Nào Hay Xuân Mênh Mông

Chương 3: Rượu nhạt uống lắm cũng say



Tôi tỉnh dậy trong gian phòng ẩm thấp, nhờ chút ánh sáng rọi qua từ ô cửa sổ nhỏ như lòng bàn tay trên đỉnh đầu mà tôi mới biết là ngày hay đêm.

Đây thật ra cũng chẳng phải là một gian phòng, cùng lắm chỉ được coi là mật thất nho nhỏ, xung quanh tối tăm, dưới sàn thì đầy bụi bặm. Nhờ luồng không khí lành lạnh nên cho dù là giữa ngày trời tháng năm nắng nóng thì tôi cũng lờ mờ đoán ra chắc có lẽ chỗ này nằm trong lòng đất rồi. Nói cách khác nếu như không có cái cửa sổ be bé phía trên, thì tình trạng của tôi hiện tại gần giống như là bị chôn sống.

Tay chân tôi bị cột ra phía sau, miệng thì bịt chặt, hiện tại chỉ có đôi mắt là hoạt động được nhưng với điều kiện trong không gian tối tăm này thì cũng chẳng thấy có tác dụng gì. Tôi thở dài, lần này không trách ý trời đen đủi, chỉ trách tôi nhiều chuyện thích chõ mũi vào việc của người khác mà thôi.

Ờ thì đầu đuôi của sự kiện tôi ngồi đây ngày hôm nay là do hôm qua bị tên gian phu kia bắt được đấy. Ai mà ngờ được anh ta tai thính mắt tinh thế kia, võ nghệ lại cao cường, tôi bị anh ta chộp được từ đằng sau một phát thế là chẳng kịp giãy giụa thì bị ngất đi rồi, tỉnh lại đã thấy bị trói gô ở đây, kêu la chẳng được. Tới mức này thì tôi thật sự hổ thẹn với công sức của những người thầy từng dạy cho tôi, trong đó bao gồm cả Trần Quốc Tảng và Phạm Ngũ Lão.

Nhớ đến Quốc Tảng là lại thấy phiền, không biết anh ta có phát hiện ra tôi bị bắt chưa, hôm nọ giá như không tại anh ta làm tôi bức bối đến ngủ không được thì hôm nay tôi đâu ra nông nổi này, nếu như anh ta không đến cứu tôi thì tôi nhất định sẽ tuyệt giao với anh ta. Nghĩ đến đó tự nhiên trong lòng dâng lên cảm giác tội lỗi, thôi, chỉ cần được cứu thì là ai cũng được cả, tôi cũng không muốn mang ơn anh ta.

Áng chừng hai canh giờ sau, tôi cảm giác trời đang dần chạng vạng, bởi ánh sáng trên đỉnh đầu tôi chỉ còn lại chút hơi tàn. Tôi rùng mình một cái, không khí ngày càng trở nên lạnh lẽo.

Cũng may chỉ chốc lát, có tiếng "rầm rầm" tưởng chừng như trời long đất lở, thì kẻ thủ ác bắt cóc tôi cũng lộ mặt. Lúc tấm ván gỗ trên đầu tôi được mở ra, ánh sáng nhợt nhạt tràn vào, không khí thanh lạnh ùa vào trong phổi, tôi thấy mình như được sống lại một lần nữa vậy. Tôi hít lấy hít để, kẻ kia trông thấy có vẻ khá tức cười, anh ta liền nói:

- Ngạt à? Nếu như cô không nhiều chuyện thì giờ này hẳn là đang ăn cơm ở nhà đó chứ.

Tôi định đáp lại mấy chữ "chắc tôi muốn lắm", nhưng sực nhớ ra mình bị bịt miệng rồi nên thôi.

Anh ta nhắc tới ăn cơm, trong bụng tôi liền kêu "ọt ọt" mấy tiếng. Anh ta cũng không định bỏ đói tôi, nghe thế thì quẳng sang cho tôi một mớ bánh gio, ái chà, đây không phải bánh gio nhà anh ta làm hôm qua còn thừa lại chứ?

Tôi lắc lắc đầu, anh ta liền hằn học bảo:

- Đừng có kén cá chọn canh, ăn hay không thì tuỳ.

Tôi lại lắc đầu, trời ạ, anh ta bịt miệng tôi, trói tay tôi thì tôi ăn bằng mắt chắc.

Anh ta trầm ngâm một hồi thì cũng nhận ra điểm này, liền tháo bịt mồm cho tôi, tôi lập tức la lên thất thanh, ai ngờ anh ta chỉ dửng dưng bảo:

- Ở đây là giữa rừng, lại sắp đến đêm, nếu muốn đám lang hùm tìm tới thì la lớn vào. Cô bị trói không chạy được tôi cũng không cứu cô đâu.

Tôi nhất thời im bặt, anh ta cũng tốn công ghê, vậy mà lại vác tôi đến giữa rừng. Tôi nhìn đống bánh gio trên đất, ngán ngẩm bảo anh ta:

- Anh không cởi trói thì làm sao tôi ăn được?

Anh ta cũng giỏi đề phòng, chắc vì nghi người trong vương phủ ai cũng thuộc dạng thâm tàng bất lộ nên không dám khinh suất, thế nên mới có cảnh anh ta ngồi bóc bánh cho tôi ăn. Tôi ăn được một miếng thì không nhịn được nói:

- Nhạt quá, không có mật thì làm sao ăn nổi?

Anh ta hình như cũng lười nói chuyện với tôi, thấy tôi giở trò chê ỏng chê eo thì dứt khoát chọn phương pháp im lặng là vàng. Tôi thở dài một hơi, ngả đầu ra đất, không biết bao giờ mới được về nhà, cha mẹ có hay tin tôi mất tích chưa? Một lúc sau, anh ta đột ngột đứng dậy, đi một mạch vào rừng, tôi hét toáng lên gọi anh ta lại nhưng anh ta giống như không nghe thấy, chẳng hề quay đầu lại nhìn tôi.

