Mọi việc lắng xuống sau lời xin lỗi chân thành của ông Quyền với Huệ Lan và Mẫn Nhi, bà Phụng tuy vẫn còn khó chịu với em rể này nhưng cũng không có lý do gì để đuổi ông ra khỏi nhà.
Còn về cái chết của bà Hứa Kim Duyên, tuy chưa có kết luận cuối cùng nhưng ai nấy đã tự mặc định rằng bà ấy là do tự tử mà chết. Thi thể của dì ấy được bàn giao về lại cho gia đình để lo hậu sự.
Đặt bó cúc trắng lên mộ phần của dì Duyên, Huệ Lan cúi đầu một chút rồi chậm rãi lùi ra phía sau nhường chỗ cho Kim Phát và những người khác. Đứng ở một góc, cô gái trẻ lặng ngắm những bó cúc trắng được đặt khắp trên mô đất nhỏ.
Ai cũng là cúc trắng, duy chỉ có dượng Quyền thì là hồng trắng. Đúng thôi hồng là tượng trưng cho tình yêu kia mà. Nhớ lúc dượng Quyền nói tâm nguyện của dì Duyên là được hỏa táng và đem tro rải trên biển, bà Phụng, mẹ nuôi của Huệ Lan đã mắng dượng Quyền té tát.
Nhưng hình như vì vẫn nhớ những gì mình gây ra ở phòng riêng hôm trước nên người đàn ông 2 thứ tóc ấy đã nín nhịn. Rồi sau đó là để mặc cho bà Phụng tiến hành tang lễ cũng như mộ phần cho vợ mình.
Một hành động tôn trọng người chị vợ nhưng cũng là bất mãn. Huệ Lan nghĩ vậy. Có điều nàng không nói ra điều đó với bất kì ai. Nhích sang bên một chút để người mới tới có chỗ đứng, Huệ Lan nghe Ngọc Minh, con gái của ông Hưng than thở.
- Nắng quá đi! Sao mà đứng đó lâu dữ vậy? Thương quá thì chết luôn đi để còn được chôn chung một huyệt.
- Con bé này! Mày nói cái gì vậy hả?
Ông Hưng vừa được bà An đẩy đến trên một cái xe lăn lớn tiếng mắng con.
- Mau xin lỗi hương hồn của cô Út rồi xin lỗi dượng Quyền đi. Tao thiệt không hiểu mày nghĩ gì trong đầu nữa.
- Nghĩ cái gì chớ? Ai chẳng biết cái thứ ăn bám kia nhất quyết ở lại nhà cô Hai là vì muốn được chia phần miếng đất ở chợ.
Kim Khanh bất giác góp lời.
- Chớ ông ta yêu thương gì cô Út đâu. Ba không biết đó. Chớ hồi xưa để theo cô Út, ổng đã bỏ vợ con ở Việt Nam mà. Mà có khi cái chuyện cô Út bắn ba là do ổng xúi giục đó.
Một cái tát nảy lửa được giáng xuống mà trái của Kim Khanh. Ông Hưng vì quá tức giận mà đứng bật dậy để dạy dỗ thằng con trai. Kết quả Kim Khanh có ngoan hơn hay không thì không biết, nhưng thấy ông Hưng vì vận sức quá nhiều mà đau đến mức mặt mày xám ngắt. Phụ bà An đỡ ông Hưng ngồi xuống, Huệ Lan nghe người đàn ông đó không ngừng đay nghiến con mình.
- Lũ mất dạy! Tao không có thứ con như tụi bây. Nếu tụi bây còn không xin lỗi dượng Quyền thì đừng có gọi tao bằng ba nữa.
- Kìa ông, tui với ông và cả cái nhà này, ai chả biết dượng Quyền kia chỉ là đóng kịch cho mọi người xem, chớ ông ta thì yêu thương ai cho được. Bởi vợ con chung sống bao nhiêu năm ông ta còn bỏ được. Với cô Út vốn thích phụ..
Thấy ai cũng đang hướng ánh mắt khó chịu nhìn mình, nhất là bà Phụng, bà An đã vội nói chữa.
