Người Trong Số Mệnh

Chương 1



1.

Ta là con gái của một nhà bán đậu phụ ở hẻm Tây. Từ xưa đến nay, giấc mơ viễn vông nhất mà ta từng mơ chỉ là mấy chàng Trạng nguyên và Thám hoa có thể chạm mắt cùng ta trong lúc thúc ngựa chạy phăng phăng trên đường.

Mẹ ta luôn ôm ấp ý định gả ta cho con trai của Trương đồ tể ở sát vách. Nhà Trương đồ tể rất giàu có, con trai lão cao lớn vạm vỡ, làm việc lại lanh lẹ tháo vát. Nếu ta gả vào đó, thứ nhất là không sợ thiếu thịt ăn, thứ hai là thành một bà chủ đúng nghĩa, so với làm mỹ nhân đậu phụ thì sướng gấp bội phần.

Nhưng ta không thích làm con dâu nhà đổ tể, bởi bản tính ta nhút nhát, bất kể máu lợn hay máu gà đều khiến ta sợ chêt khiếp.

Bên đầu phố Đông có một tú tài nọ, mỗi ngày không quản ngại mưa gió, đều đặn băng qua con phố dài tít tắp để tới nhà ta mua đậu phụ. Ta cảm thấy hình như chàng ta có ý với ta.

Nhưng lần nào ta thủ thỉ chuyện này với mẹ, bà đều nhổ nước bọt khinh bỉ: "Gì mà có ý hả? Bà đây thấy là một tên nghèo rớt mồng tơi thì có. Mua không nổi món khác nên chỉ biết ăn đậu phụ qua bữa đấy."

"Thế nhà mình làm đậu phụ bán, chẳng phải cũng ăn đậu phụ hàng ngày đó sao. Lẽ nào nhà mình cũng nghèo rớt mồng tơi?"

Mẹ lập tức gõ đầu ta đau điếng: "Thịt ngon hay đậu phụ ngon?"

"Tất nhiên là đậu phụ."

Mẹ lại véo mạnh vào mông ta, mắng: "Con bé ngốc này!"

Mặc dù vậy, ta vẫn trông ngóng tú tài đến mua đậu phụ.

Một miếng đậu phụ thường có giá hai văn tiền, ta chỉ lấy của chàng ta một văn tiền, đồng thời tặng thêm nửa chén sữa đậu nành. Thừa lại một văn tiền, ta nhờ tú tài dạy ta học chữ.

Chữ đầu tiên tú tài dạy cho ta là chữ "ta" (我). Ta đã bị chữ này doạ sợ chóng mặt. Nhưng tú tài nói, ngay cả chữ "ta" mà học còn không xong, thì lấy gì học làm người đây?

Được thôi. Chàng ta nói rất có đạo lý.

Cứ như thế, ta chong đèn tập viết đến tận canh ba đêm đó, mới miễn cưỡng viết được chữ "ta" ra hình ra dạng.

Tú tài tiếp tục dạy cho ta chữ thứ hai, chữ "người" (人). Lần này ta vui mừng khôn xiết, vì chữ "người" thế mà quá đơn giản, chỉ vỏn vẹn hai nét, một phẩy một mác. Tú tài lại nói, làm "người" rất đơn giản, làm "ta" mới khó khăn.

Được thôi. Chàng ta là tú tài, chàng ta nói gì cũng đúng.

Tú tài đều đặn ghé mỗi ngày, chỉ riêng mùng một và mười lăm thì vắng bóng. Ta hỏi chàng ta mùng một mười lăm đi đâu thế, chàng ta chỉ lặng thinh không đáp.

Tóm lại, nếu tú tài thi đỗ Trạng nguyên hoặc Thám hoa thì tốt rồi. Sau này, chàng ta thúc ngựa chạy phăng phăng trên đường, sẽ không chỉ đơn giản là thoáng chạm mắt cùng ta. Thậm chí nhà ta có thể đặt một bảng hiệu - Tiệm đậu phụ Trạng nguyên.