Thôi xong rồi, tôi nhìn một vòng xung quanh, thấy chỗ này đã tối đen như mực, xa xa vẳng lên tiếng sói tru, trong lòng tôi cũng vô cùng căng thẳng. Một cơn gió lạnh lẽo ùa vào người, đầu tôi lúc này có muôn vàn nỗi sợ, sợ thú dữ, sợ chết rét, sợ chết đói chết khát, và còn sợ những thứ không thể nhìn thấy được. Nhỡ may anh ta đi luôn thì sao, một mình tôi cầm cự ở nơi hoang vu này nói không chừng còn không được tới lúc mặt trời mọc.

Tôi vùng vẫy hai tay nhưng không thể nhúc nhích được, anh ta cột chặt đến mức vết dây hằn sâu lên da thịt tôi đau rát. Tôi dần cảm thấy tuyệt vọng, ký ức trong đầu vẫn trống rỗng như thế, tất cả những gì tôi nhớ được chỉ là đoạn ký ức đẹp ở Hưng Đạo Vương phủ mấy tháng nay, tôi luyến tiếc khi mình có thể sẽ phải giã từ nó để rời đi khỏi nơi đẹp đẽ này. Lúc đấy liệu ai sẽ nhớ đến tôi hay không, dù sao tất cả họ cũng chỉ mới gặp tôi trong thời gian ngắn ngủi.

Tôi ngã người nằm vật xuống, nước mắt không tự chủ trào ra. Không biết trước đây tôi là người như thế nào, làm cách nào để sống sót dù đã mất trí và một mình nằm dưới chân núi Yên Tử, nhưng được nuông chiều trong vương phủ lâu ngày khiến tôi vô thức trở nên yếu đuối hẳn đi, tôi cũng đã biết sợ chết rồi.

- Người của vương phủ sao lại mít ướt thế?

Tôi nghe chất giọng anh ta vang trên đỉnh đầu, trong lòng mừng rơn vì anh ta không bỏ mình lại nhưng vẫn nói cứng:

- Sao anh không để tôi chết đi? Quay lại đây làm gì?

Tôi tự nói rồi tự cảm thấy chưng hửng, nghe câu này kiểu gì cũng giống như đang mắng yêu chồng của mình vậy.

Anh ta không đáp lời tôi, vẫn đang cặm cụi làm gì đó, tôi rướn người ngồi dậy, thì thấy anh ta đang nhóm lửa, tiếng đá quẹt vào nhau tanh tách trong đêm khiến tôi cũng đỡ sợ phần nào. Hoá ra ban nãy anh ta vào rừng là để tìm củi, thì ra tôi đã nghĩ oan cho anh ta.

Ngọn lửa bùng lên, tôi thấy vẻ mặt anh ta vẫn đang chuyên chú. Dưới ánh lửa bập bùng, lần đầu tiên tôi trông thấy rõ mồn một khuôn mặt của anh ta. Thấy rồi mới ngạc nhiên, tuy tôi gọi anh ta là anh, nhưng tuổi tác anh ta nhắm chừng đã ngoài ba mươi rồi, trông có nét già dặn, lại còn có cặp mắt tinh anh như kẻ từng chiến đấu nơi sa trường. Tuy hơi già hơn tuổi tôi một chút, nhưng việc chị Quỳnh Trân si mê anh ta thì vẫn có thể hiểu được, bởi vì trông anh ta ưu tú quá mà. Hình như cảm giác được tôi đang nhìn, anh ta ngẩng đầu, lườm tôi:

- Nhìn cái gì?

Tôi quay ngoắt, lại dõi mắt vào nơi hun hút tối đen đầy nguy hiểm rình rập trong rừng. Tôi gần như có thể cảm nhận được hơi thở hung tợn có thể xông ra vồ lấy mình bất cứ lúc nào của dã thú.

Một miếng bánh gio bất thình lình đặt trên miệng tôi, tôi dường như ngay tức thì nếm được vị ngọt của nó, quay sang thì quả nhiên thấy một tảng mật ong rừng đặt trên lá khô. Tôi cảm kích nhìn anh ta, lần này lại càng hiểu rõ nguyên nhân tại sao chị Quỳnh Trân lại bất chấp mình đã có chồng vẫn còn dây dưa không dứt với người đàn ông này.

Bởi vì anh ta cho người ta cảm giác được nuông chiều vô điều kiện, dù lầm lầm lì lì, nhưng lại rất tâm lý.

Giải quyết xong chuyện ăn uống, tôi lại ngồi nhìn anh ta, rồi bất giác thở dài:

- Anh có định giết người diệt khẩu không thế?

Anh ta ngồi tựa lưng vào gốc cây, mắt nhắm hờ, khẽ nói:

- Cũng tuỳ tâm trạng.

Tôi thật muốn đá anh ta một cái, nếu không phải tay chân đang bị trói gô thì tôi đã liều mạng rồi.

- Anh định nhốt tôi ở đây tới chừng nào? Anh bắt tôi chị dâu có biết không?

Anh ta chợt trừng mắt lên nhìn tôi, quát:

- Không được nhắc đến nàng! – Anh ta quát xong, giống như cảm thấy mình hơi quá đáng, liền nhẹ giọng lại, có điều vẫn rất cộc cằn. – Em ấy không biết, em ấy là người lương thiện nhất thế gian.

Tôi cắn răng, trầm giọng:

- Không, anh đã làm ô uế chị ấy rồi!

Tôi nói xong câu đó, lờ mờ thấy gân xanh nổi lên trán anh ta, không khí chợt trở nên lạnh lẽo hơn rất nhiều. Nhưng lời thật thì mất lòng, anh ta nên biết thanh danh là thứ quan trọng nhất của người phụ nữ, chị Quỳnh Trân mà thật sự theo anh ta, thì đừng nói là mất hết tất cả, ngay cả tiếng xấu cũng để lại ngàn năm.

- Tôi không biết giữa hai người đã xảy ra chuyện gì, nhưng hiện tại chị ấy đã có chồng, cuộc sống hạnh phúc êm ấm, anh hà cớ gì phải làm khổ người khổ mình như vậy. Tôi từng nghe qua câu "đàn ông chỉ đau xót với cái họ mất, còn phụ nữ thì đau xót với cái mà họ không thể nhận được", tôi biết anh mất đi chị ấy thì không cam tâm, còn chị cũng luyến tiếc với cái tình cảm mà mình không thể với tới, nhưng mà anh có từng nghĩ tới hậu quả chưa?

