Tuyển Tập Truyện Cổ Tích Nước Ngoài

Chương 261: Bên gốc liễu



Câu Chuyện Quà tặng cuộc sống: Bên gốc liễu

Bên gốc liễu

I.
Đất đai quanh thị trấn Kgiôêgiê trên đảo Xilen rất là trơ trụi. Thị trấn này ở bên bờ biển. Biển cả bao giờ cũng đẹp. Nhưng có thể nói là bãi biển Kgiôêgiê còn đẹp hơn tất cả các nơi khác. Khắp xung quanh thị trấn chỉ là một cánh đồng phẳng lì, toàn là ruộng, không có cây cối, đường cái quan chạy tít đến tận cánh rừng gần nhất.
Tuy nhiên, khi người ta sinh trưởng trong một xứ và gắn bó nhiều với xứ ấy, người ta thường thấy ở nơi đó một cái gì làm cho người ta say mê, rồi sau này dù sống ở những vùng đẹp đẽ và thích thú nhất, người ta vẫn muốn trở về ngắm lại chốn cũ.
Thật vậy, ở đầu thị trấn Kgiôêgiê, dọc theo dòng suối đổ ra biển có thể tưởng tượng như đang ở chốn thiên đàng.
Có hai đứa trẻ láng giềng với nhau cũng tưởng tượng như thế khi chúng chui qua hàng cây phúc bồn tử ngăn cách hai mảnh vườn của cha mẹ chúng để sang chơi với nhau. Vườn bên này có một cây hương mộc, vườn bên kia có một gốc liễu già. Hai đứa trẻ thích chơi ở dưới gốc liễu này nhất. Cha mẹ chúng đã cho phép chúng chơi dưới gốc liễu, mặc dù nó mọc sát ngay dòng suối và chúng có thể ngã xuống nước, nhưng trời vẫn trông nom, che chở chúng, không thế thì cũng lắm phen đáng oán thán lắm rồi đấy.
Vả chăng hai đứa bé cũng rất biết giữ gìn để khỏi rơi xuống suối. Ngay đứa con trai cũng sợ nước đến nỗi về mùa hè, trên bãi biển, không ai có cách gì làm cho em nhúng mình xuống biển được trong khi những đứa trẻ khác rất thích lội nước. Người ta trêu ghẹo, chế giễu, em cũng chịu nhịn, không phàn nàn. Gian, cô bạn nhỏ của em, có lần mơ thấy mình lướt sóng trên một con thuyền và em (tức là Knút) tiến về phía Gian, nước ngập đến cổ lút đầu, rồi cuối cùng em biến mất. Từ khi bé Knút biết câu chuyện nằm mơ ấy em không chịu được lời giễu cợt của những đứa con trai khác. Em đã xuống nước. Gian đã nằm mộng thấy em như thế. Thật ra, em chưa bao giờ dám mạo hiểm làm việc ấy, nhưng em rất tự hào về hành động của mình trong giấc mơ của người bạn nhỏ.
Cha mẹ các em nghèo. Hai em gặp nhau luôn. Knút và Gian thường chơi với nhau trong vườn và trên con đường cái hai bên bờ rào có trồng những hàng liễu. Những cây ấy bị cắt ngọn, nên ngó bộ cũng chẳng thể to lớn, người ta trồng chúng chẳng phải để làm cảnh mà để lấy lợi.
Nom gốc liễu già trong mảnh vườn còn đẹp hơn, cành dài trông tựa như một cái nôi. Hai đứa trẻ thích núp mình trong đó. Trong thị trấn có một khoảng rộng dùng làm nơi họp chợ. Tới ngày phiên, người ta dựng lên ở đó những dãy phố dài toàn lều và rạp trong có bày những dải lụa màu, đồ chơi, giày ủng… muốn mua gì cũng có. Người đông chen chúc nhau. Trong số cửa hiệu ấy có một cửa hàng lớn bán toàn bánh ngọt. Dịp may hiếm có: người chủ hàng bánh cứ đến phiên chợ lại đến trọ lại nhà cha mẹ bé Knút. Thỉnh thoảng em lại vớ được vài mẩu bánh, và tất nhiên là Gian cũng có phần.
Nhưng còn cái thú vị hơn nữa là ông hàng bánh biết đủ mọi chuyện ở trên đời, ngay cả chuyện về bánh ngọt nữa. Một tối nọ, ông kể một câu chuyện về bánh ngọt làm cho hai đứa trẻ xúc động đến nỗi suốt đời không quên. Ông kể rằng:
– Trong số bánh này bày trong tủ hàng của ông có hai hình người làm bằng bánh ngọt, một anh con trai đầu đội mũ và một chị con gái để tóc trần. Họ chỉ có mặt người phía trước, chớ ngắm phía sau họ. Vả chăng con người ta cũng thế thôi, nhìn vào mặt trái thì cũng chẳng có gì là tốt. Phía bên trái anh con trai có điểm một hạt hạnh nhân đắng, đó là trái tim anh ta. Chị con gái được nhào nặn toàn bằng mật ong. Họ được bày làm mẫu trong tủ hàng của bác. Họ ở đấy lâu đến nỗi cuối cùng đâm ra yêu nhau. Nhưng họ chẳng hề tỏ tình với nhau. Nhẽ ra họ phải ngỏ lời với nhau thì tình yêu mới có kết quả.
Cô gái nghĩ thầm: “Anh ấy là con trai thì phải ngỏ lời trước chứ.” Cô chỉ mong muốn được biết là anh có đáp lại tấm chân tình của mình không. Còn chàng trai thì lại nghĩ rộng hơn, nam giới thường vẫn thế. Anh mơ thấy mình là một đứa trẻ con ngoài phố, như biết bao đứa vẫn đi qua trước mặt anh, anh mơ thấy mình có bốn si-linh và sẽ dùng để mua cô nàng mà chén.
