Người Tốt Nhất Trên Thế Gian Này Là Anh

Chương 1



Cuối tháng ba tại thị trấn Ngô, cỏ mọc tốt tươi, chim bay ríu rít, nắng vàng ấm áp.

Tan tiết chính trị, từng dòng người hối hả ùa ra cổng trường mà chỉ có mình Nam Kiều che chiếc ô màu lam trên đầu là nổi bật nhất.

Thẩm Thiến khó chịu kéo chiếc ô kia xuống một chút: “Mình bảo này, giờ mới tới mùa xuân mà cậu đã sợ nắng to, vậy đến mùa hè thì cậu còn làm thế nào nữa hả?”

Nam Kiều nheo mắt ngắm mặt trời ấm áp, đáp: “Chẳng lẽ cậu không biết da của mình thế nào sao, đày nắng một lát đã nổi tàn nhang.”

“Nổi tàn nhang thì sao, mình còn nổi mụn đây, cậu…”

Còn chưa dứt lời, vừa hay lớp trưởng đi vượt qua, nghe vậy vui vẻ quay đầu lại nói: “Không phải chứ? Nam Kiều phơi nắng vừa thôi, cẩn thận năm nay thành hiệp khách tàn nhang đấy!”

Thẩm Thiến nhảy lên đạp một phát vào mông cậu ta: “Nói lằng nhằng gì đó!”

Lớp trưởng cầm nước ngọt chạy như bay lủi thật xa.

Nam Kiều không nói gì. Từ nhỏ da cô đã nhạy cảm, đày nắng nhiều sẽ nổi tàn nhang, càng gãi thì càng nổi vết đỏ, kéo dài không lặn. Sợ nhất là nếu sơ ý té ngã, lớp vảy chỗ bị trầy xước sau này sẽ thành vết sẹo lồi nho nhỏ. Bác sĩ bảo đây là vết sẹo thể chất.

Cô mất tự nhiên khẽ sờ tóc mai, dè dặt vuốt lại cẩn thận. Trong lòng đang không vui nhưng khi ánh mắt liếc thấy người đứng trước cửa quán trà sữa thì lại vui mừng.

Thẩm Thiến sáp lại gần như cười như không nói: “Ê, người yêu đang đợi kìa, mình không làm cậu mất thời gian nữa!”

“Nói lằng nhằng gì đó?” Nam Kiều đẩy cô ấy một cái, mặt thoáng chốc đỏ bừng.

“Vậy mình đi trước đây.” Còn đang cười trộm.

Nam Kiều vẫy tay chào Thẩm Thiến.

Người đứng ở cửa quán trà sữa là một thiếu niên, không lớn tuổi hơn Nam Kiều là bao nhưng không mặc đồng phục học sinh quần xanh áo trắng giống bạn bè cùng trang lứa. Tay cậu vân vê một mẩu thuốc lá sắp cháy hết, tóc mái lưa thưa gần che kín mắt rồi.

Học sinh qua lại chỉ dám nhìn cậu từ xa, bởi vì liếc qua thôi đã biết cậu là “thiếu niên hư hỏng” trong miệng mọi người. Nhưng vẫn có không ít nữ sinh len lén ghé mắt nhìn.

Thấy Nam Kiều tới, cậu ném điếu thuốc xuống đất rồi dập đi. Nam Kiều không nhịn được mà phê bình cậu: “Không được vứt rác lung tung.”

Khóe môi cậu chợt nhoẻn lên, tóc mái cũng không thể che đi đôi mắt cong thành hình trăng non.

“Được, biết rồi.” Cậu khom lưng nhặt tàn thuốc lên, nghe lời ném vào thùng rác.

“Anh chờ em ở đây à?” Nam Kiều nắm góc áo, không ngẩng đầu nhìn cậu.

“Ừ.”

“Tối nay có buổi biểu diễn à?”

“Ừ.”

“Cần em giúp đỡ sao?”

“Ừ.”

Cuối cùng Nam Kiều không nhịn nổi mà ngẩng đầu nhìn cậu: “Ngoài từ ‘ừ’ ra, anh có thể nói chuyện khác được à?”

“Ừ.” Cậu gật đầu.

Nam Kiều rất muốn đạp cậu một phát, cúi gằm mặt quay người đi về trước, nghe thấy tiếng bước chân cậu đuổi theo lại không kiềm được cong khóe môi.