Anh ta không nhìn tôi mà chỉ lẳng lặng nói, âm thanh như được rít ra từ kẻ răng:

- Nếu không phải giữa đường có kẻ nhảy ra đánh cướp, thì ta và nàng đã ở bên nhau rồi, ta chỉ là đến đòi thứ vốn dĩ thuộc về mình. Chỉ trong nay mai, ta sẽ đưa nàng đi.

- Chị ấy không phải là đồ vật – Tôi nói. – Trong khi chị ấy đang sống cuộc sống ung dung tự tại, giàu sang phú quý thế này, anh lại bắt chị sống trốn chui trốn nhũi, không thể nhìn mặt người đời. Đúng rồi, anh chỉ nghĩ cho bản thân mình thôi, còn chị ấy thế nào thì anh mặc kệ chứ gì.

Anh ta lấy dao kề lên cổ tôi, gằn từng tiếng:

- Nàng ở bên hắn ta không hạnh phúc, chỉ có ta mới khiến nàng hạnh phúc mà thôi.

Tôi cảm giác dao kề cổ mình lành lạnh, cũng không gắng sức nói nữa, chỉ sợ anh ta nổi khùng lên dùng sức một cái là coi như xong, tôi cũng không phải kẻ coi mạng người như rác, nhất là cái mạng quý giá của mình, đành ngồi im.

Ngồi như vậy đến gần sáng vẫn chưa ngủ được, tôi cứ nhìn ngọn lửa tí tách mà rối hết cả lòng. Yên lặng nhìn anh ta ngủ, tôi bất giác lẩm bẩm:

- Rõ ràng là ngay từ đầu anh không nên xuất hiện làm chi, con gái tụi tôi rất là mềm lòng, nói không chừng chị ấy đã yêu anh Quốc Nghiễn mà không biết. Anh đến chỉ làm cuộc sống của chị ấy rối tung lên thôi.

Bởi vì hôm nay là ngày dự định chạy trốn cùng nhau, nên tôi thấy rất rõ nét bất an trên mặt anh ta. Hôm nay hầu như anh ta không rời khỏi, chỉ có buổi trưa vào rừng đi săn chừng hai khắc là đã trở về. Tôi tựa vào gốc cây nhìn con ngựa của anh ta đang thong dong ăn cỏ, bốn bề xanh ngắt một màu, trời cao trong xanh vời vợi, trong bụng cũng buồn man mác. Cũng chẳng biết là buồn cho Quốc Nghiễn hay cho anh ta, cũng có thể là cả ba người họ.

Tôi không biết anh ta là ai, nhưng giá như anh ta có một phần bản lĩnh tranh đấu cho tình yêu như cha tôi thì có lẽ mọi chuyện nay đã khác. Tôi chợt nhớ tới anh cả của tôi, chẳng biết anh đã biết chuyện chưa, có câu đời cha ăn mặn, đời con khát nước, không biết có dùng được cho trường hợp này không nữa.

Trời tầm về trưa, đợi tôi ăn xong, anh ta liền nhốt tôi xuống trở lại mật thất, tôi khẽ thở dài, cũng cầu mong anh ta niệm tình hai ngày ở cùng nhau mà tha cho tôi một con đường sống. Tôi vừa lo vừa chán, thành ra thiếp đi lúc nào không hay, cái không khí lành lạnh dưới mật thất cùng với việc đêm qua mất ngủ đã đưa tôi vào giấc ngủ dài.

Không biết đã qua bao lâu, tôi chợt nghe tiếng anh ta gọi "Quỳnh Trân", nhưng chất giọng trầm khàn đặc nghẹt, trong lòng tôi run lên từng hồi, chị Quỳnh Trân thật sự đi với anh ta hay sao, vậy là chị không thể cưỡng lại sự cám dỗ này rồi, vậy là chị chấp nhận từ bỏ tất cả rồi.

Áng chừng nửa khắc, tôi nghe tiếng ngựa phi nước đại, trong lòng đinh ninh mười phần là anh ta và chị Quỳnh Trân đã cao chạy xa bay thật rồi. Đang rầu lo số phận của mình thì đã thấy nắp mật thất bật lên, ánh đuốc sáng loè khắp bốn phía. Một đôi tay chồm xuống nhấc bổng tôi lên, tôi nghe tiếng người đó khẽ nói:

- Tôi tìm được em rồi!

Giọng nói anh ta nhẹ như gió thoảng, nhưng tôi cá là nghe cực kỳ thương tâm, đến nỗi chính tôi trong lúc đó cũng không thể kìm được lòng mình. Đó là Quốc Tảng, cái người mà tôi luôn trốn tránh bao lâu nay.

Anh ta thả tôi xuống, lắp tên vào dây cung, làm động tác nhắm bắn. Tôi hoảng hồn kêu lên:

- Đừng bắn anh ta, Tảng, tôi xin anh đấy!

Anh ta chưng hửng nhìn tôi, nhưng tôi đang bận nhìn tên "gian phu" kia phi nước đại chạy mất. Bóng lưng anh ta sao mà cô tịch, sao mà tang thương. Hôm nay bị Quốc Tảng nhìn ra thân thế rồi, chỉ sợ quãng đời về sau phải sống không ngẩng mặt được với đời.

Chị Quỳnh Trân và anh Quốc Nghiễn lúc này cũng hớt hải chạy đến, không biết có phải do tâm tình cá nhân của tôi không mà tôi thấy mắt chị như có một vòng nước mắt vây lấy, tôi nhìn chị trân trân, chỉ nghe chị luôn miệng bảo:

- Không sao là tốt rồi! Không sao là tốt rồi!



Tôi cũng bất ngờ vì chị không đi, nhưng nhìn bộ dạng của chị đêm gặp gã tình nhân đó, chắc chị cũng khổ não lắm.

