Thanh Vân Đài

Chương 218: Ngoại truyện 8



Mùa thu năm Gia Ninh thứ tám, chùa Đại Từ Ân. 

“Nương nương, bước khéo bậc thềm.” 

Trời vừa tạnh mưa, một vũng nước đọng trước cửa chùa. 

Một bàn chân xỏ hài thêu kim tuyến, nạm hạt châu bước qua bậc cửa, chủ nhân đôi hài mặc bộ cung trang tay áo rộng bằng lụa, dáng dấp mỹ lệ đoan trang, chính là Di phi được sủng ái nhất trong cung lúc bấy giờ. 

Di phi chính là Di tần ngày trước, năm Gia Ninh thứ sáu, nàng được tấn lên hàng Phi, nắm quyền hậu cung. Từ đó trở đi, hằng năm cứ mỗi dịp chùa Đại Từ Ân đón lễ thu, là Gia Ninh đế đều sẽ đưa nàng đi theo cùng. 

Di phi nhìn túp nhà quạnh hiu trước mặt, bụng dạ thở dài, hỏi: “Mọi thứ ở đây vẫn tốt cả chứ?” 

“Tốt cả ạ.” Ni cô ở cạnh đáp, “Mấy hôm trước Tịnh nương nương ốm một trận, cũng may nay đã ổn rồi.” Di phi gật gù, bảo với đám thị tì: “Các ngươi lui ra hết đi, bổn cung sẽ vào một mình.” 

Trước nhà treo một tấm mành trúc, người trong phòng nghe tiếng động ngoài mành, bước ra xem, thấy là Di phi, nhún người hành lễ: “Nương nương.” 

Di phi vội đỡ nàng dậy: “Tỉ tỉ cứ vậy thì muội tổn thọ mất, sao muội nhận lễ của tỉ được đây?” 

Chương Nguyên Gia lắc đầu: “Nguyên Gia mang tội, không thể thất lễ.” 

Di phi lại thầm thở than, đảo mắt nhìn quanh, túp nhà đơn sơ, ngoài một bàn dài, một sạp gỗ, thì chỉ còn lại vài giá sách. Món đồ duy nhất làm thêm phong phú là tầng tầng kinh Phật chất chồng trên giá. 

Đã hơn ba năm trôi qua kể từ vụ án Tiển Khâm Đài, ngày nào Chương Nguyên Gia cũng vào Phật đường chép kinh Phật, chữ nàng nắn nót nga ngắn, kinh Phật của Phật đường phổ biến tới dân gian, dân chúng xem cũng thấy thích. 

Có lẽ bởi vì vất vả quá độ, khi thu sang, nàng bị nhiễm lạnh đổ bệnh vài hôm. Di phi trong cung hay tin, lén sai người đưa dược liệu và than củi tới. Chương Nguyên Gia không chối từ ý tốt của nàng, dốc lòng điều dưỡng, hôm nay gặp lại, quả thực bệnh đã khỏi hẳn. 

Đều đặn mỗi năm vào độ lễ thu ở chùa Đại Từ Ân, Di phi sẽ đến thăm nàng, nghĩ tới cảnh ngày thanh tịnh tẻ nhạt của nàng trong núi, bèn kể với nàng những chuyện tai nghe mắt thấy trên đường đi. 

“… Ra khỏi thành sẽ đi đại lộ đường chính, sau đó lên núi là thấy chùa Đại Từ Ân ngay. Thu về lá đỏ phủ khắp núi, đẹp muôn phần. Nhìn lá đỏ, bao phiền não trần gian đều biến mất. Xuân về xin cho vụ mùa gặt hái dồi dào, thu sang thu hoạch rồi lại làm lễ bái tạ, đây là lễ thu của chúng ta. Núi non rợp lá tươi tốt, tỉ sẽ thấy sang năm cũng sẽ là một mùa bội thu…” 

“À, đúng rồi, trên đường đi muội gặp một con cáo đỏ, Xuân quan* của Huệ Chính Viện đùa bảo muốn làm một chuyến săn thu, vậy mà Quan gia cũng đồng ý cho. Mọi người dựng trại hai ngày trong núi, săn được rất nhiều, Quan gia còn đích thân lên ngựa bắn cung, thế muội mới hay Quan gia biết võ…” 

(*Xuân quan: tên một chức quan thời xưa.)

