Hôm đó, Kinh Xán thức trắng đêm. Cậu có thể nghe tiếng hít thở đều đều của Hạ Bình Ý, như thủy triều dâng, vỗ vào thế giới vừa chớm yêu của cậu.
Từ phút bối rối ban đầu, rồi suy luận từng chút tại sao lại phát triển tới bước này, cậu đi qua ngại ngùng, manh nha, bất an, vùng vẫy. Khi trời tờ mờ sáng, Kinh Xán nhìn ánh sáng yếu ớt lọt vào qua bức rèm cửa sổ, cuối cùng cậu cũng hiểu, có những tình cảm xảy đến rất tự nhiên, nó tồn tại chân thật, rực cháy vĩnh hằng, dù là cậu cũng chẳng thế bóp nghẹt nó bằng lí trí.
Mở mắt suốt đêm làm mắt cậu thấy hơi xon xót. Kinh Xán trở mình, nhìn khuôn mặt vẫn chìm trong giấc mơ của Hạ Bình Ý.
Trong bóng tối, cậu giơ một ngón tay, phác họa lại đường nét khuôn mặt Hạ Bình Ý qua lớp màng không khí mỏng.
Đằng nào cũng không ngủ được, Kinh Xán xuống giường từ sớm. Cậu rón rén ra khỏi phòng, ra cửa hàng đồ ăn sáng gần nhà mua hai chiếc bánh bao thịt. Đúng lúc về đến cửa thì bắt gặp Hạ Bình Ý vừa đi xuống vừa gọi tên cậu, Kinh Xán giơ túi bánh trong tay lên, nói: “Tôi đi mua bữa sáng”.
Kinh Xán lấy sữa lạnh mới trong tủ ra, trước lúc ngồi xuống, Hạ Bình Ý cứ nhíu mày nhìn cậu, nói mắt cậu thâm nhiều quá. Kinh Xán qua quýt đáp cậu ngủ không ngon, vừa ăn sáng xong đã giục Hạ Bình Ý nhanh lên đường.
Muốn đến chùa Thanh Nham phải đi xe buýt, bến xe buýt không xa, đi bộ là được. Kinh Xán rất vui vẻ, bước chân nhẹ nhàng, khi xuống dốc lại chạy từng bước nhỏ.
Hạ Bình Ý thấy cậu hào hứng tới nỗi dọa cả chim sẻ đứng trên đường, không khỏi hỏi: “Vui tới vậy sao?”.
Kinh Xán đùa với chim sẻ xong mới nhìn anh, nói: “Cậu không hiểu đâu”.
Hạ Bình Ý nghiêng đầu suy nghĩ, còn Kinh Xán tiếp tục chạy lên.
Đến bến xe buýt, trông Kinh Xán vẫn như chưa thấy thứ gì bao giờ, chỉ hai tấm vé xe nho nhỏ thôi cậu cũng bắt Hạ Bình Ý phải cầm cùng cậu, chụp ảnh lưu niệm. Đến Hạ Bình Ý cũng nghi ngờ trước đây Kinh Xán phải sống trong thế giới cổ tích thế nào, sao lại lạ lẫm với cả những thứ thường ngày thế này.
Xe buýt khá đông, khi hai người lên xe đã gần như không còn chỗ ở mấy hàng đầu rồi. Hạ Bình Ý ôm vai Kinh Xán, dắt cậu tới một chỗ hai người rồi bảo cậu ngồi vào trong. Kinh Xán ổn định chỗ xong bèn lấy hai tấm vé trong túi ra, tò mò thò đầu lên nhìn: “Sao lên xe không có soát vé vậy?”.
“Lát nữa xe chạy sẽ có người soát, ai chưa mua thì lúc đó mua cũng được”.
“Là vậy à,” Kinh Xán gật đầu, sau đó cất lại vé của hai người vào túi.
