Tình Yêu Hoa Cỏ

Chương 1: Khởi đầu





Bình An trấn.

Chấn An tiêu cục.

Giữa đại sảnh có một thiếu niên anh tuấn đang quỳ.

- Có giết chết con, con cũng không cưới Bạch tiểu thư kia!

“Rầm”

Nghe đứa con trai độc nhất khẳng định một câu chắc nịch như vậy thì Hồ Tổng tiêu đầu phát hỏa, bàn tay to bè của lão đập mạnh xuống bàn làm cái bàn nát bét, ly tách rơi vãi xuống đất, lăn tròn, vỡ tan.

- Nói, tại sao không cưới?

Tuy vừa bị cái vỗ bàn của phụ thân làm cho giật bắn mình, nhưng Hồ Nam vẫn cương quyết nói:

- Con đã có người trong lòng rồi. Con không muốn cưới người mà con không yêu.

- Ngươi còn dám nói!

Bàn tay Hồ lão nắm chặt thành quyền, lão dợm đứng lên, cái thứ ngỗ ngược này chỉ có đấm một cú lão mới vừa lòng hả dạ. Hồ phu nhân thấy vậy vội ngăn:

- Lão gia, đừng nóng. Để ta nói chuyện với con.

Hồ phu nhân bước đến bên cạnh con trai, chìa tay ra, dịu giọng:

- Đứng lên!

Hồ Nam ngước lên nhìn thấy mặt Hồ lão vẫn xám ngoét vì giận thì không dám đứng dậy. Hồ phu nhân khẽ thở dài, nói:

- Bạch gia đường đường là một thế gia, lúc trước vì được cha con cứu mạng nên mới cùng Hồ gia kết tình bằng hữu. Bạch Kim Cúc là con gái duy nhất của Bạch gia, vừa thông minh, vừa xinh đẹp. Người nhà họ Bạch ba đời đều có người làm quan, khoản hồi môn khi gả con gái của họ nhất định không nhỏ. Chúng ta còn có thể dựa vào Bạch gia tìm một chức quan, hưởng bổng lộc triều đình, không cần làm võ phu, ngày ngày vận chuyển từng cỗ tiêu xa, tính mạng nguy hiểm trong sớm tối. Con nói xem, Bạch Kim Cúc có gì không tốt? Cưới Bạch Kim Cúc có gì không tốt?

Hồ Nam im lặng suy nghĩ một lúc mới đáp lời mẫu thân:

- Bạch tiểu thư không có gì không tốt, nhưng con chưa từng gặp cô ấy. Con không thể cưới người mà con không yêu.

Hồ phu nhân cau mày hỏi lại:

- Vì sao không thể? Cha mẹ ngày xưa cũng thế mà, vốn chẳng hề biết mặt nhau, hai nhà nội ngoại định sao thì chịu vậy, rồi mẹ cũng sinh con ra, mẹ với cha cũng chung sống êm ấm bên nhau cho tới bây giờ.

Hồ Nam do dự thêm một lúc mới dám nói:

- Nhưng con đã có người trong lòng.

Hồ phu nhân cười hiền, dịu giọng:

- Mẹ hiểu cảm giác của con, nhưng con hãy quên cô gái đó đi.

- Con không thể! Mẹ nói vậy, lẽ nào trước khi về với cha mẹ cũng có người trong lòng?

Hồ phu nhân khẽ thở dài.

- Có thì sao, không có thì sao, thời gian trôi qua, mọi chuyện đều sẽ trở thành quá khứ. Cha mẹ chọn kết thông gia với họ Bạch chính là muốn tốt cho con. Ngày cưới hỏi, giờ rước dâu cha mẹ cũng đã định rồi, không thể thay đổi được nữa. Nhà gái người ta cũng đã mời họ hàng về dự. Bọn họ đều là quan lớn trong triều nếu có bất kì điều gì sơ suất cha mẹ sẽ chết không toàn thây. Con muốn nhìn cha mẹ vì một chút bốc đồng của con mà chết đi sao?

Hồ Nam rối bời:

- Nhưng Hạnh Nguyên đã có cốt nhục của con, con đã hứa là sẽ cưới nàng, con không thể phụ rẫy nàng.

Hồ lão gia nghe vậy gầm lên:

- Mày vừa nói cái gì?

Hồ Nam hoảng sợ, im bặt. Hồ phu nhân ôn hòa nói:

- Lão gia hãy bình tĩnh. Mọi chuyện để ta giải quyết.

Hồ lão gia thở hắt ra một tiếng cố nén giận, quay mặt đi. Hồ phu nhân quay lại dịu giọng với con trai:

- Cô gái đó tên họ là gì? Gia cảnh thế nào?

Hồ Nam dò xét bóng lưng phụ thân một lúc mới dám trả lời mẹ:

- Tên cô ấy là Hạnh Văn Hạnh Nguyên, cô ấy không có cha, hiện giờ cô ấy ở cùng với mẫu thân sống ở cuối làng Thượng. Cô ấy rất xinh đẹp, ngoan hiền và chăm chỉ. Hơn hết, con yêu cô ấy thật lòng, cô ấy cũng yêu con.

Hồ phu nhân cười nhạt.

- Con khờ quá! Một người con gái sẵn sàng trao thân gởi phận cho một chàng trai trong khi hai nhà chưa hề có hôn ước với nhau... con người đó không thật sự đáng tin đâu con. Con hãy nghĩ kĩ lại đi. Theo mẹ, nàng ta yêu cái gia tài của Hồ gia thì đúng hơn, chứ thương yêu gì con?

Hồ Nam lắc đầu cãi lại.

