Thần Giữ Của Ban Duyên

Chương 44: Đêm Trừ Tịch



***
Trong lúc ngồi thao thao bất tuyệt với bác Tùng thì tôi nhớ ra rằng những buổi sáng hoặc buổi chiều buồn chán của những năm trước khi mà tôi chẳng biết đi đâu chơi thì đôi chân lại bước vào cổng chùa làng. Tôi đã nhiều lần uống nước chè cùng một vị sư già tốt bụng. Tôi không phải người thích uống nước chè nhưng tôi có thể uống xong rồi… đi ngủ. Đối với tôi mà nói, nước chè cũng chỉ là một loại nước giải khát! Đấy là tôi nói vống lên vậy thôi chứ nếu uống thường xuyên thì dễ ngủ còn thi thoảng mới uống một ấm chè đặc thì nhất định là cả đêm sẽ trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành. Những lần pha nước chè cho vị sư già ít nhiều cũng mang lại cho tôi một chút kỹ năng… phục vụ người lớn.

-Bác đang làm cán bộ thủy lợi thì hồi còn trẻ bác có phải học ở Trường Đại học Thủy lợi không bác?

-Tao không! – Bác Tùng lắc đầu. – Tao học đến lớp 10 rồi đi bộ đội, ra quân tao làm đủ nghề trước khi xin được một chân nhân viên quèn chuyên điếu đóm.

-Sao thế được. – Tôi tỏ ra ngạc nhiên. – Bác của cháu cũng học hết lớp 10 rồi đi bộ đội, bây giờ bác cháu đang làm cán bộ ở xã, trước đấy bác ấy làm Trưởng thôn đấy ạ. Bố cháu bảo hồi trước ai mà học hết lớp 10 thì giỏi lắm, bố cháu chỉ học được đến lớp 7 thôi bác ạ.

-Bác mày cũng bộ đội phục viên à?

-Bác ấy phục viên… - Tôi gõ nhẹ mấy ngón tay lên thái dương để cố nhớ lại. – À… tầm năm 82 đấy bác. Bác cháu đi B rồi sang cả K nữa.

-Đi năm bao nhiêu?

Bác Tùng đang cầm chén nước chè trên tay liền đặt mạnh xuống bàn, thứ nước màu xanh nhạt bên trong chén sánh cả ra mặt bàn. Nhìn thái độ của bác Tùng thì tôi biết ngay là đã gãi đúng vào chỗ ngứa của bác ấy.

-“Xem ra trường hợp này giải quyết dễ, không cần phải thăm dò nữa rồi.” – Tôi cười thầm trong bụng nhưng vẫn giữ nét mặt tự nhiên nhất có thể.

-Bác cháu đi B năm 72. – Tôi từ tốn trả lời. – Khiếp bác ạ! Làng cháu đợt đấy đi cả chục người mà có người hy sinh đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy mộ phần.

-Ây, năm đấy mất mát nhiều. – Bác Tùng khẽ thở dài. – Nhiều người còn chưa thấy chiến trường nó ra làm sao thì đã về với đất. Làng tao cũng có mấy thằng ra đi không trở về, mà đợt đấy toàn là tinh anh cả.

-Nói vậy là bác đi bộ đội trước đó hả bác?

-Ừ, tao đi cuối năm 65, đầu năm 66. Đợt đấy bọn tao huấn luyện mãi trên mạn Bắc Giang, gần hai năm sau mới di chuyển vào Quảng Trị. – Vừa nói bác Tùng vừa dùng tay vỗ nhẹ lên miệng điếu cày. – Tính ra thì tao cũng đi bộ đội hơn chục năm chứ ít gì.

-Hơn một chục năm cơ ạ?

-Ờ! Sau giải phóng tao đóng quân ở Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, gần ga Sóng Thần. Mẹ, nhớ lại hồi đấy cái gì cũng thiếu thốn, đói mờ cả mắt. Sức thanh niên trai tráng nên ăn chẳng đủ.

-Sóng Thần? Sóng Thần là ở đâu hả bác?

