Vợ Tui Là Quái Vật Cũng Siêu Đáng Yêu Biết Chưa

Chương 24: Thế gian



Y mở mắt ra, bối rối nhìn cung điện dưới lòng đất được chiếu sáng rực rỡ.

Im lặng, cô đơn, thời gian ở đây mất đi ý nghĩa.

Y trải dài mình ra, tuần tra cung điện của mình, tìm thấy vô số vàng bạc, châu báu, đồ vật quý hiếm, đồng thời tìm thấy bộ xương không đầu của chín chín tám mươi mốt bé trai bé gái nằm rải rác ở nhiều hướng khác nhau. Những cái đầu đã đi đâu? Y đã tìm kiếm khắp cung điện dưới lòng đất, nhưng không tìm thấy đầu của chúng. Vì vậy, y quyết định ra ngoài tìm. Tơ đen như sợi tóc tìm được một vết nứt trên mặt đất, bò lên từng chút một, chui ra khỏi lòng đất, leo lên đồi, tới đỉnh núi Xích Nhai, tìm thấy hộp sọ được làm thành chuông treo trên cây. Y lấy đống xương ra khỏi lòng đất, ấn đầu từng cái một vào đúng chỗ. Trên hài cốt sinh ra máu thịt, biến thành một đám trẻ nhỏ hoạt bát, luôn miệng gọi y là “Điện hạ bé”, “Điện hạ bé”.

Đứa trẻ nào muốn đi thì đi rồi, đứa nào muốn ở lại thì ở lại, nhưng y không muốn di chuyển, không muốn quay trở lại cung điện dưới lòng đất nơi không thể tắm ánh trăng, vậy nên y định cư trong cái cây to vô danh đó. Thế gian bãi bể nương dâu, y lúc tỉnh lúc mê, không biết đã trôi qua bao lâu. Khi tỉnh dậy, y sẽ treo mình trên cái cây lớn, ngắm nhìn khói bếp của con người dưới chân núi Xích Nhai từ xa.

Ngôi làng của những người giữ lăng mộ ban đầu chỉ có hơn chục hộ, nay phát triển mạnh dưới chân núi Xích Nhai, về sau ngày càng có nhiều người đến đây cùng nhau xây dựng tổ ấm, trở thành trấn Vân Hòe. Ánh nến ban đêm yếu ớt đến mức gần như không thể nhìn rõ từ từ biến thành những chấm sáng của đèn dầu, sau đó biến thành một khung cảnh sống động với ánh đèn điện rực rỡ như ban ngày. Bao thế hệ con người sinh ra và lớn lên ở đây, trải qua bao giông bão, lũ quét, chiến tranh, nạn đói, dịch bệnh, biến động của thời đại, rồi đến thời bình thịnh vượng ổn định.

Y lặng lẽ nhìn thế giới loài người, như không có nỗi buồn hay niềm vui, cũng vô tư chẳng phải lo nghĩ. Đôi khi, y cũng lang thang trong núi rừng, làm bạn với những Quái mà con người không phát hiện ra. Y cũng sẽ nhét mình vào bộ da con người, trò chuyện và chơi đùa với những đứa trẻ lên núi.

Theo thời gian, truyền thuyết về Sơn thần bé trên núi Xích Nhai xuất hiện ở trấn Vân Hòe. Con người sợ hãi tất cả những tồn tại mà họ không hiểu, nhưng họ cũng khao khát được công nhận, ưu ái, phù hộ, giành lấy một tia hy vọng trong thời khắc tuyệt vọng. Thị trấn bèn xây dựng miếu Sơn thần, thờ Sơn thần bé trong hình hài trẻ thơ.

Một buổi sáng trời trong, không mây, có đôi vợ chồng cùng nhau bước vào miếu Sơn thần, đặt trái cây, bánh ngọt lên bàn cúng, rưng rưng nước mắt cầu xin Sơn thần trả lại đứa con cho mình.

Y nhìn thấy, y cũng công nhận danh xưng Sơn thần bé mà loài người đặt cho mình, chỉ cần gọi tên y là y có thể “nhìn thấy” mọi thứ. Y cũng biết rằng chính hai người này đã tự tay giết chết đứa trẻ.

