Mùa đông tháng Mười, lúa ruộng ở Trà Kiều thuộc Khoái Lộ một giò hai bông, mùa to hiếm thấy. Từ khi họ Trần lên nắm quyền luôn chú trọng đê điều khiến mùa màng cũng không hiếm những lần bội thu.
Thằng nhóc Thuyên hôm nay phá lệ về rất sớm, nó nằm lên đùi tôi lắng tai nghe nhóc con trong bụng đạp. Tôi từng nghe nhiều chuyện về anh em kẻ sống người chết tranh nhau cái ngai vàng, Trần Ích Tắc cũng là một ví dụ, nhưng nhìn nhóc Thuyên và đứa con trong bụng tôi ước điều đó đừng bao giờ xảy ra. Thằng nhóc Thuyên tuy ham chơi nghịch ngợm một chút, nhưng bản tính nó hiền lành lại thông tuệ, về sau chắc chắn là một minh quân.
Nhóc Thuyên hay đến nói chuyện với đứa em chưa biết mặt trong bụng, giống như hôm nay nó bô lô ba la kể về yến tiệc ở điện Diên Hiền. Cha nó ngồi ngáp ngắn ngáp dài trên ghế rồng, còn các quan thì cơm no rượu say xong lại nắm tay nhau nhảy múa, đúng là một quang cảnh hòa hợp hiếm thấy. Tôi tưởng tượng ra cảnh đó không nén nỗi bật cười, kết quả bị đứa bé trong bụng đạp cho một cái không thở nỗi.
Dạo này tôi cũng không rảnh rỗi là bao, thi thoảng lại phải tiếp rất nhiều khách từ bên ngoài tới ví như Thái hậu, ví như mấy chị em cùng vào sinh ra tử với tôi ở Vạn Kiếp cũng lũ lượt vào kinh để thăm nom. Tôi lay lắt tấm thân nặng nề, cảm thấy sinh một đứa con phải đâu là chuyện đơn giản. Phải làm mẹ mới biết nỗi khổ của mẹ, nhưng ngặt nỗi mẹ tôi là ai đến bây giờ tôi vẫn chưa rõ ràng.
Tiết trời vào đông buổi tối thường lạnh lẽo vô cùng, tôi cũng thường xuyên bị chứng chuột rút giày vò thân thể. Tôi cuộn người cạnh cái bếp lò nằm ngủ mê man, đương ngủ ngon thì cảm giác cửa lớn mở ra, khí lạnh lùa vào phòng. Tiếng bước chân nhè nhẹ tiến vào, tôi nhắm mắt kéo chăn lên cao một chút.
Lờ mờ cảm thấy có bàn tay ấm áp nâng niu xoa gò má mình, tôi theo bản năng chộp lấy bàn tay ấy rúc vào. Trên đỉnh đầu truyền tới tiếng cười khẽ, có một giọng nói quen thuộc vang lên:
"Hôm nay ngủ cả ngày rồi, dậy xem có ai đến thăm em này!"
Tôi lẩm bẩm trở mình thêm mấy cái thì dậy. Trần Khâm vươn tay đỡ lấy tôi, tôi thuận tiện ngã vào lòng anh ta lười biếng ngáp một cái. Trần Khâm không gọi Thụy Hương vào, trực tiếp dùng một dải lụa cột ngang mái tóc dài của tôi sau lưng, lại choàng thêm một cái áo lông ấm rồi đỡ tôi ra gian chính.
Một cơn gió lạnh tạt vào mặt làm tôi choàng tỉnh, mở mắt ra đã thấy mình ngồi tựa trên ghế dài, lò sưởi đã đốt còn Trần Khâm không biết đã đi đâu. Bên tai tôi bỗng vang lên giọng nói như tiếng chuông:
"Từ lúc nào cô gái nhỏ này lại tham ngủ thế kia!"
Tôi quay sang đã thấy chị Anh Nguyên ngồi bên cạnh từ lúc nào, dưới chân chị ta là một đống vỏ hạt sen khô nằm ngổn ngang. Tôi vừa giận lại vừa kinh ngạc, lại xen lẫn vui mừng nên không biết từ lúc nào đã ngồi khóc rưng rức. Chị Anh Nguyên thấy thế thì lấy làm ngạc nhiên, vội nói:
"Ôi, lại còn khóc nữa, vào cung uất ức lắm hả em?"
Tôi quệt nước mắt, hỏi chị:
"Hôm nay có việc gì mà lại đến đây thăm em thế?"
Chị Anh Nguyên gãi đầu, đáp:
"À thì hay tin em có thai nên đến thăm, sẵn tiện..."
Tôi biết thừa chị ta đến thăm nom Phạm Ngũ Lão, mục đích chính là anh ta còn tôi mới chính là sẵn tiện. Chị Anh Nguyên cười hì hì với tôi, lại nói:
"Hôm qua quan gia có tiệc nên cả nhà kéo nhau đến ấy mà, nhưng hôm nay thấy em ngủ say quá nên không nỡ gọi dậy. Cha đã về trước chỉ còn chị và các anh ở lại thôi, ngày mai đều sẽ trở về."
