Ngày xưa, có một bà già sống một mình trong một tòa lâu đài cổ giữa một khu rừng bao la, rậm rạp. Đó là một mụ phù thủy cừ khôi. Ban ngày, mụ hóa thành mèo hoặc cú vọ. Đến chiều tối, mụ lại hiện nguyên hình người. Mụ có tài dụ dỗ muông thú để giết lấy thịt nấu nước ăn. Quanh lâu đài một trăm bước, ai đi đến tự dưng đứng sững tại chỗ, chỉ bước đi được khi mụ phù thủy cho phép. Khi một cô gái trong sạch lọt vào cái vòng ma quái đó thì mụ sẽ hóa phép biến thành chim, mụ đem nhốt vào lồng rồi đặt lồng vào một phòng của lâu đài. Có một cô gái tên là Jôrinđơ, đẹp hơn tất cả các cô gái khác. Cô đã hứa hôn với chàng trai tên là Jôringơn. Đôi trai gái sống những ngày chờ cưới và quấn quít bên nhau. Để được chuyện trò thoải mái, một hôm họ vào rừng dạo chơi. – Em cẩn thận chớ đến quá gần lâu đài! – Jôringơn dặn. Buổi chiều thật là đẹp. Mặt trời còn chiếu nắng qua các thân cây thành các vệt sáng trên nền trời xanh thẫm của rừng. Chim gáy gù rầu rĩ trên cây sồi. Jôrinđơ thỉnh thoảng lại khóc lóc, ngồi dưới ánh nắng mà than vãn, Jôringơn cũng than vãn. Họ xúc động như chết đến nơi. Họ nhìn quanh, nhưng lại không tìm ra đường về nhà. Mặt trời đã khuất một nửa sau rặng núi. Đúng lúc đó Jôringơn nhìn qua bụi rậm thấy các bức tường cổ của lâu đài hiện ra sát bên mình. Anh sợ hãi tái nhợt như người chết. Jôrinđơ hát: – Con chim bé nhỏ của tôi đeo chiếc nhẫn vàng. Rên rỉ buồn thảm, nó khóc than cái chết của con chim bồ câu. Jôringơn quay lại nhìn Jôrinđơ thì thấy cô đã hóa thành một con chim họa mi đang hót. Một con cú có đôi mắt như lửa đỏ bay quanh cô ba lần và kêu ba lần: “Hú! Hú! Hú!” Jôringơn không nhúc nhích được. Anh đứng nguyên tại chỗ như phỗng đá, không khóc được. Mặt trời đã lặn. Con cú bay vào bụi rậm và ngay sau đó một mụ già gù từ trong bụi bước ra. Mụ gày gò, vàng vọt, có đôi mắt đỏ rực, cái mũi khoằm và nhọn chấm sát cằm. Mụ làu nhàu, bắt chim họa mi để lên tay mang đi. Jôringơn không nói gì được, không động đậy được. Chim họa mi không còn ở đấy nữa. Cuối cùng, mụ già trở lại nói giọng âm u: “Ta chào ngươi, đồ ngu. Khi nào trăng chiếu sáng cái rổ nhỏ này là lúc xéo đi ngay, đồ ngu ạ”. Thế là Jôringơn thoát. Anh quỳ xuống chân mụ già, van xin mụ hãy tha cho Jôrinđơ. Mụ trả lời là không bao giờ anh lại nhìn thấy mặt cô nữa, rồi mụ đi. Anh gào khóc và rên rỉ nhưng vô ích: “Trời ơi! Cái gì sẽ đến với tôi đây?”. Jôringơn rời chỗ đó đến một làng quê xa lạ. Một thời gian dài, anh chăn cừu. Nhiều lần anh đi quanh lâu đài, nhưng không lại gần quá. Một đêm, anh ngủ mê thấy mình được một bông hoa đỏ như máu, ở giữa có một hạt ngọc to và đẹp vô cùng. Anh hái bông hoa, tiến đến lâu đài. Hoa đụng vào cái gì thì cái đó liền thoát khỏi phù phép. Anh cũng mơ thấy nhờ có bông hoa, anh lấy lại được Jôrinđơ. Sáng sớm ngủ dậy, anh ra đi, trèo đèo, lội suối, đi tìm bông hoa như đã mơ thấy. Anh đi tám ngày, sáng sớm ngày thứ chín, anh tìm thấy bông hoa đỏ như máu. Một giọt sương to, đẹp như hạt ngọc đẹp nhất trần gian, nằm ở giữa nhị hoa. Anh cầm hoa đi suốt ngày đêm tới lâu đài. Khi còn cách một trăm bước, anh không bị đứng bất động. Anh tiếp tục đi đến cửa lâu đài. Lòng tràn ngập vui sướng, anh chạm bông hoa vào cửa. Cửa mở toang ra. Đi qua sân, anh vào lâu đài. Anh lắng nghe chim hót một lúc. Rồi anh đi về phía có chim hót. Anh tìm ra căn phòng mà ở đó mụ phù thủy đang cho chim ăn; chim bị nhốt trong bảy nghìn chiếc lồng nhỏ. Khi mụ nhận ra Jôringơn, mụ nổi giận, mụ giận dữ kêu thét ầm ĩ, phun thuốc độc và mật đắng vào anh, nhưng mụ không tiến lại gần anh một khoảng cách là hai bước. Anh không để ý gì đến mụ, tiếp tục đi nhìn các lồng có nhốt chim. Anh thấy hàng trăm con chim họa mi. Làm thế nào tìm được ra Jôrinđơ trong số chim đó? Trong khi chú ý nhìn chim, anh nhận thấy mụ già rón rén đi lấy một cái lồng nhốt một con chim rồi bước về phía cửa. Anh nhẩy bổ lại gần mụ, chạm bông hoa vào cái lồng và mụ ta. Thế là phép phù thủy mụ hết thiêng! Jôrinđơ hiện ra đứng đó, ôm cổ anh, vẫn đẹp như xưa. Rồi anh giúp cho tất cả mọi con chim hoàn nguyên hình thành thiếu nữ. Anh cùng Jôrinđơ về nhà và sống hạnh phúc cho đến khi đầu bạc răng long. Tagged Grim