Bọn tôi cưỡi ngựa trở về phủ, tôi bị đặt ngồi phía trước anh ta. Quốc Tảng như trút được gánh nặng, gương mặt anh ta đã bớt căng cứng nhưng vẫn nắm lấy cánh tay tôi không buông, như sợ chỉ cần buông ra thì tôi sẽ bị bắt cóc đi lần nữa vậy. Thấy anh ta vừa hộ tống mình trên ngựa, vừa điều khiển dây cương bằng một tay, tôi cũng khá là hoang mang, không biết mình sẽ bị hất xuống đất lúc nào. Nhưng cũng còn may là khả năng cưỡi ngựa của anh ta rất ư là tài tình, đi qua mấy chỗ xốc nảy nhưng vẫn vững vàng ghìm cương ngựa.

Anh Quốc Nghiễn và chị dâu cũng cưỡi chung con ngựa đi đằng trước, trông rất hoà thuận êm ấm, không có vẻ gì là bất hoà, khiến tôi cũng phần nào an tâm. Nếu như chị Quỳnh Trân thật sự bỏ đi, tôi cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa, số phận của đám đàn bà con gái chúng tôi thật quá mức hẩm hiu.

Tôi cố sức giằng khỏi tay mình khỏi tay Quốc Tảng, chỉ nghe trên đỉnh đầu truyền xuống một chất giọng nhàn nhạt:

- Tôi không đảm bảo mình sẽ giữ được em trên ngựa nếu như tôi không nắm chặt tay em, hay em muốn tôi ôm em em mới chịu?

Tôi trừng mắt nhìn anh ta, nhưng chỉ thấy cái cằm đã lúng phúng râu của anh ta ngay sát tầm mắt, lần này trở về phải quyết tâm học cưỡi ngựa một phen.

Không biết lúc phát hiện tôi mất tích anh ta có biểu hiện ra sao, nhưng chắc cũng làm anh ta khổ tâm lắm. Anh ta đã chẳng chần chừ suy nghĩ lấy một giây đã tra tên vào cung, nếu như tôi không ngăn cản kịp, có lẽ tên tình nhân đó đã chẳng thể né được một tiễn của một trong những kẻ có võ nghệ ghê gớm nhất vương phủ rồi.

Tôi đành để yên cho anh ta nắm tay mình, rồi nhỏ giọng nói:

- Dù sao cũng cảm ơn anh!

Tôi nghe anh ta phì cười một cái như có như không, giọng điệu trêu chọc:

- Tôi cứu em vì em là em nuôi của tôi, chứ đừng tưởng bở là tôi có ý gì với em nhé!

Tôi không phản bác anh ta, có lẽ anh ta đã quên đêm hôm kia tỏ tình với tôi mùi mẫn thế nào rồi. Ha ha.

Về tới vương phủ thì trời cũng gần sáng. Bởi vì sự kiện tôi bị bắt cóc bị giấu nhẹm nên cũng chẳng ai hay biết gì, ngoại trừ anh ba và anh cả nhà này, thì chị dâu và tôi cũng được coi như người trong cuộc. Tôi ghé phòng chị ăn chực, sẵn tiện nghe chị kể đầu đuôi mọi chuyện, dù sao chưa hiểu rõ được mọi bề thì tôi sẽ khó chịu lắm lắm.

Thì ra kẻ đó chính là Trần Khánh Dư, được mệnh danh là Thiên tử nghĩa nam của Thái thượng hoàng, hiện đã làm quan đến chức Tử phục Thượng vị hầu, quyền chức Phán thủ. Nói tới người này thì chỉ có một câu để diễn tả anh ta, đó là tài không đợi tuổi, anh ta mười lăm tuổi, tức năm cuối Nguyên Phong, đã có công nhân sơ hở đánh úp quân Mông, sau đó lại thắng lớn khi đánh người Man ở vùng núi. Khi đó uy tín anh ta cao, nên được tự do ra vào cấm cung. Tôi thở dài, thời đấy chắc có lẽ tôi chưa sinh ra, nên đầu cua tai nheo ra sao thì tôi không tài nào biết được.

Nói chung chị Quỳnh Trân giống như người tình nuôi từ bé của anh ta, đến khi trưởng thành thì bị kẻ khác chặng đường đánh cướp, nói không tức mới là chuyện lạ, bởi thế anh ta hôm nay tìm đến đây, chắc là hạ quyết tâm rồi.

Nhưng giữa đường lại xuất hiện một kẻ phá đám là tôi đây. Chị Quỳnh Trân không hề cố kỵ tôi, chị kể:

- Thật ra đêm đó chị cũng có dự định đi rồi, lúc chị vào trong, mới hay là anh cả em đã nghe hết mọi sự. Ngoài dự đoán của chị, anh lại xin lỗi vì đã tự ý ngỏ lời xin cưới chị với Thượng hoàng. Chị nghiền ngẫm lại từ trước đến nay, anh cả em chưa một lần để chị chịu khổ, chuyện thì cũng đã rồi, chị cũng không muốn để một trong hai người phải liên luỵ vì chị nữa. Có lẽ từ đây về sau, chị phải thay đổi, phải thật lòng thật dạ hơn với anh ấy mới không cô phụ một tấm chân tình, còn về Khánh Dư, anh ấy rất tốt, nhưng quá khứ không thể cưỡng cầu.

Tôi gật đầu liên tục, phần vì chị nói phải, phần vì món vịt hôm nay ngon quá.

- Nhưng không ngờ tới anh ấy lại bắt em đi, Quốc Tảng tìm đến anh cả mách, chị cũng đã hồ nghi rồi, lại thêm việc em mất tích trong đêm lại khiến chị càng chắc chắn. – Chị dâu nói – Nhưng có một chuyện, chắc cả đời này chị cũng không quên được, lúc chị đưa Quốc Tảng và anh cả em đến chỗ hẹn, ánh mắt anh ấy nhìn chị, vừa thất vọng vừa đau thương, giống như không thể tin được chị đã phản bội mình vậy.

Tôi nghe chị nói, chỉ lưu tâm chỗ tại sao Quốc Tảng lại biết tôi mất tích trong đêm nhỉ, là anh ta quay lại tìm tôi chăng?