"Gấp thế ạ?" – Tôi hỏi.
"Ừm... Chị dâu cả cũng đang có thai nên mọi người cũng không yên lòng để chị ở nhà. Mọi người đều mong ngóng được gặp lại em, khi nào sinh xong thì trở về thăm nhà một chuyến nhé!"
Đúng là tôi rất muốn trở về, nhưng chẳng hiểu sao vì những vướng mắt mơ hồ với Quốc Tảng mà tôi lại không lấy được dũng khí. Dù tôi biết mình yêu Trần Khâm, nhưng với Quốc Tảng vẫn có một cái gì đó khó nói nên lời.
Tôi gật đầu, lại vươn người lấy thêm một khối đàn hương bỏ vào lư đồng, trong lòng chợt nhiên có chút trống trải.
Hồi lâu, tôi bất giác hỏi:
"Vậy còn..."
Chị Anh Nguyên hiểu ý tôi, đáp lời:
"Anh ba cũng có đến, nhưng chắc anh ấy ngại nên không dám đến thăm, chỉ nhờ chị xem tình hình của em thế nào. À mà ông anh này của chúng ta đúng là không bớt lo được."
Chị Anh Nguyên nói tới đây thì đưa mắt nhìn một vòng xung quanh, xác định không có ai rồi mới nhỏ giọng nói:
"Hôm em vào Thăng Long có một đám người áo đen ám sát, em có hay không?"
Tôi gật đầu, là đám người Trịnh Giác Duy chứ nào phải ai xa lạ. Với cả chuyện ầm ĩ cả một khúc sông, muốn bịt mắt bịt tai giả mù giả điếc cũng khó.
Chị Anh Nguyên nói tiếp:
"Ngày đó anh ba đột nhiên rời bỏ vị trí đuổi theo đoàn rước dâu, chị đoán chắc là trước đó anh ấy đã phát hiện ra được có điều gì bất thường nên cố sức đuổi theo hòng giữ em ở lại, nhưng cuối cùng bị chặn lại ở sông Lục Đầu. Chẳng biết đám giặc giời này từ đâu ra mà trùng hợp thế không biết."
Tôi buồn rầu nói:
"Đúng là quan gia vì muốn đưa em vào đây nên đã bày ra việc đi duyệt binh đấy ạ. Còn đám giặc cỏ là từ chỗ Đà Giang xa xôi ẩn nấp ở đây, cùng với cái bọn hôm hoa đăng là một."
Chị Anh Nguyên vỗ bàn một cái bốp, vừa ui da vừa đáp:
"Chị đã nói là trong chuyện này có gian trá mà. – Lại xoay qua tôi quan tâm hỏi – Vậy bây giờ em sống thế nào, có tốt không?"
Tôi chỉ cái bụng tròn vo của mình mà không đáp. Chị Anh Nguyên dường như hiểu ý tôi, che miệng tủm tỉm cười. Một lúc sau như sực nhớ lại chuyện chính, lại rầu rĩ nói:
"Hôm đó anh ba trở về người không ra người, ma không ra ma, chằng chịt vết thương lớn nhỏ. Từ ánh mắt vô hồn của anh ấy chị cảm thấy dường như anh ấy đã chết trận ở bờ sông đó rồi, thứ trở về chỉ là cái xác vô hồn mà thôi."
Tim tôi nhói lên một cái.
Chị Anh Nguyên tiếp tục thở dài, kể:
"Những ngày tháng đó dù đối với anh ba, An Hoa, hay là cả phủ vương đều là những ngày tháng khủng khiếp nhất. Anh ba suy sụp ngày đêm triền miên trong men rượu, không ngày nào trong chỗ của anh ấy không phát ra tiếng đàn hát. Sau đấy cha đánh anh ấy một trận, cha nói: "đừng mơ mộng hão huyền nữa, đó là em gái mày, là vợ vua!" Lúc ấy anh ba đã khóc, trời ơi từ lúc chị bước vào phủ đến nay chị chưa hề thấy anh ấy khóc một lần nào."
Tôi cúi đầu rót trà, một giọt nước nóng hổi rơi trên gối, hóa ra chính tôi cũng khóc lúc nào không hay. Làm sao, làm sao mà không động lòng cho được, một tình cảm sâu như biển, nóng bỏng như bếp than hồng đêm đông giá lạnh.
"Sau lúc đấy anh lại thay đổi hoàn toàn, anh ấy tập võ đọc sách không ngừng nghỉ, thân thể chẳng mấy chốc mà tiều tụy hao mòn. Em nói xem, anh ấy làm vậy là vì cái gì?"