Ngày đó, ta chẳng nhớ rõ là ngày mấy, dù sao cũng không phải mùng một hay mười lăm, thế mà tú tài không hề ghé qua. Ta đã đợi rất lâu, cứ canh suốt ở cửa tiệm, đợi đến tận giờ giới nghiêm. Cuối cùng, mẹ ta nói tú tài nhớ nhầm ngày rồi.

Hôm sau, vẫn không thấy bóng dáng tú tài. Một người dù nhớ nhầm ngày đi chăng nữa, cũng không thể liên tiếp nhầm lẫn như vậy được.

Đến ngày thứ ba, ta lấy lá chuối gói ba miếng đậu phụ, thêm cả nửa chén sữa đậu nành, rồi băng qua con phố dài tít tắp, đi tới đầu phố Đông, dò tìm nhà tú tài. Nhưng nhà tú tài trống huơ trống hoác, chẳng có lấy một món đồ.

Hàng xóm kế bên nói tú tài đã chêt rồi.

Ta sững sờ một lúc lâu. Sao lại chêt đột ngột như thế? Hàng xóm kể rằng, chàng ta vì Như Ý cô nương ở Xuân Phong Lâu, đánh nhau với đám công tử nhà giàu, bị họ đánh chêt tại chỗ.

Như Ý cô nương là hoa khôi của Xuân Phong Lâu, chỉ treo bảng hiệu tiếp khách vào mùng một và mười lăm mỗi tháng.

Ta nghe mà nước mắt rơi lã chã, rơi vào tận đáy tim. Hóa ra mẹ ta nói đúng thật, tú tài vốn chẳng có ý gì với ta. Ngày ngày đến mua đậu phụ, chỉ vì tú tài nghèo rớt mồng tơi mà thôi.

Không những nghèo rớt mồng tơi, chàng ta còn là một tên ngốc! Với thân hình gầy nhom như que củi ấy, chẳng phải bị người ta đấm một phát là toi mạng rồi sao?

Ta uất nghẹn gạt nước mắt, lại chạy ào qua Xuân Phong Lâu. Người hầu bàn kinh ngạc nhìn ta chằm chằm, hắn nói: "Con nha đầu quê mùa chả biết chui từ đâu ta, thế mà cũng dám bắt chước mấy vị công tử, chỉ đích danh đòi gặp hoa khôi. Như Ý cô nương đang tiếp khách bên trong. Nếu cô nương chịu gặp thì ta báo cho ngươi, trước mắt cứ đợi đó đi!"

Ta đứng đợi từ sáng rõ cho đến chập tối, mãi khi hai chân đã tê rần thì mới gặp được Như Ý cô nương.

Cô nương ấy nhan sắc tuyệt trần, nàng mặc bộ váy màu hồng cánh sen, bên tóc mai cài đoá hoa lụa trắng trơn, còn bộ ng ực đầy luôn thấp thoáng ẩn hiện. Theo mỗi cử động của nàng, là làn hương mộc lan xông thẳng vào khứu giác người đối diện.

Nhìn nàng xong, ta cúi đầu nhìn bộ đồ thô ráp trên người. Như Ý xinh đẹp động lòng đến thế, chả trách tú tài nhất mực si mê.

Nghĩ tới tú tài, tâm trạng lại chùng xuống. Ta khịt khịt mũi, rồi đưa gói đồ trong tay cho nàng: "Ta đến đây vì tú tài. Lúc sinh thời, tú tài rất thích ăn đậu phụ nhà ta làm, nhưng chàng ta càng thích cô hơn. Mấy thứ này vốn dĩ tặng cho tú tài, có điều tú tài đi rồi, không ai cần nó nữa. Ta còn xách theo nửa chén sữa đậu nành, đều tặng cô hết đấy."

"Cô giúp chàng ta nếm một ngụm đi. Nếu tú tài dưới suối vàng biết được cô thích món này, ắt hẳn cũng rất vui mừng."