Tôi chỉ biết an ủi chị rằng chuyện qua rồi, ngày sau phải sống thật tốt để không ai phải đau khổ vì mình nữa. Còn riêng Trần Khánh Dư, tôi không biết anh ta sẽ chọn con đường nào, là hận hay buông, có điều sự nghiệp của anh ta kể từ đây cũng coi như là tiêu tan thành mây khói.

Thời gian qua nhanh, cũng sẽ chẳng còn ai nhớ tới đoạn tình cảm này ngoài những người trong cuộc, còn tôi, chỉ mang tâm lý hóng hớt của một kẻ bị liên luỵ, ăn ngủ vài bận là quên sạch sành sanh.

Mấy hôm nay tôi tập cưỡi ngựa, người chỉ dạy trực tiếp đương nhiên vẫn là Phạm Ngũ Lão, nhưng phương diện này Quốc Tảng cũng khá nổi trội nên anh ta cũng rất nhiệt tình làm cố vấn cho tôi. Kể từ khi tôi biết anh ta có ý với mình, tôi lại càng trốn tránh anh ta hơn, nhưng giống như kiểu oan gia ngõ hẹp hay sao ấy, anh ta vẫn lù lù xuất hiện trong tầm mắt tôi bất kể lúc nào. Tôi sợ có ngày mình yếu lòng không kìm được thì toi.

Tôi học cưỡi ngựa trong bãi, Quốc Uất cầm dây cương đảo qua đảo lại trước mặt tôi, cười hề hề:

- Này, đua không?

- Đua cái đầu anh ý! – Tôi tức tối đáp.

Phạm Ngũ Lão cưỡi con ngựa đứng từ xa, quát:

- Đề nghị anh không được quấy rối học trò của tôi!

Quốc Uất lè lưỡi rồi dong ngựa đi mất.

Dạo gần đây tôi mới có thêm một đồng minh, đó là Phạm Ngũ Lão. Có lẽ anh ta đang trong thời gian tán tỉnh chị Anh Nguyên nên đối xử với người em nuôi như tôi cũng rất nhiệt tình, mà tôi cũng rất thoải mái khi được thơm lây. Tôi cưỡi ngựa chầm chậm trong bãi, liếc mắt đã thấy Quốc Tảng đứng khoanh tay nhìn tôi, đôi mắt anh ta nồng đậm ý cười, nhưng khoé môi chỉ hơi hé. Ánh nắng chiếu lên người anh ta, tôi mơ hồ thấy được sắc xuân giữa trời hạ.

Lúc cưỡi ngựa ngang anh ta, tôi cố ý không thèm nhìn, ai ngờ anh ta chơi xấu ném ngựa của tôi, tôi phát hoảng, con ngựa lồng lên hí dài mấy tiếng rồi phi nước đại, phía sau vang lên tiếng quát của anh ta:

- Bình tĩnh giữ dây cương, những gì tôi dạy em quên hết rồi à?

Tôi mới sực tỉnh, trước khi cưỡi ngựa anh ta dặn mình cái gì lúc nãy hoảng quá nên quên mất, bây giờ tập trung giữ dây cương, ánh mắt nhìn thẳng, con ngựa cũng chẳng đáng sợ như tôi nghĩ.

Về kĩ thuật và nền tảng cơ bản tôi đã có rồi, chỉ là thiếu kinh nghiệm thực tiễn mà thôi, có điều anh ta làm thế cũng quá mạo hiểm, cái gì cũng phải có bước đầu, tôi vừa mới tập động tác bơi mà anh ta đã ném tôi ra giữa dòng suýt chết. Tôi chỉnh tốc độ ngựa chậm lại, định quay về thì nghe tiếng huýt sáo, con ngựa ngoan ngoãn phi lại gần anh ta.

Ồ, hoá ra con ngựa này anh ta điều khiển được, làm tôi hết hồn.

Phạm Ngũ Lão hớt hải chạy lại, lớn giọng chất vấn:

- Anh làm cái gì vậy, em ấy vừa mới học cưỡi, nhỡ đâu con ngựa điên lên làm em ấy ngã thì sao?

Quốc Tảng không mấy quan tâm, dửng dưng nói:

- Nhờ vậy mới tiến bộ nhanh thế, chứ dạy như anh biết bao giờ mới xong.

Tôi sợ Phạm Ngũ Lão nổi nóng, bèn can ngăn:

- Em không sao rồi, trời ơi chỉ là một con ngựa nho nhỏ sao làm khó được em. – Thấy Phạm Ngũ Lão cười cười, tôi liền rỉ tai anh ta – Anh điên à, có còn muốn vợ nữa không, sao dám chọc anh vợ hả.

Mặt Phạm Ngũ Lão ban đầu có chút ngơ ngác, rồi anh ta đỏ mặt lên, tôi thấy tất.

Đợi Phạm Ngũ Lão đi, Quốc Tảng dắt ngựa theo tôi, ở bên tai tôi lải nhải:

- Tôi dạy võ cho em cũng không phải để em chạy trốn tôi, sao vừa trông thấy bóng dáng tôi là em chạy nhanh hơn thỏ vậy? – Anh ta nhẹ giọng nói, cũng không giống trách móc mà giống như tâm tình hơn.

Tôi thở dài, chẳng lẽ tôi lại nói là bởi vì anh là chồng chưa cưới của chị An Hoa hả?

- Anh quan tâm quá mức làm gì, tôi với anh cũng chẳng có chuyện gì để nói.

Quốc Tảng bỗng trầm ngâm, lúc tôi tưởng anh ta im lặng rồi thì anh ta lại bảo:

- Tôi là anh ba của em, em cứ nói chuyện với tôi bình thường như những người khác thôi, có gì phải ngại?

Tôi ậm ờ, không lẽ là vì tôi tự mình đa tình chứ anh ta thật sự không có ý gì với mình thật? Được vậy thì tốt, trong lòng tôi cũng bớt tội lỗi hơn.

