Trâm – Nữ Hoạn Quan

Chương 7: Huyết sắc mịt mờ



Khi Hoàng Tử Hà về đến Quỳ vương phủ, Lý Thư Bạch đang dùng bữa tối một mình trong sảnh, thấy cô bước vào, y bèn ra hiệu cho các thị nữ lui ra, đoạn giơ tay trỏ chiếc ghế bên cạnh.

Hoàng Tử Hà hiểu ý kéo ghế ngồi xuống. Lý Thư Bạch lại đưa cô một đôi đũa ngà và một cái bát nhỏ.

Cô nhìn quanh, thấy chỉ có bóng hoa lay động trên vách, không còn người nào khác, mới gắp một miếng bánh kim nhũ, nhón ít thịt bằm ướp dầu đinh hương bỏ vào bát ăn.

Lý Thư Bạch điềm nhiên hỏi, “Nghe nói hôm nay đi dâng hương có kẻ đã biểu diễn một màn vô cùng đặc sắc trước mặt các ngươi hả?”

Vẫn nói tin tức của Quỳ vương rất nhanh nhạy, huống hồ lần này y cho đội hộ vệ của mình hộ tống họ lên núi, đương nhiên phải rõ như lòng bàn tay, nên Hoàng Tử Hà chẳng lấy làm lạ, chỉ đáp, “Vâng, đặc sắc lắm, có điều tôi thấy phản ứng của vương phi còn đặc sắc hơn.”

“Vương phi tương lai.” Lý Thư Bạch chỉnh lại cách gọi.

Hoàng Tử Hà vẫn bình thản như không, “Bệ hạ đích thân ban hôn, lại là họ hàng của hoàng hậu, lẽ nào còn có thay đổi gì sao?”

“Bất kể vì lý do gì, khi đưa canh thiếp giả ra, cô ta đã mắc tội khi quân phạm thượng, kết cục chỉ có thể là vạn kiếp bất phục mà thôi.” Lý Thư Bạch nói, đoạn chuyển chủ đề, “Cô ta sợ bị lộ thân phận ư?”

“Có vẻ còn hơn thế, dường như quá khứ của cô ấy ẩn giấu một bí mật gì đó không thể tiết lộ, khi gã đàn ông từ trên trời rơi xuống kia bóng gió nhắc đến, cô ấy sợ đến tái ngắt, không thể che giấu được.”

“Ngươi có để ý kẻ đó xuất hiện và biến mất thế nào không?”

“Hoàn toàn không nhận ra. Hắn làm sao xâm nhập vòng vây trùng trùng của các hộ vệ trong vương phủ, rồi lại làm thế nào để biến mất, tôi chưa thể lần ra mảy may manh mối.” Hoàng Tử Hà cắn cắn chiếc đũa ngà, cau mày nói, “Sau khi hắn biến mất, Vương Uẩn đã dẫn một toán người lục soát rất lâu khắp nơi trong chùa mà không thấy tung tích. Cứ như thể hắn đã biến thành chim bay mất vậy.”

Lý Thư Bạch chậm rãi hỏi, “Ngươi đọc Nguyên Hóa ký của họ Hoàng Phủ chưa?”

Hoàng Tử Hà lắc đầu, “Là cái gì vậy?”

“Là một cuốn sách, bên trong có nhắc tới một tuyệt kỹ là thuật dùng dây thừng của Gia Hưng. Nghe nói năm Khai Nguyên thời Huyền Tông, triều đình cho dân chúng tụ tập ăn mừng, huyện Gia Hưng và Giám ty thi đấu tạp kỹ, Giám ty bèn chọn trong các phạm nhân một kẻ rất giỏi tuyệt kỹ, có tên tù nói rằng mình biết phép dùng dây thừng. Ngục tốt bèn đem hắn ra bãi đất trống, giao cho một sợi dây thừng dài cả trăm thước. Hắn nhận lấy, quăng một đầu thừng lên trời, lập tức đầu dây chui vào trong mây, kéo căng cả sợi dây, như thể bên trên có người bắt lấy vậy. Hắn càng thả, sợi thừng càng mất hút vào bầu trời, cuối cùng khi đầu dây kia biến mất, hắn bèn theo dây leo lên, biến mất vào không trung, cứ thế mà trốn khỏi ngục.”

“Bất kể xem xét từ góc độ nào hay suy luận ra sao thì…” Hoàng Tử Hà nghĩ ngợi hồi lâu, kết luận, “Chuyện này cũng không thể xảy ra.”

“Sao lại không thể? Những chuyện không thể tưởng tượng trên đời chẳng phải rất nhiều ư?” Khóe môi Lý Thư Bạch khẽ nhếch lên, “Ví như, nghe nói vương phi tương lai của ta sẽ biến mất ngay trước mắt mọi người.”

“Xem ra vương gia rất để tâm những lời của kẻ đó?”

“Ta tin rằng không có lửa thì sao có khói.” Lý Thư Bạch ngả người ra lưng ghế, nhìn lên bóng hoa dập dờn lay động trên ô cửa sổ để ngỏ, chợt hỏi, “Hoàng Tử Hà, hồi nhỏ ở Trường An, ngươi thích nơi nào nhất?”

“Hở?” Miệng đang ngậm một miếng bánh kim nhũ thì bị hỏi đột ngột, Hoàng Tử Hà trợn tròn mắt nhìn Lý Thư Bạch rồi lúng búng đáp, “Hẳn là… chợ Tây.”