- Không. Nàng ấy không phải là hạng người như vậy. Từ khi quen nhau cho tới bây giờ nàng không hề biết thân phận thật sự của con.


Hồ phu nhân cau mày tức giận:

- Con quá cả tin rồi, con còn trẻ nên không biết lòng dạ con người khó đoán như thế nào đâu. Biết đâu khi tiếp cận con, cô ta đã sớm biết con là ai rồi cũng nên. Rất có thể đó là một âm mưu an bày từ trước, tiếp cận, trao thân rồi dùng đứa con tạo áp lực buộc con phải tiến đến hôn nhân với nàng ta. Vậy là dễ dàng bước vào Hồ gia ta rồi còn gì?

- Con không cần biết, con yêu Hạnh Nguyên, ngoài cô ấy con không cưới ai hết.

Hồ lão gia cố nén giận nãy giờ, cuối cùng cũng không nhịn được, quát:

- Hôn sự của mi với Kim Cúc ta và Bạch gia đã định đoạt rồi, mi đừng hòng cãi lại. Nên nhớ “áo mặc không qua khỏi đầu”, đừng bướng bỉnh đôi co nữa. Hồ Vân Sơn ta một khi đã quyết thì không bao giờ thay đổi.

Hồ Nam gào lên:

- Không. Con không cưới Bạch tiểu thư, con không phản bội Hạnh Nguyên.

Chàng vừa nói vừa quay lưng định bỏ đi. Hồ Vân Sơn quát lớn:

- Ngươi muốn đi đâu đó?

Hồ Nam dừng chân, chàng đáp mà không quay lại:

- Con đi tìm Hạnh Nguyên, cha mẹ đã không chấp nhận cho chúng con nên duyên, con sẽ cùng cô ấy tìm đến một nơi xa để sinh sống, một nơi không ai biết đến.

Nói rồi Hồ Nam đi nhanh ra cửa, nhưng chưa ra đến cửa chàng bỗng dừng lại. Nói chính xác hơn là chàng bị phụ thân nắm cổ. Ngoài tiếng ặc ặc ra chàng không thể nói được gì. Sắc mặt Hồ Nam xanh xám vì bị nghẹt thở và hoảng sợ.

Hồ phu nhân hoảng hốt kêu lên:

- Lão gia, hãy bình tĩnh, thằng nhỏ dù sao cũng là đứa con độc nhất của chúng ta... lẽ nào ông muốn giết con mình.

Hồ Vân Sơn buông tay, Hồ Nam chưa kịp hoàn hồn đã thấy bàn tay Hồ lão mau lẹ điểm vào huyệt đạo trên người mình.

- Ta đã phong bế nội công của ngươi. Từ hôm nay đến ngày cưới ngoan ngoãn ở nhà cho ta. Phu nhân, bà cũng đừng tiếp tay cho nó, nếu không thì đừng trách ta. Người đâu! Lập tức nhốt thiếu gia lại.

Hồ Nam tạm thời bị phong bế võ công chỉ có thể miễn cưỡng vùng vẫy:

- Mẹ và cha đừng ép buộc con. Con không phải là con gái, tại sao cha mẹ cứ ép buộc con phải theo sự sắp xếp của hai người chứ. Cưới Kim Cúc con sẽ làm khổ người ta, con cũng không hạnh phúc, còn Hạnh Nguyên rồi sẽ ra sao?

Hồ Vân Sơn lạnh lùng đáp:

- Bây giờ ta không quan tâm gì ngoài hôn lễ của con và tiểu thư Bạch gia nữa hết. Nên nhớ, trong tay một người đàn ông cần nhất là tiền tài, danh vọng, quyền lực, chứ không phải yêu đương lê thê lết thếch. Khi trong tay con có tất cả rồi thì muốn gì mà không được. Còn khi trắng tay con có lo cho người mình yêu được ăn no mặc ấm hay không?

- Con…

- Hôn lễ với Kim Cúc cha mẹ đã định rồi, con không cần cãi nữa! Các ngươi nhốt thiếu gia lại, canh phòng nghiêm ngặt vào cho ta.

Hồ Nam bàng hoàng gào to:

- Cha...

Hồ Vân Sơn gằn giọng:

- Yên tâm, ít hôm nữa khi hôn lễ của con và Kim Cúc cử hành xong, con sẽ lại được tự do.

Ông nói rồi lập tức bỏ đi. Hồ Nam cũng bị lôi ra nhà sau. Biết mình đã bất lực, chàng không kêu gào, mặc ai đưa đi đâu thì đưa. Đến khi chàng thật sự bị tống vào phòng, dẫu biết nam nhi là không rơi lệ, nước mắt Hồ Nam vẫn bất giác rơi trong vô thức. Hồ Nam dựa lưng vào vách cửa trượt người ngồi bệch xuống, miệng lẩm nhẩm tên người mình yêu.

- Hạnh Nguyên ơi, anh phụ em rồi!

Cửa đã khóa. Hồ Vân Sơn thở dài:

- Hôn sự này không thể không cử hành. Thằng nhỏ này mềm dẻo thì không bao giờ chịu, cho nên ta đành phải mạnh tay thôi.

Tiếng Hồ phu nhân dịu nhẹ:

- Lão gia làm tất cả là vì con nó, hy vọng sau này nó hiểu và không oán trách chúng ta.

***

Làng Thượng - ngôi làng nhỏ nằm phía nam trấn Bình An.

Trước gian nhà tranh lụp xụp, một thiếu nữ tuổi độ mười tám đôi mươi đang quay tơ, bỗng có người phụ nữ lạ mặt dẫn theo gần chục người đến.

