Ta Minh Hôn Với Tú Tài Đã Chết

Chương 1



1

Phụ thân ta người người biết tới, đáng tiếc thay ông vang danh cả vùng bởi vì ông là một tay cờ bạc khét tiếng.

Mẫu thân ta mất sớm, trước khi c.hết bà để lại mấy chiếc trâm cài tóc, ít đồ trang sức và mấy lạng bạc, nói là để làm của hồi môn cho ta, nhưng cha ta cũng đã đem đi đánh bạc hết.

Mỗi khi ông trở về từ sòng bạc, ông luôn kéo tay ta và nói:

“Tiểu Bảo, tin cha thêm lần này, cha chỉ xui xẻo một thời gian thôi, khi nào cha thắng lớn, chắc chắn con sẽ có cuộc sống thịnh vượng, cao lương mỹ vị đủ cả, thậm chí lụa là không kịp mặc hết!”

Ngay khi ông ấy nói như vậy, ta biết ông muốn gì, nhưng ta thực sự không còn tiền nữa.

Đất đai trong nhà và cả của hồi môn của mẫu thân đều đã bị ông đánh cược mất sạch, nếu không cẩn thận một chút, căn nhà này có lẽ cũng đã bị thế chấp rồi.

Ta học thêu thùa từ mẫu thân từ khi ta còn nhỏ, nhận thêu mấy mẫu khăn tay cho các tiệm may trong thị trấn và vá áo cho hàng xóm. Số tiền ta tiết kiệm được sau một thời gian chăm chỉ làm lụng đều bị ông ấy dỗ dành lừa ta mang đi, thậm chí là cướp đi.

Và lúc nào thì kết quả cuối cùng cũng là thua hết sạch.

Cho nên lần này ông đột nhiên thay đổi sắc mặt, nói muốn đưa ta đi "Sống thật tốt", ta liền biết lão khốn này có kế hoạch gì rồi.

Hơn nữa, ta không ngu, không mù, cũng không điếc.

Ta có thể nghe thấy tiếng mấy bà lão ồn ào đưa chuyện trong xóm, và bọn côn đồ thường trỏ ngón vào ta khi ta đi ngang qua.

Điều quan trọng nhất là, hai ngày gần đây, ông không còn đánh ta nữa.

Tất nhiên, ta không phải là thích bị đánh.

Từ khi còn nhỏ, trong trí nhớ của ta, ta đã nhớ rằng ông đánh người rất đau, mẫu thân sẽ ôm ta, ấn đầu ta vào ngực bà, để nắm đấm của ông rơi xuống lưng bà.

Sau đó, mẫu thân không còn nữa, ta đã cố gắng rất nhiều cách để tránh bị đánh. Chẳng hạn như ta cầu xin ông, nói với ông ấy rằng ta sẽ nghe lời, đưa hết số tiền kiếm được từ việc giặt quần áo thuê cho ông, nhưng đều vô ích.

Cuối cùng, ta học cách tự bảo vệ đầu, ngồi xổm trong góc chờ ông đánh xong.

Thường thường, đánh mạnh hay nhẹ phụ thuộc vào số tiền ông thua hôm đó.

Điều bất thường là chắc hẳn ông đã thua khá nhiều trong mấy ngày nay, mỗi khi ông trở về nhà, vẻ mặt luôn trở nên khó coi hơn, nhưng ông không đánh ta, thậm chí còn hỏi ta có ăn no chưa nữa.

Bỏ qua khả năng rằng ông có thể đã có lương tâm, ta đã nảy ra một suy đoán không mấy tốt đẹp.

Quả nhiên, ông ấy kéo ta đến Di Hồng Lâu trong thị trấn, đợi sẵn ở cửa là một bà già khuôn mặt nhăn nheo, chính là ma ma ở đây.

Bên cạnh còn có một người đàn ông to lớn, hung hãn, ta nhận ra hắn chính là tên đại ca chuyên đòi nợ ở Vạn Bảo Lầu.

Ma ma tiến lại, đánh giá ta, bất đắc dĩ nhận xét:

“Căn bản cũng được, nuôi dưỡng tốt cũng có thể kiếm tiền.”

Ta quay lại nhìn phụ thân ta, lạnh lùng hỏi:

“Cha muốn bán con?”