“Ừm, chợ Tây. Hồi nhỏ ta cũng thích nơi đó nhất.” Y thong thả nói, như đang ngẫm ngợi, “Ai lại không thích chỗ đó chứ? Ấy là nơi náo nhiệt nhất kinh thành, thậm chí nhất thiên hạ.”

Chợ Tây thành Trường An.

Châu báu Ba Tư, hương liệu Thiên Trúc, ngựa quý Đại Uyển, lá trà Giang Nam, gấm vóc đất Thục, da thú ải Bắc…

Từng dãy dài tiệm quán tíu tít mở cửa, nào hàng cá hàng bút quán rượu tiệm trà, chẳng chỗ nào không huyên náo. Khách buôn chen vai thích cánh với người đi đường, những hàng quà vặt quẩy gánh đi trên phố, cô ả bán hoa với những bó hoa như gấm, ca kỹ người Hồ eo lưng thon thả trên gác quán rượu, tạo thành một cảnh tượng náo nhiệt khôn tả.

Đây chính là chợ Tây Trường An với không khí náo nhiệt mà cả lệnh giới nghiêm cũng không xua tan được. Từ những năm Khai Nguyên, Thiên Bảo trở đi, nơi này ngày càng phồn thịnh, kéo theo cả phường Sùng Nhân quanh đó đêm đêm sênh ca, rộn ràng không ngớt.

Ánh mặt trời cuối xuân đầu hạ chiếu lên những cây hòe cây du đầy bên đường, lá non mới nhú biêng biếc như ngọc bích. Lý Thư Bạch và Hoàng Tử Hà kẻ trước người sau thả bộ dưới bóng cây. Vì Lý Thư Bạch đang cải trang, nên Hoàng Tử Hà hôm nay cũng trút bỏ bộ đồ hoạn quan, mặc đồ nam bình thường, thoạt trông như một thiếu niên mới lớn.

Hai người quanh quẩn khắp chợ tây, xem đủ thứ trong các cửa hàng. Tiếc rằng Lý Thư Bạch từ nhỏ quen sống trong nhung lụa, không ưng mấy món đồ tạo tác thô sơ trên phố, còn Hoàng Tử Hà không xu dính túi, lại chưa được Lý Thư Bạch phát lương bổng nên chỉ nhìn chứ chẳng mua được gì cả.

Đến một tiệm bán cá chép gấm, Lý Thư Bạch mới mua một túi thức ăn cho cá, lại ngắm nghía một bể cá bằng sứ hình dạng khá đặc biệt, vẻ như đang cân nhắc.

Hoàng Tử Hà đã không mua được thứ gì, đương nhiên phải xúi bẩy người khác, “Đẹp lắm, đem con cá ở nhà thả vào, nó cũng được hoạt động thoải mái hơn.”

Y cầm bể cá lên xem, đoạn đặt xuống nói, “Nuôi trong bể lớn để nó bơi qua bơi lại thành quen, về sau sẽ không quen chỗ nhỏ nữa.”

Hoàng Tử Hà lẩm bẩm, “Để nó thoải mái một ngày cũng không được ư?”

“Từ khổ đến sướng dễ, từ sướng đến khổ khó. Nếu đằng nào cũng rơi vào cảnh khổ thì ban đầu việc gì phải để nó quá sung sướng?”

“…” Hoàng Tử Hà thực chẳng biết nói gì với kẻ vừa khoác cả một đạo lý lớn lên mình con cá nhỏ nữa.

Giờ còn sớm, chưa thấy các phường trò đâu cả. Hoàng Tử Hà hỏi người đi đường, biết được bọn họ thường phải qua giờ Ngọ, lúc trên phố đông đúc nhất mới xuất hiện.

Trông sắc trời đã sắp đến giờ Ngọ, Lý Thư Bạch cuối cùng cũng rủ lòng thương Hoàng Tử Hà, dắt cô vào một tửu quán bên đường, chọn một gian phòng ngăn, gọi mấy món ăn chưa từng gặp trong vương phủ.

Bên trong quán bài trí khá trang nhã, có điều người dùng bữa đông đúc, không khỏi quá ồn ào. Lý Thư Bạch vừa cau mày, chợt nghe thấy một tiếng thước gõ, cả quán rượu tức thì im phăng phắc.

Là một tiên sinh kể chuyện đương ở trong quán, tay cầm một chiếc trống đô đàm(*), vừa gõ vừa hát, trước là một khúc Điệp luyến hoa của giáo phường, sau đó thu dùi lại, hắng giọng nói, “Hôm nay lão xin kể hầu các vị một chuyện lạ lùng hiếm gặp khắp bốn phương tám hướng Cửu Châu.”

(*) Một loại nhạc cụ du nhập từ Thiên Trúc.

Vừa nghe giọng, Hoàng Tử Hà đã nhận ra đây là tiên sinh kể chuyện trong ngôi đình nhỏ ngoài thành Trường An khi trước, bấy giờ cả đám người tụ lại trú mưa, chính người này đã nhắc đến vụ án nhà cô, hẳn bây giờ sẽ thuật lại những chuyện trên phố trong thành.

Quả nhiên, người đó nói ngay, “Thành Trường An, hoàng đế ngự giữa cung Đại Minh. Ngoài cung còn có các vương, trong đó có một vị là Quỳ vương gia, húy là Lý Tư, tự Thư Bạch.”