Cậu thiếu niên phía sau kéo ống tay áo cô, đưa một cốc trà sữa tới: “Vừa mới mua.”

“Cho em à?”

“Ừ.”

“Mỗi lần biểu diễn đều tìm em giúp bao nhiêu việc mà đã muốn có được lao động giá rẻ chỉ bằng một cốc trà sữa….” Cái miệng nhỏ vừa uống vừa thầm thì.

Mùi sữa nồng nàn lan tỏa trong miệng, tâm trạng cô bỗng trở nên tốt hơn.

Cái gọi là biểu diễn chẳng qua chỉ là một đài biểu diễn đơn sơ dựng đầu ngõ, trên đài có một giá trống dán giấy trang trí màu sắc sặc sỡ, một chiếc chân micro rỉ sét loang lổ và tấm biểu ngữ được chăng lên đã được dùng không biết bao nhiêu lần mới có thể bẩn đến thế, trên đó viết “Wind-chaser, ban nhạc hay nhất”.

Một thiếu niên mập mạp ngồi sau giá trống, bụng tròn vo. Đại Lão nhìn thấy Nam Kiều từ xa, cầm dùi trống phất tay với cô: “Tiểu Kiều, A Cận, chờ mãi cuối cùng hai người cũng tới rồi, đợi đến nỗi bụng anh đói meo!”

Nam Kiều dừng bước: “Toi rồi, quên mang đồ ăn cho Mập rồi.”

Cận Viễn kéo cô tiếp tục đi về phía trước, thờ ơ nói: “Đừng quan tâm đến nó, lần nào cũng bảo em mang đồ ăn cho, nó coi em là gì chứ?”

Mập vừa hay nghe thấy câu cuối cùng bèn phản đối ngay: “Tiểu Kiều nhà tao khéo hiểu lòng người, lần nào cũng thương tao nhanh đói, sao lại có lòng dạ ác độc giống mày chứ?”

Ánh mắt Cận Viễn thoáng cái sắc bén, liếc cậu ta vài lần: “Tiểu Kiều nhà mày?”

Mập sợ tới mức rụt cổ lại, vội chỉnh lại lời thoại vừa nãy: “Nhà mày, nhà mày…”

Ngay phía sau đài vang tiếng Đại Xuân cười sằng sặc: “A Cận, đủ rồi đấy, hay so đo quá! Biết gan Mập bé tí xíu mà cứ dọa nó.”

Nam Kiều cũng cười, ngoảnh đầu chợt thấy ánh mắt Cận Viễn nhìn cô. Tròng mắt anh tựa như mặt trời lặn buổi hoàng hôn, êm đềm tĩnh lặng.

Cô đỏ mặt: “Nhìn gì vậy?”

Cậu đáp: “Em.”

“Em có gì đẹp chứ?”

“Đâu cũng đẹp.”

Nam Kiều suýt nữa thì bị sặc. Cô suy nghĩ một lát, câu trả lời của Cận Viễn hoàn toàn trong dự liệu.

Bảy rưỡi, buổi biểu diễn bắt đầu. Người xem xung quanh thưa thớt, khoảng chừng hai mươi người.

Nam Kiều chịu trách nhiệm ở dưới khán đài điều chỉnh âm thanh. Ba người trên khán đài, Đại Xuân là tay Bass, Mập là tay trống còn Cận Viễn đeo đàn ghi-ta điện đồng thời đảm nhiệm hát chính. Giọng hát kia hoàn toàn thuộc về lớp thiếu niên, trong trẻo dịu dàng lại trong thời kì vỡ giọng có chút khàn khàn đặc biệt.

Cậu hát:

Tựa như một cuộc chạy trốn vô định,

Lao trên đường như cuồng điên, lảo đảo;

Chẳng bao giờ biết được ngày mai sẽ ra sao,

Chỉ là cánh bướm nho nhỏ,

Đuổi theo ánh sáng của đốm lửa giữa đêm thâu.

Âm thanh không tốt cho lắm, thỉnh thoảng có tạp âm chói tai vang lên. Ở dưới khán đài, bạn cùng trang lứa đeo ba lô vừa nói vừa cười, người nghiêm túc lắng nghe thì chẳng có mấy, phần lớn đang bàn tán vóc dáng người hát chính trông thế nào.

Nhưng người trên khán đài hát rất say sưa, Đại Xuân cố gắng đánh Bass, Mập đánh trống mà mồ hôi như mưa, Cận Viễn nhắm mắt hát, hai tay thuần thục di chuyển trên đàn ghi-ta điện.