Di phi đang trên đà hứng khởi, bỗng nhiên nhắc tới Triệu Sơ, câu chuyện đột ngột ngưng bặt. 

Tính từ mùa đông rét năm Gia Ninh thứ tư, Chương Nguyên Gia và Triệu Sơ đã cách biệt ba năm ròng rã. 

Năm Gia Ninh thứ năm, Chương Nguyên Gia sinh hạ hoàng tử tại chùa Đại Từ Ân, đặt tên một chữ Tiêu. Triều đình nhân hậu, cho phép nàng giữ Triệu Tiêu bên mình nuôi nấng, mãi đến hơn nửa năm sau mới phái người đón Triệu Tiêu về cung. Nhưng hôm ấy Triệu Sơ không hề xuất hiện. 

Cũng giống như ba mùa lễ thu qua, năm nào Triệu Sơ cũng đến chùa Đại Từ Ân, vậy nhưng chưa một lần ghé thăm Chương Nguyên Gia. 

Chương Nguyên Gia nghe Di phi nhắc Triệu Sơ, ánh mắt vẫn phẳng lặng: “Đại Chu trọng văn, năm xưa lại phải cưỡi trên lưng ngựa đấu tranh giành thiên hạ, nên tất cả hoàng tử đều phải tập võ, Quan gia thành thạo bắn cung cưỡi ngựa là lẽ dĩ nhiên.” 

Cũng phải, cứ nhìn Tiểu Chiêu vương do Chiêu Hóa đế dạy dỗ là biết ngay. 

Bầu không khí gượng gạo bao trùm gian phòng. 

Chương Nguyên Gia cụp mắt, khẽ giọng hỏi: “Quan gia…  có khỏe không?” 

“Vẫn như xưa thôi, tỉ còn chưa hiểu Quan gia sao? Hết lòng hết dạ lo việc nước, nghe Trường Sính nói, Quan gia nghị sự xong sẽ xem trát*, xem trát xong sẽ xem hồ sơ, thường là tận lúc trời sắp sáng mới ngơi làm, mệt tưởng gục đến nơi. Lễ thu năm nay, trên đường đi Quan gia vẫn khỏe khoắn như thường, mấy hôm nay ngấm hơi lạnh tiết thu, lại lâm bệnh…” 

(*Trát: một loại công văn thời xưa.)

Nói tới đây, Dư phi chợt dừng vội. Nàng muốn vả cho mình một phát quá đi thôi, phủi phui cái miệng này! 

Dẫu Chương Nguyên Gia chưa từng nhắc, nhưng người nào tinh mắt sẽ nhận ra sự quan tâm của nàng dành cho Triệu Sơ. 

“Tỉ cứ yên trậm, bệnh tình Quan gia không quá nghiêm trọng, Quan gia còn phải dự ba ngày lễ thu sắp tới mà.” Nói đoạn, Di phi xua tay: “Ôi! Đừng nói chuyện này nữa, tỉ đi theo muội, muội dẫn tỉ đi xem cái này hay lắm.” 

Cách túp nhà của Chương Nguyên Gia có một khoảng rừng um tùm cây cỏ. 

Đương độ ban trưa, gió núi phe phẩy, tiết trời xanh trong. Chương Nguyên Gia nối bước Di phi lại gần, loáng thoáng nghe thấy tràng cười đùa râm ran từ trong rừng vọng ra. 

“Điện hạ, ở đằng kia, để nô tì nhặt cho người.” 

“Điện hạ, bên đây, bên đây.” 

Nhận ra điều gì, Chương Nguyên Gia bất chợt tăng nhịp bước, chẳng mấy chốc đã bắt gặp một dáng hình bé nhỏ khoác áo gấm như mây giữa cánh rừng dày. Tiêu Nhi của nàng kia rồi. 