Họ vẫn cứ nằm trong tủ hàng của bác ngày này sang tuần khác. Dần dà họ khô đét đi. Tâm tình của cô gái ngày càng trở nên đa cảm, đúng như tâm tình của một người đàn bà thật.
Nàng thở dài nói rằng: “Ta được ở bên chàng lâu đến thế này cũng sung sướng lắm rồi.”
Rồi nàng vỡ làm đôi đánh tách một cái và qua đời.
Anh chàng kia tự nhủ: “Nếu nàng biết mối tình của ta thì nàng phải cố mà sống chứ!”
Ông hàng bánh nói tiếp:
– Câu chuyện chỉ có thế và đây là hai nhân vật. Đây không phải là những chiếc bánh ngọt thường đâu mà là những nhân vật đặc biệt đã chứng minh rằng mối tình câm không bao giờ đưa đến một kết quả nào cả. Đây cầm lấy, bác cho các cháu đấy.
Ông đưa Gian chiếc bánh hình người con trai hãy còn nguyên vẹn. Knút được hai mảnh trước kia là chiếc bánh hình cô con gái.
Nhưng hai đứa trẻ xúc động vì câu chuyện thương tâm đến nỗi không nỡ ăn cặp tình nhân ấy.
Hôm sau, chúng đem họ ra nghĩa địa. Chúng ngồi xuống cỏ. Bên tường nhà thờ phủ đầy những tràng hoa trường xuân. Chúng đặt hai chiếc bánh ngọt vào một cái khám xây trong tường giữa đám hoa lá tràn đầy ánh nắng và kể lại câu chuyện mối tình câm chẳng đi đến đâu cả cho một lũ trẻ con khác nghe.
Đứa nào cũng thấy câu chuyện thật là lý thú. Nhưng khi chúng xem lại cặp uyên ương xấu số thì cô con gái đã biến mất. Một đứa con trai nhớn đã ăn sống nuốt tươi mất rồi. Knút và Gian khóc sướt mướt.
Rồi cuối cùng, chắc là không muốn để anh con giai phải sống một mình trên đời, chúng đem anh ra ăn nốt, nhưng câu chuyện thì chẳng bao giờ quên.
Chúng tiếp tục chơi với nhau bên gốc hương mộc và dưới bóng liễu. Cô gái nhỏ hát những bài ca hay nhất trên đời, bằng một giọng trong vắt như tiếng chuông bạc. Knút không có giọng mà hát nhưng em thuộc lòng lời của những bài ca ấy, thế cũng đã khá lắm rồi. Dân ở Kgiôêgiê, ngay cả vợ ông chủ hiệu đồ chơi đã từng sống ở kinh đô, ai cũng dừng lại nghe Gian hát.
Bà ta nói:
Giọng hát của con bé này thật là tuyệt!
Đó là những ngày sung sướng, nhưng chẳng được bao lâu. Hai gia đình phải xa nhau. Mẹ Gian chết và bố em định lấy vợ ở tận kinh đô vì có một cửa hiệu buôn to hứa mướn ônglà người chạy giấy, đó là một công việc có lợi, kiếm được nhiều tiền hơn. Lúc chia tay, đôi bên láng giềng cùng rơi lệ, còn hai đứa trẻ thì khóc oà lên. Họ hứa viết thư cho nhau mỗi năm ít nhất một lần.
II.
Knút được gửi học nghề tại nhà một bác thợ giày. Chú lớn quá rồi. Không thể để cho chú ăn rồi chạy chơi ngoài đồng. Lúc ấy là lúc chú chịu lễ ban thánh thể. Trong ngày hội ấy chú mong muốn được ra Côpenhagơ gặp cô bé Gian. Than ôi! Chú không ra khỏi thị trấn Kgiôêgiê. Chú chưa bao giờ được trông thấy kinh đô dù chỉ cách thị trấn có năm dặm đường. Những buổi trong giời, Knút nhìn qua bên kia vịnh thấy những ngọn tháp cao của thành phố Côpenhagơ. Hôm chịu lễ ban thánh thể, chú còn trông thấy rõ ràng cây thánh giá của nhà thờ Đức mẹ vàng rực, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Tâm hồn chú bay bổng về phía Gian.
Cô có còn nghĩ đến chú không ? Có, vào dịp lễ Nôel cha cô có gửi cho nhà chú một bức thư nói rằng họ sống ở Côpenhagơ rất khá giả và đặc biệt Gian nhờ giọng hát hay có thể có tương lai rực rỡ. Cô đã kiếm được một chân trong những tiết mục ca hát tại viện hý kịch, cô kiếm được chút tiền và chính cô đã gửi cho người láng giềng thân mến Kgiôêgiê một đồng tiền vàng để làm quà tối hôm Nôel. Cô mời họ uống rượu chúc sức khoẻ cho cô, đó là điều cô đã tự tay viết vào phần tái bút trong bức thư và còn thêm: “Rất thân ái gửi lời thăm Knút.”