Bên dưới có người la lên, “Tôi thích nhất nghe chuyện Quỳ vương đấy, trước hết hẵng kể chuyện vương gia chỉ huy sáu vị tiết độ sứ đại chiến với Bàng Huân đi!”

“Khách quan à, đừng nóng đừng nóng, để tôi kể chuyện gần đây cho ông nghe nhé, nguồn cơn việc này có liên quan chặt chẽ với chuyện Quỳ vương bắn chết Bàng Huân giữa vạn quân năm xưa đấy.”

Bên ngoài ồn ào nhốn nháo, nhưng trong gian phòng ngăn chạm hoa có thể nhìn xuyên vách ra ngoài thì ngược lại, Lý Thư Bạch chỉ mắt lấp tai ngơ, chậm rãi dùng cơm, bình thản nhìn những người đi lại ngoài đường.

Hoàng Tử Hà chống cằm lắng tai nghe câu chuyện, “Ồ, các vị có biết gần đây Quỳ vương bận túi bụi không, nghe nói vương gia mới gặp phiền phức đấy.”

“Quỳ vương gia vừa phá được vụ án Bốn phương trong kinh thành, lại sắp nạp vương phi, đương lúc gió xuân đắc ý, sao lại gặp phiền phức được?” Vẫn là người khách vừa nãy hỏi đáp tung hứng.

“Các vị có biết chiều qua vương phi tương lai của Quỳ vương phủ, chính là Vương cô nương ở Lang Gia ấy, đến chùa Tiên Du dâng hương chăng?”

Đám người ngồi đó xôn xao bàn tán, “Chuyện này tôi cũng nghe phong thanh, nghe đồn người họ hàng này của hoàng hậu vô cùng diễm lệ, đẹp như thiên tiên vậy!”

“Hôm qua lúc xa giá Quỳ vương phủ hộ tống nàng ra khỏi thành, tôi cũng đứng bên đường chờ xem mặt, nào ngờ vương phi tương lai quả thực hiền thục đoan trang y như lời đồn vậy, buông kín rèm xe không vén lên lấy một góc nào, thực khiến người ta tò mò.”

“Song như tôi thấy thì ắt là giai nhân tuyệt sắc, mới giành được Quỳ vương gia từ tay Kỳ Lạc quận chúa chứ?”

“Kỳ Lạc quận chúa hiện giờ mới là kẻ đáng thương nhất kinh thành đấy, đủ thấy đàn bà con gái đừng dại mà phô bày hết tâm ý ra, lỡ chẳng lấy được người trong mộng, lại thành trò cười cho thiên hạ.”

“Đúng vậy, nếu không có Vương cô nương này, thì dựa vào gia thế cùng dung mạo của quận chúa, chẳng phải là trời sinh một đôi với Quỳ vương ư? Chắc giờ quận chúa đang đóng cửa nhốt mình trong phòng, ngày ngày nguyền rủa Quỳ vương phi ấy nhỉ, a ha ha ha…”

Khắp phòng rộ lên tiếng xì xào, song tiên sinh kể chuyện chỉ cười ngồi nghe, đợi tiếng xôn xao ngừng bặt mới nói, “Nhưng các vị có biết, dù Vương cô nương kia may mắn ngồi lên vị trí Quỳ vương phi mà bao người trong kinh thành ao ước, cũng khó tránh khỏi hôn sự trắc trở giữa chừng không?”

Những người ngồi đó vừa nghe thấy câu này tức thì lặng phắc. Tiên sinh kể chuyện nọ thực là nhanh mồm nhanh miệng, tương thuật luôn tấn trò hôm qua trong chùa Tiên Du, lại thêm mắm giặm muối vô số phỏng đoán và tưởng tượng, cả cái gì mà chỉ thấy kẻ kia thân cao một trượng eo to tám người ôm mặt xanh nanh vàng bên sườn có một đôi cánh, còn nói hắn muốn bắt cóc vương phi nên Vương Uẩn phải chống kiếm đại chiến ba trăm hiệp với hắn. Quái nhân không thắng nổi, bèn nhảy khỏi vòng chiến rống lên, “Từ giờ đến hôm cưới còn mười ngày. Quỳ vương cứ cẩn thận đấy!” Thì ra hắn đã quyết sẽ bắt vương phi đi trước ngày thành hôn, ngay trước mắt mọi người, giữa tường sâu cung cao.

Tiên sinh càng kể càng hăng, gõ cây thước đánh cốp xuống bàn, vẻ hứng khởi, “Vương Uẩn nghe nói giận đến xì khói, vung kiếm chém xuống. Keng một tiếng, quái nhân đã biến thành làn khói xanh bay mất, dưới đất chỉ còn một đầu mũi tên đen sì, bên trên khắc bốn chữ ‘Đại Đường Quỳ Vương’, chính là mũi tên năm xưa Quỳ vương đã bắn vào yết hầu Bàng Huân.”

“Hay!” Tiên sinh kể chuyện vừa thốt ra tiếng cuối cùng, đám đông trong sảnh liền rầm rộ khen ngợi, ầm ĩ như sấm dậy. Hoàng Tử Hà lắc đầu. Lý Thư Bạch hờ hững hỏi, “Kể không hay ư?”

Hoàng Tử Hà lắc đầu, “Là tôi nghĩ không thông, nếu bên sườn đã có cánh thì còn biến thành làn khói xanh làm gì, đập cánh bay đi chẳng được ư?”

