Nói rồi, Nguyễn Huệ giục ngựa quay lại đi đến cũi giam tù binh kia.
''Thì ra là Chưởng cơ Bùi Công Kế, ngươi là kẻ có mắt như mù, triều đình hủ bại, khiến cho dân chúng lầm than, ngươi lại một mực trung thành, hạng người như ngươi là ngu trung. Nghĩa quân ta tới đâu, dân chúng hò reo ủng hộ tới đó, sao ngươi không tự mình mở mắt ra mà nhìn''
Bùi Công Kế phun toẹt một bãi nước bọt, nhìn Huệ trừng trừng:
''Thằng nhãi con miệng còn hôi sữa, đừng tưởng bắt được ta thì khiến ta phải cúi đầu, đem lời xằng bậy mà bôi nhọ triều đình, lũ dân đen hèn mọn các ngươi tụ tập làm phản ắt sẽ bị trời giáng tai họa. Có gan thì giết ta đi, tên giặc khốn kiếp, ha ha ha''
''Xoẹt…''
Đại đao lướt qua cổ, đầu Kế bay đi, không kịp hét lên tiếng nào. Huệ tra lại đao vào vỏ nói lớn:
"Nếu đã muốn chết thì ta sẽ cho ngươi được toại nguyện. Người đâu, chôn cất hắn ta tử tế một chút, dù sao hắn cũng là một người có cốt cách''
Phía quân Trịnh lúc này bắt đầu gặp trở ngại do bị bệnh dịch, bị bệnh hơn 3000 người và 600 người đã chết. Bản thân quận Việp tuổi già sức yếu, tới mức không thể tự đi đứng được, đều phải có người hầu nâng nhấc. Nguyễn Nghiễm cũng lâm bệnh nặng.
Khi Hoàng Ngũ Phúc nghe được tin quân Nguyễn ở Phú Yên thảm bại thì chấn kinh
''Không ngờ quân Tây Sơn nhanh như vậy đã có thể đại phá được quân nhà Nguyễn''
Đang nằm dưỡng bệnh thì có lính vào báo:
''Bẩm quận công, có sứ giả của quân Tây Sơn đến xin yết kiến''
Quận Việp lúc này ngã bệnh, toàn thân đau nhức, không còn chút sức lực, vội lên tiếng nói:
''Đỡ ta qua sảnh đường, truyền cho sứ giả vào gặp ta''
Phạm Văn Tham khi gặp quận Việp thì liền hành lễ vái lạy:
''Bẩm quận công, cánh quân Nguyễn ở phía Nam do Tống Phúc Hiệp chỉ huy đã bị quân ta đánh tan, Tuyên úy đại sứ Nguyễn Nhạc lệnh cho tiểu nhân đến đây để báo tin chiến thắng cho quận công được rõ''
Quận Việp mệt mỏi chống cằm nói:
''Quả thật đúng như lời của em Tuyên úy đã nói, trong vòng mười ngày có thể đánh tan được đại quân Tống Phúc Hiệp. Tuyên úy có dặn dò ngươi việc gì nữa không?''
Tham chắp tay kính cẩn thưa: ''Bẩm quận công, Tuyên úy đại nhân còn dặn dò với tiểu nhân, nay em của Tuyên úy đã lập được đại công, nhưng lại không có chức tước, mong Chúa có thể phong cho Nguyễn Huệ một chức tước để trọng thưởng''
Quận Việp gật gù: ''uh, điều này nên làm, ta sẽ nhanh chóng gửi thư về cho chúa thượng. Phong cho Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn Hiệu Trưởng Tráng Tiết Tướng quân và phong Nguyễn Huệ làm Tây Sơn Hiệu Tiên Phong tướng quân. Ấn và sắc sẽ sớm được mang đến''
Ngừng lại một chút, quận Việp muốn hỏi thêm nhưng cảm thấy trong người khó chịu, hơi thở đứt quãng nên quận Việp đành phải phất tay nói:
''Thôi, ngươi trở về đi, ta cần nghỉ ngơi''
Tham lại kính cẩn hành lễ: ''Đa tạ chúa thượng, đa tạ quận công đã ban thưởng. Tiểu nhân xin phép được cáo lui''
Phạm Văn Tham về rồi, Hoàng Ngũ Phúc nói với các tướng rằng:
''Ta muốn nhân khi Tây Sơn và Nguyễn đánh nhau để thủ lợi. Nếu Tây Sơn bại trận, ta sẽ tiến lên diệt gọn một Tây Sơn đã kiệt quệ để lấy nốt Quảng Nghĩa và Quy Nhơn. Nếu Tây Sơn thắng, ta có thể tranh thủ họ diệt Nguyễn. Nhưng…haizz than ôi! Quân ta bây giờ dịch bệnh hoành hành, số người chết đã quá lớn, tổn hao trầm trọng, toàn quân sĩ khí mất sạch. Tây Sơn bây giờ đang như ngọn lửa bốc mạnh. Ta già mất rồi, còn các tướng, ta e không phải là tay đối địch với họ được"
Nói xong lại ra chiều mệt nhọc, Phúc lại nhớ tới Phan Văn Lân [tên tiểu tử kia quả thật thần cơ diệu toán, nói chẳng sai một chút nào, hắn nói quân ta sẽ bị liên lụy tai họa, nay sự ấy đã chứng thực, binh lính chết đã gần nghìn người rồi, mệnh ta cũng nguy trong sớm tối.
