Trước lễ Giáng sinh, Trình Hâm đặt chân một lần nữa lên đất Mỹ. Sau hơn nửa năm nỗ lực làm việc, hắn cuối cùng được biệt phái sang đây. Lúc này Trình Hâm và Trần Hân đã xa nhau bốn tháng mười ngày, lâu nhất từ trước đến giờ.
Lúc Trình Hâm nộp đơn vào công ty, đã chọn vị trí đối ngoại, nhưng mãi mà không được cử ra nước ngoài. Nhiều lần nản chí, Trình Hâm hoài nghi liệu có phải mình đã vào nhầm chỗ rồi chăng, bởi trước đấy chỉ cần bảo muốn sang Mỹ học lên, chắc chắn bố mẹ sẽ đồng ý, không phải xa Trần Hân lâu như thế. Nhưng sở dĩ Trình Hâm không du học là vì hắn nghĩ đã xác định sánh vai với cậu thì phải nhanh chóng độc lập về tài chính, không thể nào vừa ngửa tay xin tiền của bố, vừa gân cổ cãi "bố đừng xen vào chuyện tình cảm của con" được. May mà cuối cùng cũng sang đến Mỹ, nếu chậm hơn có lẽ hắn đã bỏ việc luôn.
Nơi làm việc của Trình Hâm ở Niu Oóc, còn Trần Hân thì ở mãi Bôxtơn, chỉ cách nhau hơn ba trăm cây số, chí ít không còn cả Thái Bình Dương cách biệt mười mấy giờ bay. Những ngày xa nhau, hai người chỉ biết nhờ Intơnet làm chiếc cầu nối để giải tỏa bớt nỗi nhớ mong, thế mà vì giờ giấc khác nhau quá xa, ngày đêm đảo lộn nên đâu thể muốn gặp là gặp được.
Trình Hâm đến Mỹ nhằm tiết Giáng sinh, đâu đâu cũng nghỉ, hắn đương nhiên cũng không phải đi làm. Gặp người của công ty cho biết mặt, rồi Trình Hâm trực chỉ Bôxtơn tìm Trần Hân.
Trần Hân lần đầu bước ra xứ lạ quê người, không ai thân thích, bất đồng ngôn ngữ, gặp muôn vàn khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Sau đó nhờ quen được vài lưu học sinh đồng hương, được anh em giúp đỡ nên mới dần thích ứng.
Lúc vào học lại càng cam go gấp bội, bởi vì tiếng Anh của Trần Hân chỉ đủ dùng khi giao tiếp thường nhật, còn lên lớp nghe giảng cứ như đàn gẩy tai trâu. Buổi đầu tiên, thầy giáo gọi cậu trả lời câu hỏi, Trần Hân cứ đứng lắp bắp mãi không nói nên lời. Điều này đem đến cho cậu một áp lực lớn, một cảm giác thất bại chua cay. Thế là trong lúc các sinh viên chung quanh còn đang tận hưởng không khí mới mẻ của Đại học Hava, Trần Hân đã phải chong đèn từng đêm cặm cụi đọc trước từng bài sẽ giảng để hôm sau còn hiểu vớt vát được phần nào.
Mỗi lần gặp Trình Hâm trên mạng, Trần Hân rất muốn than thở với hắn, kể lể những cực nhọc, chông gai trong học tập, trong đời sống hàng ngày, nói cho hắn biết cậu rất cô đơn, phút nào cũng quắt quay nhớ hắn. Nhưng rồi Trần Hân vẫn cố kiềm lòng, vì cậu biết nếu nói ra, Trình Hâm sẽ bỏ tất cả mà bay sang ngay với cậu. Dù khát khao gần gũi, nhưng Trần Hân hiểu rõ rằng giờ là những tháng ngày mà cả hai phải cùng phấn đấu, là lúc trời cao đem gian nan thử lòng người, phải kiên định vượt qua để vun đắp một tình yêu vững chãi.