Tôi nghe anh Quốc Uất nói, Quốc Tảng phàm là việc gì cũng muốn bản thân thật hoàn mỹ, bởi thế ngay từ khi còn nhỏ, binh thư anh ta cũng muốn đọc nhiều hơn một chút, luyện chữ cũng nhiều hơn người khác một chút, tập võ cũng siêng năng hơn đám anh em một chút. Bởi thế tự sinh ra bản tính cầu toàn. Quốc Tảng sống trong vương phủ giống như một viên đá quý, vừa phát sáng vừa toả ra sự bí ẩn, trong lòng anh ta nghĩ gì, chẳng ai có thể giải thích được. Giống như việc Phạm Ngũ Lão vừa vào đã đoạt đi vị trí đầu của anh ta chắc cũng làm anh ta khó chịu ít nhiều, đối xử với Ngũ Lão cũng không mấy niềm nở.

Hôm nay trong lúc tập võ, tôi nghe đại vương nhắc đến việc bên nước Tống, người Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn. Quân Tống thua, Tả thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển chết. Hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua bảy ngày có đến hơn mười vạn xác chết nổi lên mặt biển. Xác vua Tống cũng ở trong số đó. Thế là ứng điềm sao sa xuống biển. Nhà Tống cũng coi như xong.

Tôi nghe xong cũng bàng hoàng, nhà Tống khai triều lập quốc hơn ba trăm năm, cũng xem là một nước mạnh, vậy mà dễ dàng bị vó ngựa Mông Cổ giày xéo, cũng không rõ thế lực đó mạnh mẽ đến mức nào. Tôi vô thức cầm chặt cán dao, trong người nổi lên quyết tâm lúc bình thường khó có được, âm thầm thề hẹn với non sông.

Tháng sáu, Trần Thì Kiến được cha tôi tiến cử lên kinh, cũng coi như anh ta là kẻ thành danh đầu tiên trong đám môn khách bát nháo của vương phủ rồi, không uổng cho một bụng kiến thức của anh ta. Cha tôi hôm đó cũng hướng tới đám chúng tôi mà trịnh trọng nói rằng:

- Thời gian qua Thì Kiến làm rất tốt, ta mong các con sau này cũng có dịp phát huy, trở thành quan lại mẫu mực, rường cột cho nước nhà.

Thì Kiến trèo lên xe ngựa, anh ta nói với tôi:

- Lần trước bói cho em được quẻ tốt lắm, chồng con đề huề, giàu sang phú quý, sau này có món gì tốt thì hãy nhớ tới người anh này. Ta lên kinh, sẵn tiện tìm kiếm người đó giúp em, hi hi.

Thấy tôi đỏ mặt, anh ta lại nói:

- Số phận của em không phải ở chỗ này đâu, đừng có tốn công với mấy gã ở đây, kinh thành tốt lắm đó nhé, toàn thanh niên ưu tú cả. Ta đi trước, ít hôm có lên thì đến tìm ta.

Quốc Tảng ở bên cạnh trán nổi đầy gân xanh, anh ta hậm hực đá Thì Kiến một cái làm anh ta kêu la oai oái, luôn miệng kêu to "cường quyền".

Trần Thì Kiến đi rồi, cũng mất đi một gã thích trêu chọc tôi, khiến tôi vừa vui vừa buồn. Có điều anh ta dặn dò tôi ít hôm lên kinh tìm anh ta, nhưng chỉ hơn một tháng sau là anh ta lại quay trở về.

Sự kiện đó xảy ra vào ngày rằm tháng bảy, ngày thành Vạn Kiếp tổ chức hội hoa đăng. Nhưng đó lại là chuyện khác, còn hiện tại, tôi đứng dưới khóm hoa cúc mùa thu, nhìn xéo qua mái đình nghỉ mát, chỉ thấy chị An Hoa cùng Quốc Tảng ngồi đó đẹp như một bức tranh.

Đây là lần thứ hai trong số những lần hiếm hoi tôi bắt gặp hai người họ ở cạnh nhau, cho dù họ trên danh nghĩa là một cặp. Mặc dù ở gần nhau như vậy, nhưng lại có một khoảng cách không thể diễn tả thành lời. Tôi nhìn ánh mắt đau đáu chị An Hoa nhìn anh ta, như ghi tâm khắc cốt, như tạc trong xương tuỷ, nhưng anh ta thì vẫn dửng dưng. Bởi mới nói, chỉ có người ta yêu thương nhất mới làm ta đau khổ nhất mà thôi.

Không biết từ bao giờ, tôi bắt đầu hoài nghi sự xuất hiện của mình trong cuộc tình của Quốc Tảng, có phải anh ta thật sự coi tôi là em gái không, hay đó chỉ là cái cớ. Tôi không thể giải thích được, bởi anh ta là loại người không ai có thể giải thích nỗi.

Tôi không nhìn nỗi đến cảnh chị An Hoa trả lại vòng tay cho Quốc Tảng liền quay đầu đi, nửa chừng thì đâm sầm vào Quốc Uất đang đi theo hướng ngược lại. Anh ta mỉa mai nhìn tôi:

- Nghe lén người ta tâm tình bị phát hiện à? Hay là em thích Quốc Tảng nên nổi máu ghen?

Tôi đạp anh ta một cái, trời ơi con người này sao lại khéo đổi trắng thay đen như vậy chứ? Thấy tôi không đáp lời mà bỏ đi một mạch, anh ta bèn lẽo đẽo chạy theo, luôn miệng nói:



- Đừng nghĩ quẩn chứ, trên đời này thiếu gì người tốt, sao đám con gái toàn đâm đầu vào mấy tên đàn ông lạnh lùng như băng giá kia vậy? Kẻ đẹp trai ngời ngời ở đây lại không ai yêu.

Tôi cũng chẳng hứng thú mấy với mấy kẻ đẹp trai ngời ngời như anh ta, nên bước chân càng nhanh như chạy. Đáng tiếc anh ta không định tha cho tôi, hai người bọn tôi lôi lôi kéo kéo một hồi, thì vừa hay đến trước cửa Tĩnh Lâu trong truyền thuyết. Tôi nhìn anh ta, anh ta cũng nhìn tôi, thế là bọn tôi quyết định cùng nhau ăn một bữa trước đã.

