Tra Nghiêm Vân chỉ thở dài "Ai " một tiếng, sau đó nói tiếp: "Không nghĩ tới lại thành ra như vậy. Bây giờ lại càng không thể mang hai đứa bé này vào thôn mai táng được nữa, nếu không sớm muộn vùng này cũng sẽ xảy ra ôn dịch. Hôm nay chỉ có thể hỏa táng, thu lấy tro cốt rồi an táng thôi."
Ai cũng biết xác người sau khi chết sẽ bị phân hủy, nhưng hai đứa con nít lại vẫn còn nguyên hình dạng trước khi chết... Chẳng phải là đã biến thành quỷ rồi sao. Lúc này người nhà hai đứa bé đành phó mặc cho Nghiêm Vân đạo sĩ, không dám nói nửa câu.
Tra Nghiêm Vân phân phó mọi người gom củi khô trên núi, dựng một cái giá để hỏa thiêu. Tới khi dựng xong, Tra Nghiêm Vân bảo mọi người đưa xác hai đứa bé lên, lại cắm ba nén hương trước cái giá, miệng lẩm nhẩm khấn vái. Sau đó đốt lửa, niệm lớn Vãng Sinh Chú, báo tên hai đứa trẻ, giống như là báo danh chúng trước Âm ty.
Sau khi đốt xong, thu lại tro cốt hai đứa trẻ, mọi người xuống núi. Đạo sĩ Nghiêm Vân lại dặn chôn tro cốt của hai đứa trẻ ở gần con đập, dựng bia mộ cho chúng. Khi xong xuôi thì trời đã tối, Tra Nghiêm Vân được ông ngoại tôi mời về nhà ăn cơm, sau đó ông liền cáo từ về nhà.
Cô Tú đêm đó liền nằm mơ, cô mơ thấy hai đứa trẻ tới chào mình, chúng còn chắp tay, bảo cô gửi lời cám ơn vị đạo sĩ đã giúp chúng. Ngày hôm sau nữa, bà ngoại tôi qua nhà hỏi ông thêm một lần nữa về mọi chuyện, Tra Nghiêm Vân gật đầu nói hai đứa bé kia hẳn đã đi đầu thai rồi, hơn nữa bảo bà ngoại dặn mọi người trong thông không được chôn người chết trên núi Mã Đầu nữa.
Mặc dù cô Tú đã khỏi hẳn, nhưng trải qua biến cố như vậy, sức khỏe cô cũng không tốt lắm, dễ bị cảm mạo. Mãi tới khi cô trưởng thành mới có chuyển biến tốt.
Trải qua chuyện ly kỳ như vậy, Tra Nghiêm Vân dần dần có chút tên tuổi. Cũng có không ít người khi làm tang sự mời ông tới siêu độ, nhưng cho tới bây giờ ông không hề nhận của ai một đồng. Nhiều khi trẻ con trong thôn gặp bệnh lạ, khóc không ngừng, ông chỉ đốt một lá phù cho uống là khỏi. Dĩ nhiên ông cũng hiểu về Đông y, nhiều khi không phải trúng tà, mà là bị bệnh, ông cũng sẽ kê một bài thuốc cho uống, nếu nghiêm trọng cũng bảo đưa đi bệnh viện.
Khi đó, cũng không ít người muốn tới bái sư học nghệ, nhưng Tra Nghiêm Vân đều không thu nhận. Ông vẫn sinh hoạt bình thường, khi thì thăm ruộng cấy cày, khi thì lên núi đốn củi. Nếu không xảy ra chuyện của cô Tú, mọi người thậm chí còn không biết ông là một người đạo sĩ.
Khi tôi biết tới ông, là chuyện của rất nhiều năm sau đó.
- -----------------
Lúc tôi sáu tuổi, trong thôn xảy ra một chuyện.
