Leo núi một mình vào buổi chiều không phải ý kiến hay. Nhất là khi không có sự chuẩn bị. Nhưng Phượng đã bị cuốn vào ý tưởng của mình mà không chú tâm tới điều đó.
Khi trời xẩm tối, cô đang ở lưng chừng núi. Từ đây chưa thấy mỏ sắt nhà Tiến Phước đâu, cô biết là mình toi rồi.
Mới 6 giờ, trời đã tối om. Ở cái nơi thiên nhiên hoang dã không bóng đèn đô thị này, đêm tối càng có thêm sức mạnh.
Điện thoại không có tín hiệu, pin còn 31%. Mà thú thực Phượng chẳng có ai để cầu cứu cả. Cô vẫn luôn một mình.
Đường rừng chỗ nào cũng giống nhau, khi màn đêm phủ xuống, bốn phía đều đen như hũ nút.
Giờ cô hiểu tại sao đang đầu hè mà đám thợ ảnh kia lại mặc áo phao rồi. Ban đêm trên núi, nhiệt độ hạ xuống thấp. Có thể xuống dưới 10 độ C.
Hay rồi, cô đang khát khô cổ, chân mỏi nhừ, lạnh cóng, hoang mang và không biết phải làm gì.
Cô đúng là trẻ nông thôn đấy, nhưng nhà cô ở đồng bằng.
Sau khi hò hét kêu cứu một trận, họng cô đau rát. Dù là dân nhạc và có khiếu hát hò, thanh quản của cô rất yếu. Ngày bé, sau một sự kiện, dây thanh quản của cô trở nên rất dễ tổn thương.
Lớn lên cô bị viêm thanh quản cấp. Chỉ cần nói nhiều hoặc nhiễm lạnh cũng đủ để thanh quản của cô sưng vù, mất tiếng suốt một tuần.
Trong bóng tối, cô ngồi thu mình lại một góc để giữ ấm.
Phượng lẩm bẩm:
“Ngu ngốc. Ngu ngốc tự hại chết mình. Mày thì có thể trả thù được ai?”
Kiếp trước, sau khi chết, linh hồn cô không tan biến ngay. Có lẽ như đạo Phật nói, linh hồn oan khuất chết đường chết chợ không thể siêu thoát.
Hồn cô loanh quanh bên cái bao tải ở bãi đất hoang bị ruồi bọ bu chịt. Mãi cho đến khi một thợ xây phát hiện ra và đội dọn xác mang cô đi. Nhưng hồn cô vẫn không thể rời khỏi đó. Cô suy nghĩ vẩn vơ.
Ừm, xác được tìm thấy rồi, không lâu sau mẹ sẽ nghe tin thôi. Mẹ biết tin thì sẽ thế nào nhỉ? Con tim mẹ sẽ tan nát mất.
Người mẹ đã trải qua một đời đau khổ của cô sẽ vừa hoang mang, vừa mang tâm lý ăn may lên thành phố. Vừa đi, bà sẽ vừa nhủ thầm rằng cảnh sát chỉ nhầm thôi. Không thể là Phượng, không thể là con gái ngoan của bà. Con gái của bà vừa nhắn tin cho bà đầu tuần, nói là việc học rất bận nên không thể về, bà đừng lo lắng.
Cảnh sát mở tấm vải trắng lên, một thi thể biến dạng không nhận ra nổi là nam hay là nữ, thớ thịt đầy dấu vết bị giòi gặm nhấm.
Cảnh sát nói với bà rằng đây là con gái bà. Con gái bà đã bị bắt cóc và xâm hại tập thể nhiều lần trong suốt 14 ngày, không được ăn và uống nước sạch. Sau khi bị hành hạ bởi đủ loại trò biến thái, con gái bà kiệt sức, chết do vết thương nhiễm trùng. Xác được nhét trong bao tải, vứt ở một công trường xây dựng ở ngoại ô. Sau 4 ngày thì được phát hiện ra.