“Không thế thì sao hấp dẫn được người nghe?”

Nhớ lại ngày trước trong ngôi đình nhỏ ở ngoại thành Trường An, tiên sinh kể chuyện này từng vu cho mình là Bạch Hổ Tinh đầu thai, Hoàng Tử Hà bất giác đưa tay lên đỡ trán, trấn tĩnh rồi hỏi, “Không kêu phủ doãn trị cho hạng người này một trận được ư?”

“Tăng thêm chút niềm vui trong cuộc sống cho trăm họ, có gì không tốt đâu?” Lý Thư Bạch vẫn điềm nhiên, đến lông mi cũng chẳng buồn chớp.

Hoàng Tử Hà lắng tai nghe tiếp động tĩnh bên ngoài, thì ra tiên sinh nọ đã kể sang câu chuyện ngày xưa.

Năm Hàm Thông thứ chín, Bàng Huân binh biến ở Quế Lâm, thống lĩnh hai mươi vạn binh áp sát triều đình, đòi được phong làm tiết độ sứ. Triều đình không chịu, hắn bèn tự lập làm vua, đánh hạ một mạch mấy châu quận, ngang nhiên tàn sát quan lại và dân chúng. Bấy giờ các tiết độ sứ ai khư khư cầm quân lo thân người nấy, triều đình không cách nào điều động được binh lực các châu, giữa họa binh đao, hoàng thất Lý Đường đành bó tay chịu chết, chỉ riêng Lý Thư Bạch một mình đi đến các châu phủ hùng mạnh chiêu binh, tập hợp được mười vạn binh mã, lại đem quyền hành và so sánh lợi hại thuyết phục các tiết độ sứ xung quanh, cuối cùng tạo nên một thành lũy liên hợp của sáu tiết độ sứ lớn, đến tháng Chín năm sau thì đại phá phiến quân, giết chết Bàng Huân.

Bấy giờ Bàng Huân đứng trên đầu thành, giữa đám loạn quân, chính Lý Thư Bạch đã giương cung bắn trúng yết hầu hắn. Loạn quân chạy tan tác, Bàng Huân từ trên đầu thành rơi thẳng xuống đất, bị binh mã dưới thành giày xéo nát nhừ giữa tiếng nhốn nháo. Chỉ có mũi tên dính đầy máu thịt nọ là được giữ lại, cho vào hộp pha lê, đặt trong tháp canh ở Từ Châu để răn đe người sau.

Cũng chính lúc ấy, Lý Thư Bạch bắt được lá bùa viết sinh thần bát tự của mình, chớp mắt đà mấy năm, thiếu niên mười mấy tuổi đã thành vương gia quyền nghiêng thiên hạ, song từ bấy y cũng rơi vào lời nguyền quỷ quái, không cách nào thoát ra được.

Tháng trước có tin đồn chiếc hộp pha lê trong tháp canh Từ Châu vẫn không mảy may xê dịch, nhưng mũi tên kia đã không cánh mà bay. Quan lại Từ Châu cuống quýt truy tìm bấy lâu không thấy tăm tích, nào ngờ nó lại xuất hiện ở chùa Tiên Du, đúng ngày Vương Nhược đến dâng hương, do kẻ thần bí kia bỏ lại trong chùa.

"Các vị, thế này chẳng phải chuyện lạ đó đây, lạ càng thêm lạ ư?”

Tiên sinh gõ thước đánh cộp như khơi chuyện, mọi người bèn rộ lên bàn tán, “Lẽ nào là oan hồn Bàng Huân không tan, mượn dịp Quỳ vương gia thành thân đến báo thù ư?”

“Thôi đi, xưa nay chỉ có tôi trung con hiếu mới hiển linh, hắn là phản tặc, còn oan gì chứ?”

“Úi chà, Bàng Huân giết người như ngóe, nói không chừng chính là ác quỷ đầu thai, sao không thể có linh hồn chứ?”

Thấy câu chuyện chẳng mấy chốc đã xoay sang hướng thần quái, Hoàng Tử Hà đành quay lại nhìn Lý Thư Bạch. Y không buồn ngẩng lên, chỉ hỏi, “Sao thế?”

“Tôi đang nghĩ... năm mười chín tuổi, khi bắn mũi tên kia vào Bàng Huân, vương gia đã nghĩ gì?” Cô chống cằm nhìn y.

Mặt y vẫn thản nhiên như mặt hồ lặng gió, không một gơn sóng, “Nếu biết được ngươi sẽ thất vọng đấy.”

“Không thể nào, vương gia nói nghe xem?”

“Bấy giờ ta nghĩ, nếu tự dưng lại có cơn gió đẩy lệch mũi tên đi, có phải hơi mất mặt không.”

“…” Hoàng Tử Hà nín lặng.

“Có những chuyện, cần gì phải biết.” Y nói, đoạn trỏ ra ngoài song, “Đằng kia có phường trò mới ra kìa, đi thôi.”

Bụng sôi òng ọc, Hoàng Tử Hà nhìn đĩa thức ăn mới gắp được mấy đũa trước mặt rồi hậm hực đứng dậy theo y.

Đã qua giờ Ngọ, những người diễn trò rong đều đã có mặt. Song đa phần là mấy trò bình thường như tung vòng, đội bát, đi trên ang nước, trái lại, trước mặt một người nuốt kiếm có cả đám đông xúm xít.

