Quả nhiên tháng Giêng năm Thiệu Bảo thứ năm – tức là năm Nhâm Ngọ, Sài Thung được lệnh đem hơn một nghìn quân người Hán trong quân đội Nguyên hộ tống Trần Di Ái về Đại Việt làm vua. Trần Khâm huy động lực lượng chặn đánh Sài Thung ở ải Nam Quan và bắt giữ nhóm Di Ái, song vẫn nghênh đón gã về Thăng Long.
Ngày Sài Thung bước chân vào cấm thành, An Tư từ sớm đã ngồi đợi tôi ở cung Quân Hoa. Năm nay Quốc Chẩn đã tròn một tuổi, không khóc nhiều như trước nữa mà trở thành một thằng bé vô cùng hiểu chuyện. Tôi cho nó ăn sáng xong xuôi, bồng ra ngoài đã bắt gặp An Tư ngồi chống cằm dùng ngón tay chấm nước trà vẽ nguệch ngoạc lên bàn gỗ. Tôi bĩu môi một cái, bảo:
"Khiếp, còn bẩn hơn Quốc Chẩn!"
An Tư nhìn thấy tôi như mở cờ trong bụng, không quản tôi nói lời mỉa mai, lập tức vào thẳng vấn đề:
"Nghe nói hôm nay sứ giả Sài Thung là người Thát về, phái đoàn sang nước ta rất xa hoa. Từ khi chào đời tôi còn chưa gặp bọn Mông cổ đó lần nào, hay là chúng ta..."
"Thì cũng hai con mắt một cái miệng, có gì khác nhau?" – Tôi cắt ngang.
An Tư nắm tay áo tôi, nài nỉ:
"Chỉ đứng xem từ xa thôi, tôi hứa là không gây ra rắc rối gì."
Tôi lại khinh thường hỏi:
"Bọn chúng có ba đầu sáu tay à?"
"Sau khi trở về tôi giúp cô trông Quốc Chẩn ba ngày được không?"
Tôi nhìn An Tư, lắc đầu.
"Năm ngày!"
Tôi lại lắc đầu.
"Một tuần! Đây là giá tốt nhất rồi, không hơn được nữa đâu!"
"Thành giao!"
Tôi nhếch môi cười gật đầu. Trên đời này vốn có những người sinh ra để gây rắc rối cho người khác, mà hoàng quý cô An Tư của tôi chính là tên cầm đầu của những kẻ gây rắc rối, Chiêu Thành vương lại là kẻ tiếp tay.
Vì thế ngay sáng hôm đó tôi, An Tư cùng Chiêu Thành vương nấp vào một góc hướng mắt về cửa Dương Minh hóng hớt đoàn sứ giả đến từ Nguyên triều. Tôi âm thầm than thở, một cô gái mới mười sáu tuổi cùng chàng người yêu hết lòng cưng chiều cô ta hùa nhau làm loạn thì đã đành, sao kể cả một người phụ nữ đã có con như tôi cũng tham gia náo nhiệt chứ, thật là oan trái lắm thay.
Nhưng đúng là kịch hay chỉ xuất hiện ở những nơi hung hiểm, cửa Dương Minh hiện giờ đã náo loạn không ra hình thù gì rồi. Từ bên đây ngó qua chỉ thấy một tên cao to bặm trợn ăn vận sặc sỡ kỳ quái cầm roi ngựa quất vào lính canh, tôi cảm thấy đây hẳn là tên sứ giả Sài Thung mà An Tư nhắc tới.
Sài Thung cưỡi trên con ngựa cao lớn, phía sau là một cỗ xe ngựa xa hoa được kéo bởi hai con ngựa tốt, sau nữa là một toán quân hộ tống hơn trăm người đều khôi giáp chỉnh tề, lăm lăm gươm giáo. Tôi tặc lưỡi, loại hống hách ngang ngược này chỉ đến thế là cùng.
Vốn dĩ kẻ vào Cấm thành dù tốt xấu vẫn phải tuốt bỏ gươm giáo áo mũ chỉnh tề vào yết kiến quan gia, đằng này còn ngang nhiên ngồi trên lưng ngựa đánh xuống binh lính giữ thành.
Một ngàn quân đưa Trần Di Ái trở về bị chặn đánh dọc đường cho tan tác, những kẻ còn lại bước chân vào được đây sợ là cũng không phải đám người vô dụng.