Ông ta vội nói:

“Tiểu Bảo, đừng hiểu lầm! Cha không muốn con phải sống vất vả với cha nữa…"

Lời còn chưa kịp nói xong, ma ma đã phá lên cười, đoán chừng là vì chưa từng gặp qua kẻ nào trơ trẽn đến như vậy.

Ông đỏ mặt ngượng ngùng, ngừng nói.

Tay ta nắm chặt, móng tay đâm vào lòng bàn tay đau đớn, lại hỏi ma ma:

“Cha ta bán ta với giá bao nhiêu?”

Ma ma thờ ơ, thổi thổi móng tay nói:

“Nhan sắc của ngươi thật sự cần phải xem xét lại, năm lượng bạc, vừa đủ trả hết nợ cờ bạc của cha ngươi.”

Trước mặt mọi người, ta thở phào nhẹ nhõm:

“Được!”

Nói xong, ta lấy từ trong tay áo ra một túi bạc vụn, trực tiếp đưa cho tên côn đồ.

Hắn có chút kinh ngạc cân nhắc túi bạc, hỏi:

“Cái này là... “

Ta đáp:

“Theo lý mà nói, cha ta muốn bán ta, ta không thể từ chối. Nhưng hiện tại, ta đã không còn là người nhà họ Vương."

"Ở đây có năm lượng bạc và ba trăm tiền, là quà đính ước của nhà chồng ta, bạc là tiền ta làm thuê tiết kiệm được, chưa kịp để cha ta đánh cược hết, giờ ta đưa hết cho đại ca.”

Cha ta giơ nắm đấm, giận dữ gầm lên:

“Vương Bảo Cát! Hôn nhân luôn là do sắp đặt của cha mẹ và bà mối. Ngươi không bàn bạc với ta liền tự quyết định, còn không biết xấu hổ!”

Ta hơi sợ ông ta đánh mình nên vô thức lùi lại hai bước, đưa hai tay ra chắn trước mặt.

Nhưng nghĩ lại, dù sao ta cũng đã kết hôn, nếu lúc này còn không đối mặt, e rằng sau này sẽ không còn cơ hội nữa.

Thế là ta buông tay, ưỡn ngực, lớn tiếng nói:

“Cuộc hôn nhân của con là do em gái của gia đình trưởng thôn sắp đặt, mọi người đều biết cha là người không đáng tin cậy, nên các bậc trưởng bối trong làng đã ra mặt viết một lá thư tuyệt định!”

Đại hán cười nói:

“Cô nương, ngươi có chút bản lĩnh. Ta còn có chút đạo lý, ta không nhận ba trăm tiền này, ngươi có thể mang về nhà chồng.”

Ta lắc đầu:

“Đại ca, làm ơn mang số bạc này tới cho Vạn Bảo Lâu, nói rằng ta không còn quan hệ gì với Vương Trạch Vũ nữa.”

“Trong tương lai, nếu ông ta còn làm ầm ĩ nói rằng sẽ mang con gái mình tới gán nợ, đều là lừa dối, đừng tin ông ta.”

Cha ta nghe xong, mặt mày xanh lét, tức giận khục khặc một lúc mới chửi rủa:

“Con thối tha! Ta sinh ra ngươi, ngươi dám?”

Sinh ra ta thì sao? Sinh ra ta để bán ta vào thanh lâu lấy tiền đánh bạc sao?

Ta nói rồi, ta không ngu ngốc. Ta biết số phận của những nữ tử bị bán đi là gì. Ngay cả những cô nương cao giá nhất, dù lộng lẫy, nhưng đã bị bán đi rồi liệu có thể “sống tốt” không?

Ta biết rõ thành công hay thất bại đều là ở lúc này. Ta không quan tâm đ ến ông ấy nữa, chỉ là giọng điệu của ta không thể tránh khỏi có chút run rẩy:

“Nếu đại ca không nhận, ta liền đâm đầu tự vẫn tại đây luôn. Dù sao có một người cha thế này, nhà chồng ta không nhận ta cũng khó trách. Ta không còn thiết tha gì, các người cũng không được tiền hay là được cơ thể ta.”

Lời cuối cùng ta gần như hét lên, cổ họng bỏng rát.

