Nhật Ký Xuyên Thanh

Chương 46: Du xuân



Lựa một ngày nắng đẹp quang đãng, không thấy gió mưa, Tứ a ca đưa ba đứa nhỏ và Lý Vi đi du xuân.

Ban đầu, Tứ a ca muốn đưa cả nhà đi luôn. Vốn tưởng sẽ đơn giản thôi, kết quả phúc tấn thoải mái giao Đại a ca cho chàng, nhưng bản thân phúc tấn lại không muốn đi.

"Không thể nào để phủ trống vắng không ai ở trông được, gia và bọn nhỏ hãy đi chơi cho vui." Phúc tấn cười nói. Nàng thật sự nghĩ rằng không cần thiết phải tiêu tốn hết thời gian trong một ngày cho một chuyến đi chơi, mà cụ thể chỉ có ngồi xe ra ngoài dạo lòng vòng, cưỡi ngựa loanh quanh thôi? Ở lại trong phủ vẫn đỡ lo hơn.

Về phần Đại a ca, gần đây Tứ a ca sang thăm nó hằng ngày, trông có vẻ rất ưng a ca này. Phúc tấn cũng mong tình cảm giữa cha con họ sẽ tốt đẹp hơn. Với trình độ được sủng ái của Lý cách cách, chưa biết chừng ngày nào đó lại có nữa, ngộ nhỡ cái thai tiếp theo của nàng ta là con trai, vậy thì Đại a ca sẽ bị đẩy vào tình cảnh rất éo le. Nếu Tứ a ca thích Đại a ca, về sau dù có thêm em trai, nó cũng không phải lo nghĩ.

Tống cách cách thấy phúc tấn không đi, bèn bảo mình cũng xin kiếu, ở lại hầu hạ phúc tấn.

Võ cách cách lại đụng kỳ kinh đến chẳng đúng lúc...

Tâm trạng vốn đang rất phấn chấn của Tứ a ca suýt thì tuột dốc không phanh.

Chàng bèn đi sang tiểu viện. Lý Vi và Nhị cách cách đang thay đồ cưỡi ngựa mới đưa tới, một lớn một nhỏ ăn mặc giống hệt nhau, đứng xoay vòng vòng, Bách Phúc hoan hỉ chạy qua chạy lại quanh hai người. Nhị cách cách đương reo lên: "Ngạch nương, ngạch nương, mình làm luôn một bộ cho Bách Phúc nữa, được không ạ? Lúc đó Bách Phúc cũng đi cùng, đúng không ạ?"

"Được, chúng ta sẽ làm cho Bách Phúc một bộ luôn." Lý Vi dắt Nhị cách cách về phòng, gọi Ngọc Bình đem vải ra.

Bách Phúc phát hiện Tứ a ca trước, nó sủa gâu gâu, phi sang chỗ chàng điên cuồng vẫy đuôi. Nhị cách cách la theo: "A mã!" Tứ a ca bước vào xoa đầu nó, ngồi xuống ôm nó hỏi: "Nhị cách cách với ngạch nương đang làm gì đây?"

Lý Vi cười nhìn hai cha con họ, ôm Bách Phúc vào lòng đo cỡ vải cho nó. Nhị cách cách chỉ vào Bách Phúc, nói: "Con và ngạch nương muốn làm cho Bách Phúc một bộ đồ mới, khi đi du xuân sẽ mặc với nhau."

Tứ a ca khó xử nói: "Nhưng Bách Phúc có đi đâu."

"Bách Phúc không đi ư?" Lý Vi ngạc nhiên hỏi chàng, ra ngoài không mang chó theo à? Bách Phúc đâu phải mèo, chó thì phải cho nó ra khỏi nhà chạy nhảy nhiều hơn chứ?

Sao nàng lại tưởng thật hay thế? Chàng đang nói đùa đấy thôi!

Tứ a ca buồn rầu, Nhị cách cách trong lòng đã trả lời Lý Vi thay chàng: "Ngạch nương, a mã đang lừa chúng ta thôi."