Nắng đông không gắt mà ấm áp vừa đủ. Rèm cửa sổ trên xe không sạch, Hạ Bình Ý bèn nhổm người dậy, vòng qua đầu Kinh Xán kéo rèm lại giúp cậu, sau đó buộc lại, tránh để nó chạm vào mặt Kinh Xán. Lúc Hạ Bình Ý thu rèm, Kinh Xán có thể cảm nhận được đầu mình cọ lên người Hạ Bình Ý, không biết có phải do nắng hay vì lí do nào khác, tay Kinh Xán hơi đổ mồ hôi. Cậu nuốt nước bọt, hơi dịch về phía cửa sổ, đến khi cách xa hơi thở áp bách kia cậu mới thầm thở phào.
Đến chùa Thanh Nham mất khoảng bốn mươi phút, ban đầu Kinh Xán còn thấy hào hứng, nhưng xe buýt hơi đong đưa thật sự rất gây buồn ngủ. Cậu chỉ mới ngồi mười mấy phút, cơn mệt nhọc tích tụ từ đêm qua đã vùng khỏi lồng giam, lan tràn ra ngoài. Kinh Xán gật gù không ngừng, cuối cùng thì ngoẹo hẳn sang phải, ngả về phía cửa sổ.
Một bàn tay kịp thời chặn giữa đầu Kinh Xán và cửa kính, Hạ Bình Ý nhìn Kinh Xán đã ngủ say như chết, nhẹ nhàng lắc đầu.
Có lúc người này có vẻ trưởng thành quá, có lúc lại trẻ con như học sinh tiểu học. Chỉ khi học tiểu học Hạ Bình Ý mới có chuyện mất ngủ vì hôm sau được đi chơi thôi.
Hạ Bình Ý từ từ nghiêng đầu Kinh Xán về phía mình, muốn cho cậu tựa vai mình mà ngủ. Ngờ đâu Kinh Xán cứ nghiêng đầu về bên phải như thể cố ý. Hạ Bình Ý nghiêng đầu cậu qua, cậu lại ngả về phía ngược lại, cứ lặp đi lặp lại vài lần, cuối cùng Hạ Bình Ý đành bỏ cuộc, giơ một tay ra chặn giữa, không để cậu đụng đầu vào cửa. Cứ giơ tay mãi thế này rất mệt, thật sự không kiên trì được nữa Hạ Bình Ý mới nghiêng đầu Kinh Xán lên vai mình trước, tranh thủ nghỉ một lát trước khi cậu cứng đầu đổi hướng.
May sao lộ trình không dài, Hạ Bình Ý làm vậy cũng không mệt lắm. Nếu như đường dài thì e một cánh tay của Hạ Bình Ý sẽ “đi” luôn trên chiếc xe này. Anh biết Kinh Xán cứng đầu, nhưng không biết đến lúc ngủ cậu cũng cố chấp như vậy. Hạ Bình Ý không khỏi thở dài, xem ra tính cứng đầu đã ngấm vào trong máu rồi.
Tiếng hô của người bán vé đánh thức Kinh Xán, cậu vừa nghe ba chữ “chùa Thanh Nham,” đã mở choàng mắt, lập tức kéo tay Hạ Bình Ý, hỏi: “Đến rồi đúng không?”.
“Đúng vậy,” Hạ Bình Ý nắm bàn tay, “cứu” lại cánh tay đã hơi tê cứng. Đợi hành khách xuống bớt, không còn chen chúc nữa anh mới đứng ra lối đi, chặn người phía sau lại rồi ra hiệu bảo Kinh Xán đi trước mình.
Sau khi xuống xe, cảnh tượng đầu tiên Kinh Xán nhìn thấy khác hẳn với tưởng tượng của cậu.
“Đây là chùa Thanh Nham à?”, Kinh Xán thắc mắc: “Tôi còn tưởng quanh chùa miếu vắng vẻ lắm cơ”.
Con đường lát đá quanh co chạy về phía trước, hai bên đường là hai dãy cửa hàng, hàng hóa rất đa dạng.
“Đúng vậy,” Hạ Bình Ý hất cằm về phía trước, nói: “Cứ đi dọc đường này là tới, đi thôi, dẫn cậu đi xem chợ, mấy người bày sạp ở đây đều là nghệ thân thủ công hết, chắc chắn cậu sẽ thích”.