Tôi thích môn Lịch sử nhưng tôi chưa bao giờ là một đứa giỏi môn đấy. Bởi vì thích nên những cuốn sách lịch sử dày cả nghìn trang vẫn luôn có sức hấp dẫn đối với tôi. Tôi biết Quân đoàn 4 đóng quân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đó là một nơi rất xa và có nhiều sông ngòi.

-Chỗ đấy ngay sát nách Sài Gòn, bây giờ hình như nó thuộc tỉnh Sông Bé.

Tôi có biết tỉnh Sông Bé vì đó là một cái tên lạ, tôi đã từng tự hỏi vì sao nó không tên là Sông Lớn? Nếu tôi nhớ không nhầm thì trên bản đồ địa lý, tỉnh Sông Bé rất rộng. Tôi có nhớ mang máng là tỉnh này đã tách cùng đợt với tỉnh Hà Bắc nhưng chẳng để tâm vì nơi đó quá xa, biết bao giờ mới đặt chân đến được.

-Thời tao ở đấy thì xung quanh toàn là rừng bạch đàn bạt ngàn, dân thì vắng. – Bác Tùng khoe. – Bọn tao chỉ muốn xin ra quân sớm. Tính ra là tao ra quân đợt đầu tiên sau giải phóng. Hồi đấy bà già cứ nghĩ tao chết mất xác rồi.

Bác Tùng cười tít mắt rồi rít một hơi thuốc lào thật kêu, ngửa đầu lên nhả khói, đôi mắt lim dim.

-Trước đây bác đi bộ đội thì bác là bộ binh hay…

-Không, không! Tao bên pháo binh đấy. Nói chính xác thì tao được đào tạo làm Kế toán pháo.

-Vâng! – Tôi gật đầu nhưng thực sự chẳng hiểu bởi đây là lần đầu tiên trong đời tôi nghe đến từ này. Kế toán thì tôi biết, mẹ tôi cũng đã đi học một khóa kế toán ngắn hạn nhưng học xong để làm kinh tế. Nghĩ bụng như vậy nên tôi đánh bạo hỏi luôn. – Kế toán pháo có phải là làm nhiệm vụ đếm pháo, đếm đạn giống như thủ kho không hả bác?

Câu hỏi của tôi khiến bác Tùng suýt bị sặc nước.

-Bọn mày đúng là trẻ con chẳng biết gì cũng phải. – Bác Tùng chậm rãi giải thích cho tôi. – Mày chỉ cần hiểu đơn giản là trước khi một khẩu pháo khai hỏa thì cần phải có trinh sát pháo binh rồi kế toán pháo binh. Tao đây cũng từng làm trinh sát pháo binh một thời gian vì vóc người nhỏ nhắn lại nhanh nhẹn, sau đấy tao làm kế toán pháo binh. Trinh sát sẽ đi thăm dò địa hình địa vật, nắm rõ mọi tình hình còn thằng kế toán pháo như tao sẽ dựa vào thông tin, bản đồ để tính toán tọa độ bắn sao cho quả đạn pháo rơi đúng nơi chỉ huy muốn.

-Tính… tính toán ạ? Làm sao tính được hả bác?

-Thằng nào học toán kha khá đều tính được hết cả ấy mà. Chỉ huy thấy tao học lớp 10 nên cho tao làm nhiệm vụ ấy, kể ra là may vì có thế tao mới còn gáo mà về chứ không cũng xanh cỏ từ đời tám hoánh nào rồi. Hòn tên mũi đạn làm gì có mắt.

Tôi học dốt toán nên tôi không dại hỏi sâu về chuyện này, sợ là sẽ lộ cái dốt của mình ra thì mệt lắm.

-Như thế là bác không dùng đến AK bác nhỉ, cháu rất thích AK.

-Xùy! Bọn trẻ con chúng mày nhìn thấy súng thì thích vì nó là đồ chơi chứ đi lính sẽ thấy chẳng sung sướng gì đâu, chán phát ốm. Tao cũng từng dùng AK, cũng bắn nhiều.

-Thế… thế… bác có… có hạ được thằng giặc nào không bác? – Tôi hỏi với giọng có chút hồi hộp.

