Sáng sớm ngày kế tiếp, Cẩm Bình vén tấm màn xanh, gọi Khương Thanh Uyển rời giường.
Lúc đó khoảng canh Mão [*], ngoài trời còn chưa sáng rõ.
[*] Canh Mão: Từ 5 giờ đến 7 giờ sáng
Tối qua, Cẩm Bình ngả ra đất ngủ. Lúc này chăn màn của nàng đã được xếp gọn gàng đặt một bên, sẵn sàng lên xe ngựa.
Khi tỉnh dậy, Khương Thanh Uyển có chút kinh ngạc, nhất thời không rõ mình là ai.
Mãi tới lúc Cẩm Bình hầu hạ nàng thay y phục và mời nàng ngồi xuống ghế để chải đầu búi tóc, khi nàng nhìn thấy tiểu cô nương trong gương đồng mới dần hồi phục tinh thần.
Sau khi Cẩm Bình búi hai búi tóc xong, trong lúc mở hộp trang sức để nàng chọn đồ trang sức hôm nay muốn đeo thì Diêu thị đẩy cửa bước vào.
Cẩm Bình khụy gối hành lễ với Diêu thị, nói một tiếng chào buổi sáng phu nhân. Diêu thị nhẹ gật đầu rồi dặn dò: "Ngươi thu dọn tấm đệm gối đầu của tiểu thư, chút nữa để chúng vào xe ngựa".
Mặc dù xuất thân Diêu thị không cao, nhưng xuất thân của Khương lão thái thái trước kia là từ thế gia vọng tộc, rất nhiều việc cần phải chú ý. Lần này đi xa nhà nhất định muốn mang theo đệm gối đầu của mình, không dùng những thứ trong nhà trọ vì ngại chúng không sạch sẽ.
Cẩm Bình đáp lời, sau đó đi đến bên giường Khương Thanh Uyển thu dọn gối đầu rồi ôm chúng xuống lầu. Xe ngựa đã chuẩn bị xong, đang chờ ở bên ngoài.
Khương Thanh Uyển nhìn hộp trang sức trước mặt.
Đó là chiếc hộp vuông kiểu dáng đơn giản, sơn màu đỏ, bên trong là những món đồ trang sức bằng bạc và một vài bông hoa lụa.
Đối với một đích nữ ở Bá phủ mà nói, những đồ trang sức này thật sự quá giản dị. Kiếp trước, nàng cũng là tiểu thư, thế nhưng có đến bảy, tám hộp đồ trang sức lớn. Vàng, bạc, ngọc, mã não, dạng trang sức gì cũng có. Sau này nàng gả cho Thôi Quý Lăng, mặc dù Thôi gia nghèo khó, nhưng Thôi Quý Lăng cũng mua cho nàng một ít trang sức, đều tốt hơn những thứ trước mặt.
Lúc này, Diêu thị bước tới, đưa tay lấy chiếc trâm hồ điệp, ướm thử lên tóc nàng, sau đó cảm thấy không hợp liền trả về, rồi lại cầm lấy chiếc trâm trân châu.
Chiếc trâm trân châu này hình như cũ lắm rồi, bên ngoài còn bị vàng ố. Diêu thị nhẹ thở dài: "Nói ra thì không ai tin, tốt xấu gì phụ thân của con cũng là Bá gia đấy, vậy mà ngay cả đồ trang sức tốt cho đích nữ cũng không có. Năm nào ông ta cũng gửi tiền về nhà, nhưng đều bị tổ mẫu của con lấy hết, ta không biết rốt cuộc có bao nhiêu tiền, nhưng chưa từng có một đồng đến tay ta. Tổ mẫu của con cũng chẳng cho con..."
Cửa phòng đang mở, Khương lão thái thái ở bên cạnh, nếu bị bà hoặc Đào Diệp nghe thấy chắc chắn sẽ lớn chuyện.
Khương Thanh Uyển cắt ngang lời Diêu thị: "Mẫu thân, con không quan tâm những thứ này".
Vừa dứt lời thì bản thân có chút thất thần.
Nàng vừa vô ý gọi Diêu thị là mẫu thân rồi...
Diêu thị không ngạc nhiên. Mặc dù trước kia Khương Thanh Uyển không thân thiết với bà, nhưng chắc chắn sẽ gọi mẫu thân.
"Thường ngày con quá nghịch ngợm, không đọc sách, nữ công không học, lúc nào cũng đi theo bọn trẻ con leo cây đào tổ chim, xuống sông mò tôm cá, còn bướng bỉnh, đâu có chỗ nào giống một cô nương chứ? Bởi vì những việc này nên tổ mẫu không thích con. Bây giờ chúng ta đi lên Thượng Kinh rồi, không giống trước kia, sau này con phải ngoan ngoãn, nghe lời tổ mẫu, như vậy tổ mẫu sẽ thích con".
