không thể an tâm hơn.
Bởi vì có tấm khiên vững chãi đó nên tôi cùng chị Anh Nguyên đi lại giữa hậu phương và tiền tuyến như đi chơi hằng ngày mà không chút sợ hãi, ban đầu Trần Khâm còn lên tiếng can ngăn, nhưng rốt cuộc cũng phải thất bại trước tôi. Nhân lúc được rảnh rỗi, Quốc Tảng lại bắt đầu công cuộc làm thầy của mình, có điều lần này đối tượng lại là thái tử và Quốc Chẩn của tôi, thật làm tôi nhớ đến khoảng thời gian lúc mới vào phủ đệ Vạn Kiếp. Thời gian như bóng câu qua cửa, chỉ có ta là càng lúc càng già đi.
Tôi trở về đương lúc buổi học kết thúc, nhìn thấy nhóc Thuyên và Quốc Chẩn ở phía xa xa đã cất dây cương, bèn thúc ngựa lại gần thì nghe nhóc Thuyên nói với Quốc Tảng:
- Bác Tảng đúng là người tài năng vượt bậc, thật đáng tiếc!
Tôi còn đang lắng tai nghe nó nói tiếc cái gì thì bỗng chưng hửng:
- Nếu không được làm con trai bác thì hi vọng sau này con được làm con rể bác!
Tôi nhìn thằng nhóc mới tám chín tuổi đằng kia, trong đầu chỉ suy nghĩ duy nhất một câu, đúng là tuổi trẻ tài cao. Ai ngờ trong lúc tôi còn chưa kịp hoàn hồn, thì thằng bé Quốc Chẩn cũng nói:
- Con rể là gì ạ? Con cũng muốn làm con rể ạ!
Tôi nhìn Quốc Tảng vẫn còn là một chàng trai độc thân hoàng kim, khuôn mặt anh ta ấy vậy mà lại có chút ửng hồng. Chị Anh Nguyên xuống ngựa chạy đến bên hai đứa nhóc, cười bảo:
- Được thôi, vậy anh ba sinh hai đứa con gái là được, không ai sợ mất phần!
Gương mặt của Quốc Tảng càng đỏ hơn.
Có tiếng ho khan đằng sau, tôi quay lại thì thấy Trần Khâm đã đứng đó từ lúc nào. Anh ta bước về phía hai thằng nhóc, giả vờ nghiêm khắc nói:
- Chuyện hôn nhân là do cha mẹ định đoạt, có ai tự định hôn nhân bao giờ. Nhưng nếu anh ba không chê, thì cứ quyết định vậy nhé!
Lần này một người chính trực như Quốc Tảng vốn không nói được câu nào. Tôi giơ ngón cái, cha con nhà này bắt dâu cũng thật điệu nghệ, mấy lời như vậy cũng có thể tuỳ tiện nói ra. Dù sao hiện tại anh tôi tới vợ cũng chưa có, chiến tranh cũng còn đang căng thẳng, chuyện đó thật quá xa vời.
Mãi nghĩ ngợi, trên nền trời đã chuyển đầy mây đen từ lúc nào, cơn gió mang theo hơi ẩm thổi tung đất đá, trong vô thức tôi nhìn thấy Quốc Tảng loay hoay một tay bồng bế Quốc Chẩn, một tay dắt nhóc Thuyên quay trở về doanh trướng, anh ta va phải ánh mắt của tôi, cũng có chút ngẩn ngơ. Tôi phì cười, trong cơn mưa rào đầu mùa hạ, trước mắt tôi đã không còn là chàng trai đứng dưới mái đình năm đó nữa rồi.
Trần Khâm cởi tấm áo choàng trùm lên đầu tôi, đưa tôi đứng nấp dưới tán cây đa già, tôi nhìn người cha chẳng có chút gì là trách nhiệm, liền mở miệng chọc ngoáy:
- Cũng chẳng biết là con ai đây?
Trần Khâm cười ha ha nhìn tôi:
- Con của ta nhưng sớm muộn gì cũng là con rể của anh ấy!
Tôi nhìn vẻ tự đắc trên mặt anh ta, từng nghe con dân nuôi từ bé chứ chưa nghe con rể nuôi từ bé bao giờ, gã này rõ ràng là muốn tìm chỗ trút đi gánh nặng đây.
Trước mặt vẫn cứ mưa lớn không dứt, trận mưa đầu mùa này như trút cạn hết nước của trời, khiến quần áo tôi cũng bị tạt ướt hết cả. Trần Khâm choàng tay qua vai tôi, khẽ đặt lên trán tôi một nụ hôn sâu, tôi cảm nhận được hơi ấm từ người anh truyền qua, như một dòng lửa nóng bỏng chạy dọc thân thể, khiến cơn mưa ngoài kia cũng không còn lạnh buốt nữa. Anh nhìn xa xăm, nói như một lời tuyên thệ:
- Trong vòng ba tháng nữa, ta sẽ đưa em trở lại điện ngọc cung son!
Tôi không biết Trần Khâm lấy tự tin từ đâu để nói ra câu nói đó, khi quân ta vẫn áng binh bất động trước sự chắn giữ của Chiêu Minh vương. Nhưng trong suốt tháng tư, trời cứ lúc nắng gắt cháy da, lúc thì mưa âm ỉ không dứt, khiến tôi cũng dần nhận ra được điều mà Trần Khâm đã nhìn thấy từ lâu. Bản thân tôi không hề thấy khổ cực gì khi phụng sự cho non sông, nhưng nghĩ đến cảnh dân chúng phải sống trong cảnh ly tán đói khổ, tôi lại càng mong chiến tranh kết thúc nhanh một chút. Lần này đúng là ông trời cũng giúp muôn dân ta.