Theo lời chị Anh Nguyên kể lại thì trước đây ông nội tôi và tiên đế đã từng xảy ra hiềm khích, loại chuyện cướp vợ đoạt con nghiêm trọng đến mức phải vung gươm tạo phản. Nhưng dưới sự uy hiếp của Thái sư Trần Thủ Độ thời đó mà mọi chuyện êm xuôi, ông nội tôi đành chọn cách ngậm bồ hòn làm ngọt. Sau này lúc lâm chung, ông nội tôi dặn cha tôi nhất định phải đoạt ngôi, rửa mối thù nhà, có điều cha tôi mặc dù đồng ý nhưng lại không cho là đúng.
Cha bèn đem chuyện hỏi Phạm Hữu Thế, anh ta bảo:
"Làm điều đó tuy được phú quý một thời mà để lại tiếng xấu ngàn năm, nay vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng thuộc hạ thề xin chết làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu."
Cha lại đem chuyện đó đi hỏi anh cả, anh cả chắp tay thưa:
"Dẫu khác họ cũng còn không nên, huống chi là cùng một họ!"
Đại khái là bọn họ đều không tán thành việc cha tôi đang nắm thực quyền mà làm phản, nhưng tới khi hỏi Quốc Tảng, anh ta lại nói:
"Tống thái tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ!"
Cha tôi lập tức giận tột độ, rút ngay thanh kiếm bên hông kề vào cổ anh ta, mắng:
"Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra!"
Sau đấy dù anh cả dốc lòng khuyên ngăn nhưng cha tôi vẫn tuyên thệ rằng sau này cho đến khi cha mất, lúc đã đóng nắp quan rồi mới cho Quốc Tảng vào thăm.
Tôi nghe đến đây không nén nổi kinh ngạc, thì ra anh ta hành hạ bản thân đến chết đi sống lại là vì muốn học theo ông nội vì bị cướp vợ nên tạo phản. Đúng là điên rồ!
Chị Anh Nguyên thở dài:
"Chắc anh ấy nghĩ rằng đoạt lấy giang sơn là có thể tìm lại được em. Các anh cho rằng anh ấy ngu ngốc nhưng chị thấy anh ấy thật đáng thương, một kẻ si tình đến mức lệch lạc."
Chắc anh ta sẽ giận lắm khi biết chính mình thì đau đớn đến chết đi sống lại còn kẻ như tôi vẫn ngày đêm vui vầy đầu ấp tay gối với người khác mà quên béng mất mình. Ngọn lửa từ lò sưởi tỏa ra ánh sáng bập bùng, đêm đông lạnh lẽo lùi xa, chỉ có ánh mắt nóng rực của Quốc Tảng là ngự mãi trong tâm trí tôi.
Sáng hôm sau tôi tiễn chị Anh Nguyên trở về Vạn Kiếp, suốt đêm tâm sự làm lòng tôi cứ nặng trĩu không thôi. Tôi vừa muốn gặp lại Quốc Tảng để giải đi gút mắt với anh ấy lại vừa không dám đối mặt. Tôi sợ nếu như lúc này nhìn thấy tôi không biết anh ấy sẽ làm ra chuyện gì, mà chính anh ta có lẽ cũng sợ điều đó.
Thời gian vô tình ít nhiều cũng phần nào nguôi ngoai, nhưng hễ gặp nhau nếu như còn, đốm lửa lòng sẽ lại bùng cháy.
Tôi đứng nép bên cổng nhìn chị Anh Nguyên ngày càng đi xa, Quốc Tảng đứng dưới giàn tầm xuân vẫn xuất chúng như ngày nào, vẫn là đôi mắt anh ta có phần lạnh nhạt, lẳng lặng nhìn anh ta vẫn giống như thấy được hình ảnh đêm đông yên tĩnh, làm tim người ta an bình. Anh ta bỗng hướng ánh mắt mệt mỏi ưu thương về phía tôi.
Trần Khâm ôm lấy tôi kéo vào góc khuất, tôi giật mình, suýt chút nữa thì Quốc Tảng đã phát hiện ra tôi rồi.
Trần Khâm ban đầu nhìn tôi chằm chằm, lát sau anh thở hắt ra, nhẹ giọng nói:
"Hãy để cho người ấy quên đi."
Tôi gật đầu dời bước, Trần Khâm lại khó khăn nói:
"Trước đây đúng là tôi đã làm ra hành động ích kỷ tột cùng, hoàn toàn không quan tâm đến cảm nhận của em. Dù không nói nhưng chắc trong lòng em vẫn còn giận."
Tôi thở dài:
"Bất kể gặp được ai, đó đều là người ta cần gặp. Bất kể xảy ra chuyện gì, đó đều là chuyện nhất định phải xảy ra. Bất kể chuyện bắt đầu từ đâu, đó đều là thời điểm thích hợp. Bất kể là chuyện gì, đã qua chính là đã qua."
Ai có lỗi đâu còn gì quan trọng nữa đâu, tình cảm vốn là thứ không thể phân định rạch ròi như vậy được.
Tôi nhìn về hướng của Quốc Tảng, giữa trời thắm sắc hoa tầm xuân, ngoảnh đầu lại đã không còn thấy bóng người.