Đồ ăn trong Tĩnh Lâu này, nói chung cũng không tệ. Quốc Uất liếc nhìn tôi, cười nói:

- Toà lâu này vừa hay trùng tên với em!

Tôi không đáp lời anh ta, từ lúc tôi mang tên này là tôi đã nghĩ tới rồi được chưa?

Bên ngoài mây đen ùn ùn kéo tới, mưa thu rả rích trên mái hiên tựa như một bản nhạc buồn. Tôi chống cằm nhìn ra cửa sổ, chỉ thấy con đường vắng tanh, màu trời sẫm lại, những tán cây bị mưa xối không ngừng nhảy những vũ điệu lạ kì, cảnh vật đượm nét buồn man mác.

- Sao vậy, tức cảnh sinh tình à? – Quốc Uất nói.

Tôi thở hắt ra, khẽ lẩm bẩm:

- Quốc Tảng và chị An Hoa đẹp đôi chứ nhỉ?

Trần Quốc Uất cười cười nhìn tôi, nói nửa đùa nửa thật:

- Phải lòng tên nhóc đó rồi sao? – Thấy tôi lườm nhưng anh ta vẫn tiếp tục nói – An Hoa có lẽ ngay từ đầu đã hiểu rõ kết cuộc của chuyện này rồi, cho dù không có em thì tôi nghĩ giữa hai người đó sẽ chẳng thể nào đi cùng nhau được, không cần phải tự trách mình. Nếu người đó là em, An Hoa chắc sẽ không trách đâu.

Tôi lại quay mặt nhìn ra cửa sổ, nói với anh ta:

- Tôi không thích Quốc Tảng, chỉ là cảm động với những việc anh ta làm mà thôi.

Quốc Uất khẽ nhìn tôi, cũng học theo tôi thở dài. Anh ta hất mặt xuống cửa sổ, cười như không cười bảo tôi:

- Nhưng xem ra hắn lại không nghĩ vậy đâu.

Tôi nhìn theo ánh mắt anh ta, chỉ thấy phía xa xa dưới làn mưa trắng xoá, Quốc Tảng cũng mặc một bộ quần áo trắng như làn mưa lạnh lẽo kia, anh ta đứng dưới mái đình nhỏ bé dõi mắt bất động nhìn tôi, ánh mắt như đã ở đó từ hàng ngàn năm không thay đổi. Chiếc ô anh ta mang không che được mưa gió lạnh lẽo tạt vào người, dù thấy tôi đã phát hiện nhưng vẫn không dời tầm mắt.

Tôi mượn ô hớt hải chạy đến bên anh ta, quát nhẹ:

- Anh làm gì ở đây vậy, sao không tìm chỗ trú mưa?

Anh ta không quan tâm lời tôi nói, chỉ chăm chăm nhìn tôi, khiến tôi ớn lạnh.

- Tôi không lạnh ở bên ngoài, tôi lạnh ở trong tim.

Tôi không biết trả lời anh ta thế nào, đành đánh trống lãng:

- Còn không mau trở về nhanh đi, anh muốn cả hai cùng đổ bệnh hay sao hả?

Anh ta đúng là kẻ ngang ngược, tôi vừa thuyết phục vừa sởn gai ốc vì bị anh ta nhìn, anh ta như nhìn xuyên thấu vào tôi, giống như muốn biết trong đầu tôi rốt cuộc là suy nghĩ thứ gì vậy. Bất thình lình, anh ta buông cả ô, nắm lấy tay tôi ghì chặt, cau mày phẫn nộ nói:

- Em là kẻ không tim không phổi, em định giả vờ không biết đến khi nào, hay em muốn kẻ ngạo mạn như tôi phải cúi người trước em thì em mới hả?

Tôi không rút tay ra được bởi lực đạo mạnh mẽ của anh ta, chẳng phải anh ta còn đang rất tốt hay sao, tự dưng lại nổi khùng lên như vậy. Đúng là kẻ sáng nắng chiều mưa, giữa trưa gió mùa.

Lúc này anh ta không nắm tay tôi nữa, anh ta chuyển sang ôm lấy bả vai tôi, lắc mạnh:

- Em và anh hai đã bao lâu rồi?

Tôi đạp anh ta một cái, thành công thoát khỏi vòng tay anh ta, khiến anh ta lảo đảo thoái lui về phía sau mấy bước.

- Anh bị điên hả, tôi có gì với anh ta?

Tự nhiên trong lòng tôi có chút giận, Quốc Tảng vậy mà lại nghi tôi với anh hai mình, cho dù chỉ là anh em nuôi, nhưng tôi cũng không hứng thú với mấy mối quan hệ kiểu như vậy, tôi tránh anh ta còn không kịp nữa là. Ghen tuông đúng là tồn tại trong mỗi con người như con rắn lục luôn nấp trong hang của nó.

Ngày hôm đó tôi bỏ về, cũng không biết là anh ta ở lại đến khi nào nữa, suốt hai hôm liền tôi không hề gặp anh ta. Tôi ngồi trước thềm cửa thở dài, nhìn Đan Thanh đi ra đi vào đã bốn năm bận.

Đến ngày thứ ba thì chị An Hoa đến tìm tôi.

Chị An Hoa hiếm khi sắc mặt khó coi như vậy, tôi chỉ thấy những lúc chị vui, lúc chị buồn, chứ chưa từng thấy chị nóng giận. Chưa kịp hỏi thì chị đã lên tiếng chất vấn tôi:

- Chị không ngờ người anh Quốc Tảng thương lại là em.

Tôi có chút luống cuống, thật sự tôi cũng không ngờ tới điều này, nhưng nếu phủi đi hết sạch liên quan thì cũng có phần vô trách nhiệm. Tôi dù chẳng hề muốn anh ta thương mình, nhưng xuất hiện trong cuộc đời anh ta cũng là lỗi của tôi, tôi có quyền gì bắt ép anh ta tránh xa mình chứ?

Thấy tôi không nói, chị An Hoa lại tiếp tục, tôi thấy vành mắt chị đỏ ửng, nhắm chừng đã khóc rất nhiều.