Người mình muốn lừa thì không lừa được, người mình chẳng muốn lừa lại sập bẫy ngay.

Tứ a ca vui mừng nhìn Nhị cách cách đang ngồi trên đùi chàng: "Nhị cách cách nhà ta đúng là thông minh." Tiện thể tặng luôn cho Lý Vi một ánh nhìn "Không bằng cả Nhị cách cách".

Lý Vi: "..." Nàng tiếp tục may vá đồ cho Bách Phúc, để hai cha con này tự chơi đi!

Đến hôm ấy, từ sáng tinh mơ Đại a ca và Đại cách cách đã được đưa sang thư phòng ở tiền viện. Tứ a ca lúc nào cũng dậy sớm, đang đọc sách với Bách Phúc trong thư phòng. Dẫu ra cung rồi, chàng vẫn giữ nguyên thói quen đọc sách vào mỗi buổi sớm.

Chàng hỏi Đại cách cách đôi câu trước, sau đó gọi Đại a ca vào thư phòng khảo bài nó.

Lúc vào, Đại a ca còn được nhũ mẫu ẵm. Nhũ mẫu hẳn nhiên không thể vào thư phòng, đành thả nó xuống, để nó bước từng bước chậm rãi, vững vàng về phía Tứ a ca.

Đến lúc nó đứng trước mặt chàng, Tứ a ca mới nhận ra từ nãy tới giờ nó cứ nín thở suốt.

Đúng là một đứa trẻ ngoan.

Chàng vỗ vỗ vai nó, bảo Tô Bồi Thịnh ẵm nó lên ghế ngồi, nói: "Còn nhớ hôm qua ta dạy con những gì không? Chữ "đại" đọc thế nào?"

"Am đạt!" Đại a ca đáp giọng lanh lảnh, vì quá kích động nên phun cả nước miếng ra, gương mặt bé nhỏ thoắt đỏ bừng.

Thằng bé nhỏ người, tâm trạng vô cùng căng thẳng, lúc ngồi trên ghế tay nắm chặt lại đặt ở đầu gối, nhìn là biết đang rất cố gắng để giữ lưng thật thẳng. Song chung quy nó vẫn còn quá nhỏ, cái ghế lại quá lớn, làm người nó chao đảo lắc lư, không được vững chãi.



Tứ a ca lo lắng thoáng nhìn qua, Tô Bồi Thịnh lập tức đi lấy thêm ba cái gối dựa, nhét hết gối vào chung quanh, để Đại a ca ngồi tựa vào gối, làm thế sẽ vững hơn.

Tứ a ca vừa lòng gật gù.

Đại a ca lễ phép nói với Tô Bồi Thịnh: "Đa tạ Tô am đạt."

"Không dám, Đại a ca ngồi cho chắc." Tô Bồi Thịnh vội cúi người gật đầu. Hắn đứng ngay sau ghế, duỗi tay đỡ hờ Đại a ca. Bởi lẽ hắn nhìn thấy Đại a ca không hề tựa gối, mà trái lại còn ưỡn thẳng lưng hơn, từ lưng đến gối hở ra một khoảng bằng một ngón tay. Hắn thật chỉ sợ ông trời con này ngồi không yên lại ngã lộn xuống mất.

Tứ a ca cũng để mắt tới, âu sầu nghĩ kiểu này thì giống phúc tấn quá rồi. Phúc tấn như thế chàng còn chấp nhận được, nhưng là con mình lại thực sự không được. Phúc tấn chỉ là phụ nữ, sau khi gả cho chàng nghiễm nhiên sẽ được cả đời vô lo, vậy nên tính nàng có mạnh mẽ cỡ mấy thì cũng sẽ chỉ tự làm khó mình hơn thôi. Nhưng Đại a ca là người mai sau sẽ kế thừa mọi thứ từ chàng, mà kiểu tính cách này lại không hề mang đến lợi ích gì cho quá trình khôn lớn của nó.