“Nuốt kiếm quá bình thường, có gì hay đâu?” Cô hỏi một người trung niên đang ra sức chen lấn.

Người kia háo hức đáp, “Cái này khác! Thanh kiếm dài đến bốn thước, song người lùn nuốt kiếm chỉ cao ba thước thôi!”

Nghe vậy, Hoàng Tử Hà chỉ hận không thể chen ngay vào trong. Lý Thư Bạch ném cho cô một cái nhìn khinh bỉ rồi quay ngoắt người bỏ đi. Hoàng Tử Hà đành lặng lẽ theo sau, thầm nghĩ hạng người này sống trên đời dường như không có chuyện gì khiến y phấn chấn hay hứng thú cả, bản thân y liệu có thấy vui không?

Song chỉ một thoáng sau, cô đã nghĩ ngay đến bản thân mình. Mẹ cha qua đời, mất hết người thân, mang nặng mối thù mà chẳng có mảy may manh mối, đời này của cô liệu có cách nào trở lại thành thiếu nữ hồn nhiên nô đùa như trước không?

Lý Thư Bạch đang đi, chợt cảm thấy đằng sau yên ắng hẳn, cả tiếng chân hình như cũng không nghe thấy nữa. Y hơi ngoái đầu, nhìn về phía Hoàng Tử Hà.

Cô đứng phía sau, cách y chừng hai bước, song ánh mắt lại dán vào đôi vợ chồng trẻ đi ngang, bọn họ người bên trái người bên phải, dắt tay một cô bé, cô bé sôi nổi hoạt bát, có lúc còn cố ý nhảy lên đeo dính lấy cánh tay cha mẹ như một chú khỉ đánh đu.

Lý Thư Bạch dừng bước, đợi Hoàng Tử Hà.

Cô đứng đó đưa mắt nhìn ba người nọ đi xa, tĩnh tại mà lặng lẽ, nắng đổ xuống cô, tạo bóng lờ mờ trên gương mặt.

Hồi lâu, đợi cô nhìn đến mình, Lý Thư Bạch mới chậm rãi nói, “Đi thôi.”

Phía trước lại xuất hiện một đám đông, lần này là gánh ảo thuật của một cặp phu thê, ở họ toát lên vẻ phong trần và láu lỉnh đặc trưng của nghệ nhân giang hồ. Hoàng Tử Hà và Lý Thư Bạch đứng giữa đám đông, trước tiên thấy hai người kia diễn một màn kịch ngư long, sau đó là tiết mục biến nước trắng thành rượu thường thấy, người phụ nữ còn làm một màn biến hoa giấy thành hoa tươi, tuy phương pháp không có gì mới, song đến cuối màn, khi thị tung mấy chục đóa hoa tươi lên không trung rồi để chúng lả tả rơi xuống, trông cảnh tượng quả có lý thú.

Màn ảo thuật kết thúc, người xem tản đi. Cặp phu thê thu dọn đồ đạc chuẩn bị đi nốt. Thấy Lý Thư Bạch đưa mắt với mình, Hoàng Tử Hà đành bước lên hỏi, “Chào hai vị, màn biểu diễn của hai vị hay quá, xem đã cả mắt!”

Người đàn ông tươi cười đáp lễ, “Thường thôi thường thôi, tiểu huynh đệ thích xem ư?”

“Đúng thế, nhất là cái màn… biến hoa giấy thành hoa thật ấy. Tôi đoán hoa thật được giấu trong tay áo, nhưng hoa giấy biến đi đâu rồi?”

Người đàn ông cười nói, “Chuyện này không nói được, đây là ngón nghề kiếm cơm của chúng tôi.”

Hoàng Tử Hà quay lại nhìn Lý Thư Bạch, y bèn ném cho cô một thoi bạc. Cô đặt thoi bạc vào tay người kia, khẩn khoản, “Đại ca, không giấu gì huynh, chủ tôi đang đánh cược với người ta. Huynh có biết kinh thành từ hôm qua rộ lên lời đồn rằng ở chùa Tiên Du có kẻ chỉ phất tay một cái đã làm biến mất cả con chim trong lồng không?”

Người kia nắm chặt lấy thoi bạc, cười tươi rói, “Chuyện này tôi không biết, nhưng có cách làm biến mất một con chim trong lồng mà. Tiểu huynh đệ cứ kể ra xem.”

“Chủ tôi có một người bạn, khăng khăng nói rằng chuyện này không thể. Chủ tôi bèn đánh cược với y, nói trong ba ngày nhất định sẽ biểu diễn trò này cho y xem, Huynh thấy… có thể dạy cho chủ tôi cách ấy không?”

“Đó chẳng qua là trò vặt đấy thôi.” Người kia tông tốc nói ngay, “Con chim trước tiên đã được huấn luyện kỹ, một khi chủ nhân ra hiệu, nó sẽ đứng lên một chỗ nào đó trong lồng, chỗ đó gắn sẵn cơ quan, chỉ cần ấn tay trái vào một nan lồng, cơ quan nọ sẽ hoạt động, con chim nhỏ ắt rơi ra, đúng lúc ấy hắn phất tay áo qua hứng lấy là được.”

