Để nghiêm khắc mà nói thì chính thống Mao Sơn phái chỉ có Mao Sơn thuộc Chính Nhất Phái, nằm ở tỉnh Giang Tô. Nhưng chi phái Thiên Chính Đạo của Tra Nghiêm Vân có thể coi như con riêng, vẫn có rất nhiều liên hệ với bổn phái Mao Sơn. Rồi sau đó tới bởi vì chiến tranh và cách mạng, Đạo gia ở Trung Quốc cũng dần dần chìm trong lịch sử. Những bậc cao nhân hiểu Đạo thực sự chẳng còn lại mấy, kẻ hiểu chút da lông cũng dám tự xưng cao nhân, giúp người ta xem phong thủy, làm lễ cúng. Bây giờ đạo sĩ cùng đạo quan hoàn toàn biến thành một nghề hay cũng chỉ là nơi du lịch tầm thường, kẻ dốc lòng tu đạo cơ hồ không thể nhìn thấy.
Trở lại chuyện chính. Xế chiều hôm đó cha tôi sau khi được sự cho phép của trưởng thôn, ông mang theo công cụ, đi cùng Tra Nghiêm Vân tới miếu Tướng Quân. Sau khi đập nát mấy cái khóa đồng, cánh cửa miếu sau bao nhiêu năm cuối cùng cũng được mở ra trước thế nhân. Mùi ẩm mốc lâu ngày lập tức ập vào khiến hai người phải bịt mũi, nhìn quanh một vòng, trừ cái quan tài đen to lớn bắt mắt ở giữa đại điện thì không có những thứ khác. Cho dù là ban ngày, nhưng cảnh tượng như vậy cũng khiến người ta cảm thấy có chút lạnh gáy.
Cha tôi biết chuyện xảy ra với tôi nên không dám đi vào, chỉ có một mình Tra Nghiêm Vân bước vào trong miếu. Khi ông nhìn bức bích họa trên tường, rõ ràng có chút kinh ngạc, ngừng lại một chút rồi nhìn sang phía vách tường còn lại. Cái vách đó chính là nơi tôi thấy những ký tự kỳ lạ, nhưng khác với tôi, ông nhìn cái vách đó cả một buổi chiều, cả người ngơ ngẩn, giống như nhập định vậy. Cha tôi ở bên cạnh thấy ông ấy như vậy cũng không dám nói lời nào, chỉ có thể đứng ở bên ngoài, nhìn vào cửa miếu. Thẳng cho đến khi mặt trời xuống núi, Tra Nghiêm Vân mới quay đầu nói với cha tôi: "Đi thôi!"
Cha tôi cũng không dám hỏi nhiều, khi đi về Tra Nghiêm Vân dặn dò cha tôi khóa kỹ. Còn bảo ông phải về quê một chuyến, còn cho cha tôi một lá phù, dặn cha tôi dán vào cửa, phải coi chừng tôi thật kỹ, không được để tôi chạy loạn, chỉ qua độ vài ngày thì ông quay lại. Tra Nghiêm Vân cứ như vậy tạm thời biến mất ba ngày, mấy ngày đó quả thật tình hình của tôi có chuyển biến tốt, cũng ăn thêm được một chút. Mẹ tôi tựa như nhìn thấy hy vọng, cả ngày khẩn cầu Bồ Tát phù hộ. Ba ngày sau, Tra Nghiêm Vân lại tới nhà tôi. Đầu tiên ông hỏi thăm tình hình của tôi, sau đó bảo cha tôi cùng ông đi ra ngoài.
Tra Nghiêm Vân nói cho cha tôi, căn cứ theo suy đoán của ông thì miếu Tướng Quân có thể có hai lai lịch:
Thứ nhất chính là ông tìm được trong một quyển sách cổ, có một đoạn như thế này: “Miếu Tướng Quân, trong miếu có tượng Tam Thanh tổ sư, bích họa thụy thú; miếu này do người làm tướng sát tính quá hung nên chuyển thành sát nghiệp, tính tình hiếu sát, giết hại thiện nhân. Vì sát sinh quá nhiều, vong hồn dưới đao nhiều vô số kể, lại thêm ba phần sát tính của bản thân. Lâu dần tự thân sát khí cũng như tu luyện, thấm vào huyết mạch, dung hợp cả người, thường mê muội, thiên hạ khó có kẻ nào tới gần.
Thiên tử dùng long khí trấn áp không thành, sau đó phải ra lệnh chém giết. Tướng này sau khi chết oán khí và sát khí rất nặng, sau khi bị giết thường được bí mật hỏa táng. Sau đó phải mời người có bản lĩnh, đem tro cốt đưa vào rừng sâu núi thẳm. Lại mời đạo sĩ hóa giải sát khí, dẫn oán khí. Nên lập miếu, dùng chính khí của Tam Thanh trấn áp, vách tường phải khắc thụy thú tránh tai họa cho dân chúng trong vùng.”
Nói cách khác ngôi miếu này có thể được lập để trấn áp một viên tướng khi sống là sát thần, khi chết thành ma. Bởi vì thời Thái Bình Thiên Quốc vùng chúng tôi cơ hồ bị tàn sát sạch sẽ, cho nên lúc đó cũng không tìm được danh tính vị tướng này là ai, người đời sau cũng không có khảo chứng.
