Có một người chồng làm nông, vợ chồng gần như sẽ gặp nhau suốt cả ngày, có thể là chồng đi cày vợ đi cấy.
Có một người chồng làm quan nhỏ thì trừ những khi anh ta ra ngoài làm công vụ, lúc trở về thì chỉ quanh quẩn với vợ mình, thỉnh thoảng lại ra ngoài gặp bạn đồng liêu.
Lại có một người chồng làm quan to ban ngày vào triều, hết giờ thì trở về phủ đệ. Có thể ba vợ bốn nàng hầu, nhưng có thể biết rõ lúc nào là gặp được anh ta.
Nhưng có một người chồng làm vua thì anh ta cứ thoắt ẩn thoắt hiện, anh ta có nhà riêng và chỉ khi có việc cần anh ta mới sang thăm. Rõ ràng là vợ chồng nhưng lại chẳng giống vợ chồng, rõ ràng là nhà của ta nhưng cũng chẳng phải nhà của ta, có một đứa con nhưng lại không thể bắt nó hiếu thảo với riêng ta mà là cả thiên hạ.
Tôi đang "đau xót" cho số phận của mình thì người chồng bất đắc dĩ kia lại thở dài, chậm rãi lên tiếng:
"Chú năm báo về, bọn chúng đang sai đóng gần ba trăm thuyền chiến, chiêu mộ hơn năm mươi vạn binh mã định mượn cớ đưa chú ấy về để sang cướp nước ta lần nữa."
Tôi hừ một tiếng, khinh thường nói:
"Ba trăm tàu chiến và năm mươi vạn binh mã, bọn chúng đang mơ hay sao? Ba trăm tàu chiến không nhanh thì chậm có thể xong, còn năm mươi vạn quân kia chiêu mộ ở đâu chứ? Vừa tổn hại gần bốn mươi vạn lại có thể ngay lập tức định chiêu mộ thêm năm mươi vạn, bọn chúng tưởng binh lính là cái mớ củ cải có thể đào dưới đất lên ư?"
Trần Khâm trầm ngâm
"Không nhất định chỉ là người Mông Cổ, em đừng quên bọn chúng đã thôn tính được nước Tống, và đương nhiên cũng không chỉ là nước Tống!"
Nghĩ đoạn, lại nói tiếp:
"Nhưng dù sao binh lính mỏi mệt, thương thế còn chưa khỏi, chúng cũng không thể nhịn đói đi đánh nhau."
"Vậy nên không nhất định là bây giờ, ít nhất cũng phải hơn một năm chúng mới có khả năng tạo ra uy hiếp!"
Tôi cầm quạt quạt cho mình vài cái, lại quạt cho Trần Khâm vài cái, rồi đánh giá anh ta từ trên xuống một lượt. Đây rốt cuộc cũng không còn là chàng trai năm đó vừa nghe phong thanh tin giặc Nguyên sẽ đánh đến đây thì cố giấu hoảng hốt trong lòng, lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Trên mặt Trần Khâm hiện tại tỏa ra loại khí chất sắc bén như một thanh kiếm, một loại trấn tĩnh tự nhiên từ bên trong.
Trần Khâm có vẻ rất hưởng thụ việc tôi quạt mát cho anh ta, chốc lát lại nới lỏng cổ áo cho thông thoáng hơn, hơi ngả người ra sau chớp mắt suy nghĩ, lại nói:
"Trước tôi đã hỏi Quốc công, ngài nói "vì ngày trước thái bình dân không biết việc binh, nên khi bọn Thát sang thì có lắm kẻ đầu hàng trốn chạy. Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì sợ phải đi xa. Vả lại chúng còn nơm lớp cái thất bại của Hằng, Quán, không còn chí chiến đấu". Lại kết luận một câu: "phá được chúng là điều chắc chắn"."
Cha tôi không phải kẻ ăn không nói có, ông ấy đã khẳng định như thế thì tức là trận này vốn không có gì để lo, huống hồ lần trước đánh cho giặc chạy nháo nhào khiến bọn chúng vừa nghe tới tên ông là lập tức kinh sợ.
Nghe Trần Khâm nhắc tới những kẻ đầu hàng bỗng dưng tôi lại nhớ đến đám Trần Kiện Trần Lộng, lần đó Trần Kiện bị bắn chết đúng là quá lời cho hắn ta.
Tôi bất chợt ngồi dậy, căm phẫn nói:
"Trần Kiện đáng ra nên bắt sống, sau đó để cho voi giày ngựa xéo mới hả giận, ấy mới là kết cục xứng đáng cho kẻ giẫm lên xương máu của đồng bào ta."
Trần Khâm nhìn tôi chớp chớp mắt, có lẽ nhìn bộ dạng và lời nói của tôi khiến anh ta lạnh sống lưng.
Thế rồi anh ta ngẩn người một hồi, giống như muốn nói gì đó. Tôi ngưng quạt cau mày, giục:
"Còn gì nữa à?"
Trần Khâm bình tĩnh đặt một tay lên vai tôi, giọng điệu ân cần lại như an ủi:
"Hoàng cô.. ừm.. cô ấy cũng có thai rồi."
Trong lòng tôi như có một cơn chấn động, tôi giật mình hỏi lại Trần Khâm, thấy anh ta gật đầu mới tin tưởng là mình không nghe nhầm. Ngẩn ra một hồi lúc ngẩng lên đã giàn giụa nước mắt.
Tôi bật cười khan, nói:
"Đó không phải là chuyện thiên kinh địa nghĩa hay sao?"
