Ngày Thời Niệm cùng Tần Đình chuyển về nhà cũ, dù là cuối tuần nhưngTần Chinh lại có công tác đột xuất nên không thể hỗ trợ cho hai mẹ con, chỉ có vợ chồng Tô Dữ cùng Bách Việt tham gia chuyển đồ đạc vào nhà. Cậu nhóc Bách Việt cực kỳ buồn khi cạ cứng hàng xóm chuyển đi, Tần Đình còn nợ cậu lời hứa sẽ kèm môn Toán, nhưng nghĩ đến màn tư vấn mất nhiều hơn được của mình, Bách Việt cũng không mặt mũi nào mà tính nợ.
Bích Chi nhìn ra tâm tình buồn khổ của con trai bèn thông báo một tin mừng cho hai đứa trẻ. Cô ấy đã liên hệ với trường tiểu học mà Bách Việt đang học về trường hợp của Tần Đình, nhà trường hứa sẽ đặc cách cho cậu vào học một lớp vừa với lứa tuổi, chỉ cần Tần Đình vượt qua kỳ thi kiểm tra đầu vào là được. Với độ thông minh và nhạy bén của Tần Đình, việc được vào học cùng trường, thậm chí cùng lớp với Bách Việt là hoàn toàn nằm trong khả năng.
Hai đứa trẻ vốn đang buồn rầu vì phải tách ra, bây giờ như tìm được món quà lớn cứ nhảy nhót tung tăng suốt buổi. Thời Niệm nhìn vẻ mặt hân hoan và tiếng cười sảng khoái của Tần Đình, cảm thấy tảng đá đè nặng trong lòng mình nhẹ hẳn. Đây mới chính là cuộc sống hợp với lẽ thường của một đứa trẻ tám tuổi, có vui buồn hờn giận, có hân hoan vui sướng, thích thì cứ xin, buồn đau thì cứ khóc, không phải là con rối gỗ ép mình theo khuôn khổ của người khác. Tần Đình của cô xứng đáng có một cuộc sống rực rỡ và đầy màu sắc như thế này.
Ban đầu Thời Niệm đã nghĩ rằng mình sẽ nhanh chóng thích nghi với sự vắng mặt của Tần Chinh. Thế nhưng cô đánh giá quá cao sự tự chủ của chính mình. Sau khi dồn hết sức lực cho việc sắp xếp nhà cửa, mỗi đêm khuya thanh vắng, nhiều lần cô đã giật mình tỉnh giấc. Cảm giác trống vắng khi thiếu đi hơi thở vững vàng bên cạnh, dù lúc đó họ cách nhau bằng độ cao một chiếc giường đã khiến Thời Niệm không thể ngủ an ổn.
Thói quen của con người thật đáng sợ, khi đang nắm trong tay sẽ chẳng hề có ý nghĩ phụ thuộc hay ỷ lại, khi mất đi rồi mới biết thì ra có thứ gì đó đã thấm vào cốt tủy. Cô thừa nhận mình nhớ Tần Chinh da diết.
Thực ra dù Tần Chinh không ở bên cạnh mẹ con họ, anh cũng chưa bao giờ để cả hai cảm thấy quạnh quẽ. Ban ngày một nhà ba người ai cũng có công việc và trách nhiệm phải gánh vác: Thời Niệm chăm trẻ, Tần Chinh làm công vụ trong doanh trại còn Tần Đình thì bắt đầu cuộc sống ngày hai buổi cắp sách đến trường. Khi màn đêm buông xuống, cho dù Tần Chinh có bận bịu đến mấy thì chiếc điện thoại bàn trong nhà Thời Niệm cũng vang lên tiếng chuông lúc tám giờ tối. Lần nào Thời Niệm cũng chỉ để Tần Đình nghe máy, cô ngồi bên cạnh khâu vá. Thỉnh thoảng Tần Đình kể chuyện gì lý thú xảy ra trong trường học, từ ống nghe điện thoại lại vang lên tiếng cười trầm ấm của Tần Chinh.
Cô nghe anh căn dặn Tần Đình phải ngoan ngoãn học hành, phải nghe lời mẹ, vòng vo một lúc lại hỏi mẹ có khỏe không, hay hôm nay hai mẹ con nấu món gì. Mỗi khi sắp kết thúc cuộc điện thoại, bao giờ cậu bé tinh ranh Tần Đình cũng mè nheo hỏi “Bố có nhớ mẹ và con không?“. Từ ống nghe điện thoại, dường như cô nghe thấy tiếng anh thở dài, sau đó tiếng hít thở như nặng nề hơn, anh trả lời:
- Nhớ! Rất nhớ!
Mặt Thời Niệm đỏ lựng, bàn tay cầm kim run lên theo nhịp tim đập thình thịch, mũi kim trật một nhịp đâm vào tay chảy máu. Tần Đình vội vàng cúp điện thoại để xem xét tình hình, kịp thời cắt đứt cuộc điện thoại có vẻ ái muội này.
Không biết vô tình hay hữu ý, những cuộc điện thoại của Tần Chinh bắt đầu giống như tàn lửa nhỏ bắt đầu nung chảy thành lũy mà Thời Niệm vất vả lắm mới dựng lên. Cô cố ngăn cơn sóng lòng ngày một âm ỉ, cố nhắc nhở mình kiên định với sự lựa chọn ban đầu.
Sau thời gian thử việc một tuần, hôm nay Thời Niệm tới trường nhận việc. Vì đã có kinh nghiệm chăm sóc trẻ mấy năm trước, cô được phân công hỗ trợ cho một lớp trẻ có khoảng hai mươi em nhỏ.