-Ai mà biết được, tao bắn thì cứ bắn thế thôi chứ có nhìn thấy thằng nào gục đâu. Mà so với pháo thì bắn pháo vẫn thích hơn, một quả mà rơi chính xác thì…

Bác Tùng bỏ lửng câu nói, tủm tỉm cười. Cuộc nói chuyện giữa tôi và bác chỉ kết thúc khi bên trong phòng ngủ vọng ra tiếng chuông reo báo thức và khuôn mặt ngái ngủ của Hà An thò ra phòng khách. Tôi trố mắt nhìn bởi đây là một Hà An không giống Hà An của mấy tiếng trước. Một Hà An đầu bù tóc rối với bộ dạng lười biếng. Có lẽ nhận ra ánh mắt khác lạ của tôi đang nhìn chằm chằm thì Hà An mới phát hiện ra điều gì đó bất thường rồi mất hút sau cánh cửa. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy bộ dạng mới rời khỏi giường của một cô gái, điều này nằm ngoài sự hiểu biết của tôi bởi tất cả con gái mà tôi đã từng gặp đều giống nhau ở chỗ gọn gàng.

-Nhà mày có mấy anh em nhỉ?

-Dưới cháu còn hai em, nãy là con em út của cháu. Cháu còn một đứa em trai đang học lớp 10 bác ạ.

-Thế là lớn nhỉ? Được, mày cũng khá đấy.

Tôi không hiểu từ “khá” mà bác Tùng vừa nói là có ý gì nhưng sau này, ngay cả khi tôi và Hà An đã đường ai nấy đi thì tôi vẫn đến thăm gia đình mỗi khi có dịp bởi hai bác từng rất quý mến tôi và tôi cũng vậy. Tuy nhiên, trong tất cả các cuộc ghé thăm đó thì tôi đều không gặp Hà An hay đúng hơn là tôi tính toán để không phải chạm mặt mặc dù cô nàng thi thoảng hỏi bao giờ tôi ghé chơi, những khi ấy, câu trả lời của tôi luôn là khi nào tôi có điều kiện về thời gian.

-Bạn đến lâu chưa? Sao không gọi tớ? Này, tớ đang hỏi bạn mà.

-Hả? Bạn hỏi gì?

-Ngồi nói chuyện với bố tớ từ khi nào?

-Mới đây, chắc được chừng hơn mười phút.

Thật ra là gần cả tiếng đồng hồ chứ ít gì, tuy nhiên tôi không cảm thấy lâu bởi tôi đã dùng thời gian vào một việc có ích.

-Mặt tớ có gì mà sao bạn nhìn lạ thế?

-À không, không có gì. Chỉ là khi nãy…

-Đây, nhìn xem tớ xinh chưa?

Hà An xoay một vòng, tôi gật đầu lia lịa. Nếu so với trước đây chỉ vài phút thì quả thật Hà An lúc này khác biệt hoàn toàn, mái tóc tém gọn gàng, sợi nào ra sợi đó thẳng theo nếp và bộ quần áo mà Hà An đang mặc cũng là một bộ khác, một bộ mới toanh.

-Lần sau có đến chơi thì phải nói trước với tớ.

-Ờ, tớ biết rồi.

-Ơ, mà Chục Cân đâu rồi?

-Nó về đến nhà thì buồn ngủ, rủ cách nào nó cũng không chịu đi.

-Tiếc nhỉ!

Tôi không hiểu ý của Hà An nên chỉ biết nhăn mặt.

-Mà thôi, trẻ con cũng không nên thức khuya. Bây giờ bọn mình đi thôi, chị Anh chắc đi lâu rồi nhỉ?

-Ừ!

Ngoài đường cái đang tấp nập xe cộ, đông vui còn hơn ban ngày. Tôi hòa vào dòng người hướng theo lối cầu Hồ. Hà An ngồi đằng sau, cách tôi một khoảng độ một gang tay. Kể từ lúc tôi biết đi xe máy cho đến thời điểm chở Hà An, cũng là lần đầu tôi chở một đứa con gái, tính ra cũng được ngót bốn năm. Chở con gái mới quen so với chở hàng thì độ khó như nhau, đó là sự thật bởi vì khi chở người mà họ ngồi cách xa thì tôi sẽ cảm thấy khó điều khiển xe hơn. Nhưng không sao, dù gì tôi cũng chẳng đi nhanh được.

Đêm trừ tịch về khuya rất lạnh!

***





Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.