Đôi tay của Như Ý, cả mười móng tay đều nhuộm sắc hồng phấn, nơi cổ tay là chiếc vòng phỉ thúy màu xanh biếc lặng yên rũ xuống. Thế mà đột nhiên bị dúi vào một gói đậu phụ, khiến nàng thoáng ngẩn ngơ, sắc mặt đan xen bao cảm xúc phức tạp.

Nàng mấp máy môi, nhưng lòng ta quá khổ sở, ngay khi nàng định lên tiếng, ta đã chạy ù đi mất.

2.

Dây dưa ở Xuân Phong Lâu suốt nửa ngày trời, làm lỡ quá nhiều thời gian. Nếu muốn về hẻm Tây trước giờ giới nghiêm thì buộc phải đi đường tắt.

Con đường nhỏ hẹp không một bóng người. Ta nương theo ánh trăng, cắm đầu cắm cổ mà chạy. Ai ngờ ngay lúc trăng sáng tỏ, ta đụng phải cảnh cả đám người áo đen cầm dao bao vây một người mặc đồ trắng, đeo mặt nạ che nửa mặt.

Người áo trắng rõ ràng rất lợi hại, phe áo đen hùa nhau xông lên cũng không chiếm được thế thượng phong.

Bọn họ đánh đấm điên cuồng, như phải dồn nhau vào chỗ chêt. Còn ta trốn ở góc tường phía sau, đầu óc mơ màng quay cuồng. Thình lình, một tên áo đen bị áo trắng đá văng ra, đúng lúc rơi sát chân ta. Bên dưới cơ thể hắn máu tươi dần chảy ra, uốn lượn như dòng suối, tiến đến cạnh chân ta, làm ướt cả giày vải.

Ta cắn răng cố chịu đựng, mà vẫn không thể chịu nổi, cuối cùng hai mắt tối sầm, hoàn toàn hôn mê bất tỉnh.

Cũng không biết qua bao lâu, ta giật mình tỉnh dậy vì cảm giác bị ai đó véo mạnh. Đảo mắt nhìn quanh chỉ thấy cuộc chiến đã kết thúc, đám người áo đen nằm la liệt trên đất, còn người áo trắng đeo mặt nạ kia, máu đã nhuộm đỏ cả y phục. Hắn chống kiếm gắng gượng đứng dậy, hai mắt lạnh lùng quan sát ta.

"Dẫn ta rời khỏi đây." hắn nói.

Nhìn bộ y phục đẫm máu của đối phương, ta lại bắt đầu hoa mắt chóng mặt. Nhưng tức thì, lưỡi kiếm bén ngót đã kề bên cổ.

"Ngươi còn muốn ngất không?"

Ta dùng móng tay bấu mạnh vào đùi.

"Không ngất."

Buổi sáng, ta mang ba miếng đậu phụ chạy đi tìm tú tài, tối mịt lại dẫn theo một tên đàn ông máu me đầy mình trở về nhà.

Mẹ ta ra mở cửa, liếc mắt cái bà đã hốt hoảng định hét to. Nhưng suốt cả tối ta vẫn cố chịu đựng tên đàn ông máu me bên cạnh. Giờ trông thấy mẹ, ta còn đổ gục trước cả tên kia. Ta nhớ, mình chỉ kịp bước thêm một bước rồi ngất đi trong vòng tay mẹ.

Lúc tỉnh dậy, sắc trời đã sáng tỏ. Ngoài tiệm cửa kín then cài, còn mẹ ta ở trong sân ngâm đậu. Bên gian phòng phía Tây, người áo trắng đêm qua đang nằm im lìm.

À, không phải áo trắng nữa. Hắn đã thay bộ đồ cũ của cha ta, chỉ là chiếc mặt nạ bạc thì vẫn được đeo kỹ càng. Ta chạy ra sân hỏi mẹ đầu đuôi ngọn ngành.