Đứa trẻ không phải là con của người đàn ông, nó được người phụ nữ dẫn theo khi tái hôn với hắn. Đứa bé đã ba tuổi rưỡi, đôi chân vẫn chưa đi vững, nó bị chôn dưới gốc cây hòe trong sân trong lúc đang ngủ, không biết gì cả, thậm chí còn không kịp khóc, trước khi xẻng đất cuối cùng phủ lên thì đã tắt thở rồi. Hai vợ chồng nói là chính Sơn thần bé đã đem con mình lên núi, vừa khóc vừa biểu diễn trước mặt hàng xóm, suýt nữa thì chính bọn họ cũng tin là thật.

Y hơi tủi thân, y chưa từng giữ lại bất kỳ người bạn nào, luôn đưa họ xuống chân núi trước khi trời tối. Y cũng không hiểu tại sao lại có người tự giết con mình rồi trách y, còn khóc lóc thảm thiết như vậy. Nhưng không hiểu cũng chẳng sao, y vẫn sẽ làm cho đứa trẻ quay về.

Thi thể đang phân hủy một nửa hất tung lớp đất đang đè lên mình, từng bước một bước về phía cửa nhà, gõ cửa cộc cộc cộc. Tiếng la hét của đôi vợ chồng thu hút hàng xóm, người ta chứng kiến ​​cặp vợ chồng đau khổ cầu xin Sơn thần bé trả lại đứa con cho mình đang kinh hãi nhìn chằm chằm vào con quái vật không ra hình người kia. Sức nặng của đất đã làm bẻ gãy hết xương cốt mỏng manh của đứa trẻ, giòi bọ đã sinh sôi nảy nở vào đầu hè bơi lội trong đống thịt thối rữa. Dù vậy, hàng xóm vẫn nhận ra quần áo trên người đứa bé, cũng để ý thấy cái hố lớn được đào dưới gốc cây hòe trong sân nhà. Quay lại rồi. Đứa trẻ chết đã trở về từ bên trong cây hòe.

Không biết sự việc này lan truyền như thế nào nhưng dần dần nó biến thành một câu chuyện khác. Người ta đồn rằng người dân trong thị trấn sau khi chết sẽ đến thế giới trong cây hòe. Câu chuyện ngày càng lan rộng, với nhiều tình tiết hơn, thậm chí người ta còn đặt cho thế giới ở cây hòe một cái tên là thôn Hoa Hòe.

“Hoa hòe thơm, hoa hòe ngọt, trong cây hòe có thần tiên.”

“Cố nhân ở nơi thôn Hoa Hòe, vẫy tay với người gọi hồn đến.”

“Lên đường về quê thêm lần nữa, rồi lại trần truồng tới nhân gian.”

Trẻ em trong thị trấn hát lên bài đồng dao, thế hệ này qua thế hệ khác, lớn lên và già đi.

Cuối cùng đến một ngày nọ, thôn Hoa Hòe thực sự xuất hiện trên thế gian.

Y bèn dẫn đám trẻ và những người bạn Quái mình quen đến thế giới trong cây hòe. Mọi người cùng nhau xây nhà, từng viên gạch từng viên ngói, bắt chước gạch xanh ngói đen, cầu nhỏ trên sông của trấn Vân Hòe, xây dựng một thị trấn giống y hệt như thế, định cư tại quê hương yên bình không bị ai quấy rầy này. Thỉnh thoảng có người trong thị trấn vô tình lạc vào, được Quái hiếu khách giữ lại ở tạm, rồi lại được đưa về khỏe mạnh. Nhờ đó mà truyền thuyết về thôn Hoa Hòe không mất đi, mà được lưu truyền qua hàng ngàn năm.

*

Sau đó, y lại tiếp tục hết ngủ lại thức, khi tỉnh dậy, thế giới con người đã hoàn toàn khác. Khi thức giấc, y vẫn thích nhìn ánh đèn của các hộ gia đình dưới chân núi, đồng thời cũng thích tìm người lên núi chơi đùa với mình.

Một ngày nọ, y gặp một cậu bé lên núi tìm em trai mình. Y đã quen với việc bị đổ lỗi cho những đứa trẻ mất tích trong thị trấn, đôi khi y có giúp tìm kiếm bọn trẻ, nhưng thường thì không thể tìm thấy. Lần này cũng vậy. Em trai của cậu bé không giống như đứa trẻ bị chôn vùi dưới gốc cây hòe lần trước, thời gian đã trôi qua quá lâu, ngay cả y cũng không thể tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của đứa trẻ đó trên thế giới này. Vì vậy, y đã đề nghị được làm em trai của cậu bé.