Cũng có cách giải thích thứ hai: Ngôi miếu này căn bản là một cái đạo quan, hơn nữa rất có thể chính là do vị Đạn Tử hòa thượng trong truyền thuyết xây nên. Nơi này khẳng định đã từng là một đạo quan được rất nhiều người qua lại. Mà theo Tra Nghiêm Vân quan sát, phong thủy nơi này chính là nơi chạm đầu của thủy long và thanh long, cách cục cực tốt, không thể có hối khí ngất trời như thế này.
Tra Nghiêm Vân nói tiếp: Đạn Tử hòa thượng sau khi về Tây Thiên, môn phái này được truyền lại cho đời sau. Nhưng không biết tại sao khoảng sau thời Thái Bình Thiên Quốc, môn phái này gần như tuyệt tích. Nên ngôi miếu này được một phái khác tiếp nhận, phái này chắc hẳn chính là Thanh Liên Giáo, vì phòng ngừa lúc đó triều Thanh cho quân tiêu diệt, cho nên đổi tên thành miếu Tướng Quân, tiếp tục che giấu, ẩn mình làm chút thủ đoạn. Vì Tra Nghiêm Vân ở vách tường bị đốt rụi có hình vẽ đặc thù của Thanh Liên Giáo — Đó là một đóa Bạch Liên Hoa.
Mà khiến Nghiêm Vân có băn khoăn lớn nhất chính là bức họa đồ nhiều ký tự kỳ lạ kia. Theo ông suy đoán, đó là một loại chữ viết đặc thù của Đạo gia đã thất truyền, người bình thường không cách nào xem hiểu. Nếu là người hữu duyên với Đạo gia thì sẽ bị hấp dẫn, đó rất có thể chính là bí tịch trong truyền thuyết《Như Ý Sách》, chẳng qua là lấy đạo hạnh của ông lúc này còn không cách nào hiểu thấu ý nghĩa trong đó. Nhưng dù vậy, cũng khiến cảnh giới trong tu hành của ông tăng mạnh.
Cha tôi sau khi nghe xong, cũng không hiểu rõ, nhưng cha tôi quan tâm nhất chính là bênh của tôi có chấm dứt được không?
Tra Nghiêm Vân trả lời rằng: tôi cũng không có dấu hiệu bị quỷ đói bám lấy, mở thiên nhãn quan sát thì chỉ thấy trên đầu tôi có một đóa sen và một đám mây đen, hai thứ đó quấn lấy nhau không ngừng. Tình huống bây giờ ông cũng không có cách hóa giải, có thể cần đi sâu vào điều tra mới có thể biết được.
Có câu nói "Không vào hang cọp, làm sao bắt được cọp con". Tra Nghiêm Vân quyết định đến giờ Tý, thời điểm âm khí nặng nhất, tiếp tục tới miếu Tướng Quân điều tra kết quả. Lần này ông đã chuẩn bị đầy đủ, còn đặc biệt dặn dò bảo cha tôi tìm hai người đồ tể cầm theo dao bầu nữa. Khi đó nông thôn còn chưa cấm dùng súng, cha tôi cũng vác theo súng săn treo trong nhà đi cùng.
Lúc Nghiêm Vân tới gần cửa miếu liền rút Thất Tinh Kiếm và đại ấn, đi về phía trước. Hai người đồ tể được ông phân công đứng ở trước cửa miếu, để ngừa phát sinh bất trắc. Cha tôi thì đứng ở bên cạnh ông. Lần này Nghiêm Vân không tiếp tục nhìn hai vách tường như lúc trước, mà trực tiếp hướng về phía cái quan tài đen xì kia, trong lòng ông có cảm giác chính cái quan tài đó nhất định có chút vấn đề.
Trước khi khai quan, Tra Nghiêm Vân đốt một nén nhang khấn vái. Nếu nén nhang có thể thuận lợi cháy hết, thì chứng minh cái quan tài này không có phiền phức gì cả. Nếu nhang chỉ cháy tới một nửa thì tắt, vậy chứng tỏ kẻ nằm trong quan tài không muốn ngươi ở lại, nên mau chóng rời khỏi.
Hương điểm xong, Nghiêm Vân lại cung kính chắp tay trước quan tài một lần nữa. Tới khi nhang cháy quá một nửa mà vẫn không có chút nào khác thường, chẳng qua đêm đó mây đen kéo tới che kín cả bầu trời, trăng cũng không sáng. Khung cảnh trong miếu lúc này hết sức âm u, chỉ có ánh sáng phát ra từ ba cái đèn mỏ (đèn của thợ mỏ đeo trên đầu). Mặc dù không gian trong miếu không lớn, nhưng luôn có cảm giác không thể chiếu hết, phảng phất trong lòng mọi người là một chút sợ hãi.
Tra Nghiêm Vân lại dâng một nén nhang trước bước bích họa của Thái Thượng Lão Quân, sau đó liền động thủ khai quan. Tra Nghiêm Vân là đạo sĩ, việc tang lễ đã làm qua không ít, quan tài trong mắt ông với cái tủ cũng chẳng có gì khác nhau nhiều lắm. Khi ông dùng xà beng định mở nắp quan tài thì phát hiện nó rất nặng, dù dùng sức thế nào vẫn không nhúc nhích, liền kêu thêm một người đồ tể tới hỗ trợ. Hai người một người ở đầu, một người ở cuối quan tài, lúc đang định phát lực nạy nắp quan tài lên, Tra Nghiêm Vân đột nhiên phát hiện nén nhang thắp trước bích họa Thái Thượng Lão Quân chỉ cháy được một nửa đã tắt.