Cả gia đình đọc xong bức thư đều khóc. Dẫu sao đó cũng là những tin mừng, cho nên họ khóc vì sung sướng. Ngày nào hình ảnh Gian cũng xâm chiếm tâm hồn Knút. Và giờ đây chú thấy rằng cô cũng nghĩ đến chú. Càng gần đến ngày hết hạn học việc chú càng nghĩ là tất nhiên cô sẽ thành vợ chú. Đến đây môi chú mỉm một nụ cười sung sướng, và chú lại khâu nhanh gấp đôi, chú tì mạnh vào đai da đến nỗi đâm vào ngón tay một lỗ rõ sâu, nhưng cái đó cũng chẳng đau đớn gì đối với chú. Chú tự nhủ: “Chắc chắn mình sẽ chẳng đóng vai một anh câm như đôi thanh niên bằng bánh ngọt.” Họ đã giúp chú một bài học hay. Thế là chú đã thành nghề. Khăn gói lên vai, lần đầu tiên chú ra Côpenhagơ nhận việc ở một nhà ông chủ. Gian sẽ ngạc nhiên và vui mừng biết mấy! Năm nay chàng đã mười bảy, còn chàng mười chín. Chàng muốn mua cho nàng một chiếc nhẫn ở Kgiôêgiê, nhưng chàng tính rằng ở Kgiôêgiê có thể có nhiều cái đẹp hơn. Rồi một ngày thu mưa gió chàng từ biệt cha mẹ rồi bước khỏi chốn quê hương. Lá rụng. Chàng tới kinh đô, ướt lướt thướt, tìm tới nhà ông chủ.
Ngay hôm chủ nhật đầu tiên, chàng vội vã đến thăm bố Gian. Chàng thắng bộ quần áo mới và một chiếc mũ mới mua ở Kgiôêgiê rất hợp với khuôn mặt chàng. Từ trước đến giờ Knút vẫn đội mũ cát-két. Chàng tìm thấy nhà và leo mãi đến nỗi choáng váng cả người. Chàng không khỏi kinh sợ khi thấy rằng trong cái thủ đô khủng khiếp này người ta lại ở trên cao chồng chất lên nhau đến thế. Trông gian phòng có vẻ khá giả. Bố Gian tiếp chàng một cách thân mật. Người vợ kế của ông không biết Knút, tuy nhiên bà cũng bắt tay chàng và mời chàng một tách cà phê ngon. Ông bố nói:
– Gian mà được gặp cháu thì hẳn là phải vui thích lắm. Nom bây giờ thật khoẻ mạnh đẹp giai. Cháu sắp gặp nó bây giờ đây. Ô! Em nó làm cho tôi sung sướng lắm và nhờ trời nó còn làm cho chúng tôi sung sướng hơn nữa. Nó có một căn buồng riêng, tự nó trả tiền thuê đấy.
Con người trung hậu ấy gõ cửa một cách kín đáo như là một người khách, rồi họ cùng vào. Trong căn phòng nhỏ, sao mà cái gì cũng đáng yêu thế! Knút thầm nghĩ: “Khéo đến trong cung hoàng hậu cũng chẳng có gì đẹp hơn, nào là thảm, nào là rèm cửa rủ xuống tận đất, một chiếc ghế tựa bọc nhung. Đâu cũng có hoa, tranh ảnh, lại có cả một tấm gương to bằng một cái cửa ra vào, đến nỗi người ta suýt bước vào vì tưởng đấy cũng là một căn phòng. Knút chỉ nhìn thoáng qua những vật tuyệt đẹp ấy thôi, mắt anh còn mải ngắm Gian đang đứng trước mặt anh. Đó là một tiểu thư rất đẹp khác hẳn với người mà Knút hằng tưởng tượng. Khắp Kgiôêgiê không có một thiếu nữ nào đẹp bằng nàng. Nàng có một nhan sắc tuyệt vời gần như mê hồn. Nàng nhìn Knút một lát vẻ ngạc nhiên, rồi đâm bổ về phía chàng dường như sắp ôm lấy chàng, suýt nữa thì nàng ôm chầm lấy chàng, nhưng lại thôi.
Phải, nàng hết sức vui mừng được gặp lại người bạn thời thơ ấu. Nàng đã chẳng mừng chảy cả nước mắt đấy ư? Nàng hỏi Knút không biết bao nhiêu câu. Nàng hỏi thăm mọi người, hỏi thăm cha mẹ Knút, hỏi thăm bố Liễu và mẹ Hương mộc- tên mà đôi bạn thuở nhỏ đã đặt cho những gốc cây thân yêu, dường như chúng là người thật. Gian nói:
– Rồi sau sao chúng lại không thành người nhỉ? Vì tôi còn nhớ lại hồi ấy ngay chiếc bánh ngọt cũng còn sống được trong một câu chuyện cơ mà.
Gian hồi tưởng đến những người bạn hiền lành của ông hàng bánh trong phiên chợ, đến chuỗi ngày dài họ sống bên nhau trên quầy hàng cho đến lúc một người vỡ ra làm hai mảnh. Nhớ lại câu chuyện ấy, nàng cười, còn Knút thì đỏ bừng mặt lên, tim đập nhanh gấp đôi lúc thường. Chàng tự nhủ: “Không, nhờ trời nàng cũng chẳng kiêu ngạo chút nào!”
Chàng nhận thấy rõ chính nàng đã nói với cha mẹ giữ chàng ở lại chơi suốt buổi tối hôm ấy. Lát sau nàng lấy một quyển sách và cất cao giọng đọc một đoạn. Knút tưởng như đoạn văn nàng đọc có dính líu gì đến mối tình của chàng . Sao mà tâm hồn tác giả lại hoà nhịp với tâm hồn chàng đến thế! Rồi nàng hát một bài ca bình thường thôi, nhưng Knút lại tưởng tượng rằng mấy lời ca ấy là một bài thơ trong đó trào lên tâm tình người thiếu nữ. Không còn nghi ngờ gì nữa, hẳn là nàng yêu mình rồi. Nghĩ vậy, chàng không ngăn nổi hai hàng lệ lăn trên gò má, không thốt được lời nào nữa. Chàng cảm thấy mình trở nên lố lăng, thế mà nàng vẫn siết chặt tay chàng mà bảo rằng:
– Knút ạ, anh tốt lắm, trước thế nào sau vẫn cứ thế nhé.
Thật là một buổi tối chưa từng có, không nên tính chuyện ngủ nữa, và quả nhiên suốt đêm ấy Knút không chợp mắt.
