Tống Phúc Lương giật mình nhìn lại, thì ra anh mình là Tống Phúc Khương. Khương chạy đến ôm Hiệp khóc, quỳ tạ tội rằng:
''Cha bị nguy con không cứu kịp, đến nơi cha bị trọng thương, tội con đáng chết!''
Nói rồi hai anh em đỡ cha xuống ngựa nằm nghỉ dưới gốc cây vệ đường. Hiệp hỏi Khương:
''Sao con về được đến đây''
Khương đáp:
''Con thấy lửa cháy ngút trời lại nghe súng nổ ầm ầm ở thành Phú Yên, biết có biến vội kéo quân về tiếp viện. Mới đến nửa đường gặp tàn quân của ta chạy đến nói Cha đã bỏ thành chạy về ải Vân Phong nên con bèn đi đường tắt đến đây. Chẳng hay Viết Phúc và Viết Nghĩa đâu không thấy''
Lương đỡ lời cha đáp:
''Thưa đại ca, hai em ta đã đem một vạn quân mai phục ở phía Bắc thành. Nay quân Tây Sơn đã chiếm mất thành, tất hai em ta không còn đường lui, nếu giặc từ ải Cù Mông đánh ra e rằng hai em ta nguy mất''
Tống Phúc Khương liền nói với Tống Phúc Lương:
''Nhị đệ mau dìu cha về cố thủ ải Vân Phong, để ta đem năm ngàn quân đánh cứu hai em''.
Tống Phúc Hiệp lúc ấy tuổi đã già lại đang bị trọng thương máu ra nhiều sức đã kiệt, gắng gượng hỏi:
''Tướng Tây Sơn điều khiển đánh trận này là ai''
Khương đáp:
''Thưa cha, nghe nói là Nguyễn Huệ em của Nguyễn Nhạc mới vừa hai mươi hai tuổi''.
Hiệp nghe xong bảo:
''Hai con hãy mau cho vài mươi người thân tín ở đường biển lẻn ra Quy Nhơn phao tin lên rằng quân Trịnh sắp đem quân vào đánh Quảng Ngãi. Nguyễn Nhạc tất gọi Nguyễn Huệ đem quân về đề phòng mặt Bắc''.
Tống Phúc Khương y lời gọi quân đến dặn dò. Quân đi xong, Khương nói:
''Xin cha cho con đem quân giải cứu hai em''
Hiệp bảo:
''Hai con lập tức đem tàn quân về giữ ải Vân Phong, nơi đó hiểm trở, dễ thủ khó công, dù cho quân Tây Sơn có mạnh đến đâu cũng khó lòng vượt qua được, không được liều lĩnh đánh nhau cùng Nguyễn Huệ. Các con không phải là đối thủ của nó. Còn hai em con sống chết đành phó thác cho trời không còn cách nào khác đâu''
Nói rồi Hiệp than:
''Ta đã hơn ba mươi năm làm tướng, nay đã quá tuổi lục tuần mà phải thua mưu của một thằng con nít miệng còn hôi sữa, để đến nỗi bị một đứa con gái đuổi theo bắn trọng thương. Nhục nhã thay''
Than xong lại khóc:
''Hai con ơi! Biết con đang nguy khốn mà đành bó tay không cứu được, lòng cha đau xót lắm thay!''
Nói rồi vừa đau thương vừa uất ức, Tống Phúc Hiệp thổ huyết mà ngất đi.
Tống Phúc Khương, Tống Phúc Lương, cả kinh thất sắc, nhưng thấy cha mình vẫn còn thở nên vội vàng sai người khiên cha mình đi, lui quân về ải Văn Phong.
Lại nói trong lúc Nguyễn Huệ đem quân theo đường núi chuẩn bị đánh thành Phú Yên, thì Tống Viết Nghĩa và Tống Viết Phúc mai phục ở phía Bắc thành, bỗng thấy quân Tây Sơn ở trên ải Cù Mông đánh trống dập dồn, đốt đuốc sáng rực. Tống Viết Nghĩa nói với Tống Viết Phúc:
''Cha của ta thật là thần cơ diệu toán, quân Tây Sơn quả nhiên trúng kế...''
Nói chưa dứt lời, bỗng nghe ở phía thành Phú Yên súng nổ ầm ầm rung chuyển trời đất. Ngoảnh lại nhìn thấy lửa cháy sáng rực mây trời. Tống Viết Phúc la lên:
''Nguy rồi, ta đã trúng kế giương đông kích tây của giặc rồi. Anh em ta mau kéo binh về cứu cha''.