Không, chính là những lúc chần chừ và những cuộc đuổi bắt không hồi kết nhằm kéo dài thời gian để có thể đi đến thời khắc thiên thời địa lợi của lúc này.
Cũng trong tháng tư, tôi được tin Trần Kiện bị bắn chết bởi một gia tướng của cha tôi ở Chi Lăng, khi hắn ta đang được người Nguyên đưa về phương Bắc. Đúng như câu thiên bất dung gian, quả báo đến sớm cho những kẻ lòng lang dạ sói cõng rắn cắn gà nhà. Tôi chỉ hy vọng khi nghe được tin tốt này, chị Thuỵ Hữu có thể mở lòng hơn với anh tôi, dù sao kẻ đã làm hại chị cũng đã chết, những việc đó có thể mãi mãi chôn vùi xuống lòng đất rồi.
Đầu tháng năm, tin tức từ chỗ của Trần Ích Tắc truyền đến, rằng quân Nguyên vì những trận mưa lũ kéo dài mà dẫn đến ngập lụt trong doanh trại, thuyền chiến hư hại và binh sĩ phần lớn cũng lâm vào vòng bệnh dịch hoành hành. Tôi từng nghe qua phương Bắc vốn khô hạn, huống gì là nơi đại mạc Mông Cổ khô nóng, nước mưa quý như dầu, chắc là bọn chúng chẳng thể nào đón nhận được ơn huệ của trời đất phương Nam, đúng là từ một con hổ trên chiến trường biến thành một con mèo ốm đói.
Tin tức này đối với chúng tôi như nắng hạn gặp mưa rào, hóa ra thời cơ mà cha tôi nói chính là lúc này đây, toàn quân như được tiếp thêm sức lực, chỉ cần một mồi lửa là bùng lên cháy cả khu rừng.
Trong lúc quân Nguyên bị mưa đầu hè làm cho ốm đau bệnh tật, thì tôi ở Thanh Hóa cũng rơi vào cơn sốt mê man. Vốn sức khỏe tôi cũng không tốt bằng người khác, cho nên lần đổ bệnh này giống như giọt nước tràn ly thế thôi.
Lúc tôi mơ màng tỉnh lại cảm giác bên cạnh có người, thì ra là Thụy Hương vẫn luôn túc trực. Tôi nhìn sắc trời bên ngoài đã ngả sang màu đen sẫm, thầm nghĩ mùa này trời lâu tối, bên ngoài như vậy chắc cũng trễ lắm rồi.
Thằng bé Quốc Chẩn là người phát hiện ra tôi tỉnh lại đầu tiên, lập tức cười hô vang cả căn phòng. Ngoài Thụy Hương và Quốc Chẩn, còn có chị Trinh, nhóc Thuyên và mẹ tôi cũng có mặt ở đây, cả chị An Hoa cũng đang ngồi uống nước lạnh ở bàn tròn phía trước mặt. Tôi bám vào tay Thụy Hương nặng nề ngồi dậy, khẽ hỏi:
- Chiến sự thế nào rồi ạ?
Mẹ tôi lau nước mắt rơm rớm trên đôi mắt đã hằn dấu chân chim, nhỏ giọng quở trách:
- Đã bệnh đến mức này rồi, đừng mải quan tâm đến đấm đá ngoài kia nữa. Để cha và các anh con lo!
Tôi thở dài nhìn mẹ. Chiến sự như một tảng đá treo nặng nơi đầu quả tim tôi, cho dù đã quen với sự ác liệt của nó nhưng tôi vẫn không thể thả lỏng một giây một phút nào.
Chị Trinh bỗng đứng dậy bước về phía tôi, ngồi xuống bên cạnh tôi chậm rãi nói:
- Thắng rồi đấy em!
- Nhanh thế ạ? Là thắng như thế nào? Ai đã lập công vậy chị?
Tôi thoáng vui mừng, nhưng trong khoảng thời gian nằm trên giường bệnh đúng là tôi chẳng mảy may biết được sự tình bên ngoài, riêng Trần Khâm có vẻ cũng không muốn tôi lo nghĩ nên chỉ một mực dặn tôi yên tâm nghỉ ngơi. Chỉ là không ngờ trong một lúc mê man, tỉnh lại đã truyền về tin thắng trận khiến tôi có chút hoảng hốt đến mức không thể tin được. Bởi vì từ đầu trận đấu đến nay, chưa có một chiến thắng nào nhanh chóng như thế cả.
Chị Trinh còn chưa đáp lời, giọng nói của thằng nhóc Thuyên đã vang lên:
- Mẹ để con trình bày cho ạ!
Tôi nhìn thoáng qua nó, thấy thằng nhóc này hôm nay bày đặt học điệu bộ trầm tĩnh của Quốc Tảng, nhấc tay nhấc chân hết sức điềm nhiên, nhưng trông qua những cử chỉ đó ở trên người một thằng bé sắp lên chín thì có vẻ hơi kỳ cục. Thằng nhóc thấy tôi nén cười, bỗng ngượng ngùng gãi đầu, không được tự nhiên nói:
- Mọi việc là thế này, toàn quân của chúng ta chia làm hai hướng đông tây phản công lên doanh trại của Toa Đô và Ô Mã Nhi ở Tây Kết. Phía đông thì do ông ngoại chỉ huy thuỷ quân vượt biển quay về Thiên Trường và Trường Yên, len lỏi qua các sông nơi quân Thát đã rệu rã. Phía Tây do ông nội và cha cùng với ông Chiêu Minh chia làm hai đường thuỷ bộ đi dọc theo hướng sông Nhị Hà về kinh, hiện tại ông ngoại đã đánh bại Lưu Thế Anh cùng một vạn quân ở ngã ba sông Nhị Hà rồi đấy ạ! Bọn chúng không kịp trở tay, chúng ta đang là người nắm giữ tình thế.