Những năm qua không phải Chương Gia Nguyên không gặp Triệu Tiêu lần nào, mỗi dịp tết nhất, người trong cung thường đưa Triệu Tiêu vào núi ở dăm ba hôm. Nhưng con trẻ thường hay quên mau, mỗi lần khó khăn lắm mẹ con mới thân thiết thì lại bị ép chia xa; đến ngày tái ngộ, lại phải bắt đầu lần nữa. 

Bóng dáng bé xíu loạng choạng đi nhặt quả bóng gỗ, chợt cảm giác người xung quanh lặng thinh, bèn quay người nhìn về phía rừng. 

Giữa hàng cây cối rậm rạp, có một người phụ nữ mặc đồ trắng, dung nhan tao nhã, dịu dàng đứng lặng ở đấy. 

Tiểu Triệu Tiêu sững người mất cả lúc, rồi bỗng ném phắt quả bóng đi, lảo đảo chạy ào đến chỗ người phụ nữ, cất tiếng gọi lanh lảnh: “Mẫu phi.” Ngay sau đó bổ nhào vào lòng Chương Nguyên Gia. 

Chương Nguyên Gia cũng ngẩn ngơ, cho tới khi hơi ấm của đứa bé lấp đầy vòng tay, mới nhận ra một điều Triệu Tiêu không hề quên nàng. Lần trước chia ly, thằng bé còn chưa tròn ba tuổi, kể từ dạo ấy đến giờ, nó vẫn nhớ rõ nàng là ai. 

Trường Sính nhặt bóng lên, hành lễ với Chương Nguyên Gia, cười nói: “Tiểu điện hạ không tiện tới nhà, đành đợi nương nương ở chỗ này. Đợi cũng khá lâu, nên chúng nô tì mới chơi đạp cúc với điện hạ cho đỡ buồn.” Trường Sính là nội thị theo hầu Triệu Sơ bao năm nay. 

Triệu Tiêu ngửa đầu, nhìn Chương Nguyên Gia: “Di nương nương bảo với Tiêu Nhi chờ ở đây sẽ gặp được mẫu phi, đúng thật rồi nè.” 

Di phi chọc vào trán Triệu Tiêu: “Nhõi con lanh đấy, con nhớ mẫu phi như thế, mẫu phi con mừng không để đâu cho hết đây.” 

Chương Nguyên Gia ngắm kỹ Triệu Tiêu: “Cao lên rồi, phổng phao hơn rồi.” Nom mặt mày đã mang đậm nét của Triệu Sơ, “Nghe nói con đã bắt đầu đi học, học những gì rồi nào?”  

Triệu Tiêu đáp: “Học Thiên Tự Văn, Tăng Quảng Hiền Văn ạ, mẫu phi ơi, con đọc cho mẫu phi nghe nhé?” Rồi làm như đang giành công, chẳng đợi Chương Nguyên Gia trả lời, cậu nhóc đã nghiêm trang đọc vang từng câu từng chữ. 

Nhìn Triệu Tiêu bé bỏng, Chương Nguyên Gia mang máng nhớ lại Triệu Sơ của thuở thiếu thời. 

Có dịp cung yến nọ, họ hàng vào cung, một tiểu công tử nhà Quận vương gia cầm cuốn Thiên Tự Văn hỏi chàng “Thiên địa huyền hoàng, vũ trụ hồng hoang” nghĩa ra sao.  

Vậy là chàng thái tử trẻ tuổi ngồi giữa một đám trẻ con xúm xít, bằng chất giọng hiền hòa nhã nhặn, giảng giải từng chữ từng câu rằng đây không hẳn là văn chương hiếm có gì. 

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, người nhắm mắt đọc làu Thiên Tự Văn giờ đây đã trở thành tiểu hoàng tử của chàng, nhưng cảnh đời núi non vẫn chẳng hề đổi thay. 

Tuy Chương Nguyên Gia đang ở chùa Đại Từ Ân, song cũng nghe nói mấy chuyện trong cung. 

