Thỏa Thuận Yêu Đương

Chương 9: Giúp Đỡ



Điện thoại kết nối, giọng bà Lan đầy hảo cảm vang lên, khác xa thái độ nghiêm khắc lúc la rầy cháu gái: "Ngoại nghe nè Phi. Sao đang giờ làm mà con gọi cho ngoại vậy?"

Dì Vân, mẹ của Thoại Uyên và chị hai Thoại Khanh nhìn biểu cảm vui vẻ của bà Lan cũng ngạc nhiên vô cùng. Lúc nãy nói chuyện với Thoại Uyên thì giở thói bề trên, hết ra lệnh đến cấm đoán. Giờ nói chuyện với cháu rể tương lai thì ngọt ngào, o bế. Không lẽ đây là sức mạnh tiềm ẩn của chàng rể Việt kiều trong truyền thuyết?

Trước giờ họ cũng có nghe nói cứ gắn mác Việt kiều sẽ giành được ưu ái của các cô gái Việt Nam và cha mẹ nội ngoại hai bên. Nhưng đấy là đối với những gia đình nghèo khó và muốn xuất ngoại. Còn bà cụ nhà này có địa vị xã hội, tài chính dồi dào, tính cách mạnh mẽ nên đâu cần vọng ngoại. Thế sao bà cũng chạy theo trào lưu và dành sự ưu ái cho người thanh niên độc thân từ bên kia đại dương này? Chuyện gì đang xảy ra?

Hoàng Phi cũng cảm nhận bà Lan hoàn toàn không khó chịu khi nhận điện thoại của mình. Thật ra anh cũng trên ba mươi, đã va chạm nhiều và ngày thường luôn phải dỗ dành lấy lòng bà nội trái tính ở nhà, nên thừa kinh nghiệm giao tế với người già. Đương nhiên anh cũng biết làm thế nào để có được hảo cảm của bà Lan.

"Dạ con ra ngoài nói chuyện với ngoại một chút. Thoại Uyên mới gọi cho con, cô bé khóc nhiều nên con lo."

Đầu dây bên kia bà Lan nghe Hoàng Phi nói vậy tâm liền nở hoa. Cháu rể tương lai này xem ra có tình cảm thật với cháu gái ngu ngốc của bà. Nếu vậy thì tốt quá, mọi chuyện đã đi đúng quỹ đạo bà vạch ra. Hảo cảm của bà dành cho Hoàng Phi lại tăng thêm. Con người rất lạ, một khi đã có cảm tình rồi thì nhìn kiểu gì cũng thấy thuận mắt.

"Ngoại chỉ không cho con bé đi học nhóm vậy mà nó lại gọi sang phiền con, đúng là trẻ con quá mức!"

Hoàng Phi lựa lời nói giúp Thoại Uyên: "Dạ không sao. Tại bé Uyên sắp phải thuyết trình nên cần học nhóm. Buổi trưa nếu kéo các bạn về nhà thì quá xa và trời đang nắng. Ngoại cho phép em ấy ở lại trường học với các bạn đi ạ."

Chẳng biết giọng Hoàng Phi mềm mỏng thế nào mà khiến bà Lan cảm động, rồi tự mặc định rằng tại cháu rể xót cho cháu gái của mình, nên mới bất chấp đang trong giờ làm vẫn bỏ việc để gọi về xin bà. Cháu rể biết phép tắc và thương yêu cháu gái như vậy, bà còn điểm nào không hài lòng?

Thế nên vì mặt mũi của cháu rể, bà đành đặc xá cho cháu gái. Trong lòng bà còn vô cùng vui vẻ vì đã chọn được người cháu rể quá hiểu chuyện. Nếu cháu rể xúi giục cháu gái chống đối, thì bà cũng chẳng làm được gì. Nhưng cháu rể này lại biết kính trên nhường dưới, thật là một thanh niên tốt!

"Ngoại sẽ không cấm con bé học nhóm nữa đâu. Con yên tâm làm việc đi. Giữ gìn sức khỏe nhé con." Giọng bà Lan đầy tình cảm.

Dì Vân và Thoại Khanh chỉ biết trố mắt nhìn, cứ như bà Lan đã biến thành con người khác, không còn phúc hắc cũng chẳng quá phận.