Nói ra nghe hơi mất lòng, chứ tính như phúc tấn chỉ hợp làm nô tài. Làm nô tài sẽ thích người dưới quyền mình ý chí kiên định, quyết tiến không lùi. Nhưng là một chủ tử, nếu mãi cố chấp chưa đụng tường Nam chưa quay đầu, đụng phải đầu rơi máu chảy mới biết quay đầu, thì cũng đã muộn màng.

Xem ra, quả nhiên nên chuyển Đại a ca đi. Cứ để phúc tấn nuôi dạy nó tiếp, Đại a ca mà học như nàng thì hỏng bét.

Tứ a ca dạy Đại a ca thêm mấy từ tiếng Mãn, dặn nó về nhớ học thuộc, lại cầm tay nó viết chữ đủ một tờ, xong mới dắt nó ra ngoài.

Vừa thấy Tứ a ca và Đại a ca, Đại cách cách đứng dậy đón ngay. Nó là đứa lớn nhất trong ba đứa nhỏ, Tứ a ca dù không nói ra miệng, song vẫn luôn nhớ đến nó. Thêm chuyện vừa ra đời nó đã bệnh tật yếu ớt, trắc trở lắm mới lớn được như ngày hôm nay, khi chàng oán trách Tống thị, đồng thời chàng cũng đau lòng cho tiểu cách cách này. Mỗi ngày đọc kinh đều sẽ đọc thay nó một cuốn, cầu mong nó trường thọ bình an, còn những vinh hoa phú quý khác, đã có a mã là chàng đây.

"Ngồi xuống đi, lát nữa ta sẽ cùng ăn sáng." Tứ a ca nói, nom sắc mặt Đại cách cách hơi hơi tái, không được hồng hào, đoán chừng là thể hư. Không tranh thủ lúc còn bé tuổi mà bồi bổ tử tế, để lớn lên là muộn mất rồi. Chàng nghĩ liệu có nên bảo phúc tấn chăm trông nom nó đôi phần, chú ý hơn về việc ăn dùng thường ngày của nó không.

Lúc này, Tô Bồi Thịnh dẫn Lý Vi và Nhị cách cách vào. Hai mẹ con nàng khá sáng suốt khi để nhũ mẫu ở lại tiểu viện, chỉ cho Ngọc Bình và Triệu Toàn Bảo theo cùng; Ngọc Trản và Tiểu Hỉ Tử xách hộp thức ăn, ôm tay nải đi sau.

Lý Vi vốn nghĩ đi chơi thì không cần đưa theo quá nhiều người, Nhị cách cách có cần bọc tã nữa đâu, cứ mang ít đồ ăn thức uống và vài bộ quần áo dày dặn là đủ.

Hai người đi vào, những người còn lại không phận sự thì ở ngoài, chỉ có Ngọc Bình đi theo. Tứ a ca vừa thấy đã nhíu mày, lại nhìn bốn ma ma, hai nhũ mẫu, bốn a hoàn theo sau Đại a ca, bụng nghĩ người nên cẩn thận lại quá bất cẩn, người cần rèn luyện lại dẫn quá nhiều người theo.

Đây là lần đầu Lý Vi gặp Đại a ca, nhìn thấy đứa bé trai ngồi cạnh Tứ a ca ăn diện như cậu bé kim đồng trong tranh mừng năm mới*, nàng biết ngay là ai. Huống chi khi nàng vừa vào, Đại cách cách và Đại a ca đều đứng dậy. Lúc nàng hành lễ với Tứ a ca, hai đứa bé này đều tránh đi, sau đó mới cùng nhau hành lễ với nàng. Làm Lý Vi tức thì cảm nhận được đôi chút khác biệt của "phe phái". Lại quay sang Nhị cách cách bên cạnh trông mặt vẻ không cảm giác gì, nàng chợt thấy mình hơi có lỗi với con gái.