Con phố này là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Huy Hà, nơi đây không có những cửa hàng thương mại hóa, cũng không bán loại đồ kỉ niệm sản xuất hàng loạt mà các thắng cảnh khác hay bán, ban đầu nơi này chỉ là “chợ”. Rất nhiều nghệ nhân thủ công tụ tập về đây, dựng sạp bán hàng, có người chuyên làm cái nghề này, cũng có người làm vì sở thích, chỉ bày sạp cuối tuần cho vui. Hạ Bình Ý không có cảm giác gì với chùa Thanh Nham, nhưng anh rất thích con phố này. Anh thích nói chuyện với ông chủ bán kẹo đường, cũng thích nghe cô gái trẻ bán túi vải hát đôi câu dân ca, nơi này tràn đầy hơi thở cuộc sống, lại dường như chẳng có áp lực gì.
Kinh Xán chưa từng đến chỗ thế này bao giờ, cậu cảm thán, ngạc nhiên trước từng sạp hàng, cậu không ngờ mình có thể mua những món đồ thủ công xinh đẹp thế này với cái giả rẻ như thế.
Hạ Bình Ý dẫn cậu đến chỗ ông chú vẽ kẹo đường “điểm danh” trước đã. Ông chú thấy Hạ Bình Ý thì rất vui, thấy cậu dẫn cả bạn đến còn bảo họ qua chọn mẫu đi, ông tặng cho hai người.
Kinh Xán chọn cả buổi vẫn chưa chọn được, Hạ Bình Ý bèn lên tiếng trước: “Vẽ con lừa đi chú”.
Kinh Xán ngớ ra, kéo tay Hạ Bình Ý hỏi: “Vẽ lừa làm gì?”.
Chỉ cần Hạ Bình Ý chọn con vật nào đáng yêu một chút thì Kinh Xán cũng không phản đối tới vậy. Người ta toàn vẽ thỏ con, cún con, sao đến Hạ Bình Ý lại thành lừa rồi?
Thấy Kinh Xánh lườm mình, Hạ Bình Ý cũng không sợ, anh chỉ cười, giục chú bán hàng: “Chú ơi, vẽ lừa đi chú, vẽ lừa ạ”.
“Vậy cũng được mà,” ông chú thấy cậu con trai trắng trẻo gọn gàng này có vẻ không vui lắm, bèn an ủi cậu: “Đặc biệt lắm, chưa ai vẽ lừa bao giờ hết”.
Hạ Bình Ý nghe vậy còn cười vui hơn, anh đặt tay lên vai Kinh Xán, thưởng thức dáng vẻ tức giận của cậu.
Mấy chục giây sau, Kinh Xán đã có một chiếc kẹo hình lừa. Hạ Bình Ý nhận kẹo từ chú bán hàng, kéo Kinh Xán đi mấy bước mới đưa cho cậu”.
“Đây, cầm cậu đi này”.
Giờ thì Kinh Xán hiểu rồi.
“Hạ Bình Ý!”, cậu chạy theo Hạ Bình Ý đã bước nhanh về phía trước, vọt người lên vòng một cánh tay qua cổ Hạ Bình Ý, kéo anh cúi về phía mình: “Cậu nói tôi”.
Hạ Bình Ý bị cậu siết cổ, siêu vẹo đi theo cậu. Hai người đánh võng lung tung, hệt như hai con ma men.
“Đâu mà, lừa đáng yêu bao nhiêu,” Hạ Bình Ý kéo cánh tay còn vòng trên cổ mình của Kinh Xán, cười bảo: “Mắt to này, còn bướng nữa”.
Anh càng nói càng giống, làm Kinh Xán tức đến nỗi hét to tên anh: “Hạ Bình Ý!”.
Dù không thừa nhận mình giống lừa, nhưng Kinh Xán vẫn ăn hết chiếc kẹo đó. Cậu vừa ăn vừa dạo phố, Hạ Bình Ý thấy cậu tới sạp nào cũng đứng nhìn rất lâu, nhưng lại chẳng nói muốn mua gì, bèn chủ động nói: “Chọn thứ gì cậu thích đi, tặng cậu coi như quà sinh nhật”.
Kinh Xán nhìn anh, rồi nhìn lại sạp hàng cạnh mình, suy nghĩ hồi lâu.