Tôi "à" một tiếng, thì ra tất cả mọi người đều đã sẵn sàng hết cả, chỉ cần một hiệu lệnh là ngay lập tức ra tay. Lần này bọn Toa Đô và Ô Mã Nhi thất bại nhanh chóng, chắc là do bọn chúng không ngờ đến được quân ta ấy vậy mà lại dám chủ động tấn công, hơn hết là bọn chúng chẳng hề hay biết tình hình hiểm nghèo của bọn chúng đã bị tiết lộ về phía địch thủ. Ba tháng mà Trần Khâm nói, sợ là quá dư dả rồi.
Tôi dùng ánh mắt tán thưởng nhìn nhóc Thuyên, mới mấy ngày ở cùng Trần Quốc Tảng mà ăn nói đã trôi chảy hơn trước rất nhiều, đúng là trò giỏi nhờ có thầy hay.
Chị Trinh cũng cười nói với tôi:
- Tin tức của quan gia cũng truyền tới rồi, toàn bộ vùng đất từ Thanh Hóa đến Khoái Châu chúng ta đã kiểm soát được. Em hãy mau khỏe lại, ta cùng trở về Phượng Thành thôi!
Trong cái oi nóng đang dần xuất hiện của tiết trời Thanh Hóa, tôi bỗng thấy được mùa sen tháng sáu rực rỡ của Phượng Thành. Trong lòng tôi tin chắc, ngày quay trở lại sẽ là ngày sen nở rực rỡ nhất giữa hồ Thủy Tinh.
Hai ngày sau, tôi cùng đoàn quý tộc bắt đầu lên đường trở về kinh kỳ, hai bên đều có cấm vệ quân gươm giáo chỉnh tề theo hầu. Tôi cùng Trần Thì Kiến cưỡi chiến mã đi trước, mặc dù giữ trọng trách đưa người an toàn về kinh nhưng không phủ nhận trong lòng có cảm giác bị bỏ rơi. Trần Thì Kiến cưỡi ngựa song song với tôi, giở giọng châm chọc:
- Không tin được ngoài kia đang binh hoang mã loạn mà em Tĩnh vẫn bình tĩnh ở đây sóng vai với ta được!
Tôi liếc anh ta, đáp:
- Dù sao tôi vẫn không hoàn toàn tin tưởng anh được!
- Tiếc cho chúng ta đã vào sinh ra tử bao phen! – Trần Thì Kiến giả bộ thở dài.
Tôi vô thức thúc ngựa nhanh hơn, bên tai như có tiếng hô hào sát Thát của quân binh cùng tiếng va đập vào nhau của đao kiếm. Việc đưa tất cả mọi người an toàn trở về cũng là một nhiệm vụ lớn được đặt ra, mặc dầu so ra tôi vẫn muốn cùng Hoài Văn quân sống chết có nhau ở chiến trường hơn là nhàn tản dong ngựa như thế này.
Buổi hừng đông đoàn người nhổ trại tiếp tục lên đường, tôi bỗng thấy phía xa xa có đoàn người ngựa rẽ gió rầm rập lao tới. Nhưng từ khẩn trương, tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, trong lòng còn tràn ngập nỗi hân hoan.
Đúng là cầu được ước thấy, phía xa kia chính là đội quân với lá cờ thêu sáu chữ vàng. Thấy tôi đứng sững người nhìn về một hướng, Trần Thì Kiến lại nói:
- Hoài Văn quân không bỏ rơi em nhỉ?
Đúng là Hoài Văn quân đã trở lại, chàng trai trẻ dong ngựa chạy đằng trước chẳng ai khác chính là thủ lĩnh của Hoài Văn quân – Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản. Cậu ta hiên ngang dừng ngựa trước tôi, giọng điệu có chút gấp gáp lẫn vui mừng, không chần chừ nói:
- Chiêu Văn vương sai tôi đến báo tin, chúng ta đại thắng ở Hàm Tử, thắng vô cùng vẻ vang và sảng khoái khiến bọn chúng không kịp trở tay. Cả Hàm Tử quan và Tây Kết đều treo cờ Đại Việt rồi, chị không thấy được bọn Toa Đô và Ô Mã Nhi cuống cuồng chạy trốn thế nào đâu. Toa Đô cất quân từ Tây Kết đến Hàm Tử chi viện, Hoài Văn quân bèn đưa người phục kích Tây Kết, lần này Hoài Văn quân của chúng ta lập công to rồi!
Tôi như được bước vào câu chuyện đáng tự hào của Trần Quốc Toản, trước mắt tôi là cảnh khói lửa chém giết nơi sa trường, Trần Nhật Duật mặc chiến bào màu bạc sáng choang cầm thương cưỡi ngựa chiến chỉ huy ba quân giết giặc. Trần Quốc Toản cũng oai phong không kém, trong vài chiêu đã chém được đầu chục tên. Hoài Văn quân trên người nhuốm máu địch không chút nao núng hay run sợ. Tất cả quyện lại thành một bức tranh nhuốm màu bi tráng hiện trong đầu óc tôi. Tôi vui sướng đến nỗi nước mắt rơi lúc nào cũng không biết, tâm trí vẫn còn bị cuốn theo câu chuyện hấp dẫn mà Trần Quốc Toản vừa kể xong.