Y vui vẻ nói với bạn bè rằng mình sắp xuống núi, sắp có gia đình.

Khi bạn bè của y biết về kế hoạch này, họ chỉ nói khi nào chơi chán thì về, rồi còn tụ tập lại để cùng nghĩ ra một cái tên cho y, để mọi người trên thế giới không sợ quá rồi mất trí khi nghe đến tên y.

“Đây là cây lê, chỉ là nó đã già rồi, trông không còn giống cây nữa.” Đuôi rắn của Lục Yêu quấn quanh gốc cây mà y trú ẩn quanh năm, gợi ý: “Sao cậu không đặt tên theo tên này nhỉ.”

Sau đó, mỗi người bạn viết cho y một chữ, bỏ vào ống thăm để rút, cuối cùng rút ra chữ “Úc” làm họ.

Y đã có một cái tên.

Úc Đường vui vẻ xuống núi với cái tên mới.

Một thời gian sau, y lại tức tối phồng mang trợn mắt trở về thôn Hoa Hòe.

“Gia đình không tốt sao?” Bạn của y hỏi.

Y lắc đầu, không biết trả lời thế nào, rồi quyết định đi ngủ.

*

Ngàn năm trôi qua như gió cuốn, đến một ngày, làn gió xuân cải cách tràn về trấn Vân Hòe, triều đại phong kiến ​​đã trở thành dĩ vãng. Đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ đều bước ra khỏi cửa nhà, đi học tập, làm việc, lao động, xây dựng quê hương, nhiệt tình hăng say lao vào thời đại mới đang đến.

Cho đến một ngày, người ta phát hiện ra khoáng sản quý hiếm ở vùng núi gần trấn Vân Hòe. Chẳng bao lâu, những tòa nhà cổ kính của thị trấn bị đánh sập, sông nhỏ bị lấp, cây hòe bị đốn hạ, đồng ruộng bị trải nhựa. Những ống khói cao mọc lên từ mặt đất, người ta xây dựng các nhà máy và khu khai thác mỏ. Cư dân của thị trấn nhỏ từng xa quê đi học, đi làm lần lượt trở về, trở thành công nhân nhà máy, sống trong các khu chung cư trong khu vực nhà máy. Cơ sở vật chất khác nhau trong khu dân cư tiếp tục được cải thiện, con người không ngừng biến đổi vùng đất này, rừng cây hòe vốn tưởng như rộng ngút tầm mắt đang dần biến mất. Sau cùng, trấn Vân Hòe không còn cây hòe nào nữa.

Thị trấn trải qua những thay đổi chấn động, đó là điều tất yếu theo sự phát triển của thời đại, Úc Đường vẫn lặng lẽ quan sát mọi thứ.

Thêm một chút nữa, thêm một chút nữa là được.

Nhanh hơn một chút, nhanh hơn một chút là được.

Con người tiếp tục đòi hỏi từ thiên nhiên, khai thác các mỏ khoáng sản trên núi, đào rỗng hết tài nguyên dưới lòng đất, đào rỗng cả rừng, sông ngòi, đào rỗng mọi thứ tích lũy qua hàng ngàn năm. Khi tài nguyên dần cạn kiệt, những người ở lại thị trấn nhỏ bắt đầu lo lắng cho tương lai của quê hương. Có người nghĩ đến kinh tế du lịch, bèn sưu tầm những truyền thuyết được lưu truyền hàng ngàn năm qua, góp đầu này nhặt đầu kia một chút, ghép lại thành một tuyến đường du lịch văn hóa. Đáng tiếc là tuyến đường du lịch chưa được phát triển, vì nhiều lý do mà bị đình chỉ vô thời hạn, chỉ còn sót lại những tờ rơi quảng cáo phân phát cho các khách sạn. Thị trấn ngày càng trở nên hoang tàn, người lên núi ngày càng ít.

Úc Đường đã lâu không gặp một đứa trẻ nào có thể nhìn thấy mình, khi thức giấc, y cũng không còn thích lang thang trên núi nữa, chỉ tìm bừa một tảng đá lớn mà nằm phơi nắng.

