Tôi mở mắt ra, đầu óc còn đang chìm trong mộng mị chưa kịp tỉnh táo hẳn.
Từ Cẩm An mở cửa bước vào: “Sao chị còn chưa dậy nữa? Tối qua chị ngủ không ngon ạ?”
Tôi vô thức siết chặt chăn, lạnh lùng nói: “Sao em lại tự tiện vào thẳng phòng chị vậy?”
Động tác của cậu thiếu niên thoáng khựng lại: “Xin lỗi, giờ em ra ngoài ngay đây ạ.”
Cậu để lại một ly sữa nóng cho tôi.
Còn tôi thì vừa gãi đầu vừa bước xuống giường, không hề do dự đổ thẳng ly sữa nóng vào bồn rửa tay.
Thế nhưng sữa lỏng nay lại kết dính như keo, mãi chẳng chịu trượt ra khỏi ly.
Từ Cẩm An năm mười bốn tuổi rất giỏi giả vờ.
Độ tuổi này chính là khoảng thời gian cậu thích cho người ta thử thuốc mình mới nghiên cứu ra nhất.
2.
Đây là một cuốn tiểu thuyết hào môn thế gia thiên hướng chữa lành.
Nam chính là Từ Cẩm An, thuở nhỏ thường hay bị bố mẹ đánh mắng. Vì tuổi thơ đáng thương nên cậu dần hình thành tính cách bất ổn, bề ngoài lại luôn giả vờ lễ độ.
Còn tôi chính là con nuôi của nhà họ Từ, người chị gái không chung dòng máu với cậu. Sau khi trưởng thành chúng tôi mới gặp nhau, rồi bị xếp cho ở chung một nhà.
Lần đầu tiên gặp mặt, cậu đã chuẩn bị một bó hoa cho tôi.
Nhưng khi đêm xuống, một con rắn độc bỗng chui ra từ bó hoa ấy.
3.
“Em bắt rắn độc ở đâu thế?”
Ngay trong bữa sáng, tôi đã hỏi một câu như thế với giọng điệu chẳng khác gì đang nói chuyện phiếm.
Sắc mặt Từ Cẩm An vẫn bình tĩnh, dáng vẻ thong dong: “Chị nói gì thế? Em nghe không hiểu.”
Cậu nhỏ hơn tôi bốn tuổi, nhưng dáng người thì lại cao hơn tôi một chút.
Dứt lời, cậu còn trợn tròn hai mắt trông cực kỳ vô tội.
Tôi cũng nở nụ cười, đứng dậy bước vào bếp bưng ra một nồi canh: “Cũng phải ha, em còn nhỏ thế mà. Cái này là canh chị nấu hồi sáng để bồi bổ cho em đó.”
Nói rồi tôi múc cho cậu một chén.
“Cảm ơn chị Tạ.”
Từ Cẩm An cười ngoan ngoãn.
Mắt kính gọng vàng, cặp mắt đào hoa, mũi cao môi mỏng, ngũ quan tuy chưa trổ nét hoàn toàn nhưng đã rất đẹp.
Tôi nhìn cậu uống một ngụm canh, chợt mỉm cười: “Cặp kính đó hợp với em lắm đấy.”
Cậu khựng lại: “Chị đang khen em ạ?”
“Ừ.” Tôi vẫn duy trì nụ cười, “Nó làm em trông ngoan ngoãn lắm. Từ Cẩm An, chị hỏi em một cậu nhé. Nếu hầm rắn làm canh thì có độc không nhỉ?”
4.
Giây tiếp theo, cậu lập tức đổ sạch chén canh trong tay.
Hơi nước nóng bốc lên từ đất, có mấy giọt canh văng lên người cậu.
Tôi vờ ngạc nhiên: “Sao em lại bất cẩn thế? Có bị bỏng chỗ nào không đó?”
“Không bỏng.” Từ Cẩm An hít vào một hơi thật sâu, cố nhịn lại gì đó, “Cảm ơn chị đã quan tâm. Em đi thay đồ đã, chị cứ ăn tiếp đi.”
Sau đó thì cậu tức giận bỏ lên lầu.
Tôi ngồi trước bàn ăn mà chỉ biết bật cười, thờ ơ nghịch nghịch chiếc muỗng.
Đúng là trẻ con, kiến thức vẫn còn hạn hẹp lắm.
Thích nghiên cứu thuốc, vậy mà không biết canh rắn hầm không có độc à?
5.
Trường học của tôi và Từ Cẩm An cách nhau khá gần.
Tôi học ở đại học A, còn cậu thì theo học trường trung học trực thuộc đại học A.
Vì vậy bình thường chúng tôi toàn đến trường cùng nhau.