Đương lúc roi ngựa sắp quật xuống lần nữa, An Tư bỗng dùng một hòn đá làm ám khí rất chuẩn xác phóng trúng cánh tay đang hạ xuống của Sài Thung, hắn ta liền không ngừng la hoảng. Còn chưa kịp cản lại, An Tư đã nhếch môi phóng thêm hòn đá thứ hai, tên Sài Thung từ trên ngựa ngã xuống đất ở cửa Dương Minh.
Tôi trừng mắt nhìn cô ta, dùng khẩu hình miệng mắng cô ta một tiếng. Chiêu Thành vương ngay lập tức ngồi chắn lấy người An Tư, cô ta liền đắc ý nhìn tôi cười cười. Thật hết nói nỗi.
Tôi liếc mắt về phía đó thì phát hiện Sài Thung đang lồm cồm ngồi dậy, gã ghé sát cỗ xe ngựa nói nhỏ gì đó, từ chỗ tôi có thể loáng thoáng nghe được mấy từ "ma quỷ", "Giao Chỉ rất đáng sợ" gì đó. Nhưng gã ta nói bằng tiếng Hán nên tôi chỉ có thể nghe hiểu lờ mờ mấy chữ thôi, có lẽ là nói Đại Việt ta không thể xem thường.
Trong cỗ xe ngựa tôi loáng thoáng thấy được mái tóc dài xoăn nhè nhẹ của người đàn ông cột thành hai lọn đổ xuống khuôn ngực rộng. Anh ta nâng cánh tay vén nhẹ mành che cửa sổ, đôi mắt dõi ra xa, như muốn rà soát từng tán cây ngọn cỏ. Tôi nín thở không dám nhìn thẳng vào kẻ đó, một lát sau rèm che buông xuống, tôi khẽ thở phào.
Bên kia vang lên âm thanh trầm thấp:
"Làm theo ý họ đi!"
Tức thì toàn bộ binh lính người Nguyên đồng loạt xuống ngựa. Lúc này lính canh cửa Dương Minh mới cho họ vào.
Sau hôm đó, tôi ôm Quốc Chẩn trong lòng ngồi trên sập nghe Trần Khâm kể lại, sống động như chính mình được ngồi xem kịch ở điện Thiên An.
Chẳng biết Sài Thung từ khi sinh ra đã mang bản tính ngạo mạn hay gã thấy nước Việt nhỏ bé mà coi thường, dù trên điện Thiên An vẫn hống hách la lối dò hỏi chuyện của Trần Di Ái. Dù là nước nhỏ, Trần Khâm vẫn là bậc quân vương, làm sao có thể để một sứ thần nhỏ nhoi xem thường.
Trước văn võ bá quan, anh ta vẫn thản nhiên nói:
"Ta là vua duy nhất của Đại Việt, một mình con dân Đại Việt chấp nhận là đủ. Còn về phía Nguyên triều nếu chấp nhận Di Ái thì cứ để người ấy là vua ở Nguyên triều. Về phần tên giặc Di Ái làm gì ở nước Nguyên thì ta không quan tâm, những hễ bước đến địa phận của nước Việt thì chỉ có một con đường chết!"
Tôi có thể tưởng tượng được cảnh quần thần không nén nổi xúc động, quệt nước mắt hô to "quan gia nói đúng lắm". Tôi chọc đôi gò má phúng phính sữa của Quốc Chẩn, cười nói:
"Tên Sài Thung này cứ thế mà chịu nhượng bộ à, không giống cách hành xử của hắn lắm nhỉ?"
"Thì nghe kể cũng phần nào đoán ra được gã đó có tính cách thế nào!" – Lại đánh trống lảng – "Chàng không sợ anh ta về Nguyên sẽ gièm pha cho vua Nguyên cất quân sang đánh sao?"
Trần Khâm thở dài:
"Thát Đát từ lâu đã muốn thôn tính toàn thiên hạ, chỉ một Sài Thung nho nhỏ không thể đả động gì được tới quyết sách của Hốt Tất Liệt. Tôi muốn em hiểu rõ rằng cuộc chiến này sớm muộn gì cũng phải tới, cái tôi hi vọng chỉ là kéo dài một chút thời gian để mài gươm rèn giáo, thao luyện binh mã. Và còn... con của ta chúng vẫn còn quá nhỏ, nếu như quân địch đến sớm, tôi sợ cực khổ cho em."
Tôi cũng thở dài, lời Trần Khâm nói quả thật không sai.