Nàng đứng dậy cúi chào người đàn bà xa lạ. Bà ta không nói gì chỉ chăm chú nhìn nàng dò xét. Thấy vậy nàng cũng không nói gì. Nàng không biết người phụ nữ ấy là ai nhưng bà xinh đẹp và sang cả quá, từ thân thể bà ta toát ra một thứ sức mạnh vô hình gây khiếp sợ cho người đối diện.

Người này bỗng dưng dẫn theo một đám thủ hạ đến, Hạnh Nguyên nghĩ mãi cũng không biết rốt cuộc người phụ nữ này đến đây với mục đích gì! Trong khi Hạnh Nguyên còn đang bối rối, người phụ nữ đã tiến sát về phía nàng làm nàng giật mình lùi lại. Nàng kinh ngạc hỏi:

- Bà là ai? Sao tự dưng dẫn nhiều người xông vào nhà tôi như vậy, bà muốn gì?

Người đàn bà khẽ cười:

- Ta là ai không quan trọng, cô nương chỉ cần biết hôm nay ta đến đây để cùng cô nương trao đổi một vài điều kiện.

Hạnh Nguyên cau mày, ngạc nhiên lặp lại:

- Điều kiện?

- Đúng vậy. Ta sẽ cho cô nương thật nhiều tiền bạc, một cuộc sống đầy đủ sung túc...

Không cần bà nói hết, Hạnh Nguyên hỏi:

- Bà cần gì ở tôi, cứ nói thẳng ra đi đừng nói vòng vo.

Người đàn bà mỉm cười gật đầu khen:

- Thẳng thắn lắm, ta cũng không dài dòng nữa! Điều ta cần là cô nương hãy tránh xa Hồ Nam ra, tốt nhất là hãy rời khỏi đây, đi càng xa càng tốt.

Hạnh Nguyên bực tức, cao giọng:

- Dùng bạc tiền để đặt điều kiện với tôi, bà tưởng mình là ai? Tôi không chấp nhận điều kiện vô duyên vô cớ đó. Tôi và chàng yêu nhau, đã thề rằng dù cho vật đổi sao dời lòng chúng tôi cũng không dời đổi. Tôi yêu chàng và chàng cũng yêu tôi, đừng ai hòng chia rẽ chúng tôi...

Người đàn bà không giận, chỉ mỉm cười khi nghe Hạnh Nguyên nói. Nhưng ngay sau đó bà ta gằn giọng thốt từng tiếng một:

- Nhưng ta buộc cô nương phải xa nó, ta có quyền làm điều đó.

Hạnh Nguyên giật mình.

- Bà là...

- Ta là mẹ Hồ Nam.

Hạnh Nguyên lặng người, Hồ phu nhân tiếp:

- Hồ Nam chính là con trai của ta, nó cũng chính là đại thiếu gia của Chấn An Tiêu Cục, giờ thì cô nương đã rõ hay chưa? Hồ gia ta tuy chưa thể gọi là thế gia vọng tộc, nhưng cũng có chút tiếng tăm, thì làm sao có thể cưới cô, một cô gái bần tiện nghèo hèn về làm dâu được?

Hạnh Nguyên lẩm nhẩm lại câu nói vừa rồi "nghèo hèn... bần tiện" ư?

Hồ phu nhân lạnh giọng:

- Hạnh Nguyên, cô nghe đây, ta cho cô nương ba ngày để rời khỏi đây, nếu không làm theo hậu quả cô tự gánh lấy, đã nhớ rõ chưa?

Hạnh Nguyên im lặng không đáp, Hồ phu nhân lại tiếp:

- Ta thật lòng khuyên cô nương đừng lưu luyến gì con trai ta nữa, buông tha cho nó đi. Nó sắp cưới vợ rồi nên nhờ ta đến đây nói với cô nương lời xin lỗi về những việc đã qua. Nó còn nói với ta một chuyện mà ta không biết mình có nên nói lại với cô nương hay không, vì ta sợ cô nương đau lòng.

- Bà cứ nói đi, tôi muốn biết.

- Hồ Nam nói với ta về chuyện cái thai, nó không cố ý, chỉ vì không kềm chế được mình nên mới để xảy ra nông nỗi. Nó hy vọng cô nương tha thứ.

Hạnh Nguyên ứa lệ:

- Bà đừng nói nữa.

Hồ phu nhân không im lặng mà lại nói tiếp:

- Ta biết cô nương đau lòng, nhưng ta còn một chuyện cần phải nói cho cô nương biết. Ít hôm nữa, Hồ Nam sẽ thành hôn với Bạch Kim Cúc, thiên kim đại tiểu thư của Bạch gia, gia tộc được xưng tụng giàu có nhất Quyển Nam này, cô nương hẳn từng nghe nói? Gia đình ấy và Hồ gia ta mới “môn đăng hộ đối”, còn cô nương thì nghèo quá. Ngày tân hôn ta hy vọng cô nương biết phận mình, không đến để phá bĩnh, nếu không đừng trách ta độc ác!

Hạnh Nguyên cúi mặt, không nói gì.

- Nói thì nói thế thôi, nhưng theo ta nghĩ, gia cảnh cô nương thế này, hẳn là cố tình câu dẫn con trai ta vì gia tài Hồ gia chứ yêu thương gì nó.

Bà vừa nói vừa lấy trong tay áo ra xấp ngân phiếu dày đưa đến trước mặt Hạnh Nguyên.

- Cô nương hãy cầm lấy số tiền này, rồi rời đi, đi càng xa càng tốt, nhớ lấy.