Có điều Nhị cách cách đúng là chẳng có cảm giác gì thật. Trước kia nó từng gặp Đại cách cách ở chỗ phúc tấn, hai đứa còn cùng chơi đồ chơi trong phòng phúc tấn cơ (dưới sự giám sát của ma ma). Tuy không vun đắp nên được tình cảm chị em gì, nhưng cái nhãn "đây là một người quen" đã được nó dán lên đầu Đại cách cách. Nhị cách cách bèn hí hửng bước tới.

"Đại tỷ tỷ." Nhị cách cách nhún người, đoạn quay qua nhìn Đại a ca, hơi sững lại.

Tiêu rồi. Quên bảo với nó Đại a ca trông như nào rồi. Lúc trước nhắc về Đại a ca, Lý Vi từng miêu tả bằng cách ví von thằng bé với con búp bê ôm gọn được trong lòng.

Nàng đương hoảng hốt, trí khôn của Nhị cách cách ngay từ đầu ắt đã cao hơn nàng, thế là nó nghiêng đầu cười, cất giọng gọi không chút xa lạ: "Chào đệ đệ."

Đại a ca hành lễ với nó: "Chào Nhị tỷ tỷ."

Lanh lợi thật. Lý Vi bội phục nhìn Nhị cách cách, thực không hổ là cô con gái tài ba của nàng.

Chỉ một chốc mà ba đứa nhỏ đã nói nói cười cười. Tình bạn của đám trẻ con đơn giản là vậy, làm Lý Vi vốn sợ Nhị cách cách sẽ bị cô lập cũng yên tâm, tự thấy mình chỉ biết nhìn thế giới trong sáng của thiếu nhi như thế giới bẩn thỉu của người lớn là hay.

Ăn sáng xong, Tứ a ca đưa mọi người xuất phát. Trước khi lên đường còn một chuyện nữa, chàng đuổi hết những người bên Đại a ca đi, chỉ để lại một nhũ mẫu và một a hoàn, rồi gọi cho nó bốn thái giám nhỏ.

"Đây là người được sắp sẵn cho con, lúc trước muốn đợi con chuyển sang đây sẽ cho gặp, vừa khéo hôm nay cũng là một cơ hội." Tứ a ca gọi bốn tiểu thái giám tới dập đầu, "Ngoài chúng nó ra, còn những người khác nữa, khi nào con về đây là sẽ được gặp."

Đại a ca trước nay chưa gặp mấy đứa bé trai bao giờ. Trong bốn tiểu thái giám, đứa lớn mới tám tuổi, đứa bé sáu tuổi; trông thấy nó, đứa nào cũng cười rất tươi, làm nó hết sức hiếu kỳ, tức khắc làm lu mờ cả nhũ mẫu và a hoàn đứng cạnh.

"A ca nhiều phúc, cát tường. Nhũ danh của nô tài là Cẩu Nhi, a ca cứ gọi nô tài là Tiểu Cẩu Nhi." Tiểu thái giám Tiểu Cẩu Nhi này là đứa khôn nhất, cao nhất trong số bốn tiểu thái giám, trông cũng không cò hương như đám trẻ thiếu cơm ngoài kia. Nó gật đầu với nhũ mẫu, gọi một tiếng ma ma, rồi bước sang đứng ngay cạnh Đại a ca như một lẽ dĩ nhiên, chiếm luôn chỗ của đứa a hoàn.

A hoàn đi cùng Đại a ca là Thạch Lựu số 2. Tuy nàng ta là người từ Nội vụ phủ tới, nhưng sau khi Thạch Lựu số 1 về quê, nàng ta vẫn làm ăn rất khá. Lần này cũng vì phúc tấn thấy nàng ta luôn cần cù hiểu chuyện, lại là Bao y bên Nội vụ phủ, ra ngoài sẽ được việc hơn người mà phúc tấn tự đưa vào, nên mới cho nàng ta theo cùng.



Thấy mình bị một tiểu thái giám chiếm chỗ, Thạch Lựu trừng mắt định sấn lên, ai ngờ một tiểu thái giám khác lại đi tới đẩy nàng ta ra xa hơn, Tiểu Cẩu Nhi thừa cơ ẵm Đại a ca lên xe.