Trần Quốc Toản vẫn còn đang chìm trong hồi ức, lại tiếp tục thao thao bất tuyệt:
- Chị không biết cảnh bọn người Nguyên trông thấy đội quân người Tống của Chiêu Văn vương liền hoảng loạn thế nào, Chiêu Văn vương chỉ cần dùng vài mũi tên giấy ly gián đám người Tống chiến đấu trong hàng ngũ quân Mông Cổ, đã khiến bọn chúng nội bộ lục đục rồi, đa phần chuyển sang đầu hàng quân ta. Lần này kể ra Triệu Trung và Triệu Ngọc Hoa cũng đóng góp công lao không nhỏ.
Tôi quệt nước mắt, mắt tròn mắt dẹt hỏi:
- Triệu Ngọc Hoa? Là ai vậy?
Trần Quốc Toản giật mình nhìn tôi, trông bộ dạng có chút ngơ ngác, hình như cũng không ý thức được mình nói gì.
Trần Thì Kiến bỗng ho khụ khụ mấy tiếng, cảm thán:
- Hồng đậu sinh Nam quốc, Xuân lai phát kỷ chi!
Lúc này Trần Quốc Toản mới hoàn hồn, đỏ mặt quát:
- Ăn nói xằng bậy!
Tôi dùng ánh mắt đồng cảm nhìn Trần Thì Kiến, cảm thấy anh ta chỉ tiện miệng đọc hai câu thơ không đầu không đuôi cũng chẳng quá đáng gì, chỉ có kẻ có tật giật mình là Trần Quốc Toản là đang chột dạ thôi. Ái chà, không nói không nhớ, thiếu niên này năm nay cũng đến tuổi lấy vợ rồi.
Nói một hồi mới biết, hoá ra Triệu Trung là hoàng tử nước Tống đã vong quốc, anh ta cùng tàn binh được Trần Nhật Duật giữ lại ở vương phủ, còn Triệu Ngọc Hoa thì là em gái của anh ta, cũng chính là công chúa nước Tống. Nếu như là trước kia khi nước Tống chưa vong thì đúng là Trần Quốc Toản với cao, nhưng với tình hình hiện tại xem ra Trần Quốc Toản còn hơn cô gái kia một bậc. Tôi cười tà nhìn cậu ta, lại bị cậu ta lườm một cái sắc lẹm. Đúng là đồng sinh tử trên chiến trường thật dễ nảy sinh tình cảm với nhau.
Trần Quốc Toản trở về lần này, tuy nói để báo tin chiến thắng và giúp tôi hộ tống quý tộc về kinh, nhưng theo lời Trần Thì Kiến nói hôm ấy, Hoài Văn quân tuy là đội quân của Trần Quốc Toản, nhưng mất tôi như thiếu nửa linh hồn, đặc biệt trở về đợi tôi. Tôi cảm động nhìn Trần Quốc Toản, thấy cậu ta ngoảnh mặt sang bên, nhưng cả đội quân đều hướng về phía tôi chắp tay cúi đầu, thật làm người ta dâng trào xúc cảm.
Đoàn người ngày đi đêm nghỉ rồng rắn thêm hai ngày thì đến được chỗ đóng quân của quan quân ở Khoái Châu. Lúc này Hàm Tử và Tây Kết đều đã không còn bóng giặc, bọn chúng đều mạnh ai nấy chạy về phía đông, toan rút ra ven biển. Lúc tôi tới nơi thì cha tôi đã đưa quân ngược về Vạn Kiếp, chuẩn bị đón quân Nguyên rút chạy. Không phủ nhận trong lòng tôi vẫn có chút gì đó bất ngờ, bởi mới ngày nào bọn chúng còn ráo riết truy đuổi quân ta, mà hiện tại mọi thứ gần như đảo ngược. Thoát Hoan, một người tự mãn như anh ta làm thế nào để chấp nhận thế cục này đây?
Tôi dong ngựa dọc bờ sông Nhị Hà, quân binh đang thu dọn thế cục. Giữa ánh tà dương tịch mịch loang loáng dưới mặt sông, xác người ngựa chồng chất và mùi máu tanh vẫn còn thoang thoảng nơi đầu mũi, tôi bỗng bắt gặp một hình ảnh thân quen. Trần Khâm đang dong ngựa về từ phía đối diện, thần sắc sáng ngời, anh khí toả ra trên người anh sắc bén đến kỳ lạ. Giữa tiếng sóng vỗ ì ạch vào bờ, thời gian như ngưng đọng lại, dường như lúc này thế gian chỉ còn lại chúng tôi. Ánh mắt anh nhìn tôi, chứa muôn vàn thâm tình cô đọng lại. Tôi trìu mến nhìn anh, cười nói:
- Lần này chàng không ngăn cản em lập công nữa nhé!
Trần Khâm ấy vậy mà lại gật đầu:
- Nghe theo em cả!
Tôi cũng hy vọng mọi chuyện được như lời anh nói, dù sao ân oán giữa tôi và Thoát Hoan cũng không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Tuy không phải lúc nào cũng cảm thấy, nhưng không phải là tôi không hận anh ta. Dù khởi nguồn vì điều gì, thì nợ nước thù nhà không phải là chuyện muốn bỏ là bỏ ngay được.
Tôi và Hoài Văn quân theo Chiêu Minh vương tiến quân giành lại kinh thành. Lần này Chiêu Minh vương được cử làm chánh tướng, Phạm Ngũ Lão và Trần Quốc Toản làm phó tướng, tôi liếc Phạm Ngũ Lão cười cười, xem ra ngày ăn cỗ cưới không còn xa. Nói không chừng trong năm nay, tôi và Trần Khâm phải vét sạch quốc khố để đi ăn cưới.