Khi chàng ra về, bố Gian bảo:
– Thế nào? Bây giờ thì cháu không thể quên chúng tôi được nữa chứ? Liệu cháu có thể để cả mùa đông trôi qua mà không lại thăm chúng tôi nữa không đấy?
Nghe thấy thế chàng cho rằng đến chủ nhật mình có thể quay lại đây, chàng định tâm- ai mà ngăn được!- là tối tối sau giờ làm đêm, sẽ đi chơi suốt thành phố. Bao giờ chàng cũng đi qua chỗ Gian ở. Chàng nhìn lên cửa sổ phòng nàng, thấy gần như lúc nào cũng có thắp đèn. Một lần chàng trông thấy rõ bóng nàng trên rèm cửa. Đối với chàng, cái buổi tối ấy sao mà đẹp vậy! Tối nào cũng đi như thế, bà chủ chẳng ưa tí nào, bà lắc đầu tỏ vẻ lo ngại. Nhưng ông chủ mỉm cười bảo:
– Con giai thì phải cho nó vùng vẫy tuổi xuân chứ!
Knút nghĩ thầm: “Đến chủ nhật này gặp nhau mình sẽ nói với nàng rằng nàng đã chiếm hết cả tâm hồn ta rồi và nàng sẽ phải trở thành vợ ta. Ta chỉ là một anh phụ thợ giày nghèo nàn, nhưng chẳng bao lâu ta sẽ thành ông chủ. Ta sẽ làm việc, chịu thương chịu khó đến mấy cũng được. Phải, mình cứ nói thẳng. Mối tình câm không đem lại kết quả gì cả. Câu chuyện những chiếc bánh ngọt đã chứng minh cho ta điều đó từ lâu.”
Chủ nhật Knút lại đến, nhưng buồn thay, họ đã được mời đi dự cuộc vui ngoài thành phố. Knút không dứt ra về được. Gian nắm tay chàng hỏi để nhắc khéo:
– Anh đã xem hát chưa? Dẫu sao anh cũng phải đến xem một bữa. Thứ tư này tôi sẽ hát ở đấy, hôm ấy, nếu anh rỗi tôi sẽ biếu anh cái vé. Cha tôi biết nhà ông chủ anh rồi.
Sao mà nàng đối với chàng thân ái đến thế! Đến trưa thứ ba, quả nhiên chàng nhận được một phong bì dán kín, trong chẳng có chữ nào ngoài một cái vé. Buổi tối, lần đầu tiên Knút vào rạp hát. Chàng trông thấy Gian. Sao mà nàng đẹp và đáng yêu đến thế! Đúng là người ta đã gả nàng cho một người khác, nhưng đấy chỉ là một màn kịch giả tạo mà thôi. Knút hiểu như vậy, không thế thì chắc chắn là nàng chẳng nỡ lòng nào lại gửi cho chàng một cái vé để chàng được tận mắt trông thấy cảnh tượng ấy. Mọi người vỗ tay và lớn tiếng khen ngợi còn Knút thì hoan hô rõ to.
Chính đức vua cũng mỉm cười với Gian, tỏ ra ngài thích nghe nàng hát lắm. Knút cảm thấy mình chẳng có ý nghĩa lý gì cả. Chàng tự nhủ: “Ta yêu nàng biết bao! Nàng cũng yêu ta, như thế là đã đủ để san bằng tất cả. Nhưng đàn ông phải ngỏ lời trước, cô gái bằng bánh ngọt đã nghĩ thế. Câu chuyện của nàng đã dạy ta rất nhiều…”
Chủ nhật sau chàng lại đến. Chàng cảm động không kém cái ngày chịu lễ ban thánh thể. Cả nhà đi vắng, có mỗi mình Gian tiếp chàng, thật là dịp may hiếm có. Nàng nói:
– Anh đến thật là vừa khéo, tôi đang định nói với cha tôi đi tìm anh, nhưng tôi có linh tính báo rắng thế nào tối nay anh cũng đến, vì tôi muốn báo để anh biết rằng thứ sáu này tôi sẽ sang Pháp. Phải đi một chuyến như thế thì mới làm nên chuyện được.
Knút cảm thấy hình như căn phòng đảo lộn cả lên. Tim chàng dường như sắp tan ra thành muôn mảnh. Mắt chàng không ứa lệ, nhưng nom cũng biết là chàng rất buồn. Nàng bảo:
– Anh thật là một chàng trai can đảm và trung thành.
Câu ấy đã khơi mào cho Knút nói lên nỗi lòng mình. Chàng nói chàng đã yâu nàng nồng nàn đến thế nào và nhất định nàng sẽ trở thành vợ chàng. Nhưng vừa dứt lời, chàng thấy Gian biến sắc và tái mặt đi. Nàng buông thõng tay xuống và trả lời chàng bằng một giọng nghiêm trang và buồn rầu:
– Knút ạ, anh đừng tự làm khổ mình mà cũng đừng làm khổ tôi. Tôi sẽ mãi mãi là một người em gái tốt đáng tin cậy của anh, nhưng bao giờ cũng chỉ thế thôi.
Rồi nàng đặt bàn tay dịu dàng lên trán nóng bỏng của Knút và nói thêm:
– Trời cho chúng ta sức mạnh để làm được những việc khó ở trên đời, miễn là chúng ta có nghị lực và lòng can đảm.
Lúc ấy bà mẹ kế của nàng đi vào. Gian nói:
– Knút phát khùng lên vì con phải đi xa. Lớn rồi ai lại thế!
Nói vậy nàng đặt tay lên vai Knút giả vờ như giữa hai người chỉ có chuyện đi xa chứ không có chuyện gì khác. Nàng tiếp:
Anh còn trẻ con lắm, bây giờ anh phải tốt và biết điều như xưa kia bên gốc liễu lúc chúng ta còn bé ấy mới được.