"Tối qua sau khi con ngất xỉu, người đó phụ mẹ đỡ con lên giường. Cậu ta nói, con là cô nương chưa gả, một người đàn ông xa lạ như cậu ta sao có thể..."

Đáng tiếc, ta hoàn toàn bắt sai trọng điểm.

"Hắn nói gì nữa? Hắn tên là gì? Hắn có dùng kiếm đe dọa mẹ không?"

Mẹ trợn mắt nhìn ta, nói thẳng thừng: "Không có. Chuyện của cậu ta, hai mẹ con mình biết càng ít càng tốt. Con qua xem cậu ta đã dậy chưa, dậy rồi thì bảo cậu ta mau đi đi."

Ta chạy qua gian phòng phía Tây xem Áo trắng. Tạm thời ta quyết định gọi hắn như vậy.

Áo trắng kê thanh kiếm dưới gối, đánh một giấc ngon lành. Ta ngó nghiêng hồi lâu, cảm thấy quá nhàm chán nên lôi một quyển sách dưới gầm giường ra bắt đầu đọc. Tú tài đã dạy ta rất nhiều chữ, gặp chữ nào không biết thì dùng từ khoanh tròn để thay thế.

"Học rồi khoanh tròn luyện tập, không phải rất vui khoanh tròn sao? Có khoanh tròn từ khoanh tròn xa đến thăm, không phải rất mừng sao?"

Cứ thế ta ngồi đọc đi đọc lại, chừng nửa khắc sau, người trên giường thở dài một hơi, cuối cùng không nhịn nổi mà lên tiếng: "Ngươi cầm qua đây, ta dạy ngươi đọc."

Ta lập tức ụp sách lại, phấn khích gọi: "Áo trắng, ngươi thức dậy rồi à!"

"...Ngươi đọc kiểu đó, muốn ngủ tiếp mới khó đấy."

Trên thực tế, Áo trắng vốn không thể đi nổi. Hắn bị thương khá nghiêm trọng, bằng không tối qua hắn cũng không bắt ta giúp đỡ để mau chóng rời khỏi con đường tắt kia.

Vấn đề là, nếu hắn không đi, thì căn nhà nhỏ bốn gian của mẹ con ta, làm sao che giấu một người đang sống sờ sờ, huống hồ còn là một người đàn ông.

Tuy nhiên vấn đề này rất dễ giải quyết. Áo trắng lại rút kiếm ra, tỏ thái độ rõ ràng, dù hắn đang bị thương nặng nhưng xử hai mạng người thì vẫn dễ như trở bàn tay.

Mẹ con ta thật không còn gì để nói. Bọn ta chỉ muốn nhanh nhanh chữa trị cho vị Phật sống này, rồi tiễn đi càng sớm càng tốt.

Thuốc trị thương, nhà nào cũng trữ một ít. Nhưng cái thiếu là thuốc cầm máu.

Trong lúc nói chuyện, vết thương sau lưng Áo trắng lại bắt đầu rỉ máu. Mà miễn ta gặp máu thì sẽ hoa mắt chóng mặt, thấy vậy mẹ vỗ bộp vào trán ta: "Con chạy sang Bổn Thảo Đường, tìm Thôi đại phu lấy ít thuốc cầm máu đi."

Ta che đầu, lên tiếng thắc mắc: "Đang yên đang lành, tự dưng con lấy thuốc cầm máu làm gì?"

"Ngốc, cứ nói kinh nguyệt của con đã hai mươi ngày chưa hết là được rồi!"

Mẹ vừa dứt lời, bầu không khí đột nhiên yên ắng lạ thường. Hồi lâu sau, Áo trắng ho khan vài tiếng, ta mới định thần lại, đôi gò má tức thì đỏ bừng, chỉ biết giậm chân chạy bay biến.

3.

Áo trắng nói hắn tên Triệu Tứ Thủy. Ta đoán chắc là cái tên giả mà thôi. Suy cho cùng, chẳng thể trông đợi một tên đeo mặt nạ nói cho người khác biết danh tính thật của hắn. Nhưng dù sao đi nữa, Áo trắng rốt cuộc cũng có một cái tên.