- Người như ông ta nào xứng với cô Út. Cả nhà mình và cô Hai nể tình cô Út si mê ông ta nên mới cho ông ta bước vào cái nhà họ Hứa này. Giờ cô Út mất rồi thì mình đừng có nhân từ nữa. Cái thứ tâm cơ đó mà gia đình mình cứ giữ trong nhà thì chỉ sợ có ngày một xu một cắt chúng ta cũng không có để mà hưởng đâu.
Vừa đặt mông ngồi vững trên xe lăn, ông Hưng đã tức tối rít lên.
- Bà có im..
Người đàn ông đó định nói thêm gì nữa, nhưng ông Quyền đã đột ngột lên tiếng cướp lời.
- Chị An nói không sai, tui đúng là bỏ vợ con để theo đuổi Duyên. Giờ thì tui gặp quả báo rồi. Người mình yêu thương chết đi. Tui cảm tưởng mình sống mà ngỡ như chết rồi. Nhưng chị An, chị Hai, anh Hưng và mọi người cứ yên tâm tôi cố bám lại nhà chị Hai là dự tang lễ này. Giờ chuyện đã xong nên tui sẽ đi ngay.. sẽ không có tranh chấp gì hết.
Nói hết những lời gan ruột, người đàn ông khốn khổ đó dứt khoát quay đi. Nhưng chân vừa đưa lên trước được đâu mươi bước, ông Quyền chợt quay đầu lại mà hướng ông Hưng nói.
- Anh Hưng, cảm ơn anh đã không trách vợ em. Cô ấy thật dại dột. Khẩu súng đó..
Vừa nói người đàn ông vừa mới mất vợ đó vừa bước về phía ông Hưng. Có lẽ là sợ ông Quyền lại gây chuyện nên Kim Phát, cậu trai trẻ đang đứng cạnh bà Phụng đột ngột bước lên trước.
- Dượng Quyền! Để con đưa cậu về nhà lấy đồ đạc. Có phải cô định cho dượng Quyền 30 triệu để bắt đầu cuộc sống mới không ạ? Vậy để con chuyển khoản cho dượng nhé!
Hứa Kim Phát dừng lại hướng ánh mắt chờ đợi về phía bà Phụng. Và không chỉ gã trai trẻ đó, tất cả mọi người ở đó đều nhìn về phía người đàn bà giàu có ấy mà chờ đợi. Bà Phụng lúc này biết mình không thể từ chối nên liền hướng ông Quyền mà nói.
- Tôi hi vọng với số tiền đó dượng sẽ làm lại cuộc đời.
Tiếng ồ à khen bà Phụng tốt bụng của những người đi viếng đám tang, đã làm ba mẹ con bà An khó chịu. Người này hẩy tay người kia, rốt cuộc bà An cũng nhận nhiệm vụ lên tiếng. Bà nói.
- Chị Hai à, nghĩ sao mà cho dượng ấy những 30 triệu. Thật sự là quá nhiều đi!
- Đó là tiền của tôi mà. Có nhiều hoặc ít thì nó cũng chỉ liên quan đến tôi và Huệ Lan thôi. Huệ Lan, ý con thế nào?
Đang còn khá ngạc nhiên trước quyết định rời đi của dượng Quyền, Huệ Lan gần như đờ ra khi bị bà Phụng hỏi. Nên phải đến khi bà Phụng hỏi tới câu hỏi thứ 2, Huệ Lan mới có phản ứng. Nàng lúng túng hết nhìn bà Phụng rồi nhìn tới người chuẩn bị rời đi kia.
- Dạ, con không có ý kiến ạ. Vì đó là tiền của mẹ mà.
Tiếng ồ à lại lần nữa vang lên. Có điều lần này là khen ngợi Huệ Lan. Bà Phụng cũng ra chiều vừa ý với cô con gái nuôi lắm. Bà phất tay ra hiệu cho Kim Phát và dượng Quyền rời đi.
Sự ra về sớm của 2 người trong gia đình kéo theo những người tới viếng đám tang cũng từ từ xin phép rời đi. Đúng thôi, trời quá nắng. Cái nắng mùa hè như thiêu như đốt thì mấy ai điên khùng mà ở lại nghĩa trang cho lâu.
Mọi người, kể cả người trong gia đình cũng lục tục kéo về bỏ lại một nấm đất mới đắp. Một nấm đất mà dưới đó là thi hài của một người phụ nữ tự tay kết liễu mạng sống của mình. Từ lúc nào trước nấm đất ấy chỉ còn lại một mình Huệ Lan, nàng chăm chăm nhìn vào những đóa hoa cúc đã dần héo rũ.