Viết Nghĩa nói:
''Em đem năm ngàn quân đi trước, anh đem năm ngàn quân đi sau đoạn hậu đề phòng giặc ở Cù Mông đánh ra''.
Nói rồi liền quay ngựa hối hả dẫn quân quay lại thành Phú Yên. Trời vừa hừng sáng, Viết Nghĩa đến nơi thì cửa thành đã mở toang, trong thành một đạo quân áo đỏ xông ra, đi đầu là ba viên dũng tướng, một viên tướng tuổi còn rất trẻ diện mạo khôi ngô quát lớn:
''Có ta là Đặng Văn Long ở đây, sao các ngươi còn chưa xuống ngựa quy hàng''
Tống Viết Nghĩa thất kinh than:
''Thành đã mất về tay giặc rồi. Chẳng biết cha và anh ta sống chết ra sao. Chúng đánh bằng cách nào mà nhanh thế''
Nói xong liều chết vung đao hò quân giáp chiến. Đặng Văn Long lướt ngựa khua kích rượt đánh. Quân Tây Sơn càng đánh càng hăng. Quân Nguyễn lòng đã hoang mang không còn tinh thần chiến đấu bị Tây Sơn giết chết vô số. Long được mọi người phong cho ngoại hiệu là Đặng vô địch chính là ở chỗ Đặng có cánh tay khỏe kinh người, một tay có thể nhất bổng cả một xe nặng. Tống Viết Nghĩa giao chiến chỉ qua hai chiêu đã thấy tay mình tê rần, hổ khẩu rách toạt chảy máu đầm đìa, binh khí muốn tuột khỏi tay.
Mắt thấy một kích của Long đâm tới, Nghĩa hoành đao chặn lại, nhưng kình lực quá mạnh, mũi kích đánh bay cương đao trong tay, kình lực vẫn còn mạnh bạo ập ới hất bay Nghĩa xuống đất. Chưa kịp đứng dậy thì mũi kích kia đã xuyên qua yết hầu, Nghĩa chết ngay tại chỗ. Quân Nguyễn vỡ tan bỏ chạy, tiếng khóc la vang trời dậy đất. Đặng Xuân Bảo và Đặng Xuân Phong thừa thắng xua quân đuổi theo. Văn Long ngăn lại nói:
''Đừng nên truy sát làm chi, để chúng chạy ra sẽ gặp tướng quân Nguyễn Lữ từ Cù Mông kéo đến. Chúng cùng đường ắt phải xin đầu hàng''.
Nói rồi lệnh cho ba quân: ''địch chạy đến đâu đuổi theo đến đấy, không được giết hại''.
Tống Viết Phúc đi sau đoạn hậu, bỗng thấy tiền quân mình rối loạn, có một tên quân hớt hải chạy đến bẩm:
''Thưa tướng quân, tướng quân Tống Viết Nghĩa đã tử trận. Hiện giặc đang đuổi theo truy sát''.
Viết Phúc thất kinh hồn vía bảo quân sĩ:
''Phía Bắc có một vùng núi non hiểm trở, chạy đến đấy mau!''
Viết Phúc dẫn quân chạy đến chân núi đã thấy quân Tây Sơn chặn đường. Tướng Tây Sơn là Nguyễn Lữ thét to:
''Các ngươi không còn đường thoát thân, sao ngoan cố chưa chịu quy hàng''.
Tống Viết Phúc hét lên rằng:
''Ta dù bại binh cũng quyết sống mái một trận, đời nào lại đi hàng lũ giặc các ngươi''.
Nguyễn Văn Tuyết đang ở sau lưng Nguyễn Lữ nghe Phúc gọi quân mình là giặc nổi giận vung thương thúc ngựa xông ra đánh nhau với Tống Viết Phước. Đánh mới vài hiệp Tống Viết Phước vã mồ hôi hột. Thêm mặt Nam Tướng Đặng Văn Long đem quân đuổi đến dồn quân Nguyễn vào giữa vòng vậy.