Cứ thế, Triệu Tứ Thủy tiếp tục tá túc ở nhà ta. Vết thương của hắn còn nghiêm trọng hơn so với bề ngoài hắn biểu hiện. Phần lớn thời gian trong ngày, hắn đều dành để ngủ.

Ta thường rinh một băng ghế nhỏ tới ngồi cạnh hắn, rồi cất cao giọng đọc sách: "Khoanh tròn khoanh tròn bằng hữu khoanh tròn."

Đợi khi không nghe nổi nữa, hắn sẽ đỡ trán ngồi dậy, dạy cho ta thêm một hai từ.

Chẳng mấy chốc bọn ta phát hiện một vấn đề mới. Triệu Tứ Thủy ở lại chỗ này, là ngày ngày ăn chùa uống chùa. Mẹ ta sắp không kham nổi nữa.

"Nhà ta mẹ goá con côi, đều là nữ nhân chân yếu tay mềm, dựa vào đâu phải nuôi một đại lão gia như ngươi? Ngươi ăn vận xa hoa như vậy, cứ lấy ra cái nhẫn hay ngọc bội gì đó, để ta đổi chút tiền cho ngươi dưỡng thương."

Triệu Tứ Thủy nói, mấy món đồ trên người hắn đều có lai lịch sâu xa. Tùy tiện lấy đại một thứ cũng thế thôi. Buổi sáng bước vào tiệm cầm đồ thì buổi chiều kẻ thù của hắn đã truy tới san bằng căn nhà nhỏ này.

Không những thế, Triệu Tứ Thủy còn cực lực yêu cầu mẹ con ta đốt sạch y phục dính máu của hắn, hơn nữa phải đem mấy món ngọc bội cùng nhẫn ngọc trên người hắn chôn sâu dưới gốc cây trong sân.

Giờ thì chẳng khác gì ăn mày nằm trên đống vàng. Cũng từ dạo đó, mỗi khi mẹ ta ở trong sân đẩy cối xay đậu, bà sẽ nhìn chằm chằm vào gốc cây kia bằng ánh mắt hung ác như sắp giê t người, tựa hồ muốn dùng ánh mắt đục xuyên qua nó vậy.

Tâm trạng của mẹ không tốt, thậm chí còn liên lụy cả ta. Từ sáng tới tối, đụng chuyện gì cũng bị ăn mắng. Làm vỡ miếng đậu phụ nhỏ cũng bị mắng, bới thêm một muỗng cơm cũng bị mắng, quả thật là hít thở thôi cũng có tội.

Ta ngồi ngẫm nghĩ, chấn thương xương cốt cần một trăm ngày mới lành. Nếu Triệu Tứ Thủy ở nhà ta một trăm ngày, vậy lẽ nào ta phải bị mẹ mắng suốt một trăm ngày ư?

Thế thì quá kinh khủng rồi!

Mỗi ngày uống sữa đậu nành xem ra không ổn, hay là nấu ít canh xương cho hắn nhỉ? Ta cần khẩn trương tiễn hắn khỏi nhà.

Vì vậy, ta lục tìm toàn bộ tiền xu mà ta lén tích góp suốt mấy năm nay. Bắt đầu đều đặn qua sạp thịt của Trương đồ tể, mua xương về tẩm bổ cho Triệu Tứ Thủy.

Ta nằm nhoài trên giường, nhìn Triệu Tứ Thủy uống canh xương. Mỗi lần hắn nuốt xuống một ngụm, trong lòng ta lại khắc thêm món nợ: một đồng xu.

Một đồng, hai đồng, ba đồng...

Đoán chừng do ánh mắt ta quá sức cháy bỏng, nên Triệu Tứ Thủy uống được mấy ngụm đã không tài nào bình thản uống tiếp. Hắn đưa chén sang một bên, cẩn thận hỏi: "... Hay là ngươi cũng uống miếng đi?"