Được tin Trình Hâm sẽ sang nước Mỹ, Trần Hân suýt khóc vì hạnh phúc, cậu đợi tin này đã bấy lâu nay. Về phần mình, trải qua bốn tháng nỗ lực, rốt cuộc Trần Hân đã có thể hòa mình vào nhịp học tập và sinh hoạt nơi đây, trở thành một sinh viên Hava đích thực, cũng bắt đầu mở cửa lòng đón những luồng gió mới. Ở ngôi trường này, không ai là không tích cực phấn đấu từng ngày, các bạn học đều là những gương mặt ưu tú tinh anh từ khắp nơi trên thế giới. Khi tiếp xúc với mọi người, lắm lúc Trần Hân có cảm giác những nền văn hóa đối chọi nhau nẩy lửa, nhưng cuối cùng chính nhờ cọ xát như thế mà cậu học được rất nhiều tư tưởng tiến bộ Đông - Tây.
Khoa học tự nhiên nói chung nghiêm cẩn, không phóng khoáng như những khoa xã hội. Trần Hân biết với tính cách của mình, nếu như đăng ký vào những ngành kinh tế, luật hoặc nhân văn, chắc chắn sẽ không thích nghi được bầu không khí ở đây, nhưng còn Trình Hâm thì ngược lại.
Kỳ nghỉ Giáng sinh ở Mỹ cũng gần như nghỉ Tết, kéo dài khoảng mươi ngày. Ở Hava cũng thế, các bạn Trần Hân đã sớm lên kế hoạch đi du lịch, cả ký túc xá chả còn lại mấy người. Nghĩ đến ngày hôm sau được gặp Trình Hâm, Trần Hân nôn nóng đến cả đêm không ngủ được. Trời rạng sáng, cậu xuống giường luôn, dọn dẹp gian phòng lần nữa rồi không đợi nổi cho đến giờ đã hẹn mà phấn khích mặc quần áo ra ngoài chờ người.
Ngày đông ở Bắc Kinh mà có tuyết là hiếm gặp, còn nơi đây ở bờ Đông nước Mỹ, không có bão tuyết đã là tốt lắm rồi. Buổi tối hôm Trình Hâm đến Mỹ, trời tuyết lớn, khắp chốn trắng toát cả ra, tuyết đọng dày cả tấc, quang cảnh cứ như trong thần thoại. Con đường sau khi được xe ủi quét sạch lộ màu đen nổi bật trên nền trắng như một vết sẹo dài.
Nước Mỹ đất rộng người thưa, cư dân Bôxtơn đa số là sinh viên đại học, gặp kỳ nghỉ lễ, mọi người túa nhau đi bỏ lại thành phố lặng buồn. Trần Hân lội tuyết ra cổng trường định đón taxi đến trạm xe buýt như đã hẹn. Phố xá vắng tanh. Đứng một lúc lâu mà không có chiếc xe nào qua lại, cậu cất bước định lội bộ đến trạm xe điện. Vừa đi được vài bước, Trần Hân chú ý đến một bóng người bên kia đường. Người đàn ông này mặc chiếc áo bành tô đen, đeo kính đen và mang mũ, trong tay xách một chiếc túi du lịch, không phải người da đen, nhưng không nhìn rõ là người da vàng hay da trắng. Anh ta có vóc dáng rất cao lớn, nhưng cũng phải đạp từng bước trên lớp tuyết dày để đi sang đây.
Nhìn bóng dáng kia, Trần Hân bỗng dưng dừng lại. Cậu hơi ngờ ngợ, nhưng cũng không nghĩ đó là Trình Hâm, dù sao hắn đã hẹn một giờ chiều mới đến, bây giờ mới mười một rưỡi. Hơn nữa, Trình Hâm lần đầu đến Bôxtơn, mà trường Hava lại rộng lớn như thế, làm thế nào hắn lại đến đúng cái cổng này. Thế nhưng.. họa đúng thì sao? Trong lòng Trần Hân náo nức. Nhìn chung quanh không có ai, cậu dùng tiếng Trung hô to hai tiếng: "Trình Hâm!"
Người đàn ông đối diện không dừng bước chân, cũng không ngẩng đầu lên nhìn cậu nữa là đáp lại lời nào. Trần Hân thất vọng, nhưng nghĩ đến Trình Hâm sắp đến rồi, lại phấn khởi lên ngay. Cậu quay lưng đi tiếp, mắt nhìn xuống đường lọ mọ từng bước một. Thình lình Trần Hân bị đẩy thật mạnh, ngã bổ chửng, lăn uỵch ra tuyết. Cậu kinh hồn: Chả lẽ lại gặp cướp? Liền nghe thấy một giọng nói thân quen: "Không được cử động, cướp sắc đây!" rồi đến một tràng cười khoái chí.