Thạch Lựu toan gắt: "Mi..." Chưa kịp nói thành lời, tiểu thái giám thứ hai chen qua đã tủm tỉm cười bảo: "Tỷ tỷ, chúng ta phải nhanh chân lên, tỷ xem kìa, các chủ tử bên kia lên xe cả rồi." Nói xong nó chui lên ngay. Thạch Lựu chỉ còn biết hậm hực giậm chân, thui thủi lên xe.

Nhũ mẫu lại không chút nào quýnh quáng, như thể không thấy cảnh tiểu thái giám bắt nạt Thạch Lựu. Dẫu bà ta cũng xuất thân từ Nội vụ phủ, song vẫn khác loại người kiếm cơm nhờ phần thưởng của chủ tử như Thạch Lựu, chỗ của bà ta không phải ai muốn chiếm là chiếm được.

Hai tiểu thái giám còn lại đúng thật không có ý kiến gì với nhũ mẫu, cung kính đỡ bà ta lên xe xong, hai đứa nó mới dìu nhau lên.

Trương Bảo đứng đằng sau chứng kiến rõ rành rành, hài lòng gật đầu quay về. Mấy thằng bé này rất cơ trí, không uổng công hắn dạy dỗ một phen. Tứ a ca đã tỏ ý rất rõ, rằng nếu muốn cho Đại a ca dọn ra, thì sẽ không được để người ở hậu viện nhúng tay vào mọi việc liên quan đến Đại a ca nữa. Như nhóm nhũ mẫu là những người không thể đuổi thì không nói, nhưng sẽ phải mau chóng cho bọn a hoàn hầu hạ về nhà nghỉ thôi.

Tứ a ca ngồi trên lưng ngựa, người luôn quan sát kỹ mọi người như chàng, tất nhiên cũng bắt gặp chuyện xảy ra bên Đại a ca. Nhiệm vụ này Trương Bảo làm rất khá. Tứ a ca thầm nghĩ.

Đoàn xe nối đuôi nhau ra khỏi thành. Đi mãi đến lúc tới điền trang của Tứ a ca ngoài thành. Khác với những gì Lý Vi tưởng tượng, nơi đây không có những luống đất trải dài, mà là một mảnh đất hoang ngát cỏ mút mắt, cũng chẳng có những thứ như rừng cây con.

Xe dừng lại, nhảy xuống xe, Lý Vi mới thấy những lùm cỏ dại hoa dại mọc sát đất. Ở chỗ xe đậu, men theo gò đất nhìn lên là sẽ thấy một rừng cây hoang thưa thớt. Cái cây thân to nhất cũng chỉ bằng cái cổ tay, mảnh nhất là những cành. Hoa dại rơi rụng lả tả xuống giữa bụi cỏ, đỏ, lam, trắng, vàng đủ các màu. Có cả đôi phen bướm trắng bay ngược bay xuôi.

Đối với Nhị cách cách, toàn cảnh trước mắt quả thực bao la đến nỗi nó không khép được miệng. Từ ngày lọt lòng đã sống trong tiểu viện, nó chỉ được thấy bốn phương trời đất trong vòng vây khép kín, còn thế giới mênh mông phóng mắt chẳng thấy điểm cuối này thực là to lớn quá đi mất thôi.

Điều này làm Nhị cách cách lần đầu trong đời thốt lên một câu ngô nghê - nó kinh ngạc nói với Tứ a ca: "A mã, viện này to thật. Tường đâu rồi ạ?"

Chưa kịp lên tiếng, Tứ a ca đã không kìm nổi mà phì cười, vội che miệng lại bảo: "Ở đây không có tường, ngoan, lát nữa a mã đưa con đi chạy một vòng."

Mấy con ngựa con dễ bảo đã được chuẩn bị sẵn. Điều khiến Lý Vi đỏ mặt ấy là ngựa của nàng cao bằng ngựa của Nhị cách cách, leo lên ngồi, tí là chân chạm được cả xuống đất. Bốn người lên ngựa, Tứ a ca dẫn đầu, cho người dắt ngựa của họ dạo quanh một vòng.