Mặc dù tính tình Diêu thị mềm yếu, nhưng trong lòng hiểu rõ những năm nay Khương Thiên Hữu chỉ gặp Khương Thanh Uyển vài lần, trong lòng ông ta sẽ có bao nhiêu cảm tình với nữ nhi này? Hai hài tử Mạnh di nương vừa sinh luôn ở bên cạnh ông ta. Bản thân bà lại vô dụng, nếu Khương Thanh Uyển không được Khương lão thái thái yêu thương thì chắc chắc sau này cuộc sống ở kinh thành không dễ chịu.
Khương Thanh Uyển cũng hiểu ý bà, nhẹ gật đầu: "Mẫu thân, con hiểu rồi".
Gọi mẫu thân có vẻ không khó như nàng tưởng tượng. Hơn nữa nàng nghĩ Khương Thanh Uyển trước kia đã chết rồi, bây giờ nàng là nữ nhi của Diêu thị.
Thế thì nàng có thể không quan tâm đến sự việc của người kia rồi.
"Như vậy thì ta mới yên tâm".
Diêu thị vui mừng gật đầu, lấy hai bông hồng nhạt bằng lụa trong hộp trang sức quấn lên búi tóc của nàng.
Hai người đi đến cửa phòng của Khương lão thái thái, Đào Diệp vừa hầu hạ bà búi tóc, bây giờ đang cầm cây trâm hình dơi khảm bảo thạch cài cho bà.
Diêu thị và Khương Thanh Uyển khụy gối hành lễ, vấn an bà. Khương lão thái thái xoay người nhìn Khương Thanh Uyển, thấy sắc mặt của nàng không hồng hào, nhưng tinh thần có vẻ tốt hơn hôm qua, bà liền hỏi: "Hôm nay con cảm thấy thế nào rồi? Còn khó chịu không?"
Khương Thanh Uyển biết người quyết định lên đường là Khương lão thái thái, bằng không sẽ không bắt các nàng dậy sớm như vậy. Nếu như bây giờ nói không khỏe, Khương lão thái thái cũng không vì nàng mà ở lại chỗ này thêm hai ngày, ngược lại còn ghét bỏ không muốn gặp nàng. Như vậy chẳng khác nào làm khó bà, để bà mang tiếng xấu là đối xử không tốt với tôn nữ.
Vì vậy nàng nói: "Đa tạ tổ mẫu quan tâm, con khỏe rồi".
Trước kia chưa từng thấy nàng nói chuyện ngoan ngoãn, khôn khéo như vậy, trong lòng Khương lão thái thái cảm thấy kỳ quái, bất giác nhìn nàng thêm vài lần.
Bị bệnh vài ngày, cả người gầy đi không ít, cái cằm cũng nhọn hoắt rồi, nhưng mặt mũi vẫn như trước, bên má phải ở gần tai có nốt ruồi nhỏ, không chú ý sẽ không thấy.
Khuôn mặt vẫn thế, còn tính tình trầm tĩnh hơn nhiều.
Nhưng bà rất thích trẻ con dịu dàng, ngoan ngoãn.
Bà cười nói: "Trước kia không thấy con nói chuyện với ta như vậy, xem ra, bị bệnh vài ngày đã giúp con bình tĩnh hơn".
Mặc dù mấy ngày nay Khương Thanh Uyển chỉ gặp Khương lão thái thái vài lần, nói chuyện vài câu, nhưng nàng nhận ra vị lão thái thái này là người cố chấp, mà người cố chấp thường thích trẻ con biết vâng lời. Chắc hẳn trước kia Khương Thanh Uyển quá bướng bỉnh cho nên không được lão thái thái yêu thích.
"Lần này tôn nữ bệnh nặng, đứng trước quỷ môn quan, trong lòng nghĩ thông rất nhiều việc. Lúc trước do con không hiểu chuyện, khiến tổ mẫu và mẫu thân lo lắng. Sau này nhất định sửa đổi tính nết, mọi thứ đều nghe lời tổ mẫu".
Sau khi trải qua những sự việc ở kiếp trước, bất kể thế nào nàng cũng không có bộ dạng hoạt bát, vô tư như Tiểu Thanh Uyển trước kia. Thừa dịp lần này bị bệnh nói với Khương lão thái thái mấy lời như vậy, khiến lão thái thái nghĩ rằng nàng thay đổi tính tình, còn có thể lấy lòng lão thái thái.
Quả nhiên, Khương lão thái thái nghe xong liền vui vẻ, gật đầu cười nói: "Nếu con thật sự nghĩ như vậy thì không uổng phí những ngày này bị bệnh".
Bà dừng một chút rồi nói thêm: "Chờ khi vào kinh, ta bảo phụ thân của con mời người đến dạy con đọc sách, học nữ công, con hãy chăm chỉ học hành. Sau này, tổ mẫu nhất định sẽ để ý tìm cho con một gia đình tốt để gả đi".