Trần Hân hoàn hồn, hai tay phát túi bụi lên người nọ: "Đồ quỷ, dọa chết người ta!" Sau đó ôm chặt đối phương, thút thít.
Trình Hâm cười mãi, ghì chặt cậu: "Ha ha, bé cưng sợ à? Anh chỉ muốn cho em một bất ngờ.. Ối!"
Trần Hân mở miệng cắn vào yết hầu hắn: "Bất ngờ cái con khỉ! Vừa nãy người ta gọi, lại chẳng thèm đáp đâu, làm cứ ngỡ nhận nhầm người."
Trình Hâm cười hắc hắc: "Cố ý đấy! Vừa thấy em là anh nhận ra ngay! Bé cưng ăn mặc thế nào anh cũng nhận ra được, hi hi!"
"Sao bảo hơn một giờ mới đến, lại lừa tôi!"
"Vốn là một giờ mới đến, nhưng chuyến trước đấy có người trả vé nên anh đổi. Nhớ anh không? Anh nhớ em chết mất!" Nói đoạn hắn bưng mặt Trần Hân, hôn mút một cái thật kêu, chưa thỏa, lại hôn thêm cái nữa, vẫn chưa đã thèm, cuối cùng dây dưa mãi không chịu nhả. Nhớ lắm, nhớ đến tận xương, nay ôm được vào lòng, chẳng nỡ buông ra.
Hai người nằm trên lớp tuyết dày mà hôn môi. Bốn phía tĩnh lặng như tờ, không một bóng người qua lại, chỉ có con chim sẻ trên cành thỉnh thoảng vẫy cánh làm tuyết rớt xuống, trộm dò xét: Mình có lông dày, còn hai tên kia không có lông, chả nhẽ không biết lạnh hay sao?
Hôn tạm đủ rồi, Trình Hâm mới chịu buông người ra, ngồi xổm trên mặt tuyết, lôi Trần Hân lên rồi thở hổn hển, lại hôn lên trán cậu, cọ mặt vào má cậu, thở dài: "Nhớ em đến đau thắt lòng thắt dạ đây này."
Bị đám râu lởm chởm của Trình Hâm cọ vào mặt, cảm giác ram ráp như nhắc nhở Trần Hân về sự hiện diện của người yêu. Cậu đưa tay ôm cổ hắn, đựa đầu vào ngực: "Tôi cũng nhớ cậu lắm. Sao cậu biết tôi ở khu này?"
Trình Hâm đắc ý: "Em có lần bảo với anh tên ký túc xá, anh lên Intơnet tra là biết ngay!"
Trần Hân cười, thầm khen Trình Hâm chu đáo, bảo: "Bọn mình lên nhà đi."
Trình Hâm hỏi: "Ở phòng ký túc có ổn không?" Qua những cuộc chuyện trò, hắn biết hết thảy về các bạn cùng phòng của cậu.
Trần Hân hơi do dự: "Mọi người đi cả rồi, ngặt nỗi giường hơi hẹp." Dù sao cũng là ký túc xá, các bạn cùng phòng cũng chưa từng mang bạn bè, bồ bịch về ở qua đêm.
Trình Hâm hiểu ý, cười: "Giường hẹp làm sao được. Bọn mình đi khách sạn nhé!"
Trần Hân gật đầu: "Đồng ý!"
"Gần đây có khách sạn nào không?" - Trình Hâm hỏi.
Trần Hân chỉ về phía trước: "Đàng kia có một cái." - Trong đầu cậu từng tưởng tượng hàng trăm lần cảnh Trình Hâm đến, đã rà soát dò la hết các khách sạn lân cận, thậm chí nắm rõ đặc điểm của từng nơi.
Trình Hâm nở nụ cười: "Ta đi thôi, nhanh chân lên!" - vừa nói vừa kéo Trần Hân đạp tuyết mà chạy.
Trần Hân rảo chân bám theo: "Ăn gì đã nhé?"
Trình Hâm thét lên: "Anh muốn ăn em cơ!"