“Ồ! Ra vậy.” Hoàng Tử Hà sực hiểu, lại chìa tay về phía Lý Thư Bạch, Lý Thư Bạch ném cho cô một thoi bạc. Cô giơ thoi bạc lên hỏi, “Huynh đã nắm rõ cơ quan này như thế, chắc chỗ huynh cũng có loại chim và lồng như thế chứ?”

“Trước đây quả từng có.” Người nọ vừa thấy bạc liền lộ vẻ rầu rĩ, “Đáng tiếc mấy ngày trước bị người ta mua mất rồi.”

Người phụ nữ nãy giờ đứng bên cạnh, cuối cùng cũng không nhịn được chen vào, “Thiếp nói rồi mà, năm lạng bạc kia làm được gì chứ, con chim ấy là sư phụ truyền lại, huấn luyện công phu như thế, có bán mười lạng cũng tiếc.”

Hoàng Tử Hà lại hỏi, “Dạy sáo đen à? Trong ba ngày liệu có dạy được không?”

Người kia buồn bã đáp, “Không phải sáo đen, của tôi là một con chim trắng muốt, đẹp lắm.”

“Ôi, thế thì tiếc quá.” Hoàng Tử Hà nói, đoạn dúi thoi bạc vào tay hắn, “Chẳng biết là ai mua mất, có cách nào tìm được người đó không? Tôi muốn thử vận may, đi hỏi xem liệu người ta có bán lại cho không.”

“Chuyện này tôi thực không biết, người ta học xong thì đi mất, tôi cũng chẳng rõ tên.”

“Vậy trông người thế nào? Đại ca còn nhớ không?”

“Ừm… là một thiếu gia chừng hai mươi tuổi đổ lại, người tầm thước, mà hơi cao, mặt mũi thì, rất đẹp đẽ thanh tú… Phải rồi, trên trán còn có một nốt ruồi son!”

Người phụ nữ bổ sung, “Nốt ruồi nằm chính giữa trán, con người vốn đã đẹp đẽ lắm rồi, lại được thêm một nốt ruồi, thành ra dào dạt tiên khí, khác nào người trong tranh!”

Dọc đường về Quỳ vương phủ, hai người đều nín lặng.

Hoàng Tử Hà mải điểm lại đầu đuôi mọi sự cùng những manh mối bí hiểm chưa tháo gỡ được, bất chợt ngẩng lên thì thấy Lý Thư Bạch đã bỏ cô lại một quãng xa, vội rảo bước đuổi theo.

Trời đã tối, đèn đuốc đã thắp sáng hai bên đường, hàng dãy đèn lồng chạy dài, tỏa sáng đỏ rực khắp phố. Dưới ánh đèn, Lý Thư Bạch ngoái lại nhìn cô, gương mặt lạnh lùng cố hữu của y dịu đi dưới ánh hồng ấm áp, đôi mắt cũng bớt vẻ hờ hững, lại điểm vài phần băn khoăn.

Hoàng Tử Hà không ngờ y lại để tâm tới kẻ kia như vậy, tự dưng lúng túng, chẳng biết nên nói gì. Cô ngẩng đầu nhìn y, những ngọn đèn chạy dọc con đường lung lay trong gió, mờ ảo lung linh, tỏa ánh chênh chao. Cô chợt thấy bối rối, hồi lâu mới khó nhọc rặn được mấy câu, “Thực ra, tôi nghĩ thế này… Một trang nam tử xuất khẩu thành thi, khí chất ôn hòa thì không thể là kẻ diễn trò lưu lạc giang hồ, ắt là kín đáo học hỏi được ai đấy nên mới đến thăm dò… Nhưng người hôm ấy xuất hiện trước mặt chúng tôi… nhất định không thể là… người đó được.”

“Ừm, người ấy không thể có quan hệ gì với Bàng Huân, càng không thể qua mặt mọi người, lẻn vào chùa Tiên Du được.”

Nhưng y có thể sai kẻ khác lẻn vào chùa Tiên Du. Khi hai người không hẹn mà cùng nghĩ tới điểm này, cô lại nói, “Huống hồ, người ấy đã có thuộc hạ ra mặt thay mình, việc gì phải đích thân tới chỗ hai nghệ nhân diễn trò bên đường học lấy mánh khóe.”

Trên đường đèn đuốc sáng trưng như ban ngày, hai người đang đứng lặng, chợt một cỗ xe ngựa chầm chậm chạy đến, trước xe sau xe lại có vệ binh mở đường và hoạn quan hầu hạ, một hàng mấy chục người đi rất trật tự.

Hai người không muốn bị trông thấy, bèn tránh sang bên đường, nào ngờ người trên xe lại mở cửa sổ ra, chỉ thoáng nhìn đã thấy bọn họ.

Cỗ xe từ từ dừng lại rồi cửa xe bật mở, người bước xuống là Ngạc vương Lý Nhuận.

Y là một thiếu niên trắng trẻo mà thanh tú, văn nhã mà hiền hòa, gương mặt lúc nào cũng tươi cười. Những người gặp y đều nói ở y toát ra một thứ tiên khí bẩm sinh, mày mắt đẹp như tranh vẽ, chính giữa trán lại có một nốt ruồi son đỏ thắm, chẳng khác người trong tranh.

Lý Nhuận bước tới trước mặt hai người, mỉm cười hỏi Lý Thư Bạch, “Sao Tứ ca lại ở đây?”

Lý Thư Bạch quay lại nhìn y, khẽ gật đầu, “Thất đệ.”