Nam Kiều ngẩng đầu nhìn họ, ánh mặt trời cuối chiều trải bóng các thiếu niên trên mặt đất. Nhìn ba người cô độc, chẳng hiểu sao cô lại cảm thấy thê lương.

Chưa được bao lâu, điện thoại trong ba lô bỗng đổ chuông. Nam Kiều tưởng là cha hỏi sao cô còn chưa về nhà, vừa lấy ra xem mới phát hiện người gọi đến là cô Hai. Cô đứng dậy đi vài bước cách giàn âm thanh xa một quãng rồi mới bắt máy: “Cô Hai.”

Cô Hai trước giờ vốn dịu dàng vội vội vàng vàng nói đầu bên kia: “Nam Kiều, cháu đang ở đâu? Mau về nhà đi, ba cháu có chuyện rồi!”

Nam Kiều đứng im tại chỗ, đầu óc trống rỗng hỏi: “Cô, cô bảo gì ạ?”

“Ba cháu lại uống rượu say, chảy máu não, đã, đã…” Người đầu kia dường như không biết nên nói thế nào, chỉ đành vội vàng kêu: “Cháu mau về đi, về nhanh lên!”

Chỉ một câu nói mà như sét đánh ngang tai.

Nam Kiều cầm di động chạy ra ngoài, giàn âm thanh đổ cũng không quan tâm, tiếng tạp âm chói tai vang lên rầm rầm, tất cả mọi người đều bịt kín lỗ tai. Ban nhạc trên khán đài ngừng biểu diễn, Cận Viễn không hiểu tình hình ra sao ném đàn ghi-ta đuổi theo, gọi tên Nam Kiều.

Nam Kiều chỉ biết guồng chân chạy như điên, không còn tâm trạng để ý tới chuyện xảy ra phía sau.

***

Năm Nam Kiều mười bảy tuổi, cha cô qua đời.

Vòng hoa và vải xô đen trắng vốn là bạn thân trời sinh, cùng điểm tô cho linh đường trầm lặng.

Nam Kiều đứng ngoài cổng chính, mỗi khi có người đi vào, cô Hai phía sau cô sẽ dặn dò: “Quỳ xuống, Nam Kiều. Quỳ xuống nói cảm ơn.”

Thật ra thì cũng không quỳ nhiều lắm, bởi vì người đến viếng thăm Nam Nhất Sơn quá quá ít, lác đác chỉ có một nhóm họ hàng thân thích. Nam Nhất Sơn không có bạn bè. Bác cả sắp xếp chuyện này mời người gọi là “thầy cúng” làm phép, Nam Kiều nghe không hiểu ông ta đang hát gì, chỉ cảm thấy ông đang giả thần giả quỷ.

Cô Hai liên tiếp nhắc nhở cô: “Khóc đi Nam Kiều. Bây giờ phải khóc to lên.”

Bất kể thế nào Nam Kiều cũng không khóc nổi. Tang lễ tiến hành được một nửa, có người cãi nhau ầm ĩ. Một ngọn lửa nhanh chóng nhóm lên sự nhiệt tình của mọi người. Cuộc tranh cãi có liên quan đến khoản tiền và căn nhà mà Nam Nhất Sơn để lại, ai ai cũng nói mình có phần.

Nam Kiều đứng trước linh vị, quay đầu nhìn tấm ảnh của cha, không nói gì.

Trong ảnh, Nam Nhất Sơn cười dịu dàng tựa như một người cha hiền lành.

Trong đám người, bác cả đang to tiếng nói: “Tao là anh cả của nó, từ nhỏ đến lớn giúp nó xử lý bao việc rắc rối, chẳng lẽ số tiền kia không nên để lại cho tao?”

Cô Ba xen lời: “Ban đầu khi mẹ qua đời, căn nhà kia vốn bảo để lại cho thằng Ba, nhưng anh Hai nghèo quá, chúng em vẫn để cho anh ấy ở nhiều năm rồi, cũng không thu tiền. Giờ anh ấy đi rồi, dù thế nào đi nữa thì tiền này nên đưa cả cho chúng em chứ?”

“Nực cười, anh đâu có công chăm sóc Nam Kiều, bao nhiêu năm qua vẫn là do chúng em chăm sóc con gái của anh ấy, không có công lao thì cũng có khổ lao. Em nghĩ tiền này nên để lại cho nhà em!”