Hai thanh niên tràn đầy nhựa sống ở miền đất lạ này có thể tha hồ hưởng thụ không khí ngọt ngào lãng mạn, chẳng phải lo ngại người đời. Trần Hân không cần lấm lét chờ Trình Hâm lên phòng rồi mới lén lút vào sau, mà cả hai mạnh dạn nắm tay nhau cùng đến quầy lễ tân đăng ký, nhận được ánh mắt lịch sự thân thiện, dắt nhau vào thang máy, cùng mở cửa phòng ra. Sau cánh cửa là thế giới riêng mộng ảo của hai người.
Mấy tháng ròng không gặp nhau, đóng cửa phòng rồi đến một cơn hôn tối tăm mặt mũi. Lần mặn nồng này kéo dài và thỏa mãn, sau đó Trình Hâm rúc vào lòng Trần Hân ngủ say sưa. Biết hắn một mạch đi đường không nghỉ, gần hai mươi bốn giờ chưa chợp mắt, Trần Hân cũng không đánh thức người trong lòng mà cùng đi vào mộng đẹp.
Bản thân Trần Hân cũng đã lâu chưa được thẳng giấc, lần này ngủ một giấc ngon lành nhất từ lúc đến nước Mỹ cho tới giờ. Chương trình cao học của Hava còn nặng hơn ở Bắc Đại, Trần Hân lại tự tạo áp lực cho mình, muốn mau chóng công thành danh toại, sớm ngày tốt nghiệp để đoàn tụ với Trình Hâm. Nước Mỹ đúng là thứ gì cũng tốt, thế nhưng lại không phải nhà mình. Xứ sở xa xôi kia mới là quê nhà của cậu, có người mà cậu yêu thương. Vì lẽ ấy mà Trần Hân càng dốc sức hơn hẳn những sinh viên khác, đầu óc thường căng như dây đàn, bạn cùng phòng từng trêu cậu là nhà sư khổ hạnh.
Hai người ngủ say sưa đến khi tỉnh lại vì đói. Tìm mãi chả có gì để ăn ngoại trừ pida và hămbơgơ. Không còn cách nào khác là gọi một chiếc pida giao lên phòng ăn tạm, hương vị thật khó diễn tả bằng lời. Nhìn Trần Hân ăn ngấu nghiến, Trình Hâm bảo: "Ngon lắm à? Thường ngày em cũng ăn thế này sao?"
Trần Hân nói: "Thi thoảng mới ăn. Thường ngày tôi ăn ở căntin trường, có cơm Tàu." Không ngon mấy nhưng cũng không khó nuốt.
Trình Hâm ngẫm nghĩ: "Hay bọn mình thuê một phòng nhé, mỗi cuối tuần anh sẽ đến, bọn mình cùng làm cơm ăn."
Trần Hân bảo: "Tôi cũng định thế, nhưng đợi hết năm nay đã. Đóng tiền ký túc cả rồi, sang năm sẽ không đăng ký nữa." Ký túc xá đại học Hava điều kiện tốt, so với giá thuê phòng bên ngoài lại rẻ hơn hàng nghìn đôla mỗi năm, nên đại đa số sinh viên đều muốn trọ ngay tại trường. Thế nhưng cũng có không ít sinh viên tự thuê phòng trọ bên ngoài, hoặc có thể góp tiền cùng nhóm bạn ra ở riêng. Dù sao, Trần Hân được học bổng toàn phần, trong đó có tài trợ sinh hoạt phí, nếu làm thêm việc trong trường cũng đủ tiền thuê phòng trọ.
Trình Hâm lau miếng phómát nơi khóe miệng Trần Hân, nói: "Ừ, thế sang năm hãy thuê. Em không cần lo chuyện tiền nong, anh sẽ đứng ra thuê phòng. Còn trước lúc đấy bọn mình cứ ra khách sạn."
Trần Hân nhìn hắn: "Lương cậu có đủ dùng không?"
Trình Hâm cả cười, véo mũi cậu: "Dĩ nhiên! Em tưởng anh chỉ biết ngồi bàn giấy mà không kiếm thêm khoản khác à? Ôi, bánh pida khô khan mà em ăn ngon lành đến thế, thật dễ nuôi, anh nuôi được! Ăn no chưa?"