Cha ta muốn lao vào đánh ta nhưng bị đại hán chặn lại, hắn nhìn ta hồi lâu, rồi liếc mắt nhìn ma ma, thu lại tiền và thư tuyệt định, rồi khẽ gật nhẹ đầu với ta.

Ma ma cũng nhìn ta từ đầu xuống chân, như thể cảm thấy ta thật sự không đáng để giữ lại, nên bà ngáp một cái rồi quay trở vào.

Ta thở phào nhẹ nhõm, nhỏ giọng nói:

“Cảm ơn đại ca.”

Đại hán mỉm cười và nói:

"Đi đi.”

Ta nhanh chóng nhấc váy bỏ chạy, theo sau là tiếng chửi rủa của cha ta. Nhưng ông không dám đuổi theo ta.

2

Nhà chồng ta họ Lương, cuộc hôn nhân này quả thực là do em gái của trưởng thôn sắp đặt, nhưng nếu phải nói, thì đây quả thực không phải là một cuộc hôn nhân tốt.

Bởi đây là một cuộc minh hôn.

Lương gia được xem như là một gia đình lớn trong làng. Nhà có vài mẫu đất, ông bà nội sinh được hai người con trai, bố chồng ta đã qua đời cách đây năm năm.

Trưởng nam Lương Đại Lang có một cặp song sinh hơn một tuổi, thứ nam Lương Nhị Lang thì vừa đậu thi Hương, và phải đến kinh thành để chuẩn bị cho kỳ thi Hội.

(Thi Hương là một khoa thi liên tỉnh, theo lệ 3 năm tổ chức 1 lần về nho học do triều đình tổ chức để tuyển chọn người có tài, học rộng và bổ nhiệm làm quan. Sau khi đỗ Cống sĩ thì năm sau mới được dự thi kỳ thi cao cấp hơn là thi Hội, và nếu đậu thi Hội sẽ vào xếp hạng Tiến sĩ khi thi Đình - Google)

Không ngờ đầu năm nay, vợ chồng Lương Đại Lang lần lượt qua đời vì bạo bệnh, để lại hai tiểu hài tử.

Cách đây không lâu Nhị Lang đã lên thị trấn để chuẩn bị đến kinh thành, nhưng hai ngày trước, một dân làng đi cùng Nhị Lang báo tin Nhị Lang đã gặp sơn tặc, lành ít dữ nhiều.

Tin tức vừa truyền ra, phu nhân Lương gia lập tức bất tỉnh. May mắn thay, trong dòng tộc, vẫn còn có người đại diện đứng ra lo liệu xử lý tình hình, sắp xếp an táng chu toàn cho Nhị Lang.

Hai người con trai của Lương gia đều đã qua đời, trong nhà chỉ còn lại một mệnh phụ cùng hai đứa nhỏ, số tiền tiết kiệm ít ỏi sẽ sớm tiêu hết, cần thêm một người để có thể gánh vác gia đình.

Tìm thê tử cho Lương Nhị Lang, chẳng phải là minh hôn với người đã mất?

Trong trường hợp gia đình không thật sự tuyệt vọng, sẽ không ai nghĩ đến việc gả con gái mình vào đây.

Đây không phải là trùng hợp sao?

Lương gia muốn con dâu, ta muốn năm lạng bạc, chính là một cặp hoàn mỹ!

Thế là ta dọn về nhà chồng ngay hôm đó.

Mẹ chồng ta, Lương phu nhân, là một người rất tốt bụng. Bà luôn cảm thấy nhà họ Lương có lỗi với ta. Ta phải đảm bảo không ngừng rằng ta thực sự chỉ là một nữ tử hấp tấp đang cần tiền. Nếu phu nhân cảm thấy không thoải mái, cứ coi như đã bỏ ra một khoản tiền để mua một nô tì về phục vụ gia đình.

Phu nhân nghe ta nói thế, lại khóc.

Bọn trẻ còn rất nhỏ, chỉ biết cười ê a, không nhận thức được nhiều, nhưng khi chúng gặp ta, chúng gọi ta là mẹ.

Ta kiên nhẫn sửa lại:

“Ta là dì của con. Con gọi dì đi”

Cô bé Lương Hà Tuệ cười với ta, hàm răng nhỏ như hạt gạo:

"Mẹ!”