Hạnh Nguyên ngước đôi mắt đẫm lệ nhìn Hồ phu nhân, giọng nàng dần trở nên lạnh lẽo:

- Tôi không cần số tiền này, bà mang trở về đi.

Hồ phu nhân dịu giọng:

- Ta biết làm như vậy sẽ tổn thương lòng tự trọng của cô nương, nhưng trước khi từ chối cô nương nên nghĩ cho đứa con trong bụng của mình. Ta cũng không phải ác tâm với cô nương, nhưng chúng ta là hai giai cấp cách quá xa nhau, hãy hiểu cho nỗi khổ của một người làm mẹ như ta. Số tiền ta đưa cho cô nương tuy không nhiều nhưng đủ nuôi sống mẹ con cô đến ngày cô sinh nở. Dù nó có là con của Hồ Nam hay không ta vẫn muốn chu toàn cho nó.

Hồ phu nhân vừa nói vừa dúi xấp ngân phiếu dày vào tay Hạnh Nguyên, dịu giọng:

- Đừng oán trách ta.

Hạnh Nguyên nở nụ cười như cái mếu, nàng vung tay hất tung những tờ ngân phiếu, những tờ giấy bạc liền theo gió tung bay, rồi rơi lả tả khắp nơi. Hạnh Nguyên gào lên:

- Bà hãy đi đi. Mang tất cả về đi. Tôi không phải là kỹ nữ, tôi không bán tình yêu, tôi không bán lòng tự trọng của mình, bà hãy đi đi!

Hồ phu nhân không kinh ngạc, bà hơi nhíu mày nhưng vẫn dịu giọng với nàng:

- Cô nương không cần đuổi, ta sẽ đi ngay. Nhưng trước khi đi ta nhắc cho cô nương nhớ một điều, đừng bao giờ có ý định phá hủy hôn lễ của Hồ Nam. Hồ gia ta mưu sinh bằng đao kiếm, cô nương hẳn biết đao kiếm rất vô tình.

Bà cười gằn rồi quay đi nhưng không quên buông lại câu cuối cùng đau đớn hơn một nhát dao đâm thẳng vào con tim mền yếu của Hạnh Nguyên.

- Không bán tự trọng mà lại vì tiền hiến dâng trinh tiết. Cô nương quả là một cô gái nết na đức hạnh hơn người!


Hạnh Nguyên gào lên:

- Đi đi, bà đi đi! Tôi không muốn nghe, tôi không muốn nghe gì nữa hết.

Đợi Hồ phu nhân đi khuất, Hạnh Nguyên không còn kiềm chế được mình, nàng khóc nấc lên, toàn thân như vô lực, nàng buông người ngồi phịch xuống đất. Nàng thả hồn mình ngược dòng ký ức về lần đầu hai người gặp gỡ. Ngày đó, nàng lên rừng nhặt củi, bất ngờ trượt chân lăn xuống núi, Hồ Nam đã xuất hiện cứu nàng. Chàng nói chàng là hiệp khách giang hồ, ngao du sơn thủy tình cờ gặp nàng bị nạn nên cứu. Nàng bị trật chân nên chàng cõng nàng về nhà, bằng hữu của chàng phụ gánh củi về. Thấy gia cảnh nàng nghèo khó, mẹ góa con côi, chàng cứ cách đôi hôm lại tới, cùng với bằng hữu của chàng mang nào củi nào gạo. Nàng quen chàng như thế.

“Hạnh Nguyên, ta nhất định sẽ cưới nàng làm thê tử. Sau khi thành hôn chúng ta sẽ cùng nhau ngao du thiên hạ”! Đó là lời chàng hứa hẹn, nàng đã một lòng một dạ tin chàng, tin chàng là hiệp khách giang hồ, tin chàng sẽ cưới nàng nên mới trao thân. Vậy mà giờ đây cùng lúc tiếp nhận chàng không phải hiệp khách gì cả, chàng là Hồ đại thiếu gia của Chấn An tiêu cục, chàng sắp cưới Bạch thiên kim.

Trong phút giây này, Hạnh Nguyên chỉ còn biết bật khóc nghẹn ngào. Có tiếng bước chân rất nhẹ đến bên cạnh, Hạnh Nguyên vội lau nước mắt ngẩn lên nhìn người ấy. Một người phụ nữ chưa già nua nhưng vóc người đã cằn khô vì những nỗi cần lao theo năm tháng, chiếc áo bà đang mặc cũng đã cũ kĩ bạc màu. Người phụ nữ giương đôi mắt nửa âu yếm nửa đớn đau nhìn Hạnh Nguyên.

Hạnh Nguyên nghẹn ngào gọi:

- Mẹ, mẹ nghe hết rồi phải không?

Mẹ nàng bước đến nửa ngồi nửa quỳ, dang tay ôm chầm lấy con gái vào lòng.

- Mẹ nghe cả rồi. Cái thai là thật sao?

Hạnh Nguyên gật đầu.

- Cảnh ngộ của con hôm nay... ngày xưa mẹ cũng từng nếm trải, nó đã trở thành vết xe đổ. Mẹ không ngờ con lại dễ dàng dẫm lên vết xe đổ của mẹ ngày xưa như vậy.

Hạnh Nguyên khóc nấc lên:

- Chàng lừa con. Mẹ ơi, con phải làm sao bây giờ?

Mẹ nàng nghe vậy nhẹ vuốt mái tóc dài của đứa con tội nghiệp.

- Nếu đó là số phận của mẹ con chúng ta… chúng ta đành chấp nhận. Nhà mình không quyền không thế có thể làm gì bây giờ.

