Thiếp Định Chàng Rồi Quyết Chẳng Buông

Chương 1: Lấy thân báo đáp



Nguyên Tứ Nhàn lại mơ giấc mơ kỳ lạ.

Đây là lần thứ ba.

Giấc mơ vẫn đen kịt, không nhìn thấy gì cả. Nàng bị vây trong một khối đá dưới cầu bốn bề ẩm ướt, cực kỳ ngột ngạt.

Bách tính trên cầu bàn tán xôn xao, nói phụ tử Nguyên thị dấy binh tạo phản, đáng đời chết thảm, tiếc cho tiểu nương tử Nguyên gia vô tội bị liên lụy, mỹ nhân tuyệt sắc lại rơi vào kết cục bị rơi xác xuống sông.

Có người nói:

- Nghe đâu là chạy tới trên cầu này, sau đó bị loạn tên bắn chết.

- Chậc, còn trẻ, mới mười tám thôi mà.

Lại có người tiếp lời trêu chọc:

- Mỹ nhân chung quy vẫn là mỹ nhân, chết rồi vẫn nổi tiếng, tối qua tôi thấy một nhóm người ở đây lén lút mò vớt đấy.

Mùa xuân năm ngoái, khi lần đầu tiên mơ giấc mơ này, Nguyên Tứ Nhàn chỉ thấy dở khóc dở cười.

Nàng đang là một nhành hoa yên ổn bỗng dưng thành khối đá người người giẫm đạp, bị ánh mặt trời chói chang thiêu đốt, bị mưa tuyết bao phủ, ngày ngày làm bạn với đế giày và bánh xe dơ bẩn, đây là chuyện gì chứ?

Tạm gác chuyện phụ thân và huynh trưởng của nàng sao lại làm phản, nàng thật hiếu kỳ là ai yêu thích thi thể nàng đến vậy.

Mà đừng có mò vớt lung tung chứ, nàng ở trong khối đá, có thể giúp đục nàng ra không?

Lần đầu mơ giấc mơ hoang đường như thế, nàng chỉ cười cười cho qua, nhưng đến đầu xuân năm nay, lần thứ hai bị giấc mơ ấy hành hạ, nàng mới cảm thấy không ổn.

Ở lần thứ hai, trong giấc mơ dường như đã trôi qua rất nhiều năm.

Nàng nghe có người trên cầu cảm khái sự đời khó đoán, nói rằng năm xưa phụ tử Nguyên thị thê thảm, bị lục hoàng tử đâm sau lưng, chẳng ngờ giờ đây, án mưu nghịch ấy xoay chuyển, được cải án.

Có người nhẹ nhàng phụ họa, ờ phải, nhìn xem nửa năm nay phong vân biến chuyển, đầu tiên là Huy Ninh Đế bị ép nhường ngôi, làm thái thượng hoàng bù nhìn, ấu hoàng tử thứ mười ba thượng vị, do thần tử thân tín nhất của thái thượng hoàng phò tá đăng cơ... Chuyện mỉa mai như thế, nào ai có thể ngờ?

Nói đến đây, hình như có xe ngựa lại gần, hai người lập tức im lặng.

Nguyên Tứ Nhàn tỉnh dậy, mở mắt hồi tưởng một phen, cũng hoảng kinh hồn vía.

Giấc mơ này sao không giống như mơ.

Nàng sinh ra ở quốc đô Trường An, năm chín tuổi theo phụ thân được phong “Điền Nam vương” dời nhà đến Diêu Châu, mãi đến năm ngoái cập kê vì được thánh nhân khâm điểm nên mới về kinh một chuyến, nhận phong “Lan Thương huyện chúa”, sau đó nhanh chóng quay về tây nam.

Nàng quanh năm cách xa triều đình, biết rất ít những chuyện chính trị chán ngấy, sao bỗng dưng lại mơ thấy mấy chuyện này? Càng khiến người ta suýt rớt cằm chính là: khi nàng bóng gió nghe ngóng từ phía phụ thân thì phát hiện đương kim thánh nhân thật sự có một ấu tử bốn tuổi, vừa khéo đứng hàng thứ mười ba.

Nghiền ngẫm lại, Nguyên Tứ Nhàn rùng mình một trận.

Lúc đó nàng đã hơi hơi không kiềm được, mấy ngày sau lại biết qua thư của huynh trưởng gửi về là gần đây dường như huynh ấy khá thân thiết với lục hoàng tử trong triều. Nhớ tới trong giấc mộng hai năm sau, huynh trưởng mất mạng dưới tay lục hoàng tử, nàng liền triệt để đứng ngồi không yên, bèn thu thập hành lý, lặn lội đường xa đến Trường An để tìm hiểu rõ ràng.