Trước đây, Khương lão thái thái chưa bao giờ dùng vẻ mặt ôn hòa như vậy nói chuyện với Khương Thanh Uyển. Phần lớn đều quát tháo nàng không phát triển, không có quy củ, nhưng bây giờ bà lại muốn tìm cho nàng một gia đình tốt...
Trong lòng Diêu thị mừng rỡ, vội vã bảo Khương Thanh Uyển tạ ơn tổ mẫu. Rồi bà cũng mở miệng nói lời cảm tạ với Khương lão thái thái, còn đi qua cầm cây trâm ngọc bích trên tay Đào Diệp cài lên búi tóc lão thái thái, nhẹ nhàng nói chuyện với lão thái thái.
Lúc này, Cẩm Bình cầm hộp điểm tâm do vú già chuẩn bị mang lên, Đào Diệp mau chóng qua phụ giúp.
Trong chốc lát, đồ ăn đã chuẩn bị xong, Diêu thị đỡ Khương lão thái thái ngồi xuống ghế bên cạnh bàn, rồi cầm đũa tự tay gắp thức ăn cho lão thái thái.
Lão thái thái bảo Khương Thanh Uyển ngồi xuống. Sau khi bọn họ ăn xong, sắc trời bên ngoài đã sáng hẳn.
Mặc dù đồ ăn là nhờ vú già mượn nhà bếp của chủ quán nấu, nhưng mọi thứ thực phẩm đều do bọn họ tự đem theo. Cẩm Bình và Đào Diệp mau chóng thu dọn bát đũa, lấy phòng bếp phía dưới cho vú già rửa chén, rồi mang tất cả đồ đạc của mọi người và Khương lão thái thái vào xe ngựa. Sau đó họ mới lên lầu mời Khương lão thái thái và Diêu thị lên xe.
Diêu thị lo lắng cho Khương Thanh Uyển, bảo Cẩm Bình đỡ nàng, còn bà cũng phép tắc dìu Khương lão thái thái.
Đến khi ra khỏi nhà trọ, Khương Thanh Uyển thấy bốn chiếc xe ngựa to dừng trước cửa, phía sau có khoảng mười người đeo đao, y phục chỉnh tề. Chắc chắn Tân Xương bá biết mẹ già muốn vào kinh, dọc đường lại không yên ổn nên đặc biệt cử thị vệ đến hộ tống.
Khương lão thái thái ngồi riêng một xe ngựa, Diêu thị và Khương Thanh Uyển ngồi xe ngựa thứ hai, cỗ xe ngựa thứ ba là của hạ nhân, cỗ xe thứ tư dùng để chuyển hành lý. Xem ra, vô cùng khí thế.
Diêu thị là một người mẹ hiền lành, rất muốn nói thêm vài câu với Khương Thanh Uyển. Nhưng việc hai người ngồi chung xe khiến Khương Thanh Uyển vô cùng ngượng ngùng, không biết nói gì với Diêu thị. Cũng may nàng vừa khỏi bệnh, tinh thần không tốt, liền dựa vào chiếc gối mềm mại ngủ thiếp đi.
Trong lúc mơ màng, nàng cảm thấy có người đắp lớp áo thật dày cho nàng, sau đó tiếp tục ngủ.
Giữa đường, đoàn xe dừng lại, mọi người xuống xe nghỉ ngơi. Khương Thanh Uyển nghe thị vệ nói với Khương lão thái thái rằng đã đến vùng ngoại ô Thái Nguyên, còn nói đoạn đường phía trước chỉ toàn núi rừng, trong rừng có thổ phỉ, nên muốn nhân lúc trời còn sáng tranh thủ lên đường, nếu trời tối rồi phải ở qua đêm.
Nghe vậy, Khương lão thái thái lập tức bảo mọi người tiếp tục lên đường, cũng không xuống xe ăn cơm trưa mà cho mọi người ăn lương khô trên xe ngựa.
Khương Thanh Uyển cảm thấy miệng nhạt nhẽo, lại ngồi trên xe ngựa cả nửa ngày nên không muốn ăn. Nàng chỉ ăn nửa cái bánh phục linh, uống vài ngụm trà, rồi tựa đầu vào gối tiếp tục ngủ.
Không biết đã đi được bao nhiêu đoạn đường, đột nhiên có một tiếng vang thật lớn, sau đó là một hồi vó ngựa, dường như cả ngọn núi đều rung chuyển, mặt đường cũng chấn động.
Khương Thanh Uyển giật mình tỉnh giấc, trông thấy khuôn mặt Diêu thị đen như đất, cả người phát run. Bà nhìn nàng, giọng nói run rẩy: "Không xong rồi! Chúng ta gặp cướp rồi!"