Nam Nhất Sơn có bốn anh chị em, ai ai cũng dắt díu con cái đến đây, tranh cãi không ngừng nghỉ vì ngôi nhà và tiền ông để lại. Có điều không có ai bi thương.

Nam Kiều không nói câu nào nhìn họ. Dường như trận tranh cãi này không bao giờ có hồi kết. Cô im lặng đi ra khỏi nhà tang lễ, điều đáng buồn cười đó là không có ai phát hiện ra cô bỏ đi.

Đầu tháng tư tại thị trấn Ngô, mưa xuân rơi rả rích dai dẳng. Dưới cây ngô đồng ngoài cửa chính, Cận Viễn đội mưa đứng đó, vài sợi tóc mai bị thấm đẫm nước, dán trên trán gần như che hết đôi mắt. Thấy Nam Kiều đi ra, cậu lo lắng tiến lên đón: “Nam Kiều.”

Nam Kiều đáp một tiếng, dừng bước chân.

Mãi lâu sau, cậu mới hỏi: “Em định đi đâu?”

Đi đâu đây?

Nam Kiều cũng muốn hỏi chính mình. Cô lau qua loa nước mưa trên mặt, nói: “Muốn đi khắp nơi.”

“Khắp nơi là đâu?”

“…”

“Anh đi cùng em.”

Nam Kiều cũng không nhớ nổi ngày đó mình đã đi bao lâu.

Lúc cô còn rất nhỏ, ba mẹ ly dị, mẹ đến nơi thành phố lớn xa xôi, có mái ấm mới. Ba ngày một tệ hơn, say rượu suốt, lúc tỉnh táo thì cho cô tiền tiêu. Đa số thời gian đều là say khướt, trước giờ chưa từng hỏi cô ăn uống ra sao.

Người đi trà lạnh, hiện tại cô còn đang ở đây mà người thân đã bắt đầu tranh tiền giành nhà. Nếu lấy hết thì cô phải đi đâu bây giờ?

Dầm mưa rất lâu, Nam Kiều bắt đầu nóng lên, bước chân cũng loạng choạng.

Cô dừng bước, đứng im tại chỗ nhắm mắt một lát, không ngờ rằng sau đó không tài nào mở nổi. Đang hoảng hốt, có người ở gọi tên cô bên tai. Cô gắng sức túm chặt góc áo người đó, nói: “Đưa em về nhà.”

***

Đầu tháng tư, Nam Kiều bị một trận ốm nặng. Nóng sốt suốt ba ngày, cô không nhớ rõ mình đã làm gì, chỉ nhớ mang máng mình bấm dãy số đã rất lâu rồi không liên lạc, vừa khóc vừa gọi mẹ. Có một người luôn chăm sóc cô, vụng về cho cô uống thuốc, chườm khăn lạnh lên trán để hạ sốt cho cô.

Có một đêm hình như cô còn cầm tay người đó thủ thỉ: “Em không có chỗ nào để đi, không có ai cần em nữa rồi….”

Giọng cậu thiếu niên dịu dàng mà luống cuống, nhưng kỳ lạ thay, nó khiến cô bình tĩnh lại.

Cậu nói: “Có anh ở đây, Nam Kiều. Anh sẽ không bỏ mặc em.”

Sau đó là một giấc mộng rất dài, cô mơ thấy hồi còn nhỏ ba mẹ đều ở bên, nhưng về sau cả hai người đều bỏ đi, căn phòng vắng lặng chỉ còn lại một mình cô đơn côi.

Hai cảnh tượng cứ lặp đi lặp lại cho đến khi cô tỉnh lại, nhìn ánh mặt trời chói lọi ngoài cửa sổ. Dưới ánh mặt trời, mẹ bưng thuốc từ ngoài cửa vào, lo lắng gọi cô: “Nam Kiều, con tỉnh rồi à?”

Trong khoảnh khắc ấy, cô còn cho rằng mình vẫn nằm mơ. Mãi đến khi cô nhìn rõ khóe mắt mẹ mình có nhiều niếp nhăn hơn trong kí ức và mái tóc lốm đốm sợi bạc, cô mới tin tất cả là sự thật.

Mẹ cô rưng rưng nước mắt kéo cô, lặp đi lặp lại: “Đi theo mẹ đi Nam Kiều, sau này ở cùng mẹ có được không?”

Nam Kiều như đang mơ gật đầu.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.