Knút tưởng như trời sa đất sụp. Tâm hồn chàng như một sợi tơ bay đó đây theo gió. Chàng sững sờ, chẳng biết là người ta có mời chàng ngồi lại hay không. Nhưng Gian và bà mẹ kế tỏ ra thân mật và ái ngại. Gian mời chàng uống nước chè và hát cho chàng nghe. Giọng nàng vang lên như mọi khi, trông nàng đẹp tuyệt trần! Nghe nàng hát chàng thấy hởi lòng hởi dạ. Rồi họ chia tay nhau. Knút cũng chẳng buồn chìa tay cho Gian. Nàng hiểu ý và nói:
Dẫu sao cũng phải bắt tay cô em gái trước khi xa nhau chứ, hở ông anh thời thơ ấu?
Rồi nàng cười qua hàng nước mắt và nhắc lại hai chữ ông anh. Phải, đấy là một lối an ủi khéo léo. Họ chia tay nhau như thế đấy.
III.
Nàng xuống tàu sang Pháp. Ngày nào Knút cũng lang thang rất lâu trong các phố của kinh thành Côpenhagơ. Những thợ bạn trong xưởng hỏi tại sao lúc nào chàng cũng đi chơi trầm ngâm suy nghĩ như thế. Họ mời chàng cùng đi chơi với họ và bảo:
Còn trẻ thì ta phải vui chơi chứ!
Chàng đi với họ đến tiệm nhảy, ở đấy có rất nhiều cô gái xinh đẹp, nhưng chẳng có ai đẹp bằng Gian. Ở nơi chàng tưởng có thể quên được nàng thì, trái lại, luôn luôn hình ảnh nàng hiện lên trước mắt. Nàng đã chẳng nói: “Trời cho chúng ta sức mạnh miễn là ta có nghị lực và lòng can đảm…” Chàng nhớ lại câu ấy, trong lòng rạo rực niềm tin. Lúc ấy tiếng vĩ cầm vang lên và các cô gái nhảy vòng một bài. Chàng giật mình kinh hãi. Chàng thấy hình như mình đang ở một nơi không thể nào đưa Gian đến được, thế mà nàng vẫn đến đấy, vì lúc nào nàng cũng ở trong tim chàng. Chàng chạy ra ngoài, chạy khắp phố, qua cửa ngôi nhà nàng đã ở bây giờ tối om, trống rỗng, quạnh hiu, trên thế gian này mỗi người có một con đường. Knút cũng thế.
Đông tới, nước đóng băng. Cảnh vật đổi thay, có thể nói đâu cũng như màu tang. Nhưng khi mùa xuân trở lại và chiếc tàu thuỷ đầu tiên lại ra khơi, Knút bỗng cảm thấy muốn du lịch thật xa, xa mãi, xa hơn cả nước Pháp kia. Chàng khoác khăn gói lên đường, đi rõ xa, ca mãi, qua khắp nước Đức, từ tỉnh này qua tỉnh khác, chẳng hề đỗ lại hoặc dừng chân. Chỉ tới lúc đến thành phố Nuyrembe cổ kính và kỳ lạ chàng mới tự chủ lại được và dừng chân rồi quyết định ở lại đấy.
Nuyrembe là một thành phố khác thường, giống như một bức tranh cắt trong một tập ký sự có minh hoạ nào đấy. Phố xá ngoằn nghèo, ngang dọc bất thường, nhà cửa không thích dóng hàng thành đường thẳng. Đầu hồi nhà nào cũng có xây thêm tháp nhỏ. Nhiều pho tượng nhô ra từ những bức tường dày đặc những nét điêu khắc kỳ khôi. Trên những mái nhà xây kiểu đặc biệt, những miệng ống máng hình rồng, hình thỏ rừng, hình chó ngao vươn ra đến tận giữa phố.
Hành lý trên lưng, Knút dừng chân trên bãi chờ. Chàng đứng trên một cái máy nước cổ xung quanh có những pho tượng tạc đá các nhân vật thần tiên và lịch sử bằng đồng đen tuyệt đẹp, giữa các khe có nước phun ra. Vừa lúc ấy một chi sen xinh đẹp đến lấy nước. Đi đã mệt, Knút rất khát, chị ta mời Knút uống và còn tặng chàng một bông hồng rút ra từ bó hoa trên tay. Chàng cho đó là một điềm lành.
Những tiếng đại phong cầm vang ầm từ một nhà thờ gần đấy làm chàng chạnh lòng nhớ đến quê hương. Chàng nghe giống tiếng đại phong cầm ở nhà thờ Kgiôêgiê, chàng bước vào thánh đường rộng lớn. Ánh nắng xuyên qua những tấm kính màu chiếu sáng những hàng cột cao mảnh dẻ. Lòng tin đạo tràn ngập tâm trí Knút và chàng cảm thấy tâm hồn thư thái bình an.
Chàng tìm được ở Nuyrembe một ông chủ tốt. Chàng ở ngay nhà ông ta và học tiếng Đức. Người ta đã ngăn và biến những đường hào cũ bao quanh bức thành cổ thành những vườn rau, nhưng tường thành cao vẫn sừng sững với những ngọn tháp to lớn nặng nề. Con đường kín vẫn còn. Bây giờ người ta se thừng ở đấy. Trong kẽ những bức tường cổ, hương mộc mọc thành từng đám rậm rạp, vươn cành trên nóc những mái nhà thấp bé tựa lưng vào tường thành. Một trong những ngôi nhà bé ấy là nhà ông chủ Knút.