Trong cơn nguy khốn bỗng thấy từ trong núi một đạo binh trương cờ đề bốn chữ “Lương Sơn tá quốc”, cầm đầu là ba viên dũng tướng hùng hổ đánh vào sau lưng quân Tây Sơn. Từ lúc Châu Văn Tiếp (Châu Doãn Ngạnh) đại bại phải chạy vào Gia Định, anh cả là Châu Doãn Chữ hai em là Châu Doãn Chấn, Châu Doãn Húc tháo chạy đi các hướng khác. Sau Tống Phúc Hiệp mang đại binh chiếm lại Phú Yên thì Chữ mới mang tàn quân quay trở về lại Lương Sơn, ngày đêm rèn luyện binh mã. Khi nghe quân của Tống bị đánh thì lập tức mang quân ra tiếp viện.
Vòng vây được mở, Tống Viết Phúc liền thúc ngựa chạy về phía ấy. Nguyễn Văn Tuyết thúc bảo mã Xích Kỳ đuổi theo. Con ngựa Xích Kỳ này có được là do Tuyết trộm của chúa Nguyễn.
(Năm đó, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát nam tuần đến Quy Nhơn. Nghe đồn chúa Nguyễn có con tuấn mã tên Xích Kỳ, Tuyết đợi đêm khuya lẻn vào hành cung bắt ngựa rồi lên yên chạy thẳng lên vùng An Khê. Trời vừa hửng sáng thì ngựa đã qua khỏi đèo Vĩnh Viễn. Con Xích Kỳ là cống vật của Cao Miên, chúa rất yêu quý, ngựa bị mất trộm, Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên bị tội chết. Nhờ Trương Phúc Loan ra sức cứu mới được miễn.
Tuyên cho người đi tìm khắp Quy Nhơn, Phú Yên, Quảng Nghĩa, nhưng không tìm ra bóng dáng. Khi xa giá chúa Nguyễn trở về Phú Xuân, thì trong dinh Tuần phủ Quy Nhơn bỗng thấy trên vách mấy chữ lớn: Kẻ trộm ngựa Chúa là Nguyễn Văn Tuyết ở Tuy Viễn. Tuyên xem thấy, hết hồn, dặn tả hữu đừng tiết lộ, việc được im).
Một viên tướng trong đạo quân Lương Sơn xông ra hét lớn:
''Giặc Tây Sơn kia chớ giết hại binh triều, có ta là Châu Doãn Húc đến đây!''
Hét xong hắn vung đao đón đánh Nguyễn Văn Tuyết. Nhờ vậy Tống Viết Phúc và vài trăm quân chạy thoát được về phía quân Lương Sơn.
Châu Doãn Chữ bảo:
"Phạm Văn Sĩ mau đưa Tống tướng quân lui về doanh trại, anh em ta ở lại chặn đánh giặc Tây Sơn''.
Nói vừa dứt lời ngoảnh lại đã thấy Châu Doãn Húc bị Nguyễn Văn Tuyết đâm một kiếm ngã nhào xuống ngựa. Châu Doãn Chữ hét lên một tiếng cùng em là Châu Doãn Chấn lướt ngựa đến vây đánh Nguyễn Văn Tuyết. Nguyễn Lữ trông thấy liền cầm kiếm xông ra trợ chiến. Quân Tây Sơn ồ ạt tiến lên. Châu Doãn Chữ liệu bề không chống nổi đành rút quân về sào huyệt trong núi Trà Lang. Quân Tây Sơn toàn thắng bắt được hàng binh và vũ khí rất nhiều.
Sau khi chiếm thành Phú Yên, Nguyễn Huệ liền xua quân đánh sau lưng quân phòng ngự của Tống Phúc Hiệp. Huệ sai hai Tướng Lê Văn Hưng và Nguyễn Văn Lộc chia hai ngã tiến đánh hai đạo Thủy quân ở Vũng Lắm cách Phú Yên khoảng 40 dặm, Quân bộ ở Xuân Đài cách Vũng Lắm 10 dặm. Bị đánh úp bất ngờ, lực lượng phòng ngự cả thủy lẫn bộ đều bị tiêu diệt.
Được tin Tống Phúc Hiệp bại trận, thành Phú Yên thất thủ, trấn thủ Bình Khang là Bùi Công Kế liền đem quân theo đường núi ra tiếp cứu.
Truyện bạn đọc đã hết rồi, nhưng đừng bỏ qua bộ truyện về bóng đá Việt Nam hot nhất hiện nay, với những cung bậc cảm xúc khác nhau, những sự kiện lịch sử, những con người huyền thoại, và hơn hết, là tình yêu bóng đá mãnh liệt được hun đúc thông qua những bước tiến của nhân vật chính. Xin mời các bạn cùng đến với