Trần Khâm và Thượng hoàng tiến quân về vùng Thiên Mạc, buổi sáng xuất quân, tôi cưỡi ngựa phía sau mấy người Chiêu Minh Vương và Phạm Ngũ Lão, xem bọn họ uống rượu thề, xem ra thắng bại lần này chính là quyết định cho sự thành bại cả cuộc chiến. Mới đây mà cũng gần nửa năm rồi.
Gió sông Nhị Hà thổi tạt vào mặt, bên tai tôi vang lên bài Hịch tướng sĩ, dù cha tôi không có ở đây, nhưng khúc ca hào hùng giống như đều nằm trong tâm khảm của từng binh lính. Dù chỉ là một người lính hay là vương là tướng, đều phải quyết tâm chiến đấu đến giọt máu cuối cùng.
Tôi nhìn Trần Khâm lần nữa, thấy anh cũng đang mỉm cười với tôi, tóc búi cao toàn thân mặc giáp, hiên ngang trên con ngựa to khỏe như một chiến thần. Chúng tôi nhìn nhau, không cần nói nhưng đều âm thầm hẹn ngày trở về.
Có tiếng tù và thổi lên vang vọng, đoàn quân của tôi cũng dời gót. Lá cờ thêu sáu chữ vàng trên nền cờ đỏ rực của Hoài Văn quân nổi bật lên giữa đội quân Thánh Dực của Chiêu Minh Vương, tuy chiếm số lượng ít nhưng thực lực cũng chẳng kém cạnh chút nào. Mọi giác quan của tôi mở ra hết cỡ, như thâu tóm tất cả đất trời.
Toàn quân mai phục ở bến Chương Dương đợi tin, đây là cứ điểm quan trọng để tiến quân về kinh thành. Tôi và Trần Quốc Toản thường xuyên dẫn Hoài Văn quân dùng thuyền nhẹ chèo ra thăm dò, sau mấy ngày quan sát quả nhiên nhìn thấy được sự rệu rã tỏa ra từ trong cốt tủy, đến mức bọn chúng còn phải giết ngựa chiến để bỏ bụng. Tôi không khỏi lắc đầu nhìn Trần Quốc Toản, nếu như tình hình cứ tiếp tục giằng co như thế, có phải chăng bọn chúng giết cả người để ăn hay không?
Kể từ ngày chúng tôi kéo quân đến mai phục, hằng ngày đều có những xác chết do bệnh bị ném xuống mặt sông. Mặc dù chúng tôi đã ở ngay sát bên cạnh nhưng dường như bọn chúng vẫn chưa đánh hơi được hiểm họa đang tới gần. Chắc có lẽ do mũi bọn chúng bị bịt bởi mùi xác thối dưới lòng sông nên không biết, hay là bọn chúng nghĩ quân ta sẽ không dám tấn công chăng?
Điều đó cũng dễ hiểu khi sự thất bại này quân Thát hoàn toàn không hề hay biết. Hướng tiến quân của ta khiến bọn tàn binh phải đâm đầu về phía Hải Đông mà chạy, chẳng có cơ hội để quay ngược về kinh đô báo cáo tình hình. Về việc này phải nói là Trần Khâm làm việc rất có năng suất, anh ta cầm quân tiểu trừ hết đám tàn binh, khiến cho đại quân của Thoát Hoan như mắt mù tai điếc.
Trần Quốc Toản thấy Chiêu Minh vương vẫn bình chân như vại, trong lòng liền nôn nóng. Tôi trách cậu ta, năng lực của Thái sư còn cần cậu ta phải nghi ngờ, thời điểm nào là thích hợp nhất để tiến quân, chỉ e trong lòng ngài ấy đã thấu tường từ trước.
Quả nhiên ba ngày sau, Chiêu Thành Vương Trần Thông dẫn thêm một cánh quân từ Thiên Trường đến hội quân, báo rằng Trần Nhật Duật đã cầm chân được Toa Đô, Chương Dương hoàn toàn bị cô lập, chính là lúc thích hợp nhất để đánh phá. Tôi bất giác trông thấy Trần Thông, trong lòng bỗng có muôn điều muốn nói mà chẳng biết phải mở lời thế nào, lại đau đáu một việc, không biết An Tư từ ngày đi cống nạp đã ra sao.
Nhưng tôi chẳng kịp đợi cơ hội nói ra với Trần Thông thì ngay trong sáng ấy, đội quân của chúng tôi dưới trướng Chiêu Minh Vương đã bắt đầu tập kích bất ngờ. Lần này quân Thát nằm trong thế bị động, lại thêm tâm lý tự mãn chủ quan nên khi đội hùng binh của chúng tôi đột ngột trở nên mạnh mẽ như thế, bọn chúng giống như không hề phòng bị mà bị dọa cho sợ mất mật. Lại thêm một lần nữa điên cuồng chém giết, tôi thoáng tưởng mình đã trở thành một tên ngạ quỷ giết người không ghê tay.
Tôi vốn tưởng lần tấn công này sẽ đoạt được chiến thắng dễ dàng, nhưng bọn quân Thát chinh chiến quen thói trên sa trường, làm gì lại chịu để bản thân trở thành một con ngựa ốm mặc người chém giết. Bọn chúng sau một thời gian bị động đã dần chấp nhận được tình thế, co cụm lại chờ đợi một đợt tiến công cuối cùng.