Hạnh Nguyên nhắm mắt lại, mặc cho nước mắt lã chã tuôn rơi, nàng im lặng, mẹ nàng cũng im lặng, nước mắt của bà cũng lặng lẽ rơi.

Không biết ông trời có phải cũng cảm thấy xót xa cho hai người phụ nữ đáng thương kia không, nhưng dường như ông cũng khóc. Từ tầng không mênh mông, một cơn mưa tầm tã lạnh lùng trút xuống thế gian, như muốn cuốn trôi đi những nghịch cảnh của cuộc đời.

Màn đêm cũng theo đó nhẹ nhàng bao phủ lấy không gian tạo thành một màn đen u uất.

***

Bạch gia trang.

Ngày mai chính là ngày Bạch Kim Cúc - thiên kim của Bạch gia sẽ xuất giá. Nàng sẽ chính thức trở thành dâu hiền vợ thảo của Hồ gia. Nên hôm nay, khắp nơi nơi đèn hoa rực rỡ, người làm chạy tới chạy lui, kẻ nói người cười, rộn ràng vui vẻ.

Bên ngoài nhộn nhịp là thế, bên trong tư phòng của tân nương thì lại khác. Một người con gái đẹp đang ngồi, y phục tân nương càng tôn thêm cho dáng dấp nàng bội phần mị lực. Nhưng gương mặt vị giai nhân ấy lại vô cùng tiều tụy, dường như đã mấy ngày rồi nàng chẳng ăn uống chút gì. Từ khóe mắt nàng đôi dòng lệ âm ỉ chảy không ngừng.

Cửa phòng bật mở, một người phụ nữ trung niên bước vào. Bà chậm rãi đến trước mặt cô gái khẽ thở dài, buồn giọng:

- Lại khóc. Ngày mai đã là ngày hôn lễ của con với Hồ công tử rồi, con còn muốn phản kháng đến khi nào?

Kim Cúc nghẹn ngào nói trong nước mắt:

- Con không muốn gả cho Hồ thiếu gia. Con van mẹ hãy hủy hôn sự này đi.

Bạch phu nhân cau mày, gằn giọng:

- Không được. Ngày tháng Hồ gia đã định, ngày mai đã là ngày rước dâu, làm sao có thể nói hủy là hủy. Con đừng làm khó mẹ nữa có được không?

Kim Cúc khóc ròng:

- Nhưng mà con... đã có người yêu rồi. Con không thể gả cho Hồ công tử được đâu.

Bạch phu nhân đanh giọng:

- Ngu ngốc, không chấp nhận thành hôn với Hồ Nam giàu sang, danh vọng, lại muốn được ăn đời ở kiếp với tên cùng đinh. Con thương tên Thanh Phong nghèo kiết xác đó đến thế sao?

Kim Cúc giật bắn mình, run run giọng hỏi:

- Mẹ đã biết hết rồi sao?

Bạch phu nhân lạnh lùng:

- Đừng nghĩ rằng bọn mi lén lút thì không ai biết, không việc gì của con qua mắt được người làm mẹ như ta đâu.

Kim Cúc cúi đầu lí nhí:

- Đời này kiếp này con chỉ yêu duy nhất chàng ấy mà thôi. Mẹ, hãy cho con được sống với chàng...

Kim Cúc chưa nói hết câu, Bạch phu nhân đã quát:

- Câm miệng! Thanh Phong là một tên khố rách áo ôm, nó lo cho bản thân còn không xong, đi theo nó con được cái gì? Đừng bướng bỉnh cãi lời cha mẹ.

Kim Cúc ấp úng:

- Nhưng mà con đã...

- Con đã sao?

Kim Cúc im lặng một lúc mới nói ra:

- Con đã... mang cốt nhục của người ta rồi...

- Con vừa nói cái gì?

Bạch phu nhân nghe xong giật bắn mình. Kim Cúc lí nhí lặp lại:

- Trong người con đã có giọt máu của Thanh Phong.

Bạch phu nhân bàng hoàng đến lặng người, bà dẫu có biết mối quan hệ của cả hai, nhưng bà không hề nghĩ mọi chuyện lại trở nên nghiêm trọng như vậy! Vừa lúc Bạch lão gia từ ngoài bước vào, ông nghe tròn lời thú tội của con, lửa giận bùng lên:

- Súc sinh, ta đánh chết mi...

Vừa nói ông vừa hùng hổ lao vào, vung tay định đánh Kim Cúc, Bạch phu nhân thấy thế giật mình giữ tay chồng lại, kêu lên:

- Ông muốn đánh chết con mình thật sao? Dù gì nó cũng là con của chúng ta mà.

Bạch lão gia nóng nảy:

- Nhưng mà, nó làm ta tức chết rồi, nhục ơi là nhục...

Kim Cúc vẫn cúi đầu, thút thít khóc và nhỏ giọng van cầu:

- Con van xin cha mẹ đừng ép buộc con phải thành hôn với Hồ công tử kia. Con không thể lấy hắn đâu.

Bạch lão gia quát lớn:

- Nói bậy, ngày giờ đã định sẵn rồi, hôn sự này không thể hủy.

Kim Cúc ngước mặt nhìn cha, đôi mắt nàng đẫm lệ, giọng nàng bỗng trở nên cương quyết:

- Vậy thì cha mẹ hãy chờ xem, ngày hôn lễ đừng mong có mặt đứa con này.

Bạch phu nhân run giọng:

- Con muốn làm gì?

- Đời này kiếp này không được cùng Phong ca kết thành phu phụ, con sẽ tự sát để giữ chữ chung tình.