“Có nhớ tôi đã nói gì trước cửa hàng văn phòng phẩm không?”.
Đương nhiên Kinh Xán hiểu Hạ Bình Ý đang nói đến chuyện gì, vậy nên cậu gật đầu, đáp: “Nhớ chứ, thích thì phải nói, nhất là với cậu”.
Sau khi nhận được ánh mắt khẳng định từ Hạ Bình Ý, Kinh Xán bèn xoay người, đi thẳng về phía sạp mũ mà vừa rồi cậu nghiên cứu rất lâu.
“Tôi muốn mua cái này,” Kinh Xán chỉ vào một chiếc mũ bucket màu xanh sẫm, nói.
Chiếc mũ màu xanh sẫm, trên mũ thêu một bông hoa hướng dương trừu tượng cũng bằng chỉ xanh đậm.
“Ừ…”, Hạ Bình Ý hơi ngập ngừng, nêu ý kiến: “Được thì được, nhưng mũ xanh có hơi kỳ lạ không?”.
(*Ngôn ngữ mạng Trung Quốc: Mũ xanh có ý là cắm sừng)
Chủ sạp là một cô gái trẻ, thấy có khách đến mua, cô gái nhiệt tình gỡ chiếc mũ đang treo xuống đưa cho Kinh Xán. Kinh Xán cẩn thận sờ đường thêu hoa hướng dương xinh đẹp trên chiếc mũ, càng nhìn càng thích: “Mũ xanh thì sao cơ? Tôi thấy đẹp mà, tôi thích màu xanh lục”.
“Đúng rồi đó,” cô gái trẻ cũng hùa theo, còn không quên nịnh hót: “Anh đẹp trai biết nhìn đấy, cứ đẹp là được rồi, mũ xanh hay gì toàn là nói đùa cả thôi. Vả lại anh mà đội mũ này, tôi chắc chắn không có ai đụng hàng luôn, bảo đảm trên đời chỉ có một chiếc mũ duy nhất như thế này”.
Da Kinh Xán trắng, gần như màu sắc nào cậu mặc lên cũng đẹp. Hạ Bình Ý thấy Kinh Xán thích cũng không nói gì nữa, anh cầm chiếc mũ bằng hai tay, đội cho Kinh Xán.
Anh cầm vành mũ hơi điều chỉnh góc độ, hướng hình bông hoa về phía trước.
“Đúng là đẹp thật”. Hạ Bình Ý hài lòng vỗ tay.
Hạ Bình Ý trả tiền xong, Kinh Xán đội mũ lên rồi không cởi ra nữa. Cậu cứ vừa đi vừa không kìm lòng sờ vành mũ, còn hỏi Hạ Bình Ý mấy lần câu “Có đẹp không?”.
“Đẹp”. Hạ Bình Ý giơ một tay đặt lên đầu người bên cạnh, dỗ cậu: “Cậu đẹp nhất”.
Kinh Xán vui không sao chịu được.
Lúc ra ngoài hai người không mang nước theo, Hạ Bình Ý sợ Kinh Xán khát bèn dẫn cậu đi tìm một cửa hàng trước khi vào chùa, muốn mua nước. Nhưng không ngờ một chai nước bán với giá một tệ năm ở siêu thị mà ở đây lại bán tận tám tệ.
(*1,5rmb tầm 5500vnd, 8rmb thì khoảng 29000vnd)
Tám tệ đấy!
“Đắt quá đi…”, trước cái nhìn chăm chú của ông chủ, Kinh Xán sáp vào Hạ Bình Ý, nhỏ giọng trao đổi với anh: “Mua một chai thôi nhé”.
Hạ Bình Ý thấy dáng vẻ lén lút nói chuyện với anh lại sợ ông chủ phát hiện này cực kỳ đáng yêu, anh bèn lại gần cậu, hỏi nhỏ: “Biết tiết kiệm vậy à?”.
Kinh Xán gật đầu: “Đắt quá đi, chúng ta uống một chai thôi”.
“Được”. Hạ Bình Ý bảo ông chủ lấy cho một chai nước, trả tiền xong, anh vặn nắp chai rồi đưa Kinh Xán uống trước. Hai người ra khỏi cửa hàng, Kinh Xán đứng lên bậc thang ngửa đầu uống, không để ý chiếc mũ trên đầu mình trượt xuống.