Lúc này bên trong nội bộ quân ta lại có động tĩnh, một toán quân nhỏ vài chục người mặc quần áo Mông Cổ mở đường máu xông vào. Tôi nheo mắt nhìn, cảm thấy bọn chúng hình như đang bảo hộ một cô gái đang ngồi trong xe ngựa, bên ngoài đao kiếm giao tranh, máu tạt lên cả mành xe, còn sắc mặt cô gái cũng tái xanh như không còn giọt máu. Trong đầu tôi ngập trong thắc mắc, chỉ có kẻ điên mới hành động dại dột nhường này.
Lúc tôi tìm được đường rẽ giữa ba quân đang hỗn loạn, thúc ngựa chạy đến thì cô gái đã không còn hơi thở, xung quanh mấy chục người Nguyên cũng ngã rạp như cỏ khô. Tôi nhảy xuống ngựa đến gần, trong lòng bất giác cảm thấy mấy người này hình như không đơn giản như vậy. Trần Quốc Toản giơ tay ngăn cản tôi, nói:
- Đừng động vào, nhỡ đâu có gian trá!
Tôi liếc cậu ta, đáp:
- Vậy cậu kiểm tra giúp tôi đi!
Thấy Trần Quốc Toản chần chừ, tôi đã nhanh tay thò vào kiểm tra trên người cô gái ấy. Nếu như mấy người này đã liều mạng bảo vệ người con gái này, thì chắc chắn trên người cô ta phải có bí mật gì đó. Huống hồ cô ta còn ngồi trong tư thế co rúm giống như che giấu thứ gì. Tôi cũng không nghĩ bọn họ có chiêu trò, bởi khả năng để tiếp cận chủ tướng bên ta là rất thấp, còn muốn dùng bao nhiêu người để tạo ra sóng gió gì đó thì chắc chỉ xảy ra trong mơ.
Trong khi Trần Quốc Toản chưa phản ứng kịp, tôi đã lôi ra từ thi thể cô gái được một bức thư. Đọc xong, trong lòng bỗng nhiên bàng hoàng.
Lúc này tiếng của Trần Thông từ phía xa vọng đến bên tai tôi:
- Là An Tư, đây là người của An Tư, không được giết!
Tôi giật bắn người ngước lên thì thấy anh ta đã thúc ngựa lao đến, vẻ mặt điển trai còn nhuốm máu giặc trở nên tái xanh, đôi mắt tối mịt tỏa ra u ám. Nhưng rõ ràng bọn họ đã chết, tôi cũng chẳng thể thay đổi được điều này.
Trần Thông nhoài người phóng xuống ngựa, nắm lấy cổ tay tôi, gắt lên:
- Sao ngươi lại giết hết bọn họ rồi?
Trần Quốc Toản đẩy anh ta ra, quát:
- Ai nói bọn ta giết, lúc bọn ta đến đây thì họ đã chết rồi!
Trần Thông giống như không nghe thấy lời của Trần Quốc Toản, tiếp tục gằn giọng:
- Đây là cung nhân Thụy Khê đi theo An Tư về trại giặc, hôm nay bất chấp tính mạng đột ngột xông vào đây chắc chắn có việc hệ trọng. Các ngươi giết người rồi thì phải làm sao đây!
Trong đầu tôi lập tức nhảy số, không kịp suy nghĩ đã leo lên chiến mã, hét lớn:
- Hoài Văn quân chỉnh đốn quân trang tập hợp đợi lệnh, theo ta mau!
Lúc này cả Trần Quốc Toản cũng trở nên nghiêm túc, răm rắp nghe theo. Tôi nhìn Trần Thông, nghiêm mặt nói:
- Hãy mau đi báo cho Chiêu Minh vương, kinh thành đang bị động, xin ngài sắp xếp cho quân tìm đường khác tấn công ngay vào cổng thành, tất dễ dàng hơn nhiều!
Tôi nói xong, liền cùng Hoài Văn quân xé gió lao đi. Bức thư trên tay cũng vô thức bị nhàu nát.
Tôi dường như lấy hết sức bình sinh phi ngựa, dù trên gò má đỏ ửng vì gió cát đã bị tán cây hai bên đường cào rát cả lên nhưng vẫn mặc kệ. Tim tôi co thắt từng cơn, trên bức thư ghi chỉ vỏn vẹn mười chữ bằng máu, rằng: "Chương Dương cửu giặc tỏ, rồng rắn dọc Nhị Hà". Tôi không biết nếu bức thư lọt vào tay ai khác thì họ có hiểu không, nhưng riêng tôi chỉ cần liếc qua liền có thể thông suốt ngay được.
An Tư, tôi không biết dùng cách nào cô ấy có thể đưa người đi trót lọt, tôi cũng không biết liệu Thoát Hoan có biết sự tình hay không, nếu biết rồi thì anh ta sẽ xuống tay như thế nào? Bức thư này An Tư muốn gửi cho tôi hay chăng?
Trần Quốc Toản vẫn ghìm chặt dây cương bám sát tôi, lúc này mới dám lên tiếng hỏi:
- Nói đi là đi, chị không thể giải thích câu nào cho ra hồn hay sao?
Tôi hét lên với Trần Quốc Toản:
- An Tư gửi mật thư, báo rằng Thoát Hoan biết tin bị tấn công, hắn đã đưa quân chi viện đi dọc sông Nhị Hà về tiếp cứu cho Chương Dương rồi!