- Hôm nọ anh ấy thất thần trở về, người ướt cả. Chị vốn nghĩ đã trả lại chiếc vòng đó thì anh ấy sẽ tự do đi tìm hạnh phúc của mình, có ngờ đâu mọi thứ lại càng tồi tệ hơn. Đêm đó chị biết ngay có điều không ổn, quả nhiên đến nơi thì đã thấy anh ấy sốt đến mê sảng, mà trong lúc đấy anh ấy lại gọi tên em. Chị không trách em giấu diếm chị, nhưng mà tại sao em có được rồi, em lại không biết quý trọng chứ?

Chị An Hoa mặc váy áo xanh nhạt, áo khoác bên ngoài màu trắng trong suốt như sương, vẻ mặt tiều tụy nhợt nhạt, ánh mắt cũng vô hồn. Chị đau lòng cho Quốc Tảng, ngược lại tự tổn thương mình, rồi đi nói lời tổn thương tôi.

Tôi thở dài, nhìn vào mắt chị thủ thỉ:

- Em không cố ý khiến anh ta phải đến nỗi như vậy, nhưng em cũng có suy nghĩ của riêng em. Cho dù là anh ta thương em cũng không thể ép em phải thương anh ta được. Em cứ nghĩ chị phải là người hiểu rõ nhất chứ.

Chị An Hoa nhìn tôi với ánh mắt không thể tin, lát sau trông chị như hiểu ra, lại bảo:

- Hay là em ngại chị chăng?

- Không – Tôi nói – Em không có gì với anh ta thật mà.

Mặc dù anh ta giúp đỡ tôi rất nhiều lần, tôi rất cảm kích anh ta, nhưng chỉ dừng lại ở sự cảm kích, có lẽ chính sự cảm kích đó của tôi khiến anh ta hiểu lầm, hoặc là anh ta chỉ tin vào điều anh ta muốn.

Kể từ dạo ấy tôi cũng rất ít khi gặp Quốc Tảng, phần vì tôi trốn tránh anh ta, phần vì có lẽ anh ta cũng ngại tôi đôi chút. Chị An Hoa thì cũng như vậy, vẫn nghị lực dõi theo anh ta dù trong thâm tâm chị biết có lẽ giữa hai người cũng chẳng còn lại gì nữa rồi. Giá như tôi cũng có nghị lực như chị thì hay biết mấy.

Tôi, chị Anh Nguyên và Ngũ Lão cưỡi ngựa trong bãi, hôm nay tôi đã có thể thuần thục dong ngựa rồi, quả đúng như câu "một gánh sách không bằng một người thầy giỏi", cũng chẳng biết người thầy đó là ai, Ngũ Lão hay là người đàn ông mà tôi trốn tránh kia. Tôi nhìn trời thu trong xanh cao vút, vỗ mông ngựa chạy đi, để lại cặp tình nhân phía sau vẫn đang tâm tình mà không hề hay biết.

Chạy một hơi tới bìa rừng, tôi cột con ngựa vào một gốc cổ thụ, ra bờ suối vốc nước rửa mặt. Tôi soi mình trong nước, gương mặt này đối với tôi vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, quen thuộc vì tôi thấy nó hằng ngày, còn lạ lẫm là vì khoảng thời gian trước đây tôi không tài nào nhớ ra được, tôi cố nghĩ đến nhưng chỉ thấy chóng mặt nhức đầu.

Tôi gặp Trần Quốc Uất nằm vắt va vắt vẻo trên tán cây, anh ta chòng chọc nhìn tôi, nói:

- Trùng hợp ghê, lúc nào cũng có thể vô tình gặp được em.

Tôi nhăn mày, cũng may là anh, chứ nếu như là em trai anh chắc tôi nguyện ở trong khuê phòng cả đời.

Quốc Uất ngẩng mặt nhìn trời, than:

- Có những người vốn nghĩ là nhân duyên nhưng thật sự chính là nghiệp báo, tôi nghĩ em chính là nghiệp báo từ kiếp trước của Quốc Tảng rồi.

Tôi quắc mắc trả lời Quốc Uất:

- Nếu như là nghiệp báo của anh ta, thì tôi đâu còn cách nào.

- Em định trốn tránh mãi vậy sao? – Anh ta hỏi.

- Tôi cũng chẳng còn cách nào, trừ khi tôi bỏ xứ ra đi. – Tôi đáp.

Quốc Uất bẻ một nhánh cây ném xuống dòng suối, nước văng tung toé. Tôi thấy hình bóng mình dần tan đi. Một lúc lâu sau, tôi nghe tiếng anh ta thở dài:

- Em sẽ đi đâu chứ, kể cả mình là ai em còn không biết. Bây giờ tuy tạm thời yên bình, nhưng nhà Tống đã bị diệt, nước Nam ta cũng không tránh khỏi một phen chồn ngựa đá. Em dù sao cũng được coi là một nhân tài, đừng để tới lúc đất nước này cần thì lại không có.

Tôi ngồi xuống gốc cây phía dưới anh ta, khẽ cười:

- Tôi dù sao cũng chỉ là phận nữ nhi, anh đánh giá tôi cao quá rồi.

Anh ta ném quả vào đầu tôi, mắng:

- Nữ nhi ở vương phủ không ai là kẻ bất tài, cứ nhìn chị Trinh của em sẽ thấy.

Tôi ngẩng đầu nhìn trời, nói như hát:

- Tôi khát khao được như cánh chim kia, tự do bay lượn. Mặc dù tôi không có nhà, nhưng điều đó có gì là quan trọng, với tôi đâu đâu cũng là nhà. Mành trời chiếu đất, chỗ nào cũng có thể dung thân. Nhưng một ngày nếu như giang sơn xã tắc này cần, dù cho tôi đầu rơi máu chảy tôi cũng nguyện.

- Ai nói em không có nhà, đây mãi mãi là nhà của em. – Trần Quốc Uất cười nhìn tôi, đôi mắt anh ta lấp lánh ánh sáng, trong vắt như dòng suối thu.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.