Vẫn có thứ gì đó trong tâm can khiến Huệ Lan không tin được bà Duyên đã chết. Nhớ hôm đó, Huệ Lan vừa mới từ trường trở về thì gặp ngay bà Phụng ở cổng nhà. Bà có lẽ đã chờ Huệ Lan rất lâu. Nhưng khi thấy nàng gương mặt góc cạnh của người mẹ nuôi ấy lại chẳng thể hiện chút xúc cảm gì. Có điều ngay sau đó bà đã nhét vào tay Huệ Lan túi đựng đồ trang điểm của bà Duyên.
Lúc này cô gái trẻ mới hiểu chuyện gì đã và sắp xảy ra. Tối hôm đó Huệ Lan được chú Quang hộ tống đến nhà Đại thể của bệnh viện thành phố. Cái váy hôm trước Huệ Lan đưa cho Vũ Dương được nhân viên trang điểm mặc lên cho người chết. Rồi sau đó là thao tác đánh kem, làm tóc.
Đứng quan sát từng thao tác của nhân viên trang điểm, Huệ Lan đã suýt bật khóc khi ngắm nhìn thành quả. Dì Duyên của Huệ Lan nằm đó trên cái băng ca với bộ váy trắng kiều diễm, mái tóc được bới lên gọn gàng khác hẳn bộ váy đen xấu xí và mái tóc buộc vội cẩu thả đêm hôm đó.
Đúng rồi! Là một bộ váy đen tuyền xấu xí và mái tóc buộc vội cẩu thả. Đó chính là hình ảnh mà Huệ Lan thấy kì lạ, không giống với ấn tượng mà nàng đã từng biết về dì Duyên.
Dòng suy tưởng đang kéo Huệ Lan trở về kí ức của ngày xảy ra chuyện thì phải dừng lại bởi tiếng gọi của chú Quang. Thì ra vì chờ trong xe đã lâu mà không thấy Huệ Lan trở ra nên bà Phụng đã sai chú Quang đi tìm nàng.
Chú Quang vừa nhác thấy Huệ Lan vẫn còn đứng trước nấm đất mới đấp thì nhỏ giọng nói vào mic của điện thoại.
- Dạ, bà chủ. Tôi tìm thấy cô Lan rồi ạ! Dạ, cô ấy vẫn ở chỗ mộ của bà Út. Vâng.. vâng..
Đút điện thoại vào lại trong túi quần, chú Quang nhìn Huệ Lan nghi hoặc. Ông hỏi:
- Có chuyện gì hả cô chủ? Mọi người đã ra về từ sớm rồi mà.
- Không có chuyện gì đâu chú Quang à. Chỉ là nhìn nấm mộ của dì Út, cháu lại có cảm giác không đành. Người mới sống đó mà. Tại sao dì không nghĩ thoáng hơn? Chỉ là bạc tiền thôi, có cần làm hại người khác và làm hại chính mình như thế không?
Giọng nói của Huệ Lan nhẹ bẫng nhưng rõ ràng trong lòng nàng như có tảng đá nặng tựa ngàn cân đan đè nặng. Phải rồi! Tại sao lại như thế? Tại sao dì Duyên lại hành động như thế? Điều này không giống với tính cách hào sảng của dì?
Không giống với những gì mà người đàn bà ấy thể hiện khi gặp Huệ Lan ở sân bay. Hay đó chỉ là vẻ bề ngoài thôi. Còn bên trong thì dì Duyên là một con người hoàn toàn khác.
- Cô Lan à, tôi nghĩ là mình nên về thôi. Tại cháu mãi nghĩ quá. Mà chú Quang này, chỉ còn mình mẹ cháu thôi sao? Cháu nhớ khi đến đây thì trên xe còn có gia đình của cậu Sáu nữa mà.
- Dạ, vì bà chủ bảo họ về trước rồi. Vì chút nữa..
Chú Quang định nói thêm gì đó. Nhưng tiếng chuông điện thoại của ông đã ngắt ngang câu chuyện. Người đàn ông có chút bụi bặm, phong trần vội thò tay vào túi quần để lấy cái điện thoại cảu mình.
Nhưng đã đến hồi chuông thứ 2 rồi mà chú Quang vẫn chưa bắt máy, làm Huệ Lan đứng bên cạnh phải lên tiếng hỏi thăm.