Lý Nhuận thấy y đi một mình, chỉ dắt theo Hoàng Tử Hà, liền gật đầu ra vẻ hiểu ý, rồi cười cười nói với Lý Thư Bạch, “Hôm nay tiết trời thoáng mát, đèn phố như sao, hèn nào Tứ ca cũng phải ra ngoài đi dạo. Có điều dắt theo mỗi một tiểu hoạn quan e rằng không ổn, nên cho dăm tay cấm vệ đi cùng mới phải.”

Lý Thư Bạch giơ tay sờ mấy tua đèn buông rủ, “Nếu đem theo nhiều người, sao còn thưởng thức được cảnh đêm tĩnh mịch thế này?”

Lý Nhuận nhìn quanh, thấy cả con phố rực rỡ ánh đèn, người qua lại thưa thớt, không khỏi gật đầu tán thưởng, “Tứ ca nói phải, chúng ta từ nhỏ lớn lên giữa phồn hoa, đâu lĩnh hội được cảnh trí thế này.”

Lý Thư Bạch tỏ vẻ không muốn nhiều lời thêm nữa, “Sắp đến giờ giới nghiêm rồi, đệ cũng mau về đi.”

Lý Nhuận gật đầu khen phải, sau đó lại nghĩ ra một chuyện, liền nói, “Nếu Tứ ca rảnh rỗi, mời đến chỗ đệ chơi. Trần Niệm Nương đệ tử tái truyền của Đổng Đình Lan đang ở đó, đệ mời bà ta về làm cầm sư.”

“Bà ta không về Dương Châu ư?”

“Lúc trước Cửu đệ dẫn bà ta vào cung gảy đàn cho Triệu thái phi nghe, bệ hạ và hoàng hậu cũng có mặt. Song Triệu thái phi chỉ ưa tỳ bà, bệ hạ lại thích ồn ào, không chuộng cầm sắt, hoàng hậu thì thanh tĩnh xưa nay, hằng ngày không ham ca múa yến tiệc, càng không thể đánh giá cao một cầm sư. Đệ hỏi ý Trần Niệm Nương, bà ta nói muốn tạm nán lại kinh thành ít lâu, hẳn vẫn muốn tìm Phùng Ức Nương.”

Hoàng Tử Hà và Lý Thư Bạch nhìn nhau. Thực không ngờ Trần Niệm Nương lại đến sống trong phủ Lý Nhuận. Một loạt sự việc liên quan đến nhau dường như đang dần dần tập trung lại dưới sự dẫn dắt của một thế lực nào đó.

Lý Thư Bạch thản nhiên bảo Lý Nhuận, “Ra thế. Mấy hôm nữa ta rỗi, nhất định sẽ sang bên ấy.”

“Được, đệ xin quét cửa chờ sẵn.”

Đợi xe ngựa của Lý Nhuận đi xa, Lý Thư Bạch mới đưa mắt nhìn chiếc đèn trước mặt, chậm rãi hỏi, “Ngươi thấy Ngạc vương gia thế nào?”

Hoàng Tử Hà cân nhắc chốc lát rồi đáp, “Nếu muốn giả mạo thân phận, cách tốt nhất là đóng giả làm một người có đặc điểm rõ ràng. Tôi nghĩ đây có lẽ chính là nguyên nhân khiến Ngạc vương gia được chọn là hỏa mù che mắt chúng ta.”

“Còn khả năng nào không?”

“Còn một khả năng là Ngạc vương gia nổi dạ trẻ thơ, vừa thao túng việc tuyển phi của vương gia vừa đích thân đến chợ Tây học mánh, sau đó quay về sai người tới đe dọa vương phi.” Cô tựa vào gốc liễu, cầm một cành liễu thong thả nói, “Nghĩ thế nào cũng thấy khả năng đầu tiên nghe lọt tai hơn.”

Lý Thư Bạch chậm rãi nói, “Ta khác ngươi, không thích phân tích những chi tiết như vậy. Nhưng chẳng cần phân tích cũng biết Thất đệ không phải kẻ ấy, bởi ta không tin Thất đệ có thể ra tay với ta. Trên đời này, những kẻ dám chính diện đối địch với ta không nhiều đâu. Ta chỉ muốn biết kẻ nào định đẩy Thất đệ đến trước mặt ta, để làm ta tưởng Thất đệ đang giở trò.”

Mùng 9 tháng Năm.

Còn bảy ngày nữa là đến lễ thành hôn của Quỳ vương.

Cơn mưa rả rích suốt đêm khiến cả kinh thành trở nên mờ mịt. Trên đường đến nhà họ Vương, Hoàng Tử Hà nhìn qua tấm rèm trúc tinh xảo trên cửa xe, trông thấy những nhành hoa trĩu xuống vì ngậm nước mưa.

Hoa đào hoa mận đã nở hết, nhưng hoa hòe ở Trường An đang lần lượt xòe cánh, mùi hương ngan ngát bao trùm cả kinh thành. Từng chùm hoa trắng muốt buông rủ đầu cành, nhạt màu đến mức tưởng như vô hình. Thỉnh thoảng một hai đóa chạm vào cửa sổ xe nghe sột soạt, cô mới nhận ra không phải nước mưa mà là hoa.

Người nhà họ Vương đã cầm ô đứng ngoài cổng chờ sẵn, thấy Hoàng Tử Hà xuất hiện vội chạy lại che cho cô, “Cuối cùng Dương công công cũng đến rồi. Hoàng hậu triệu tiểu thư vào cung, dặn công công và Tố Khởi cô cô đi theo tấn kiến.”