Trần Khâm lau nước mắt cho tôi:
"Ban đầu cô ấy có đòi chết mấy lần nhưng Thoát Hoan dường như rất kiên nhẫn, chẳng biết được anh ta thật tâm muốn cô ấy sống hay chỉ vì muốn cô ấy dằn vặt đau khổ để trả thù. Có điều anh ta có vẻ xem trọng đứa bé đó."
Trong lòng tôi có chút an ủi, mếu máo gật đầu. Trần Khâm kéo tôi vào trong ngực:
"Xe đến chân núi ắt có đường, việc đau khổ nhất là dứt áo ra đi cô ấy cũng đã làm rồi, hiện giờ không chỉ có một mình sinh mạng của cô ấy."
Tôi tự thấy chế giễu, nếu như sống là vì người khác thì có khác gì chết đâu. Không ai xa lạ, bên cạnh tôi cũng trùng hợp có một người vừa mới trút bầu tâm sự đấy thôi.
Tháng sáu Trần Khâm đã ra lệnh cho các vương hầu tôn thất mộ binh, thống lĩnh thuộc hạ của mình, lại sắm sửa vũ khí chế tạo thuyền bè đề phòng khi có giặc.
Tôi đứng bên cửa sổ nhìn cơn mưa ngoài trời vẫn cứ rơi mãi không dứt trắng xóa trên mái hiên, lại đổ ào ào xuống thềm giống như muốn cuốn trôi đi từng lớp ngói từng viên gạch.
Bên ngoài có tiếng bước chân, tiếng phẩy nước trong ô nghe phần phật. Áng chừng một khắc sau tiếng bước chân đã đến gần bên cạnh, biết là Thụy Hương đã trở về tôi bèn che giấu đi tâm tình đang hỗn loạn, chầm chậm hỏi:
"Nó... vẫn không chịu nhận lỗi sao?"
Thụy Hương lắc đầu cất giọng run run, không biết là run vì lạnh hay vì đang e ngại tôi nữa.
Móng tay tôi bấu mạnh vào lòng bàn tay một cái rồi lại buông ra. Tôi thở dài, vẫn đứng khoanh tay tựa vào cửa sổ nhìn ra bên ngoài, cao cao đằng kia là mái ngói lưu ly đỏ rực của cung Thúy Hoa khuất sau mấy bụi tầm xuân leo kín cửa rào và mấy cây lê già đã bắt đầu đón những đợt trái chín.
Tôi không nhìn Thụy Hương, lại bâng quơ nói:
"Khi nào tạnh mưa thì sai nô nhi hái một ít đem qua cho chị Trinh, tốt cho sức khỏe của chị."
Thụy Hương chần chừ một lát thì cất giọng:
"Hoàng hậu đã khỏe hẳn rồi chị ạ, chỉ là thỉnh thoảng vẫn rơi nước mắt thôi."
Tôi không kìm được, bèn hỏi dò:
"Vậy thái tôn thế nào rồi, đã được tha chưa?"
Thụy Hương dè dặt gật đầu tôi mới thở phào một cái.
Chốc lát mưa lại càng lớn hơn, trong lòng tôi bồn chồn không chịu nổi. Lại nghe Thụy Hương giục, cuối cùng với tay lấy thêm chiếc áo choàng khoác lên người đi đến gian phòng bên cạnh.
Gian phòng tối mờ mờ do trời đang mưa to, thỉnh thoảng bên ngoài vang lên một đợt sấm chớp. Tôi sai Thụy Hương thắp thêm đèn, căn phòng sáng lên, không khí cũng trở nên ấm áp.
Trước mắt là bóng dáng của đứa bé mới năm tuổi nhưng trông cao hơn những đứa trẻ cùng trang lứa rất nhiều, tuy khuôn mặt chứa phần nhiều vẻ non nớt nhưng đã mơ hồ nhìn ra được những nét đẹp ẩn bên trong.
Tôi bước tới ngồi trên ghế dài dặn Thụy Hương đóng kín cửa, lại nhìn nó một hồi rồi khoác tay gọi:
"Biết lỗi rồi thì đứng dậy đi."
Quốc Chẩn liền cúi thấp đầu muốn chạm đất, vừa khóc vừa ấm ức nói:
"Con không biết đã sai chỗ nào?"
"Vậy con đúng ở chỗ nào?" – Tôi nhẹ giọng hỏi.
Quốc Chẩn lập tức ngẩng đầu nhìn tôi, đôi mắt trong veo như nước suối trong không lẫn một hạt bụi:
"Anh cả ham chơi lén trốn ra ngoài cung với đám bạn bè xấu, con chỉ muốn ngăn cản mà thôi. Người sai là anh ấy tại sao con cũng phải chịu phạt cùng? Con là con của mẹ hay anh cả mới là con của mẹ?"
Ồ, nếu như nhìn nhận ra được vấn đề để chất vấn ngược lại tôi rồi thì không đến nỗi vô tri.
Tôi nhắm mắt xoa bên thái dương cho tỉnh táo, tiếp tục dịu giọng hỏi:
"Có ai xúi giục con không, hay chính con tự cảm thấy như vậy?"
"Là tự con cảm thấy như vậy, không có ai xúi giục hết!"
Lúc này Quốc Chẩn đã thôi khóc, cố bình tĩnh đáp, nhưng nước mắt hai bên vẫn chảy ròng ròng như thấy mình oan uổng lắm. Thật ra tôi cũng biết người sai đầu tiên là thằng bé Thuyên, nó chỉ mới mười tuổi mà lại dám làm ra loại chuyện trốn khỏi cung cấm ra ngoài chơi bời uống rượu.