Thôn chúng tôi ở vùng núi, trong thôn có một ngôi miếu rất lớn, xây bằng gạch xám. Tôi nghe ba nói, ngôi miếu kia có từ rất lâu rồi, không ai biết rõ nó có từ bao giờ. Từ thời cụ cố nội tôi tới đây khai hoang thì đã có ngôi miếu kia rồi, nhưng khi đó chẳng có ai trông nom, qua trăm năm rêu phong thì lại càng trở nên cũ nát.
Những năm 60 thế kỷ trước, một số chùa miếu đều bị đốt phá. Ngôi miếu này cũng vậy, nhiều nơi tường gạch còn bị đốt tới đỏ bừng, duy chỉ còn có đại điện chưa bị thiêu hủy. Dần dần mọi người muốn xây nhà đều tới đó chọn vài viên gạch, nhưng cũng không biết tại sao khi dùng gạch của ngôi miếu đó xây nhà, người trong nhà thường bị ngã. Có nhà còn chết tới mấy người, sau đó mọi người liền lấy gạch ở đó đi xây chuồng heo. (Dg: Dân thôn này quả là trâu bò)
Nhà tôi cũng có vài khối gạch như vậy, hồi bé tôi cũng đã cầm ném chơi. Khối gạch đó rất nặng, một mặt chạm trổ hình kỳ lân, một mặt được trạm trổ phong cảnh rất đẹp. Dựa theo giải thích bây giờ thì nó hẳn là một khối gạch mang giá trị lịch sử cao. Câu chuyện tiếp theo tôi kể, có liên quan rất lớn tới ngôi miếu này...
Nghe mấy người cao tuổi trong thôn gọi đó là miếu Tướng Quân. Tôi thật sự vẫn không biết được một vùng quê nghèo trong núi như vậy lấy đâu ra một vị tướng quân cơ chứ?
Trong thôn chúng tôi có chừng trăm hộ gia đình, nhưng cơ bản đều là người di cư từ vùng khác tới, nghe nói người dân bản địa ở vùng này từ thời Thái Bình Thiên Quốc (giữa TK XIX) đã bị giết hết rồi, cho nên lai lịch của miếu Tướng Quân không có ai biết rõ. Cũng may nó nằm ở vị trí không có gì quan trọng, cũng không cản đường, lâu dần mọi người cũng quen với sự tồn tại của nó.
Trẻ con ở vùng nông thôn, khi bé trừ leo cây móc tổ chim chính là xuống nước bắt tôm tép, hoặc là chơi vài trò như nhắm mắt trốn tìm... Tôi cũng tự nhận là một đứa gan to, từ bé đã không biết sợ hãi là gì. Tôi cũng có một người bạn, sinh cách nhau đúng một ngày, lại ở gần nhà. Cậu ta tên là Lý Dịch, vì khi còn bé dáng người cậu ta mảnh khảnh, lại leo trèo giỏi nên chúng tôi gọi là "Hầu Tử".
Tôi cùng Hầu Tử có một lần tới miếu Tướng Quân chơi, tôi luôn cảm thấy một cảm giác khó tả với cái miếu đó. Nói thế nào nhỉ? Nó tạo cho người ta cảm giác như đứng trong một khoảng khá rộng nhưng lại đầy mùi ẩm mốc, nếu như nhà ai có nhà thờ tổ, đặc biệt là có nghĩa trang cũng sẽ cảm thấy tương tự. Nhưng tôi lại cảm thấy hết sức tò mò với cái cảm giác đó, chỉ muốn tìm ra nó ở nơi nào mà thôi.
Ngày hôm đó, tôi cùng Hầu Tử và một đứa nhỏ hơn là Tiểu Hồng Hà cùng tới chỗ đó chơi. Thật ra thì hai đứa chúng tôi đều là tiểu bại hoại (kiểu trẻ con luôn làm mấy chuyện mất dạy), ba đứa rủ nhau chơi trò thầy thuốc bệnh nhân.