Hiện tại, nàng đang trong xe ngựa lộc cộc lên phía bắc. Xe đã đi được hai tháng, cách quốc đô rất gần.

...

Sáng sớm, Nguyên Tứ Nhàn bị xóc nảy tỉnh lại, lòng buồn khổ.

Giấc mơ thứ ba không có gì mới mẻ, đa phần là lặp lại hai giấc mơ đầu, thu hoạch duy nhất là lần này nàng cố tình để ý, thu gom được ít tin tức trong lời nói của mọi người, đại khái biết được cái cầu kia ở chỗ nào.

Trong xe, tỳ nữ Thập Thúy thấy nàng mệt mỏi, tóc mai ướt đẫm thì vội vê cái khăn vuông bằng lụa trắng lau mồ hôi cho nàng, vừa lau vừa nói:

- Tiểu nương tử gặp ác mộng à?

Nàng lấy lại tinh thần, lắc đầu, cầm một chiếc gương đồng soi mặt, lòng bàn tay ép đôi gò má:

- Không có gì, chỉ là mơ thấy có người khen ta đẹp.

Dứt lời, nàng chớp chớp mắt hai cái:

- Nói thế nào nhỉ? Ờ, tuyệt sắc.

Thập Thúy mỉm cười nhìn nàng. Tiểu nương tử có ngoại hình không thể nào xoi mói. Làn da như ngọc mịn màng, mày như núi thắm dịu dàng xa xa, mũi càng thổn thức người ta, quỳnh dao ngọc đẹp chẳng qua cũng vầy, mắt xinh hấp háy cánh đào, long lanh lóng lánh sóng xao thu về.

Nàng ấy phụ họa:

- Người này thật tinh mắt.

Nguyên Tứ Nhàn gật gù tán thành, xong gọi với ra ngoài màn xe:

- Giản Chi, bao lâu nữa thì tới Trường An?

- Tiểu nương tử, nhanh thôi, chắc là buổi trưa ạ.

Nàng nghĩ nghĩ rồi dặn:

- Đổi đường qua cổng Diên Hưng thành đông, chúng ta đi cầu Lộc xem xem.

Xe ngựa rẽ vào khúc quanh, giờ Tỵ qua hơn nửa thì vòng tới cầu Lộc.

Cầu này cách cổng Diên Hưng mấy chục dặm, được xem là nơi quan trọng nối liền đông tây, là nơi mà người trong thành và du khách luyến lưu tiễn biệt, vì tiễn biệt trên cầu không ai là không đứt từng khúc ruột, bởi thế nó còn có tên là cầu Đoạn Trường (1).

(1) Đoạn trường: đứt ruột.

Tháng năm giữa hạ, vầng dương gay gắt giữa trời. Mặt sông Lộc sóng nước long lanh như sinh ra những vết nứt nhỏ, hai bờ sông liễu xanh che bóng mát, xa xa là mấy chục gốc hòe đã qua kỳ hoa nở rộ, hoa hòe trắng rơi đầy trên đất, từ xa nhìn lại hệt như một lớp tuyết dày.

Giản Chi dừng xe ngựa bên cầu, bước xuống trước rồi mới vén rèm nói với vào trong:

- Lang quân, đến cầu Lộc rồi.

Dứt lời, Nguyên Tứ Nhàn nhẹ nhàng bước xuống, tim Giản Chi không khỏi đập mạnh một nhịp.

Nàng theo hầu tiểu nương tử nhiều năm, đã quen nhìn dung mạo diễm lệ của nàng ấy, lần này đi xa đến Trường An, vì để tiện đi đường nên tiểu nương tử dọc đường luôn mặc nam trang, hiện đang mặc trường bào cổ tròn màu xanh lơ, đầu đội khăn quấn mềm màu đen xanh, chân mang ủng da, trông như một lang quân xinh đẹp. Từng cử chỉ giơ tay nhấc chân như muốn câu mất hồn nàng.

Nguyên Tứ Nhàn hơi dừng lại rồi đi về phía cầu.

Lần đầu tiên nàng mơ giấc mơ kỳ lạ đó vừa vặn là năm ngoái trên đường vào kinh nhận phong, sau khi đến Trường An, nàng sinh lòng hiếu kỳ nên đi thăm hết các cây cầu vòm ở Trường An, bao gồm cầu Lộc nhưng không dám khẳng định là chỗ nào. Bây giờ tốt xấu gì nàng cũng biết chính xác rồi.