Hạ Bình Ý đứng sau lưng cậu nên trông thấy, khi chiếc mũ vừa hơi rời ra, anh đã giơ một tay úp lên đầu Kinh Xán, đỡ đầu cậu, giữ cho chiếc mũ bảo bối của cậu không bị rơi.
Kinh Xán nhận ra động tác của anh bèn dừng lại, quay đầu nhìn Hạ Bình Ý.
Hạ Bình Ý hất cằm, ý nói: “Cậu uống đi”.
Mục đích của Kinh Xán khi tới đây rất rõ ràng, vậy nên vừa vào chùa Thanh Nham cậu đã kéo Hạ Bình Ý đi về hướng sảnh cầu học hành. Hạ Bình Ý bị kéo đành cam chịu đi theo cậu, khi đi qua một ngã rẽ, Hạ Bình Ý nhìn sang, sau đó anh bỗng nắm lại cổ tay Kinh Xán, không cho Kinh Xán đi tiếp.
“Sao thế?”, Kinh Xán quay lại hỏi anh.
“Đừng qua xin học hành vội,” Hạ Bình Ý chỉ sang bên cạnh, nói: “Qua bên kia đi, xin khỏe mạnh bình an đã”.
Kinh Xán cực kỳ phiền muộn với chênh lệch sức mạnh của hai người, vừa rồi cậu phải dồn hết sức lực mới kéo được Hạ Bình Ý đi một đoạn, vậy mà giờ Hạ Bình Ý kéo cậu đi rảo bước sang bên phải, cậu chỉ có thể chạy lon ton theo anh.
Trước sảnh cầu bình an, khỏe mạnh, hương khói bốc lên nghi ngút. Vào tới cửa, họ nhận hương do nhà chùa tặng, hai người đều rút chín que rồi qua chỗ đèn dầu bên cạnh châm hương.
Kinh Xán quan sát người khác châm hương thế nào trước, sau đó học theo. Cậu cầm hương bằng hai tay, nhúng vào lọ dầu rồi hơ lên ngọn lửa.
Kinh Xán nghĩ Hạ Bình Ý đến đây chỉ để đi cùng mình, vậy nên khi cậu quỳ xuống đệm, quay lại nhìn vẻ mặt nghiêm túc thành khẩn của Hạ Bình Ý mới thấy hơi ngạc nhiên.
Cậu không biết cụ thể Hạ Bình Ý cầu xin điều gì, nhưng cậu biết khỏe mạnh, bình an là tâm nguyện cơ bản nhất của mỗi người.
Mà Kinh Xán quỳ ở đây cũng chẳng mong Thần Phật giúp gì cậu, cậu vẫn tin rằng mọi việc đều phải nhờ vào bản thân. Cậu chỉ muốn tìm cho mình chút niềm tin ở nơi đặc biệt này, cùng với Hạ Bình Ý.
Cậu hy vọng mình có thể chiến thắng tất thảy, cậu mong rằng mình và Hạ Bình Ý sẽ làm bạn mãi mãi.
Hôm nay chùa Thanh Nham rất đông, dọc đường đi, hai người nhận ra trước sảnh nào cũng có một hàng dài đang xếp hàng, chỉ có duy nhất một sảnh là không một bóng người. Vẫn còn vài cây hương, Kinh Xán nghe một người đi ngang qua họ nói không được để thừa hương, bèn kéo Hạ Bình Ý vào sảnh vắng người kia, định dâng hết chỗ hương còn lại ở đây. Hai người không hề hay biết sảnh đó cầu gì, đến khi đứng trước Phật, Hạ Bình Ý mới thấy rõ tấm biển giới thiệu treo phía trước bằng thị lực siêu phàm của mình.
Anh im lặng ba giây, vỗ nhẹ lên đùi Kinh Xán.
“Cậu biết chỗ này cầu cái gì không?”, anh nhỏ giọng hỏi.
Thần Phật ngay phía trên, Kinh Xán không dám nói gì, chỉ lắc đầu.