Ta lại hỏi:

“Hà Minh, con có biết ta là ai không?”

Lương Hà Minh cười khúc khích:

“Mẹ!”

Được rồi, không còn cách nào khác, cứ để chúng gọi ta là mẹ đi, dù sao sau này ta cũng sẽ không có con.

Phu nhân buồn bã suốt kể từ khi biết tin phu quân ta qua đời, sức khỏe bà vốn không được tốt từ ngày vợ chồng anh cả mất đi, bây giờ ngày nào bà cũng phải uống thuốc.

Hà Tuệ và Hà Minh còn đang tuổi ăn tuổi lớn, trông chúng như vậy thôi nhưng lại ăn khá nhiều.

Ta vốn nhận thêu cho một tiệm may trong thị trấn, một chiếc khăn thêu giá từ mười đến hai mươi đồng, vá quần áo thì được năm đồng một chiếc.

Nhưng thuốc của phu nhân một gói đã là ba mươi đồng, bọn nhỏ còn phải uống ngũ cốc và sữa dê, hai thứ này đều không hề rẻ.

Phu nhân thấy ta nửa đêm còn ngồi vá quần áo ở bậu cửa, liền ngừng uống thuốc, hôm sau ta chỉ có thể dỗ dành, nói thuốc đó rẻ tiền lắm, người ta gần như cho không!

Phu nhân nắm lấy tay ta, đau xót nói:

“Bảo Cát, con là một cô gái tốt. Lương gia chúng ta có lỗi với con."

Ta thở dài, vỗ vỗ tay phu nhân, chân thành nói:

“Phu nhân không thể nói như vậy được. Nhị Lang và con đã kết hôn. Đây đều là bổn phận của con."

“Con không biết huynh ấy có bằng lòng hay không, nhưng con chính là tự nguyện.“

"Hơn nữa, tiền tiêu cho phu nhân, Hà Tuệ và Hà Minh, còn hơn là tiêu trong sòng bạc.”

Phu nhân nghe vậy, nhất thời sửng sốt:

“Nhị Lang thật may mắn khi có được thê tử tốt như con! Nếu nó dám không bằng lòng, ta liền đánh c.hết nó!”

Ta: …

Ta nhìn thấy phu nhân đột ngột tràn đầy năng lượng, cảm thấy đây cũng có thể được coi là thành quả cho sự nỗ lực của mình.

Nhắc tới Hà Tuệ và Hà Minh, mặc dù năm nay chưa đầy hai tuổi, nhưng Hà Minh hai năm nữa sẽ phải tới trường, trường học ở làng không có quy định nghiêm ngặt, không cấm nữ tử theo học, điều này khiến ta nghĩ rằng cũng nên cho cả Hà Tuệ tham gia vào đó.

Minh Tuệ, tên này do nam tử đọc sách Lương Nhị Lang đặt, chúng có những cái tên hay như vậy, không thể để mù chữ, nếu không lúc xuống dưới đó chắc ta sẽ bị ai đó đánh bầm dập mất.

Hiện tại, hai chú gấu con này thậm chí còn không phân biệt được giữa dì và mẹ, nhìn chúng nằm ngủ ngon lành dưới ánh trăng, ta cảm thấy chúng sẽ lớn rất nhanh.

Ta không thể không nghĩ đến vị phu quân mà ta chưa từng gặp mặt, không khỏi thở dài.

Hy vọng huynh ấy trông không quá xấu xí!

Hà Tuệ ngủ chập chờn, ngơ ngơ ngác ngác mơ màng, vươn đôi tay nhỏ bé ôm lấy cổ ta, thì thầm gọi:

“Mẹ ơi…”

Ta ôm con bé thật chặt, vỗ nhẹ vào lưng nó rồi nói:

“Mẹ đây, mau ngủ đi.”

3

Dù thế nào đi nữa, cuộc sống vẫn phải tiếp tục.

Trước đây, mấy mẫu đất coi như là chỗ dựa, nhưng bây giờ, trong gia đình chỉ còn trẻ mồ côi và góa phụ già yếu. Đợi bọn trẻ biết làm đồng áng ít nhất cũng phải bảy, tám năm nữa.

