Ngày xưa có một bác tiều phu nghèo khổ. Bác luôn luôn phải làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Mãi rồi bác cũng dành dụm được ít tiền. Bác bảo con trai: “Con ơi, con là con một, bố muốn dành tiền này để con học hành, bố đã kiếm số tiền này bằng mồ hôi nước mắt. Con hãy học lấy một nghề lương thiện để sau này nuôi dưỡng bố khi bố già yếu, chân tay cứng đờ, không làm ăn gì được nữa, phải ngồi ở xó nhà”. Chàng thanh niên bèn xin vào một trường cấp cao và học hành rất siêng năng. Các thầy dạy khen ngợi hết lời, và anh ta học ở đó một thời gian dài. Sau đó, anh ta đã học qua nhiều trường khác. Nhưng chưa học được hết thì số tiền ít ỏi mà bố dành dụm được đã tiêu tán hết. Anh ta phải trở về nhà. “Chà! – Ông bố nói – Bố không còn gì để cho con nữa. Ngày nay, đời sống đắt đỏ, bố không thể kiếm thêm được đồng nào ngoài tiền mua bánh mì hàng ngày.” “Thưa bố,” người con trả lời, “bố đừng bận tâm đến điều đó làm gì. Con sẽ tự lo lấy.” Khi người bố vào rừng để chặt gỗ kiếm ít tiền, thì con bảo: – Bố cho con đi cùng, con sẽ giúp bố. – Đối với con, công việc này quá vất vả quá – bố trả lời – con chưa quen loại công việc nặng nhọc này. Con không đảm đương nổi đâu. Vả lại, bố chỉ có một cái rìu, không có tiền mua cái thứ hai – Thì bố hãy sang nhà bác hàng xóm, – người con ngắt lời cha – bác sẽ cho bố mượn một cái rìu, cho đến khi nào con kiếm được đủ tiền mua cái mới. Người bố sang hàng xóm mượn một cái rìu. Sớm tờ mờ hôm sau, hai bố con cùng vào rừng. Anh thanh niên làm việc giúp bố. Anh ta cảm thấy tỉnh táo và sảng khoái. Khi mặt trời mọc tới đỉnh đầu, người bố bảo: – Chúng ta hãy nghỉ trưa và ăn một chút. Sau làm sẽ khỏe hơn. Người con cầm lấy phần bánh và trả lời: – Bố hãy nghỉ ngơi đi. Còn con, con chưa mệt. Con đi dạo trong rừng một chốc để tìm tổ chim. – Thằng bé huênh hoang, – người bố càu nhàu – sao mày lại đi dạo, mày sẽ mệt và không giơ nổi cánh tay lên đâu. Hãy nghỉ ngơi ở đây, ngồi đây với tao. Mặc dầu người bố nói thế, người con vẫn đi vào rừng sâu. Anh ta ăn bánh, tâm hồn vui vẻ, anh nhìn lên các cánh cây để tìm kiếm một cây sồi to lớn, chắc sống đã mấy trăm năm, năm người nắm tay nhau vây vòng quanh thân cây vẫn chưa kín. Anh ta dừng chân, nhìn cây sồi khổng lồ và nghĩ: chắc chắn là có nhiều chim làm tổ ở đây. Bất thình lình, anh nghe phảng phất có tiếng nói khẽ. Anh lắng tai nghe thấy “Cho tôi ra khỏi đây! Cho tôi ra khỏi đây!” Anh nhìn quanh, nhưng không thấy ai cả. Hình như tiếng nói ở dưới đất đưa lên. Anh kêu lên: – Anh ở đâu? Tiếng nói trả lời: – Tôi ở đây, ở dưới này, gần rễ cây sồi. Cho tôi ra với! Cho tôi ra với! Anh học trò sục sạo mặt đất, quanh gốc cây sồi, tìm