Năm Gia Ninh thứ sáu, hậu cung tổ chức đại tuyển ba năm một lần. Triệu Sơ nạp năm tú nữ vào hậu cung, từ đó hậu cung không còn hắt hiu lạnh lẽo. 

Từ năm Gia Nguyên thứ bảy, khi trong triều có người khuyên lập Hậu, Triệu Sơ lấy lý do bận rộn quốc sự rồi gạt phắt đi. 

Đến tháng bảy năm nay, trong màn mưa bụi mịt mùng, nấc thang dẫn lên Tiển Khâm Đài đã bị tháo dỡ, từ đó không còn ai có thể lên đài, tất thảy những gì liên quan đến Tiển Khâm Đài cũng đi vào quá khứ.

Đất trời ngoài kia đã thay màu đổi áo, còn nàng lại vùi chân nơi xó núi khuất nẻo, giữa hai người là tấm màn thế gian xưa cũ cách trở chia phôi. 

Trời tối dần, sau đó sẽ là kỳ lễ thu ba ngày. Trước khi đi, Triệu Tiêu lưu luyến vẫy tay với Chương Nguyên Gia, bập bẹ nói: “Mẫu phi ơi, đợi khi hết lễ thu, Tiêu Nhi lại đến chào tạm biệt mẫu phi nhé.” 

***

Sắc trời mờ ảo, tiếng chuông đón lễ vang vọng khắp núi đồi. 

Chương Nguyên Gia thức giấc trước lúc chuông kêu, đứng trước căn nhà, dõi mắt về hướng chùa Đại Từ Ân. 

Giữa bóng cây trập trùng, trông thấy lờ mờ một người đội mũ miện màu đen, dẫn đầu chúng quần thần lạy chầu trời đất. 

Nàng không nhìn rõ diện mạo chàng, nhưng có thể phác họa nên bóng hình chàng trong lòng. 

Năm nào cũng như năm nao, từ phương hướng này nàng có thể nhìn thấy được chàng; chỉ khác ở chỗ, từ năm Gia Ninh thứ năm đến năm Gia Ninh thứ bảy, đằng sau chàng luôn là một khoảng trống. 

Ấy là vị trí mà quần thần để dành cho Tiểu Chiêu vương. 

Chân tướng về vụ Tiển Khâm Đài sụp đổ đã rõ như ban ngày, triều đình được quanh minh như ngày hôm nay, Tiểu Chiêu vương ắt có công đóng góp. 

Tuy Tạ Dung Dữ bị tước phong hàm Chiêu vương, nhưng trong lòng quân chủ và quần thần, y vẫn mãi là “vương” như thuở trước. 

Cho tới năm nay khi thang lên Tiển Khâm Đài bị phá bỏ, sau lưng Triệu Sơ đã không còn chừa chỗ trống nào nữa. 

Nhân gian dồn dập tiến về phía trước, không ai lại giậm chân tại chỗ, triều đình và quân chủ cũng thế – Chương Nguyên Gia nhủ bụng. 

Đêm buông, Chương Nguyên Gia trở về nhà, ngồi trước bàn dài, lật một cuốn kinh văn bắt đầu sao chép. 

Thị tì đứng bên cạnh nghĩ nàng mới vừa khỏi bệnh, bèn khuyên lơn: “Nương nương, kinh văn năm nay người chép xong rồi kia mà, trước mắt cứ tập trung tĩnh dưỡng đã ạ.” 

Chương Nguyên Gia chỉ khẽ “ừ” tiếng, ngòi bút vẫn đưa tiếp chẳng ngừng. 

Thị tì đành thôi không khuyên nữa. 

Lễ thu ở chùa Đại Từ Ân đương diễn ra, nhiều ngày nay những cuốn kinh Phật trên giá sách từ túp nhà trong núi lần lượt được đưa xuống núi, chỉ có một tủ sách là còn đựng kinh Phật. 

Số kinh Phật này không chép cho Phật đường, không chép vì chuộc tội, mà là Chương Nguyên Gia chép cầu phúc cho Triệu Sơ và Triệu Tiêu. 

Hôm qua Di phi lại ghé thăm, vô tình nhắc đến chuyện Triệu Sơ bị bệnh. 