Ở bên này gác máy xong, Hoàng Phi thay vì nhắn báo Thoại Uyên rằng mình đã xin ngoại cho cô rồi tập trung vào công việc, thì anh lại gọi điện. Đây là kiểu của những kẻ mới yêu và thường tranh thủ từng giờ từng phút để liên lạc với người ta. Hoàng Phi đã không nhận ra bản thân đang tận dụng mọi cơ hội để trò chuyện trực tiếp với Thoại Uyên.

"Ngoại đã đồng ý cho Uyên học nhóm ở trường rồi đó."

"Thật ạ?" Thoại Uyên không tin hỏi lại.

"Anh đã xin ngoại cho em rồi, làm sao giả được. Giờ vui lên đi bé. Học bài xong tranh thủ ngủ, không được ngồi trong phòng khóc nữa." Giọng Hoàng Phi kín đáo yêu chiều.

Anh biết cô nhóc này mỗi khi bị mắng là trốn trong phòng khóc tỉ tê. Cô không được mạnh mẽ như chị hai của mình. Thoại Uyên giống tánh mẹ, có vẻ hiền và chẳng bao giờ dám chống đối bà Lan. Còn dì út và chị hai thì thuộc trường phái bướng bỉnh, sẽ luôn cãi tới cùng nếu bà ngoại không nói lí.

Có lẽ bà Lan không điều khiển được bọn họ, nên mới làm áp lực lên hai kẻ yếu đuối trong nhà. Khổ sở nhất là Thoại Uyên, cứ bị bà giám sát đến mệt mỏi. Ngày trước Hoàng Phi không tài nào hiểu nổi cô. Thời đại nào rồi mà còn sợ bà ngoại của mình? Đã trưởng thành sao phải chịu sự kiếm soát quá đáng của ông bà cha mẹ. Giờ tiếp xúc nhiều với gia đình này, anh đã hiểu tường tận.

Bà Lan luôn mặc định con cháu không nghe lời bà, nên cuộc đời mới dở dang. Bây giờ trong nhà còn mỗi Thoại Uyên đang tuổi lớn, bà sợ lịch sử lặp lại nên ra sức kiểm soát cô. May mắn Thoại Uyên không phải kiểu người hay chống đối và thích nổi loạn, nên bà có thể áp dụng quyền hành lên cô.

Nếu tính cách của Thoại Uyên giống mấy cô bạn bên Mỹ của anh, thì mười người ngoan cố như bà Lan cũng không khiển được. Vì Thoại Uyên biết sợ bà, nên mới có chuyện anh lừa cô thỏa thuận yêu đương. Và chắc trời trả báo anh, lừa Thoại Uyên giả vờ yêu, cuối cùng anh đã có cảm tình thật. Thế mới nói làm chuyện gian trá thì có ngày cũng trả giá.

Thoại Uyên được ngoại cho phép học nhóm ở trường ngày mai, nên mang tâm trạng vui sướng lên giường. Cô còn ủ mưu sẽ tìm mọi cách không đi xe nhà để tự do bay nhảy. Thường học ở Thủ Đức, tài xế của ngoại sẽ đưa cô đi và đón về. Đây cũng là cách ngoại kiểm soát cô. Chỉ khi nào học gần nhà thì Thoại Uyên có quyền đi xe tay ga của mình.

Bọn cô hẹn học nhóm xong sẽ lang thang cùng nhau. Cơ hội ngàn năm có một, Thoại Uyên phải tranh thủ. Nếu để tài xế của ngoại giám sát, làm sao cô đi chơi được. Thế là sáng hôm sau xuống nhà, Thoại Uyên trưng bộ dạng đáng thương năn nỉ bà Lan.

Ngày thường cô rất sợ ngoại, bữa nay vì công cuộc tụ họp bạn bè, Thoại Uyên đã gồng mình xin xỏ. Nói một lúc bà Lan mới xiêu lòng. Gia đình của cô đúng thật kỳ lạ. Bà ngoại còn hơn cả mẹ ruột, có thể quyết định cuộc đời cháu gái. Bà nắm mọi quyền sinh sát trong tay.

Sau khi dặn dò đủ các kiểu và bắt Thoại Uyên phải cam kết chỉ ở trường không được la cà, học xong phải về nhà rồi bà mới cho phép cô ra cửa. Mẹ cô, dì út và chị Thoại Khanh ngồi ở bàn ăn sáng cũng chỉ có thể lắc đầu. Trong lòng họ thấy tội nghiệp Thoại Uyên. Không hẹn mà gặp, ba người đều âm thầm tự nhủ sẽ yêu thương cô nhiều hơn, để bù cho áp lực mà cô đang chịu từ bà Lan.