- Chú Quang! Bắt máy đi! Có phải là điện thoại của mẹ con nên chú sợ phải không? Vậy để con nghe máy cho. Con sẽ nói là do con mà chú chậm trễ.
- Không có cô Lan à. Là cậu Phát gọi. Không biết là có chuyện gì nữa. Cậu ấy chở ông Quyền về nhà lấy đồ đạc. Không lẽ giữa đường ông ấy gây chuyện sao?
- Gây chuyện ư?
Huệ Lan lo lắng.
- Chú mau bắt máy đi chú.
Gật đầu ra hiệu đã hiểu, chú Quang vội vàng bấm nút để kết nối cuộc gọi.
- Cậu Phát! Có chuyện gì hả cậu?
Không biết đầu dây bên kia nói gì mà đôi chân mày đang cau chặt của chú Quang đã dần dần giãn ra. Người đàn ông ấy còn hướng Huệ Lan chầm chậm lắc đầu như muốn nói với nàng là không có việc gì cả.
- Vậy ông Quyền có hẹn khi nào sẽ trở về lấy đồ đạc không? À, bây giờ ư..
Chú Quang dừng lại để nhìn Huệ Lan. Một thoáng ngập ngừng hiện lên trong đáy mắt người đàn ông.
- Bậy giờ tôi đưa bà chủ và cô Lan đi thăm trại trẻ mồ côi cậu à. Là cái trại trẻ từng nuôi dưỡng cô Lan đấy cậu nên phải tối muộn mới về nhà được. Vâng.. vậy để tôi nói lại với bà chủ. À, mà sao cậu không trực tiếp gọi cho bà chủ đi ạ. Không gọi được sao ạ. Vâng.. vâng.. tôi biết rồi ạ.
Nhanh nhẹn cất điện thoại vào trong túi quần, chú Quang quay sang nói với Huệ Lan.
- Cậu Phát gọi báo là chưa có chở ông Quyền về nhà được, vì ông ấy muốn đi đâu đó đã. Sợ tối muộn ông ấy về nhà gây chuyện nên cậu Phát gọi nhắn tôi nhắn với bà chủ là hãy về sớm để trông nhà. Thiệt là rắc rối quá thể. Bà chủ không có con cái, nhưng có được câu Phát lo lắng cho bà chủ thì cũng an ủi được phần nào phải không cô Lan?
Huệ Lan không nhanh không chậm mà gật đầu xác nhận. Đúng vậy, Hứa Kim Phát, gã thanh niên đó thực sự đối xử với bà Phụng rất tốt.. Tốt hơn cả một đứa con nuôi là Huệ Lan, nên không có gì là lạ, khi mọi việc từ trong ra bà Phụng đều giao cho Kim Phát.
Ngắt điện thoại, Hứa Kim Phát âm trầm nhìn theo bóng lưng cao lớn của ông Quyền. Đang đi trên đường thì người đàn ông ấy bắt Kim Phát phải tấp vào lề. Và sau đó là nói muốn xuống xe đi bộ vì bản thân có việc cần giải quyết.
Nhưng là việc gì? Người đàn ông đó trở về Việt Nam đã được 10 ngày thật. Nhưng trong 10 ngày đó ông ta cách ly tại nhà thì làm sao có việc gì để giải quyết.
Một vài suy nghĩ chạy ngang qua đầu làm Kim Phát không đắn đo mà nhấc điện thoại lên quay số.
Âm báo cuộc gọi được kết nối vừa mới kêu được một hồi thì đầu dây bên kia đã có người nhấc máy.
- Alô!
Giọng ông Hưng ồm ồm.
- Có chuyện gì hả Phát? Đừng nói là thằng Quyền đó nó gây sự nha.
- Cũng chưa biết chú Sáu ơi!
Kim Phát vò vò cái đầu đã bết dính mồ hôi của mình.
- Ổng xuống xe nói là có việc cần giải quyết nên sẽ ghé nhà cô Hai lấy hành lý sau.
- Vậy nữa? Thằng đó thì có gì mà cần giải quyết chớ. Mày coi báo với cô Hai một tiếng để cổ cửa nẻo phòng bị. Thằng đó bị thím mày với 2 đứa nhỏ nói quá sợ nó đổ khùng rồi sinh ăn cướp, ăn trộm ở nhà cô Hai nữa thì khổ.