Cầu vòm xây từ gạch xanh cao lớn cổ xưa, dài không thấy đầu kia.

Nguyên Tứ Nhàn đứng trên cầu một lúc, tỉ mỉ nhìn quanh một vòng, chợt hỏi tỳ nữ Thập Thúy phía sau:

- Thập Thúy, ngươi nói xem, nếu trọng phạm kinh thành muốn bỏ trốn thì lựa chọn cây cầu này có sáng suốt không?

- Cầu Lộc hướng về vùng đông đô Lạc Dương, tỳ nữ cho rằng, trọng phạm qua đây để trà trộn vào địa giới phồn hoa vẫn xem là thượng sách. Sao lang quân lại nói lời này?

Ngón trỏ trắng như rễ hành của nàng gõ lên lan can cầu mấy cái. Tuy nói là nói vậy nhưng chạy trốn lên cầu, bị loạn tên bắn chết cũng quá uất ức, quá mất phong độ rồi.

Nàng thở dài, không đáp chỉ cười:

- Ta đói, vào thành thôi.

- Giản Chi dắt ngựa cho ăn chưa về, lang quân đợi ở đình Lộc một lát nhé.

Nguyên Tứ Nhàn gật đầu.

Đình Lộc là trạm nghỉ trên cầu. Gần đến buổi trưa, người qua lại trên cầu nối liền không dứt. Trường đình ngói đỏ ngăn cách âm thanh rộn ràng, vô cùng râm mát.

Không ngờ Nguyên Tứ Nhàn vừa ngồi xuống băng ghế dựa lan can liền có một tràng tiếng bước chân gấp gáp từ hai đầu trường đình vọng đến.

Một đám nam tử trong trang phục gia đinh với khí thế hung hăng tiến tới, nàng lập tức đứng dậy cảnh giác, một giọng nữ mềm mại ngọt ngào vang lên:

- Không được vô lễ, vị này là ân công cứu mạng của ta!

Các gia đinh với khí thế sắp đánh nhau hơi tản ra. Một thiếu nữ mặc y phục màu vàng nhạt xách làn váy vội vã chạy đến, chính là người vừa lên tiếng.

Nguyên Tứ Nhàn khó hiểu nhìn nàng ấy:

- Tiểu nương tử có phải nhận nhầm người không?

Nàng mới tới Trường An, giày còn chưa kịp dơ nữa là, làm gì có chuyện cứu ai.

Thiếu nữ áo vàng với mái tóc đen được búi lại, xem ra vẫn chưa thành niên, hơi lùn hơn Nguyên Tứ Nhàn một chút, ngũ quan vô cùng xinh xắn, lúc nói chuyện, đôi mắt nai lóng lánh của nàng ấy nhìn ngẩn ngơ.

Dường như nàng ấy nhìn Nguyên Tứ Nhàn đến ngây ngốc, sau khi hoàn hồn thì vội nói:

- Ân công không nhớ à? Đầu xuân năm ngoái trên cầu Lộc này, ân công từng cứu mạng nô, nô cũng đã tự giới thiệu gia môn.

Dứt lời, mặc kệ Nguyên Tứ Nhàn có ấn tượng hay không, nàng ấy bước lên mấy bước, ánh mắt hơi lộ vẻ thẹn thùng:

- Nô đã tìm ân công ròng rã cả năm trời, một lòng chỉ mong được lấy thân báo đáp. Nếu ân công vẫn chưa có thê thất, nô nguyện lòng được báo đáp ân xưa!

Thập Thúy biết chút võ công, thấy nàng ấy lỗ mãng đến gần bèn theo bản năng giơ ngang đao chưa rút ra khỏi vỏ lên đặt giữa nàng ấy và Nguyên Tứ Nhàn. Gia đinh xung quanh hoảng hốt, cũng thi nhau nắm tay cảnh giác.

Đang yên đang lành, bốn phía bỗng chốc trở nên giương cung bạt kiếm.

Nàng ấy cứ mở miệng là ân công ân công, Nguyên Tứ Nhàn nghe mà mờ mịt, nhìn kỹ mặt nàng ấy mới ngờ ngợ nhớ ra, năm ngoái khi nàng ghé thăm cầu Lộc, quả thật từng xảy ra việc ngoài ý muốn.