Chiều hè, tiếng côn trùng réo rắt nhưng Úc Đường vẫn ngủ ngon lành.

Cho đến khi bị ai đó lay mạnh.

Người lay Úc Đường tỉnh dậy thấy mắt y hé mở một chút, vô cùng lo lắng hỏi: “Cậu có khỏe không? Cậu bị lạc trên núi à? Ngất xỉu vì đói à? Người nhà cậu ở đâu? Có cần hô hấp nhân tạo không?”

Úc Đường chẳng hiểu ra sao cả, nhưng thấy vẻ lo lắng trong mắt cậu bé, rốt cuộc y cũng không nói gì, chỉ nghiêng đầu nhìn chằm chằm vào nó.

Thấy Úc Đường đã hoàn toàn tỉnh táo, cậu bé đưa chai nước cho y, hỏi tại sao y lại ngất xỉu trên núi, nhưng mãi không nhận được câu trả lời.

“Cậu có ngốc không?” Cậu bé đưa tay ra trước mặt Úc Đường, vẫy vẫy: “Cậu có nghe thấy tôi nói không?”

Úc Đường vẫn không lên tiếng, nhưng khi thấy bộ dáng lo lắng của cậu bé, không hiểu sao y bỗng cảm thấy rất dễ chịu, khóe miệng hơi nhếch lên.

Cậu bé thấy vậy cũng không khỏi bật cười, tự giới thiệu mình là Lâm Tu Trúc, cùng cha mẹ về quê hương để cúng tổ tiên. Cha mẹ nó có một kỳ nghỉ hiếm hoi, gia đình bàn bạc muốn tìm một nơi yên tĩnh để vui chơi nên đã về quê ở trấn Vân Hòe với ý định sẽ tận hưởng kỳ nghỉ hè yên bình. Lâm Tu Trúc còn hỏi Úc Đường tên gì, có bị thương không, có cần nước uống hay thức ăn không.

Úc Đường vẫn chỉ cười mà không nói gì, đôi mắt đen láy nhìn thẳng vào cậu bé trước mặt.

Tiếng hót của chim, tiếng kêu của côn trùng trong rừng bỗng chốc biến mất, chỉ còn lại tiếng gió thổi qua những ngọn cây. Nhìn nụ cười trên môi của cậu bạn cùng tuổi xa lạ trước mặt, Lâm Tu Trúc không hiểu sao bỗng cảm thấy sợ hãi.

“Cậu có thể đi không?” Dù sợ hãi nhưng Lâm Tu Trúc vẫn cảm thấy bỏ về thì không yên tâm: “Bằng không thì tôi cõng cậu, cậu ở đây một mình không an toàn.”

Nghĩ đến những câu chuyện người lớn kể để hù dọa mình, Lâm Tu Trúc rùng mình, cảm thấy nhiệt độ trong rừng đã giảm xuống một chút. Nó cố ý hạ thấp giọng nói: “Sơn thần bé ở trên núi này bắt trẻ con đấy!”

“Là ta đây.”

Một cơn gió mạnh thổi từ phía Tây Nam đến, xô lùm cỏ cao ngã rạp sang hướng khác, trong gió, Úc Đường cất lên câu nói đầu tiên kể từ khi họ gặp nhau.

“Cái gì?” Thực ra Lâm Tu Trúc nghe rõ, chỉ là nó không hiểu nên buột miệng hỏi lại như vậy.

Úc Đường tươi cười, mắt cong cong, khuôn mặt xinh đẹp toát ra cảm giác phi nhân loại khó tả.

“Ta chính là Sơn thần bé.” Y vui vẻ nói.



Lời tác giả:

Lâm Tu Trúc: “Vợ tôi là trúc mã từ trên trời rơi xuống! Tôi tự mình tìm được nữa đấy!”



Người dịch: Cây lê mà Úc Đường lấy làm tên là lê lá bạch dương, tiếng Trung gọi là “cam đường, đường lê”, loại lê dại rụng lá có nguồn gốc từ các khu rừng rậm rạp ở miền bắc và miền trung Trung Quốc và Tây Tạng, tên khoa học Pyrus betulifolia Bunge.

Cảm thấy xưng hô hơi loạn, nhưng lười sửa quá =.=|||

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.