Thất vọng quá, cưỡi ngựa kiểu này thôi thà về nhà luôn cho rồi.

Nhưng con ngựa cái con của nàng lại đáng yêu cực kỳ, cặp mắt to như viên hạch đào dịu dàng tưởng ngấn nước. Khi xuống ngựa, Lý Vi cũng không nỡ để người ta dắt nó đi. Con ngựa con màu đỏ này tên Hồng Vân, nàng lấy viên đường ở chỗ người chăm ngựa đi cho nó ăn, còn ẵm Nhị cách cách lên để con gái đút ngựa ăn.

Tứ a ca đi tới, nàng không nhịn được hỏi: "Hồng Vân dễ thương quá, thiếp nuôi nó được không?"

Chàng sờ lưng ngựa, nói: "Vốn con này để cho nàng. Đợi thêm vài năm nữa nàng lớn hơn, thì nó cũng trưởng thành rồi, nàng có thể cưỡi nó theo ta đi săn."

Nhị cách cách trỏ vào con ngựa màu nâu đỏ mình vừa cưỡi, nói: "A mã, còn của con ạ? Kia là ngựa của con ạ?"

Tứ a ca vuốt đầu nó, nói: "Đương nhiên rồi." Chàng nhìn sang Đại cách cách và Đại a ca, nói: "Lũ ngựa này là ngựa của các con, các con phải chăm sóc tốt cho chúng nó, cùng lớn lên với chúng nó."

Chàng bước qua chỗ Đại a ca, dẫn nó đi lại gần con ngựa thiến đen nhánh, nói: "Đừng sợ, nó là người bạn tốt nhất của con." Đại a ca vốn không hề sợ, nó chỉ hơi giật mình vì lần đầu gặp thứ to bự cỡ này. Nhưng Thạch Lựu và nhũ mẫu theo hầu đều kéo nó lùi về sau, lúc nó xuống ngựa, cũng không cho nó tới gần, làm cứ như nó sợ ngựa lắm.

Tứ a ca dắt nó tới, Tiểu Cẩu Nhi và mấy tiểu thái giám cũng bước lại ngay. Tiểu Cẩu Nhi lấy đường cho Đại a ca, nói: "Đại a ca, ngựa thích ăn đường lắm."

Những tiểu thái giám khác có đứa đứng giữ Đại a ca, có đứa đi nhổ ít cỏ cho ngựa. Nom chúng nó xấp xỉ tuổi Đại a ca, Đại a ca không muốn chịu thua, bèn nhận lấy đường đút ngựa. Con ngựa khịt mũi làm nó giật thót, song khi đã quen, nó phấn khích hẳn, chơi đùa rất vui trong vòng hộ tống của bốn tiểu thái giám.

Tứ a ca thấy vậy cũng an tâm, nói với Thạch Lựu và nhũ mẫu: "Quay vào xe trông đồ đi, ở đây không cần các ngươi hầu."

Chơi với ngựa một hồi, lúc cưỡi lần ngựa, ba đứa trẻ đã tự nhiên hơn nhiều. Cơm nấu xong mới bảo chúng nghỉ cưỡi. Nhị cách cách ra chiều không vui. Đại cách cách lại kỷ luật hơn, Đại a ca cũng quen vâng lời, đều ngoan ngoãn trèo xuống.

Lý Vi thấy hơi ngượng ngùng, hình ảnh đối lập dễ cho thấy rằng Nhị cách cách không được này dạy đến nơi đến chốn.

Mà Tứ a ca lại nghĩ: nếu Đại a ca và Nhị cách cách đổi tình cho nhau thì tốt biết mấy. Chàng thà mình có một đứa con trai cá tính, dù là xấu tính cũng còn hơn không biết cáu gắt giận hờn là gì.

Về phần Nhị cách cách, trầm tính như Đại cách cách cũng rất tốt, nhưng tính cách bạo một chút cũng không tệ, ngày sau gả chồng sẽ không phải chịu thiệt.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.