Hắn ta lại từng nói ở thành Quy Nhơn có một tướng tài gấp trăm lần hắn, khi đó ta chỉ nghĩ hắn nói vậy để từ chối theo ta, nay mới biết việc ấy là thực, đệ đệ Nguyễn Nhạc đúng là bậc đại tài cầm binh, chỉ trong mươi ngày mà có thể đại phá hai vạn quân nhà Nguyễn, nếu là ta thời niên thiếu cũng khó lòng làm được.
Haizz năm ta ngoài ba mươi mới bước vào nghiệp binh đao, thuở mới lần đầu cầm quân ta còn sợ đến mức ngày đêm ăn ngủ không yên, thắm thoát mà đã mấy mươi năm trôi qua. Trong hàng ngũ các tướng, có lẽ không có ai đủ bản lĩnh để đối đầu với tên tướng trẻ kia…thôi, tùy vào thiên mệnh vậy]
Càng nghĩ Hoàng Ngũ Phúc lại càng thấy bi quan, sắc mặt như già hơn mấy tuổi. Các tướng lĩnh thấy đại tướng đăm chiêu suy nghĩ thì không dám lên tiếng.
Không gian rơi vào yên tĩnh một lúc, quận Việp phất tay: ''Các ngươi lui ra cả đi, ta cần nghỉ ngơi, có lẽ phải rút quân thôi, ngày mai ta sẽ triệu tập nghị sự về chuyện rút quân''
Hôm sau quận Việp cho triệu tập tất cả các tướng lĩnh để bàn về việc rút quân.
''Quân ta lúc đi 10 phần nay số binh lính tử trận với thương vong do dịch bệnh đến quá nửa, nếu như không lui quân thì tất sẽ nguy, quân Tây Sơn tuy rằng đã quy thuận nhưng không thể không đề phòng, giả như chúng trở mặt thì chúng ta khó lòng cản nổi, nay ta cũng ngã bệnh, lòng quân hoang mang, phải sớm rút về thôi''
Nói xong quận Việp lại ho lên một tràng, thân thể suy yếu muốn ngã. Chúng tướng bên dưới hốt hoảng
''Đại tướng quân bảo trọng thân thể, sức khỏe ngài đang không tốt, hay là để hôm khác lại bàn''
Quận Việp phất tay:
''Không được, sức khỏe ta ngày càng suy giảm, nếu như gặp chuyện chuyện chẳng may thì…khụ khụ…đại sự của chúa công sẽ hỏng mất''
Nguyễn Nghiễm lúc này cũng đang bị bệnh, nhưng sức khỏe vẫn còn khá hơn quận Việp một chút, bèn lên tiếng:
''Đại tướng quân, chúng ta phải rất vất vả mới công chiếm được đến nơi này, lẽ nào lại lui quân quay về, làm như vậy chẳng khác nào giao đất chiếm được về lại tay Tây Sơn''
Tham mưu của bộ chỉ huy là Nguyễn Lệnh Tân cũng góp lời:
''Bẩm tướng quân, lời của Xán quận công là có đạo lý, chúng ta không thể rút hết đi được. Quân Tây Sơn tạm thời vẫn chưa thể yên được mặt nam, việc chúng trở mặt lúc này không thể xảy ra, cho nên ta cứ cắt cử một phần binh lực ở lại, đặt quan trông giữ phần lãnh thổ chiếm được.''