Trần Hân ngớ người ra: "No rồi."
Trình Hâm sấn đến, ôm chầm lấy cậu, liếm mép: "Nếu no rồi thì chúng ta vận động một tí nhé, để dễ tiêu hóa ấy mà."
Trần Hân cười khúc khích, biết tên này vẫn còn hăng hái lắm, cậu cũng chiều theo. Thế là cả hai lại triền miên đắm đuối.
Kỳ nghỉ thực sự của hai người bắt đầu như thế. Sau vài ngày đầu ở lì trong phòng, cả hai dắt nhau thăm thú quanh thành phố, nhìn tòa nhà đỏ gạch của Đại học Hava phủ màu tuyết trắng, ngắm dòng sông Sáclơ đóng băng, thăm Học viện công nghệ Maxachuxét tiếng tăm lừng lẫy, thả bộ dọc phố Cămbrít sầm uất.. Thậm chí Trình Hâm còn tính đến chuyện sẽ thuê trọ ở đâu, nhưng Trần Hân cũng biết đây mới chỉ là một ý định không hơn, vì giá phòng ốc không hề rẻ. Đến lúc ra riêng, hẳn phải cùng ở ghép với người khác, có điều.. như thế đã rất tốt, miễn sao hai đứa có thể quang minh chính đại ở cùng nhau.
Thấm thoát đã đến ngày Trình Hâm phải về Niu Oóc đi làm. May thay, kỳ nghỉ lễ Giáng sinh chưa qua bao lâu thì đã đến Tết Nguyên đán, hôm trừ tịch lại rơi đúng vào cuối tuần. Trần Hân sớm đã hẹn với Trình Hâm lên Niu Oóc mừng năm mới, vì Trình Hâm có phòng riêng kèm cả bếp, hai người sẽ lên phố Tàu mua thức ăn về làm bữa tiệc giao thừa, một bữa ăn mang phong vị quê hương mà Trần Hân chưa được nếm từ ngày xa xứ.
Chiều thứ sáu, Trần Hân khởi hành. Từ Bôxtơn lên Niu Oóc phải ngồi tàu hơn ba tiếng, đây là lần đầu cậu đi khỏi nội thành Bôxtơn. Hai người gặp nhau, quấn quýt cả đêm dài.
Sáng hôm sau, cả hai lên phố Tàu mua sắm. Vừa bước ra khỏi cửa, điện thoại của Trình Hâm vang lên. Nhìn số của người gọi đến, hắn hơi bất ngờ: "Alô, bố ạ? Chúc mừng năm mới!"
Bên kia, Trình Ức Viễn bảo: "Cũng biết năm mới cơ à? Hừ, bảo chờ sang năm hãy đi không chịu, còn vài ngày nữa lại cứ bỏ nhà bỏ cửa bay tít sang đấy cơ."
Trình Hâm đành cười bồi: "Con nào dám, đây là tại công ty cử đi ấy chứ ạ."
Sau khi Trình Hâm tốt nghiệp, đương nhiên Trình Ức Viễn muốn hắn về công ty của mình, thế nhưng Trình Hâm bảo phải kiên trì ở ngoài dốc sức làm lụng vài năm. Trình Ức Viễn nghĩ: "Cũng không đến nỗi, tuổi Trình Hâm còn trẻ, phấn đấu vài năm để có thêm kinh nghiệm cũng tốt", nên không ngăn cản nữa.
Ông hỏi: "Thế con định ăn Tết một thân một mình à?"
Trình Hâm đáp: "À không ạ. Con họp với các bạn bên này, đông vui náo nhiệt lắm ạ. Bố đang ở bên bà nội à? Đợi chốc nữa con sẽ điện về thăm hỏi bà."
Trình Ức Viễn không trả lời hắn mà hỏi tiếp: "Con ở số xxx đường XXX có phải không?"
Trình Hâm kinh ngạc, liếc Trần Hân một cái rồi bảo: "Vâng ạ. Nhưng.. bố hỏi làm gì đấy?"
Trình Ức Viễn nói: "À, bố sang Mỹ công tác, muốn sang ăn Tết với mày."
Trình Hâm hoảng hốt kêu lên: "Bố, bố sang đến rồi à?"