Thay vì để hoang, còn phải nộp thuế đất cho nhà nước, ta đã bàn với phu nhân bán mảnh đất cho chú ba, người đã lo toan cho gia đình khi Nhị Lang qua đời. Ta chỉ giữ lại phần đất ở phía sau nhà để sau này khi phu nhân khỏe hơn, bà có thể loanh quanh trồng trọt cho đỡ buồn.

Bàn luận xong, ta mang theo điền thất, tìm đến nhà chú ba, cuộc trò chuyện diễn ra khá suôn sẻ. Chú ba nhà họ Lương tuy chưa từng học hành nhưng tính tình ông rộng lượng và lương thiện,

Nhắc đến Lương Nhị Lang chết trẻ, ông không khỏi thở dài, rồi hỏi một chút về ta.

Cũng có thể hiểu được, dù sao việc vừa đặt chân vào gia đình đã muốn đem đất đi bán quả thực gây ấn tượng không hề tốt, lại khiến người ta nghĩ rằng ta giống như ngày mai liền có thể bỏ rơi phu nhân và bọn trẻ, ôm tiền rời đi.

Ta thuyết phục bọn họ vừa dùng tình cảm vừa dùng lý lẽ, cuối cùng đạt được thoả thuận với mức giá cao, mười lượng bạc.

Ta biết ta là đang lợi dụng người khác, nhưng ta vẫn chấp nhận một cách trơ trẽn.

Không còn cách nào khác, chúng ta thực sự quá cần tiền.

Ánh mắt của chú ba sắc bén hơn một chút, ta chỉ có thể giả vờ như không nhìn thấy, khi bước tới cửa, ta quay lại thi lễ với hai vị tiền bối, đồng thời nghiêm túc hứa hẹn:

“Khi nào Hà Minh lớn lên, Bảo Cát nhất định sẽ quay lại mua lại đất cho nó!”

Dì ba nắm lấy tay ta đùa giỡn:

“Quan hệ tốt đấy, nói vậy là con nhờ chú ba con và ta hai cục xương già giúp Hà Minh của con trông đất đúng không.”

Chú ba nhướng mi liếc nhìn ta:

“Đến lúc đó không có giá mười lượng đâu.”

Ta trịnh trọng nói:

“Cho dù chú ba có muốn bao nhiêu đi chăng nữa, con cũng sẽ trả.”

Chú ba khịt mũi nhẹ.

Vấn đề đất đai đã được giải quyết.

Ta tiếp tục nhận thêu cho cửa hàng ở thị trấn, dù sao thì bà chủ ở đó cùng ta cũng quen biết bấy lâu nay, bà ấy cũng không ưa cha ta, thương ta nên thường lén cho ta thêm vài xu bạc, hoặc vài cái bánh bao.

Nhưng bà ấy không bao giờ nhận ta vào cửa hàng bà ấy làm việc.

Dù vậy, ta vẫn rất biết ơn bà ấy, khi mẫu thân ta còn sống, mẫu thân thường nói làm người không nên quá tham lam.

Người ta có thể không cho mình, nhưng họ vẫn cho, đây gọi là ân nghĩa…

Thành thật mà nói, ta cảm thấy ta có thể sống sót đến bây giờ là dựa vào sự giúp đỡ vô điều kiện của những người tốt bụng xung quanh.

Lần này khi ta đến, bà chủ có vẻ không nhjn được, nguyên nhân rất rõ ràng, trong mắt bà, ta chắc chắn mình là một kẻ tội nghiệp, vừa bước ra khỏi hố lửa này đã liền bước vào một hố lửa khác..

Có lẽ vì nghĩ ta quá đáng thương nên bà ấy hỏi:

“Bảo Cát, ngươi có muốn ký khế ước với ta không?”

Ký khế ước dài hạn có nghĩa là ta sẽ trở thành thợ thêu ở đây, làm việc ở thị trấn cả ngày, buổi tối lại đón xe bò từ đây về làng.

Không cần phải mang kim, chỉ, vải về nhà sợ thất lạc hoặc hỏng sẽ phải đền tiền, cũng không cần phải thêu khăn tay dưới ánh trăng giữa đêm nữa.