Cuộc đời không ngừng chảy trôi, chỉ có nàng đứng yên một chỗ; thậm chí cả những tình ái và thù hận trong lòng cũng giống hệt như đêm đại hôn năm mười bảy tuổi, vào khoảnh khắc chờ đợi tấm khăn voan được vén lên.  

Ba ngày qua đi trong một chớp mắt, Triệu Tiêu đến từ biệt Chương Nguyên Gia. 

Chàng hoàng tử bé nhỏ đứng giữa tán phong lá đỏ giăng đầy núi, hết sức nghiêm túc nói với Chương Nguyên Gia: “Mẫu phi ơi, thái phó bảo đợi khi nào con học hành thật giỏi, thông đạt lý lẽ, thì có những chuyện con sẽ được tự mình quyết định. Khi về con nhất định cố gắng gấp đôi, đợi có thành tựu, con sẽ tự xin chỉ được đến thăm người.” 

Chương Nguyên Gia cười gật đầu, dịu dàng nói: “Mẫu phi chờ con.” 

Tiếng kèn báo hiệu cung liễn khởi hành vang lần thứ nhất, Trường Sính đứng bên nói: “Tiểu điện hạ, chúng ta phải đi rồi.” 

Triệu Tiêu gật đầu, nắm tay Di phi theo nàng xuống núi. Gần đến chân núi, Di phi cầm lòng không đặng ngoái đầu nhìn, Chương Nguyên Gia vẫn một mình đứng giữa núi trông theo. 

Di thi chợt thấy chua xót trong lòng. 

Di phi là người thẳng thắn, đâu hiểu những điều vòng vo trắc trở, Tiểu Khâm Đài bị làm sao thì liên quan gì tới Chương Nguyên Gia? Nàng chỉ là phụ nữ sống trong chốn cung cấm, nào biết chuyện diễn ra bên ngoài, tính nết chính trực, cũng tốt bụng hòa nhã với mọi người. 

Triệu Tiêu nhìn Di phi, tựa hồ biết nàng đang nghĩ điều gì, lắc tay nàng: “Di nương nương đừng lo, mẫu phi sẽ về đoàn tụ với chúng ta thôi mà.” 

Di phi không kìm được bật cười: “Con là trẻ con, biết cái gì?” 

Triệu Khiêm trả lời rất bài bản: “Đương nhiên là con biết rồi. Phụ thân của mẫu phi phạm tội, mẫu phi chuộc tội cho ông, đó là điều phải làm. Vì mẫu phi từng là hoàng hậu được thiên hạ cung phụng, nên không thể thất đức. Nhưng mẫu thân là người đức hạnh, thanh gia độ thân, lan nhược độ tâm, vậy nên người xứng đáng được tha thứ, người sẽ trở về thôi.” 

Lời Triệu Tiêu nói đã tác động mạnh đến Di phi. 

Thanh gia độ thân, lan nhược độ tâm là gia huấn của Chương thị do Chương Hạc Thư lập nên, mà Chương Hạc Thư là tội nhân, đâu ai dám nói những lời ấy với Triệu Tiêu, ngoài… chính Triệu Sơ. 

Di phi bỗng nhớ tới một vài câu chuyện nhỏ nhặt.  

Mấy năm qua, ai nhìn cũng bảo nàng là phi tử thâm cung được sủng ái nhất, thậm chí Triệu Sơ còn cho nàng vinh dự đặc biệt được theo dự lễ thu mà vốn dĩ chỉ hoàng hậu mới có. Nhưng Di phi biết chỉ vì nàng vô tư phóng khoáng, không chịu các khuôn phép trói buộc, lại thành lòng đối đãi với mọi người, chỉ có nàng không màng cung quy trong những ngày lễ, đến đây thăm Chương Nguyên Gia. 