Tại sao chơi trò thầy thuốc bệnh nhân lại là tiểu bại hoại? Chính là như thế này:
Tôi cùng Hầu Tử sẽ giả làm thầy thuốc, còn Tiểu Hồng Hà làm bệnh nhân, kiểm tra thân thể cho con bé. Khi đó chúng tôi đều không hiểu chuyện nam nữ, chỉ biết là con trai và con gái đi tiểu không giống nhau. Vì vậy trò chơi thầy thuốc bệnh nhân liên xuất hiện, chúng tôi muốn kiểm tra thân thể Tiểu Hồng Hà. Chơi vui là thứ nhất, thứ hai là giúp chúng tôi thỏa mãn cái tò mò sao lại có tư thế đi tiểu khác nhau giữa con trai và con gái.
Loại trò chơi này mặc dù chúng tôi còn rất nhỏ, nhưng cũng biết không thể để người khác nhìn thấy. Vậy là hai thằng lừa gạt Tiểu Hồng Hà đến phía sau miếu Tướng Quân, sau đó còn dùng một viên bi đưa cho Tiểu Hồng Hà để nó im miệng. Con bé làm bệnh nhân, tôi làm thầy thuốc, Hầu Tử ở bên cạnh canh chừng. Lúc tôi đang định cởi quần Tiểu Hồng Hà kiểm tra, bên ngoài truyền đến tiếng mẹ Tiểu Hồng Hà: "Mấy đứa tiểu quỷ dắt nhau đi đâu rồi? Chớ để ta tìm ra được, không là mỗi đứa một roi vào mông đó!"
Tôi còn chưa kịp che miệng Tiểu Hồng Hà, con bé liền gọi: "Mẹ, hai anh ấy cởi quần con, bảo là chơi trò thầy thuốc bệnh nhân, vui lắm!"
Thấy con bé nói vậy, tôi cùng Hầu Tử ba hồn bảy vía lên mây, liền xoay người tìm chỗ trốn. Xung quanh toàn là vách tường trơ trụi, lấy đâu ra chỗ trốn? Cái này chỉ có thể nói là vận đen tới mà thôi, muốn tránh cũng không tránh khỏi. Ngay lúc tiếng bước chân của mẹ Tiểu Hồng Hà càng ngày càng gần, Hầu Tử nói nhỏ với tôi: "Mau, ở kia có một cái hang, chui vào đi!"
Tôi xoay người nhìn lại, ở gần phía tường miếu Tướng Quân có một cái hang, vừa vặn một đứa trẻ sáu tuổi có thể chui lọt. Tôi cùng Hầu Tử không hề đắn đo, lập tức chui vào.
Tới khi chúng tôi chui vào trong cái hang nhỏ, mẹ Tiểu Hồng Hà đã đằng đằng sát khí chạy tới, vừa mắng chúng tôi là hai đứa lưu manh, vừa dắt Tiểu Hồng Hà đi về. Con bé bị mẹ mắng cũng khóc toáng lên, làm tôi và Hầu Tử trốn trong hang cũng không dám thở mạnh. Chỉ trong chốc lát, chúng tôi đều không dám đi ra ngoài, bởi vì hai đứa muốn về nhà, nhất định sẽ phải đi qua cửa nhà Tiểu Hồng Hà. Hầu Tử đề nghị đến khi trời tối mới về, tránh gặp mẹ Tiểu Hồng Hà. Lúc đó là khoảng 4-5h chiều, mẹ Tiểu Hồng Hà gọi con bé về ăn cơm tối, thời đó ở nông thôn ăn cơm tối tương đối sớm.
Đến khi hai mẹ con Tiểu Hồng Hà đi khỏi, hai đứa chúng tôi mới phát hiện cái hang thông vào trong miếu. Ban đầu chui vào chỉ chú ý bên ngoài, bây giờ ngẩng đầu nhìn, trên vách miếu có không ít dấu vết của khói lửa. Chúng tôi chui vào miếu, gian phòng đó có thể là đại điện. Trên trần điện được chạm khắc rất tinh xảo, có hình thái cực bát quái, hồ lô, tiên hạc các loại. Cửa đại điện đóng kín mít, chỉ có chút ánh sáng le lói buồi ban chiều chiếu vào mà thôi.