Mặt mẹ sẽ trắng bệch, nói lặp đi lặp lại như chiếc đĩa xước:
“Không phải. Đây không phải là con gái của tôi. Con gái của tôi bây giờ đang đi làm. Thật đấy. Tôi dẫn các anh đến nhà hát chỗ nó làm. Đầu tuần nó còn nhắn tin cho tôi. Không phải. Không phải Khánh Phượng nhà tôi đâu. Không phải con gái tôi đâu.”
Cảnh sát lạnh lùng nói với bà rằng các hung thủ giữ điện thoại của nạn nhân, tin nhắn đó là do chúng gửi.
Người mẹ đáng thương của cô, sã đau lòng biết bao. Hình ảnh cuối cùng chạy qua não trước khi tắt thở là hồi ức năm cô 6 tuổi. Trong một đêm hè mất điện, mẹ quạt cho cô ngủ. Giá như cô có thể chết ngay tại khoảnh khắc đó. Mong muốn nhỏ bé vậy thôi mà không ai chịu ban cho cô.
Tim đã ngừng đập, nhưng cô vẫn nhìn, vẫn nghe thấy mọi việc sau khi chết.
Báo chí đăng tin về cái chết của cô. Hung thủ là một nhóm cậu ấm nhà giàu có quen biết với nạn nhân. Tên của chúng được giấu kín. Vậy mà danh tính của cô lại phơi bày cho cả thiên hạ.
Thay vì phê phán hung thủ, tất cả lại chĩa mũi nhọn về cô.
“Ngu. Ngu thì chết chứ oan ức gì.”
“Chắc nhà nghèo muốn bám trai giàu chứ nếu nó biết tránh xa từ đầu thì làm sao mà bị thế.”
“Làm gì có đứa con gái trong sạch nào lại đến mấy chỗ đấy. Nghe nói nó làm ở Club lâu rồi. Qua tay bao người rồi chứ sạch sẽ gì. Mặt mũi tầm thường như thế không mời người ta thèm vào!”
“Thú thực thì học nghệ thuật người trong sạch nó ít lắm. Nhiều bạn nữ vì tham vọng đổi đời nên chấp nhân đánh đổi. Một bàn tay làm sao phát ra tiếng.”
“Nhìn mặt đã biết tiện rồi. Con này chắc chắn là thích sáp vào trai giàu kiếm lợi nên mới bị cắn ngược. Có khi nó thích chiều mấy thằng biến thái ý chứ. Chứ không cho người ta cơ hội thì làm sao mà dây dưa được.”
Sau vài ngày, một đám người không biết từ đâu chui ra nói là quen biết cô, hùng hồn chứng minh cô là thứ con gái hám của bán thân để đi lên. Nào là thấy cô cặp kè với thầy này, nhạc sĩ nọ, nào là thấy xuống từ xe hơi, rồi còn dùng túi hiệu, kiêu ngạo nạt bạn trong trường.
A, thì ra đây chính là chết không nhắm mắt.
Cô đã làm gì mà khiến người ta ghét thế?”
Cô đâu có xinh đẹp. Cô chẳng đưa đẩy tán tỉnh ai bao giờ. Vậy mà cô vẫn trở thành mục tiêu quấy rối. Số phận cay nghiệt với cô đến vậy vẫn chưa đủ sao?
Bị chửi vì để năm người đàn ông bắt cóc. Bị chửi vì để bị xâm hại. Bị chửi vì để bản thân chết mà không thoát ra được như phim Hollywood. Bị chửi vì chết không được sạch sẽ. Bị chửi vì làm xấu mặt những người cô chưa từng gặp mặt và họ cũng không biết cô.
Chà, con người quả là một sinh vật nực cười.
Các người làm tôi quên mất mình là nạn nhân đấy.