Cái Tết đầu tiên năm Triệu Tiêu chào đời, Triệu Sơ muốn đưa Triệu Tiêu tới Đại Từ Ân bầu bạn với Chương Nguyên Gia, nhưng Chương Nguyên Gia là con gái tội thần, quan lại quần thần nhất loạt phản đối. Cuối cùng, Triệu Sơ chỉ dửng dưng nói: “Trẫm chỉ có duy nhất một đứa con trai, trẫm hy vọng nó khoan dung nhân từ, nếu không một mai khi kế thừa sự nghiệp thống nhất đất nước, nó phải thống trị thiên hạ thế nào đây?” 

Có cha mẹ đồng hành, tuổi thơ ấu mới trọn vẹn đủ đầy. 

Đến cả mẫu thân ruột thịt cũng không thể tha thứ thì sao làm được bốn tiếng nhân ái khoan dung? 

Những năm nay, mỗi lần Triệu Sơ muốn đưa Triệu Tiêu vào chùa Đại Từ Ân là luôn phải đối mặt bao lời ra tiếng vào. Mà kể từ ngày lên ngôi kế vị, Triệu Sơ đã hiểu rõ một đạo lý: cõi đời này chưa từng có đế vương nào nói giữ lấy lời, là bực quân vương, tức là phải liên tục cân nhắc nên chọn lựa ra sao.  

Về vụ án Tiển Khâm Đài, chàng phải cho người trong thiên hạ một lời giải thích xác đáng nhất. Thế nên, giữa chàng và Triệu Tiêu, chỉ có một người được đặt chân đến ngọn núi rực đỏ màu lá phong này, không thì còn đâu là pháp luật? 

Chương Nguyên Gia là mẫu thân, không thể thiếu vắng trong tuổi thơ của Tiêu nhi. 

Hoàng tử nhỏ ngẩng đầu nhìn lá thu khắp núi: “Phụ hoàng bảo, người sẽ cùng con chờ mẫu thân hồi cung.”  

Trong núi văng vẳng tiếng bánh xe lộc cộc, ngự liễn đã đi xa. 

Xuyên qua bóng cây bạt ngàn, Chương Nguyên Gia nhìn đội ngũ đi dưới chân núi. Lúc này, đằng sau lưng chợt vang lên tiếng bước chân. Khẽ thật khẽ, như gió cuốn lá thu rơi xuống nền đất. 

Chương Nguyên Gia như sực nhận ra điều gì, nhưng nàng không dám tin.

Giọng người kia truyền vào tai: “Trẫm giả bệnh, lừa gạt quần thần, phong cảnh trong núi đẹp nhường này, trẫm không muốn để lỡ, bèn ở lại đây mấy hôm rồi cưỡi khoái mã đuổi theo ngự liễn sau, ắt hẳn lão già bảo thủ kia sẽ không phát hiện ra.” 

Chương Nguyên Gia xoay người lại. 

Triệu Sơ vẫn như xưa, dung mạo sáng láng hiền hòa. 

“Chuyện về Tiển Khâm Đài đã được giải quyết êm đềm, trẫm cũng ra một quyết định, từ nay về sau, sẽ bao dung với bản thân thêm một chút.” 

Chàng nở nụ cười, vươn tay về phía Chương Nguyên Gia: “Lại đây, để trẫm ngắm nàng thật kỹ.” 

Một làn gió trong thổi qua ngọn núi, tiểu thái giám Trường Sính ngủ gà ngủ gật. 

Năm nay đích thân Quan gia lên núi, năm nay rốt cuộc cậu ta không cần phải vất vả lòng vòng trong núi nhặt lá phong nữa rồi. 

Phận đế vương cô đơn, lần nào Quan gia đọc trát thâu đêm ở Hội Ninh điện, đều cắm một nhành phong đỏ vào chiếc lọ ngọc bích đặt ở bên. Nên hằng năm cứ tới chùa Đại Ân Từ, cậu ta sẽ phải đi quanh núi nhặt nhạnh đủ ba trăm sáu mươi nhành phong đỏ. 

Như thể có lá phong này sớm chiều bầu bạn, Quan gia sẽ không còn cô đơn nữa.

Trong làn mây mù giăng khắp núi, lá phong lìa cành, tiểu thái giám đánh một giấc no nê thỏa thích. 

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.