Thoát Hoan làm ra hành động này, đối với ta mặc dù có hại, nhưng nếu biết nắm bắt có thể đảo khách thành chủ. Tiếp viện cho Chương Dương, đúng là có thể tạm thời ngăn cản được Chiêu Minh vương giành thắng lợi, nhưng lực lượng của anh ta ở kinh thành sẽ mỏng đi rất nhiều, nếu như bất ngờ chịu một cuộc tập kích với quy mô lớn, chưa chắc có thể thủ được. Bến Chương Dương này mặc dù là nơi hiểm yếu và cứ địa quan trọng cho đội quân của Thoát Hoan ở kinh thành, nhưng ngay lúc này mà cất quân đi ứng cứu không được tính là thượng sách. Thế thì phải xem người đưa quân đi chuyến này là ai rồi.
Bất kể là ai, khi quân tâm ở Chương Dương của chúng đang rệu rã, tôi nhất định phải ngăn cản không cho chúng hội tụ lại. Khả năng xấu nhất là Thoát Hoan đích thân đưa quân chi viện đi. Khi thấy chủ tướng, nói không chừng quyết tâm gấp đôi, thế thì đừng nói là bọn giặc được gửi đến tiếp viện, chỉ e là những tên tàn binh cũng cố vùng dậy để giữ chân chúng tôi. Đoạt lại Chương Dương sẽ trở nên khó nhằng, đúng là lợi bất cập hại.
Tôi vẫn chưa quên được khi bọn chúng vừa mới tràn qua biên ải, với lợi thế số đông, bọn chúng đã ngang tàng như lũ quét thế nào. Khó khăn lắm mới chờ được ngày chúng dàn mỏng số quân, Trần Nhật Duật đã cầm chân Toa Đô ở Thiên Trường, thì tôi cũng phải quyết toán đám viện binh này mới vẹn.
Tuy thế, tôi cũng chẳng biết lời nói của tôi có đến được tai Chiêu Minh vương hay không, dưới trướng ngài ấy hiện giờ có Phạm Ngũ Lão, có cả Trần Thông, có chị Thuỵ Hữu, và hơn ai hết chính ngài ấy là người có khả năng nhất để đánh tới kinh thành trong lúc này. Một lưới bắt trọn.
Máu nóng chảy rần rần từ dưới gót chân lên tận đỉnh đầu tôi. Đã lâu không gặp Thoát Hoan, chẳng biết khi gặp lại anh ta sẽ bày ra bộ dạng gì, có nghiến răng nghiến lợi khi bất ngờ trông thấy tôi hay không?
Trần Quốc Toản nghe tôi nói thế thì quát:
- Nếu như tin tức đó là giả thì sao?
- Cho dù khả năng chỉ năm phần tôi cũng phải thử! Nghe đây, nếu lát nữa có chiều hướng xấu, cậu phải giữ lại mạng quay về báo với Chiêu Minh Vương!
Nếu là thật, tôi lại cứ chần chừ thì đúng là uổng phí một phen hao tâm của An Tư.
Đi đến nửa đường tới một đoạn có vẻ hiểm yếu, tôi ra hiệu cho Hoài Văn quân dừng lại, chúng tôi dàn trận tại đây. Nơi đây vừa có bờ sông Nhị Hà, vừa có thế núi tựa, ở giữa là đường mòn, đúng là khó thủ dễ công. Phía bờ sông dàn thành ba tốp, trên triền núi lại cho quân lính nấp thành ba tốp song song, kỵ binh chặn phía trước mặt, chỉ cần tàn binh của chúng vừa chạy tới là lập tức rơi vào mai phục.
Tôi đứng ở nơi cao quan sát xuống phía dưới, chỉ cần tôi ra hiệu, Hoài Văn quân sẽ lập tức hành động ngay.
Quả nhiên chỉ nửa canh giờ sau, phía xa đã truyền tới tiếng vó ngựa lộc cộc. Chim chóc xung quanh tôi bị động bay lên tán loạn, phía trước bụi khói mịt mù khiến tôi chẳng nhìn rõ ai là ai, chỉ thấy phấp phới lá cờ Mông Cổ.
Tôi nhếch môi nhìn về hướng Trần Quốc Toản, nhưng xa quá chẳng biết cậu ta có trông thấy tôi đang đắc ý không.
Quân Thát tiến tới ngày càng gần, tốc độ phi ngựa khủng khiếp và khói bụi bốc lên ngùn ngụt từ mặt đất như dưới chốn âm ti cùng với âm thanh vang động của vó ngựa va vào nền đất muốn ù tai khiến chúng chẳng hề hay biết được trước mặt chính là một thiên la địa võng chờ chôn xác chúng xuống mười tám tầng địa ngục.
Thấy bọn chúng đã vào tròng, tôi giơ thanh đao ra hiệu, toàn bộ cung tên như mưa bắn xuống. Tức thì tiếng ngựa hí vang trời dội đến bên tai tôi, tiếng giẫm đạp náo loạn cả một vùng sông Nhị Hà, ấy vậy mà giữa tiếng vó ngựa, đám người phía sau vẫn không hay biết gì, tiếp tục lao lên phía trước tạo nên một cuộc hỗn loạn đẫm máu.
Tôi bước chân nhảy lên ngựa chiến lao xuống nơi mà trước đó kỵ binh đã mai phục sẵn, thong dong ngồi đợi đám tàn quân để chặn đầu. Đợi hơn nửa khắc mới thấy chúng như tắm máu rũ rượi thúc ngựa chạy ra.