“Mau lên đi, sắp muộn rồi.”
Tôi ngồi trên xe ngoắc tay gọi cậu. Gương mặt Từ Cẩm An thoáng qua nét âm u, song lại trở về vẻ dịu dàng vô hại rất nhanh.
Hai người bọn tôi ngồi ở hàng ghế sau. Tài xế đã đóng tấm màn che lại từ lâu nên không nhìn được tình hình đằng sau.
Tôi liếc qua, thoáng thấy nụ cười trên môi Từ Cẩm An đã tắt ngúm, thế là không nhịn được mà nhếch môi cười.
“Em trai Cẩm An à.” Đột nhiên tôi nghiêng người về phía cậu, hạ thấp giọng nói: “Em vẫn còn non lắm.”
Cậu mím chặt môi thành một đường thẳng, có lẽ là đang suy nghĩ vì sao tôi biết được bộ mặt thật của cậu.
Tôi lấy một chiếc trâm cài hình con rắn ra và ném vào tay cậu, môi mỉm cười.
“Em còn nhỏ, không giấu được đuôi sói của mình đâu.”
6.
Vào cái đêm trước ngày gặp Từ Cẩm An, tôi đã thức tỉnh.
Nhờ một giấc mơ, tôi biết được toàn bộ nội dung kịch bản.
Rằng đây là một cuốn tiểu thuyết chữa lành, nên mọi nỗi bất hạnh của Từ Cẩm An, nào là bị đánh đập, ngược đãi, tuổi thơ thảm thương, tất cả đều là thứ bắt buộc phải có.
Trước khi gặp được nữ chính, cậu sẽ làm loạn cái nhà này lên. Mãi cho đến khi nữ chính bước qua lớp ngụy trang ấy và “chữa lành” cậu.
Nhưng ngại quá, tôi lại là một người giám hộ tiêu chuẩn thời hiện đại.
Nào là đầu óc chập mạch, tâm lý bất ổn gì gì đó, tất cả đều sẽ bị xử lý theo tội không nghe lời.
Lỡ tâm trạng trẻ nhỏ ngày càng bất ổn thì sao á?
Toàn là giả vờ cả thôi, đánh một trận là khôn ra ngay.
7.
Ngày hôm sau, ánh mắt Từ Cẩm An nhìn tôi đã thay đổi.
Tựa như con rắn ngủ đông, nay cậu cẩn thận quan sát con mồi, chuẩn bị cho một đợt tấn công mới.
“Lại đây ăn đi.”
Tôi vẫn cười tươi, hai mắt cong cong: “Cẩm An, món canh hôm qua chỉ là vô tình thôi. Sau này chị sẽ không nấu món đó nữa đâu. Đừng nhìn chị đầy cảnh giác thế chứ.”
“Chị không sợ rắn.”
Cậu hừ lạnh một tiếng rồi ngồi xuống.
Tôi vẫn tiếp tục cười: “Chị là chị mà, đương nhiên là không sợ gì hết.”
“Thật không?”
Gương mặt Từ Cẩm An lạnh lẽo: “Vậy em sẽ thử từng cái từng cái, để xem chị sợ cái gì.”
“Được thôi.”
Tôi cụp mắt, đột nhiên nói một câu chẳng mấy liên quan: “Cái thời chị còn ở trại trẻ mồ côi ấy, trên giường không chỉ có rắn thôi đâu, cả rết, cả gián, rồi sên, cái gì cũng có hết đấy. Gia đình em đối xử với chị rất tốt, nên đã lâu rồi chị không nhìn thấy mấy loại côn trùng đó. Vừa hay có em ở đây, có thể giúp chị kiểm tra xem chị có còn sợ chúng nó hay không.”
8.
Ông bà Từ lúc nào cũng bận bịu công việc.
Bọn họ kết hôn được là nhờ gia đình hai bên làm đám hỏi. Tuy sống chung nhà nhưng lòng lại xa cách, cả hai đều đặt lợi ích của mình lên trước.
Từ Cẩm An là một trong số ít những thứ chung mà họ cùng có.
Còn tôi, chẳng qua chỉ là một tấm thẻ bảo hiểm để chăm sóc con trai cho bọn họ mà thôi.
Bởi vậy khi nhận được điện thoại từ giáo viên chủ nhiệm lớp Từ Cẩm An, tôi cũng chẳng ngạc nhiên.
“A lô? Cô là chị gái của Từ Cẩm An phải không?”
Mà điều khiến tôi ngạc nhiên đó là chính là lời mà giáo viên chủ nhiệm nói:
“Em trai cô đánh bạn cùng lớp đến nhập viện. Nhà trường đã biết chuyện này nên em ấy sẽ bị xử phạt.”