Một cây hương mộc lặng lẽ vươn cành trên gác mái nhà xép, nơi chàng làm việc. Knút lưu lại đấy suốt mùa hè và mùa đông, rồi tiếp đến mùa xuân. Thế là chàng không chịu được nữa. Hương mộc ra hoa thơm ngát làm cho Knút nhớ tới một cây hương mộc khác và chàng cảm thấy hình như được đưa về mảnh vườn nhỏ ở Kgiôêgiê. Thế là chàng từ giã ông chủ ấy đi tìm ông chủ khác trong nội thành để khỏi nhìn thấy cây hương mộc.
Nơi làm việc mới của chàng ở kề ngay bên một nhịn cầu cũ kỹ, phía dưới có một dòng suối chảy siết đẩy một chiếc bánh cối xay quay ầm ầm. Hai bên dòng nước đầu hồi nhà nào cũng đã hư nát, tưởng chừng sắp đổ cả nhà xuống suối. Đây không có hương mộc, nhưng ngay trước cửa xưởng có một gốc liễu già bám rễ vào căn nhà để khỏi bị dòng nước cuốn đi. Một số cành liễu rũ xuống suối, trông giống như cây liễu trong vườn ở Kgiôêgiê.
Đúng là Knút định tránh bà mẹ Hương mộc thì lại gặp phải ông bố Liễu già.
Những tối sáng trăng, cây liễu hình như có một cái gì đó làm cho chàng chạnh lòng cảm động và chán nản. Chàng không chịu được nữa. Muốn ró nguyên cớ vì đâu xin hãy hỏi cây liễu và cây hương mộc đang ra hoa.
Chàng từ giã ông chủ và rời thành phố Nuyrembe. Chàng không hề nói chuyện Gian cho ai biết. Chàng chôn chặt mối sầu tận đáy lòng. Thỉnh thoảng chàng nhớ tới và thấm thía hơn lúc nào hết ý nghĩa của câu chuyện hai chiếc bánh ngọt. Chàng hiểu tại sao anh con trai lại có một hạt hạnh nhân đắng bên trái. Lòng Knút cũng tràn đầy nỗi đắng cay. Trái lại, Gian lúc nào cũng dịu dàng và thân mật như là nàng cũng bằng đường và mật hệt như cô gái trong câu chuyện ngây thơ kia. Ý nghĩa chàng dừng lại ở những kỉ niệm ấy. Chàng thấy hồi hộp, gần như nghẹt thở. Tưởng là vì chiếc quai balô, chàng nới nó ra. Chẳng ăn thua gì. Chàng như sống trong hai thế giới, thế giới bên ngoài, ở xung quanh chàng và thế giới chìn sâu trong tâm hồn, đầy kỷ niệm và tình cảm, chàng sống nhiều trong thế giới này, còn đối với thế giới kia, chàng gần như xa lạ.
Chỉ khi nào nhìn thấy những ngọn núi cao, tâm hồn chàng mới dứt ra khỏi những ý nghĩ buồn thảm được và chú ý đến cảnh vật bên ngoài. Nhìn khung cảnh hùng vĩ ấy mắt chàng đẫm lệ. Chàng thấy dãy núi Anpơ trông như đôi cánh của trái đất đang gấp lại. Chàng tự nhủ: “Nếu trái đất đột nhiên xoè ra và giương đôi cánh bao la với những khu rừng âm u, những dòng nước chảy xiết, những đám tuyết lớn ấy thì sẽ ra sao nhỉ? Chắc hẳn đến ngày tận thế trái đất sẽ bay lên như thế đến cõi vô tận và khác nào như chiếc bong bóng xà phòng ra nắng vỡ tan thành ngàn triệu nguyên tử ánh sáng rực rỡ của thần linh. Chao ôi! Liệu hôm nay có là ngày tận thế được không nhỉ? Knút thở dài mà nói thế.
Chàng đi qua một xứ, nom như một vườn cây ăn quả tuyệt đẹp. Từ trên bao lơn những căn nhà gỗ, các thiếu nữ đang đập gai gật đầu chào chàng, chàng chào lại đứng đắn và chẳng bao giờ thêm một câu nói đùa như các chàng trai trẻ chạc tuổi chàng vẫn thường làm. Lúc nhìn qua đám lá cây rậm rạp, thấy những hồ lớn xanh ngắt, chàng nhớ tới bờ biển nơi chôn rau cắt rốn và vịnh nước sâu ở Kgiôêgiê. Không còn đau khổ nữa, chỉ còn nỗi buồn man mác xâm chiếm tâm hồn chàng.
Chàng trông thấy cả con sông Ranh, đổ từ một ngọn núi đá xuống, tản ra thành nghìn triệu giọt nước nom như một đám mây mù trắng xoá trong đó chiếc cầu vồng lóng lánh nom như một dải băng màu tung bay trước gió. Cảnh tượng oai nghiêm ấy làm chàng liên tưởng đến quãng suối chảy thành thác ào ào, ngầu bọt làm thành bánh xe cối xay ở Kgiôêgiê. Đi đến đâu, kỷ niệm chốn quê hương vẫn theo đuổi chàng.
Nhẽ ra chàng sẵn sàng lưu lại ở một trong những chốn tĩnh mịch bên bờ sông Ranh, nhưng vùng này có nhiều cây hương mộc và cây liễu quá, chàng lại tiếp tục đi, chàng vượt qua nhiều núi cao, đi trên những con đường nhỏ men theo vách núi đá dựng đứng tựa như một chiếc máng nước chảy dọc theo mái nhà. Mây trườn dưới chân chàng, chàng nghe thấy từ thung lũng sâu thăm thẳm vọng lên tiếng suối chảy ầm ầm. Chẳng có gì làm chàng sợ hãi hoặc ngạc nhiên cả. Bước trên những ngọn núi phủ tuyết đầy hoa hồng núi Anpơ, chàng đi về phía những vùng chan hòa ánh nắng. Từ giã những xứ phương Bắc, theo những con đường rợp bóng nho quấn quít lấy những cây hạt dẻ, chàng đi tới những cánh đồng ngô. Núi non hiểm trở như một bức tường thành vĩ đại đã ngăn cách chàng với những nơi đã gây cho chàng những kỷ niệm siết bao sầu thảm. Chàng tự nhủ: “Thế mà lại hoá hay!”