Những tướng lĩnh khác thì trước nay đều nghe theo lệnh của quận Việp nên không có ý phản đối.
Quận Việp lắc đầu: ''Ta phải tính kế lâu dài, đừng nhìn cái lợi nhỏ trước mắt mà quên đi đại cục. Các ngươi về tự suy nghĩ lời ta nói, tất sẽ hiểu rõ, còn chuyện lui quân về Phú Xuân, ý ta đã quyết, không bàn cãi thêm nữa''
''Hữu Chỉnh''
Chỉnh vội vàng bước ra, chắp tay hành lễ:
''Có tiểu nhân''
Quận Việp giơ tay vẫy Chỉnh tới gần:
''Nhanh viết một phong thư, giao cho lính hỏa tốc mang về kinh thành, xin chúa thượng cho quân ta được lui về Thuận Hóa, trong thư phải ghi rõ tình hình hiện nay của quân ta''
''Tiểu nhân đã rõ'' Chỉnh đáp lời
Ở mặt nam, Tống Phúc Hiệp sau khi nghe tin viện quân từ Bình Khang và Diên Khánh đều đã đại bại thì vội cho quân rút về Hòn Khói (Nha Trang). Nghĩa quân Lương Sơn do anh em Châu Doãn Chữ chỉ huy có công cứu viện nên được Tống Phúc Hiệp thu lưu về dưới trướng, Châu Văn Tiếp hay tin cũng dẫn theo em gái và em rể đến Hòn Khói tụ họp với anh.
Lúc này ở thành Quy Nhơn, sau khi Nguyễn Huệ mang quân khải hoàn trở về, Nhạc liền mở tiệc khao quân ba ngày liền. Nhân lúc Nhạc đang vui mừng, phấn khởi, Lý Tài bèn đến nhỏ giọng than:
''Mạc tướng đi theo trại chủ từ buổi đầu, tướng sĩ ra trận đều xông pha đi trước không sợ cái chết, nhưng nay chỉ được giao việc canh phòng, ra trận thì lẽo đẽo theo sau, khiến cho lòng quân thêm chán chường, suốt ngày chỉ biết uống rượu, sĩ khí mất sạch, nhìn thấy tình cảnh như vậy mạc tướng quả thật không cam lòng''
Nói rồi, Lý Tài mắt rưng rưng như muốn khóc. Nhạc trông thấy vậy thì vỗ về an ủi:
''Tướng quân là hùng nhân bên cạnh ta, nếu như không có tướng quân liều chết theo ta đông chinh tây chiến thì làm sao nghĩa quân có thể lớn mạnh được như ngày hôm nay. Đoạn thời gian này quả thật uất ức cho tướng quân rồi, nếu như tướng quân có ý muốn xông pha nơi chiến tuyến thì ta liền cử tướng quân đi trấn giữ đất trấn Bình Thuận, hiệp lực cùng Lê Văn Hưng ở Diên Khánh để phòng thủ mặt Nam. Ý tướng quân thấy thế nào?''
Lý Tài nghe qua thì trong bụng cả mừng [chỉ cần ta thoát ly được nơi này thì ngoài kia bầu trời rộng lớn, ta muốn đi đâu mà chẳng được, nếu ngươi đã không trọng dụng thì ta sẽ tự mình lập nên nghiệp lớn], nhưng vẻ ngoài vẫn giữ vẻ xúc động, quỳ gối mà hành lễ:
''Nếu được như vậy thì mạc tướng xin được đội ơn trại chủ''
Ngày hôm sau, Lý Tài vội vội vàng vàng xuất quân đi gấp. Trần Quang Diệu hay tin thì quân của Lý Tài đã đi xa, Diệu liền chạy đến phủ của Nguyễn Nhạc để khuyên can:
''Bẩm trại chủ Lý Tài là người Tàu, bụng dạ khó lường, không nên cho đi xa. Hổ xổng chuồng khó lòng bắt lại''.
Truyện bạn đọc đã hết rồi, nhưng đừng bỏ qua bộ truyện về bóng đá Việt Nam hot nhất hiện nay, với những cung bậc cảm xúc khác nhau, những sự kiện lịch sử, những con người huyền thoại, và hơn hết, là tình yêu bóng đá mãnh liệt được hun đúc thông qua những bước tiến của nhân vật chính. Xin mời các bạn cùng đến với