kiếm ở các rễ cây. Bất chợt anh nhìn thấy một cái lọ thủy tinh nằm sâu trong một cái hốc nhỏ. Anh cầm lọ soi lên ánh sáng mặt trời. Anh nhìn thấy một vật giống như con nhái, nhảy nhót trong lọ. “Cho tôi ra với! Cho tôi ra với!” con vật không ngừng kêu. Không nghĩ gì đến nguy hiểm, anh học trò mở nút lọ. Lập tức con quỉ chui ra khỏi cái lọ và lớn dần, lớn dần, nhanh đến nỗi một thoáng đã trở thành một người khổng lồ kinh khủng to, bằng nửa cái cây, đứng trước mặt anh. – Mày có biết mày sẽ được trả công cứu tao thế nào không? -Con quỉ hỏi anh với một giọng dễ sợ. – Không – anh học trò trả lời và không cảm thấy sợ tý nào. Con quỉ gầm lên: – Tao sẽ đập bể đầu mày ra! – Sao mày không bảo tao lúc nãy, – anh thanh niên nói – mày ở đâu tao sẽ để mày ở đó. Nhưng mày cũng không đập bể được đầu tao đâu. Không phải mày quyết định được một mình! – Không quyết định được một mình! Không quyết định được một mình! – Con quỉ kêu lên – Mày tưởng thế thôi. Thế mày tưởng là vì tao tốt mà người ta nhốt tao lâu thế à, đồ ngu! Không đâu! Đấy là để trừng phạt tao! Tao là thần Macguya có uy lực. Tao phải bẻ gãy cổ kẻ nào thả tao ra. – Này! – Anh học trò trả lời – đừng quá vội! Trước hết tao phải biết có phải đúng là mày đã ở trong cái lọ nhỏ kia không và có phải mày là con quỉ thật không. Mày lại chui được vào lọ thì tao mới tin. Sau đó thì mày tha hồ muốn làm gì tao thì làm. Giọng đầy kiêu ngạo, con quỉ nói: – Cái đó dễ thôi! – Nó thu nhỏ mình lại, nhỏ bé như lúc trước, nhỏ đến mức có thể lọt qua cái loa nhỏ của miệng lọ, nó lại chui vào lọ. Nó vừa chui vào thì anh học trò vội đậy nút lọ lại và vứt cái lọ xuống dưới rễ cây sồi, đúng chỗ đã tìm thấy nó. Thế là quỉ ta đã bị vào tròng. Anh con trai chuẩn bị đi về chỗ bố ngồi. Nhưng con quỉ kêu la, van nài anh: “Hãy cho tôi ra! Hãy cho tôi ra!” – Không! – Anh học trò trả lời. – Không có một lần thứ hai đâu! Khi cuộc sống của ta bị đe dọa, không khi nào ta lại thả kẻ thù ta ra một khi ta đã thoát nạn. – Nếu anh cho tôi được tự do – con quỉ lại nói – tôi sẽ cho anh của cải để sống suốt đời. – Không! – anh con trai lại nói – Mày lại đánh lừa tao như lần đầu thôi. – Xin đừng bỏ lỡ dịp may, – con quỉ nói – tôi sẽ không hại anh đâu, tôi sẽ thưởng cho anh tiền của mà! Anh học trò nghĩ: “Ta cứ thử xem sao. Có thể nó sẽ giữ lời hứa”. Anh mở nút lọ, và cũng như lần trước, con quỉ ra khỏi cái lọ, lớn dần và trở thành khổng lồ. – Tôi sẽ trả công anh – quỉ nói, nó đưa cho anh một cái khăn nhỏ giống như cuộn băng và nói – Nếu anh sát đầu này vào một vết thương thì vết thương sẽ lành. Nếu anh sát đầu kia vào thép hoặc sắt thì sắt thép sẽ biến thành bạc. – Để ta thử đã, – anh học trò