Hạ Bình Ý cố gắng giữ vẻ mặt nghiêm túc, nói hai chữ: “Cầu duyên”.
Kinh Xán đã hơi khom gối rồi, lúc này, cậu quỳ cũng không phải mà đi cũng chẳng phải, cậu chỉ có thể khom người cầm mấy cây hương, đứng đơ tại chỗ nhìn Hạ Bình Ý. Hạ Bình Ý thấy cậu khó xử, khóe miệng lại nhếch lên, anh quỳ xuống trước.
“Đến cũng đến rồi, lạy đi”.
Hai người thành kính vái lạy rồi kéo nhau ra khỏi sảnh, không có gì khác nhiên, rất nhiều người tò mò nhìn họ. Thậm chí còn có mấy người táo bạo nhìn họ cười. Hạ Bình Ý thấy hơi kỳ lạ, dù mười mấy tuổi cầu duyên thì đúng là không cần thiết, nhưng cũng không tới nỗi được nhiều người chú ý vậy chứ? Kinh Xán cũng không hiểu chuyện gì, cậu chỉ thấy ngại ngùng, nhanh chóng kéo Hạ Bình Ý chạy.
Tới mấy năm sau khi Hạ Bình Ý đến chùa Thanh Nham cùng Lục Thu một lần nữa, anh mới nghe Lục Thu nói, hóa ra việc vái lạy ở sảnh cầu duyên của chùa Thanh Nham phải rất cẩn thận, không thể lạy bừa được. Một người đến xin là xin sớm có người thương, mà hai người cùng quỳ trong sảnh tức là cầu vĩnh kết đồng tâm.
Khi nghe câu này, Hạ Bình phải nhẫn nhịn lắm mới không cười trước mặt Lục Thu. Lúc đó Kinh Xán đang ngủ ở bên kia đại dương xa xôi, Hạ Bình Ý bất chấp lệch múi giờ, gửi cho cậu một hàng biểu tượng trái tim.
Lúc họ xuống núi đã thưa người hơn, hai người đong đưa bước đi, Kinh Xán vẫn đang uống chai nước đắt không chịu nổi kia. Có mấy đứa trẻ con chạy qua cạnh họ, người lớn tuổi hơn thì chạy phía trước, người nhỏ tuổi hơn không theo kịp, bị bỏ xa một quãng, vừa chạy vừa gọi “anh ơi”.
Hạ Bình Ý đút tay vào túi quần, nghiêng đầu về phía Kinh Xán, bỗng nói: “Cậu có tin nếu chạy từ đây xuống túi, tôi có thể bỏ xa cậu nửa con phố không?”.
Một tay Kinh Xán cầm chai, tay còn lau vệt nước sơ ý để đọng lại bên môi, nhìn anh: “Không tin, dù cậu có thể chạy thắng học sinh chuyên thể dục, cũng không tới nỗi bỏ xa tôi nửa con phố chứ?”.
Lòng háo thắng của con trai luôn đến mà chẳng cần báo trước, mà trò chơi cũng họ cũng trẻ con như vậy.
Hạ Bình Ý không đáp lại, sự im lặng kỳ lạ bỗng bao trùm lấy họ. Mà trong sự yên tĩnh này, Kinh Xán cụp mắt, lẳng lặn đóng nắp chai. Cậu dừng một lát rồi đưa chai nước cho Hạ Bình Ý.
“Này”.
Hạ Bình Ý nhướng mày, sau đó anh kìm biểu cảm lại, nhận chai nước.
Không ngờ anh vừa cầm vào chai nước, người bên cạnh đã co chân lên chạy. Lúc chạy còn không quên giơ một tay giữ chiếc mũ thân yêu của mình.
Hạ Bình Ý đực ra cả buổi mới vừa cười vừa đuổi theo cậu: “Cậu còn biết giảm gánh nặng cho mình nữa à?”.
Không biết có phải anh nghe nhầm không, tiếng cười của người phía trước tự do đến lạ, không hề quan tâm đến đám đông xung quanh, tựa như chú gà con mới nhảy ra khỏi rào, vui vẻ nô đùa. Hạ Bình Ý chạy về phía tiếng cười, nhóc gà con chưa chạy được mấy bước đã bị anh kéo tay lại.