Quan trọng nhất là, số tiền lương hàng tháng mà ta có thể nhận được nhiều hơn rất nhiều việc nhận thêu từng chiếc khăn tay.

Ta vui mừng khôn xiết, vội vàng gật đầu, còn bà ấy lại lấy ra một tờ giấy tưởng như đã chuẩn bị từ lâu, yêu cầu ta chỉ điểm.

Tim ta đập thình thịch khi đọc dòng chữ “Ba quan bạc mỗi tháng” viết trên đó.

Ba quan bạc mỗi tháng, có thể làm được biết bao nhiêu việc!

Sau khi ta chỉ điểm lên, bà chủ cầm tờ giấy ra xem xét kỹ lưỡng rồi thở dài:

“Trước đây ta không muốn ngươi ký khế ước, không vì gì khác, chỉ vì ta sợ cha ngươi sẽ đến làm phiền. Bây giờ ngươi đã kết hôn…"

"Dù thế nào đi nữa, hãy sống thật tốt."

Ta nắm tiền đồng mới kiếm được trong tay, gật đầu mạnh mẽ, mẫu thân đã sinh ra ta, đương nhiên muốn ta sống thật tốt!

Ngày hôm sau, ta bò dậy trước cả khi trời sáng, nấu một ít cháo cho anh em Hà Minh Hà Tuệ, đặt thêm hai cái bánh bao hấp vào nồi cho phu nhân, cầm một miếng lương khô trong tay rồi lặng lẽ đi ra ngoài.

Không ngờ Hà Tuệ lại tỉnh dậy, lờ đờ muốn ta ôm, gọi:

“Mẹ…”

Ta sợ đánh thức phu nhân và Hà Minh nên chỉ có thể hạ giọng nói:

“Đừng ồn ào, mẹ phải đi làm.”

Hà Tuệ tựa vào vai ta, đưa cánh tay nhỏ bé ôm chặt cổ ta.

Ta mềm lòng, vỗ nhẹ vào lưng nó nói:

“Chờ mẹ về, mẹ sẽ mua sữa dê cho con”.

Hà Tuệ rưng rưng nước mắt nhìn ta:

“Mẹ… Sữa dê… Mẹ…"

Ta nghiêm túc kéo cô bé xuống và nói:

“Không thể có cả sữa dê và mẹ được. Nếu để mẹ đi làm thì sẽ có sữa dê.”

Ta đón chiếc xe bò của Cai bá, tình cờ sáng nào bác cũng ra thị trấn từ sáng sớm để bán rau.

Khi ta lên xe, rau xung quanh ta vẫn còn ướt sương.

Bà chủ thấy ta đến sớm nên đã chỉ ta tới chỗ một cái khung thêu đã cũ nhưng cũng may là còn chắc chắn, nơi đó có mái che, nếu không, nắng chiếu sẽ làm ta đau mắt.

Ta thực sự biết ơn bà ấy.

Những ngày sau đó, cuộc sống của ta diễn ra khá tốt đẹp, tuy vẫn còn vất vả và thường xuyên phải lo lắng không biết có đủ ăn hay không nhưng ít ra vẫn còn chút hy vọng.

Sức khỏe của phu nhân ngày càng tốt hơn, bây giờ bà đã có sức lực ra khỏi giường và hét lên:

“Hà Tuệ Hà Minh, mau về ăn cơm!”

Hai đứa cũng lớn lên từng ngày,

Hà Minh là con trai, học nói nhanh hơn Hà Tuệ, hôm qua khi ta về nhà, đứa bé mũm mĩm này còn đứng trên đùi ta, nghiêm túc luyên thuyên mấy câu:

“Lớn lên rồi” rồi lại “Ăn rau đi!”

Hà Tuệ vẻ mặt kinh ngạc nhìn anh trai, cuối cùng khóc ầm lên.

Phu nhân lo lắng, vội ôm lấy con bé, dỗ dành:

“Hà Tuệ sao vậy? Con vừa mới ăn tối mà…”

Ta cố gắng hỏi:

“Hà Tuệ, là con thấy Hà Minh nói chuyện nhanh hơn con? Con thấy buồn à?”

Hà Tuệ khóc nức nở, đau khổ nhìn ta rồi gật đầu.

Phu nhân và ta cười ngặt nghẽo.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.