IV.
Trước mặt chàng là một thành phố to lớn và lộng lẫy, dân vùng này gọi là Milanô. Chàng tìm được một ông chủ người Đức thuê chàng làm. Ông chủ là một cụ già trung hậu, người vợ hiền lành và rất ngoan đạo. Hai vợ chồng đều thấy mến anh thợ người nước ngoài, ít nói nhưng hay làm, thật thà và ngoan đạo.
Knút tưởng chừng như Thượng Đế đã giải thoát cho chàng khỏi nỗi sầu nặng trĩu trong lòng. Chàng thích leo lên tận cùng của giáo đường Đômơ làm bằng cẩm thạch trắng như tuyết, nơi quê hương chàng. Chàng thường đi dưới những ngọn tháp nhọn, những lầu chuông nhọn hoắt và những cửa tò vò. Từng góc, từng vòm có những pho tượng mỉm cười với chàng. Phía trên là trời xanh biếc, phía dưới là thành phố, rồi đến đồng bằng bát ngát xứ Lômbácđi xanh tươi và tít đằng xa là những ngọn núi cao. Chàng nhớ tới nhà thờ Kgiôêgiê, nhớ tới những bức tường đỏ phủ đầy hoa trường xuân. Thật khác xa với nhà thờ lớn ở thành Milăng! Chàng không mong nhìn lại chốn ấy, chàng không muốn trở lại nơi xưa. Chàng mong được gửi lại nắm xương bên những núi non này. Chàng sống ở thành phố này đã được một năm, và thế là xa tổ quốc đã được ba năm. Một hôm ông cụ chủ nhà muốn cho chàng được khuây khoả, dẫn chàng không phải đến trường đua xem tài các kỵ mã mà là đến kịch viện của thành phố. Chỉ riêng toà nhà cũng thật đáng xem rồi. Bảy tầng chỗ ngồi sang trọng chia thành từng ngăn, rèm cuốn bằng thứ lụa mịn. Những bà sang trọng ăn mặc như đi dự hội khiêu vũ, tay cầm hoa, ngồi từ hàng ghế thứ nhất cho đến tít trên thượng tầng. Các quý ông cũng mặc lễ phục, áo quần nhiều vị đầy những vàng bạc, sáng như ban ngày. Âm nhạc vang lên tuyệt diệu, đây đẹp hơn nhà hát Côpen hagơ nhiều lắm, nhưng ở thủ đô lại có Gian.
Nàng cũng có mặt tại đây. Phải, dường như có phép lạ. Mà sân khấu cuốn lên rồi kìa! Gian đã hiện ra, mình đầy lụa là châu báu, đầu đội chiếc mũ miện bằng vàng. Nàng cất giọng hát, chỉ có tiên trên trời mới hát được như nàng. Nàng tiến hẳn ra phía trước sân khấu, mỉm cười, và chỉ có nàng mới có nụ cười đẹp như vậy. Nàng nhìn đúng vào Knút. Chàng thanh niên nắm lấy tay ông cụ chủ nhà hét to: “Gian!” Nhưng âm nhạc át mất tiếng chàng và chỉ có mình ông cụ nghe thấy thôi. Ông cụ gật đầu bảo: “Phải đấy, đúng cô ta tên là Gian đấy!” Đồng thời cụ rút ra một tờ giấy in và chỉ vào tên …tên Gian in rõ ràng và chạy suốt cả trang giấy. Đâu có phải là trong mộng? Tất cả cử toạ hoan nghênh nhiệt liệt, tung hoa từng bó, từng vòng lên sân khấu. Mỗi lần Gian rời sân khấu người ta lại gọi nàng lại, nàng quay ra, lùi vào, rồi lại quay ra.
Sau buổi biểu diễn, người ta chen chúc nhau quanh xe nàng. Người ta tháo ngựa ra để tự tay kéo xe nàng, trong đó Knút đi hàng đầu. Chàng sung sướng và vui như điên, hơn cả những người khác. Khi chiếc xe dừng trước toà nhà rực rỡ ánh đèn, nơi Gian ở, chàng len vào đứng gần cửa xe. Gian bước xuống, ánh đèn chiếu thẳng vào khuôn mặt xinh tươi của nàng. Nàng hết sức cảm động, mỉm cười cảm tạ mọi người, với một cách dịu dàng đáng yêu. Knút nhìn thẳng vào mắt nàng, nàng cũng nhìn chàng, nhưng không nhận ra chàng là ai cả. Một người đàn ông trẻ, ngực lấp lánh một ngôi sao bằng kim cương giơ tay ra cho nàng khoác. Người ta xì xào:
– Họ đã đính hôn với nhau rồi đấy!
Knút về nhà thu xếp hành lý. Chàng muốn và thấy cần phải quyết định trở về quê hương, về bên gốc hương mộc, về dưới bóng liễu. Phải, dưới bóng liễu, chỉ trong một tiếng đồng hồ, con người ta có thể ôn lại cả cuộc đời mình trong tâm trí.
Vợ chồng ông cụ chủ nhà cố hết sức giữ chàng lại với họ. Nhưng nói thế nào chàng cũng không nghe. Họ nhắc chàng sắp đến mùa đông rồi và tuyết đã bắt đầu rơi trên núi. Chàng đáp: “Thế nào xe cộ chẳng phải mở đường mà đi, cháu sẽ đi theo vết bánh xe mà tìm đường về.”
V.