“Ồ, ta biết rồi.” Hoàng Tử Hà gật đầu. Những lời đồn đại cứ lan đi mãi trong kinh thành, đã đến tận tai hoàng hậu nơi thâm cung. Hôm nay hoàng hậu triệu họ vào, hẳn muốn dặn dò nhiều việc.

Hoàng Tử Hà đón lấy cây dù, đi xuôi theo hành lang. Qua hai lớp cửa son, con đường quành sang Tây viện, chính là nơi ở của Vương Nhược. Chỗ nàng trồng đầy phong lan, bụi chuối trong sân cũng mới nhú lên những đợt non nuột nà, thấp thoáng trông thấy song hoa, giữa cảnh mưa lâm thâm thế này càng toát lên vẻ lạnh lẽo, thiếu hơi ấm.

Hoàng Tử Hà thu ô lại, đứng ngoài cửa sổ. Dưới hành lang trồng một bụi chuối, dưới gốc chuối là một ang sứ lớn, bên trong nuôi một con cá chép gấm ba bốn đuôi, màu sắc tươi tắn, pha giữa hồng và trắng, đang nhởn nhơ bơi lượn.

Hoàng Tử Hà đứng đó ngắm mưa giội xuống tàu chuối, làm bắn lên những hạt nước li ti. Giữa khung cảnh tĩnh lặng, cô chợt nghe loáng thoáng tiếng động trong phòng, như có kẻ đang thì thầm.

Hoàng Tử Hà ngoảnh vào, nhìn qua song cửa, trông thấy Vương Nhược đang ngủ mê man trên chiếc giường kê bên cửa sổ, đôi mày nàng nhíu chặt, vẻ mặt đầy kinh hãi, hai tay nắm chặt mép chăn, trán đầm đìa mồ hôi, như đang phải chịu cực hình tàn khốc nhất vậy.

Hoàng Tử Hà đứng ngoài cửa sổ, quan sát nàng một hồi, đang nghĩ xem có nên đánh thức hay không thì nghe thấy nàng lảm nhảm, “Huyết sắc… Huyết sắc…”

Cô thoáng ngạc nhiên, đang cúi đầu lắng nghe, chợt thấy giọng Vương Nhược đổi ra khẩn cầu, “Phùng Nương, đừng trách tôi, bà không nên biết…”

Mưa gió bỗng mạnh hẳn lên, hất van vát xuống Hoàng Tử Hà. Cô vội né người tránh, nghe thấy Vương Nhược “á” lên một tiếng rồi tỉnh dậy.

Hoàng Tử Hà bình thản giũ những hạt mưa trên áo mình, điềm nhiên như không bước đến gõ cửa gọi nhỏ, “Vương phi.”

Trong phòng vốn dĩ có hai a hoàn, một đứa tên Nhàn Vân cực kỳ lanh lợi, lập tức chạy ra mở cửa chào, “Dương công công đến rồi, vương phi đang gặp ác mộng.”

“Ừm, vừa nãy ở ngoài cửa sổ ta cũng nghe thấy.” Hoàng Tử Hà phẩy phẩy mưa trên người, quay lại trông thấy Vương Nhược đã từ từ ngồi dậy, đang ngẩng lên nhìn mình, vẻ kinh hoàng trong mắt chưa phai, tựa hồ vẫn còn chìm trong cơn ác mộng, khó mà thoát nổi.

Hoàng Tử Hà bèn đến bên giường khẽ hỏi, “Vương phi mơ thấy gì vậy?”

“Sùng Cổ…” Đôi mắt như hồ thu của nàng giờ đây ầng ậc nước, rưng rưng nhìn cô, ngập ngừng hồi lâu mới ngoảnh mặt đi, run rẩy đáp, “Ta, ta mơ thấy mình thực sự, thực sự biến mất…”

Hoàng Tử Hà ngồi xuống mép giường dịu giọng, “Giấc mơ chẳng qua là suy nghĩ trong lòng, vương phi ngày nghĩ sao đêm chiêm bao làm vậy, chỉ cần đừng nghĩ đến mấy lời của kẻ đó, nhất định sẽ không gặp ác mộng nữa đâu.”

“Thật ư?” Nàng run rẩy hỏi, yếu đuối bơ vơ nắm lấy tay áo Hoàng Tử Hà, thân hình cũng run lên bần bật, “Sùng Cổ, vương gia sẽ bảo vệ ta, phải không?”

“Đúng vậy.” Cô đáp không chút do dự, song lại nhớ đến câu Lý Thư Bạch nói – Bất kể vì lý do gì, khi đưa canh thiếp giả ra, cô ta đã mắc tội khi quân phạm thượng, kết cục chỉ có thể là vạn kiếp bất phục mà thôi.

Có điều, nghe cô đáp như vậy, Vương Nhược thấy yên tâm hẳn. Nàng khẽ thở phào, tựa mình vào tấm đệm mềm trên giường, ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Hoàng Tử Hà thấy khóe môi nàng từ từ hé ra một nụ cười như mộng ảo, nhìn vào hư không mà như đang nhìn vào thứ gì đó bền vững không thể phá hủy, lẩm bẩm, “Phải rồi, Quỳ vương gia sẽ bảo vệ ta, ta còn sợ gì nữa chứ.”

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.