Ông Hưng tuôn ra một tràng cảnh báo làm bàn tay đang vò đầu của Hứa Kim Phát càng nhanh và mạnh hơn. Anh chàng nói như mếu.
- Con gọi rồi chú. Nhưng cô Hai với Huệ Lan đi tới trại trẻ mồ côi, chỗ hồi xưa nuôi chị Lan đó rồi chú. Chắc phải chiều tối muộn mới về. Mà con thì lại có công việc ở công ty nên chú Sáu có thể nói thím An với 2 đứa nhỏ qua coi nhà cho cô Hai được không?
- Được chớ. Nay giữa tuần nhưng vì đám tang nên tao cho tụi nó nghỉ học mà. Cứ để 3 mẹ con nó qua đó phụ dọn dẹp sẵn coi nhà cho cô Hai bây luôn. Mà cô Hai bây đi trại trẻ mồ côi hả?
- Dạ. Nghe ông Quang nói là ở tận bên Lương Sơn. Là trại trẻ Nhân Tâm gần chợ Lương Sơn.
- Vậy sao? Bây biết rõ dữ.
- Chứ bộ chú không biết à.
Ông Chín Tâm đang đi qua đi lại trước khoảnh sân bé tẹo của trại trẻ. Ông đã già quá rồi! Đó là câu nói mà ai gặp ông cũng sẽ nói. Bởi quả đầu bạc trắng không bói ra được một cọng tóc đen của ông. Nhưng quả tính là hiện giờ ông chỉ mới hơn 40 tuổi một chút. Đi qua đi lại thêm một vòng, rốt cuộc ông Chín cũng bị bà Thu rầy.
- Chú Chín, chú có thôi đi không? Ghế đó không ngồi mà cứ đi qua đi lại. Chóng mặt lắm chú có biết không hả?
- Biết! Em biết mà.
Miệng nói thì nói vậy nhưng đôi chân của ông Chín Tâm lại chẳng thể đứng yên. Ngồi cạnh rổ rau muống, bà Thu bực bội lấy một nùi những gốc rau mà nem tới chỗ thằng em trai.
Ông Chín Tâm vừa xua đi mớ gốc rau bám trên quần áo, vừa làu bàu trả lời chị gái mình.
- Bà Hai Phụng đó chị! Mà hôm nay bả tới là để hỏi chuyện con Huệ Lan, cũng dắt con bé theo nữa. Tự nhiên nghe bả điện thoại báo vậy em lại đâm lo. Không biết là có chuyện gì? Liệu có phải bả định trả con bé lại cho mình không chị? Như vậy thì tội con Lan lắm. Đang sống đầy đủ như thế, tự dưng bị đuổi đi thì hẳn nó sẽ buồn và tủi thân lắm.
- Cái gì đuổi đi chớ? Sao chú không nghĩ là bả tới đây để lấy những giấy tờ liên quan đến con bé, rồi sau đó là làm giấy để chính thức nhận con bé là con nuôi.
Nói đến đây bà Tám Thu dừng lại mà tặc lưỡi.
- Nghĩ cái bà đó cũng gớm ăn thiệt. Mang tiếng là nhận con Lan làm con nuôi, mà bẵng đi 12 năm cũng vẫn không chịu làm giấy tờ.
- Thì người ta giàu mà chị. Cũng phải chọn mặt mà gửi vàng chớ đâu nhận bậy nhận bạ được.
- Chú nói cũng phải. Có điều ban đầu nếu không phải ông Sáu nhất quyết chỉ con bé Lan thì tui cũng không muốn nó theo cái bà tài phiệt đó. Giàu thì giàu thiệt nhưng chắc chắn là ở với bả không có thoải mái đâu. Đó! Không nói chi cho xa xôi, như 12 năm qua con bé ghé về trại trẻ được mấy lần, được đâu có 4 lần thôi. Mà lần nào cũng vội vội vàng vàng chạy về vì sợ bị bà mẹ nuôi la. Nghĩ mà tội!
- Em hiểu chị mà. Ẵm bồng con Lan từ cái hồi dây rốn còn rỏ máu, nên đương nhiên là chị thương con bé hơn mấy đứa nhỏ khác. Có điều hình như chị không biết phải không? Con bé Lan á, cái hôm mà nó bị mẹ bỏ ở trước trại trẻ của mình đó chị. Là ông Sáu đã phát hiện ra con bé rồi ẵm nó chạy vào trong này đưa cho em đó chớ.