Vậy mà điều khiến cô đau khổ hơn còn ở phía sau. Những kẻ tra tấn và giết hại cô chẳng hề bị trừng phạt. Chúng là con cháu của những gia đình quyền lực. Đưa ra những bằng chứng giả và vài con tốt thí thế thân. Chúng dễ dàng qua ải. Sang nước ngoài vài năm chờ dư luận lắng xuống, quay về nước làm con người mới trong sạch.
Còn cô, hai chữ trong sạch như thế nào cũng chẳng biết rồi.
Thân thể.
Danh dự.
Dù cô không thể nhìn thấy, nhưng tiếng người chửi rủa cứ như tự biết đường mà chạy vào tai cô. Phải chăng đây là một loại tra tấn? Loại tra tấn khủng khiếp gấp trăm nghìn lần quá trình hành xác 14 ngày trong căn phòng tăm tối kia.
Cô từng làm nên chuyện độc ác gì, mà cả thiên đàng lẫn địa ngục đều từ chối đón cô?
Cứ như vậy rồi đến một ngày, tiếng nhiếc mắng thưa dần rồi biến mất. Phải chăng đây là sự giải thoát?
Không đâu.
Xác cô vô tình nằm trên công trình xây dựng của tập đoàn CCorp. Dự án xây dựng khu công viên giải trí lớn nhất Châu Á, có người chết thì không hay rồi.
Thế là, ông chủ của CCorp quyết đoán xử lý khủng hoảng truyền thông, ép dư luận xuống. Không một báo đài nào dám nhắc đến cái thi thể trên khu vui chơi hạng nhất trong tương lai của CCorp. Góp phần giúp phán quyết bất công càng thực thi trót lọt quỷ thần không hay.
Trong lòng Phượng, kẻ đứng đầu tập đoàn CCorp lẫy lừng kia dã man chẳng khác nào những con quỷ đã tra tấn thể xác cô.
Nếu nhóm người kia chà đạp, sát hại cơ thể sống của cô. Thì CCorp đã bóp chết công bằng mà cô khao khát nhận được, bóp chết danh dự của cô, của mẹ cô, khiến cô oan khuất không thể nhắm mắt.
Nếu bắt buộc phải so sánh, còn chưa biết ai ác hơn ai.
Vui thật. Cô thề, cô thề rằng mình sẽ ở đây, bám khu vui chơi của hắn mãi mãi. Cô sẽ ám nơi này, gây tai nạn để không ai thèm đến cái nơi khủng khiếp này nữa.
Nhưng rồi, cô nghe thấy tiếng khóc của mẹ. Mẹ chôn cô ở ruộng nhà vì người ta không cho phép xây mộ cô trong nghĩa trang làng. Nói cô là nỗi ô nhục của cái làng này.
Sức ép của truyền thông thực đáng sợ. Họ sẵn sàng dày vò danh dự của một cô gái họ chưa từng gặp bạn. Những người thân nhìn cô lớn lên đều quay lưng lại với cô.
Dư luận có thể đẩy người ta vào chỗ chết. Và cũng có thể khiến người chết chết thêm nhiều lần nữa.
Người duy nhất không rời bỏ cô, chỉ có mẹ.
Mẹ vuốt ảnh cô trên bia mộ, cười hiền hòa.
“Con luôn là niềm tự hào của mẹ. Dù ai nói gì, con vẫn luôn là cô gái ngoan.”
Cô gục đầu xuống gối, nước mắt lan tràn như mưa.
Bóng tối và sự lạnh lẽo này chẳng khác nào lúc cô chết cả.
Cô sợ.
Cô khóc nức nở, không nhận ra tiếng gọi vọng đến gần đó và tia sáng từ đèn pin.
Đến tận khi người đó đứng đối diện, khẽ lay vai cô. Phượng giật mình ngẩng đầu.
Đôi mắt ướt nhòa của cô gặp ánh sáng liền nheo lại.
Với bóng trăng bạc rọi chiếu sau lưng, anh hiện lên như một vị thánh.