Bạch lão gia giận đến tái mặt, ông gằn từng tiếng:

- Được, được lắm, đồ bất hiếu này mi muốn chết đến vậy ta cho hai đứa chúng bây toại nguyện. Người đâu, bắt tên Thanh Phong đó đem lăng trì cho ta.

Lăng trì chính là cực hình xẻo thịt cho đến chết. Kim Cúc nghe xong tái mặt gào lên:

- Cha, đừng mà.

Bạch lão lạnh giọng:

- Không phải con nhất quyết muốn chết sao, ta để tên tạp chủng đó bồi táng theo con.

Bạch lão nói rồi quay lưng bỏ đi không thèm nhìn con gái thêm lần nào nữa. Kim Cúc hốt hoảng gọi với theo:

- Cha, cha, đừng làm vậy mà.

Bạch phu nhân thở dài.

- Cha con giận thật rồi.

- Mẹ, cha sẽ giết Phong ca thật sao?

- Con thừa biết tính cha con rồi còn hỏi mẹ làm gì, trước nay ông ấy nói là làm. Nói thật cho mẹ biết, con rất yêu Thanh Phong sao?

- Đúng vậy, con yêu anh ấy, đời này kiếp này con chỉ yêu mình anh ấy. Nhưng con không muốn vì con mà anh ấy bị hành hạ cho tới chết như vậy, con không muốn chàng phải chết. Mẹ, có cách gì cứu được Phong ca hay không?

Bạch phu nhân thở dài:

- Cha con một khi đã giận rồi khó mà khuyên ngăn được. Nhưng nếu con đồng ý gả vào Hồ gia, mẹ có thể vì con cố gắng năn nỉ ông ấy bỏ qua cho thằng nhỏ.

Kim Cúc khóc nghẹn. Bạch phu nhân vuốt ve con gái nói tiếp:

- Ngoài cách đó ra mẹ không nghĩ được cách gì khác.

Kim Cúc run giọng:

- Nhưng con đã có thai với Phong ca làm sao gả cho người ta được.

Bạch phu nhân dịu giọng:


- Phá đi là được.

Kim Cúc lắc đầu khóc lóc.

- Không, con không muốn mất đi đứa con này.

Bạch phu nhân thở dài:

- Được rồi. Để ta tìm đại phu bốc thuốc cho con hoãn ngày hạ sinh đứa con này. Người của Hồ gia suốt ngày đánh đánh giết giết chắc không hiểu biết gì về thai nghén đâu. Tân lang thì đêm tân hôn ai cũng say túy lúy ra, con khéo léo một chút là qua mặt họ được chứ gì.

Kim Cúc gật đầu:

- Mẹ giúp con ngăn cha đừng làm hại đến Phong ca.

- Con bằng lòng gả vào Hồ gia rồi đúng không?

Kim Cúc nghẹn ngào đáp:

- Con bằng lòng.

Trong mắt Bạch phu nhân ánh lên ý cười nhưng mặt bà vẫn giữ vẻ nghiêm trọng. Bà đứng dậy nói nhanh:

- Để mẹ tìm cha con ngăn ông ấy lại ngay nếu không e không kịp. Con cũng chuẩn bị trang điểm đi, trưa mai đàn trai đến rước dâu rồi đấy.

Bạch phu nhân ra cửa gọi người hầu vào trang điểm cho Kim Cúc, còn bà vội vàng ra đại sảnh tìm chồng. Vừa thấy vợ, Bạch lão hỏi nhanh:

- Thế nào rồi?

- Nó chịu rồi.

- Còn chuyện cái thai bà tính sao?

- Mai là ngày rước dâu rồi, chúng ta muốn làm gì cũng không kịp nữa. Hy vọng con bé vì tính mạng của Thanh Phong, không để lộ chân tướng ra ngoài.

***

Tân hôn pháo đỏ rượu nồng.

Lễ rước dâu đường hoàng trang trọng. Nhưng tuyệt nhiên không có mặt tân lang, đó quả là một điều hi hữu trong hôn sự đương thời. Trót phóng lao thì phải theo lao, nhà gái cũng thủ lễ đưa dâu cho tròn hôn sự.

Ai có biết trong nỗi vui hôn lễ ngày hôm ấy, người người đưa dâu môi rực rỡ nụ cười, lại có một người âm thầm đưa tiễn tân nương bằng nước mắt. Người đó là một chàng trai tuổi độ đôi mươi, dáng dấp cần lao, gương mặt có chút anh tuấn nhưng cũng đã sạm đi vì nắng gió. Chàng ta lặng lẽ theo sau kiệu cưới nhưng không dám đến gần. Kiệu hoa vẫn đi dần về hướng Hồ gia, người thanh niên ấy vẫn đi theo mãi. Mọi người có lẽ không ai biết chàng ta là ai, chỉ trừ người trong kiệu cưới.

Bỗng, người trong kiệu hoa bất ngờ vén rèm kiệu phía sau. Khoảnh khắc bốn mắt chạm nhau, toàn thân chàng trai chấn động, ánh mắt chàng phút chốc sáng lên, đôi chân chàng như có sức mạnh vô hình thúc đẩy, chàng vụt chạy bay theo chiếc kiệu đang ngày một xa dần. Chàng trai gào lên:

- Trả Kim Cúc lại cho tôi, các người mau trả Kim Cúc lại cho tôi. Kim Cúc, xin em đừng đi.

Kim Cúc khóc òa.

- Phong ca ca, đừng như vậy mà. Mau về đi. Em xin lỗi, là em phụ anh, hẹn kiếp sau em trả cho anh gấp bội.

Thanh Phong gào lên:

- Không, anh chỉ cần em của kiếp này, đừng bỏ anh mà đi. Hãy quay về bên anh.