Hai ngày sau hôm đó nghe tin Thanh Vân lâm bệnh nặng, tôi vội vã thu xếp đến thăm. Buổi sáng cho Quốc Chẩn ăn no rồi dỗ nó ngủ, tôi nhỏ giọng dặn Thụy Hương trông chừng thằng nhóc rồi nhanh chóng đến cung Diệu Hoa.
Thanh Vân nằm trên giường gương mặt xanh xao tiều tụy, tôi không biết vì nguyên do gì mà sức khỏe Thanh Vân lại trở nên xuống dốc nhanh như thế. Trong lòng tôi nghi hoặc, nhưng nghĩ lại có lẽ là do dạo gần đây bận rộn với Quốc Chẩn nên lơ đãng việc xung quanh.
Thanh Vân nhìn thấy tôi như nhìn thấy cọng rơm cứu mạng, đang nằm trên giường thì chồm tới định ngồi dậy nắm tay tôi. Tôi đỡ em ấy nằm xuống, ân cần hỏi han. Thanh Vân khóc thút thít, nói:
"Em mệt quá, chắc em không sống nổi nữa đâu chị ơi!"
Tôi nghe thế thì xót xa:
"Làm sao lại nói vậy, em còn trẻ lắm, sẽ còn sống lâu lắm. Cố gắng uống thuốc vào."
Tôi nghĩ có lẽ do bệnh nên Thanh Vân trở nên mềm yếu hơn hẳn lúc bình thường.
Ngồi bên mép giường bỗng dưng cảm thấy giống như có ai đó đang nhìn mình, tôi ngó quanh quẩn một vòng vẫn chỉ thấy một mình Thanh Vân nằm thiêm thiếp. Trong lòng bất giác dâng lên nỗi bất an, bèn nhỏ giọng hỏi:
"Hôm nay có ai khác đến thăm em à?"
Thanh Vân hé mắt nhìn tôi, vẫn yếu ớt nói, chất giọng buồn bã:
"Mấy hôm nay chỉ có mình chị đến thôi ạ!"
Cảm giác bất an vẫn len lỏi, tôi thấy câu nói của em ấy có vẻ là lạ nhưng lại không nhận ra lạ ở chỗ nào.
Tôi vốn định chỉ đến thăm Thanh Vân một buổi đến khi trời xuống bóng sẽ trở về, bầu không khí ở cung Diệu Hoa thường ngày vẫn rất yên ắng. Tôi ngồi bên giường trò chuyện cùng Thanh Vân, cảm thấy thoang thoảng hương hoa lan dễ chịu, chính mình thiếp đi lúc nào không hay.
Lúc giật mình tỉnh lại đã thấy gian phòng tối om, cũng may trong đầu tôi luôn chập chờn hình ảnh của thằng nhóc Quốc Chẩn nếu không chẳng biết ngủ tới giờ nào. Tôi mò mẫm đứng dậy trong bóng tối, không rõ đã là giờ gì.
Thanh Vân có lẽ đã ngủ say nên chưa kịp đốt đèn.
Tôi từ thành giường đứng dậy, cả người loạng choạng một cái, Thanh Vân bên kia bỗng yếu ớt nói:
"Chị định về đấy ạ? trời đã tối rồi chị đừng về.... Ở lại với em một đêm nhé... em sợ."
"Vậy e không tiện, chị ra ngoài sai cung nhân đến chăm sóc em, đừng sợ."
Tôi nén lại cơn buồn ngủ ào ạt ùa về như thác đổ, nhưng cảm thấy mình đã đi cả ngày rồi nói không chừng thằng bé Quốc Chẩn không tìm thấy mẹ sẽ khóc nên từ chối lời mời của Thanh Vân, xiêu vẹo bước ra khỏi phòng ngủ. Đến hành lang lại bỗng nhiên cảm giác có ai nhìn mình chằm chằm, từng bước tôi đi như có kẻ lần mò bám theo vậy.
Cho dù là tôi tự nghi thần nghi quỷ, nhưng tiếng vang do đế giày tạo ra trong đêm thanh vắng không thể là giả được, tôi nhìn đôi giày thêu hoa mỏng nhẹ của mình, làm sao lại tạo ra được thứ âm thanh chân thật đến độ này. Cảm giác bất an lại một lần nữa tràn ngập tâm trí tôi, khiến từng sợi lông tơ của tôi đều như dựng ngược.
Tôi vốn không sợ mấy thứ ma cỏ vớ vẩn nhưng lần này lại không cảm thấy được một chút tự tin. Thanh Vân, rốt cuộc trong Diệu Hoa cung của em có thứ gì thế?