Hiệu trưởng bảo với cô, trước giờ lớp này vẫn do một giáo viên khác một mình đứng lớp, đến lúc có người mới như Thời Niệm xin vào thì người đó mới đề ra yêu cầu muốn người hỗ trợ. Thời Niệm biết công việc chăm trẻ vô cùng vất vả, hai cô giáo trông bấy nhiêu cháu đã mệt mỏi lắm rồi, nhưng người giáo viên kia có thể kiên trì một mình lâu như vậy mà còn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đúng là tấm gương đáng khâm phục.
Khoảnh khắc bước vào lớp, nhìn thấy người đang tất bật dọn dẹp trong phòng, cô đã biết người này hoàn toàn có thể làm được. Lan San nhìn cô với vẻ bình thản quen thuộc như cũ:
- Lâu quá mới gặp chị!
Thời Niệm không ngờ đi hết một vòng, cuối cùng mình lại gặp được Lan San, người duy nhất cho cô sự an ủi, chịu ra mặt vì cô trước sự dè bỉu của đồng nghiệp lúc trước.
- Sao, sao em lại ở đây?
- Em vừa ra trường thì đã dạy ở đây rồi.
Thế sao? Vậy tại sao lần trước lại chuyển đến trường cô?
Lan San giống như đọc hiểu muôn vàn câu hỏi của Thời Niệm, chủ động giải thích, tuy còn nhiều sự qua loa:
- Lần trước em có việc cần làm nên mới chuyển đến đó.
Thời Niệm cười nhẹ, nghe nói đến việc riêng nên cũng ngại ngần không hỏi tiếp nữa.
- Dù hơi trễ, nhưng em chúc mừng chị. Nghe nói chị cùng anh Tần kết hôn rồi?
- Em... biết Tần Chinh.
- Em là em gái của Tô Dữ, tên đầy đủ là Tô Lan San.
Trái Đất này cũng qua rồi là tròn rồi, Thời Niệm không ngờ quanh đi quẩn lại thì gặp toàn người quen, thế mà Bích Chi cũng không nói trước để cô chuẩn bị tinh thần. Dù sao làm việc ở môi trường mới cùng người quen cũng khá thoải mái, Thời Niệm nhanh chóng bắt nhịp lại với công việc quen thuộc này, ngày qua ngày đã tìm thấy sức sống như xưa.
Dưới sự hỗ trợ của Bách Việt, Tần Đình cũng thích nghi nhanh chóng với môi trường mới. Đúng như dự đoán, nhóc Tần Đình dễ dàng vượt qua đề kiểm tra đầu vào, thành công nhảy thêm một lớp vào làm bạn học của Bách Việt. Thế nhưng cuộc sống học đường muôn màu lại không khiến cậu nguôi ngoai nỗi nhớ bố được chút nào, mỗi tối cậu đều nấu cháo điện thoại cả giờ đồng hồ cùng Tần Chinh. Cho nên dù Thời Niệm và Tần Chinh đến giờ này chưa nói với nhau câu nói trực tiếp nào nhưng tình hình chi tiết của đối phương thì lại rõ như lòng bàn tay.
Giống như hôm nay, thông qua Tần Đình, Thời Niệm biết rằng anh tranh thủ cuối tuần để trở về nhà tham dự cuộc gặp gỡ họ hàng mỗi năm. Thời Niệm suy nghĩ trước sau rồi bảo Tần Đình gọi bố mang theo mình về thăm ông bà. Dầu gì cũng là tình thân ruột thịt, cô không thể không biết điều giữ rịt lấy cháu trai quý giá của người ta.
Tần Chinh biết rõ lúc này mẹ mình đang có ấn tượng cực kỳ tệ với Thời Niệm, anh cũng không có ý định bảo cô về nhà để chịu ấm ức, vì vậy chấp nhận sự sắp xếp của cô mà mang mỗi Tần Đình đi.
...
Bên này Lệ Trân cũng không nhàn rỗi, vừa chống nạng chạy ngược chạy xuôi giúp bà Tần sắp xếp tiếp đãi khách khứa đến nhà lại còn phải phân ra thời gian chú ý đến Tần Đình đang đeo dính lấy bà Tần. Từ lúc Tần Đình nói được trở lại, Lệ Trân đã nhận thấy nguy cơ đang đến gần. Cô ả âm thầm cảm thấy may mắn vì Tần Đình lựa chọn đi theo Tần Chinh nên hầu như không ở nhà, cô ta sợ Tần Đình dần dần thoát khỏi sự khống chế của mình mà lột trần sự thật trước mặt bà Tần.
- Ôi, cháu ngoan của ta. Nghe bố cháu bảo rằng thành tích cháu thi rất tốt, còn được học nhảy lớp nữa. Đúng là vô cùng đáng khen.
Bà Tần ôm lấy khuôn mặt đã có nét bầu bĩnh của cháu trai mà hôn lấy hôn để. Tần Đình lại được dịp kể lại cuộc sống ở trường của mình, bảo thành tích mình có được là nhờ Thời Niệm kèm cặp vất vả. Bà Tần nghe nhắc đến Thời Niệm thì bắt đầu thu lại nụ cười, nhưng cũng không nói thêm điều gì quá đáng về cô.
Lệ Trân nhìn cả nhà họ Tần quấn quýt cùng nhau mà lơ mình như người ngoài, cộng thêm ấn tượng của bà Tần về Thời Niệm cũng không còn ác liệt như dạo trước mà lòng vừa chua vừa đắng. Trước nguy cơ mất đi tất cả, cô ả nghiến răng quyết định, được ăn cả, cùng lắm ngã lại về không.