Chàng trai ấy là Dương Thanh Phong người mà Kim Cúc yêu thương!

- Anh về đi!

Nàng gào rất to nhưng chàng không nghe theo, chàng vẫn lao bổ vào đoàn người đưa dâu, chàng toan cướp tân nương về lại cho mình! Nhưng chàng chưa thể đến gần nàng đã bị cú đấm như trời giáng khiến chàng té nhào. Thanh Phong gượng đứng lên lại lao theo kiệu cưới, miệng vẫn gọi tên nàng. Ngay sau đó chàng bị một đám người vây lấy, đánh không thương tiếc, đến lúc họ buông chàng thì kiệu hoa đã đi xa.

Thanh Phong lại định vùng lên đuổi theo nhưng sức lực không còn nữa, chàng đành nằm phủ phục trên mặt đất, nước mắt ứa ra. Cùng với nước mắt là máu, toàn thân chàng rỉ máu làm ướt đẫm chiếc áo chàng đang mặc. Đoàn đưa dâu đi mỗi lúc một xa dần, Thanh Phong chỉ còn biết rên rỉ tên người con gái mà chàng yêu thương trong đau đớn.

Chàng nghiến răng tự nhủ với lòng “Hôm nay nàng không thuộc về ta, nhưng sẽ có một ngày ta giành nàng lại bên mình. Kim Cúc hãy chờ ta…”. Thanh Phong gục xuống, ý thức tan dần theo cơn đau sâu tận linh hồn. Trước lúc mê đi chàng còn trông thấy một người bước đến bên mình, một người y phục toàn đen, vóc người xa lạ. Thanh Phong nằm phục dưới đất nên không nhìn rõ mặt người nọ được. Dường như người kia có nói gì nhưng Thanh Phong chưa kịp trả lời thì chàng đã lịm đi, không còn biết gì nữa.

Kiệu cưới cuối cùng cũng đến ngưỡng cửa Hồ gia. Tân lang Hồ Nam miễn cưỡng ra tiếp đón gia đình nhà gái. Chàng gượng cười gượng nói đón tiếp các vị thúc thúc bá bá đến dự hôn lễ của mình. Chàng không hề ngờ được, cũng chính giây phút ấy, nơi một góc khuất của con đường có một người con gái đang đứng lặng, ánh mắt buồn thăm thẳm hướng thẳng về phía Hồ gia. Nhìn chàng cười cười nói nói, tay trong tay âu yếm với tân nương họ Bạch, người ấy bật khóc thê lương.

Khi bóng Hồ Nam khuất sau làn cửa sơn son có nhiều đèn hoa đang treo rực rỡ, người con gái ấy lập tức bỏ chạy, nàng chạy điên cuồng không định hướng, không cần biết con đường sẽ dẫn về đâu. Nàng là Hạnh Văn Hạnh Nguyên!

Hồ Nam đưa Kim Cúc vào trong sảnh đường, nghi lễ bái đường cũng bắt đầu. Dù thâm tâm cả hai đều không muốn làm công việc ấy, nó là hành vi phản bội người tình, nhưng đến nước này rồi dù có muốn đổi thay cũng không còn kịp nữa. Cả hai đành miễn cưỡng làm theo những gì mà người trưởng tộc xướng lên: “nhất bái thiên địa... nhị bái cao đường...”.

Thể xác họ bái đường là thế, nhưng linh hồn thì đã tiêu diêu tận miền xa, trong tâm tư đôi trai gái trẻ giờ còn một ý niệm duy nhất, bái đường hôm nay mục đích trước tiên là cho cha mẹ vui lòng và sau đó thì… không còn gì nữa cả.

Bái đường xong, Hồ Nam vùi mình trong men rượu cho quên cả đất trời. Nên chàng hoàn toàn không hay biết, trong ngày hôm ấy ở một nơi khác xảy ra một chuyện kinh hoàng.

Hạnh Nguyên sau khi chứng thực Hồ Nam đúng là thiếu chủ Chấn An tiêu cục, hôm nay cũng chính là hôn lễ của chàng. Nàng cảm thấy mình đang chạy, hình ảnh chung quanh cứ mơ hồ, nàng chỉ có cảm giác muốn tránh càng xa càng tốt cảnh tượng đau lòng ấy, không cần biết sẽ chạy đến đâu. Nàng chạy thục mạng đến lúc cảm giác đôi chân mỏi nhừ nàng mới dừng lại, đưa mắt nhìn quanh chỉ thấy toàn cây cối xanh xám một màu. Hóa ra nãy giờ nàng chạy rất xa, đã đến bìa rừng, leo lên một đoạn đường dốc chính là nơi lần đầu nàng gặp Hồ Nam.

Quá khứ lẫn hiện tại giày xéo tâm tư, Hạnh Nguyên khóc đến tê tâm liệt phế. Cuối cùng, nàng lấy trong người ra xấp vải trắng, đây là tất cả những gì nàng đã chuẩn bị cho chuyến đi xa như mẹ chàng mong đợi. Vắt xấp vải lên cành cây cao, nàng quỳ xuống hướng về làng Thượng lạy ba lạy.

Chiều tà, một vài tiều phu vào rừng kiếm củi về ngang trông thấy vội vàng cắt dây thả nàng xuống, Hạnh Nguyên giờ chỉ còn là cái xác không hồn, thân người nàng rủ ra quằng quại, ai cũng lắc đầu thở dài, chỉ đành vác thi thể nàng về. Vừa nhìn thấy thi thể con gái, mẹ nàng kêu lên một tiếng thương tâm rồi ngã vật ra, khí tuyệt thân vong.