Thoại Uyên lần đầu tiên được đi xe buýt cùng các bạn, vui sướng muốn bay lên trời. Biểu hiện của cô háo hức như trẻ con lần đầu tiên được đi chơi. Thùy Linh, người bạn ngồi cạnh nhịn không được trêu chọc: "Tụi bây coi con Uyên kìa. Nó cứ như hai lúa lên thành phố ấy. Bọn mình là nông dân lên tỉnh, mà còn biết nhiều hơn nó ấy."

Cô bạn Mỹ Phượng tiếp lời: "Nhỏ Uyên này được chăm bẵm nên là trẻ con chưa lớn. Tụi mày thấy đứa trẻ nào lần đầu tiên được đi chơi mà không háo hức?"

Hằng Nga cũng trêu: "Bọn mình dắt trẻ đi chơi nên phải cẩn thận, lạc mất là không biết phải ăn nói sao với bà ngoại Diệt Tuyệt đâu."

Ba cô bạn đã đến nhà rồi nên biết sự nghiêm khắc của bà ngoại Thoại Uyên. Các cô rất ngán nên chẳng đứa nào dám bén mảng tới nhiều. Mỗi lần học nhóm là cả bọn kéo nhau lên trường hoặc thư viện. Lúc nào phải ở lại học, họ nhìn Thoại Uyên khổ sở năn nỉ bà ngoại của mình mà tội nghiệp cho cô.

Thoại Uyên bị ba người bạn hùa nhau chọc ghẹo cũng không có tâm tình giận, vì đang bận ngắm cảnh phố phường qua cửa kính. Nhìn xe cộ dập dìu muốn va vào xe bus khiến cô có chút sợ. Xe bò một lúc cũng đến chi nhánh của trường ở Thủ Đức. Dạo này trường dành chi nhánh chính ở trung tâm cho khoa tiếng Việt của sinh viên nước ngoài, còn các ngành khác bị đẩy ra tận nơi xa xôi này.

Thoại Uyên học chuyên ngành ngôn ngữ và văn chương Anh. Nói nghe đao to búa lớn kỳ thực cũng chỉ học phân tích vài tác phẩm văn chương của Anh Mỹ, và nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ học. Có những môn rất khó nhằn, chẳng liên quan đến đời sống thực tế. Nhưng bọn cô không còn sự lựa chọn khác, chỉ đành ráng thi qua môn.

May mắn hôm nay là giờ Speaking không quá nhàm chán. Giảng viên đứng lớp học phần này lại cực kỳ đẹp trai, là dân du học về nên phong cách rất cởi mở. Thầy yêu cầu phân nhóm thảo luận bằng tiếng Anh, rồi bắt cặp đàm thoại trước lớp. Không khí lớp học lúc này thật sôi động.

Thoại Uyên và Hằng Nga bị nhóm mình đẩy lên bục bởi vì hai cô nói chuẩn nhất. Hai đứa vào vai cặp vợ chồng mới cưới và đang cùng nhau đi mua sắm. Thoại Uyên đóng vai anh chồng và Hằng Nga là cô vợ mới. Tài chính eo hẹp nên mỗi lần anh chồng đề nghị mua gì, cô vợ cũng lắc đầu.

Mới đầu anh chồng cũng không phản ứng thái quá, nhưng khi cô vợ từ chối đến lần thứ N thì anh chồng bắt đầu bực mình. Hỏi món đồ nào vợ cũng không chịu mua khiến anh chồng mất hết kiên nhẫn, bèn giận dỗi cao giọng không mua gì nữa rồi bỏ về.

Đoạn đối thoại trong sách vô cùng văn minh, nhưng qua cách thể hiện của Thoại Uyên và Hằng Nga thì khác hẳn. Hai người biến tấu sửa lời của người ta nên phân cảnh bỏ về không hề có trong kịch bản. Lớp cười rần rần khi thầy bảo cặp đôi này sớm muộn cũng bỏ nhau.

Quả thật tiết học sinh động vô cùng. Kết thúc giờ Speaking, bọn cô lại chạy tới phòng khác để học môn Biên Dịch. Sau đó lại ăn trưa và bắt đầu học nhóm. Sắp sửa thuyết trình giờ Intercultural Communication (giao tiếp liên văn hóa), bởi vậy bọn cô phải thảo luận và chia phần thuyết trình của mỗi người.