Ta gật đầu lia lịa, rồi sáp lại cùng uống canh. Sau khi hớp lấy hớp để vài ngụm, ta cũng không uống nổi nữa. Ta bèn ngẩng đầu hỏi Triệu Tứ Thủy: "Ngươi nói xem, hai chúng ta ngồi đây uống canh xương, còn mẹ ở ngoài sân uống sữa đậu nành, có phải là hơi kỳ không?"

Triệu Tứ Thủy bất lực đỡ trán.

Chẳng lâu sau, có hiện tượng lạ xuất hiện. Mẹ con ta vốn phận nữ nhân chân yếu tay mềm, nay còn phải cáng đáng một đứa con ghẻ. Thế mà cuộc sống lại ngày càng tươi sáng, mỗi sớm mở mắt ra đều được uống canh xương.

Chừng nửa tháng trôi qua, ta xoa chiếc bụng đã núc ních thêm hai lạng mỡ, ngồi trầm tư suy nghĩ, mẹ nói quá chính xác, thịt quả thật ngon hơn đậu phụ.

Ngày ngày uống canh xương cũng dẫn tới vài vấn đề mới. Lúc trước, tú tài thường xuyên ghé tiệm ta mua đậu phụ, khiến ta lầm tưởng tú tài có ý với mình.

Bây giờ, đổi thành ta đều đặn qua sạp của Trương đồ tể mua thịt. Vậy chắc con trai Trương Đại Ngưu của lão cũng cho rằng ta có ý với huynh ấy. Hèn chi sáng nay ta đi mua xương ống, Đại Ngưu ca còn tặng thêm hai lạng tủy heo.

Ta bưng chén cơm mà ăn chẳng ngon miệng. Cuối cùng, ta đặt chén xuống, lo lắng não nề nói với Triệu Tứ Thủy: "Có lẽ ta sắp phải gả đi rồi."

Tay Triệu Tứ Thủy đang gắp đậu phụ bất giác run rẩy, làm miếng đậu phụ rơi phịch xuống bàn. Ta thấy mà xót của, dứt khoát chìa đũa ra gắp lên ăn sạch.

"Ngươi sắp gả cho ai?"

"Đại Ngưu ca."

"... Đại Ngưu ca là ai nữa?"

Thế là, ta bắt đầu lôi hết chuyện cũ kể cho Triệu Tứ Thủy nghe. Ta kể về Trương đồ tể, kể về tú tài, về Như Ý của Xuân Phong Lâu, về mối tình đầu vừa chớm nở đã vội vụt tắt.

Ở trước mặt mẹ, ta ngượng ngùng không dám khóc. Nhưng đối diện với Triệu Tứ Thủy, ta tự thấy mình quá vô dụng, chỉ biết nằm ườn ra bàn khóc nức nở, khóc đến độ sắp lịm đi.

"Hu hu... Ngươi nói coi, Như Ý thực sự đẹp vậy ư? Lẽ nào đàn ông đều thích kiểu cách đó?"

Thời khắc cảm xúc dâng trào, ta hoàn toàn quên mất, Triệu Tứ Thủy còn có một thanh kiếm biết đoạt mạng người. Ta cứ khăng khăng coi hắn là tú tài, hơn nữa còn lớn mật túm cổ áo đối phương, rồi dán sát vào mắt hắn: "Mở to mắt xem kỹ này, ta có chỗ nào không bằng Như Ý! Là ngươi không biết nhìn hàng tốt xấu!"

Khóc mãi cũng thấm mệt. Nhưng đột nhiên, ta nhớ tới bộ váy hồng cánh sen mà Như Ý mặc hôm nọ, rồi nhìn bộ đồ thô ráp trên người mình, tức thì lại ba máu sáu cơn, véo tai Triệu Tứ Thủy mắng: "Đều tại ngươi, ngươi ăn đến nỗi ta sạt nghiệp rồi! Ngươi đền bộ váy hồng cho ta!"

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.