Người trong làng ai cũng biết rõ gia cảnh nhà này vốn dĩ mẹ góa con côi, nhìn cảnh ngộ đau lòng này ai cũng xót thương, cũng muốn mua cho họ mỗi người một cỗ áo quan. Nhưng Làng Thượng lại là một làng nghèo, người trong làng quanh năm sống bằng nghề đốn củi đốt than không ai khá giả, góp mãi vẫn không làm sao đủ tiền để mua hai cỗ quan tài, lại chẳng thể tìm ra được món gì có giá trị trong căn nhà của mẹ con bọn họ. Sau cùng, ông lão có tuổi nhất trong làng đưa ra một quyết định đóng bè thả trôi sông. Vì làng Thượng nằm ngay cạnh sông Tương.

Bè chưa kịp đóng xong, một người đàn ông trung niên bất ngờ đến ngăn lại. Người đó nói mình là đạo sĩ, nghe theo tiếng khóc của linh hồn người con gái mà đến. Ông ta nói: "Cô gái này dương số chưa hết, lại chết trong tức tưởi, mang cả đứa con trong bụng chết chung, oán khí xung thiên, nếu thả trôi sông, oán niệm sẽ kết thành quỷ hồn làm lật thuyền những người qua lại trên sông".

Mọi người nhao nhao bàn tán, định sẽ hỏa thiêu, người đàn ông tiếp tục ngăn lại:

- Vậy càng không được, như ta đã nói, cô gái này chết trong tức tưởi, oán khí xung thiên, hỏa thiêu ở đây, làng này từ nay sẽ không được yên bình.

Ai nấy nghe xong phát hoảng, nhao nhao hỏi:

- Vậy chúng tôi phải làm sao?

Người đàn ông bình tĩnh đáp:

- Mọi người cứ lập một giàn hoả, đặt hai thi thể này lên đó. Xong rồi mọi người hãy về nhà, ta sẽ ở đây làm phép, khuyên linh hồn cô gái này rời đi không ở lại quấy nhiễu mọi người. Còn nữa, khi ta làm phép mọi người không được đến gần, nếu ai dám đến nhìn lén, bị cô ta theo ám lúc đó đừng trách ta sao không nói trước.

Mọi người nghe vậy không muốn tin, cũng phải tin, vì ai cũng không muốn rước họa vào mình, mẹ con Hạnh Nguyên lại không mấy thân thích với họ, nên ai nấy bàn nhau cứ để mặc pháp sư kia muốn làm gì thì làm.

Khi mọi người đã đi hết người đàn ông bế xác Hạnh Nguyên vào nhà, đặt lên giường. Giữa trán ông ta bỗng xuất hiện ấn ký kỳ lạ màu đỏ thẫm, toàn thân ông ta cùng lúc sáng bừng lên ánh sáng màu xanh lục. Ông ta cúi người viết vào giữa trán Hạnh Nguyên chữ “Sinh”, nét chữ lưu lại trên trán nàng dưới dạng ánh sáng màu lục. Ánh sáng mỗi lúc một rực rỡ và lấp lánh. Bàn tay người đàn ông đặt cách thân thể Hạnh Nguyên độ một gang tay, ánh sáng từ người ông rơi xuống phủ cả người nàng. Ông ta chầm chậm rải thứ ánh sáng đó lên khắp thân người Hạnh Nguyên. Chỉ lúc sau, Hạnh Nguyên từ từ mở mắt, nàng ngồi dậy.

Hạnh Nguyên ngơ ngác nhìn người đang đứng trước mặt. Trời đã tối, người kia lại được bao phủ trong ánh sáng xanh huyền hoặc, cả người nàng cũng vậy. Hạnh Nguyên kinh ngạc hỏi:

- Ông là Diêm Vương sao? Tôi đã chết rồi phải không?

Người kia khẽ lắc đầu:

- Ta không phải Diêm Vương, ta là Thiên Cầm, người duy nhất trên đời có thuật cải tử hồi sinh. Cô cũng chưa chết, nói đúng hơn ta vừa mang cô từ cõi chết trở về.

- Tại sao lại cứu tôi?

Ông ta đáp:

- Dương số của cô nương chưa tận.

- Tại sao không để cho tôi chết đi, tôi đã không còn lối thoát, cuộc sống với tôi bây giờ còn ý nghĩa gì đâu…

- Đứa trẻ trong bụng cô nương vô tội.

- Nhưng tôi không còn con đường nào để lựa chọn.

- Hãy theo làm đệ tử cuối cùng của ta!

- Người muốn thu nhận tôi sao?

- Nếu cô nương muốn.

Hạnh Nguyên run giọng:

- Sư phụ…

- Hãy ra ngoài nhìn mặt mẹ con lần cuối, bà ấy vì đau lòng cho con mà mất mạng, nhưng ta không cứu được, dương số bà ấy đã tận.

Hạnh Nguyên giờ chỉ biết nhào đến ôm lấy thi thể mẹ mình, nàng không còn nước mắt để khóc thương. Sư phụ khuyên nàng đừng quá thương tâm, cuối cùng nàng cũng buông tay, tự mình thiêu xác mẹ. Lửa tàn trời cũng hừng đông. Hạnh Nguyên thu tro cốt mẹ mình vào hủ, rồi theo sư phụ rời làng. Khi đi, nàng không từ biệt bất kỳ ai, cứ để họ và Hồ gia nghĩ rằng nàng đã chết cũng tốt, mà vốn dĩ nàng đã chết rồi, cuộc sống mới này là sư phụ ban cho.







Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.