Lúc đó người trên cầu đông đúc, một nam tử không khống chế tốt ngựa, cả người cả ngựa hoảng hốt lao vào giữa dòng người. Sau khi nàng tránh thoát móng ngựa thì thấy bên cạnh có hai nương tử bị ép lui liên tục, sắp ngã khỏi lan can cầu, dưới tình thế cấp bách, nàng liền đưa tay kéo. Tuy không thể cứu cả hai, nhưng dẫu sao nàng cũng kéo được một người tránh khỏi họa rơi xuống nước, hình như chính là thiếu nữ trước mặt.

Nhưng nàng đích thực không nhớ nàng ấy là ai, họ gì tên gì. Trước mắt thông qua lời giải thích của đối phương mà đoán thì có lẽ ngày đó vì nàng muốn che giấu danh tính nên vội vã rời đi, thế nhưng do bộ nam trang trên người đã gây ra hiểu lầm, câu mất trái tim thiếu nữ nhà người ta.

Nguyên Tứ Nhàn đắn đo.

Nhìn trang phục của tiểu nương tử này, đoán rằng nàng ấy không giàu sang cũng phú quý, sau này nói không chừng sẽ có qua lại trong thành Trường An, bởi vậy việc này nên nói rõ càng sớm càng tốt. Huống hồ bộ nam trang của nàng đơn thuần chỉ để tránh những phiền phức không đáng có khi lặn lội đường xa, bây giờ đã an ổn đến quốc đô nên không cần phải che giấu nữa.

Nàng đưa tay ra hiệu cho Thập Thúy hạ đao xuống, vừa định khôi phục giọng nói cũ để giải thích cho đối phương thì trước mắt vụt hiện lên một người nữa tới.

Đó là một nam tử mặc quan bào màu đỏ sẫm, trông khoảng 20 tuổi, vai rộng eo hẹp, vóc người cao lớn, thoạt nhìn tuấn tú phong độ ngời ngời, có điều đôi mắt phượng nghiêng nghiêng hơi lóe lên ánh sáng lạnh khiến người ta cảm nhận sâu sắc rằng “người tới không tốt”.

Hết đợt này tới đợt khác, xong chưa hả?

Gia đinh xung quanh thấy người đó liền tránh ra nhường đường. Thiếu nữ kia cũng quay đầu lại, kinh ngạc bước lên cười nói:

- Muội vừa phái người mời a huynh, không ngờ a huynh đến nhanh thế.

Dứt lời, nàng ấy đưa tay, nhìn Nguyên Tứ Nhàn:

- Vị này chính là ân công cứu mạng mà muội từng kể với mẹ, cũng chính là muội phu tương lai của a huynh đấy.

Lời tự biên tự diễn này thật khiến Nguyên Tứ Nhàn muốn che mặt đỡ trán. Chỉ là nàng còn chưa kịp làm gì thì cảm giác được ánh mắt nam tử đối diện đang quét khắp người mình, trước tiên là ở eo, sau đó hướng lên phần cổ lộ ra ngoài, nhìn kỹ, con ngươi co chặt.

Ánh mắt đó như có thực khiến nàng cảm thấy phần da thịt bị nó nhìn vào như tỏa nhiệt, ngứa ngáy.

Nam tử nhanh chóng bỏ đi cái nhìn ấy, quay đầu trừng muội muội, ra lệnh với xung quanh:

- Toàn bộ lui xuống, đưa tiểu nương tử về phủ.

Thiếu nữ không chịu đi, vội nói:

- A huynh! Muội đã hứa với ân công sẽ lấy thân báo đáp, sao có thể nuốt lời? Gái lớn gả chồng, huynh và mẹ không giữ được muội đâu! Vả lại, ân công có gì không tốt? Huynh nhìn xem, huynh ấy giống như muội nói, dáng vẻ đường đường, phong độ ngời ngời kìa!

Nam tử vì có đôi mắt phượng, tướng mạo vốn đã tự oai phong, nghe vậy sắc mặt càng thêm âm trầm.

Thiếu nữ lần này hình như hơi sợ y, rụt đầu lại.

Cũng phải, nghe lời giải thích vừa vô lương tâm vừa đáng đánh đòn này, Nguyên Tứ Nhàn cũng đổ mồ hôi thay.

Nàng há miệng muốn nói xong lời giải thích chưa kịp nói để đuổi đôi huynh muội này đi, không ngờ lại bị nam tử chiếm tiên cơ, y hơi lộ vẻ bất đắc dĩ, ừ một tiếng không mặn không nhạt:

- Đích thực là dáng vẻ đường đường, phong độ ngời ngời của một...

Nói đến đây, y dừng lại, nhìn thẳng vào mặt Nguyên Tứ Nhàn nói:

- Tiểu nương tử.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.