Chàng đeo hành lý chống gậy ra đi, leo lên rồi lại xuống núi. Đã mệt rồi mà chàng chưa trông thấy làng mạc nhà cửa gì cả. Chàng hướng về phương Bắc. Sao lấp lánh quanh mình chàng. Bước chân lảo đảo, đầu choáng, mắt hoa, chàng nhìn thấy sao lấp lánh cả dưới đáy thung lũng tưởng chừng như dưới chân cũng có một trời như trên đầu chàng vậy.
Chàng cảm thấy ốm yếu. Các vì sao dưới chân cứ nhiều mãi lên, mỗi lúc mỗi sáng hơn và chuyển động từ chỗ này qua chỗ khác. Đó là ánh sáng đèn của một thành phố nhỏ. Khi nhận ra điều ấy, chàng thu hết tàn lực lần đến một quán trọ nghèo nàn.
Chàng lưu lại đó đêm ấy và suốt cả ngày hôm sau. Chàng cần được nghỉ ngơi và chăm sóc. Băng tuyết tan. Thung lũng bắt đầu có mưa. Sáng sớm hôm sau có một cặp nghệ nhân già đi tới dạo một bản nhạc giống hệt như một khúc điệu êm đềm nước Đan Mạch.
Knút không thể nào lưu lại lâu hơn nữa, chàng lại lên đường đi về phương Bắc, ròng rã bao ngày, chàng vội vã như sợ rằng tất cả mọi người sẽ chết trước khi chàng kịp về tới nơi. Chàng chẳng hề nói rõ duyên cớ với một ai cả. Không ai có thể biết căn nguyên nỗi buồn của chàng, nỗi buồn sâu sắc nhất của một con người. Thiên hạ và ngay cả những bản thân của chúng ta nào ai quan tâm đến một nỗi đau khổ như vậy, nhất là Knút lại không có bạn. Như một người khách lạ, chàng đi qua những xứ xa lạ, đi mãi về phương Bắc. Trời sập tối. Chàng đi theo đường cái quan. Trời lại bắt đầu giá rét. Cảnh vật nơi đây lại bằng phẳng, người ta lại nhìn thấy đồng cỏ, ruộng nương. Bên đường có một cây liễu to. Tất cả đều gợi cho Knút cảnh vật chốn quê hương. Chàng mệt quá, ngồi xuống gốc cây liễu và gục đầu nhắm mắt, ngủ thiếp đi.
Tuy thế chàng vẫn nhận thấy cây liễu vươn cành xà thấp xuống mình chàng, dường như một ông lão cường tráng. Phải, đấy chính là bố Liễu già giơ tay đón chàng, đưa đứa con trai mệt mỏi và kiệt sức về quê hương xứ sở, bên bờ biển phẳng lặng vùng Kgiôêgiê. Phải, đấy là bố Liễu hiện thành người đi khắp nơi tìm đứa con trai, đã tìm thấy Knút và đưa chàng về khu vườn cũ bên bờ suối. Gian đã đứng đó, đầu đội chiếc mũ miện vàng như lần cuối cùng chàng thấy nàng. Từ xa, nàng đã reo lên: “Hoan hô anh Knút.”
Hai khuôn mặt đắc biệt cùng hiện ra trước mắt chàng. Chàng biết họ từ lúc còn bé, nhưng giờ đây họ giống người thật hơn hồi xưa. Họ đã đổi khác, khá hơn trước nhiều lắm. Đây là anh con trai và chị con gái bằng bánh ngọt năm xưa, họ quay mặt về phía chàng, và nom diện mạo họ quả là khoẻ mạnh và tươi tắn. Họ bảo chàng:
– Chúng tôi cảm ơn anh đã giúp chúng tôi một việc lớn. Anh đã mở miệng cho chúng tôi, đã dạy chúng tôi chớ nên lặng yên, không thổ lộ lòng mình, không thế thì chẳng đi đến kết quả gì cả. Do đó chúng tôi đã đạt mục đích và đã đính hôn với nhau.
Nói rồi họ cầm tay nhau đi trong phố xá Kgiôêgiê. Nom họ có vẻ dễ coi, và ngay cả khi nhìn vào mặt trái, họ cũng chẳng có gì đáng phàn nàn cả. Họ đi về nhà thờ, Knút và Gian cũng nắm tay nhau đi theo họ. Ngôi nhà thờ vẫn còn đó như xưa, với những bức tường lúc nào cũng phủ đầy dây trường xuân xanh tươi. Cửa lớn mở rộng cánh. Tiếng đại phong cầm vang lên. Họ bước vào gian giữa giáo đường lớn. Cặp vợ chồng bánh ngọt bảo: “Mời thầy giáo và cô giáo lên trước!” rồi họ nhường cho Knút và Gian quỳ trước bàn thờ chúa. Gian gục đầu vào mặt Knút. Từ mắt nàng lăn ra những giọt lệ lạnh buốt. Tình yêu nồng nàn của Knút đã làm tan khối băng giá xung quanh trái tim nàng. Lúc ấy chàng chợt tỉnh dậy và thấy mình đang ngồi dưới một gốc liễu già, tại một xứ xa lạ, trong một đêm đông giá rét. Mưa đá quất vào mặt chàng. Chàng tự nhủ: “Giờ phút này là giờ phút đpẹ nhất đời ta, thế mà lại là một giấc mơ! Xin Thượng Đế hãy cho tôi lại được mơ nữa như thế!” Chàng lại nhắm mắt ngủ thiếp đi và lại mơ.
Về sáng tuyết bắt đầu rơi và theo gió phủ lên mình chàng. Chàng vẫn ngủ. Dân các xóm lân cận đi lễ qua đấy. Họ trông thấy một người nằm bên đường. Đó là một anh thợ. Anh đã chết rét bên gốc cây liễu. Tagged Andersen

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.