Học nhóm xong gần 3 giờ chiều. Theo lệ thường Thoại Uyên đã co giò chạy ra cổng leo lên xe nhà đang chờ sẵn. Nhưng nay được sự bảo kê của Hoàng Phi, ngoại cho cô ở lại trường. Bà không tài nào biết được cô đã học xong hay chưa. Giờ này còn sớm nên Thoại Uyên tranh thủ đi ăn chè với bạn.

"Ủa không lo về nhà sao tiểu công chúa?" Mỹ Phượng lại chọc.

Mấy đứa còn lại liền a dua theo trêu ghẹo, còn cố ý nhắc nhở thời gian đã trễ. Nhưng hôm nay Thoại Uyên giống như được tiêm thuốc an thần, nên liều vô cùng. Còn cả gan đề nghị cả nhóm ăn chè xong rồi đi xem phim. Chiều nay lớp tiếng Hoa ở trung tâm được nghỉ do giáo viện bận đột xuất, nên cô tha hồ la cà.

Thực tế chứng mình làm bậy sẽ không được siêu sinh. Khi Thoại Uyên đang tung tăng với các bạn vô rạp chiếu phim lúc 5 giờ, thì điện thoại của Hoàng Phi gọi về. Lẽ ra ngày thường sau khi tan làm, anh sẽ về nhà ăn cơm rồi tắm rửa vệ sinh cá nhân xong mới gọi cho cô. Thế mà hôm nay đang trên đường lái xe đi làm, Hoàng Phi lại đánh du kích.

Kỳ thực Hoàng Phi không có ý kiểm soát Thoại Uyên. Tất cả chỉ là vô tình. Tại Thoại Uyên làm bậy, nên mới sợ khi nhận được điện thoại của người ta. Hoàng Phi lo cho cô. Hôm qua anh xin bà ngoại Diệt Tuyệt để Thoại Uyên ở lại trường học nhóm, rồi không biết kết quả ra sao. Sáng giờ Thoại Uyên đi học, anh cũng ngủ nên không có cơ hội hỏi thăm. Bởi vậy tranh thủ lúc lái xe trên đường đi làm gọi cho cô.

Đâu có ngờ Thoại Uyên học xong không chịu về mà vào rạp chiếu phim. Đúng lúc khúc phim tình thế đang cao trào thì điện thoại rung rung. Nhìn thấy số Hoàng Phi, tim Thoại Uyên liền đập lỗi một nhịp. Cô vội vàng cầm máy lao ra ngoài, cứ như anh đang đuổi tới nơi. Đến một góc vắng ngay chân cầu thang, Thoại Uyên vuốt vuốt ngực rồi mới bấm nghe.

Trái ngược với sự hồi hộp bất an của cô, giọng Hoàng Phi bên kia đầu dây lại mềm mại từ tính: "Sáng giờ có bị ngoại làm khó không Uyên? Hôm nay học hành có suông sẻ không?"

"Dạ, dạ suôn sẻ.."

Dù Hoàng Phi sống xa Thoại Uyên và cũng chưa thật sự hiểu hết cô, nhưng anh đã nhận ra cô bé này mỗi khi có khuất tất, hay đang làm bậy sẽ bị chột dạ. Kiểu người này không có gan làm chuyện lớn. Chuyện phạm pháp càng không có can đảm nhúng tay.

Có lẽ bị sự kìm hãm của ngoại nên lối sống của Thoại Uyên rất chuẩn mực. Nếu làm điều sai trái sẽ không được tự nhiên. Dù anh không thấy được mặt cô lúc này, nhưng vẫn nghe ra giọng nói không bình thường, ẩn chứa sự lo lắng bất an trong đó.

"Em đang ở đâu vậy?"

"Dạ ở.. ở trường."

Vậy là cô không đang ở trường. Hoàng Phi rất muốn cười sự ngây ngô của Thoại Uyên. Thật ra cô không cần phải sợ anh, nếu không ở trường thì cô có thể đường hoàng chính chính bảo anh, đâu cần phải bất an. Đây là biểu hiện của đứa trẻ làm sai nên sợ hãi. Và chắc chắn Thoại Uyên cũng đang cảm thấy có lỗi khi nhờ anh xin ngoại cho cô đi học, nhưng cô lại đi hoang. Thái độ của cô đại biểu cho việc cô đang làm bậy nên mới chột dạ đến mức này.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.