nói. Anh đến gần một cái cây, dùng rìu chém đứt vỏ cây ra rồi lấy một đầu khăn chà xát vào đó. Chỗ đứt liền ngay. “Đúng là thế!” anh bảo con quỉ “Giờ thì chúng ta có thể chia tay nhau”. Con quỉ cảm ơn anh đã cứu thoát nó, anh học trò thì cảm ơn con quỉ về món quà và anh đi gặp bố. – Mày đi đâu về thế? Người bố hỏi. – Tại sao mày quên cả công việc? Tao đã bảo mày không làm nên trò trống gì đâu – Xin bố hãy bình tĩnh, con sẽ làm bù. – Ôi, làm bù ư! – Người bố nổi giận – nói thế mà cũng nghe được! – Bố hãy nhìn này, con sẽ chặt cây này thật mạnh cho nó đổ. Anh lấy khăn lau lưỡi rìu và chém thật lực một nhát. Nhưng sắt đã biến thành bạc, lưỡi rìu bị mẻ. Bố nhìn này! Cái rìu bố đưa cho tồi quá, nó đã bị quằn rồi! Người bố sợ hãi nói: – Mày làm thế nào vậy! Sẽ phải đền cái rìu thôi. Lấy gì mà đền bây giờ? Đấy là kết quả công việc mày làm đấy! – Xin bố đừng cáu giận, người con nói, con sẽ chi tiền cái rìu. – Thằng này láo thật, – người bố kêu lên, – mày lấy gì mà chi nào? Ngoài số tiền tao cho ra, mày chẳng có gì cả. Mày chỉ có cái đầu ngu xuẩn của thằng học trò chẳng biết gì về công việc thợ rừng cả. Một lúc sau, anh học trò nói: – Bố ơi, con không làm được nữa. Bố con ta hãy nghỉ thôi! – Sao lại thế, – người bố đáp. – Thế mày cho là tao mà lại chịu khoanh tay như mày à? Tao phải làm chứ. Còn mày thì có thể về được đấy. – Thưa bố, con mới đến đây lần đầu tiên, con không tìm được đường về một mình. Bố hãy về với con. Người bố lúc đó đã nguôi giận, cùng con ra về. Ông bảo con: – Hãy bán cái rìu hỏng đi. Để xem mày bán được bao nhiêu. Còn thiếu bao nhiêu thì tao phải bù vào trả bác hàng xóm. Người con mang lưỡi rìu đến cửa hàng vàng bạc ở đô thị. Ông chủ cân lưỡi rìu rồi nói: – Lưỡi rìu này giá bốn trăm đồng. Nhưng tôi không có đủ tiền mặt. – Có bao nhiêu thì ông đưa tôi, chỗ còn lại ông trả tôi sau. – Anh thanh niên trả lời. Ông chủ hiệu vàng bạc đưa trả anh ba trăm đồng và hẹn sẽ trả một trăm đồng nợ sau. Anh học trò về nhà nói: – Bố ơi, tiền đây. Bố hãy chạy sang bác hàng xóm hỏi xem bác bắt đền cái rìu bao nhiêu tiền. – Tao biết rồi, – người bố nói: một đồng và sáu xu! – Vậy thì bố hãy trả bác ấy hai đồng một hào hai. Trả gấp đôi thế là được quá rồi. Bố nhìn này, con có tiền thừa thãi. – Anh đưa cho bố một trăm đồng và nói: – Bố sẽ không bao giờ thiếu tiền nữa! Bố cứ sống thoải mái đi! – Trời ơi! Người bố kêu lên: làm thế nào mà mày có nhiều tiền thế? Anh học trò đã kể cho bố nghe sự việc đã xảy ra làm sao, nhờ gặp may mà anh được giàu có. Với số tiền còn lại, anh trở lại trường và tiếp tục học. Anh dùng cái khăn chữa được mọi vết thương, và trở thành thầy thuốc lừng danh thiên hạ. Tagged Grim