“Chạy à?”, Hạ Bình Ý nắm cánh tay đẩy cậu về phía trước, Kinh Xán không phản kháng mà loạng choạng tiến lên, sau đó lại bị anh kéo trở về: “Chạy tiếp đi”.
“Không chạy nữa, không chạy nữa”. Kinh Xán bị Hạ Bình Ý túm tay, lúc thì tiến lên lúc lại lùi xuống, cậu vội vàng xin tha: “Tôi chỉ muốn thử xem cậu có thể bỏ tôi nửa con phố không thôi mà”.
“Thế sao rồi, thử được chưa?”.
Kinh Xán quay lại nhìn khoảng cách ngắn đến đáng thương mình vừa chạy, xụ mặt nói: “Ừ, chắc không chỉ nửa phố thôi đâu”.
Hai người tiếp tục tiến lên, Kinh Xán vẫn không nhịn được kêu ca: “Không công bằng, sao cậu chạy nhanh thế?”.
Hạ Bình Ý đút tay vào túi quần, thong thả nói: “Chân dài”.
Vừa dứt lời, anh đã bị Kinh Xán ngoắc cổ đè thấp xuống.
Hạ Bình Ý thấy Kinh Xán vẫn không phục, đành bảo: “Cậu cũng nghĩ quẩn thật đấy, chạy đua với cả đại biểu vận động viên, khích một tí là mắc câu luôn”.
Câu nói này đã gợi cho Kinh Xán một kỉ niệm bị chơi xỏ khác.
“Đúng rồi,” Kinh Xán nhớ lại, bỗng thấy hơi kỳ lạ: “Ơ? Cậu có phải học sinh lớp thể dục đâu, sao hôm đó lại lên phát biểu thế?”.
“Chẳng qua tôi không tập nữa thôi,” Hạ Bình Ý nghiêm túc nói: “Trước đây tôi là học sinh thể dục xịn đấy, từng đoạt quán quân nữa”.
“Thật à?”, Kinh Xán không ngờ Hạ Bình Ý lại giỏi thể dục đến vậy, cậu sực nhớ ra, lại hỏi: “Thế sao cậu không tập nữa?”.
Câu trả lời của Hạ Bình Ý có vẻ hơi quen, anh lắc lư người, nói: “Không muốn tập nữa, không còn sức chạy nữa, đứng trên đường chạy cứ thấy không nhìn được điểm cuối”.
Lúc nói câu này Hạ Bình Ý cũng không dừng lại, Kinh Xán chỉ thất thần một chốc thôi đã bị anh bỏ xa.
Không còn sức chạy sao?
Kinh Xán chạy lon ton theo anh: “Nhưng lúc hội thao cậu chạy giỏi lắm mà”.
“Thế chắc là do…”, Hạ Bình Ý dừng lại, như thể đang nghiêm túc suy nghĩ: “Bài cổ vũ của cậu hay quá đấy”.
Anh nói xong bèn mỉm cười đi thẳng, Kinh Xán nhanh chóng nhận ra ý trêu đùa của anh, bèn hét lên: “Hạ Bình Ý!”.
Hạ Bình Ý cười phá lên, bị Kinh Xán đuổi chạy hết nửa con phố.
Nhưng bỏ qua những câu đùa giỡn, Hạ Bình Ý nghĩ kỹ lại vấn đề này. Thật ra đến chính anh cũng không biết vì sao. Đã lâu lắm rồi anh không chạy một cách tử tế, việc đăng ký tham gia hội thao cũng là do chủ nhiệm lớp họ ép anh đăng ký. Lúc đó anh bỏ thể dục là bởi anh không còn hăng hái khi đứng trên sân vận động nữa, anh cảm giác có chạy hay không cũng chẳng hề gì. Nhưng hội thao lần này lại khác, không biết có phải do anh biết trên khán đài có một chàng trai đang nhìn mình không, đã lâu rồi Hạ Bình Ý không có niềm tin vững chắc phải là người đầu tiên về đích như vậy.
Suy nghĩ của anh lúc đó thật ra rất đơn giản, anh muốn hạng nhất, sau đó lập tức khoe với cậu con trai kia.