Dừng lại một chút để nhìn ra khoảng trời đã về chiều, ông Chín Tâm như thể đang hồi tưởng về đoạn kí ức đã xưa cũ.
- Khi đó ông Sáu luống cuống lắm. Và khi thấy mặt mày con bé tím tái thì ổng sợ run, còn hỏi là con bé còn sống không nữa.
- Và cũng vì là người đã phát hiện và cứu sống con bé nên ổng luôn ưu ái nó chớ gì. Vậy mà khi đó còn tưởng con Lan là con của ổng nữa đó. Rồi chuyện ổng biểu chú giới thiệu con Lan cho bà Phụng là sao? Là ổng muốn đưa con Lan dô nhà người đàn bà giàu có đó hả? Tui nhớ bận đó chú cứ ôm cái điện thoại bàn mà nói chuyện suốt. Nói thiệt chớ hồi đó tui còn nghĩ là chú có bồ nữa kìa. Mà chuyện hồi đó nếu chú không làm cho bà Phụng nhận con Lan thì ông Sáu đó sẽ cắt tài trợ là có thiệt không?
- Cái gì mà tài trợ của ông Sáu chớ? Thiệt ra thì trước nay ông Sáu đó có tài trợ đồng nào cho trại trẻ mình đâu. Là của bà Phụng tất đó. Ông Sáu chỉ là người được thừa hành đem tiền đến cho mình thôi, nên cái lần dắt bà Phụng ra đây để chọn con nuôi, ông ta mới cuống quít đến nhường đó. Bởi nếu mọi chuyện không thành thì bà Phụng sẽ đòi lại số tiền mà bà ấy đã tài trợ, khi ấy sẽ lòi ra khoản tiền mà ông ta đã ăn chênh.
- Khốn nạn vậy sao?
Gật đầu với chị gái của mình, ông Chín tiếp.
- Em chỉ biết được chuyện sau khi con bé Lan được bà Phụng nhận nuôi được một tuần. Hôm đó bà ấy đã lái xe đến đây và đưa cho em một số tiền rất lớn. Nói là vì con bé Lan rất ngoan, nên bà ấy rất hài lòng. Trong lúc nói chuyện qua lại thì em mới biết được sự thật. Đúng là biết người biết mặt, không biết lòng chị ạ.
- Hèn chi sau đó ông Sáu ấy cũng không xuất hiện ở đây nữa. Thì ra là bị lòi đuôi chuột.
Ông Chín Tâm định nói gì đó với chị gái mình, nhưng tiếng còi xe ở bên ngoài cổng trại trẻ đã không cho ông cơ hội đó.
Huệ Lan khi ở ngoài cổng đã nhác thấy bà Thu bên trong sân, nên lúc xe vừa dừng lại nàng đã lao xuống mà chạy vào để ôm lấy người đàn bà đó. Nhìn đứa con mình nuôi hơn 12 năm đang tíu tít gọi người khác là mẹ, bà Phụng thoáng chút không hài lòng.
Bên kia bà Thu tinh ý nhận ra điều ấy nên bà đã vội buông Huệ Lan ra, rồi nhỏ giọng chào người khách mới tới.
- Dạ, tôi chào bà Hai.
Lúc này ông Chín đã xốc lại tinh thần của mình. Cúi đầu chào theo đúng lễ nghi phép tắc của một viện trưởng với mạnh thường quân. Ông Chín Tâm hướng bà Phụng nhã nhẵn chào.
- Thật quý hóa quá bà Hai! Đã lâu lắm rồi bà mới ghé qua chỗ này.
- 12 năm có lẻ!
Bà Phụng nhàn nhạt trả lời ông Tâm. Đôi mắt sắc sảo của người nữ cường quét nhanh qua từng ngõ ngách của trại trẻ mồ côi. Cảnh tượng đông đúc của bọn trẻ nhỏ, rồi những dãy nhà được xây mới làm khuôn mặt bà Phụng bớt đâm chiêu.
Nếu tinh ý một chút thì sẽ thấy trong đáy mắt của người đàn bà đó đang ẩn ẩn một ý cười.