Lần này chỉ mang theo sáu nghìn mũi tên, nếu tôi đoán không lầm tổng quân Thát được phái đến là tầm một vạn, nhẩm tính trong đợt mưa tên ban nãy thì quân số của chúng tiêu hao quá nửa. Đám tàn binh lúc này tinh thần hỗn loạn, đừng nói là mấy nghìn loạn binh, cho dù gấp đôi đi chăng nữa thì một nghìn Hoài Văn quân của chúng tôi cũng đủ để diệt gọn đám người hoảng hốt như chúng.
Tôi nheo mắt chăm chú nhìn về phía trước, lúc thấy được thủ lĩnh của bọn chúng thì trong lòng chợt động. Hoá ra tôi đã quá đề cao Thoát Hoan, anh ta cũng chẳng dám bỏ thành mà tự mình dẫn quân đi Chương Dương. Nhưng nếu thật sự là anh ta bỏ thành rời Chương Dương, thì đám viện binh này hôm nay có bị trúng kế tại đây không?
Xem ra tình hình của quân Thát ở kinh thành cũng không mấy khả quan lắm, nếu như Chiêu Minh vương có thể nắm bắt được tình hình này công thành, khả năng chiến thắng cũng không thấp đâu.
Tôi ngẩng cao đầu, nhếch môi nhìn vị chủ tướng trước mặt, châm chọc nói:
- Sao lại nhếch nhác như thế rồi, cô công chúa oai phong ngời ngời của tôi?
Tôi nhìn nét mặt tái xanh của Trà Luân, thâm tâm không nói rõ được là vui hay buồn. Lần gần nhất tôi gặp ả ta chính là trận đánh ở núi Phả Lại, lúc ấy ả mặc chiến bào màu bạc xua quân đuổi giết tôi, nhưng không may bị tôi cắt đi một lọn tóc và bị Quốc Tảng ném cho ngã ngựa. Còn lần đầu tiên tôi gặp Trà Luân là lúc nào nhỉ, hình như là lúc tôi ngất xỉu ở bờ hồ Thuỷ Tinh, khi ả ta còn trong thân phận là Thanh Vân – chủ cung Diệu Hoa.
Thế sự xoay vần, bãi bể nương dâu, ả ta từng cứu tôi, từng làm bạn với tôi, từng đối tốt với tôi, từng bắt cóc tôi về Nguyên quốc, từng đưa tôi thoát khỏi cung thất của Thoát Hoan, cũng từng muốn dồn tôi vào chỗ chết. Hôm nay thật sự đối mặt ở hai đầu chiến tuyến một mất một còn, rốt cuộc cũng không thể nói rõ được giữa chúng tôi tồn tại loại quan hệ nào. Là bạn bè ư? Không phải. Là kẻ thù chăng? E rằng cũng không phải!
Mấy chuyện thật thật giả giả này, chuyện nào là thật, chuyện nào là giả, đến lúc này tôi cũng chẳng thể phân biệt được. Mà thôi, phân biệt được cũng đâu có ích gì.
- Không ngờ lại gặp mi trong hoàn cảnh này, biết vậy ngày xưa cứ để mi rục xương ở Nguyên quốc!
Tôi cười đáp:
- Vậy thì phải cảm ơn cô rồi Thanh Vân. Không, là Trà Luân công chúa mới đúng!
Trà Luân khẽ dao động, giống như không ngờ được sau bao nhiêu năm rồi tôi vẫn còn nhớ tới cái tên này. Bây giờ ả ta so với ngày xưa càng xinh đẹp động lòng người hơn, trên gương mặt cũng lộ ra vẻ chết chóc, như một đoá hoa độc nở nơi chiến trường. Trà Luân cười khẩy với tôi, ngay lập tức ra hiệu cho toàn quân xuất trận.
Tôi liếc mắt nhìn Trần Quốc Toản, cậu ta gật đầu, tức thì cả hai bên cùng xông lên giáp lá cà. Trận chiến này đánh từ giữa trưa tới chiều tối, rốt cuộc giết địch một vạn, tự tổn ba trăm.
Tôi lau vệt máu trên khoé môi, đoạn trường thương cắm xuống đất, có cảm giác như đứng không vững nữa. Trần Quốc Toản hoảng hốt đỡ tôi, lo lắng hỏi:
- Chị bị thương ở đâu à?
Tôi bật cười:
- Tôi chỉ mệt chút thôi! Có cậu mới là kẻ bị thương ấy!
Trần Quốc Toản khinh thường nói:
- Một đám người yếu ớt thế này mà đòi đả thương tôi ư? Còn non lắm!
Tôi thấy dưới đùi cậu ta cũng ướt một mảng máu nhưng vẫn còn mạnh miệng thế thì bất chợt phì cười.
Tôi lê tấm thân mỏi nhừ về phía trước, nhìn thấy Trà Luân đã trút đi hơi thở dưới bụi tầm xuân đã tàn lụi, vẻ mặt thanh thản như đi vào giấc ngủ sâu, duy chỉ có vệt máu nơi khoé miệng là nổi bật lên tất thảy. Có lẽ trước lúc chết Trà Luân đã thấy được bóng hình của Quốc Tảng, cũng có lẽ cô ấy cảm thấy cuộc sống thân bất do kỷ như thế cũng chẳng vui vẻ gì. Giá như mình có thể dũng cảm hơn một chút.
Tôi cởi áo khoác ngoài đắp lên người Trà Luân, đứng cúi đầu trước cô ta hồi lâu. Trần Quốc Toản thấy thế liền hỏi:
- Chị làm gì thế?
- Là trả nợ ân tình cho một người. – Tôi đáp.
- Ai thế? – Trần Quốc Toản hỏi.
Tôi phì cười:
- Không ai cả! – Nói xong tôi quay mặt về phía Hoài Văn quân hô lên – Đi thôi! Về kinh!